Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.230
123.153.682
 
Những Đêm Mất Ngủ Của Hắc Trân Châu
Võ Anh Cương

 

Con đường thiên lý bắt đầu từ đâu không rõ, nhưng với Hương, lúc đi qua địa phận Khánh Vĩnh và khi đường 723 hòa vào quốc lộ số 1A từ Nam ra Bắc là chạm vào con đường đi ngược với một thời mở cõi. Xuôi Nam và ngược Bắc là vậy chăng? Đêm đầu tiên ở Đà Nẵng, đêm thứ hai ở Vinh và đêm thứ ba là Hà Nội. Tạm bỏ con đường số 1A vẫn ngược lên phía Bắc, hãy dừng lại ở thủ đô, Khu triển lãm Vân Hồ.

 

Hà Nội mùa thu thời tiết có dịu dàng như Hương thường nghĩ? Hà Nội đẹp và mang một chút nét cổ xưa của một thời được gọi là Kẻ Chợ như khi còn đi học Hương  đọc được trong các tản văn? Lúc này Hương đang chạm vào thành phố bên trong sông. Là chỗ nào ấy nhỉ, thành phố lạ lẫm nên Hương không biết mình chạm vào Hà Nội từ đâu? Thì thôi vậy, Hương chỉ biết mình đã có mặt ở Hà Nội là tuyệt vời rồi. Tuy mệt đến đứt hơi nhưng Hương vẫn cố mở to mắt để thu nhận một chút quang cảnh Hà Nội vào trong tâm trí của mình. Hương thở ra, nghe nói mùa thu Hà Nội là thời gian đẹp nhất trong năm, đã chạm thu rồi sao Hương chưa nhận ra một chút heo may của Hà Nội? Hương thấy trời còn oi bức lắm, mấy chiếc áo lạnh đem theo chắc là không dùng đến, mà heo may là cái gì, trong đầu Hương không thể hình dung nỗi trạng thái thời tiết mà người ta hay tả về mùa thu xứ Bắc.

 

Mấy ngày mệt mỏi ngồi xe vượt hàng ngàn cây số, vậy mà đêm nay Hương ngủ không ngon lắm, cho dù rất mệt. Cảm giác xa nhà luôn đè nặng trong lòng, đêm càng sâu cái cảm giác ấy càng lớn đến nỗi nó choáng hết giấc ngủ lẽ ra phải thật say nồng. Tại sao như vậy chứ, đâu phải lần đầu tiên Hương xa nhà, đâu phải chuyến đi công tác này là lần thứ nhất? Nhưng rõ ràng lần này Hương đi xa nhất, quang cảnh vùn vụt bỏ lại đằng sau, Hương cố mở to mắt để cảm nhận những nét kỳ thú của những miền đất lạ. Trừ những lúc ngủ, Hương thường im lặng ngắm cảnh, im lặng nghĩ về những ngày đã qua và cả những ngày sắp tới. Nửa đêm, tiếng con thạch sùng tắc lưỡi khiến Hương sờ sợ, Hương nhìn qua Mai, sao Mai ngủ ngon đến vậy, ước gì mình cũng được như Mai thì đâu phải thao thức một mình, đến con thạch sùng tắc lưỡi trong đêm vắng cũng khiến mình sợ hãi? Giờ này chắc con Su đang ngủ say, con bé có tật trước khi ngủ mẹ phải hát cho Su nghe một bài. Có một đêm Hương hát cho con nghe những bài hát thiếu nhi rồi lại hát qua một bài của người lớn, một bản nhạc tình. Vậy mà con gái nghe say sưa, nghe xong Su không ngủ như thường lệ, Su hỏi mẹ tình yêu là gì mà mẹ hát vậy mẹ? Hương ú ớ, tình yêu, ừ tình yêu là gì đến giờ mẹ cũng chưa hiểu hết, mà cũng nhờ tình yêu mà mẹ có con đó? Nhưng nói vậy làm sao Su hiểu, Hương đành nói rằng tình yêu là …tình yêu, con biết không tình yêu như ông ngoại yêu bà ngoại vậy. Su kêu lên, con biết rồi, bữa trước con được ngủ với ông bà ngoại, bà ngoại ngủ, ông ngoại lén hun bà ngoại một cái nơi trán, vậy tình yêu là vậy ha mẹ? Ôi con gái, mẹ tức cười quá nhưng biết trả lời sao cho con hiểu, thôi thì ừ đại, con bé ngủ mắt cứ mở ra, Su ngủ dòm mà. Bây giờ chắc là Su đang ngủ với bà cố, bà cố không biết hát mấy bài thiếu nhi nhưng bà cố biết hát ru. Giọng bà cố ngọt quá chừng, xưa bà cố cũng hát ru mẹ ngủ như vậy con gái ạ, đêm nay ngủ ngoan nghe con gái, gần chục ngày nữa là mẹ về rồi. Hương đang nhớ đến con gái, ôi con gái bé nhỏ xinh xắn quá chừng. Không nhớ thì thôi, nhớ một cái thì một trời nhớ lại kéo về, Hương trở mình quay mặt vào trong vách. Tiếng con thạch sùng lẻ bạn giờ cũng im bặt, cả khách sạn chìm trong giấc ngủ đang nồng. Chỉ có mình Hương thức, chỉ có mình Hương nhớ….

 

…Cô gái tóc tém gương mặt tròn tròn vóc dáng nhỏ con quyết định thi vào khoa du lịch. Không biết vì sao mình lại chọn khoa ấy, đến bây giờ Hương vẫn không hiểu điều gì thôi thúc mình như vậy. Có phải vì những miền đất lạ đã khiến mình thao thiết nhớ những lúc được đi chơi xa? Có phải những viễn mơ thuở nhỏ của mình về một nghề đầy quyến rũ? Chắc là không đúng, mình bị ảnh hưởng của những người du khách khi đến quầy đặc sản của mẹ mua hàng, thấy nét mặt nhởn nhơ mãn nguyện của họ, từ nhỏ Hương đã ao ước được đi du lịch như những người ấy. Và khi làm hồ sơ thi đại học, Hương chọn ngay khoa du lịch. Vậy mà ra trường Hương lại làm một nghề khác hẳn sau hơn một năm vào làm Reception ở một khu Resort. Chắc là nghề không chọn mình rồi, Hương nghĩ vậy khi chia tay một chốn đi về với những ganh ghét đố kỵ, những vui vẻ buồn chán, Hương xin được vào làm việc trong một đơn vị sự nghiệp có liên quan đến văn hóa và du lịch.

 

Gương mặt Phúc ẩn hiện trong tâm trí Hương, giờ này chắc Phúc đã ngủ say, không biết có giấc mơ nào dành cho Hương và Su? Nghĩ tới đó Hương buồn, biết làm sao được, ai cũng có hoàn cảnh riêng của mình. Phúc ơi, em cũng muốn xuống với anh lắm, nhưng em sẽ làm gì khi về sống nơi ấy? Hương lại nhớ đến khoảng thời gian một tháng xin nghỉ không lương để về quê Phúc phụ việc cho ba mẹ Phúc. Những việc liên quan đến nghề nấu ăn là một trong những môn Hương phải học trong khoa du lịch, vậy mà khi bắt tay vào dịch vụ tiệc cưới của nhà Phúc, Hương mới thấy đó là một công việc nặng nhọc. Một cô gái chỉ vỏn vẹn gần bốn mươi ký như Hương không thể nào kham nỗi công việc đó. Hương không phải đi mua vật phẩm, người ta đem đến ngay sau một cú a lô, Hương cũng không phải thực hiện việc pha chế, bưng bê, phục vụ…tất cả đều có người làm, nhưng mùi thức ăn của những bữa tiệc cưới cứ ám ảnh Hương, nó còn xộc vào những giấc ngủ muộn là điều khiến Hương không thể chịu được. Ai có vào nghề rồi mới biết, việc phục vụ cho cái bao tử của con người một điều phức tạp, “chín người mười ý” mà! Rồi mùi bia rượu, rồi mùi người, mùi khói…bao bọc quanh cuộc sống của mình. Hương xin mẹ chồng cho trở về Đà Lạt, bởi không thể vượt qua được những thử thách bước đầu. Bà mẹ thở dài đánh thượt một tiếng khi nghe Hương thưa chuyện, bà cũng không ép Hương, nhưng Hương biết bà thất vọng vì “dự án chuyển giao thế hệ” của bà coi như bị phá sản. Hương trở về, đành chấp nhận một cảnh hai quê, cả Hương và Phúc. Thỉnh thoảng Hương về quê  chồng làm dâu trong những ngày lễ tết, thỉnh thoảng Phúc về nhà thăm Hương và Su. Nếu đó là nỗi buồn thì mình sẽ bị buồn nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm… cho đến bao giờ?

 

Buổi sáng thức dậy với nhiều giọng nói lạ tai, ban đầu Hương không biết mình đang ở đâu, sau một lúc Hương mới nhận ra mình vừa trải qua một đêm đầu tiên nơi mình háo hức muốn đến và trải nghiệm. Vậy mà lúc ăn sáng trong một quán nhỏ, cảm giác ấy dường như bị phai nhạt đi một ít. Quán gì mà chật chội, Hương chưa bao giờ vào một quán ăn như vậy, hương vị thức ăn thì…và những chén đủa khách ăn xong vứt ngổn ngang dưới đất khiến Hương nhăn mặt. Hương thích sạch sẽ, ở nhà Hương không  bao giờ tìm ra một cọng rác, chắc là Hương giống bà cố và ba. Buổi trưa, Hương không ngủ, cô rủ Mai đi dạo. Phố Hà Nội hiện ra trong tầm mắt của Hương với đủ những nét vừa lạ vừa quen. Quen vì cũng phố, cũng mua bán, cũng tràn ngập những âm thanh náo nhiệt, lạ là những khuôn mặt, những lời quát tháo, những ánh mắt nghi kỵ…ném về hai cô gái khi họ tình cờ dừng lại ở một cửa hàng. Ban đầu Hương không để ý, cô tưởng như mình đang ở Đà Lạt hay Sài Gòn, cô và Mai dù không mua hàng nhưng ngắm và lựa chọn là quyền của người tiêu dùng, vậy mà không phải! Người bán hàng nãy giờ quắt mắt nhìn hai cô gái, bà đang gai mắt, sáng tới giờ bà chưa bán được một món ra hồn, hai cô gái này lại lục lạo đủ thứ mà có thấy mua gì, bà gằn giọng:

 

- Này, có mua không thì bảo, cứ tần ngần đứng đấy làm vướng người ta!

 

Hương nhìn Mai, Mai nhìn Hương, chưa bao giờ hai cô gái khi đi mua hàng nghe một giọng chướng tai đến vậy, cho dù không mua nhưng mình vẫn có quyền chọn lựa hàng mà? Hương chưa bao giờ gặp tình cảnh như vậy, ở Đà Lạt, ở Sài Gòn, Mũi Né hay tận Hà Tiên, Hương đều nghe những lời giới thiệu, những lời mời mọc, với những nụ cười cầu tài của người bán hàng, còn ở đây thì…vậy đấy! Hương ức muốn khóc, kéo Mai bước vội ra cửa nhưng cô vẫn kịp nghe một câu của con mụ bán hàng “Cút xéo đi cho người ta nhờ!” rồi bà ta lấy giấy đốt vía hai người. Hà Nội mà vậy ư, cái chốn phồn hoa một thời thanh lịch mà các nhà văn Hà Nội tả  lại trong từng tác phẩm chắc đã được người “Hà Nội mới” này xóa sạch mất rồi! Đêm ấy Hương ngủ sớm, nhưng Hương choàng thức dậy khoảng nửa đêm. Câu chuyện hồi trưa vẫn còn ám ảnh Hương, ánh mắt liếc xéo của mụ bán hàng khiến cho Hương rợn người đến giờ, chút hảo cảm với những con người Hà Nội trong những trang văn giờ dường như mất hết. Nhưng thôi vậy, mình chỉ là kẻ qua đường, chơi vài ngày Hà Nội để biết chứ có ăn đời ở kiếp gì đâu? Nghĩ vậy nhưng trong lòng Hương sự phản cảm đã dâng lên đầy ứ, Hương tự hỏi sao nhanh quá vậy, mới chập choạng tối qua mình còn ngập tràn trong cảm xúc khi biết mình đang đi trên con đường Yên Phụ, vậy mà chỉ hơn hai mươi bốn giờ cảm xúc ấy đã biến đâu mất tăm mất tích? Rồi Hương thôi không nghĩ đến điều không vui ấy nữa, Hương để tâm trí mình lang thang trở về nhà. Lại nhớ nữa rồi, nhớ là một loại tình cảm sâu kín và thường xuất hiện khi ta chạm vào một nút ấn bí mật nào đó. Chắc là vậy, tay Hương chạm vào chiếc điện thoại bỏ một bên gối, chiếc điện thoại là cái cầu nối giữa Hương với mọi người, chiếc điện thoại đang ấn cái nút nhớ nằm sâu thẳm trong Hương? Hương quay người, khuôn mặt Mai trong đêm tối bình yên quá đỗi, Hương ước gì mình cũng được như Mai vậy. Bình yên? Vậy bình yên là gì chứ? Chắc không bao giờ mình có được hai chữ ấy đâu. Dễ gì mà bình yên chứ?

 

Từng ngày trôi qua nhàn nhạt, mấy ông Cục chỉ đạo qua điện thoại, bắt đưa nghệ nhân đi diễn từng tiết mục, kịch bản xây dựng có công phu cũng chẳng để làm gì. Mà thôi, không phải chuyện của Hương, chuyện của Hương là hậu cần, là lo cái ăn cái ngủ của mọi người. Đêm ấy Hương lại thức giấc nửa đêm, cái cảnh trong quán ăn chật chội quá mức, nóng bức đến nỗi lúc nào cũng có thể ra mồ hôi, trong khoảng chừng 2 mét vuông là 6 con người ngồi nép vào nhau cứ ám ảnh cô kể cả trong giấc ngủ. Thôi ráng lên Hương ơi, cô tự động viên mình như vậy. Nhưng nhớ tới khuôn mặt trân tráo của chủ quán ăn Hương lại tức. Ban đầu, họ vui vẻ thỏa thuận một bửa ăn là 6 món với từng ấy…từng ấy tiền. Vậy mà mới 3 ngày lại rút còn 3 món, hỏi, thì được trả lời “ôi các bác thông cảm, khách đông quá quán em lo không xuể”. Còn trà đá thì tính tiền cứ vô tư. Lạ lùng thật đấy. Hương cười tủm, đã bắt đầu lai tiếng Hà Nội rồi sao? Trong kia, ăn xong bao giờ cũng phải có nước trà uống, đó là quy định bất thành văn dường như quán ăn nào cũng tuân thủ, vậy mà ở đây lại tính tiền “vô tư”. Cái tiếng “tư” vang lên nghe là lạ. Đêm nay, tiếng vô tư ấy lại dẫn Hương đến một cõi riêng, cõi riêng đó có vài khuôn mặt nhạt nhòa, những khuôn mặt ấy đang ở rất xa, đêm nay có ai nhớ đến Hương?

 

Chắc là có, nhưng Hương ríu mắt lại rồi, nhưng cô vẫn kịp nhìn đồng hồ, đã gần 5 giờ sáng. Vậy mà 7 giờ Hương đã sẳn sàng cho một ngày mới, cô trang điểm nhẹ và kẻ cho Mai một nét bút chì mờ nhạt nơi chân hàng lông mày. Có tiếng gọi cửa:

 

- Cô Hương ra có người gặp!

 

Là ai vậy? Mới sớm đã tìm người ta rồi, không biết các cô nghệ nhân kia réo chuyện gì nữa. Hương và Mai đến khổ với đoàn nghệ nhân mà họ đưa đi ra Hà Nội, họ đòi đủ thứ trên đời. Hương mở cửa. Hóa ra là Thường, Mai kêu lên:

 

- Là bà à? Tui không thể tưởng được người tìm tui lại là bà!

 

Niềm vui bất ngờ. Ở một nơi xa lạ gặp người quen đã là một chuyện vui, vậy mà lại là người bạn học cùng thời ngồi trên giảng đường thì còn gì bằng nữa? Thường đưa Hương đi chơi Hà Nội bằng xe 2 bánh, bây giờ thì Hương có thể cảm nhận Hà Nội qua sự hướng dẫn của Thường. Nhưng cảm giác xa lạ luôn thường trực trong Hương, cô cố xua đi cái ác cảm hôm cùng Mai đi dạo Hà Nội đầu tiên, nhưng Hương biết mình sẽ không thể nào xua được, nó đã làm hỏng cả chuyến đi và sẽ là một sự mất mát khôn nguôi. Thường đâu biết sự cố xảy ra với Hương, cô tận tâm hướng dẫn Hương đi chơi Hà Nội. Hôm hai người ngồi uống nước trước cổng chùa Trấn Quốc, Hương đem chuyện ấy kể lại với Thường, Thường cười:

 

- Ôi, tưởng chuyện gì, đấy chỉ là chuyện thường ngày ở huyện, hèn nào mà tôi thấy bà khang khác!

 

Thường kể cho Hương nghe lắm chuyện, những chuyện còn tệ hại hơn sự cố Mai và cô vấp phải. Hương không muốn nhớ những chuyện không ra gì, nhưng bắt cô phải dửng dưng như Thường để “yêu” thành phố nay thì cô chịu, chắc là ngược lại thì đúng hơn!

 

- Để tối nay tôi chở bà đi thưởng thức mùi hoa sữa, càng tối mùi thơm càng đậm đặc, đấy bà thấy cây hoa sữa chưa, trước mắt mình đấy, bây giờ là bắt đầu mùa hoa sữa rồi.

 

Vừa chở Hương đi qua phố Nguyễn Du, Thường vừa giới thiệu với bạn một loài cây đặc biệt của Hà Nội. Trời xanh qua kẽ lá, những tàn cây hoa sữa mơn mởn xanh trong nắng thu vàng làm cho Hương dịu lại, may mà còn hoa sữa, đêm nay mùi hương của nó có vớt vát chút hảo cảm trong cô?

 

Chiều muộn. Hương nhận được tin nhắn “Hắc Trân Châu đã đi chơi nhiều nơi chưa, Hà Nội mùa này hoa sữa đang ra hoa đó!”

 

Hương tủm tỉm cười. Đêm nay Hương sẽ đi tìm mùi hoa sữa. Đêm nay Hương sẽ thức giấc lúc nửa đêm. Và nhớ.

 

Một khuôn mặt nhạt nhòa….

 

9/2012

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 2086
Ngày đăng: 27.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thăm Viếng - Âu thị Phục An
Một Mảnh Thiên Đường - Minh Diện
Ga Xép - Quế Hương
Những Ngày Không Định Trước - Âu thị Phục An
Tình Đầy Tình Xa Nhau - Nguyễn Trung Dũng
Lan Man Chuyện Mèo Chuyện Chó - Nguyễn Hữu Duyên
Cây Đào Già Trước Sân - Trần Huy Đức
Thềm nắng - Quế Hương
Từ Cuộc Đời Đến Trang Văn - Trần Minh Nguyệt
Buổi Sáng, Vườn Cây Chim Hót - Nguyễn Trung Dũng
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)