Ngói bít đốc là loại ngói dùng để lợp ở phần đầu của bờ nóc, bờ dải trong các kiến trúc cổ. Ngói bít đốc thời Hồ tương đối đa dạng và được trang trí cầu kì tỉ mỉ. Trong số các di tích của thời Hồ còn lại, sự phong phú của ngói bít đốc phải kể đến di tích đàn Nam Giao.
Ngói bít đốc gồm hai phần: đầu ngói và thân ngói. Đầu ngói hầu hết tạo hình đuôi én, và được trang trí hoa văn. Thân ngói hình ống (bổ dọc 3/4), không trang trí hoa văn. Căn cứ vào hoa văn trang trí chúng tôi chia ngói bít đốc thành 7 loại.
Loại 1: Mặt ngói khắc chìm lá đề cách điệu.
Đầu ngói, phía trên cong hình cung, phía dưới chân cắt vát hình đuôi én. Mặt phải khắc chìm lá đề 2 lớp, mũi lá đề quay lên phần lưng ngói, lá đề làm thành hình đuôi én giống như chân ngói, khoảng giữa lá đề có 2 vạch chìm song song thể hiện sống giữa của lá đề. Thân ngói hình lòng máng, mặt cắt ngang hình chữ D. Cổ ngói thấp hơn thân ngói để đặt nối tiếp viên khác lên. Chỗ rộng nhất của đầu ngói là 26cm, cao 14cm, thân dày 1,5cm.
Loại 2: Đầu ngói cong khắc chìm và nổi hình soắn ốc, chữ s đứng
Loại này rất hiếm chỉ phát hiện được 1 hiện vật duy nhất trong đợt khai quật Nam Giao lần thứ 3. Mặc dù vậy tiêu bản này cũng bị vỡ thành 3 mảnh nhỏ và chỉ còn phần đầu ngói. Tiêu bản tương tự được tìm thấy ở di tích Ly Cung.
Loại 3: Mặt ngói trang trí cúc dây hình sin cách điệu. Có 2 kiểu:
Kiểu 1: Đầu ngói khắc chìm cành lá, mỗi bên có 6 lá xoắn cuộn hình dấu hỏi đối xứng nhau, diềm trơn, nét khắc mảnh tinh tế.
Kiểu 1: Mặt ngói trang trí cúc dây cách điệu, diềm đầu ngói ấn chìm băng đinh tròn. Ngói bị vỡ chỉ còn phần đầu và thân. Phần còn lại của đầu ngói cho thấy nó được khắc chìm hình cúc dây cách điệu. Tuy nhiên so với kiểu 1 thì đầu ngói kiểu 2 nét khắc thô và môtip trang trí không tinh tế bằng. Diềm ngói được sử dụng ống tre hoặc nứa ấn tạo thành nhiều hình tròn. Chiều rộng còn lại của đầu ngói là 14cm, cao 9,5cm, chỗ rộng nhất 3,5cm.
Loại 4: Mặt ngói trang trí hình mây – rồng.
Đầu ngói: hình đuôi én, lưng cong doãng, hai góc nhọn, diềm ngói để trơn, mặt ngoài của đầu ngói khắc chìm băng chữ S cách điệu, mây hình khánh kết hợp với hình rồng.
Loại 5:
Mặt ngói hình đuôi én, khắc chìm các đường cong và đường thẳng song song. Ngói có kích thước lớn. Đầu ngói có lưng cong, một góc tròn và một góc nhọn, chân của mặt ngói cắt hình đuôi én. Mặt ngói có một đường thẳng khắc chìm chia mặt ngói thành 2 nửa, ở mỗi nửa khắc chìm hai đường thẳng song song theo đường viền của chân ngói. Đầu ngói có chiều rộng đủ là 29cm, cao còn lại 16cm, dày 1,5cm. Thân ngói hình ống bổ 1/3, doãng lòng, bụng ngói rộng 27cm, chiều dài còn lại 10cm, dày 1,5cm. Đầu và thân ngói được làm rời sau đó mới gắn lại với nhau từ khi đất còn ướt.
Loại 6:
Mặt ngói trang trí hình cành hoa có hai lớp cánh. Cánh hoa được khắc theo đường viền của đầu ngói. Loại ngói này trang trí đơn giản ở điểm giữa của lưng ngói tạo một góc nhọn nhô lên khỏi lưng ngói. Tất cả đều bị vỡ không xác định được kích thước..
Loại 7 Mặt ngói không trang trí hoa văn, chia làm 2 kiểu:
Kiểu 1: Đầu ngói hình bán viên, 2 góc trên cong, mặt của đầu ngói phẳng, không trang trí hoa văn. Thân ngói hình ống bổ 1/3, bụng rộng 28cm, thân dày 1,2 – 1,5cm. Loại ngói này có độ nung thấp, màu đỏ tươi, được làm từ chất liệu sét mịn có lẫn ít hạt sỏi son.
Kiểu 2: Đầu ngói hình bán viên, 2 góc trên nhọn có các vết chải, mặt của đầu ngói phẳng, không trang trí hoa văn. Thân ngói hình ống bổ 1/3, bụng ngói còn đủ chiều rộng là 24,5cm, loại ngói này tương đối mỏng, đầu của thân ngói chỉ dày 1 - 1,3cm.
Từ việc nghiên cứu loại hình ngói bít đốc ở đàn Nam Giao nhà Hồ đã cho thấy:
1. Chỉ là một đơn nguyên kiến trúc nhưng đàn Nam Giao nhà Hồ đã sử dụng khá nhiều loại ngói bít đốc, chứng tỏ di tích tâm linh này có tầm quan trọng đặc biệt, bộ mái được làm cầu kì, phúc tạp. Với nhiều loại ngói bít đốc khác nhau cũng đã cho thấy bờ nóc, bờ dải cũng được trang trí khác nhau.
2. Sử dụng ngói bít đốc trên bộ mái là một trong kĩ thuật, phong cách trang trí kiến trúc ở cuối Trần – thời Hồ. Hiện chúng ta còn chưa biết các giai đoạn trước ngói bít đốc có được sử dụng hay không.
3. Ba di tích thời Hồ là Thành nhà Hồ, Li Cung và đàn Nam Giao thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu kiến trúc cổ Việt Nam từ cuối Trần đến thời Hồ. Nhà Hồ không chỉ để lại kiệt tác kiến trúc xây bằng đá mà còn kế thừa, phát triển các ông trình kiến trúc bằng vật liệu đất nung./.
Các loại hình ngói bít đốc ở đàn Nam Giao nhà Hồ