Mùa hè:
Cũng như mùa xuân và mùa thu, mùa hè cũng có những bức tranh đẹp gợi cảm:
Dưới trăng, quyên đã gọi hè, (1307)
Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông. (1308)
Khác với các nhà thơ khác miêu tả mùa hè với những ánh nắng vàng rực rỡ, tiếng cuốc kêu khắc khoải, tiếng ve sầu tái tê, hoa phượng đỏ trời, gió nồm lồng lộng, bức hoạ mùa hè trong thơ Nguyễn Du hiện ra trong đêm dưới ánh trăng vàng, âm thanh réo rắc gọi mùa. Cái rực rỡ của ánh mặt trời được thay bằng gam màu đậm đặc rực rỡ của hoa lựu như đang phun ra từng luồng ánh sáng rõ mờ, biến hoá, sống động thần tiên. Sự sống và sắc màu như trổi dậy mạnh mẽ đơm hoa kết trái. Thiên nhiên như khêu gợi con người đi tìm cái đẹp vốn có của thiên nhiên và của chính con người ”toà thiên nhiên”
-Mùa hè còn được ghi nhận trong sự vận chuyển màu sắc, sự vận hành của thời tiết chuyển mùa-xuân sang hè, hè sang thu :
Đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh. (1474)
Sen tàn, cúc lại nở hoa, (1795)
Mùa đông :
Có lẽ đây là mùa thi hào đề cập ít nhất, chỉ một lần duy nhất nhưng nó cũng trở thành“nhân vật” nhằm diễn tả nỗi sầu muộn khắc khoải chờ mong của chàng Thúc đang đếm từng thời gian trôi chày mong ngày gặp lại cố nhân:
Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân. (1796)
Tìm đâu cho thấy cố nhân? (1797)
Dưới ngòi bút của thi hào thời gian co giãn rất linh hoạt. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả các mùa trong thơ Nguyễn Du, Xuân Diệu có viết:”Bốn mùa chuyển rất thần tình …Với một câu thơ , Nguyễn Du cho diễn ra cả một mùa; với hai câu thơ, Nguyễn Du cho diễn ra cả một năm” [92,136] và có khi là cả ba năm”Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”.
Dù xuân hay hạ, thu hay đông, tất cả đều có những tín hiệu đặc trưng, những gam màu phù hợp: gam màu lạnh chủ yếu là màu xanh thường được dùng cho mùa xuân, gam màu nóng chủ yếu là vàng-đỏ thường được dùng cho mùa thu và hè.
Thiên nhiên dưới ngoài bút thi hào như đẹp hai lần. Ngoài những hình ảnh mang tính ước lệ còn có những sáng tạo, phá rào bất ngờ. Những phá rào ấy thường để lại những kiệt tác có một không hai .
2-2) -Cảnh lầu Ngưng Bích:
Như các nhà nghiên cứu đã khẳng định đây là một trong những đoạn thơ tả cảnh ngụ tình hay nhất trong tác phẩm Truyện Kiều. Bức tranh được phác hoạ thông qua cảm quan của con người, nhân vật duy nhất và cũng là trung tâm của bức tranh. Dưới ánh trăng lầu Ngưng Bích như cao hơn (trăng như sắp chạm vào đầu). Nhân vật trữ tình ở trên tầm cao có thể quan sát không gian đủ hướng:
Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân, (1033)
Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung. (1034)
Bốn bề bát ngát xa trông, (1035)
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia. (1306)
Bức tranh mở ra từ từ, mở cả hình ảnh lẫn ngữ âm (âm o sang âm a) và nhạt nhoà dần. Cảnh được phối trí theo kiểu xa gần, cao thấp rõ mờ. Trước hết, đó là cái lầu có tên rất đẹp Ngưng Bích nhưng lại là nơi giam chặt tuổi xuân con người, xa dần là núi, trăng, cát, bụi. Tất cả đều là những sự vật hữu hình nhưng vô cảm cách chia “xa, gần, nọ, kia”. Nét màu chủ đạo và chi phối toàn bức tranh chính là sắc vàng của trăng. Nhưng không phải là trăng “vằng vặc giữa trời” khi Kim Kiều thề ước hay “trăng thanh” khi Từ Hải xuất hiện mà là “trăng gần” với người để chia sẻ nỗi niềm cô đơn, quạnh vắng. Cũng dưới ánh trăng vàng, mọi vật trở nên nhạt nhoà hư ảo. Trong mắt Kiều, núi non trùng điệp với những sắc xanh đậm đặc giờ chỉ còn là những đường viền mờ ảo loáng thoáng vắng lặng, những bãi cát vàng nơi cồn nọ hay những hạt bụi hồng nơi dặm kia trở nên xa vời. Không gian bát ngát, cảnh vật heo hút, con người càng trở nên nhỏ bé, chơ vơ, trơ trọi. Bức tranh được thêu dệt bằng sắc màu hư ảo dù đẹp nhưng buồn, mang đầy chất tâm trạng – hoài niệm, nhớ thương, âu lo.
Trăng hôm nay lại gợi nhớ trăng năm xưa với đôi tình nhân và chén rượu thề nguyền giờ chỉ còn là kỉ niệm. Trong chiều sâu tâm thức của Kiều đã hiện ra hình bóng một người yêu lý tưởng đang khắc khoải chờ mong ngày tái ngộ, hình ảnh người mẹ già không ai chăm sóc, tựa cửa chờ con. Tất cả những bức tranh vô hình trong tâm tưởng đã biến thành những bức tranh hữu hình được thêu dệt bằng ngôn ngữ:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng, (1039)
Tin sương luống những rày trông mai chờ (1040)
Bên trời góc bể bơ vơ, (1041)
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai. (1042)
Xót người tựa cửa hôm mai, (1043)
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?… (1044)
Trở về với thực tại dưới mắt Kiều bức tranh khác lại hiện ra:
Buồn trông cửa bể chiều hôm , (1047)
Thuyền ai thấp thoáng cánh buuồn xa xa? (1048)
Buồn trông ngọn nước mới sa, (1049)
Hoa trôi man mác, biết là về đâu ? (1050)
Buồn trông nội cỏ dàu dàu, (1051)
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh . (1052)
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh, (1053)
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi. (1054)
Bức tranh có cấu trúc khá cân đối: thuyền- bể, nước- hoa, nội cỏ- chân mây, gió -sóng. Trong cái cao lại ứng với cái thấp, trong cái lớn lại bao hàm cái nhỏ, có trên ắt có dưới. Không gian hội hoạ đi từ xa đến gần cuối cùng là trung tâm điểm “ghế ngồi”. Ghế ngồi hình ảnh biểu hiện sự hiện hữu của nhân vật duy nhất trong khung cảnh. Nó lại được bao bọc bởi ánh sáng lờ mờ âm thanh dữ dội, sắc màu pha tạp nhàn nhạt. Đằng sau bức tranh hiện hữu là thế giới nội tâm con người. Một nỗi buồn vây kín không rứt, một sự hãi hùng lo sợ ở tương lai gần, một khát vọng rất con người-khát vọng tự do.
2-3) Trăng:
Trăng là hình ảnh quen thuộc thường xuất hiện trong thi ca. Trước Nguyễn Du và sau Nguyễn Du không ít nhà thơ viết về trăng. Nguyễn Trãi đã có “Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc. Thuyền chở yên hà nặng vạy then ”, Hàn Mặc Tử với ”Thuyền ai đậu bến sông trăng đó. Có chở trăng về kịp tối nay?”, còn ca dao lại viết “Hỡi cô tát nước bên đàng. Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Đó là những bức hoạ trong nhiều bức hoạ tuyệt tác về trăng. Trong tác phẩm Truyện Kiều, trăng còn xuất hiện với tần số lớn hơn nhiều. Khảo sát tác phẩm ta thấy trăng có nhiều ý nghĩa và xuất hiện trong nhiều trường hợp:
-Trước hết, trăng là vẻ đẹp huyền ảo của vũ trụ, nó tôn thêm vẻ đẹp của cảnh vật chung quanh:
Dưới trăng, quyên đã gọi hè, (1307)
Đầu tường lửa lựu lập lèo đâm bông. (1308)
-Trăng thể hiện thời gian trôi chảy, lúc chậm chạp lúc bình thường, lúc khẩn trương gấp gáp, góp phần xác định sự chuyển giao thời tiết. Dưới ngòi bút của thi hào, chỉ có một đôi câu mà có lúc là đêm trăng, có lúc tuần trăng, có lúc là cả một mùa trăng, thậm chí là mấy mùa trăng:
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao, (251)
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng. (252)
Nhẫn từ quán khách lân la, (287)
Tuần trăng thấm thoát nay đà thêm hai. (288)
Lần lần ngày gió đêm trăng, (369)
Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua. (370)
Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ, (1595)
Một niềm quan tái, mấy mùa gió trăng (1596)
-Trăng tạo ra khung cảnh trữ tình để nhân vật xuất hiện tâm tình trao đổi trò chuyện. Nó như đồng cảm lay động sự trở trăn của nhân vật. Thuý Kiều “tựa ngồi bên triện” thì trăng “chênh chênh ”, Thuý Kiều nhẹ gót thì ánh trăng như “đã xế” xuống gần soi bóng nàng Kiều :
Chênh chênh bóng nguyệt xế mành, (186)
Tựa ngồi bên triện, một mình thiu thiu. (187)
Nhặt thưa, gương dọi đầu cành, (433)
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu.(434)
Sinh vừa tựa án thiu thiu, (435)
Giở chiều như tỉnh, giở chiều như mê. (436)
Tiếng sen đã động giấc hoè , (437)
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần. (438)
Người anh hùng Từ Hải đã xuất hiện trong khung cảnh gió mát, trời trong, thiên nhiên huyền ảo. Ánh trăng đã tạo thêm vẻ đẹp huyền bí cho nhân vật huyền thoại:
Lần thâu gió mát trăng thanh. (2165)
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.(2166)
Người anh hùng đi tìm tình yêu có khác. Mượn ánh trăng tên họ Sở đánh tiếng xuất hiện trong sự dè xẻn, lén lút để vừa kiếm được tiền vừa kiếm được tình còn Từ Hải thì rất bất ngờ, đường đột, ngang nhiên, mạnh mẽ.
-Mùa trăng thường đồng nghĩa với mùa của những hoạt động vào đêm. Có người xem đó là mùa chơi trăng, thưởng ngọn cảm tác, có người xem đó là mùa hò hẹn, song cũng có kẻ xem đó là cơ hội thực hiện mục đích của mình. Tú Bà tranh thủ mùa trăng truyền bí quyết về thuật tiếp khách làng chơi cho những ai mới vào nghề:
Vừa tuần nguyệt sáng, gương trong, (1191)
Tú Bà ghé lại thong dong dặn dò: (1192)
Khi “Đoá trà mi đã ngậm trăng nửa vành.”(1092) thì cũng là lúc “Rẽ song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào.”(1094). Và cuộc ra đi lặng lẽ của Sở Khanh- Kiều cũng ngay vào thời điểm đêm trăng :
Đêm thu khắc lậu canh tàn, (1119)
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.(1120)
Lối mòn cỏ nhạt mùi sương , (1121)
Lòng quê đi được bước đường một đau. (1122)
-Trăng còn là hình ảnh gợi hoài niệm, nhớ thương, nỗi đau nỗi buồn. Tất cả quá vãng đẹp đẽ giờ chỉ còn là ảo ảnh chẳng khác nào ánh trăng đã làm nhoè đi mọi vật nhưng làm thao thức những chuyện tình:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng, (1039)
Tin sương luống hãy rày trông mai chơ. (1040)
-Trăng có lúc là người bạn đồng hành, cảm thông toả sáng giúp con người thoát nạn.” Trăng tà về tây” phải chăng là sự định hướng về một lối thoát duy nhất cho Kiều:
Cất mình qua ngọn tường hoa, (2027)
Lần đường theo bóng trăng tà về tây. (2028)
Mịt mù dặm cát đồi cây , (2029)
Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương. (2030)
Khổ nhục trăm bề, Kiều quyết định quyên sinh, trăng lại xuất hiện để chia sẻ nỗi đau cùng tận của con người:
Mảnh trăng đã gác non đoài, (2617)
Một mình luống những đứng ngồi chưa xong. (2618)
-Trăng –sự vĩnh hằng của vũ trụ, trở thành thước đo của lời nguyền ước và là chứng nhân vô ngôn của hai miệng một lời. Nó đem hết nội lực toả sáng, soi rọi, dõi theo, lắng nghe từng lời nguyện thề kết tóc xe tơ. Con người là chứng nhân là chuyện thường tình nhưng vũ trụ tạo hoá trở thành nhân chứng mới là độc đáo. Ai dám thay đổi!
Vầng trăng vằng vặc giữa trời, (449)
Đinh ninh hai miệng, một lời song song. (450)
Còn duyên, may lại còn người , (3073)
Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa.(3974)
-Có khi trăng đã trở thành ẩn dụ tu từ thể hiện sự tàn phai hoặc ngợi ca vẻ đẹp của con người. Cái đẹp càng có giá trị đích thực khi đã trải qua bão táp, đó là cái đẹp của sự trải nghiệm, vẻ đẹp tâm hồn nhân cách:
Bấy chầy, gió táp mưa sa, (3099)
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn. (3100)
Hoa tàn mà lại thêm tươi, (3123)
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa. (3124)
-Trăng còn là biểu tượng của niềm cô đơn, sự chia lìa đôi lứa :
Vầng trăng ai xẻ làm đôi? (1525)
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường. (1526)
Trăng trong thơ Nguyễn Du có nội hàm ý ghĩa rất phong phú. Nếu “ánh nắng buổi chiều là cái nhìn ra không gian” thì “ánh trăng khuya là cái nhìn vào nội giới. Hai tia sáng hội tụ vào ý thức giúp Kiều nhận định rõ chân tướng của định mệnh”[76,176]
Nguyễn Du đã sử dụng khá nhiều nét vẽ khác nhau về trăng - trăng chênh chếch (hơi lệch)” Giương nga chênh chếch dòm song; trăng xế trăng chênh “Chênh chênh bóng nguyệt xế mành “; trăng xẻ đôi chia cắt “Vầng trăng ai xẻ làm đôi”; trăng tròn sáng tỏ”Vầng trăng vằng vặc giữa trời”; trăng đầu tháng, trăng cuối tháng”Tuần trăng khuyết, đĩa dầu vơi”; trăng đầu hôm, trăng giữa hôm, trăng cuối hôm; trăng long lanh đáy nước “Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân”; trăng ngập ngừng trên”Giá trà mi đã ngậm trăng nửa vành”; trăng lúc nhặt, lúc thưa, lúc bao trùm khắp không gian, lúc xuyên qua kẻ lá “Nhặt thưa gương rọi đầu cành” Và còn có cả trăng xuân, trăng thu, trăng hè. Sắc màu của trăng cũng vô cùng biến hoá rất khớp với không gian thời gian khi trăng xuất hiện- lúc thì sắc vàng dịu nhẹ, rõ mờ; lúc thì màu vàng đến độ cực điểm”vằng vặc” toả rộng bát ngát cả một vùng rộng lớn; lúc thì trắng hơi vàng“vẻ ngân”; lúc thì thu nội lực soi rọi vừa đủ để nhân vật hoạt động. Sự biến hoá về sắc màu, đường nét của trăng thường có sự đồng nhất với tình cảm con người. Khi con người trầm tư mộng mơ thì “gương nga chênh chếch”, khi sứ giả Đạm Tiên xuất hiện thì trăng ”chênh chênh bóng nguyệt”, khi có sự chia lìa mất mát thì “trăng khuyết” ”trăng xẻ” và lúc hai tâm hồn hoà điệu thì trăng tròn”vằng vặc”. “Cùng một ánh trăng mà không biết bao nhiêu màu sắc vì diễn tả không biết bao nhiêu tâm trạng: trăng đêm thanh minh sôi nổi, rạo rực, trăng đêm tình tự huyền ảo, êm đềm, trăng đêm lìa nhà hiu quạnh, xót xa, trăng ở lầu xanh chán chường nhạt nhẽo, trăng ly biệt Thúc Sinh đầy nhớ thương mà không hiu quạnh, trăng đêm thoát khỏi nhà Hoạn Thư lạnh lẽo và hãi hùng ,vv…”[27,193]
2-4) Cảnh Kiều ra đi:
Đây là đoạn thơ rất cảm động và ấn tượng. Nguyễn Du đã tạc vào không gian xa tít tắp mọt con người với tấm thân mảnh khảnh lầm lũi trong đồi cát, cỏ cây “mịt mù” và nhạt nhoà dưới màu vàng yếu ớt của trăng khuya, dần dần mất hút trong con đường dài quanh co vạn dặm vắng lặng đến rợn người. Chỉ một tiếng động tĩnh rất khẽ của “dấu giày ”cũng nghe thấu. Cấu trúc bức tranh được xây dựng trong sự tương phản –con người thì quá bé nhỏ trước cái cảnh đêm thì quá mông lung, không gian thì rộng vô tận. Không chỉ có hoạ, bức tranh thơ còn có nhạc- tiếng nhạc đều đều của dấu giày hoà cùng tiếng gà canh khuya văng vẳng đâu đây và trên hết là tiếng nhạc lòng thổn thức lo sợ, tự thương mình :
Canh khuya, thân gái dặm trường, (2031)
Phần e đường xá, phần thương dãi dầu! (2031)
Ngôn từ thơ thật đơn giản nhưng đây lại là hai câu thơ vô cùng đặc sắc. Câu trên mở ra thế giới ngoại cảnh, câu dưới đi vào thế giới tâm cảnh với hai hướng. Kiều cảm thấy lo sợ điều không hay có thể đến”e đường xá” khi hướng ngoại và tự thương thân”thương dãi dầu” khi hướng nội. Cả hai tạo nên một sự cộng hưởng rất lớn về nỗi đau thân phận. Có thể xem đây là lời than thân của người trong cuộc và sự đồng cảm sâu sắc của người ngoài cuộc. Những thanh bằng”canh khuya thân, phần e đường”, những vần có âm vang”trường, đường, thương” liên tiếp xuất hiện trong hai câu thơ làm cho câu thơ có sức âm vang, có khả năng khơi gợi một niềm cảm thương về kiếp “hồng nhan đa truân”. Camera của thi hào Nguyễn Du như đã ria đủ hướng như tìm kiếm, dõi theo từng thao tác của nàng Kiều từ đầu đến cuối, từ khi thân gái yếu ớt mảnh khảnh cố cất mình qua bức tường hoa đầy hiểm nguy đến lúc rời xa khu vườn của nhà họ Hoạn trong cảnh ngộ bơ vơ không thấy đâu là nhà, người thân thích.
2-5) Cảnh sông Tiền Đường :
Nếu trăng trong thơ cụ Nguyễn Du là “nhân vật im lặng” thì sông Tiền Đuờng là nhân vật biết lên tiếng:
Triều đâu nổi tiếng đùng đùng, (2619)
Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường .(2620)
Cảnh sông Tiền Đường vừa được ghi âm, vừa được hoạ tác bằng hình ảnh.Với những nét cong của những con sóng đang cuộn tròn vỗ mạnh vào bờ, Nguyễn Du đã tạo ra một dòng sông với bao sóng nước dao động mạnh mẽ như muốn làm vỡ tung những gì che chắn. Tiếng triều hay là tiếng thét giận dữ bất bình của vũ trụ trước sự bất công của cõi người?
Nhưng khi Thuý Kiều được giải thoát thì sông Tiền Đường lại bình lặng êm ả. Nét vẽ lúc này là những nét trải dài rộng mở, êm nhẹ :
Bốn bề bát ngát mênh mông, (2735)
Triều dâng hôm sớm , mây lồng trước sau. (2736)
Tìm đến cái chết nơi dòng sông là môtif giải thoát thường thấy trong văn học trung đại. Đạm Tiên con người “tài sắc một thì” từng xem nơi đây là mồ chôn của những người tài sắc. Vũ Thị Thiết khi bị bức tử đã quyên sinh nơi dòng sông Hoàng Giang. Khi bị đưa đi cống giặc Ô qua, Kiều Nguyệt Nga cũng tìm đến dòng sông.
3) Chất hoạ trong những bức tranh cảnh sinh hoạt :
Khác với những bức hoạ phong cảnh, những bức hoạ cảnh sinh hoạt thường có nhiều nhân vật, đường nét vận động trong nhiều chiều kích không gian, nhất là không gian rộng lớn.
3-1) Cảnh du xuân:
Cảnh du xuấn được vẽ bằng những nét bút đẹp và sống động :
Thanh minh, trong tiết tháng ba (43)
Lễ là tảo mộ, hội là Đạp thanh. (44)
Gần xa nô nức yến anh , (45)
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân. (46)
Dập dìu tài tử, giai nhân, (47)
Ngựa xe như nước, áo quần như nen. (48)
Ngổn ngang gò đống kéo lên , (49)
Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay. (50)
Mùa xuân, mùa của lễ hội. Lễ hội thanh minh là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào gần cuối mùa xuân. Trong lễ hội đó có phần lễ –tảo mộ và phần hội-đạp thanh. Bức tranh được khắc hoạ trong thời gian tháng ba mùa xuân và không gian tràn ngập ánh sáng với những thảm cỏ xanh trải dài, người qua kẻ lại tấp nập đông vui. Hoạ sĩ đã quan sát nhiều góc độ –gần xa, từ mới bắt đầu “sắm sửa” đến lúc cuộc chơi diễn tiến, sau đó là kết thúc. Nhiều hình ảnh –con người thiên nhiên, mồ mả tro tiền, ngựa xe và toàn bộ những gam màu- nóng, lạnh được huy động. Nổi bật nhất là sắc màu vàng của đồ mả, trắng xám của tro tiền- tiêu biểu của phần lễ và màu vàng nhẹ của nắng xuân, màu xanh hy vọng của cỏ non, sự vận động nhộn nhịp, đường nét mềm mại- tiêu biểu cho phần hội. Khắc hoạ cảnh lễ ra cảnh lễ, cảnh hội ra cảnh hội, cái tài của thi hào Nguyễn Du là ở chỗ đó.
Ngày hội Đạp thanh còn là cơ hội gặp gỡ và cũng là cái ngưỡng có thể làm thay đổi trong đời sống tâm hồn tình cảm của nhân vật. Bức hoạ càng trở nên rất sống động, rực rỡ, vui mắt một phần nhờ nhịp điệu sống khẩn trương dồn dập của những chàng trai cô gái, nhờ những cặp từ đôi diễn tả trạng thái, hoạt động–nô nức, sắm sửa, dập dìu, mô tả sự vật- ngổn ngang, những hình ảnh nối nhau, đối xứng.
Tương phản với cảnh đông vui nhộn nhịp là cảnh về chiều trống vắng lê thê. Cảnh đẹp nhưng man mác buồn:
Tà tà bóng ngả về tây , (51)
Chị em thơ thẩn dan tay ra về. (52)
Bước lần theo ngọn tiểu khê, (53)
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh . (54)
Nao nao dòng nước uốn quanh, (55)
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang. (56)
Sè sè nấm đất bên đường, (57)
Dàu dàu ngọn cỏ, nửa vàng, nửa xanh. (58)
Cảnh có bóng chiều đang xuống chầm chậm, con suối nhỏ, dòng nước trong, nhịp cầu nhỏ nhắn, ngọn cỏ vàng xanh héo úa đang chuyển sắc màu, nấm đất nhỏ nhoi lẻ loi bên đường. Bức tranh được kiến thiết bằng những hình ảnh xinh xắn nhỏ nhắn đáng yêu, bằng những đường nét uốn lượn, gam màu dịu mát hoà hợp– vàng, xanh, trắng trong một bố cục cân đối xa gần, cao thấp- nhịp cầu- dòng nước, nấm đất- ngọn cỏ. Cảnh xinh nhưng buồn. Trung tâm của bức tranh là hình ảnh chị em Thuý Kiều đang cất những bước chân nhẹ nhàng ngắm nhìn từng cảnh sắc một cách lặng lẽ, nghĩ suy, nuối tiếc miên man. Đây còn là bức tranh của tâm trạng. Cái nao nao của dòng nước hay chính là cái nao nao của tâm trạng con người. Ngọn cỏ dàu dàu, nấm đất sè sè hay chính là sự linh cảm về những điều không vui sẽ đến.
3-2) Cảnh lầu xanh :
Khác với bức vẽ giàu chất lãng mạn thông thoáng của cảnh du xuân, bức vẽ cảnh lầu xanh vừa có chất hiện thực vừa giàu tính tượng trưng, điển hình hoá. Nguyễn Du không dùng nhiều đến màu sáng, chủ yếu sử dụng những gam màu tối để tạo ra những hình khối thể hiện sự tấp nập:
Biết bao bướm lả, ong lơi , (1229)
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm! (1230)
Dập dìu lá gió cành chim, (1231)
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh . (1232)
“Bướm, ong, gió, chim, dập dìu, đưa, tìm”, những hình ảnh xuất hiện dồn dập liên tiếp cùng với những hoạt động không ngớt, bức tranh đã thể hiện đúng cái bản chất của lầu xanh : xô bồ, tấp nập, đông đảo, hoạt động vượt qua cái ngưỡng thời gian. Dù bức vẽ được thiết kế trong không gian có giới hạn nhưng nó vẫn gây ấn tượng mạnh bởi những âm thanh náo động của tiếng chân người đến kẻ đi, người đưa kẻ tiễn, tiếng nói, tiếng cười diễn ra thâu đêm suốt sáng. Lối điệp ý ”bướm, ong-gió, chim, lả- lơi ”, cách chuyển những động từ thành những danh từ ”trận cười, cuộc say ” đã diễn tả được sự thường xuyên nhưng rập khuôn, sáo mòn.
Mặc dù chỉ ghi lại hiện tượng nhưng bức vẽ lại có giá trị tố cáo, lên án cái hoạt động tự do ngang nhiên ngoài vòng pháp luật của những ổ chứa, nơi đã làm hoen ố không biết bao nhiêu nhân cách, làm nát tan không biết bao nhiêu gia đình. Đau xót, Kiều phải thốt lên rằng :
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh . (1233)
Giật mình, mình lại thương mình xót xa .(1234)
3-3)Cảnh xử kiện:
Khác với cảnh trên, cảnh xử kiện có vẻ uy nghiêm hơn :
Đất bằng nổi sóng đùng đùng, (1405)
Phủ đường sai lá phiếu hồng thôi tra. (1406)
Cùng nhau theo gót sai nha, (1407)
Song song vào trước sân hoa, lạy quì. (1408)
Trông lên mặt sắt đen sì, (1409)
Lập nghiêm trước đã, ra uy nặng lời: (1410)
Khi miêu tả cảnh xử kiện, Nguyễn Du đã lượt bỏ những chi tiết phụ để tập trung vào chi tiết chính – tội nhân và bản quan, người bị xử và kẻ xử kiện. Hai nhân vật có sự tương phản về đường nét, sắc mặt, ngôn ngữ, hành động. Đối với người bị kiện, Nguyễn Du đặc tả những hình ảnh thể hiện sự tàn phai, tan tác ”Đào hoen, liễu tan, gương lờ, mai gầy”, khúm núm sợ sệt, thái độ căm lặng, chịu đựng”dám kêu, quì lạy”. Ngược lại, đối với người xử kiện, ông chú ý đến thái độ lạnh lùng, ra oai, uy hiếp, ngôn ngữ gắt gỏng, khuôn mặt đầy vẻ cứng rắn, cương nghị “mặt sắt đen sì”. Nguyễn Du khai thác thành công tính chất bất hợp lý của lối xử kiện lạ lùng, ngược đời, hiếm có- sỉ vả Thúc Sinh, đánh đập Thuý Kiều và ra lệnh cho trả về lầu xanh. Nhưng đến khi thấu hiểu sự việc, biết được tài thơ của Thuý Kiều, thì quan xử kiện đã thay đổi thái độ, sẵn sàng làm chủ hôn. Việc quan phủ nhân danh pháp luật thừa nhận cuộc tình duyên của Kiều và Thúc Sinh phần nào phản ảnh quan niệm “Trai năm thê bảy thiếp ”của xã hội xưa. Theo Nguyễn Du ”Chữ tài liền với chữ tai một vần”, song có lẽ ông cũng không loại trừ trường hợp ngoại lệ. Nhờ tài thơ mà Thuý Kiều không phải trở về cuộc sống ô nhục nơi lầu xanh.
3-4) Cảnh đốt nhà bắt cóc :
Cảnh đốt nhà bắt cóc chẳng khác nào một cảnh thực đang diễn ra trước mắt người đọc. Các nhân vật gây án hành động bất ngờ khẩn trương, gọn gàng khéo léo đúng với thao tác của những kẻ chuyên săn người, giết mướn- Khuyển , Ưng:
Dưới hoa dậy lũ ác nhân , (1641)
Ầm ầm khốc quỉ, kinh thần, mọc ra! (1642)
Đầy sân gươm tuốc sáng loà, (1643)
Thất kinh, nàng chửa biết là làm sao (1644)
Thuốc mê đâu đã tưới vào, (1645)
Mơ màng như giấc chiêm bao biết gì! (1646)
Vực ngay lên ngựa tức thì , (1647)
Phòng đào, viện sách , bốn bề lửa dong.(1648)
Cảnh được vẽ bằng những nét vẽ mạnh- nhanh, nhiều nét nhọn của giáo gươm tua tủa gợi dữ dội và những âm thanh rầm rập của tiếng chân đi. Gam màu đỏ bao trùm của bức tranh “bốn bề lửa dong” đặc tả được cảnh khói lửa ngút trời, nhà tan cửa nát. Đối lập với sự dữ tợn, hầm hầm sát khí của bọn người đao phủ thủ chuyên gây án là tấm thân bất động, sự đơn chiếc. Nguyễn Du đã chủ ý vẽ hai cái thây người trong một bức tran– một hồn xiêu phách lạc, một thây vô chủ bên sông. Với hai hình ảnh ấy Nguyễn Du đã gián tiếp tố cáo cái xã hội vô trật tự thiếu kĩ cương nơi đó mạng sống con người chẳng được coi trọng. Pháp luật đâu rồi ? Câu trả lời Nguyễn Du để ngỏ và phần trả lời thuộc về người tiếp nhận.
3-5) CảnhKiều bị đánh đập:
Trong toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều, không ít lần Thuý Kiều bị đánh đập. Mới mua về, Tú Bà đã ra oai bằng cách:”Phải làm cho biết phép tao! Chập bì tiên, rắp sấn vào ra tay.”(977-978). Sau khi bị Sở Khanh lừa vào tròng, Kiều bị đánh đập dữ dội hơn:”Hung hăng chẳng hỏi, chẳng tra. Đang tay vùi liễu, dập hoa tơi bời. Thịt da ai cũng là người, Lòng nào hồng rụng, thắm rời, chẳng đau. Hết lời thú phục, khẩn cầu, Uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa.”(1135-1140). Rồi sau đó Kiều bị quan phủ đánh đập tra khảo”Ba cây chập lại một cành mẫu đơn...Đào hoen quẹn má, liễu tan tác mày...Gương lờ nước thuỷ, mai gầy vóc sương.” (1426-1428-1430). Lần này, người đánh đập lại là mẹ của Hoạn Thư :
côn, ra sức đập vào, (1739)
Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh ! (1740)
Xót thay đào lý một cành, (1741)
Một phen mưa gió, tan tành một phen! (1742)
Nếu đặt bốn bức tranh cạnh nhau, ta sẽ thấy được tài hoạ cảnh của Nguyễn Du. Bốn bức vẽ là bốn bức tranh khác nhau nhưng lại tiếp nối nhau, bổ sung cho nhau: hai lần Kiều bị Tú Bà đánh đánh đập, hai lần Kiều bị bọn quan lại tra khảo, chủ chứa dùng roi da còn bọn quan lại dùng cây và gậy, mức độ và tốc độ đánh cũng ngày càng tăng dần”ra tay, vùi liễu dập hoa, ra sức đập vào”. Trong bốn bức vẽ, hình ảnh người bị đánh được miêu tả đậm nhạt khác nhau. Trong lần đánh thứ nhất, Nguyễn Du không vẽ ra vết tích ở tấm thân nàng Kiều, những vết tích được cảm nhận qua thông tin”bằn bặt giấc tiên” (bất tỉnh), trong lần thứ hai, ông dùng những nét vẽ tỉ mỉ giàu chất hiện thực ” Uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa”. Hai lần sau, ông dùng nhiều đến những ẩn dụ tu từ “Đào hoen, mai gầy, gương lờ, vóc sương, mưa gió, đào lý tan tành”
Bốn lần Kiều bị đánh lại là bốn lý do có khác nhau –Lần đầu vì Kiều bị tên họ Mã làm cho thất tiết, Tú Bà đánh để dằn mặt; lần thứ hai Thuý Kiều bị tên Sở Khanh lừa đi trốn, Tú Bà đánh để làm áp lực đẩy Kiều vào lầu xanh; lần thứ ba, quan phủ đánh vì cái tội ”Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”; và lần thứ tư là do quan niệm “Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai”, Hoạn Bà muốn bảo vệ hạnh phúc của con mình.
Ngoài những nét riêng, bốn bức tranh cũng có những nét chung. Những hình ảnh đối lập tương phản dường như ở bức tranh nào cũng có- đối lập giữa kẻ có tiền có quyền với thân phận con ong cái kiến, giữa vũ lực tàn bạo và tấm thân mảnh khảnh chịu đựng. Chất nhân văn của những trang Kiều chính là thái độ lặng lẽ dõi theo, cảm thông với từng nỗi đau của nàng Kiều.
3-6) Cảnh Kiều hầu hạ vợ chồng Hoạn Thư:
Đây là cảnh trớ trêu nhất. Mới hôm nào Kiều cùng Thúc Sinh chung chăn chung gối, tâm sự tỉ tê thì giờ đây Kiều trở thành “phận con hầu, giữ con hầu dám sai“, sớm khuya hầu hạ, dâng rượu :
Vợ chồng chén tạc, chén thù, (1835)
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi. (1836)
Bắt khoan, bắt nhặt, đến lời, (1837)
Bắt quì tận mặt, bắt mời tận tay . (1837)
Cảnh có ba nhân vật, Thúc Sinh như một kẻ mất hồn luốn cuốn luýnh quýnh, Hoạn Thư -người chủ tiệc ra oai sai khiến, Thuý Kiều –cam chịu. Ba nhân vật với những nét vẽ- kẻ ngồi người đứng, kẻ uống người hầu, kẻ sai người thực hiện. Yêu cầu và hành động diễn ra liên tục và rất khớp nhau. Khác với Hoạn Thư và Thúc Sinh, nhân vật Kiều được Nguyễn Du dành nhiều nét vẽ - lúc đứng, lúc ngồi, lúc quỳ, lúc mời, lúc đến gần, lúc đứng xa, nhanh cũng không được, chậm cũng không xong. Kiểu vẽ này là kiểu vẽ nhiều tranh khác nhau có sự vận động, gần với lối vẽ dùng cho film hoạt hoạ. Dựa vào những tiểu phẩm, ta có một bức vẽ rất chung về hình ảnh nàng Kiều lệ thuộc, hành động chóng vánh. Chưa hả giận, Hoạn Thư còn bắt Thuý Kiều :
Ao xanh đổi lấy cà sa, (1921)
Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền. (1922)
Việc làm đó tưởng đâu là rộng lượng nhưng thực chất là một kiểu đày đoạ tinh vi- huỷ diệt tuổi xuân. Và chắc chắn, những gì Kiều đã trải qua sẽ là những thứ virut gặm nhấm tâm hồn. Vì thế, cửa Thiền bất đắt dĩ sẽ là nơi chất chứa nỗi sầu thảm thương tâm:
Phật tiền thảm lấp sầu vùi, (1929)
Ngày pho thủ tự, đêm nhồi tâm hương. (1930)
Bao nhiêu cách hành hạ là bấy nhiêu nỗi đau- nỗi đau thể xác bị đánh đập, đày đoạ, hầu hạ cộng với nỗi đau tinh thần bị lăng nhục xỉ vả, tất cả kết thành một chuỗi dài về nỗi đau thân phận mà thi hào đã thốt lên “Đau đớn thay phận đàn bà. Lời rằng bạc mệnh lại là lời chung .”
Gieo gió ắt gặt bão, Thuý Kiều đã cho chúng giặt bão như thế nào?
3-7) Cảnh Thuý Kiều báo ân báo oán:
Theo triết lý nhà Phật, người đã bước vào cửa thiền phải biết “Từ bi hỉ xả”, rộng lượng tha thứ. Nhưng theo quan niệm truyền thống của dân gian, báo oán là lẽ đương nhiên. Những thành ngữ như “Ân đền oán trả”, “Gieo gió gặt bão” đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Việt Nam từ bao đời nay. Điều đáng trọng ở Thuý Kiều là cách vận dụng nó như thế nào cho phải đạo, hợp lẽ. Kiều đã xem việc báo ân quan trọng, xem việc sống sao cho có nghĩa, có tình, có trước có sau, thuỷ chung, nhân hậu là cứu cánh. Và Thuý Kiều đã lo báo ân trước khi báo oán. Để làm rõ vấn đề này, Nguyễn Du đã bố trí số lượng câu thơ không ngang nhau- đoạn báo oán chỉ 17 câu (từ câu 2380-2396), trong khi đoạn báo ân 27 câu (từ câu 2325- 2350).
Quan sát hai bức tranh, ta nhận thấy rằng- ngôn ngữ luận tội, luận công của Thuý Kiều vừa có lý vừa có tình, sắc sảo và góc cạnh; cách trả ơn hậu hỉ còn cách báo oán đích đáng nhưng không tàn bạo độc ác; Kiều biết đặt chữ tình lên trên giá trị đồng tiền. Mỗi bức tranh đều có hai màn- màn nhân vật xuất hiện và màn trả ơn trị tội. Nhân vật trung tâm, chánh án phiên toà không ai khác là Vương Thuý Kiều.
Ấn tượng nhất trong hai bức tranh không phải là vàng bạc châu báu quá nhiều để trả ân và những hình ảnh đầu rơi máu chảy trong cuộc báo oán mà chính là lôgíc của nhân vật và lôgíc của câu chuyện. Thúc Sinh vốn là kẻ nhu nhược yếu hèn. Bản chất ấy thể hiện ngay cả trong lúc được báo ân:”Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run”. Hoạn Thư xuất thân trong một gia đình quyền quí, con quan lại bộ, có học, khôn ngoan sắc sảo đã tự làm luật sư bào chữa cho chính hành động phạm tội của mình. Sư Giác Duyên, người đã thoát tục, thích làm điều lành tránh điều dữ, quen với mùi kinh câu kệ. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi sư đón nhận phần thưởng hậu hỉ “nghìn vàng”một cách bình thản. Có lẽ với sư niềm vui lớn nhất là thấy Kiều đã thoát nạn”Nửa phần khíp sợ, nửa phần mừng vui”. Còn đối với Kiều, từ lúc rơi vào cảnh đoạ đày, đây là lần đầu tiên Kiều vươn lên địa vị cao nhất. Lời lẽ và lối xử sự đúng là “Khôn ngoan vốn sẵn tính trời”.
Dưới góc nhìn hội hoạ, hai bức vẽ có những đường nét và sắc màu khác nhau. Khác với bức vẽ trong cảnh báo ân, bức vẽ cảnh báo oán có nhiều nét cắt, gãy và nhiều gam màu đỏ với những cảnh tượng:“Máu rơi, thịt nát, tan tành”. Thơ và hoạ ranh giới rạch ròi, nhưng trong trường hợp này đọc thơ chẳng khác nào xem một bức ảnh, một cảnh xử án thật sự đang diễn ra trước mắt mình. Đó chính là “Thi trung hữu hoạ”, là tài năng trác việt của thi hào Nguyễn Du.
So sánh cách báo oán của Kiều trong Truyện Kiều và cách báo oán của Kiều trong Kim-Vân-Kiều truyện, ai cũng thấy rõ Thanh Tâm Tài Nhân dàn dựng cảnh báo oán quyết liệt dữ dội hơn nhiều:”Bèn truyền quân tẩm dầu thông vào mình Tú Bà, đầu cắm xuống đất, chân trớ lên trời, đốt làm cây đèn để đền thề xưa. Còn Mã Bất Tiến thì dùng găm căng người ra, lột hết da, rút hết gân, xẻ từng tay chân để ứng lời thề của nó.
Lại nấu một vạc dầu nhựa thông lẫn với vỏ cây cho tan ra, một bên để một thùng nước lã, lột sạch quần áo Sở Khanh, một người tưới nhựa thông sôi lên mình Sở Khanh, một người tưới nước lã vào”[83, 295].
3-8) Cảnh Hồ Tôn Hiến đánh úp Từ Hải:
Một đoạn thơ và cũng là một bức hoạ khác hiện ra trước mắt người đọc. Bức hoạ có nhiều nét mới so với những bức hoạ ở trên- tính chất bất ngờ và hình tượng giàu chất điêu khắc:
Hồ công ám hiệu trận tiền, (2513)
Ba bề phát súng, bốn bên kéo cờ. (2514)
Đang khi bất ý chẳng ngờ, (2515)
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn! (2516)
Tử sinh, liều giữa trận tiền, (2517)
Dạn dày cho biết gan liền tướng quân? (2518)
Khí thiêng khi đã về thần, (2519)
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng! (2520)
Đoạn thơ có sức gợi rất lớn. Không miêu tả những cuộc giao tranh trước đó nhưng người đọc vẫn có thể hiểu rằng- đội quân của Hồ Tôn Hiến không ít lần đại bại trước tài năng của Từ Hải. Không có cách nào khác hắn phải lật lộng, nuốt lời và bất ngờ đánh lén! Nét vẽ về người chiến thắng Hồ Tôn Hiến bị mờ đi khi nét vẽ về người anh hùng Từ Hải xuất hiện- một mình vùng vẫy, can trường, gan dạ và hào hùng trước hàng trăm mũi tên và hàng chục lưỡi kiếm. Việc tô đi tô lại cảnh Từ Hải vùng vẫy và cảnh “nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng”, Nguyễn Du như muốn nói lên niềm uất ức nghẹn nghào, khát vọng tự do và công lý chưa thực hiện trọn vẹn của người anh hùng Từ Hải.
3-9)Cảnh Thuý Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến:
Cũng là cảnh hầu rượu nhưng cảnh Thuý Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến (từ câu 2565 đến câu 2698) khác với cảnh Thuý Kiều hầu rượu vợ chồng Hoạn Thư. Không nhỏ nhặt tủn mủn đầy chất đàn bà, không bắt bẻ một cách nghiệt ngã như Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến chỉ:
Bắt nàng thị yến dưới màn, (2567)
Giở say, lại ép cung đàn nhặt tâu. (2568)
Trong một hoàn cảnh đầy bi kịch, nỗi đau của Kiều như tăng lên gấp bội phần. Nếu trước kia Kiều phải hầu rượu cho người mới hôm nào là hôn phu và cả vị hôn thê của hắn thì trong bữa rượu hôm nay Kiều phải phục vụ cho chính người đã giết chồng mình.
Cũng không giống như cảnh náo động với tiếng gươm khua, tiếng gầm thét nơi chiến trường trước đó, cảnh hầu rượu diễn ra nơi hậu trường yên tĩnh âm thầm chỉ có hai nhân vật. Nhân vật Hồ Tôn Hiến hiện lên với nhiều trạng thái dáng vẻ khác nhau: lúc tỉnh táo, lúc say vì men rượu, lúc say men tình, lúc thì say nhè và cuối cùng là sực tỉnh. Trong năm dáng vẻ ứng với ba yêu cầu mang tính bắt buộc-“bắt nàng thị yến dưới màn”,”Giở say, lại ép cung đàn nhặt tâu”, ”Ép tình mới gán cho người thổ quan” thì dáng vẻ khi Hồ Tôn Hiến say men rượu lẫn say men tình”mặt sắt, đắm, say, ngây” chất hoạ thể hiện đậm và rõ nhất. Đây là sự biến thái quá đột ngột, khó lường đã hiện ra trên khuôn mặt của một ông tổng đốc trọng thần vừa bất tài, vừa háo sắc, vừa thiếu tư cách. Đối với Thuý Kiều, Nguyễn Du lại miêu tả bức tranh tâm cảnh, nỗi đau đến quặn lòng thông qua tiếng đàn, lời bộc bạch, và cả những ngón đàn rỏ máu.
3-10)Cảnh sum họp gia đình :
Cảnh sum họp gia đình tạo nên một kết cấu đầu cuối cân xứng, một kết cấu có hậu.
Trông xem đủ mặt mọi nhà : (3009)
Xuân già còn khoẻ, huyên già còn tươi; (3010)
Hai em phương trưởng hoà hai, (3011)
Nọ chàng Kim đó, là người ngày xưa! (3012)
Tưởng bây giờ, là bao giờ, (3013)
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao! (3014)
Giọt châu thánh thót quẹn bào, (3015)
Mừng mừng, tủi tủi, xiết bao sự tình! (3016)
Cảnh được vẽ bằng rất nhiều nét bút với nhiều nhân vật theo một trình tự- chung đến riêng, lớn đến nhỏ, người thân đến người tình và được sắp xếp trong một bố cục cân đối, hợp lý. Mỗi nhân vật lại là một cách thể hiện- phúc hậu khoẻ mạnh, đau đớn( cha mẹ), trưởng thành(hai em), buồn vui pha trộn (Kim Trọng), xót xa cay đắng ngậm ngùi đan xen với niềm hạnh phúc vô bờ, niềm vui vô hạn (Thuý Kiều). Mặc dù đoạn thơ giàu chất trần thuật nhưng vẫn có một vài tố chất của ngôn ngữ hội hoạ. Đó là những nét khắc hoạ về cử chỉ của người mẹ “gieo đầu dưới gối, khóc than kể lể”, những giọt nước mắt lả chả làm hoan ố vạt áo dài của cô Kiều. Nhà thơ còn tạo ra một không khí trầm lắng để ghi âm từng giọt nước mắt “thánh thót”. Cảnh đoàn tụ thật cảm động và dường như niềm vui sướng đã làm cho đường biên giữa hiện thực và giấc mơ ở nhân vật Thuý Kiều đã bị xoá nhoà.
4) Chất hoạ thể hiện qua bức tranh tùng:
Trong tác phẩm Truyện Kiều chỉ có một lần duy nhất thi hào thi hào dùng ngôn ngữ văn học để tả lại một bức hoạ đích thực do chính tay Kim Trọng vẽ và Thuý Kiều đề thơ. Vì thế chất hoạ càng trở nên đậm đặc:
Trên yên, bút giá thi đồng, (397)
Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên. (398)
Phong sương được vẻ thiên nhiên, (399)
Mặn khen nét bút, càng nhìn càng tươi. (400)
Sinh rằng :“phác hoạ vừa rồi, (401)
Phẩm đề, xin một vài lời thêm hoa.” (402)
Bằng hai câu thơ ba hình ảnh:gió- sương -tùng, Nguyễn Du đã tả được một bức tranh thuỷ mặc do chính tay Kim Trọng vẽ. Bức tranh rất sinh động được thiết kế trong một bố cục thông thoáng. Nhìn từ góc độ thẩm mỹ cây tùng là một loài cây đẹp, khoẻ khoắn, vững chải. Cây tùng càng trở nên giàu ý nghĩa và ấn tượng hơn khi nó được đặt trong bối cảnh có những đường nét vận động của gió và bức phông làm nền mờ ảo của sương. Kim Trọng khá thận trọng và cân nhắc khi phối màu. Xanh nhạt- vàng phai nằm trong nhóm màu dịu nhẹ, “Vàng và lơ: hai màu này cho cảm giác xa hơn đỏ nhưng cũng tương phản mạnh. Sự dịu nhẹ do cảm giác tâm lý và do giá trị màu gây nên” [50,85]. Sắc màu”nhạt, phai” còn tạo được ấn tượng phong trần, gió sương. Nhờ lối phối màu này bức vẽ trở nên tự nhiên, giản dị nhưng vẫn hàm súc. Trong nghệ thuật tự nhiên đồng nghĩa với điêu luyện.
Giá trị ý nghĩa của bức tranh vượt ra ngoài những nét vẽ, sắc màu vốn có vì”Mặn khen nét bút, càng nhìn càng tươi”. Cái tươi đó chính là cái thần của bức tranh và chỉ xuất hiện dưới ngòi bút của những thiên tài hội hoạ. Cái tươi đó còn là cái tươi của tâm hồn người xem tranh và người vẽ tranh gởi gắm. Dường như có sự đồng nhất về quan niệm thẩm mỹ và thị giác thẩm mỹ giữa chàng Kim và cô Kiều.
Khi nói đến nhạc, Nguyễn Du dùng đến ngôn ngữ âm nhạc nhưng khi nói đến hoạ, ông lại dùng đến ngôn ngữ của hội hoạ. “Sắc thái đạm thanh vốn là đặc điểm chung của những bức tranh tranh thuỷ mặc, tranh quốc hoạ, tranh thuốc nước cổ, hơn nữa nó còn là thị hiếu chung cái gout của nghệ thuật phong kiến ở Trung Quốc và Việt Nam” [23,163].
Có chăng cây tùng trong bức tranh chính là bóng hình của Kim Trọng, một chỗ dựa đáng tin cậy mà bức thông điệp muốn gởi đến nàng Kiều? Trong thơ văn cây tùng tượng trưng cho người quân tử có khí phách, hiên ngang vững vàng trươc mọi thử thách của cuộc đời. Nguyễn Trãi cũng đã từng bộc bạch khí phách của mình trong bài thơ “Tùng”(Thu đến cây nào chẳng lạ lùng. Một mình lạt thuở ba đông. Lâm tuyền ai rặng già làm khách, Tài đống lương cao ắt cả dùng …..). Cũng với ý nghĩa ấy, Nguyễn Công Trứ có bài thơ “Vịnh mùa đông” (.…Bốn mùa ví những xuân đi cả. Góc núi ai hay sức lão tùng) .
Bức hoạ ngoài việc giúp ta hiểu được tài năng hội hoạ của chàng Kim, tài thơ của Thuý Kiều mà còn hiểu được quan niệm về nghệ thuật của Nguyễn Du. Thi hào không thích những gì loè loẹt, phô trương, ồn ào chỉ thích những gì nhẹ nhàng kín đáo trầm lắng nhưng sâu sắc. Cũng là bức hoạ, nhưng bức hoạ trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đơn sơ hơn rất nhiều: “Bức vẽ này màu xanh nhạt vàng phai, nét bút rất khéo mà sao không đề vịnh?”[83,63]
Tính chất “Thi trung hữu hoạ” trong tác phẩm Truyện Kiều rất nhiều nhưng không có nghĩa là đoạn thơ nào cũng có. Những đoạn thơ giàu chất tự sự, đối thoại, trần thuật sự việc hầu như không có. Có chăng chỉ là một vài nét ở một hai câu thơ. Những đoạn thơ tả chân dung nhân vật, tả phong cảnh, chất hoạ gần như đậm đặc còn những đoạn tả cảnh sinh hoạt chất hoạ lúc đậm lúc nhạt.
Nếu lấy đường nét làm điểm tựa, ta nhận thấy rằng những bức tranh tả cảnh ngụ tình thường có đường nét mềm mại thông thoáng hơn so với những bức tranh tả cảnh Kiều bị đày đoạ, cảnh xử án… Nếu lấy sắc màu làm cơ sở so sánh, ta lại thấy những bức tranh tả phong cảnh thường nặng màu sắc nhẹ đường nét, ngược lại những bức tranh tả cảnh sinh hoạt thường nhẹ màu sắc nặng về đường nét.
Nếu trong thơ Đường gam màu nhạt và nhẹ đã trở thành thông dụng (Tĩnh dạ tứ, Vọng Lư Sơn bộc bố, Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng-Lý Bạch, chùm thơ Tuyệt cú – Đỗ Phủ....) thì trong Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII- XIX màu sắc đậm và rõ lại là sắc màu chủ lực. Nguyễn Du không ít lần dùng sắc đỏ, sắc vàng đậm đặc khi tả rừng phong, vầng trăng, hoa lựu. Đặng Trần Côn khi viết “Chinh phụ ngâm”, cũng đã sử dụng tối đa những gam màu đậm “xanh thăm thẳm” của nền trời, “xanh ngắt” của ngàn dâu, xanh đậm của rêu, màu đỏ như ráng pha của áo.... Trong thơ Hồ Xuân Hương, sắc màu còn đậm hơn: xanh rì, đỏ lòm lom, trắng phau phau, đỏ lét, quần hồng...
“Nguyễn Du không chỉ là thi hào, nhà văn, nhà hoạ sĩ mà còn là nhà triết học và nhà ngôn ngữ học nữa.”(Mrs Heather- người Mỹ, thạc sĩ văn hoá phương Đông -trích lời giới thiệu đĩa nhạc CD Kiều ca)(Song of Kiều). Vốn hiểu biết về hội hoạ của Nguyễn Du rất đáng cảm phục. Ông không chỉ sử dụng chính xác phù hợp ngôn ngữ về sắc màu, những kiểu đường nét mà còn sử dụng nhiều loại hình hội hoạ- hoạ điêu khắc, hoạ chân dung, hoạ cảnh, hoạt hoạ, vẽ nhiều dạng tranh-hiện thực, ấn tượng.
III)KẾT LUẬN:
+Thi hào Nguyễn Du đã tổng hợp và vận dụng rất nhiều dạng ngôn ngữ - ngôn ngữ bác học, ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ thuần Việt, ngôn ngữ Hán Việt, ngôn ngữ giàu chất tạo hình... Tất cả đều được sử dụng đạt đến trình độ uyên thâm. Nhờ thế, ông đã tạo ra những điển hình hoá bất hủ về đủ kiểu nhân vật: Tài sắc như Thuý Kiều, phong nhã như Kim Trọng, anh hùng như Từ Hải, từ tâm tốt bụng như Giác Duyên, lão luyện như Tú Bà, con buôn như họ Mã, tráo trở như Sở Khanh, gian manh như Hồ tôn Hiến, ghen tuông độc địa như Hoạn Thư, tàn ác vô lại như bọn sai nha….Mỗi kiểu nhân vật là một tính cách, một bức hoạ có một không hai. Nó đã trở thành những qui ước của xã hội, là thước đo về nhân cách vẻ đẹp tài năng, sự thấp hèn...
+Những bức hoạ phong cảnh hay những bức hoạ về cảnh sinh hoạt rất đa dạng về màu sắc - trong đó gam màu xanh và gam màu vàng là gam màu chủ lực, phong phú về đường nét, biến hoá trong cách dàn dựng. Dù là những bức tranh của đời sống thực nhưng khi nó được nhào nặn tái tạo thông qua cảm quan của nhà thơ, ngòi bút bậc thầy, nó đã trở nên sống động có hồn, chứa chất tâm trạng. Có những bức hoạ đã trở thành tuyệt tác có một không hai trong nền văn học trung đại nói riêng và văn học dân tộc nói chung ‘’Long lanh đáy nước in trời, Dưới cầu nước chảy trong veo, Vầng trăng ai xẻ làm đôi, Cỏ non xanh rợn chân trời…. ‘’.
Với những tri thức phong phú về nhiều lãnh vực- thi, nhạc, hoạ, triết, ngôn ngữ...., Nguyễn Du đã để thể hiện nhiều vấn đề của cuộc sống trên nhiều bình diện trong một kiệt tác chỉ với 3254 câu thơ lục bát. Nguyễn Du xứng danh với tên gọi ‘’đại thi hào’’, một huyền thoại có một không hai.
-Về nhạc và hoạ trong cảm hứng của người đời sau :
+ Về mặt này có thể nói thi hào Nguyễn Du là thiên tài ‘’mẹ’’. Truyện Kiều đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều nghệ sĩ trên nhiều lĩnh vực như thơ ca, nhạc, hoạ, ca kịch cải lương, tuồng, chèo... Nó đã trở thành một thứ văn hoá Kiều không thể thiếu được đối với người Việt Nam. Cảm hứng sáng tác bằng nhiều hình thức nghệ thuật dù khác nhau nhưng lại cùng một mục đích - phổ cập Truyện Kiều, tạo ra những món ăn tinh thần mới phục vụ cho từng giới thưởng thức nghệ thuật. Nhưng tác động lớn nhất của những nhạc phẩm về Kiều không ai có thể phủ nhận được là « bằng những âm thanh có tổ chức, thông qua thính giác mà nó tác động đến tư tưởng và tình cảm của con người »(Chữ dùng của nhạc sĩ Phạm Tuyên), giúp chúng ta hiểu và cảm sâu hơn về số phận bi thảm của những người tài sắc.
« Có thể nói trong văn học cổ điển Việt Nam, không có một tác phẩm nào ảnh hưởng đến sự sáng tác to lớn như Truyện Kiều, và ngược lại cũng không có một thi sĩ nào có thể sánh với Nguyễn Du trong việc tiếp thu cái phần tinh tế ý nhị mà hàm súc sâu xa của ca dao như Nguyễn Du »[35, 54]. Hơn hai thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày tác phẩm Truyện Kiều ra đời, vậy mà ngày nay nó vẫn còn là niềm cảm hứng nóng hổi cho nhiều nghệ sĩ.
Thơ chấp cánh cho hoạ, khơi nguồn cho nhạc. Nhạc làm tăng thêm độ truyền cảm cho thơ, tăng độ rung trong tâm hồn người đọc. Còn hoạ lại biến những hình tượng thơ, ngôn ngữ thơ thành cái đẹp hiện hữu. Thơ- nhạc- hoạ tôn vẻ đẹp cho nhau, có mối quan hệ khó tách rời khi chúng lại tồn tại trong một chỉnh thể Truyện Kiều.
Thư mục tham khảo
1. Aristote–Nghệ thuật thi ca- Lưu Hiệp- Văn tâm Điêu long- Nhà xuất bản văn học,1999
2. Bùi Minh Toán- Lê A – Đỗ Việt Hùng –Tiếng Việt Thực hành – Nhà xuất bản giáo dục, 2001
3.Bùi Tất Tơm (chủ Biên )- Giáo trình tiếng Việt- Nhà xuất bản giáo dục, 1995
4.Bùi Văn Nguyên - Hà Minh Đức- Thơ ca Việt Nam - Hình thức và thể loại - Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1968
5.Cao Thuý, Ai Bích, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Xuân Mộc, Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Thị Bạch Nhạn- Vài nhận xét sơ bộ về một số câu có ngắt quảng không bình thường trong Truyện Kiều của Nguyễn Du- Tạp chí ngôn ngữ số 1, 1982
6.Dương Quảng Hàm – Việt Nam văn học sử yếu – Nhà xuất bản hội nhà văn, 2002.
7.Đan Phú – Ca vũ nhạc kịch về Kiều.
8.Đào Duy Anh -Khảo luận về Truyện Kiều- Nhà xuất bản văn hoá , H, 1958
9.Đào Thản –Đi tìm một vài ngôn ngữ trong Truyện Kiều-tạp chí văn học số 1-1966.
10.Đặng Thanh Lê - Giảng văn Truyện Kiều - Nhà xuất bản giáo dục, 2001
11.Đặng Ngọc Trân – Cấu trúc hội hoạ - Nhà xuất bản mỹ thuật , 2001
12.Đoàn Thiện Thuật- Ngữ âm tiếng Việt - Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 1999
13.Hà Minh Đức (chủ biên )- Lý luận và văn học- Nhà xuất bản giáo dục, 1998
14.Hà Như Chi - Việt Nam thi văn giảng luận – Nhà xuất bản sống mới, 1970
15.Hoàng Trinh -Văn học so sánh và tiếp nhận văn học- Tạp chí văn học số 4-1980
16.Hoàng Như Mai-Bức tranh ngày xuân –Giáo dục sáng tạo, xuân Đinh Sửu, 1997.
17.Huỳnh Vân- Quan hệ văn học- Hiện thực và vấn đề tác động, tiếp nhận và giao tiếp thẩm mỹ. Văn học và hiện thực- Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1990.
18.Khâu Chấn Thanh- Lý luận văn học, nghệ thuật cổ điển Trung Quốc- Nhà xuất bản giáo dục, Hà Nội,1994
19.Lâm Vinh–Mỹ học về cái đẹp-về nghệ thuật-về con người- Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh,1997
20.Lê Bá Hán, Trần Đình Sử- Nguyễn Khắc Phi ( Chủ biên )- Thuật ngữ tự điển văn học - Nhà xuất bản giáo dục, 1992.
21.Lê Bảo, Hà Minh Đức, Đỗ Kim Hồi….Giảng văn Văn học Việt nam- Nhà xuất bản giáo dục, 2001
22.Lê Hữu Mục-Pham Thị Nhung-Đặng Quốc Cơ- Truyện Kiều và tuổi trẻ- Nhà xuất bản Pari, 1998
23.Lê Ngọc Trà -Lý luận và văn học- Nhà xuất bản trẻ thành phố Hồ chí Minh, 1990.
24.Lê Thu Yến – Nhà văn trong nhà trường - Nhà xuất bản giáo dục, 2002
25.Lê Thu Yến( Chủ biên )-Văn học trung đại những công trình nghiên cứu - Nhà xuất bản giáo dục, 2002
26.Lê Thu Yến - Nguyễn Du và Truyện Kiều trong cảm hứng thơ người đời sau- Nhà xuất bản giáo dục, 2001
27.Lê Trí Viễn - Phan Côn - Đặng Thanh Lê- Phạm Văn Luận- Lê Hoài Nam - Lịch sử văn học Việt Nam tập 3 - Nhà xuất bản giáo dục, 1976.
28.Lê Trí Viễn- Qui luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam- Nhà xuất bản giáo dục,1998.
29.Lê Trí Viễn- Đặc trưng văn học trung đại - Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, 1996.
30.Lê Xuân Lít- Tìm hiểu từ ngữ Truyện Kiều- Nhà xuất bản Đại học quốc gia, 2001
31.Lưu Trọng Lư - Nhật Ký đọc Kiều - Nhà xuất bản hội nhà văn-H,1995.
32. M-Gorky- Bàn về văn học- Nhà xuất bản văn học Hà Nội, 1965
33.Mai Hoa- Tranh (Trích từ Truyện Kiều- Nhà xuất bản văn hoá thông tin Hà Nội, 1999)
34.Mai Quốc Liên – Tạp luận –Nhà xuất bản văn học trung tâm nghiên cứu quốc học,1999
35.Mai Quốc Liên- Dòng văn học bác học và dòng văn học bình dân-Tạp chí văn học số 6-1966.
36.M.B.Khraptrenkô - Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực con người - Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, 1984.
37.Nhất Hạnh -Kiều và văn nghệ đứt ruột- Nhà xuất bản Lá Bối.
38.Nhất Hạnh – Thả một bè lau – Nhà xuất bản Lá Bối.
39.Nhiều tác giả- Từ trong di sản – Nhà xuất bản tác phẩm mới,1981.
40.N-Khasenco- Bản chất cái đẹp - Nhà xuất bản thanh niên,19
41.Nguyễn Anh Vinh –Hoạ sĩ- tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Hà Nội- cựu chủ tịch Hội mỹ thuật Khánh Hoà (Tham khảo ý kiến)
42.Nguyễn Du- Tác gia và tác phẩm- Nhà xuất bản giáo dục năm, 1999.
43. Nguyễn Du -Truyện Kiều -Nhà xuất bản văn hoá thông tin Hà Nội, 1999; Nhà xuất bản Đà Nẵng, 19 ; nhà xuất bản Đồng Nai, 2001
44.Nguyễn Đăng Thục – Thế giới thi ca Nguyễn Du- Kinh thi, S, xb, 1971.
45.Nguyễn Đăng Cư- Kiều vận tập thành -Trung quân thư quán, Huế,1932.
46. Nguyễn Đăng Mạnh- Trần Đăng Xuyền - Những bài văn hay và khó - Nhà xuất bản giáo dục, 1995
47.Nguyễn Gia Thiều-Cung oán ngâm khúc-Sách giáo khoa tân việt –in lần thứ tư.
48.Nguyễn Lai - Ngôn ngữ với sáng tạo tiếp nhận văn học- Nhà xuất bản giáo duc, 1998.
49.Nguyễn Lộc–Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII- hết thế kỷ XIX- Nhà xuất bản giáo dục, 1999
50.Nguyễn Quân- Tiếng nói của hình và sắc- Nhà xuất bản văn hoá, 1986
51.Nguyễn Quảng Tuân- Mấy nhận xét về tranh vẽ minh hoạ truyện Kiều - Mỹ thuật thời nay- số 17 tháng 1-1992.
52.Nguyễn Quảng Tuân- Chữ nghĩa Truyện Kiều- Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1990.
53.Nguyễn Quốc Phẩm -Ảnh
54.Nguyễn Thị Hợp- tranh (Trích từ Kim Vân Kiều- Nhà sách khai trí Sài Gòn,1968)
55.Nguyễn Trí Tích- Viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều- Nhà xuất bản Thanh niên, 2001.
56.Nguyễn Văn Dân - Lý luận văn học so sánh - Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà nội, 1998.
57.Nguyễn Văn Hạnh- Huỳnh Như Phương - Lý luận văn học vấn đề và suy nghĩ- Nhà xuất bản giáo dục,1999
58.Nguyễn Văn Hạnh –Ý kiến của Lê nin về mối quan hệ giữa văn học và đời sống – Tạp chí văn học, số 4 – 1971
59.Nguyễn Văn Hạnh- Một số điểm cần nói rõ thêm về mối quan hệ giữa văn học và đời sống- Tạp chí văn học số 6- 1992.
60.Nguyễn Văn Hoàn –Thể lục bát từ ca dao đến Truyện Kiều-Tạp chí văn học số 1, 1974
61.Phan Công Khanh – Lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều - Luận văn tiến sĩ.
62.Phan Kế Bính -Việt hán văn khảo– Nhà xuất bản Mặc Lâm-tháng giêng, năm M CM LXX.
63.Phan Ngọc –Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều- Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1985
64.Phạm Cung -Tranh (Trích từ Histoire de Thuý Kiều-bản dịch tiếng Pháp Lưu Hoài-Nhà xuất bản văn hoá, 19 )
65.Phạm Duy - Đĩa nhạc CD Kiều ca.
66.Phạm Huy Thục -Đạo diễn, Giảng viên trường sân khấu điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh-(Tham khảo ý kiến)
67.Phạm Tú Hương –Lý thuyết âm nhạc cơ bản –Nhà xuất bản giáo dục, 1999
68.Phạm Thu Thương – Tranh - Trích từ Truyện Kiều- nhà xuất bản Pari, 1951
69.Phạm Đan Quế – Lục bát hậu Truyện Kiều- Nhà xuất bản thanh niên, 2002
70.Phạm Đan Quế- Tập Kiều một thú chơi tao nhã- Nhà xuất bản văn hoá, 1994
71.Phạm Đan Quế -Về những thủ pháp nghệ thuật trong văn chương Truyện Kiều-Nhà xuất bản giáo dục, 2002
72.Phương Lựu -Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam - Nhà xuất bản giáo dục, 1985
73.R- Jakobson- Thi pháp học – tài liệu tham khảo, 1994
74. Tạp chí Sân khấu- Hội nghệ thuật sân khấu Việt Nam- Số 11, 2002
75.Trịnh Bá Dĩnh với sự cộng tác của Nguyễn Bá Sơn, Vũ Thanh –Nguyễn Du tác gia và tác phẩm –Nhà xuất bản giáo dục, 1999.
76.Trịnh Bá Dĩnh tuyển chọn- Bình giải Truyện Kiều - Nhà xuất bản văn học Hà Nội, 2000
77.Triêu Dương –Tìm hiểu và suy nghĩ – Nhà xuất bản tác phẩm mới, 1982
78.Trương Vĩnh Ký- Minh tâm bửu giám – Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ chí Minh, 1991.
79.Song Yên- Tranh(Trích từ Viết về Truyện Kiều của Nguyễn Trí Tích,Nhà xuất bản Thanh niên,2001)
80.Trần Kim Lý Thái Thuận – tranh Trương Quân–Truyện Kiều bằng tranh –Nhà xuất bản văn hoá dân tộc, 2000.
81.Trần Thanh Đạm –Dẫn luận văn học so sánh –Tủ sách đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 1995
82.Thanh Lãng- Nguyễn Du như là một huyền thoại - Nghiên cứu Văn học –Số 6, 1971.
83.Thanh Tâm Tài Nhân - Kim Vân Kiều truyện - Nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội, 1999.
84.Trương Chính – Thơ văn Nguyễn công Trứ –Nhà xuất bản văn học, 1983
85.Trương Thìn - Kiều ca một xe trong cõi hồng trần - Nhà xuất bản văn nghệ thành phố Hồ chí Minh, 1997.(Tham khảo ý kiến)
86.Trương Thìn- tranh Kiều (Trích từ Kiều ca –Một xe trong cõi hồng trần- Nhà xuất bản văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh,1997)
87.Trần Đình Sử –Mấy vấn đề về thi pháp văn học trung đại- Nhà xuất bản giáo dục,1999
88.Trần Đình Sử- Thi pháp thơ Tố Hữu- Nhà xuất bản mới, Hội nhà văn Việt Nam, 1987
89.Trần Phương Hồ – Điển tích trong Truyện Kiều - Nhà xuất bản Đồng Nai, 1996
90.Tú Duyên – tranh- trích từ Truyện Kiều và tuổi trẻ- Nhà xuất bản pari,1998
91.Từ Điển Tiếng Việt- Trung tâm từ điển ngôn ngữ Hà Nội, 1992.
92.Xuân Diệu- Toàn tập (tập VI ) - Nhà xuất bản Văn học, 2001
93.Vũ Cao Đàm -Tranh –Trích từ quyển Kim Vân Kiều- Nhà xuất bản Pari, 1951
94.Vũ Đình Ân- Đĩa nghạc CD - Hợp xướng Truyện Kiều.
95.Vũ Thanh Việt- Thơ Nguyễn Bính - Những lời bình – Nhà xuất bản văn hoá thông tin Hà Nội,1999
96.Vương Thuý Kiều - Chú giải tân truyện- Tản Đà chú giải- Nhà xuất bản Đồng Nai, 2002.