Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
918
123.197.073
 
Lời Chào Ngọn Gió – Lời Chào Nhân Gian Của Nhà Thơ Chim Trắng.
Trần Hữu Dũng

 

“Lời chào ngọn gió”; tập Di cảo thơ của nhà thơ Chim Trắng, do NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành vào cuối tháng 8 năm 2012 nhân một năm ngày mất của ông.

 

Tập sách dày 220 trang, khổ 13X20 cm, gồm 3 phần: - Thơ Chim Trắng, Lời chào ngọn gió. –Một số  hình ảnh nhà thơ Chim Trắng với gia đình và bạn bè…- Những bài viết về thơ Chim Trắng và những kỷ niệm với nhà thơ.

 

“Nhà thơ Chim Trắng tên khai sinh là Hồ Văn Ba, sinh ngày 18 tháng 5 năm 1938, tại Tam Phước, Châu Thành, Bến Tre. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ phong trào “Bảo vệ hòa bình” của luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ năm 1955. Ông từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam hai lần tại Mỹ Tho và Sài Gòn. Bút danh Chim Trắng ra đời trong giai đoạn này. Từ 1961, ông vào chiến khu, làm việc tại tiểu ban Văn nghệ tỉnh Bến Tre. Sau đó vào R, làm việc tại tiểu ban Văn nghệ miền. Sau năm 1975, ông làm việc tại tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh và đảm nhiệm chức vụ tổng biên tập từ năm 1995 đến năm 2006. Đồng thời ông là thành viên BCH Hội Nhà văn thành phố khóa 1, 2, 3 và giữ chức vụ phó tổng thư ký trong nhiệm kỳ 3. Ông cũng là thành viên hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Với thành tích hoạt động cách mạng và hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ, ông đã được nhiều phần thưởng quí giá, trong đó có giải thưởng nhà nước năm 2012…Các tập thơ Có đâu như ở miền Nam (in chung với Lê Anh Xuân, Viễn Phương, 1966), Tên em rực rỡ vô cùng (1979), Đồng bằng tình yêu (1973), Một góc quê hương (1974), …Sau năm 1975, khi trở về với cuộc sống đời thường ở một thành phố lớn, ông vẫn không ngừng viết. Những ngả đường (1980-giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam), Dấu vết nhỏ nhoi (1984), Khi tình yêu lên tiếng (1987), Có một mùa thu trong (1990), Thơ Chim Trắng-Cỏ gai (1998), Hát lời cỏ hát (1999), Quán bạn (in chung, 2001), Nhân có chim sẻ về (2006), Cỏ khóc dưới chân tôi (2008) là minh chứng cho sức sáng tạo mạnh mẽ của ông.”. (Trích Lời tựa Một giọng thơ không thể quên! NXB Văn hóa – Văn nghệ TP HCM).

 

Di cảo Thơ của Chim Trắng chỉ vỏn vẹn có 29 bài, chiếm số trang khiêm tốn 49 trang in, đúng như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết Về di cảo thơ Chim Trắng: “Những bài thơ này ông gửi trong lúc nằm đau, bảo tôi ngó sơ qua coi có ngon không. Những bài thơ buồn, xanh xao, hoang mang nỗi cô độc không bờ bến. Ông đặt tên cho tập bản thảo là Lời chào ngọn gió. Tôi không biết bài thơ nào ông đã viết khi còn khỏe mạnh, bài nào run rẩy ra đời trong lúc ông đọc bằng cái giọng run rẩy để cho cô y tá đánh máy giúp. Ông vẫn liên tục chỉnh sửa bản thảo này, và gửi lại cho tôi lần hai, lần ba, viết trong email rằng chú đang rảnh lắm, tự nhiên hăng lắm, còn nhiều ý tưởng viết lắm nhưng không biết có kịp không, đừng có cằn nhằn người già nghen.”.

 

Em như con cá ấy

Biệt tăm rồi! Tôi cúi xuống sông xanh

Ngụm mấy ngụm liền nhả trả

Biết đâu nghe mùi quen thuộc cũ

Cá sẽ trừng lên ăn móng một lần

(Mùa nhớ)

 

Vậy đó, ông vẫn ấp ủ một thứ tình yêu chung thủy, đau đớn:

 

Em là hạ tình yêu thứ nhất

Mùa thu bức tử em rồi

Hư ảo thế mà ta vẫn ngả

Vết thương đau cũng tự lòng ta rên rỉ

(Hạ)

 

Kể cả lúc đến xứ Hàn xa xôi, ông vẫn luôn cô độc:

 

Sóng ở Zeju-Tô bất chấp mọi qui định của loài biển trên trái đất - vỗ ngược chiều hướng gió – em theo qui định nào chạy song song cùng ta chờ gặp ở vô cùng?

….

Và mùa thu chầm chậm trôi đi như chẳng muốn trôi đi.

(Chầm chậm mùa thu)

 

Phần ba là hàng chục bài viết về thơ ông, bày tỏ niềm thương tiếc, yêu quí, kính trọng tài năng và nhân cách của nhà thơ Chim Trắng của Lê Chí, Thanh Thảo, Ý Nhi, Hoàng Đình Quang, Nguyễn Nhật Ánh, Phạm Thị Ngọc Liên…

 

Tập sách nầy ra đời nhân ngày giỗ đầu của ông, đọc chậm rãi từng trang chúng tôi bùi ngùi nhớ đến một gương mặt nhà thơ tiêu biểu của văn học Nam bộ, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc yêu thơ văn.

 

 

THƠ CHIM TRẮNG TRONG DI CẢO THƠ

 

CÀ PHÊ SÁNG

 

Sáng pha một tách cà phê nóng

Cau Thu Bồn* trồng rụng một tàu lá vàng

Gọi một người bạn Sài Gòn bên kia dạ

Trời xanh màu lá mạ non

Bấm số già Hy** tít tít tít

Nửa muốn gọi người tình từ lâu quên mất hỏi bây giờ nhà có treo thêm giải thưởng gì không!

Cảm ơn Em chẳng biết làm thơ chỉ biết chọn cà phê ngon gửi về từ Đắklắk

 

Mỗi sáng cà phê sáng

Cau Thu Bồn soạt một tàu lá vàng

Lớn thêm một ngấn

 

Cà phê sáng

Nhắm mắt thấy người đã chết thân ái mỉm cười

Mở mắt nhìn người đang sống cứ như không.

*Nhà thơ Thu Bồn

**Nhà văn Trang Thế Hy

 

 

CHẦM CHẬM MÙA THU

 

Một giọng trầm chỉ biển cùng ta nghe thấy

Em thôi miên tôi chỉ một cái nhìn

Biển trắng – đen mơ hồ mời gọi. Chiều lạnh trắng.

 

Sóng ở Zeju-Tô* bất chấp mọi qui định của loài biển trên trái đất – vỗ ngược chiều hướng gió – em theo qui định nào chạy song song cùng ta chờ gặp gỡ ở vô cùng?

 

Nhắm mắt chút thôi – cuồn cuộn mây giăng trùng trùng núi dựng.

Tôi hụp xuống biển của riêng mình như một tên biệt kích bị phát hiện bỏ chạy. Và mùa thu chầm chậm trôi đi như chẳng muốn trôi đi.

 

Sóng vẫn nguyên vẹn – rã tan rã tan – nguyên vẹn. Muốn cắm xuống miếng bọt biển đã tích tụ nghìn trùng con sóng kia một câu hỏi. Vô ích! Bọt biển vẫn là bọt biển vô thanh.

 

Thôi hãy gửi lại biển đảo trầm tư này vài giọt buồn – xin thứ lỗi – Tôi hoán đổi mang miếng bọt biển nhẹ tênh từ em trao tặng như không hề có trên tay lòng mang nặng điều gì không rõ. Và mùa thu chầm chậm trôi đi như chẳng muốn trôi đi.

 

*Biển đảo du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc.

 

 

MUỘN

 

Chợt một mình ở Tuyết*

 

Cuộc hẹn muộn nửa giờ tôi ngồi so đũa

So hoài đũa vẫn so le

 

Người đàn bà ấy thường mặc toàn đen tang chế

Có lần tôi nhìn nghiêng lòng chợt xanh thêm

Chợt lá úa vàng rơi chợt hồi sinh biếc lá

 

Thôi đừng đến người ơi ở đây tuyết giá

Băng sẽ không tan mùa xuân không đến

Đừng mai táng cuộc tình mình như thế!

 

Thôi đừng đến nhé

Tê buốt này sẽ phong kín cuộc đời kia.

 

*Tuyết – tên quán ăn Nhật ở TP. HCM.

 

Trần Hữu Dũng
Số lần đọc: 2378
Ngày đăng: 17.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đường Vào Văn Chương PHÊ BÌNH LÝ TRÍ VĂN CHƯƠNG của đặng phùng quân - Đào Trung Đạo
Nửa thế kỷ lưu lạc - Lê Hải*
Bộ sách phi thường - Lý Đợi
Khoảng cách vô hình - Đinh Lê Na
Đọc “Lang Thang Cố Xứ” Thấy Sông Quê Đang Chảy… - Nguyễn Tam Phù Sa
Trịnh Công Sơn không là Bob Dylan - Nguyễn Duy
Các nhà tiên phong người Portugal và ngôn ngữ học Việt Nam - Đoàn Xuân Kiên
Không Có Gì Trôi Đi Mất - Trần Trung Sáng
Người ở lại Hồng Kông - Lê Hải*
Từ thế-giới-tôi đến với thế-giới-bạn - Trần Hữu Dũng
Cùng một tác giả
An Giang (thơ)
Du hành (thơ)
Mưa (thơ)