PHẦN III :
DI SẢN
Tôi sẽ ra đi, nhưng tôi đang tạo ra một gợn sóng mà sẽ vẫn còn lại. Bạn sẽ ra đi, nhưng bạn đã yêu ai đó, và tình yêu ấy tạo ra một gợn sóng mà sẽ vẫn còn lại, vẫn còn lại, còn lại mãi. Nó không bao giờ có thể biến đi; nó sẽ có những âm vang của riêng nó… Nó sẽ tiếp tục rung động. Bạn ném một hòn sỏi nhỏ xuống hồ, và gợn sóng khởi lên. Hòn đá chìm rất nhanh xuống đáy hồ, song những gợn sóng vẫn tiếp tục. Chúng tiếp tục di chuyển về phía bờ – và sự hiện hữu này [this existence] thì không có bờ bến.
Tôi đang nói chuyện với bạn … Trong khoảnh khắc này, một cái gì đó đang trải qua giữa bạn và tôi. Tôi sẽ ra đi, bạn sẽ ra đi, nhưng cái mà đang trải qua, sẽ còn lưu lại. Cho nên những lời này sẽ tiếp tục âm vang, tái âm vang. Người nói sẽ không còn ở đó, người nghe sẽ không còn ở đó, nhưng cái mà đang trải qua giữa hai người trong khoảnh khắc này đã trở nên thành phần của vĩnh cửu. Và không có bờ bến nào, cho nên những gợn sóng này sẽ tiếp tục, tiếp tục, tiếp tục mãi.
XVI
TÔN GIÁO PHI TÔN GIÁO
Tôi vẫn mãi không nhất quán, để cho bạn sẽ không bao giờ có thể tạo ra một giáo điều từ tôi. Bạn sẽ đơn giản "phát khùng" [go nuts] nếu bạn cố gắng. Tôi đang để lại một cái gì đó thật sự khủng khiếp cho những nhà học giả; họ sẽ không thể hiểu mô tê gì về nó. Họ sẽ phát khùng – và họ đáng bị như thế, họ nên phát khùng! Nhưng không ai có thể tạo ra một giáo điều "chính thống" từ tôi, điều đó là bất khả. Từ những lời của tôi, bạn có thể “ cháy sáng” [burn], [1] nhưng mà bạn sẽ không thể tìm ra bất cứ loại thần học, chủ nghĩa giáo điều nào.
Bạn có thể tìm thấy một lối để sống, chứ không phải một giáo điều để rao giảng. Bạn có thể tìm thấy một phẩm chất nổi loạn để hấp thụ, nhưng bạn sẽ không tìm thấy một chủ đề cách mạng để [theo đó mà] tổ chức. Những lời của tôi không chỉ đang bốc lửa, tôi cũng đang đặt thuốc nổ chỗ này chỗ kia, mà nó sẽ tiếp tục nổ trong nhiều thế kỷ. Tôi đang đặt [thuốc nổ] nhiều hơn số lượng cần thiết – tôi không bao giờ dựa vào những vận may. Hầu như mỗi câu [nói của tôi] đều có dự định tạo ra sự rắc rối cho bất cứ ai muốn tổ chức một tôn giáo xung quanh tôi.
Vâng, các bạn có thể có một cọng đồng lỏng lẻo [loose],[2] một công xã. Hãy nhớ cái từ "lỏng lẻo" : mọi người đều độc lập, mọi người đều tự do sống theo cách của riêng mình, [3] thuyết minh tôi theo cách của riêng mình, tìm kiếm bất cứ cái gì anh ta muốn tìm kiếm. Anh ta có thể tìm kiếm cái cách mà anh ta muốn sống – và mọi người sống theo cách của chính mình.
Không cần phải quyết định tôn giáo của tôi là cái gì. Tôi đang để ngỏ nó – hai đầu. Bạn có thể "chế ra " một định nghĩa cho chính bạn – nhưng nó chỉ dành cho riêng bạn thôi, và bạn sẽ phải liên tục thay đổi nó. Bạn không thể tiếp tục nắm giữ nó như một vật chết trong tay bạn. Bạn sẽ phải thay đổi nó, và nó sẽ tiếp tục thay đổi bạn một cách đồng thời.
************
Kytô giáo, Hindu giáo, Jaina giáo, Phật giáo, Hồi giáo – đây chỉ là những ý thức hệ, những giáo điều, những tín điều; chúng chỉ là những "tôn giáo sùng bái" [cults].[4] Tôn giáo đích thực không có tên gọi, nó không thể có một cái tên nào. Phật sống nó, Jesus sống nó – nhưng hãy nhớ, Jesus không phải là một người Kytô giáo, và Phật không phải là một người Phật giáo, Ngài chưa bao giờ nghe về cái từ đó. [5] Những người tôn giáo đích thực chỉ đơn giản là tôn giáo, họ chưa từng giáo điều. Có 300 tôn giáo trên thế giới – đó là một chuyện hết sức phi lý ! Nếu chân lý là một, làm thế nào có thể có đến 300 tôn giáo? Chỉ có 1 khoa học, nhưng [tại sao] lại có đến 300 tôn giáo?
Nếu khoa học về chân lý khách quan [bên ngoài] là một, thì tôn giáo cũng là một, bởi vì nó nhằm vào chân lý chủ quan, phía "bên trong" của chân lý. Nhưng cái tôn giáo đó không thể có một cái tên nào, nó không thể có bất cứ ý thức hệ nào.
Tôi chỉ dạy [duy nhất] thứ tôn giáo đó. Do vậy, nếu một ai đó hỏi bạn, tóm lại "giáo pháp" của tôi là gì, bạn sẽ không thể trả lời – bởi vì tôi không dạy những nguyên lý, những ý thức hệ, những giáo điều, những học thuyết. Tôi dạy bạn một tôn giáo phi tôn giáo, tôi dạy bạn nếm một chút hương vị của nó. Tôi cho bạn cái phương pháp để trở nên dễ thụ cảm [6] hơn với cái thiêng liêng [the divine]. Tôi không nói gì về cái thiêng liêng, tôi chỉ đơn giản nói với bạn, " Đây là cái cửa sổ – hãy mở nó ra và bạn sẽ thấy bầu trời đêm đầy sao."
Thế nhưng, cái bầu trời đêm đầy sao đó thì không thể định nghĩa được. Một khi bạn thấy nó xuyên qua cửa sổ mở, bạn sẽ biết nó. Thấy là tin – và "thấy " [seeing][7] cũng nên là "là" [being][8] nữa. Không nên có niềm tin nào khác.
Do vậy, nỗ lực toàn bộ của tôi là có tính "hiện sinh" [existential][9], không có tính chất trí năng chút nào. Và chân lý đích thực thì có tính hiện sinh. Nó đã luôn xảy ra chỉ với một ít người và rồi nó biến đi khỏi trái đất bởi vì những "nhà trí thức" ngay lập tức chộp lấy nó và họ bắt đầu tạo ra những ý thức hệ đẹp đẽ từ nó – gọn gàng và sạch sẽ, hợp logic. Trong chính cái nỗ lực đó, họ hủy diệt vẻ đẹp của nó. Họ tạo ra những triết học, và tôn giáo biến mất. " Kẻ từ chương",[10] nhà học giả, nhà thần học đều là kẻ thù của tôn giáo [đích thực].
Do vậy, hãy nhớ: bạn không đang được điểm đạo vào trong bất cứ một tôn giáo nào; bạn chỉ đang được điểm đạo vào trong tính tôn giáo. Nó bao la, mênh mông, không giới hạn – nó giống như toàn bộ bầu trời.
Ngay cả bầu trời cũng không phải là cái giới hạn [limit],[11] cho nên hãy dang rộng đôi cánh của bạn mà không chút sợ hãi nào. Sự hiện hữu toàn bộ này thuộc về chúng ta; đây là đền thờ của chúng ta, đây là kinh điển của chúng ta. Ít hơn thế, thì chỉ là nhân tạo, được chế tạo bởi con người. Nó được chế tạo ở đâu, điều đó không quan trọng mấy – hãy cảnh giác về những tôn giáo nhân tạo để mà bạn có thể biết cái [tôn giáo] đích thực, cái không phải là nhân tạo. Và nó có sẵn trong cây cối, núi non, sông suối, tinh tú – trong bạn, trong những người vây quanh bạn – nó có mặt khắp nơi.
Khoa học là sự tìm kiếm chân lý trong thế giới khách quan và tôn giáo là sự tìm kiếm chân lý trong thế giới chủ quan. Thật vậy, chúng là hai cánh của một con chim, của một sự thăm dò – hai mặt. Rốt cùng, không cần phải có hai tên gọi. Sự gợi ý của riêng tôi, là: khoa học là một cái tên đẹp tuyệt vời, bởi vì nó có nghĩa là "sự biết” [knowing].[12] Cho nên khoa học có hai mặt, y như mọi đồng xu đều có hai mặt. Sự biết trong chiều kích của vật chất bạn có thể gọi là khoa học khách quan, và sự biết trong chiều kích của nội giới của bạn – về bản thể nội tại của bạn, về ý thức của bạn – bạn có thể gọi là khoa học chủ quan. Không cần phải có từ tôn giáo.
Hai mặt của "khoa học" đều hoàn toàn tốt – và nó cùng là một sự tìm kiếm, chỉ cái hướng là khác nhau. Và sẽ là tốt, nếu chúng ta tạo ra một khoa học tối cao, mà là một tổng hợp, một sự đồng thời [13] của khoa học bên ngoài và khoa học bên trong. Sẽ không cần quá nhiều tôn giáo như thế, và lúc đó, thậm chí không ai cần là một kẻ vô thần. Khi những kẻ hữu thần biến đi, thì không cần những kẻ vô thần nữa – họ chỉ là những phản ứng lẫn nhau. Có những kẻ tin vào Thượng đế, cho nên có những kẻ không tin vào Thượng đế. Khi những "kẻ tin tưởng" [believer][14] biến đi, thì đâu cần những kẻ "vô tín"[15] [disbeliever] nữa?
Không cần phải tin vào bất cứ cái gì – đó là cái nền tảng của khoa học. Đó là sự tiếp cận [có tính] khoa học với thực tại: đừng tin, hãy tìm hiểu, thăm dò. Cái khoảnh khắc mà bạn tin, thì sự thăm dò ngừng lại. Hãy giữ cho tâm trí của bạn mở ra – đừng tin, cũng đừng không tin. Chỉ lưu lại trong tình trạng tỉnh táo, tìm kiếm [search] và hoài nghi mọi sự cho đến khi bạn đến một điểm mà không thể nghi ngờ được nữa – đó là cái mà chân lý là. Bạn không thể hoài nghi nó. Đó không phải là vấn đề tin vào nó, đó là một hiện tượng hoàn toàn khác. Đúng hơn, nó là một sự chắc chắn, quá tràn ngập, đến nỗi bạn không có cách nào hoài nghi nó.
Đây là sự biết. Và sự biết chuyển hóa một người thành một vị Phật, thành một kẻ chứng ngộ. Đây là cái đích của mọi sự tăng trưởng [tâm linh] của con người.
Mang đến cho tôn giáo một bước nhảy lượng tử, công trạng đó phải dành cho Adinatha, người lần đầu tiên rao giảng một tôn giáo không có Thượng đế – trước Phật Gautama 25 thế kỷ. Đó là một cuộc cách mạng cực lớn, bởi vì trước đó, không nơi nào trên toàn bộ thế giới, tôn giáo được quan niệm là có thể hiện hữu mà không có Thượng đế. Thượng đế vốn là một phần cốt yếu – trung tâm – của tất cả mọi tôn giáo: Kytô giáo, Do thái giáo, Hồi giáo. Nhưng việc biến Thượng đế thành trung tâm của tôn giáo đã khiến cho con người chỉ còn là cái ngoại vi. Quan niệm Thượng đế như là đấng sáng tạo ra thế giới biến con người thành ra chỉ là một con rối.
Đó là lý do tại sao trong tiếng Hebrew – ngôn ngữ của đạo Do thái giáo (Judaism) – con người được gọi là Adam. Adam có nghĩa là "bùn." Trong tiếng Ả Rập, con người được gọi là admi; nó đi từ cùng một căn ngữ như adam, và một lần nữa, nó cũng có nghĩa là "bùn." Trong tiếng Anh, mà sau cùng đã trở thành ngôn ngữ của Kytô giáo, cái từ "human" (thuộc về con người) đến từ chữ humus, và humus có nghĩa là "bùn." Đương nhiên, nếu Thượng đế là đấng sáng tạo, thì Ngài phải sáng tạo từ một cái gì đó. Ngài phải tạo ra con người giống như một bức tượng, nên trước hết, Ngài lấy bùn để nặn ra con người và rồi thổi sự sống vào trong hắn. Nhưng nếu như vậy, thì con người mất hết mọi phẩm cách [16].
Và nếu Thượng đế là đấng sáng tạo ra con người và mọi thứ khác, thì toàn bộ ý tưởng đó là bốc đồng. Thượng đế đã từng làm cái gì trong vĩnh cửu, trước khi Ngài sáng tạo ra con người và vũ trụ? Theo Kytô giáo, Ngài chỉ mới tạo ra con người 4004 năm trước Jesus Christ. Vậy thì Ngài đã làm những gì qua suốt vĩnh cửu? Xem ra nó có vẻ bốc đồng. Hẳn không có bất cứ nguyên nhân nào; bởi vì, nếu Thượng đế phải tạo ra sự hiện hữu vì một nguyên nhân nào đó, thì có nghĩa là có những quyền lực cao hơn Thượng đế, có những nguyên nhân mà khiến cho Ngài sáng tạo. Hay có một khả năng, là đột nhiên ước vọng [sáng tạo] khởi lên trong Ngài – cái đó cũng không logic mấy về mặt triết học, bởi vì trong vĩnh cửu Ngài không có ước vọng nào – và không ước vọng thì quá chừng phúc lạc. Không thể tưởng tượng rằng, từ một kinh nghiệm về sự phúc lạc vĩnh cửu, một ước vọng lại khởi lên, khiến cho Ngài tạo ra thế gian. Ước vọng là ước vọng, bất luận bạn muốn làm một cái nhà hay trở thành thủ tướng, hay sáng tạo ra thế gian. Thượng đế không thể được quan niệm như là có những ước vọng, nên điều duy nhất còn lại, là Ngài bốc đồng, Ngài "lập dị" [eccentric].[17] Vậy thì không cần một nguyên nhân và không cần ước vọng – chỉ là một sự bốc đồng.
Nhưng nếu toàn bộ hiện hữu chỉ được tạo ra từ một cơn bốc đồng, thì nó mất tất cả ý nghĩa, tất cả nghĩa lý. Và ngày mai một cơn bốc đồng khác có thể khởi lên trong Thượng đế, một ý muốn hủy diệt, giải tan toàn bộ vũ trụ. Cho nên, chúng ta đơn giản chỉ là những con rối trong bàn tay của một Thượng đế độc tài, một kẻ có mọi quyền lực nhưng không có một tâm trí lành mạnh – tóm lại, một kẻ bốc đồng.
Chắc hẳn Adinatha phải là một thiền giả đã trải nghiệm những cơn định rất sâu, và chắc hẳn ông đã đi tới kết luận rằng, nếu có một vị Thượng đế, thì không có ý nghĩa nào trên thế gian. Nếu chúng ta muốn có ý nghĩa trên thế gian, thì Thượng đế phải được phế bỏ. Ông hẳn phải là một người có lòng dũng cảm to lớn. Người ta vẫn đang thờ phụng trong những nhà thờ, trong những synagogue, trong những đền thờ – thế nhưng con người Adinatha đó, 5000 năm trước chúng ta, đã đi tới một kết luận rất dứt khoát, rõ ràng, khoa học, rằng không có gì cao hơn con người, và rằng, bất cứ sự tiến hóa nào sắp diễn ra, đều ở bên trong con người, và trong ý thức của hắn.
Adinatha là người đầu tiên trong số 24 vị đạo sư trong Jaina giáo, và đây là bước nhảy lượng tử thứ nhất – Thượng đế đã bị phế bỏ. Cái công trạng đó không dành cho đức Phật, bởi vì Đức Phật đến sau Adinatha 25 thế kỷ. Nhưng một công trạng khác dành cho Đức Phật – Adinatha phế bỏ Thượng đế, nhưng không xoay xở thành công trong việc đặt thiền định vào thay chỗ. Trái lại, ông tạo ra chủ nghĩa khổ hạnh,[18] sự khắc khổ, tra tấn thể xác – ăn kiêng, ở truồng, chỉ ăn một lần một ngày, không uống vào ban đêm, không ăn vào ban đêm, chỉ ăn những thực phẩm nhất định. Ông đã đi tới một kết luận triết học đẹp đẽ, nhưng cái kết luận đó chỉ là triết học, nó không có tính thiền định.
Khi bạn phế bỏ Thượng đế, bạn không thể có bất cứ nghi lễ [rituals][19] nào, bạn không thể có sự thờ phụng, bạn không thể có sự cầu nguyện; một cái gì đó phải được thay thế. Ông thay vào đó sự khắc khổ, bởi vì con người trở thành trung tâm của tôn giáo của ông, và con người phải tự thanh tẩy mình. Sự thuần khiết trong quan niệm của ông, là con người phải ly cách khỏi thế gian, phải ly cách khỏi thể xác của riêng mình. Cái này làm méo mó mọi sự thể. Ông đã đi tới một kết luận rất có ý nghĩa, nhưng nó vẫn chỉ là một khái niệm triết học.
Adinatha đã phế bỏ Thượng đế nhưng để lại một khoảng chân không, và Đức Phật đổ đầy nó bằng thiền định. Adinatha đã tạo ra một tôn giáo không "Thượng đế" [20]. Đức Phật tạo ra một tôn giáo thiền định.
Thiền định là đóng góp của Đức Phật. Cái điểm then chốt không phải là tra tấn thể xác; vấn đề là trở nên im lặng hơn, trở nên thư giãn hơn, trở nên bình an hơn. Nó là một cuộc hành trình nội tại để đạt tới trung tâm ý thức của riêng mình, và trung tâm ý thức của riêng mình là trung tâm của toàn bộ hiện hữu.
25 thế kỷ, một lần nữa, lại qua đi. Khái niệm có tính cách mạng của Adinatha về tôn giáo không Thượng đế đã bị chìm mất trong sa mạc của sự khắc khổ và sự tự tra tấn. Y hệt như vậy, ý tưởng của Phật về thiền định – một cái gì đó nội tại, mà không ai khác có thể nhìn thấy, chỉ có bạn mới biết bạn ở đâu, chỉ có bạn mới biết là bạn có đang tiến bộ hay không – ý tưởng này cũng bị chìm mất trong một sa mạc khác, và đó là tôn giáo có tổ chức, có định chế.
Tôn giáo [21] nói rằng, không thể tin cậy những cá nhân riêng lẻ, bất luận họ có đang thiền định hay không. Người ta cần những cọng đồng, những đạo sư, những tu viện nơi mà họ có thể sống cùng nhau. Những ai mà ở trên một mức độ ý thức cao hơn, có thể quan sát những người khác và giúp họ. Đã trở thành cốt yếu, rằng những tôn giáo không nên bị rơi vào tay của những cá nhân; chúng nên được tổ chức và nên được ở trong tay của những ai [mà] đã đạt tới một mức thiền định cao.
Ban đầu, nó là tốt; trong khi Đức Phật còn sống, có nhiều người đạt tới sự chứng ngộ. Nhưng khi Đức Phật qua đời, và những người này qua đời, thì chính cái tổ chức mà được giả định là để giúp người ta thiền định, lại rơi vào tay giới tu sĩ, và thay vì giúp bạn thiền định, họ bắt đầu tạo ra những nghi thức xung quanh hình ảnh của Đức Phật. Đức Phật trở thành một vị thần khác. Adinatha phế bỏ Thượng đế, Đức Phật không bao giờ chấp nhận rằng Thượng đế hiện hữu – nhưng giới tu sĩ này không thể tồn tại mà không có một Thượng đế. Cho nên, có thể không có một Thượng đế – theo nghĩa là đấng sáng tạo – nhưng Đức Phật đã đạt tới "Thượng đế tính." [22] Đối với những người khác, điều duy nhất là thờ phụng Đức Phật, có đức tin vào đức Phật, theo những nguyên lý của Đức Phật, sống cuộc sống theo "học thuyết" của Ngài; Đức Phật bị "chìm mất" trong cái tổ chức, sự bắt chước. Và tất cả họ quên đi cái điều cơ bản, đó là thiền định.
Toàn bộ nỗ lực của tôi là tạo ra một tôn giáo phi tôn giáo. Chúng ta đã thấy cái gì đã xảy ra với những tôn giáo [mà] có Thượng đế như là trung tâm. Chúng ta đã nhìn thấy cái gì đã xảy ra với quan niệm của Adinatha, tôn giáo không Thượng đế. Chúng ta đã thấy cái gì đã xảy ra với Đức Phật, tôn giáo không Thượng đế, nhưng lại có định chế.
Bây giờ, nỗ lực của tôi – y như người ta đã giải tan Thượng đế – là giải tan luôn cả "tôn giáo" nữa. Hãy để lại chỉ thiền định, để cho nó không thể bị quên đi trong bất cứ cách nào. Không có cái gì khác để thay thế nó. Không có Thượng đế nào, không có "tôn giáo" nào cả. Bằng từ "tôn giáo", tôi ngụ ý một tôn giáo có định chế, tín điều, nghi thức, giới tu sĩ.
Tôi muốn, tôn giáo lần đầu tiên tuyệt đối có tính cá nhân. Bởi vì tất cả những tôn giáo có định chế, bất luận có Thượng đế hay không có Thượng đế, đã dẫn nhân loại đi sai đường. Và nguyên nhân duy nhất chính là sự tổ chức, bởi vì sự tổ chức có những cách của riêng nó, mà đi ngược lại "tính thiền" [meditativeness].[23] Sự tổ chức thực sự là một hiện tượng chính trị, nó không phải là tôn giáo. Nó là một hình thức khác của quyền lực và ý chí quyền lực. Bây giờ mọi tu sĩ Kytô giáo đều hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành ít nhất một giám mục, trở nên một hồng y, trở nên một giáo hoàng. Đây là một đẳng trật mới, một chế độ thư lại mới – và bởi vì nó là tâm linh, không ai phản đối. Bạn có thể là một giám mục, bạn có thể là một giáo hoàng, bạn có thể là một cái gì đó. Nó không bị phản đối, bởi vì bạn không định cản trở cuộc sống của bất cứ ai; nó chỉ là một ý tưởng trừu tượng.
Nỗ lực của tôi là hủy diệt giới tu sĩ một cách hoàn toàn. [24] Sau đó, chỉ còn lại Thượng đế, còn lại tôn giáo không Thượng đế; bây giờ, cách duy nhất là chúng ta nên phế bỏ Thượng đế và "tôn giáo" – cả hai, để cho giới tu sĩ không còn điều kiện nào để tồn tại. Rồi thì, con người được tuyệt đối tự do, hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự phát triển của riêng mình.
Cảm tưởng của tôi, là con người càng chịu trách nhiệm về sự phát triển của riêng mình, thì y càng khó trì hoãn nó lâu. Bởi vì nó ngụ ý, nếu bạn khốn khổ, bạn chịu trách nhiệm. Nếu bạn căng thẳng, bạn chịu trách nhiệm. Nếu bạn không thư giãn, bạn chịu trách nhiệm. Nếu bạn khổ, bạn là nguyên nhân của nó. Không có Thượng đế, không có giới tu sĩ mà bạn có thể đến và hỏi xin một nghi thức nào đó. Bạn được để lại một mình với sự khốn khổ của bạn – và không ai muốn mình bị khốn khổ.
Những tu sĩ tiếp tục cho bạn thuốc phiện, họ tiếp tục cho bạn hy vọng , " Đừng lo lắng, nó chỉ là một trắc nghiệm về đức tin của bạn, sự tin cậy của bạn. Và nếu bạn có thể băng qua sự khổ đau một cách im lặng và kiên nhẫn, thì trong thế giới bên kia cái chết, bạn sẽ được thưởng một cách hậu hĩnh." Nếu không có giới tăng sĩ, bạn phải hiểu rằng, bất cứ cái gì bạn là, bạn trách nhiệm về nó – không ai khác. Và cái cảm nhận rằng, " Tôi chịu trách nhiệm về sự khốn khổ của tôi" mở ra cánh cửa. Rồi thì bạn bắt đầu tìm những phương pháp để ra khỏi trạng thái khốn khổ này.
Và đó chính là "thiền" [meditation].[25] Nó đơn giản là trạng thái đối nghịch của khổ đau. Nó là trạng thái của sự nở hoa an bình, phúc lạc của bản thể, nó quá im lặng và quá phi thời gian, đến nỗi bạn không thể quan niệm rằng còn có thể có một cái gì tốt hơn thế. Và không có gì tốt hơn là trạng thái của một tâm thức thiền.
Do vậy, bạn có thể nói, rằng đây là những bước nhảy lượng tử:
Adinatha từ bỏ Thượng đế bởi vì ông thấy Thượng đế đang trở nên quá nặng nề trên con người; thay vì giúp con người trong sự phát triển của hắn, Thượng đế đã trở thành một gánh nặng. Nhưng ông quên thay thế Thượng đế bằng một cái gì đó. Con người sẽ cần cái gì đó trong những khoảnh khắc khốn khổ, trong sự khổ đau của hắn. Trước kia, hắn thường cầu nguyện Thượng đế – nhưng bạn đã lấy đi Thượng đế, bạn đã lấy đi sự cầu nguyện của hắn, và bây giờ, khi hắn khốn khổ, hắn sẽ làm gì? Trong Jaina giáo, thiền định không có chỗ nào cả.
Tuệ giác [26] của Phật là: Thượng đế đã bị phế bỏ, bây giờ khoảng trống đó nên được đổ đầy; nếu không, khoảng trống đó sẽ hủy diệt hắn. Ngài đặt vào đó sự thiền định – một cái gì đó thực sự chính thực [authentic][27] – mà có thể làm thay đổi toàn bộ sự thể. Nhưng Ngài không ý thức – có lẽ Ngài đã không thể ý thức được, bởi vì có những điều mà bạn không thể ý thức trừ khi chúng xảy ra – rằng, không nên có tổ chức nào, rằng, không nên có giới tu sĩ, rằng, khi Thượng đế biến đi, thì tôn giáo cũng nên biến đi. Nhưng Ngài có thể được tha thứ, bởi vì Ngài đã không nghĩ về điều đó, và không có quá khứ nào để giúp Ngài thấy nó. Nó đến sau Ngài.
Vấn đề thực thụ nằm ở người tăng sĩ, và Thượng đế là phát minh của người tăng sĩ. Trừ khi bạn vứt bỏ người tăng sĩ, thì [dù] bạn có thể vứt bỏ Thượng đế, nhưng người tăng sĩ sẽ luôn luôn tìm kiếm những nghi thức mới, ông luôn tạo ra những vị thần mới.
Nỗ lực của tôi là để bạn lại một mình với thiền định, không có kẻ môi giới giữa bạn và sự hiện hữu. Khi bạn không ở trong thiền định, bạn bị tách khỏi sự hiện hữu, và đó là sự khổ đau của bạn. Cũng tương tự như khi bạn đem con cá ra khỏi đại dương, và ném nó lên bờ – sự khốn khổ và sự khổ đau và sự tra tấn mà nó trải qua, sự ao ước và nỗ lực để trở lại đại dương bởi vì đó là nơi nó thuộc về, nó là một phần của đại dương và nó không thể sống tách rời. Bất cứ sự khổ nào chỉ là dấu hiệu cho thấy rằng, bạn không ở trong sự hội thông [28] với hiện hữu, rằng con cá không ở trong đại dương.
Thiền định không là gì khác ngoài sự rút lui của tất cả mọi rào chắn – những tư tưởng, cảm xúc, tình cảm – cái đó tạo ra một bức tường giữa bạn và hiện hữu. Cái khoảnh khắc chúng rơi rụng đi, bạn đột nhiên tìm thấy chính mình hòa điệu với cái toàn bộ [the whole]; không chỉ hòa điệu, bạn thực sự phát hiện rằng bạn là cái toàn bộ. Khi một giọt sương rơi từ một lá sen vào trong đại dương, nó không thấy rằng nó là một phần của đại dương, nó phát hiện rằng nó là đại dương. Và phát hiện ra điều đó, là cùng đích tối hậu, sự thành tựu tối hậu. Không có cái gì vượt quá nó, cao hơn nó.
Như vậy, Adinatha phế bỏ Thượng đế nhưng không phế bỏ tổ chức, và bởi vì không có Thượng đế, tổ chức tạo ra những nghi thức. Nhìn thấy cái đã xảy ra cho Jaina giáo, rằng nó đã trở chủ nghĩa nghi thức, Đức Phật phế bỏ Thượng đế, Ngài bỏ tất cả nghi thức, và nhấn mạnh một cách chuyên nhất vào thiền định. Nhưng Ngài quên rằng, những tăng sĩ mà đã tạo ra những nghi thức trong Jaina giáo, thì định làm cái tương tự với thiền định. Và họ làm nó, họ biến chính Đức Phật thành một Thượng đế. Họ nói về thiền định, nhưng về cơ bản, những Phật tử là những kẻ thờ phụng Đức Phật – họ đi tới chùa, và thay vì Krishna hay Christ, có tượng Phật. Thượng đế không có mặt ở đó, khó tạo ra nghi thức – xung quanh thiền định, khó tạo ra nghi thức. Do vậy, họ đã tạo ra một bức tượng và họ bắt đầu nói, trong cùng cách mà mọi tôn giáo vẫn hằng làm, " Hãy có đức tin vào Đức Phật, hãy tin cậy vào Đức Phật, và bạn sẽ được cứu rỗi."
Cả hai cuộc cách mạng đều đã bị "chìm mất". Tôi muốn rằng, cái mà tôi đang làm thì không bị chìm mất. Cho nên tôi đang cố trong mọi cách có thể, phế bỏ tất cả những điều mà trong quá khứ đã từng là những rào chắn, để cho cuộc cách mạng tiếp tục và phát triển. Tôi không muốn ai đứng giữa cá nhân và sự hiện hữu. Không cầu nguyện, không tăng sĩ; một mình bạn là đủ để đối diện với bình minh, và bạn không cần ai thuyết minh cho bạn là bình minh nó đẹp ra sao.
Bạn ở đây, mọi cá nhân ở đây, toàn bộ hiện hữu là "có sẵn" [available][29] cho bạn. Tất cả những gì mà bạn cần, là chỉ im lặng và lắng nghe sự hiện hữu. Không cần bất cứ tôn giáo nào, không cần bất cứ Thượng đế nào, không cần bất cứ giới tăng sĩ nào, không cần tổ chức nào.
Tôi tin cậy vào cá nhân một cách vô điều kiện. [30] Cho tới nay, không ai từng tin cậy vào cá nhân trong một cách thức như thế. Cho nên, mọi thứ "râu ria" có thể được cất bỏ. Bây giờ, tất cả những gì được để lại cho bạn, là một trạng thái "thiền" – mà chỉ đơn giản có nghĩa là một trạng thái của sự im lặng hoàn toàn. Từ "thiền định" [31] làm cho nó có vẻ nặng nề hơn. Tốt hơn, nên gọi nó là một sự im lặng đơn giản, hồn nhiên và sự hiện hữu mở ra mọi vẻ đẹp với bạn.
Và khi nó tiếp tục phát triển, bạn tiếp tục phát triển, và sẽ đến một khoảnh khắc, khi mà bạn đã đạt tới chính chóp đỉnh của tiềm năng bạn – bạn có thể gọi nó là Phật tính, chứng ngộ, bhagwatta, "thượng đế tính", bất cứ cái gì – nó không có tên gọi nào, cho nên, bất cứ cái tên nào cũng được.
XVII
THIỀN ĐỊNH CHO THẾ KỶ 21
Tôi đang làm việc trong 10 năm liên tục, dạy sự thư giãn trực tiếp. Nó đơn giản với tôi, nên tôi nghĩ nó cũng sẽ đơn giản với mọi người. Rồi, dần dần, tôi trở nên nhận biết rằng điều đó là không thể được. Tôi bị sai lầm, điều đó không thể được. Tôi thường nói, " Hãy thư giãn," với những người mà tôi đang dạy. Họ thường có vẻ như hiểu nghĩa của từ đó, nhưng họ không thể thư giãn. Do vậy, tôi phải chế tác những phương pháp thiền định mới, mà trước tiên tạo ra sự căng thẳng – nhiều căng thẳng hơn. Chúng tạo ra căng thẳng quá lớn, đến nỗi bạn phát điên lên. Và rồi tôi nói, " Hãy thư giãn."
Khi bạn đã [căng thẳng] tới đỉnh điểm, toàn bộ thân xác bạn, toàn bộ tâm trí bạn trở nên khao khát được thư giãn. Với quá nhiều căng thẳng, bạn muốn ngừng lại, và tôi tiếp tục đẩy bạn tiếp tục, tiếp tục cho tới cuối. Hãy làm bất cứ cái gì mà bạn có thể làm để tạo ra căng thẳng, và rồi, khi bạn ngừng lại, bạn đơn giản rơi từ chóp đỉnh xuống một vực sâu. Vực sâu là cứu cánh, sự không nỗ lực là cứu cánh, nhưng bạn có thể dùng sự căng thẳng như phương tiện.
*************
Khi tôi là giáo sư tại trường đại học, một trong số những đồng nghiệp của tôi muốn học thiền định. Tôi có một "trường học" [school] nhỏ gồm những hành giả ở đó. Anh ta tham gia, và ngày đầu tiên anh ta trải nghiệm sự im lặng, anh ta đơn giản nhảy ra khỏi cái thiền thất nhỏ nơi mà chúng tôi thường ngồi, và chạy đi mất! Tôi không thể hiểu cái gì đã xảy ra. Tôi đã phải đi theo anh ta. Anh ta quay lại nhìn tôi, và khi anh ta nhìn tôi đuổi theo, anh ta chạy càng nhanh hơn. Tôi nghĩ, " Chắc có chuyện gì đó! Cái gì đã xảy ra với người anh chàng này?"
Tôi hét to lên, " Hãy đợi, Nityananda!" – tên anh ta là Nityananda Chatterji – " Chỉ một lát thôi!" Anh ta chỉ đơn giản vẫy tay, ngụ ý, "hết rồi", và nói, " Tôi không muốn thiền định. Anh là một người nguy hiểm!"
Sau cùng, tôi tóm được anh ta ngay khi anh ta bước vào nhà mình. Bây giờ anh ta không thể chạy đi đâu khác nữa. Tôi nói, " Tốt hơn, bạn nên kể cho tôi nghe cái gì đã xảy ra."
Anh ta nói, " Tôi không biết anh đã làm cái gì, nhưng tôi trở nên quá im lặng – và anh biết đó, tôi là một kẻ ba hoa [32] " – Chatterji cũng là tên anh ta. Anh ta là một người Bengal. " Vào buổi sáng, tôi bắt đầu nói, và tôi nói cho đến khi tôi ngủ thiếp đi, hầu như giữa một câu – tôi nói liên tục. Nó giữ cho tôi bận rộn, không lo lắng, không vấn đề. Tôi biết có những vấn đề, nhưng việc nói chuyện với bất cứ ai … nếu không có ai ở đó, tôi nói với chính mình.
" Và ở đó, ngồi với anh, bỗng nhiên việc nói chuyện ngừng lại. Tôi bị trống rỗng[33]. Và tôi nhủ thầm: 'Trời ơi, mình đang phát điên! Nếu việc này xảy ra với mình trong 24 giờ – tiêu đời ! Nityananda Chatterji ơi, đời mi đã chấm dứt. Nếu tâm trí không trở lại lần nữa … trước khi sự im lặng này đi xa hơn, thì hãy trốn khỏi nơi đây. Và tại sao 30, 40 người này lại đang ngồi nhắm mắt chứ? Nhưng đó là vấn đề của họ. Mọi người phải chăm sóc chính mình.' Cho nên tôi trốn chạy."
Tôi nói, " Đừng lo lắng. Im lặng không phải là cái gì đó hủy diệt tâm trí bạn, nó chỉ đơn giản giúp tâm trí nghỉ ngơi. Và với bạn nó xảy ra quá dễ dàng, bởi vì bạn là một kẻ ba hoa; tâm trí mệt mỏi. Với những người khác đang ngồi thiền, nó thường không xảy ra quá dễ dàng như vậy. Nhìn chung, khi lần đầu tiên ngồi thiền, tâm trí khó lòng trở nên im lặng.
" Trường hợp bạn thì khác: Bạn đã quấy rầy [34] tâm trí quá nhiều suốt đời bạn, người ta sợ bạn. Vợ bạn sợ, con cái bạn sợ. Tại trường đại học, các giáo sư sợ. Nếu bạn đang ngồi trong căn phòng chung, toàn bộ căn phòng chung trở nên trống rỗng; mọi người [đều muốn] trốn thoát khỏi đó. Đó là bởi vì tâm trí bị sử dụng quá nhiều. Nó là một bộ máy, nó cần một chút nghỉ ngơi.
" Những nhà khoa học nói rằng, ngay cả kim loại cũng trở nên mệt mỏi; nó cũng cần nghỉ ngơi. Tâm trí là một hiện tượng rất phức tạp, tinh vi, là cái tinh tế [sophisticated][35] nhất trong toàn vũ trụ, và bạn đã sử dụng nó quá nhiều, đến nỗi khi tìm thấy một cơ hội để trở nên im lặng, thì nó ngay lập tức trở nên im lặng. Bạn nên vui sướng."
Anh ta nói, " Nhưng nó sẽ khởi động lại , hay là không?"
Tôi nói, " Nó sẽ, bất cứ khi nào bạn muốn."
Anh ta nói, " Tôi trở nên sợ rằng, nếu nó không khởi động lại … rồi thì, 'Nityananda Chatterji ơi, đời mi đã chấm dứt. Mi sẽ ở trong một nhà thương điên – tại sao, trước hết, mi lại hỏi người đàn ông này về thiền định chứ?'!"
Và tôi nói, " Tôi vẫn luôn tự hỏi, tại sao bạn muốn thiền định."
Anh ta nói, " Tôi chỉ đơn giản đang nói về nó, y như cái cách mà tôi nói về mọi sự – và anh tóm lấy tôi. Anh nói : ' Cái đó hoàn toàn ok. Bạn có thể đến với tôi trong xe.' Tôi đã chưa bao giờ có ý muốn … Tôi nói về mọi sự, bất luận tôi biết về nó hay không; điều đó không quan trọng, tôi có thể nói hằng giờ. Chỉ vì anh đang ngồi trong hội trường và không có ai khác, tôi nghĩ, ' Chủ đề nào sẽ thích hợp?' Thấy anh, tôi nghĩ thiền định là chủ đề duy nhất mà anh có thể thích nói về, nên tôi nói. Và anh tóm lấy tôi; anh đưa tôi vào trong xe … và tôi nghĩ : ' Nó có thể gây hại gì? Nhà mình chỉ cách nhà anh ta vài phút, cho nên ngồi trong xe chạy một vòng cũng tốt thôi. Và suốt dọc đường, mình sẽ nói.' Và suốt dọc đường, tôi đã nói về thiền định. Và đó là cách mà tôi rơi vào bẫy của anh, bởi vì lúc ấy tôi không thể nào quay trở lại. Anh đẩy tôi vào trong cái thiền thất đó, nơi mà 40 người đang ngồi, nên tôi đã phải ngồi. Ngay từ đầu, tôi đã muốn trốn thoát! Tôi không bao giờ muốn thiền định, bởi vì tôi không muốn bước vào bất cứ cái gì, nếu tôi không biết nó sẽ dẫn tới đâu.
" Và ngay khi tôi đang ngồi ở đó, mọi sự trở nên im lặng. Tôi mở mắt ra, tôi nhìn quanh, và mọi người nhắm mắt, im lặng. Tôi nghĩ : ' Đây là thời điểm mà mình nên trốn chạy.' Và anh là một người quyết đoán, đến mức anh không để cho tôi thậm chí chạy thoát. Toàn con phố thấy rằng tôi đang trốn chạy và anh đang đuổi theo … và tôi đang nhủ thầm 'Mình sẽ không dừng lại.' Chỉ là … tôi trở nên quá sợ hãi. Tôi sợ hãi sự im lặng. Việc nói chuyện là hoàn toàn ok."
Tôi nói, " Bạn may mắn, bởi vì bạn đã nói quá nhiều, đến nỗi tâm trí bạn sẵn sàng thư giãn. Đừng bỏ lỡ cơ hội này – và đừng sợ! Bạn không thấy tôi sao? Tôi có thể nói chuyện. Bạn sẽ có thể nói chuyện bất cứ khi nào bạn muốn. Ngay bây giờ, việc nói chuyện không ở trong quyền lực của bạn. Nó chỉ đơn giản tự mình diễn tiến, bạn chỉ là một cái máy hát. Sự im lặng sẽ biến bạn thành một "ông chủ" [36].
Anh ta nói, " Ờ, nếu anh hứa … Tôi tin cậy anh và tôi sẽ đến mọi ngày. Nhưng hãy nhớ, tôi không muốn phát điên. Tôi có con cái. Tôi có một người vợ, tôi có cha mẹ già…"
Tôi nói, " Đừng lo lắng. Bạn sẽ không phát điên đâu."
Và bạn sẽ ngạc nhiên: anh chàng đó tiến bộ trong thiền định hơn bất cứ ai khác. Cái đó cho tôi cái ý tưởng về một cách thiền định đặc biệt, và tôi bắt đầu dùng một kỹ thuật mới, "nói lắp bắp" [gibberish].[37] Nó không tuyệt đối mới, nhưng chưa ai từng dùng nó như là một "thủ thuật" để cho nhiều người thiền định.
Tôi nói với Nityananda Chatterji, " Bạn đừng lo lắng. Bạn đã nói lắp bắp quá nhiều, đến nỗi chắc chắn bạn sắp đạt tới một sự im lặng sâu."
Và anh ta trở nên rất im lặng. Toàn trường đại học bị sốc. Họ không thể tin điều đó – tôi đã làm gì với anh ta? Bây giờ người ta thường tiếp cận [38] anh ta, muốn anh ta nói chuyện, và anh ta thường nói, " Không, đủ rồi. Trước đây, khi tôi thường nói ba hoa, tất cả các bạn đều muốn trốn. Việc ấy đã kết thúc rồi. Xin cứ để tôi yên."
Anh ta được thăng chức, nhưng anh ta từ chối, và nhận tiền hưu trí, để vợ con anh ta có thể sống và anh ta có thể tiếp tục sự im lặng của mình. Tôi gặp anh ta sau 10 năm. Anh ta đã trở thành một người hoàn toàn mới, quá tươi mát, quá trẻ trung, như thể một cái nụ vừa đang nở ra, và trở nên một hoa hồng – với sự tươi mát đó. Và anh ta không nói chuyện; anh ta thường đến và chỉ ngồi đó hằng giờ, không nói một lời nào.
Tâm trí chỉ là một bộ máy – nó có thể nói chuyện, nó có thể im lặng. Vấn đề duy nhất là, nó không nên là chủ nhân; nó nên là đầy tớ. Là đầy tớ, nó vĩ đại; là người chủ, nó nguy hiểm. Bạn nên là người chủ của nó.
Bạn không thể "làm" thiền định, bạn chỉ có thể ở trong thiền định. Nó không phải là vấn đề "làm" [doing] một cái gì đó, đó là vấn đề "là" [being]. Nó không phải là một hành vi, mà là một trạng thái.
Chuyện này xảy ra nhiều lần: một kẻ vô thần đến với tôi và hỏi, "Tôi cũng có thể thiền định chứ? " Bởi vì cái ý tưởng rằng, trừ phi bạn tin vào Thượng đế, bạn không thể thiền định, đã trở nên quá thịnh hành. Nhưng đó là một khái niệm ngốc nghếch. Thiền định không có dính dáng gì tới Thượng đế. Quả vậy, sự thực là, nếu bạn tin vào Thượng đế, sẽ khó mà thiền định. Chính niềm tin của bạn sẽ trở thành một sự vướng bận.
Người mà không tin vào bất cứ cái gì, có thể đơn giản vượt lên những ý tưởng; người mà tin tưởng, thường bám víu vào sự tư duy, bởi vì niềm tin của y là một ý tưởng. Sự tin tưởng là thành phần của tâm trí – nếu bạn tin quá nhiều vào Thượng đế, bạn không thể rời khỏi tâm trí, bởi vì việc rời tâm trí, hiển nhiên, có nghĩa là rời bỏ sự tin tưởng của bạn. Người nào không thể tin tưởng, y ở trong một tình huống tốt hơn.
Và hãy nhớ, từ "meditate" [thiền định] trong tiếng Anh cho một hàm nghĩa sai. Khi chúng ta dùng từ "thiền định”, nó cho một cảm tưởng rằng, bạn đang thiền trên một cái gì đó. Bạn phải có đối tượng nào đó để mà thiền trên đó – và đó là vấn đề. Tại phương Đông, chúng ta có một từ khác, dhyana. Dhyana đơn giản có nghĩa là không có vấn đề tập trung trên một cái gì đó; đúng hơn, nó đang vứt bỏ mọi nội dung của tâm trí và chỉ "là" [being][39]. Thiền định trong nghĩa dhyana không cần đối tượng nào; nó là một trạng thái ý thức không đối tượng, không nội dung. Bạn tiếp tục vứt bỏ – neti, neti, không cái này cũng không cái kia – bạn tiếp tục vứt bỏ tất cả mọi tư tưởng, tốt và xấu. Khi tất cả mọi tư tưởng đã bị loại bỏ, cái gì còn lại? Đó là bạn, và đó là "Thượng đế tính."
Nhưng bạn gọi nó là cái gì, không quan trọng. Bạn có thể gọi nó là Thượng đế nếu cái từ đó hấp dẫn với bạn; nếu nó không hấp dẫn với bạn, bạn có thể gọi nó là niết bàn, bạn có thể gọi nó là Đạo, hay bất cứ cái gì. Nhưng đừng lo lắng về chuyện đó, rằng bạn không thể tin vào Thượng đế. Điều đó là tốt! Đây là cái cách tiếp cận, phương pháp của tôi: Nếu ai đó nói, "Tôi tin vào Thượng đế," " Tôi không tin vào Thượng đế," thì tôi nói, " Điều đó là tốt. Bây giờ chúng ta hãy khởi đi từ đó."
Bạn phải khởi đi từ cái điểm nơi mà bạn đang ở. Và tất cả mọi điểm đều tốt, bởi vì mọi điểm đều ở trên cái chu vi của đường tròn, và từ mọi điểm trên chu vi, đều có thể tới trung tâm. Do vậy, hãy di chuyển về phía trung tâm, đừng lo lắng về nơi bạn đang ở.
Một buổi chiều, Nasruddin đang ngồi trong một tiệm hớt tóc. Ông ta chú ý đến một bảng giá trên bức tường của tiệm và trên bảng giá là, " Làm cháy sém – 5 Mỹ kim." Ông hỏi người thợ cạo tại sao nó giá cao quá như vậy.
Người thợ cạo nói, " Mọi sợi tóc trên đầu bạn là một cái ống lõm nhỏ, mở ra ở hai đầu, cho nên năng lượng của cơ thể phần nào chảy máu ra từ nó. Sau khi bạn hớt tóc xong, thật là tốt, nếu có một chút cháy sém, bởi vì nó đóng lại cái lỗ ở cuối mỗi sợi tóc, và phong kín cái năng lượng. Nếu không, tóc và toàn bộ cơ thể sẽ trở nên ngày càng yếu đi mỗi lần bạn hớt tóc."
" Bây giờ, hãy đợi một phút," Nasruddin nói, " còn về những sợi lông trên cằm tôi thì sao? Tôi cạo nó mỗi ngày và cắt hai đầu, thế mà nó chỉ tiếp tục trở nên ngày càng dày hơn và mạnh hơn. Ông giải thích thế nào chuyện đó?"
" Dễ ợt !" người thợ cạo nói, " Bạn đơn giản không phải là cái gã mà câu chuyện này bịa ra để kể!"
Đây tất cả đều là những câu chuyện. Nếu nó hấp dẫn, tốt; nếu nó không hấp dẫn, rất tốt! Không cần phải tin; bạn không cần phải làm bất cứ gì về nó; đừng lãng phí thời gian của bạn với Thượng đế. Chỉ vì từ này mà quá nhiều người tiếp tục lãng phí thời gian. Ai đó đang cố chứng minh, ai đó đang cố bác bỏ, những luận án "vĩ đại" đang được viết. Nhiều sách được viết về Thượng đế, nhiều bằng số lượng sách viết về mọi thứ khác gộp lại – hằng triệu cuốn sách, những thư viện đầy sách. Đừng lãng phí thời gian của bạn. Nếu bạn không tin, thì câu chuyện đó không dành cho bạn. Nhưng chúng ta có những câu chuyện khác nữa, cho nên, tại sao lại lo lắng? Dành cho những người không [tin] Thượng đế nữa, cũng có một con đường.
Và con đường của tôi là cho tất cả. Bất cứ ai đến đều được chấp nhận. Người Hindu, Hồi giáo, Kytô giáo, Jaina giáo, người Sikh, Phật giáo, người Parsee – bất cứ ai đến đều được chấp nhận. Tôi yêu mọi loại câu chuyện! Bất cứ sự khởi đầu nào đều tốt, nhưng hãy bắt đầu. Đừng cứ bị kẹt ở nơi mà bạn đang là; hãy di chuyển về phía trung tâm. Hãy thiền định, và cái đó sẽ đưa bạn về tới nhà. Và rồi bạn có thể gọi nó là bất cứ cái gì mà bạn muốn; việc bạn gọi nó là cái gì, cái đó không phải là việc của tôi. Bạn có thể gọi nó bằng bất cứ cái tên nào tùy ý bạn.
**************
Có 112 phương pháp thiền định;" chúng đã được khám phá cách đây 10 ngàn năm. Tôi đã tạo ra một vài phương pháp mới cho con người hiện đại, bởi vì những phương pháp [truyền thống] đó được tạo ra cho một loại nhân loại hoàn toàn khác, cho những con người rất đơn giản. [40] Con người hiện đại không đơn giản, y rất phức tạp. Những phương pháp [cổ xưa] đó là dành cho những người không bị đè nén, họ hồn nhiên. Trong 10 ngàn năm này, những tôn giáo đã làm cho mọi người trở thành bị ức chế. Về mặt tình dục, và trong những phương diện khác, chúng đã đưa đẩy con người chống lại bản chất của riêng hắn.
Do vậy, tôi đã tạo ra những phương pháp mới [mà] có tính thanh tẩy, để các bạn có thể ném ra ngoài tất cả những ức chế, tất cả rác rưởi ra khỏi "bản thể" của bạn, và có thể trở nên sạch sẽ, hoàn toàn trống rỗng. Do vậy, 112 phương pháp đó – bất cứ phương pháp nào hấp dẫn với bạn sẽ là đủ để chuyển hóa cái "bản thể" của bạn.
Trong 60 phút mọi ngày, chỉ cần quên về thế giới. Hãy để cho thế giới biến đi khỏi bạn, và bạn biến đi khỏi thế giới. Hãy xoay người lại, một cái xoay người 180 độ, và chỉ nhìn vào bên trong. Ban đầu, bạn sẽ chỉ thấy những đám mây. Đừng lo lắng về chúng; những đám mây đó được tạo ra bởi những ức chế của bạn. Bạn sẽ gặp sự giận dữ, sân hận [thù ghét], tham lam, và mọi loại lỗ đen. Bạn đã đè nén chúng, nên chúng ở đó. Và những cái mệnh danh là những tôn giáo của bạn đã dạy bạn đè nén chúng, nên chúng ở đó như những vết thương. Bạn đã và đang che giấu chúng.
Đó là lý do tại sao sự nhấn mạnh của tôi trước hết là vào sự thanh tẩy. Trừ khi bạn trải qua một cuộc thanh tẩy lớn, bạn sẽ phải băng qua nhiều đám mây. Nó sẽ rất mệt mỏi, và có thể bạn sẽ quá mất kiên nhẫn đến mức bạn có thể quay trở lại thế gian. Và bạn sẽ nói, " Không có gì cả. Không có hoa sen và chút hương thơm nào, chỉ có mùi hôi hám và rác rưởi."
Bạn biết điều đó. Khi bạn nhắm mắt lại, và bạn bắt đầu di chuyển vào bên trong, bạn gặp cái gì? Bạn không gặp những vùng đất xinh đẹp mà chư Phật thường nói về. Bạn gặp những địa ngục, những thống khổ, bị đè nén ở đó, đang chờ đợi bạn. Sân hận của nhiều kiếp, tích lũy – tất cả là một mớ tùng phèo ở đó, nên người ta muốn lưu lại bên ngoài. Người ta muốn đi xem phim, tới câu lạc bộ, gặp người khác và tán gẫu. Người ta muốn bận bịu cho đến khi mệt và ngủ thiếp đi. Đó là cái cách mà bạn đang sống, đó là lối sống của bạn.
Do vậy, khi người ta bắt đầu nhìn vào trong, tự nhiên người ta hết sức bối rối. Các vị Phật nói rằng, có ân phước lớn, hương thơm cao cả – bạn gặp hoa sen đang nở và hương thơm ngào ngạt, vĩnh cửu. Họ nói về cái thiên đường này, họ nói về cái vương quốc này của Thượng đế, ở bên trong bạn. Và khi bạn đi vào, bạn chỉ gặp địa ngục. Bạn không thấy những vùng đất Phật [tịnh độ], mà gặp những trại tập trung của Adolf Hitler. Đương nhiên, bạn bắt đầu nghĩ rằng, mọi thứ này chỉ là vớ vẩn, tốt hơn là cứ ở bên ngoài. Và tại sao lại cứ tiếp tục đùa chơi với những vết thương của mình? Nó gây đau đớn, nữa, và mủ bắt đầu chảy ra từ những vết thương, và nó dơ bẩn.
Nhưng sự thanh tẩy là hữu ích. Nếu bạn thanh tẩy, nếu bạn trải qua những lần thiền định hỗn loạn – bạn ném tất cả những đám mây này ra ngoài, tất cả bóng tối này ra ngoài – rồi chánh niệm trở nên dễ dàng hơn. Đó là lý do tại sao trước hết tôi nhấn mạnh vào thiền "hỗn loạn" rồi mới đến thiền im lặng. Trước hết, thiền "năng động," sau đó, thiền "thụ động". Bạn có thể đi vào thiền thụ động chỉ khi nào mọi cái phế tạp [41] ở đó bị ném ra ngoài. Sân hận được ném ra ngoài, tham lam được ném ra ngoài … lớp này trên lớp kia, những thứ này có mặt ở đó. Nhưng một khi bạn đã ném chúng ra ngoài, bạn có thể "lẻn vào trong" [42] dễ dàng. Không có cái gì ngăn trở bạn.
Và bỗng nhiên – ánh sáng chói lọi của Phật quốc. Bỗng nhiên bạn ở trong một thế giới hoàn toàn khác.
1972: TRẠI THIỀN MT. ABU, RAJASTHAN, ẤN ĐỘ
Thiền định buổi sáng có 4 giai đoạn. Trong 10 phút đầu tiên, bạn phải thực tập thở nhanh. Bạn phải bước vào trong hiện hữu thông qua việc thở, bạn phải mang lại sinh lực và năng lượng cho hơi thở. Bạn phải đặt chính đời mình vào trong hơi thở – quá nhiều đến nỗi khi hơi thở đi ra, chính linh hồn bạn đi ra với nó, và khi hơi thở đi vào, toàn bộ hiện hữu đi vào, toàn bộ hiện hữu đến với nó. Bạn phải thở quá sâu, đến mức bạn quên mọi thứ khác, chỉ có việc thở còn lại – như thể chính bạn trở thành hơi thở.
Việc thở sâu trong 10 phút này sẽ đánh thức mọi năng lượng đang ngủ bên trong bạn. Nó sẽ khơi dậy và kích hoạt mọi năng lượng đó, mà bạn chưa bao giờ thậm chí chạm tới. Nhưng sự "dè sẻn" sẽ không tốt. Đừng nghĩ theo cách này, " Mình sẽ thở chậm. Dù sao đi nữa, nếu không nhiều, thì ít ra một năng lượng nào đó sẽ thức dậy." Không, không chút nào cả – bởi vì quá trình thức tỉnh chỉ bắt đầu sau khi một giới hạn nhất định đã được đạt tới. Nó cũng giống như khi bạn đun nước; nhiệt độ lên tới 100 độ C, và rồi trở thành hơi nước. Đừng nghĩ rằng ở 30 độ nó sẽ trở thành hơi nước " tới mức nào đó" hay " một ít sẽ biến thành hơi nước." Không, toán học sẽ không dùng được ở đây. Nước biến thành hơi nước ở 100 độ. [43] Đừng nghĩ rằng ở 50 độ, ít nhất một nửa trong số đó sẽ biến thành hơi, không – không chút nào sẽ biến thành hơi. Nó sẽ bắt đầu biến thành hơi ở 100 độ C.
Và 100 C độ đó là cái gì? Đối với nước, thì bất cứ nơi nào nó cũng giống nhau. Bạn đun nước bất cứ nơi nào, ở bất cứ xó xỉnh nào của thế giới, và nó biến thành hơi ở 100 độ. Bất luận nó là nước từ ao, sông, hay một vòi nước, hay nước mưa – bất luận từ đâu – nước không khăng khăng rằng, " Tôi đến từ giếng" hay từ sông, nó đơn giản biến thành hơi ở 100 độ.
Với con người, có một sự khó khăn, bởi vì hắn có một nhân cách, một tính cá nhân. Mỗi cá nhân "biến thành hơi" ở những nhiệt độ riêng, tùy từng cá nhân – hay, nói khác đi, 100 độ của mỗi người đều khác nhau. Con người cũng vậy, hắn chỉ "biến thành hơi" ở 100 độ, nhưng 100 độ của mọi người đều khác nhau. Do vậy, thật khó mà nói cho bạn biết, ở điểm nào thì bạn sẽ "biến thành hơi." Một điều thì chắc chắn: Bạn có thể phán đoán cái điểm 100 độ của riêng bạn. Cái tiêu chuẩn là, nếu bạn không tự kìm mình lại [44] chút nào, thì bạn ở "bay hơi" ở 100 độ – nếu bạn đặt cược chính mình một cách hoàn toàn vào trong nỗ lực của bạn, nếu bạn tuyệt đối chắc chắn rằng bạn không tự kìm mình lại chút nào. Và người khác không dính dáng gì tới nó – nó là cái điều của riêng bạn. Do vậy, những người khác có thể biết hay không biết về nó; có thể họ nghĩ rằng bạn chưa đạt tới điểm nút. Chỉ mình bạn là cần phải biết, rằng bạn không đang tự kìm mình lại, và bạn đang đặt mình một cách hoàn toàn vào trong nó. Nếu bạn đang đặt chính mình một cách hoàn toàn vào trong nó, thì bạn "bay hơi" ở 100 độ. Rồi, không có gì phải lo lắng cả.
Điều này cũng có thể xảy ra: có thể người ngồi bên cạnh bạn đang làm nỗ lực nào đó nhiều hơn bạn, thế nhưng có thể anh ta không đạt tới 100 độ của chính mình. Có thể anh ta vẫn còn giữ lại một cái gì đó của chính mình. Và cũng có thể, là một ai đó khác làm ít nỗ lực hơn bạn, nhưng lại đạt tới 100 độ – anh ta đã đặt chính mình một cách hoàn toàn vào đó. Do vậy, bạn không cần phải quan tâm về những người khác; bạn hãy sáng tỏ về chính mình, xem bạn có đặt cược chính mình một cách hoàn toàn hay không.
Thiền định là một canh bạc. Trong những canh bạc khác, bạn đặt cược một cái gì đó, còn trong thiền định, bạn đặt cược chính mình. Nó chắc chắn là hành vi dành cho một con bạc, chứ không phải dành cho một doanh nhân, bởi vì mối quan tâm của doanh nhân là làm sao có sự rủi ro ít nhất, cho dù những món lợi thì nhỏ bé. Mối quan tâm của một con bạc là, sao cho được lợi lớn, cho dù có nguy cơ mất hết. Đây là sự khác biệt giữa một con bạc và một doanh nhân.
Thiền định không phải là một "công trình" [45] dành cho một doanh nhân chút nào. Thiền định là tuyệt đối dành cho một con bạc. Y đặt cược toàn bộ chính mình, bất kể cái gì.
Có một khác biệt : Trong canh bạc bên ngoài, có lẽ một lợi lộc hiếm khi xảy ra. Tôi nói "có lẽ" bởi vì cái ảo tưởng rằng nó sẽ xảy ra, mặc dù nó không xảy ra. Nó không bao giờ xảy ra. Trong canh bạc bên ngoài, thì cho dù thắng, nó chỉ là khởi đầu cho một thất bại lớn hơn. Cho dù ban đầu thắng, nó chỉ là một cám dỗ cho một trận thua lớn hơn. Do vậy, một con bạc không bao giờ thắng; bất luận y thắng bao nhiêu lần, y vẫn không phải là kẻ thắng, bởi vì sau cùng y chỉ thua.
Canh bạc bên trong thì ngược lại: Ngay cả một thất bại, nó cũng chỉ là một khởi đầu cho nhiều thắng lợi sẽ đến. Một hành giả không bao giờ thua một cách tối hậu – y thua nhiều lần, nhưng cuối cùng y thắng. Đừng nghĩ rằng một Mahavira hay một Buddha thắng ngay ngày đầu tiên, rằng một Mohammed hay một Christ thắng ngay trong ngày đầu tiên. Họ bị thua xiểng liểng! Nhưng sau cùng, họ thắng.
Do vậy, hãy thở sâu trong 10 phút, với toàn bộ con người bạn dấn thân trong nó.
Rồi, sau 10 phút thở sâu, khi năng lượng của bạn được đánh thức, nó phải được ném ra ngoài – từ bất cứ lộ trình nào mà nó muốn đi ra. Cơ thể bạn có thể nhảy bật lên, nhảy về phía trước, nhảy múa, la hét, tạo ra những âm thanh, có vẻ như nó đã hoàn toàn phát điên; bạn không nên làm cho nó ngừng lại. Bạn phải để cho nó hoàn toàn buông thả tự do và hỗ trợ nó. Nếu cơ thể bạn muốn phát điên hoàn toàn, cứ để cho nó làm như vậy.
Tại sao? Bởi vì có vô số sự điên rồ được tích lũy bên trong bạn. Bạn phải để cho nó phát điên một cách hoàn toàn. Hoàn toàn điên, có nghĩa là, bạn không mang giữ nỗi sợ nào cả – "Mình đang làm cái gì vậy?" Hay " Mình là bác sĩ, thế mà mình lại đang nhảy nhót và nhảy lò cò ! Mình làm gì vậy? Cái gì sẽ xảy ra, nếu một bệnh nhân nào đó của mình thấy mình!"
Một bác sĩ vẫn cứ sợ bệnh nhân của mình, một giáo viên cứ sợ học trò mình, một chủ tiệm vẫn cứ sợ khách hàng của mình. Bất luận bạn sợ ai, phát điên có nghĩa là, bạn vứt bỏ mỗi trong số những nỗi sợ đó – bất luận nỗi sợ có quan hệ tới ai. Người chồng sợ người vợ, và người vợ sợ người chồng. Người cha sợ con trai, và con trai sợ cha mình – bất cứ nỗi sợ nào mà bạn có thể có, phát điên có nghĩa là, " Bây giờ, mình vứt bỏ mọi nỗi sợ." Không sợ hãi, bạn sẽ phải để cho bất cứ cái gì muốn xảy ra, cứ việc xảy ra.
Chúng ta tích lũy sự điên rồ ngày này qua ngày nọ. Nó như thể là có rác rưởi trong nhà và bạn cứ mãi giấu nó trong một xó. Việc này sẽ làm cho toàn bộ ngôi nhà dơ bẩn! Một ngày nào đó, ngôi nhà bắt đầu bốc mùi hôi. Một ngày nào đó, tình huống sẽ đi tới chỗ, ngoài rác rưởi ra, trong nhà không còn có gì khác. Như chúng ta đang là bây giờ, đây là cái mà chúng ta làm với chính mình. Bất cứ rác rưởi nào đang tồn tại trong tâm trí, ta tiếp tục tích lũy nó. Bất luận nó là sự giận dữ, sự bất lương, hay sự thù ghét – ta tiếp tục chất đống bất cứ cái gì.
Chầm chậm, chầm chậm, sự tích lũy này trở nên quá lớn, đến nỗi suốt đời, ta chỉ bận rộn với việc làm thế nào để quản lý nó, nếu không nó sẽ tràn ra, nếu không nó sẽ rớt ra, bị phô bày – và ai đó sẽ thấy nó. Rồi chúng ta trở nên quá sợ hãi nó, đến nỗi chúng ta hoàn toàn ngừng nhìn vào bên trong chính mình. Bởi vì nỗi sợ đã trở nên quá lớn, và có quá nhiều rác rưởi. Chúng ta sợ rằng nó sẽ bị phơi bày.
Chỉ những ai sẵn sàng ném ra ngoài tất cả mọi rác rưởi này, mới có thể bước vào thiền định. Khi nó được ném ra ngoài, mọi sự trở nên nhẹ nhàng trong bạn. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn thanh tẩy, ném mọi thứ ra ngoài để cho một sự sạch sẽ "đáp xuống"[46] bên trong. Nếu bạn không thu hết can đảm mà làm, bạn sẽ không thể ném mọi thứ ra ngoài. Nhưng một khi bạn có thể làm thế, bạn sẽ là một người hoàn toàn khác. Giai đoạn hai là giai đoạn của việc phát điên hoàn toàn.
Giai đoạn ba là giai đoạn tạo ra âm thanh "hoo." Bạn phải phát ra âm thanh "hoo" trong khi liên tục nhảy lên nhảy xuống trong 10 phút. Âm thanh "hoo" giống như một cái búa – bạn phải búa với nó. Trong cơ thể bạn, có một năng lượng cư ngụ ngay gần trung tâm sex của bạn và yoga gọi nó là kundalini – hay người ta có thể gọi nó bất cứ tên nào người ta muốn; những nhà khoa học bây giờ gọi nó là "sinh điện" [bioelectricity][47]. Nó được ẩn giấu ở đó, và nếu một âm thanh sâu và mạnh của "hoo" được phát ra, thì cái năng lượng ngủ ngầm đó, cái năng lượng đang ngủ đó được kích hoạt. Những hiền nhân cổ xưa đã dùng cái sự ví von này: con rắn ngồi cuộn tròn lên – và khi nó bị chạm vào, nó nhấc mình lên với miếng da trùm đầu mở ra, và cái khúc cuộn biến đi. Nếu một con rắn được đánh thức đủ, nó gần như đứng trên cái đuôi của nó. Y hệt như vậy, năng lượng này đang ngủ ngầm bên trong ta. Nếu nó bị đánh, nó khởi sự nhấc đầu lên.
Nhưng việc "đánh" này chỉ nên được làm khi bạn đã có cơ hội để ném ra ngoài sự điên rồ của bạn từ bên trong. Nếu không, nếu nó nhấc đầu lên giữa tất cả cái điên rồ của bạn, thì bạn thực sự phát điên. Do vậy, nhiều lần nhiều kẻ tìm kiếm đã phát điên. Lý do là họ khởi sự đánh thức kundalini của họ mà không làm sạch mình một cách triệt để. Họ phát điên, là bởi vì họ không có một thái độ khoa học. Trước hết, phải thanh tẩy, làm sạch.
Do vậy, hai giai đoạn đầu là để thanh tẩy bạn một cách triệt để. Giai đoạn thứ nhất là để khơi dậy tất cả những năng lượng bên trong bạn, giai đoạn hai là để ném ra ngoài tất cả những thứ mà xung đột với những năng lượng được khơi dậy. Rồi giai đoạn thứ ba, là để đánh thức cái kundalini đang nằm ngủ bên dưới.
Do vậy, trong 10 phút, bạn phải dùng âm thanh "hoo" với cường độ cao nhất. Và rồi, trong giai đoạn bốn, bạn phải nằm xuống giống như một tử thi, như thể bạn không có mặt ở đó chút nào – hoàn toàn yên lặng. Bạn phải để cho cơ thể bạn thư giãn hoàn toàn, y như thể bạn đã chết. Với hai mắt nhắm, bạn phải ở trong tư thế chờ đợi, lặng lẽ bên trong. Nhiều cái sẽ xảy ra. Trong sự chờ đợi nội tại đó, nhiều cái sẽ xảy ra.
Tôi hiểu rằng, chẳng sớm thì muộn, phương pháp thiền này, mà tôi đang trao cho bạn, sẽ là một liệu pháp có ý nghĩa lớn, và nó sẽ trở thành một cách chữa trị những người mắc bệnh tâm thần, và hồi phục sức khỏe cho họ. Và nếu mọi đứa trẻ trong trường đều có thể trải qua phương pháp thiền này, thì nó sẽ được cứu thoát khỏi chứng điên suốt đời mình. Nó sẽ không bao giờ phát điên; nó sẽ được miễn dịch khỏi bệnh này, bởi vì lúc ấy nó sẽ là chủ nhân của riêng mình, chủ nhân của thể xác và tâm trí mình.
Khi một người thiền định, y rũ bỏ mọi sự bất an. Sự suy nghĩ của y ngừng lại, những cử động cơ thể y ngừng lại; y trở thành giống như một bức tượng cẩm thạch … hoàn toàn bất động. Trong khoảnh khắc đó, y là một hồ năng lượng. Y vô cùng hùng mạnh. Nếu bạn thấy ai đó đang thiền định, ngồi kề bên anh ta bạn sẽ được lợi lạc. Ngồi bên cạnh ai đó đang ở trong một trạng thái thiền, bạn cũng sẽ di chuyển vào trong thiền định. Năng lượng của anh ta sẽ kéo bạn ra khỏi mớ hỗn độn của bạn. Thiền định không là gì khác hơn sự nghỉ ngơi tuyệt đối.
Làm thế nào bạn đạt tới sự nghỉ ngơi tuyệt đối, việc ấy tùy thuộc vào nhiều điều. Có một ngàn lẻ một phương pháp để tạo ra sự nghỉ ngơi đó. Những phương pháp của riêng tôi là, trước tiên tôi muốn bạn trở nên càng bất an càng tốt, để cho không có gì treo lủng lẳng bên trong bạn; sự bất an đã được ném ra ngoài – rồi, di chuyển vào trong sự nghỉ ngơi. Và sẽ không có sự rối loạn, nó dễ dàng hơn.
Trong thời của Đức Phật, những phương pháp năng động như thế không được cần đến. Con người đơn giản hơn, chính thực [48] hơn. Họ sống một cuộc sống thực hơn. Bây giờ người ta đang sống một cuộc sống rất bị ức chế, rất không thực. Khi họ không muốn mỉm cười, họ mỉm cười. Khi họ muốn giận, họ bày tỏ sự từ bi. Con người trở nên giả dối, và toàn bộ khuôn mẫu sống đều giả dối. Toàn bộ nền văn hóa giống như một sự giả dối lớn. Người ta chỉ đang đóng kịch, chứ không phải sống. [49] Nhiều cái bị để treo lủng lẳng, nhiều kinh nghiệm không hoàn chỉnh tiếp tục được thu thập, được chất đống, bên trong tâm trí họ.
Do vậy, chỉ ngồi một cách trực tiếp trong im lặng sẽ không giúp được gì. Cái khoảnh khắc mà bạn ngồi im lặng, bạn sẽ thấy đủ thứ "tạp pí lù" đang di chuyển bên trong bạn. Bạn sẽ cảm thấy hầu như không thể nào im lặng được. Trước hết, hãy ném đi những cái đó, để đạt tới một trạng thái nghỉ ngơi tự nhiên. Nhưng thiền định thực thụ chỉ bắt đầu khi bạn ở trong sự nghỉ ngơi.
Tất cả những loại thiền năng động đều chỉ là chuẩn bị cho thiền thực thụ. Chúng chỉ là những đòi hỏi cơ bản cần phải được chu toàn để cho thiền định có thể xảy ra. Đừng xem chúng như là thiền định; chúng chỉ là sự dẫn nhập, chỉ là một lời tựa. Thiền thực thụ chỉ bắt đầu khi mọi hoạt động đã ngừng lại – hoạt động của cơ thể và hoạt động của tâm trí.
Thiền định không phải là "thiền trên" một cái gì đó, mà chỉ là "là" chính mình – không di chuyển khỏi trung tâm, không có sự di chuyển nào cả … chỉ là chính mình một cách toàn bộ, quá toàn bộ đến mức không có thậm chí một ánh lập loè nào … Ngọn lửa bên trong vẫn cứ bất động. "Cái khác" [the other][50] đã biến đi; chỉ mình bạn có mặt. Không có một tư tưởng riêng lẻ nào ở đó. Toàn bộ thế giới đã biến đi. Tâm trí không còn ở đó; chỉ mình bạn có mặt, trong sự thuần khiết tuyệt đối của bạn.
XVIII
TÂM LÝ HỌC THỨ BA: [51]
TÂM LÝ HỌC CỦA CHƯ PHẬT
Tại công xã, tôi có hằng trăm "trường phái" tâm liệu pháp đang làm việc, nhưng tôi đang làm việc để hủy bỏ mọi liệu pháp. Những nhà liệu pháp đang làm việc để tiêu diệt những vấn đề của bạn, và tôi đang cố tiêu diệt những liệu pháp và những nhà liệu pháp! – bởi vì một liệu pháp chỉ có thể là một sự giảm đau [52] tạm thời, và nhà liệu pháp chỉ giúp ích rất hời hợt.
Sigmund Freund đưa phân tâm học vào thế giới. Nó có gốc rễ trong việc phân tích tâm trí. Nó bị giới hạn vào tâm trí. Nó không bước ra khỏi tâm trí, không, dù chỉ một phân. Trái lại, nó càng đi sâu hơn vào trong tâm trí, vào trong những tầng bị ẩn giấu của tâm trí, vào trong vô thức, để phát hiện ra những cách thức và phương tiện để cho tâm trí của con người có thể ít ra được bình thường.
Mục tiêu của phân tâm học Freud không lớn lắm. Mục tiêu đó là giữ cho con người được bình thường. Nhưng chỉ bình thường thôi, thì không đủ. Chỉ là bình thường thôi thì không có ý nghĩa gì; nó chỉ có nghĩa là "thích nghi" được với cái lề thói bình thường của cuộc sống và có năng lực đương đầu với nó. Nó không cho bạn ý nghĩa, nó không cho bạn "nghĩa lý" [significance].[53] Nó không cho bạn "cái nhìn sâu” [insght] vào trong thực tại của sự vật. Nó không đưa bạn vượt lên thời gian, vượt qua cái chết. Tối đa, nó là một công cụ hữu ích cho những ai mà đã trở nên quá bất bình thường đến nỗi họ đã không còn có khả năng đương đầu với cuộc sống hằng ngày – họ không thể sống với người khác, họ không thể làm việc, họ đã trở nên vỡ vụn. Tâm liệu pháp cung cấp cho họ một "sự ở cùng nhau" [togetherness][54] nào đó – không phải là tính toàn vẹn [integrity],[55] bạn nên lưu ý, nhưng chỉ là một "sự ở cùng nhau" nào đó. Nó gói họ lại thành một gói. Họ vẫn cứ bị phân mảnh; không có gì trở nên được kết tinh trong họ, không có linh hồn nào được sinh ra. Họ không trở nên phúc lạc, họ chỉ bớt đau khổ, bớt khốn khổ.
Tâm lý học giúp họ chấp nhận khổ đau. Nó giúp họ chấp nhận rằng, đây là tất cả những gì mà cuộc đời có thể cho bạn, cho nên đừng đòi hỏi nhiều hơn. Trên một phương diện, nó nguy hiểm cho sự phát triển nội tại của họ – bởi vì sự phát triển nội tại chỉ xảy ra khi có một sự bất mãn "thần thánh" [divine discontent].[56] Khi bạn tuyệt đối bất mãn với những sự việc như chúng là, chỉ khi đó bạn mới đi tìm kiếm; chỉ lúc đó bạn mới khởi sự vươn cao hơn, chỉ khi đó bạn mới làm những nỗ lực để tự kéo mình ra khỏi bùn lầy.
Jung đi xa hơn một chút, vào trong vô thức; ông đi vào trong vô thức tập thể. Đây là ngày càng đi sâu hơn vào trong nước bùn, và cái này sẽ không giúp ích. Assagioli đi sang cực đoan khác. Thấy được sự thất bại của phân tâm học, ông phát minh ra tâm lý học tổng hợp. Nhưng nó có gốc rễ trong cùng một ý tưởng. Thay vì phân tích, ông nhấn mạnh sự tổng hợp.
Tâm lý học của chư Phật thì không phân tích cũng không tổng hợp; nó siêu việt, nó là sự đi vượt quá tâm trí. Nó không phải là sự làm việc bên trong tâm trí, nó là công việc đưa bạn ra bên ngoài tâm trí. Đó chính xác là nghĩa của từ tiếng Anh "ecstasy" – đứng ra ngoài.
Khi bạn có khả năng đứng ra ngoài tâm trí bạn, khi bạn có khả năng tạo ra một khoảng cách giữa tâm trí bạn và "bản thể" bạn, thì bạn đã đi bước đầu tiên của tâm lý học chư Phật. Và một phép mầu xảy ra: khi bạn đang đứng ra ngoài tâm trí, tất cả những vấn đề của tâm trí biến mất bởi vì tâm trí chính nó biến mất; nó đánh mất sự "kiềm tỏa" của nó trên bạn.
Phân tâm học thì giống như tỉa lá của cây, nhưng những lá mới sẽ mọc ra. Đó không phải là việc chặt đứt rễ. Tâm lý học tổng hợp là dán những lá rụng vào lại trong cây – dán nó lại vào cây. Cái đó cũng sẽ không cho chúng sự sống. Chúng sẽ chỉ nom có vẻ xấu xí; chúng sẽ không sống, chúng sẽ không tươi xanh, chúng sẽ không là thành phần của cây, mà chỉ được dán vào một cách nào đó.
Tâm lý học của chư Phật thì chặt đứt rễ của cây, là cái tạo ra mọi loại bệnh loạn thần kinh,[57] tạo ra con người phân mảnh, con người robot.
Phân tâm học phải mất nhiều năm, và con người vẫn giữ nguyên như cũ. Nó là sự cách tân cái cấu trúc cũ, vá chỗ này chỗ kia, quét vôi cái ngôi nhà cũ. Nhưng nó vẫn là cái nhà đó, không có cái gì thay đổi một cách nền tảng. Nó không chuyển hóa ý thức của con người.
Tâm lý học chư Phật không làm cái công việc bên trong tâm trí. Nó không quan tâm chút nào đến việc phân tích và tổng hợp. Nó đơn giản giúp bạn ra khỏi tâm trí, để cho bạn có thể có một cái nhìn từ bên ngoài. Và chính cái nhìn đó là sự chuyển hóa. Cái khoảnh khắc bạn nhìn vào tâm trí bạn như là một đối tượng, bạn trở thành tách rời ra khỏi nó, bạn không còn bị đồng hóa với nó; một khoảng cách được tạo ra, và những cái rễ được cắt đi.
Những cái rễ được cắt như thế nào trong cách này? – bởi vì chính bạn là người tiếp tục cảm nhận tâm trí. Nếu bạn bị đồng hóa, thì bạn nuôi dưỡng tâm trí; nếu bạn không bị đồng hóa, bạn ngừng nuôi dưỡng nó. Nó tự mình chết đi.
Sau đây là một câu chuyện đẹp. Tôi rất yêu nó…
Một hôm Đức Phật đang băng qua một khu rừng. Đó là một ngày mùa hè nóng nực, và Ngài đang cảm thấy rất khát nước. Ngài nói với Ananda, thị giả của ngài, "Ananda, con hãy quay lại phía sau. Chỉ ba hay bốn dặm, chúng ta đã băng qua một suối nước. Con hãy đi lấy một ít nước – cầm lấy bình bát của ta. Ta đang cảm thấy rất khát." Ngài đã già đi.
Ananda quay trở lại, nhưng vào lúc ông đến dòng suối, một vài cái xe bò đã băng qua nó, làm cho toàn bộ dòng suối đục ngầu. Những cái lá chết rơi xuống lòng suối, đã nổi lên; nước không còn uống được nữa – nó quá dơ bẩn. Ông trở lại, tay không, và nói, " Thế tôn sẽ phải đợi một chút. Con sẽ đi về phía trước. Con đã nghe nói rằng, chỉ hai, ba dặm đằng trước, có một con sông lớn. Con sẽ lấy nước từ đó."
Nhưng Đức Phật cương quyết. Ngài nói, " Hãy quay trở lại và lấy nước từ dòng suối đó."
Ananda không thể hiểu cái sự cương quyết này, nhưng thầy đã nói vậy, thì đệ tử phải vâng lời. Thấy sự vô lý của nó – rằng một lần nữa ông sẽ phải đi bộ ba, bốn dặm, và ông biết rằng nước đó không thể uống được – nhưng ông vẫn phải đi. Trong khi ông sắp đi, Đức Phật nói, " Và đừng trở lại nếu nước vẫn dơ. Nếu nó dơ, con chỉ đơn giản ngồi im lặng chờ trên bờ. Đừng làm gì cả, đừng bước vào dòng suối. Hãy ngồi im lặng trên bờ và quan sát. Không sớm thì muộn, nước sẽ trong trở lại. Con chỉ việc đổ nước đầy bình bát rồi trở về."
Ananda đi đến đó. Đức Phật nói đúng: những chiếc lá đã trôi đi, bụi đã lắng xuống. Nhưng nước chưa hoàn toàn trong, cho nên ông ngồi trên bờ, chỉ quan sát dòng suối chảy qua. Chầm chậm, chầm chậm, nó trở nên trong vắt. Rồi ông trở lại, nhảy múa. Rồi ông hiểu tại sao Đức Phật lại quá cương quyết như vậy. Có một thông điệp nào đó trong nó cho ông, và ông hiểu cái thông điệp đó. Ông trao nước cho Đức Phật, và cám ơn Đức Phật, sờ vào hai chân Ngài.
Đức Phật nói, " Con đang làm gì vậy? Ta nên cám ơn con đã mang nước về cho ta thì đúng hơn. "
Ananda nói, " Bây giờ con có thể hiểu. Ban đầu, con tức giận; con không biểu lộ ra, nhưng con tức giận bởi vì quay lại là vô lý. Nhưng bây giờ con hiểu cái thông điệp đó. Đây là cái mà con đang cần vào khoảnh khắc này. Ngồi trên bờ dòng suối nhỏ đó, con trở nên nhận biết rằng, với tâm trí con, cũng như vậy. Nếu con nhảy vào dòng suối, con sẽ làm cho nó dơ bẩn trở lại. Nếu con nhảy vào tâm trí, thêm nhiều tiếng ồn sẽ được tạo ra, thêm nhiều vấn đề bắt đầu nổi lên bề mặt. Ngồi trên bờ, con đã học được cái kỹ thuật đó.
" Bây giờ con cũng sẽ ngồi bên bờ của tâm trí con, quan sát nó với tất cả sự dơ bẩn của nó, những vấn đề và những chiếc lá, những vết thương cũ của mình, những kỷ niệm, những dục vọng của mình. Một cách vô tư [unconcerned],[58] con sẽ ngồi trên bờ và đợi chờ cái khoảnh khắc khi mọi sự sẽ trở nên trong trẻo."
Và nó tự mình xảy ra, bởi vì cái khoảnh khắc bạn ngồi trên bờ của tâm trí bạn, bạn không còn cung cấp năng lượng cho nó. Đây là thiền định thực thụ. Thiền định là nghệ thuật của sự siêu việt [transcendence].
Freud nói về sự phân tich [tâm lý], Assagioli nói về sự tổng hợp. Đức Phật vẫn luôn luôn nói về thiền định, về sự "nhận biết" [awareness][59] .
Thiền định, sự nhận biết, sự "tỉnh giác" [watchfulness],[60] sự chứng kiến – đó là sự độc đáo của tâm lý học thứ ba. Không cần đến nhà phân tâm học nào. Bạn có thể tự mình làm nó – thực ra, bạn phải tự mình làm nó. Không cần "đường lối" [61] nào, nó là một quá trình cực kỳ đơn giản – đơn giản nếu bạn làm nó. Nếu bạn không làm nó, nó có vẻ như rất phức tạp. Ngay cả từ "thiền định" làm nhiều người khiếp sợ. Họ nghĩ nó là một cái gì đó rất khó khăn, gay go. Vâng, nếu bạn không làm nó, thì nó khó khăn và gay go. Nó giống như việc bơi. Nó khó khăn nếu bạn không biết bơi. Nhưng nếu bạn biết bơi, bạn biết rằng nó là một quá trình đơn giản. Không có gì đơn giản hơn là bơi lội. Nó chẳng phải là một nghệ thuật chút nào; nó quá tự phát [62] và tự nhiên.
Hãy nhận biết nhiều hơn về tâm trí bạn. Và khi nhận biết về tâm trí bạn, bạn sẽ trở nên ý thức sự kiện rằng, bạn không phải là tâm trí, và cái đó là sự khởi đầu của cuộc cách mạng. Bạn bắt đầu chảy [flow][63] mỗi lúc một cao hơn. Bạn không còn bị buộc chặt vào tâm trí. Tâm trí vận hành giống như một tảng đá và kéo bạn xuống. Nó giữ bạn lại bên trong trường trọng lực. Cái khoảnh khắc bạn không còn bị trói buộc vào tâm trí, bạn bước vào Phật trường. Khi trọng lực mất quyền lực trên bạn, bạn bước vào Phật trường. Bước vào Phật trường có nghĩa là bước vào thế giới của "sự bay bổng" [levitation][64]. Bạn khởi sự bay lên. Tâm trí tiếp tục kéo bạn về phía dưới.
Cho nên, nó không phải là vấn đề phân tích hay tổng hợp. Nó đơn thuần là vấn đề trở nên nhận biết. Đó là lý do tại sao tại phương Đông chúng ta đã không phát triển một tâm liệu pháp nào giống như tâm liệu pháp của Jung, Freud, Adler – và bây giờ trên thị trường có quá nhiều tâm liệu pháp. Chúng ta đã không phát triển một tâm liệu pháp đơn lẻ nào, bởi vì chúng ta biết những tâm liệu pháp không thể chữa lành bệnh. Chúng có thể giúp bạn chấp nhận những vết thương của bạn, nhưng chúng không thể chữa lành. Sự hồi phục đến, khi bạn không còn bị ràng buộc vào tâm trí. Khi chúng ta được tách ra khỏi tâm trí, không bị đồng hóa, tuyệt đối không bị ràng buộc, khi sự trói buộc [bondage][65] kết thúc, thì sự hồi phục xảy ra.
Sự siêu việt là liệu pháp thực thụ, và nó không chỉ là tâm liệu pháp. Nó không phải chỉ là một hiện tượng bị giới hạn vào tâm lý học của bạn, nó còn hơn thế rất nhiều. Nó có tính tâm linh [spiritual]. Nó chữa lành bạn ngay trong bản thể của bạn. Tâm trí chỉ là cái chu vi của bạn, không phải là trung tâm của bạn.
Có hai kiểu phương pháp để tăng trưởng [tâm linh]. Bạn có thể theo đuổi sự phát triển tâm linh của bạn một mình, hay bạn có thể làm việc thông qua một nhóm. Cả hai kiểu đã từng luôn tồn tại ở phương Đông. Những phương pháp Sufi là theo nhóm. Tại Ấn Độ cũng vậy, "phương pháp nhóm" đã tồn tại, nhưng chúng không bao giờ quá thịnh hành như trong phái Sufi.
Nhưng phương Tây hoàn toàn được định hướng theo phương pháp nhóm. Chưa bao giờ trước đây, đã có nhiều phương pháp nhóm như vậy, và có quá nhiều người đang làm việc thông qua chúng, như đang tồn tại ở phương Tây hiện nay. Do vậy, trên một phương diện, chúng ta có thể nói rằng, phương Đông đã nhấn mạnh những nỗ lực cá nhân và lưu lại với chúng, và phương Tây đã di chuyển nhiều hơn về phía phương pháp nhóm. Tại sao như vậy, và đâu là sự khác biệt? Và tại sao có sự khác biệt này?
Những phương pháp nhóm chỉ có thể tồn tại nếu cái ego [tự ngã] của bạn đã đến một điểm nơi mà việc mang giữ nó là một gánh nặng. Khi cái ego đã trở nên quá nặng nề đến nỗi ở một mình thì đau đớn, rồi thì những phương pháp nhóm trở nên có ý nghĩa – bởi vì trong một nhóm, bạn có thể giải tan cái ego của bạn. [66]
Nếu cái ego chưa được tiến hóa nhiều lắm, thì những phương pháp cá nhân có thể giúp bạn. Bạn có thể lên núi, bạn có thể sống cô lập, hay thậm chí sống trong một ashram với một đạo sư, bạn cũng có thể làm việc một mình: bạn thực hành thiền định của bạn, những người khác thực hành thiền định của họ. Bạn không bao giờ làm việc cùng với người khác.
Tại Ấn Độ, những người Hindu giáo không bao giờ cầu nguyện trong nhóm. Chỉ với Hồi giáo, sự cầu nguyện trong nhóm mới đi vào Ấn Độ. Những người Hồi giáo cầu nguyện trong nhóm. Những người Hindu giáo luôn cầu nguyện một mình; cho dù họ đi tới đền thờ, họ thường đi một mình. Đó là một quan hệ một – một – bạn và Thượng đế của bạn.
Điều này là có thể được nếu cái ego chưa được trợ giúp để phát triển tới một điểm nơi mà nó đã trở thành một gánh nặng. Tại Ấn Độ, nó chưa bao giờ được trợ giúp để phát triển – ngay từ đầu, chúng ta đã chống lại cái ego. Do vậy, bạn có đôi chút phát triển cái ego, nhưng cái ego vẫn còn mờ nhạt; bạn vẫn cứ khiêm cung, bạn không thực sự là một kẻ vị kỷ [egoist].[67] Nó không phải là một chóp đỉnh[68] trong bạn, nó là mặt đất bằng. Bạn vị kỷ, bởi vì mọi người phải là thế, nhưng không tuyệt đối vị kỷ. Bạn luôn nghĩ rằng, nó là sai trái, và bạn tiếp tục tự kéo mình xuống. Trong những tình huống nhất định, bạn có thể bị khiêu khích, và cái ego của bạn nhô lên thành một chóp đỉnh – nhưng bình thường nó không phải là một cái chóp đỉnh, nó là mặt đất bằng.
Tại Ấn Độ, cái ego thì giống y như sự giận dữ – nếu ai đó chọc tức bạn, bạn trở nên giận dữ; nếu không ai chọc tức bạn, bạn không giận dữ. Tại phương Tây, cái ego đã trở thành một vật cố hữu [a fixture].[69] Nó không giống như sự giận dữ, bây giờ nó giống như hơi thở. Không cần phải khơi dậy nó – nó ở sẵn đó, nó là một hiện tượng thường trực.
Bởi vì cái ego này, nhóm trở nên một điều hữu ích. Trong nhóm, làm việc với một nhóm, hòa mình với nhóm, bạn có thể dễ dàng đặt cái ego của bạn sang một bên. Đó là lý do tại sao không chỉ trong lãnh vực tâm linh, mà cả trong chính trị, một ít hiện tượng chỉ có thể tồn tại ở phương Tây: chủ nghĩa Phát xít có thể tồn tại, chẳng hạn, có thể trở nên khả dĩ tại Đức, là nước egoist nhất ở phương Tây. Không có gì có thể so sánh được với cái ego Đức quốc, bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Đó là lý do tại sao, Hitler có thể trở nên khả dĩ; bởi vì mọi người đều quá egoist, mọi người đều có nhu cầu hòa nhập.
Những cuộc mít-tinh lớn [70] của Đức Quốc xã, hằng triệu người đi diễu hành – bạn có thể đánh mất chính mình, chính bạn không cần phải ở đó. Bạn trở thành cuộc diễu hành, ban nhạc tấu lên, âm nhạc, tiếng động, "Hitler thôi miên", một nhân vật có sức hút mạnh mẽ [71] … Mọi người đang nhìn Hitler, toàn bộ khối người xung quanh bạn như một đại dương, bạn trở nên chỉ là một con sóng. Bạn cảm thấy dễ chịu, bạn cảm thấy tươi mát, bạn cảm thấy trẻ trung, bạn cảm thấy hạnh phúc. Bạn quên đi nỗi khổ sở, nỗi thống khổ, nỗi cô đơn của bạn, sự vong thân của bạn. Bạn không cô độc. Một khối người lớn như thế đang ở với bạn, và bạn ở với nó. Những nỗi lo lắng cá nhân, riêng tư của bạn rơi rụng. Bỗng nhiên, có một khoảng hở [opening][72] – bạn cảm thấy nhẹ nhàng, như thể là bạn đang bay.
Hitler đã trở nên thành công không phải bởi vì ông ta đã có một triết lý có ý nghĩa cho lắm – triết lý của ông ta là vớ vẩn; nó trẻ con, chưa chín. Không phải bởi vì ông ta đã có thể thuyết phục nhân dân Đức rằng ông ta đúng – đó không phải là điểm then chốt. Thật rất khó mà thuyết phục nhân dân Đức, một trong những điều khó khăn nhất, bởi vì họ là những nhà logic học. Họ có logic trong tâm trí họ, hợp lý tính [rational] trên mọi phương diện. Thật khó mà thuyết phục họ, và việc bị Hitler thuyết phục có lẽ là bất khả. Không, ông không bao giờ cố thuyết phục họ. Ông tạo ra một hiện tượng nhóm có tính thôi miên. Và chính cái đó đã thuyết phục họ.
Vấn đề không phải là Hitler đã nói cái gì; vấn đề là, họ đang cảm thấy gì khi họ đang ở trong nhóm, trong "đám đông quần chúng" [the mass].[73] Đó là một kinh nghiệm quá thoải mái – như trút gánh nặng – đến nỗi đi theo người đàn ông này thật là "đáng đồng tiền bát gạo." Bất luận ông ta đang nói gì – đúng hay sai, logic hay phi logic, ngốc nghếch – việc đi theo ông ta gây cảm giác thoải mái. Họ quá mệt mỏi với chính mình, họ muốn được thẩm thấu [absorbed] vào đám đông quần chúng. Đó là lý do tại sao chủ nghĩa Phát xít, Quốc xã, và mọi kiểu điên tập thể trở thành khả dĩ tại phương Tây.
Tại phương Đông, chỉ có Nhật bản có thể làm theo, bởi vì Nhật bản là "cái tương ứng" [counterpart][74] của Đức quốc tại phương Đông. Nhật bản là đất nước "Tây phương" nhất tại phương Đông. Hiện tượng tương tự tồn tại ở đó, cho nên Nhật bản có thể trở thành một đồng minh với sự điên rồ kiểu Hitler.
Cái tương tự đang xảy ra trong những lãnh vực khác nữa – trong tôn giáo, trong tâm lý học. Thiền theo nhóm đang xảy ra, và chỉ thiền nhóm mới là cái sẽ xảy ra trong một giai đoạn dài sắp đến. Khi một trăm người ở cùng nhau – bạn sẽ ngạc nhiên, nhất là những ai không biết tâm trí phương Tây sẽ ngạc nhiên – chỉ đơn giản nắm tay, một trăm người đang ngồi, chỉ đơn giản nắm tay, xúc chạm nhau, và họ cảm thấy phấn chấn.[75]
Không có người Ấn Độ nào sẽ cảm thấy phấn chấn. Anh ta sẽ nói, "Thật vớ vẩn! Chỉ đơn giản nắm tay nhau – với 100 người ngồi thành một vòng tròn – làm thế nào nó tạo ra sự phấn chấn được? Làm thế nào bạn trở nên xuất thần được? Tối đa, bạn chỉ có thể cảm nhận mồ hôi tay của người khác."
Nhưng tại phương Tây, một trăm người nắm tay nhau thì rất phấn chấn, xuất thần. Tại sao? Bởi vì ngay cả việc nắm tay cũng đã trở thành bất khả do cái ego. Ngay cả vợ chồng cũng không ở cùng nhau. Cái đại gia đình là một hiện tượng nhóm, nó đã biến đi. Xã hội đã biến mất. Tại phương Tây hiện nay, không có xã hội tồn tại một cách thực sự. Bạn di chuyển một cách cô độc.
Tại Mỹ – tôi đang đọc những số liệu thống kê – cứ 3 năm mọi người di chuyển tới một thị trấn khác. Bây giờ, một người trong một làng ở Ấn Độ vẫn ở đó – không chỉ anh ta, mà cả gia đình anh ta đã lưu lại đó hằng trăm năm. Anh ta cắm rễ sâu trong mảnh đất ấy. Anh ta có quan hệ với mọi người, anh ta biết mọi người, mọi người biết anh ta. Anh ta không phải là một kẻ xa lạ, anh ta không cô độc. Anh ta sống như là thành phần của ngôi làng, anh ta luôn luôn sống như vậy. Anh ta sinh ra ở đó, anh ta sẽ chết ở đó.
Tại Mỹ, trung bình cứ mỗi 3 năm, người ta di chuyển. Đây là nền văn minh du mục nhất mà đã từng hiện hữu, những vagabond – không nhà cửa, không gia đình, không thành phố, không làng mạc, không quê hương – thực sự là như vậy. Trong 3 năm, làm thế nào bạn có thế cắm rễ được? Bất cứ nơi nào bạn đi, bạn là một kẻ xa lạ. Đám đông ở xung quanh bạn, nhưng bạn không có quan hệ với nó. Khi người ta "vô quan hệ" [unrelated],[76] toàn bộ gánh nặng đổ xuống mỗi cá nhân.
Ngồi trong một nhóm, trong một "nhóm đối mặt" [encounter group][77] hay trong một "nhóm tăng trưởng" [growth group],[78] chạm vào cơ thể người khác, bạn trở thành một phần của cọng đồng. Chạm tay nhau và nắm tay nhau, chỉ đơn giản nằm gần nhau, hay nằm lên nhau thành một "đống" [pile],[79] bạn cảm thấy "tính nhất thể" [oneness][80] – một sự phấn chấn [có tính] tôn giáo xảy ra! Một trăm người nhảy múa, chạm vào nhau, di chuyển xung quanh nhau, trở thành một. Họ hòa tan, cái ego được giải tan trong vài khoảnh khắc. Cái "sự hòa nhập" [81] đó trở thành một điều giống như sự cầu nguyện.
Những nhà chính trị có thể dùng nó cho những mục đích có tính hủy diệt. Tâm linh có thể dùng nó một cách rất sáng tạo – nó có thể trở thành thiền định.
Tại phương Đông, người ta ở trong cọng đồng quá nhiều. Do vậy, bất cứ khi nào họ muốn ở trong một không gian tâm linh, thì họ muốn đi tới Hy Mã Lạp Sơn. Xã hội thì quá tràn ngập, quá sức chịu đựng ở xung quanh. Họ không chán ngấy chính mình, họ chán ngấy xã hội! Đây là sự khác biệt.
Tại phương Tây, bạn chán ngấy chính mình, và muốn một cầu nối nào đó, làm thế nào để giao tiếp với xã hội, với người khác; làm thế nào để di chuyển tới người khác, để cho bạn có thể quên đi chính mình. Tại phương Đông, người ta chán ngấy xã hội. Họ đã sống với nó quá lâu, và xã hội thì quá tràn ngập, đến nỗi họ không cảm thấy chút tự do nào. Do vậy, bất cứ khi nào ai đó muốn tự do, muốn im lặng, thì anh ta chạy tới Hy Mã Lạp Sơn.
Tại phương Tây, bạn chạy tới xã hội; tại phương Đông, người ta chạy khỏi xã hội. Đó là lý do tại sao những phương pháp cá nhân đã tồn tại ở phương Đông; những phương pháp nhóm tồn tại ở phương Tây.
Tôi đang làm cái gì? Phương pháp của tôi là một tổng hợp. Trong những bước đầu tiên của Thiền năng động, bạn là một phần của nhóm; trong phần cuối cùng, nhóm biến đi, bạn cô độc một mình. Tôi đang làm việc này vì một lý do đặc thù, bởi vì bây giờ ranh giới giữa phương Đông và phương Tây đã trở nên không còn rạch ròi nữa. Phương Đông đang quay sang phương Tây; phương Tây đang quay sang phương Đông. Chẳng bao lâu, sẽ không có Tây và Đông – chỉ còn một thế giới.
Sự phân chia địa lý này đã tồn tại quá lâu; nó không còn có thể tồn tại nữa. Kỹ thuật đã giải tan nó, nó đã biến đi, nhưng bởi do thói quen trong tâm trí, nó cứ vẫn tiếp tục. Nó tiếp tục chỉ như một hiện tượng tâm trí [mental phenomenon],[82] nó thực sự không tồn tại nữa. Chẳng bao lâu, sẽ không có Đông, không có Tây – chỉ là một thế giới. Nó đã có mặt ở đó. Những ai có con mắt tinh tường, họ có thể thấy nó đã ở đó.
Một sự tổng hợp sẽ được cần đến – cả phương pháp nhóm và [phương pháp] cá nhân. Bạn làm việc trong một nhóm vào lúc ban đầu; cuối cùng, bạn trở nên hoàn toàn chính bạn. Khởi đi từ xã hội, và đạt tới chính bạn. Đừng chạy trốn khỏi cọng đồng – hãy sống trong thế gian nhưng đừng thuộc về nó. Hãy quan hệ, nhưng hãy cô độc một mình. Hãy yêu và hãy thiền định; thiền định và yêu – nhưng đừng lựa chọn. Tình yêu cọng với thiền định là "phương pháp" [approach][83] của tôi.
Những phương pháp thiền định cổ xưa, tất cả đều được phát triển tại phương Đông. Chúng không bao giờ tính đến con người phương Tây; người phương Tây bị loại trừ. Tôi đang tạo ra những kỹ thuật mà không chỉ dành cho người phương Đông, mà là cho mọi người – Đông hay Tây. Có một khác biệt giữa truyền thống phương Đông và truyền thống phương Tây – và chính truyền thống là cái tạo ra tâm trí. Chẳng hạn, tâm trí phương Đông thì rất kiên nhẫn – trong hằng ngàn năm, người phương Đông được dạy phải giữ kiên nhẫn, dù bất cứ cái gì xảy ra. Cùng những kỹ thuật không thể được áp dụng cho cả hai.
Tâm trí phương Đông đã được điều kiện hóa để giữ một quân bình nào đó trong thành công hay thất bại, trong cảnh giàu hay nghèo, bệnh tật hay khỏe mạnh, trong đời sống hay cái chết. Tâm trí phương Tây không có khái niệm nào về cái quân bình đó; nó trở nên quá bị xáo động. Với thành công nó trở nên bị xáo động; nó bắt đầu cảm thấy mình ở chóp đỉnh của thế giới, bắt đầu cảm thấy một mặc cảm tự tôn. Trong thất bại, nó đi sang một thái cực khác; nó rơi xuống địa ngục thứ bảy. Nó khốn khổ, trong nỗi thống khổ sâu xa, và nó cảm thấy một mặc cảm tự ty to lớn. Nó bị xé rách thành hai mảnh.
Và cuộc sống bao gồm cả hai. Có những khoảnh khắc đẹp đẽ, và có những khoảnh khắc xấu xí. Có những khoảnh khắc khi mà bạn ở trong tình yêu, có những khoảnh khắc bạn giận dữ, thù hận. Tâm trí phương Tây đơn giản đi với tình huống. Nó luôn ở trong sự xáo động. Tâm trí phương Đông đã học tập … nó là một sự điều kiện hóa, nó không phải là một cuộc cách mạng, nó chỉ là một sự rèn luyện, một kỷ luật, nó là một sự tu tập. Bên dưới nó thì giống nhau, nhưng sự điều kiện hóa sâu dày làm cho nó giữ được một sự quân bình nhất định.
Tâm trí phương Đông thì rất chậm bởi vì không cần gì phải vội vã; cuộc sống đi theo con đường của riêng nó và mọi sự được qui định bởi định mệnh, cho nên cái mà bạn có được, thì bạn không có được bởi tốc độ của bạn, sự vội vàng của bạn. Cái mà bạn có được, bạn có được là bởi vì nó đã được tiền định. Do vậy, không có vấn đề phải vội vàng. Bất cứ khi nào một cái gì đó sắp xảy ra, thì nó sắp xảy ra – không sớm một giây, không muộn một giây.
Điều này đã tạo ra một dòng chảy rất chậm tại phương Đông. Như thể là dòng sông không đang trôi; nó quá chậm, đến nỗi bạn không thể phát hiện ra cái dòng chảy. Vả lại, sự điều kiện hóa của phương Đông là, bạn đã sống hằng triệu kiếp sống, và có hằng triệu kiếp sống đằng trước mặt để sống, cho nên cái khoảng thời gian sống [life span] không chỉ là 70 năm; cái khoảng thời gian sống thì rất bao la và dài vô tận. Không có gì phải vội vã; còn quá nhiều thời gian: Tại sao bạn lại phải vội vàng chứ? Nếu nó không xảy ra trong kiếp sống này, thì nó có thể xảy ra trong một kiếp nào đó.
Tâm trí phương Tây thì rất vội vã, nhanh, bởi vì sự điều kiện hóa chỉ dành cho một kiếp sống – 70 năm – và quá nhiều thứ để làm. 1/3 cuộc đời của bạn đi vào trong giấc ngủ, 1/3 cuộc đời bạn đi vào trong việc học hành, rèn luyện – còn lại cái gì?
Nhiều thời gian đổ vào việc kiếm sống. Nếu bạn đếm mọi thứ, bạn sẽ ngạc nhiên: trong 70 năm, bạn thậm chí không thể có được 7 năm còn lại để làm một cái gì đó mà bạn muốn. Một cách tự nhiên, có sự vội vàng, một sự lao vụt điên cuồng,[84] quá điên cuồng đến mức người ta quên là mình đang đi đâu. Tất cả những gì mà bạn nhớ, là bạn có đi nhanh hay không. Phương tiện trở thành cứu cánh.
Một cách tương tự, trong những chiều hướng khác nhau … tâm trí phương Đông đã tự phát triển [85] mình một cách khác biệt với tâm trí phương Tây. 112 phương pháp thiền định đó – được phát triển tại phương Đông – chưa bao giờ tính đến con người phương Tây; chúng không được triển khai cho con người phương Tây. Thuở đó, "con người phương Tây" chưa xuất hiện.[86] Cái thời mà Vigyan Bhairva Tantra được viết ra – trong đó 112 kỹ thuật đó đã đi tới chỗ hoàn thiện – là gần 5 ngàn năm trước chúng ta.
Vào thời đó, không có con người phương Tây, xã hội phương Tây, văn hóa phương Tây. Phương Tây vẫn còn man dã,[87] bán khai, không xứng đáng được tính đến. Phương Đông là toàn bộ thế giới, ở đỉnh cao của sự phát triển của nó, sự giàu có của nó, văn minh của nó.
Những phương pháp thiền của tôi đã được phát triển từ một tất yếu tuyệt đối. Tôi muốn sự phân biệt giữa Tây và Đông được giải tan.
Sau Viogyan Bhairva Tantra của Shiva, trong 5 ngàn năm này, không ai đã phát triển một phương pháp nào. Tôi vẫn hằng quan sát những khác biệt giữa Đông và Tây: cùng một phương pháp không thể được áp dụng tức thì cho cả hai. Trước hết, tâm trí phương Đông và tâm trí phương Tây phải được đưa tới cùng một trạng thái. Những kỹ thuật Thiền Động này, Thiền Kundalini, và những loại khác, tất cả đều có tính thanh tẩy; cơ sở của nó là sự thanh tẩy.
Bạn phải ném ra ngoài tất cả cái phế tạp mà đang đầy ắp tâm trí bạn. Trừ khi bạn trút bỏ chúng, bạn không thể ngồi im lặng. Nó y như thể bạn bảo một đứa trẻ ngồi im lặng trong một góc phòng. Thật khó khăn, nó quá đầy năng lượng. Bạn đang đè nén một cái núi lửa! Cách tốt nhất, là trước hết bảo nó, " Hãy ra ngoài, chạy xung quanh nhà mười vòng.; rồi hãy trở lại ngồi xuống trong góc."
Rồi thì việc đó là khả dĩ, bạn đã làm cho việc đó thành khả dĩ. Bây giờ chính nó muốn ngồi xuống, thư giãn. Nó mệt, nó kiệt sức; bây giờ, ngồi ở đó, nó không đang đè nén năng lượng của mình, nó đã giải tỏa năng lượng của mình bằng cách chạy quanh nhà mười vòng. Bây giờ nó dễ chịu hơn.
Những phương pháp thanh tẩy chỉ đơn giản là ném đi tất cả sự mất kiên nhẫn của bạn, sự vội vã của bạn, sư vụt chạc, những ức chế của bạn.
Phải nhớ thêm một yếu tố nữa, rằng những cái này là tuyệt đối cần thiết cho con người phương Tây trước khi anh ta có thể làm một cái gì đó như vipassana – chỉ đơn giản ngồi im không làm gì cả và "để cỏ tự mọc." Nhưng bạn phải ngồi im lặng, không làm gì cả – đó là điều kiện cơ bản cho cỏ tự mọc. Nếu bạn không thể ngồi im lặng, không làm gì cả, bạn sẽ "quấy rầy" cỏ.
Tôi vẫn luôn yêu những khu vườn, và bất cứ nơi nào tôi sống, tôi đều tạo ra những khu vườn, những bồn cỏ đẹp. Tôi thường nói chuyện với hội chúng đang ngồi trên bồn cỏ của tôi, và tôi trở nên nhận biết rằng tất cả họ đều đang nhổ cỏ … chỉ là biểu hiện của năng lượng cuồng nhiệt.[88] Tôi đã phải bảo họ, " Nếu bạn cứ tiếp tục làm như vậy, thì bạn sẽ phải ngồi trong phòng. Tôi không thể cho phép bạn hủy hoại bồn cỏ của tôi."
Họ thường tự ngăn mình lại trong một lát, và khi họ bắt đầu lắng nghe tôi, hai bàn tay họ lại bắt đầu bứt cỏ, một cách vô thức. Do vậy, ngồi im lặng không làm gì cả thì không phải thực sự chỉ ngồi im lặng và không làm gì cả. Đó là đang ban cho cỏ một ân huệ lớn! Trừ khi bạn không đang làm gì cả, thì cỏ không thể mọc; bạn sẽ ngăn chận nó, bạn sẽ nhổ nó lên, bạn sẽ quấy rầy nó.
Do vậy, những phương pháp này là tuyệt đối cần thiết cho tâm trí phương Tây. Nhưng một yếu tố mới cũng bước vào: nó cũng đã trở thành cần thiết cho tâm trí phương Đông nữa. Cái [loại] tâm trí – mà dành cho nó, Shiva đã viết 112 phương pháp thiền đó – đã không còn tồn tại, thậm chí tại phương Đông bây giờ. Ảnh hưởng của phương Tây đã hết sức to lớn. Những sự thể đã thay đổi. Trong thời của Shiva, không có nền văn minh phương Tây. Phương Đông đang ở đỉnh điểm vinh quang; nó được gọi là "con chim vàng." Nó đã có mọi xa hoa và tiện nghi: Nó thực sự giàu có.
Bây giờ tình huống đã bị đảo ngược. Phương Đông đã bị nô lệ trong 2000 năm, bị khai thác bởi hầu hết mọi người trên thế giới, bị xâm lăng bởi một tá nước, bị cướp bóc, tước đoạt một cách liên tục, bị hãm hiếp, bị đốt phá. Bây giờ nó là một kẻ ăn xin.
Và 300 năm dưới ách thống trị của người Anh tại Ấn Độ đã hủy diệt hệ thống giáo dục của riêng Ấn Độ – một nền giáo dục hoàn toàn khác biệt. Họ cưỡng bách tâm trí phương Đông theo những tiêu chuẩn phương Tây. Họ đã hầu như biến cái intelligentsia (tầng lớp trí thức) phương Đông thành một intelligentsia [89] hạng hai của phương Tây. Họ đã truyền cho phương Đông căn bệnh của họ: chạy quá tốc độ, sự vội vã, sự mất kiên nhẫn, sự lo âu liên tục.
Nếu bạn thấy những ngôi đền của Khajuraho hay những ngôi đền của Konarak, bạn có thể thấy phương Đông trong những màu sắc thực thụ của nó.
Ngay tại Khajraho, có 100 ngôi đền; chỉ còn sống sót 30; 70 ngôi đền kia đã bị người Hồi giáo phá hủy. Hằng ngàn ngôi đền vô cùng đẹp và những công trình điêu khắc hùng vĩ đã bị hủy diệt bởi người Hồi giáo. Và cũng là ngẫu nhiên, mà 30 ngôi đền này còn sống sót – bởi vì chúng nằm trong một khu rừng. Có lẽ những kẻ xâm lược đã quên về chúng.
Nhưng ảnh hưởng của người Anh trên tâm trí Ấn Độ thì quá lớn, đến nỗi ngay cả một người như Mahatma Gandhi cũng muốn 30 ngôi đền này được “che đậy”, để không ai có thể thấy chúng. Hãy đơn giản nghĩ về những người đã tạo ra 100 ngôi đền … mỗi ngôi đền phải mất hằng thế kỷ để xây nên. Chúng nó quá tinh tế [90] trong cấu trúc, quá cân xứng và quá đẹp, đến nỗi trên trái đất không có gì sánh được với chúng.
Và bạn có thể tưởng tượng rằng, những ngôi đền không tồn tại một mình; nếu có 100 ngôi đền, hẳn phải có một thành phố hằng ngàn người; nếu không, thì 100 ngôi đền là vô nghĩa. Những người đó ở đâu? Cùng với những ngôi đền, những người đó đã bị tàn sát.
Và tôi đan cử những ngôi đền đó, như là một thí dụ, là bởi vì [những bức tượng] điêu khắc của chúng có vẻ như là khiêu dâm đối với tâm trí phương Tây; đối với Mahatma Gandhi, nó cũng nom có vẻ khiêu dâm.
Ấn Độ mắc nợ Rabindranath Tagore quá nhiều. Ông là người đã ngăn cản Mahatma Gandhi và những chính trị gia khác, họ muốn "che đậy" [những bức tượng điêu khắc của] những ngôi đền, sẵn sàng che giấu chúng khỏi đôi mắt mọi người. Rabindranath Tagore nói, " Đây là điều tuyệt đối ngu xuẩn. Chúng nó không khiêu dâm, chúng hoàn toàn đẹp."
Đây là một ranh giới rất tinh tế giữa sự khiêu dâm và cái đẹp. Một người phụ nữ trần truồng thì không nhất thiết là khiêu dâm; một người đàn ông trần truồng thì không nhất thiết là khiêu dâm. Một người đàn ông đẹp, một người đàn bà đẹp, trần truồng, có thể là những thí dụ của cái đẹp, của sức khỏe, của sự cân đối. Họ là những sản phẩm vinh quang nhất của thiên nhiên. Nếu một con nai có thể trần truồng và đẹp – và không ai nghĩ rằng con nai khiêu dâm – vậy thì, tại sao một người đàn ông hay phụ nữ trần truồng lại không được xem là đẹp như vậy?
Có những quý bà ở thời đại Victoria tại Anh quốc, họ phủ chân ghế bằng vải, bởi vì những cái chân không nên để trần – những cái chân ghế! Nhưng bởi vì chúng được gọi là "cẳng chân" [leg],[91] người ta nghĩ rằng, sẽ là thiếu văn minh, thiếu văn hóa, nếu chúng được để trần. Trong thời Victoria, có một phong trào: ai dẫn chó đi dạo, phải che nó bằng vải. Chúng không nên ở truồng … như thể là sự trần truồng tự nó là khiêu dâm. Chính cái tâm trí của họ mới là dâm ô.
Tôi đã đến Khajuraho hằng trăm lần, và tôi chưa hề thấy một bức tượng điêu khắc nào là có tính khiêu dâm cả. Một bức tranh khỏa thân hay một bức tượng khỏa thân trở thành sự khiêu dâm, nếu nó khêu gợi dục tình. Đó là tiêu chí duy nhất : nếu nó gợi dục, nếu nó là một "khêu gợi" [92] cho bản năng tình dục của bạn. Nhưng đó không phải là trường hợp với Khajruraho. Thực ra, những [bức tượng của những] ngôi đền này được xây nên cho mục đích hoàn toàn ngược lại.
Chúng được tạo ra để thiền định trên người đàn ông và đàn bà đang làm tình.[93] Và những hòn đá đã sống dậy. Những người đã tạo ra chúng hẳn đã là những nghệ sĩ vĩ đại nhất mà thế giới đã từng biết. Chúng được tạo ra để thiền định, chúng là những đối tượng cho thiền định.
Nó là một ngôi đền, và những thiền giả đang ngồi vòng quanh chỉ nhìn vào những bức điêu khắc, và quan sát bên trong chính mình, xem có một ham muốn dục tình nào khởi lên hay không – nó là một tiêu chí: khi họ thấy không có ham muốn tình dục nào khởi lên, nó là một "chứng nhận" cho phép họ bước vào ngôi đền. Tất cả những bức điêu khắc này đều ở ngoài ngôi đền, trên những bức tường bên ngoài; bên trong không có bức tượng khỏa thân nào.
Nhưng cái này là cần thiết cho người ta thiền định, và rồi họ thấy rõ rằng mình không có ham muốn dục tình nào; ngược lại, những bức tượng đó khiến cho ham muốn dục tình của họ rút lui. Rồi họ được phép bước vào trong đền thờ; nếu không, họ không nên bước vào ngôi đền. Cái đó sẽ là một sự phạm thánh – có một ham muốn dục tình bên trong và bước vào ngôi đền. Nó sẽ làm cho ngôi đền dơ bẩn – bạn sẽ đang sỉ nhục ngôi đền.
Những người đã tạo ra những ngôi đền này, cũng đã tạo ra một nền văn học to lớn nữa. Từ khởi thủy, phương Đông thường không bao giờ đè nén tình dục. [94] Trước Đức Phật và Mahavira, phương Đông không bao giờ đè nén tình dục. Chính là với Đức Phật và Mahavira, mà lần đầu tiên sự độc thân trở nên tâm linh. Ngược lại, trước Đức Phật và Mahavira, tất cả những "nhà tiên tri" [95] của Upanishad, của Vệ đà, đều là những người kết hôn; họ không độc thân, họ có con cái.
Và họ không phải là những người từ bỏ thế gian; tất cả họ đều đã có những thứ xa hoa và tất cả mọi tiện nghi thoải mái. Họ đã sống trong rừng, nhưng họ có mọi thứ, được cúng dường bởi những học trò của họ, những vị vua, những người thân yêu của họ. Và những cái ashram của họ, những trường học của họ, những academy [học viện][96] của họ trong rừng đều rất tiện nghi.
Với Đức Phật và Mahavira, phương Đông bắt đầu một truyền thống độc thân bệnh hoạn, sự đè nén bệnh hoạn. Và khi Kytô giáo đến Ấn Độ, có một xu hướng đè nén rất mạnh mẽ. 300 năm của Kytô giáo này đã làm cho tâm trí phương Đông hầu như bị đè nén như tâm trí phương Tây. Do vậy, bây giờ những phương pháp của tôi có thể áp dụng cho cả hai. Tôi gọi chúng là những phương pháp "sơ khởi" [primal]. Chúng phải hủy diệt mọi thứ mà có thể ngăn cản, không cho bạn đi vào một thiền định im lặng. Một khi Thiền Động hay Thiền Kundalini thành công, bạn được sạch sẽ. Bạn đã xóa bỏ sự đè nén. Bạn đã xóa bỏ sự vụt chạc, sự vội vã, sự thiếu kiên nhẫn. Bây giờ bạn có thể bước vào ngôi đền.
Chính vì lý do này mà tôi nói về sự chấp nhận tình dục, bởi vì không chấp nhận tình dục, bạn không thể diệt trừ được sự ức chế. Và tôi muốn bạn hoàn toàn sạch sẽ, tự nhiên. Tôi muốn bạn ở trong một trạng thái mà ở đó 112 phương pháp đó có thể áp dụng cho bạn.
Đây là lý do tại sao tôi đã chế tác ra những phương pháp này – đây là những phương pháp thuần túy có tính thanh tẩy. [97]
Tôi cũng đã bổ sung thêm những tâm liệu pháp phương Tây, bởi vì tâm trí phương Tây, và dưới ảnh hưởng của nó, tâm trí phương Đông, cả hai đều đã trở nên bệnh hoạn. Ngày nay, tìm thấy một tâm trí lành mạnh là một hiện tượng hiếm hoi. Mọi người đang cảm thấy một loại nôn mửa nào đó, một loại nôn mửa tinh thần, một sự trống rỗng nào đó, nó giống như một vết thương làm đau nhức. Mọi người đang tự biến đời mình thành một ác mộng. Mọi người đang lo lắng, quá sợ hãi cái chết; không chỉ sợ cái chết, mà còn sợ sự sống.
Người ta đang sống một cách nửa vời, người ta đang sống một cách nhợt nhạt: không nồng nàn như Zorba người Hy Lạp, không với hương vị mạnh khỏe mà với một tâm trí bệnh hoạn. Người ta phải sống, cho nên họ đang sống. Người ta phải yêu, cho nên họ đang yêu. Người ta phải làm cái này, phải giống cái này, cho nên họ đang rập khuôn theo; nếu không, không có động lực nào đến từ bản thể của riêng họ.
Họ không đang trào dâng với năng lượng. Họ không đánh liều bất cứ cái gì để sống một cách toàn bộ [to live totally]. Họ không mạo hiểm – và không mạo hiểm, người ta không khỏe mạnh. Sự mạo hiểm là một tiêu chí, sự thăm dò vào trong “cái-chưa-biết” [the unknown], là tiêu chí. Người ta không trẻ trung, từ tuổi thơ, họ đã trở nên già cỗi. Tuổi trẻ không bao giờ xảy ra.
Những tâm liệu pháp phương Tây không thể giúp bạn tăng trưởng về tâm linh, nhưng chúng có thể chuẩn bị mảnh đất. Chúng không thể gieo những hạt giống hoa, nhưng chúng có thể chuẩn bị đất – và đây là một sự cần thiết. Đây là một lý do tại sao tôi bổ sung thêm những tâm liệu pháp.
Cũng có một lý do khác: Tôi muốn một sự gặp gỡ của Đông và Tây.
Phương Đông đã phát triển những phương pháp thiền; phương Tây chưa triển khai những phương pháp thiền, nhưng phương Tây đã triển khai những tâm liệu pháp. Nếu chúng ta muốn tâm trí phương Tây quan tâm đến những phương pháp thiền định, nếu bạn muốn tâm trí phương Đông đến gần hơn với tâm trí phương Tây, phải có cái gì đó để cho và nhận. Nó không nên chỉ có tính phương Đông – một cái gì đó từ sự tiến hóa của phương Tây nên được bổ sung. Và tôi thấy những liệu pháp đó là vô cùng hữu ích. Chúng không thể đi xa, nhưng với chặng đường mà chúng đã đi, chúug là tốt. Nơi mà chúng ngừng lại, thiền định có thể đảm trách.
Nhưng trong cuộc gặp gỡ đó, trong cái hợp nhất đó, tâm trí phương Tây nên cảm thấy một cái gì đó từ sự phát triển của riêng nó đã được đưa vào; cái hợp nhất đó không nên một chiều. Và những tâm liệu pháp phương Tây rất có ý nghĩa; chúng không thể tác hại, chúng chỉ có thể giúp ích mà thôi.
Và tôi đã dùng chúng với thành công cực lớn. Chúng đã giúp người ta thanh tẩy "bản thể" [being] của họ, chuẩn bị họ sẵn sàng bước vào đền thờ của thiền định. Nỗ lực của tôi là giải tan sự chia cách giữa phương Đông và phương Tây. Trái đất nên là một, không chỉ về mặt chính trị mà còn về mặt tâm linh nữa.
Và một số người nghĩ rằng đây là một cách "tẩy não" khéo léo. Thật ra, không chỉ có vậy: nó là việc thanh tẩy tâm trí, không phải là tẩy não. Tẩy não thì rất hời hợt. Bộ não là cái cơ chế mà tâm trí sử dụng. Bạn có thể tẩy bộ não một cách rất dễ dàng – bất cứ bộ máy nào cũng đều có thể được thanh tẩy và bôi trơn. Nhưng nếu cái tâm trí đằng sau bộ não bị ô nhiễm, dơ bẩn, thì chẳng bao lâu bộ não sẽ đầy những thứ xấu xa.
Và tôi không thấy có gì sai trái trong nó – việc rửa ráy luôn luôn tốt. Tôi tin vào việc tẩy khô. Tôi không dùng những phương pháp tẩy cổ lỗ.
Vâng, người ta sẽ cảm thấy bị lừa gạt, rằng tâm trí họ đã bị lấy đi , và đó là cái quý giá duy nhất mà họ có. Nhưng điều này chỉ xảy ra vào lúc ban đầu. Một khi tâm trí đã được lấy đi, người ta sẽ ngạc nhiên rằng, đằng sau tâm trí là kho báu thực thụ của họ. Và tâm trí chỉ là một tấm gương soi, nó đang phản chiếu cái kho báu, nhưng trong bản thân nó không có kho báu nào. Kho báu ở đằng sau tâm trí – đó là bản thể của bạn.
Nhưng một tấm gương soi có thể lừa dối bạn. Nó có thể cho bạn ý tưởng rằng cái được phản ánh trong nó là một thực tại. Do vậy, khi tâm trí được lấy đi – và đó chính là cái mà thiền định là – thì nó là một trạng thái "vô–trí". Nó đang lấy đi tâm trí và cho bạn một cơ hội để thấy, không phải cái phản ảnh [reflection][98] của cái kho báu của bản thể bạn, mà là chính cái kho báu đó.
[3] “ Vâng, các bạn có thể có một cọng đồng lỏng lẻo [loose] , một công xã. Hãy nhớ cái từ "lỏng lẻo" : mọi người đều độc lập, mọi người đều tự do sống theo cách của riêng mình, thuyết minh tôi theo cách của riêng mình, tìm kiếm bất cứ cái gì anh ta muốn tìm kiếm. Anh ta có thể tìm kiếm cái cách mà anh ta muốn sống – và mọi người sống theo cách của chính mình.” [ Osho] Như vậy, cọng đồng của Osho rất tự do, chứ không bị áp đặt bởi một giáo điều nào cả.
[5] Cần phân biệt Đức Phật và Phật giáo; Chúa Jesus và Kytô giáo; Khổng Tử và Khổng giáo… Bởi vì, các vị giáo chủ, họ thường có những kinh nghiệm trực tiếp, thuần khiết. Nhưng khi tôn giáo họ sáng lập trở thành “ tôn giáo có tổ chức”, thì những “ giáo pháp” của họ được giải thích theo trình độ [hạn chế] của những môn đệ của họ. Dần dà, chúng đi xa nguồn, và không tránh khỏi những “ lệch lạc” đáng buồn. Nhìn vào lịch sử, thì mọi “ tôn giáo có tổ chức” đều có những tệ đoan, và không có ngoại lệ nào cả!
[22] Cần phân biệt giữa “ Thượng đế” [ God] và “ Thượng đế tính [ Godliness].”
[24] “Nỗ lực của tôi là hủy diệt giới tu sĩ một cách hoàn toàn.” [ Osho] Có lẽ, đây một trong những nguyên nhấn chính khiến cho hầu như tất cả “ tôn giáo có tổ chức” [cụ thể là giới tăng sĩ] đều chống lại Osho.
[40] “ Có 112 phương pháp thiền định; chúng đã được khám phá cách đây 10 ngàn năm. Tôi đã tạo ra một vài phương pháp mới cho con người hiện đại, bởi vì những phương pháp (truyền thống) đó được tạo ra cho một loại nhân loại hoàn toàn khác, cho những con người rất đơn giản.” [ Osho] Cần lưu ý điểm này.
[43] “ Nước biến thành hơi nước ở 100 độ C.” [ Osho] Ở đây, Osho nói chưa rõ. Nước sôi ở 100 độ C, nhưng biến thành hơi ở nhiệt độ thấp hơn.
[49] “ Trong thời của Đức Phật, những phương pháp năng động như thế không được cần đến. Con người đơn giản hơn, chính thực [authentic] hơn. Họ sống một cuộc sống thực hơn. Bây giờ người ta đang sống một cuộc sống rất bị ức chế, rất không thực. Khi họ không muốn mỉm cười, họ mỉm cười. Khi họ muốn giận, họ bày tỏ sự từ bi. Con người trở nên giả dối, và toàn bộ khuôn mẫu sống đều giả dối. Toàn bộ nền văn hóa giống như một sự giả dối lớn. Người ta chỉ đang đóng kịch, chứ không phải sống.” [ Osho] Những câu này, cho thấy Osho đã thấy rất rõ “ bản chất” của con người trong thời đại của chúng ta.
[51] Osho chia tâm lý học thành 3 loại: Thứ nhất, TLH phân tích [phân tâm học]; thứ hai, TLH tổng hợp; và thứ ba, TLH của chư Phật: không phân tích, không tổng hợp, mà siêu việt, vượt qua tâm trí.
[66] “Khi cái ego đã trở nên quá nặng nề đến nỗi ở một mình thì đau đớn, rồi thì những phương pháp nhóm trở nên có ý nghĩa – bởi vì trong một nhóm, bạn có thể giải tan cái ego của bạn.” [ Osho] Thực ra, khi ở trong nhóm, cái ego [tự ngã] không hề bị “ giải tan” – nó chỉ tạm thời “ chìm” vào nhóm, và sẽ trở lại khi rời nhóm. Có thể nói, có 2 trường hợp “mất bản ngã”: 1. Còn gọi là “ đánh mất mình”’, vì qua nhiều thích nghi với hoàn cảnh bên ngoài, đương sự “ không còn là mình nữa.” Đây là sự suy thoái của một cá nhân về mặt tâm linh. 2. Trường hợp này, còn gọi là “ vô ngã”, nghĩa là chủ thể đã “ ném” cái tự ngã lại đằng sau, để lên tới một mức độ tâm linh cao hơn. Nhìn chung, đa phần con người “ đánh mất mình” theo trường hợp thứ nhất; cái “ vô ngã” của trường hợp thứ hai, chỉ có được ở những người đã thăng hoa “ tâm thức” của họ lên một mức độ rất cao – họ thường là những bậc đã “ chứng ngộ.”
[93] “ Những bức tượng khỏa thân, chúng được tạo ra để thiền định trên người đàn ông và đàn bà đang làm tình.” [Osho] Có lẽ, ít ai ngờ được rằng các bức tượng khỏa thân được tạo ra vì mục đích đó!
[94] “Từ khởi thủy, phương Đông thường không bao giờ đè nén tình dục.” [ Osho] Cần lưu ý điểm này.
[97] “ Đây là lý do tại sao tôi đã chế tác ra những phương pháp này – đây là những phương pháp thuần túy có tính thanh tẩy.” [ Osho] Cũng cần lưu ý điểm này.