Tự thân những đồi trà chập chùng ngút ngàn xanh ở xứ B'Lao đã là một bức tranh tuyệt vĩ. Đấy là "cái kho" ảnh nghệ thuật cho các tay nghệ sĩ nhiếp ảnh, với vô vàn bức ảnh đã đoạt giải lớn rải đi khắp thế giới, kể từ một thập kỷ rưỡi nay. Có lần, tôi “zoom” lại thì chợt nhận ra tiếng thở dài của đồi nương, từ hàng cây trà thơm tho ấy...
Bao giờ cũng vậy, ở VN, vật duy nhất tạo ra điểm nhấn, hiển thị trên màu trà xanh mênh mông là bóng nón người chăm hái trà. Phía kia của lao lực, dưới vành nón lá, người phụ nữ hái trà vẽ lên sự thi vị. Nhưng những đồi trà ra đời không bao giờ vì nghệ thuật mà là kinh tế.
Dưới vành nón kia, có nỗi niềm của người xứ trà đi hái trà thuê cho kẻ từ xa tới
Ở đây, xứ trà B’lao ngày nay, trên những đồng trà có vẻ tốt tươi và thịnh vượng, có giá trị cao nhất kia, là những nông trang trà với người Đài Loan làm chủ sở hữu. Oo long, Kim Tuyên, Tứ Quí..., toàn những giống trà vàng ngọc, xa xỉ, khác trà Shan, trà sẻ lâu đời mà nông dân mình làm. Thị dân ở giữa phố Bảo Lộc ngoài kia còn rõ làn sóng người Đài Loan đổ sang xứ B'lao trồng trà suốt mười lăm năm qua huống gì dân cày bám chặt trên những dải đồi trà kia. Hà cớ gì không sang cao nguyên B’lao, Cầu Đất mà trồng trà, khi đất đai ở đây lý tưởng nhất cho cây trà, còn chính sách đầu tư vào nông nghiệp thì rẻ gần như cho không, ưu đãi quá trời, ví như thuế kinh doanh cũng phải qua mười năm mới đóng. Đừng nhìn sự diễm lệ tốt tươi của đồng trà kia mà bảo mồ hôi của người Đài Loan, của dân ta không đấy. Họ chỉ bỏ tiền đầu tư, tổ chức sản xuất, còn lại chính người phụ nữ nước mình ngày này qua ngày kia tạo ra sự dồi dào, sung túc cho họ. Nay, đã có đến vài ngàn hécta như thế, trải dọc từ thị xã Bảo Lộc nối qua huyện Bảo Lâm, vắt lên cao nguyên Di Linh, thò lên Cầu Đất…, với không dưới hai chục Công ty từ đảo quốc xa xôi kia đến đây định vị, “làm mưa làm gió”. Bề dày lịch sử trồng trà 90 năm ở VN bỗng chốc nhường ngôi số “1” lại cho người xứ biển Đài Loan ngay trên đất mình.…
CHỊ ƠI, BÓNG NÓN CHÌM SÂU !
Những đồn điền trà tráng lệ của người Đài Loan ở Lâm Đồng, Việt Nam
Và từ đó, những "làng Đài Loan" hình thành ngay trên xứ trà danh tiếng và lớn nhất của Việt Nam cùng những đồng trà mênh mông của họ. Giờ thì không một nông dân B'lao nào không biết đến những “làng Đài Loan” như thế. Không một nông dân B’lao nào không thèm thuồng những đồn điền trà hiện đại và khép kín, kiểu rất “Tư bản” đó. Tám mươi năm trước, chỉ đám Tây thực dân mới lập nổi Đồn điền trà. Tám mươi năm sau, thực dân bị đánh đuổi biến mất khỏi đất nước, những đồn điền trà là của những người Đài Loan. Tây xuất hiện bằng tâm thế Thực dân, còn Đài Loan xuất hiện bằng tâm thế “Nhà đầu tư”. Nông dân bao giờ chẳng tâm thế “làm công”, bán sức, nếu không tổ chức được sản xuất, không có dự trữ tư bản, không tích lũy được nhiều tư liệu sản xuất. Hầu hết, đồn điền trà của người Đài Loan ra đời bằng việc mua gom đất của nông dân ta. Có dự án lập đồn điền trà bằng hàng chục, hàng trăm héc ta do chính quyền giao đất, gọi là thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Lại có đồn điền, do tự người Đài Loan lùng sục đất trong dân, trên những đải núi đồi kia, họ sang nhượng, mua từ vài hécta đến nhiều chục hécta. Và cứ thế, sau ít năm kiên trì tích tụ diện tích của họ dễ dàng đạt đủ hình thành một đồn điền. Gọi nông trang hay đồn điền thì cũng thế, mỹ từ thôi, vấn đề là quyền sử dụng, sở hữu nó, khai thác đất đai và sức lao động. Một khúc quanh của lịch sử sẽ sinh ra cách gọi khác mà.
Tôi đi nhiều ngày giữa chập chùng xứ trà thế này. Nói thật nhé, tới lui rồi sự choáng ngợp cũng qui phục về những đồng trà tổ chức quá “Nông nghiệp hàng hóa”, bài bản của người Đài Loan kia. Gặp bất cứ nông dân nào cũng đều nghe bà con nói về nỗi thèm khát tạo ra, có được, những đồi trà Kim Tuyên, Tứ Quí, Tuý Ngọc, Oo Long ấy. Dân ta bất lực vì không biết tìm đâu đủ kỹ thuật, giống, vốn đầu tư, và mối quan hệ thị trường mà nay gọi là “Kinh tế thị trường” để trồng và sản xuất ra được thứ trà cao sang đấy. Là nông dân, lu bu với đồi nương, chắc họ khó hình dung được hình hài “Kinh tế thị trường Định hướng xã hội chủ nghĩa”... Trà Shan truyền thống cố cựu, hay LĐ 97, TB14 dân ta trồng bán lấy tiền đồng(VND), còn trà người Đài Loan tính bằng đôla. Cũng như trà ta bán tính bằng tấn, bằng mớ, chở bằng xe công nông, đựng bằng bao tải, đóng gói bổ bả, xả láng, thì trà họ tính bằng lạng, từng đọt, từng viên, gói đựng rón rén đến bịch bé xíu, ép chân không, cưng nựng trà như "gái trinh"...
***
Hàng ngày, kể từ 6 giờ sáng trở đi, đã thấy lớp lớp những người phụ nữ nông dân Việt Nam tiến ra những đồng trà của người Đài Loan. Trên đồng trà xanh bao la, tràn ngập những chiếc nón lá trắng nhô lên. Có đồi trà, một lúc thấy cả nửa ngàn bóng nón như thế, kẻ vạch và rồng rắn mưu sinh. Cả xứ B’lao này, hàng ngày khắp núi đồi đây đó, không biết bao nhiêu mà kể phụ nữ nương bám theo đồn điền trà của người Đài Loan. Những đồi trà xanh mượt ngoại lai ấy đang hút lấy họ, hút lấy người phụ nữ nông dân xứ trà B'lao. 2.000 đồng là giá người Đài Loan trả cho các chị, các cô trên mỗi ký búp trà hái được. Gần đây xuất hiện đôi đồng trà của người Việt Nam, với vốn nhờ người thân vượt biên “trái phép” từ mấy chục năm trước gửi về cho đánh bạo làm đồn điền như người nước ngoài, hoặc nữa là của mấy vị quan chăm vun vén cho gia đình. Hai đồn điền người Việt trả công cho nông dân hái trà thuê có vẻ đức độ hơn: 2.500 đồng/ kg. Đồn điền nước ngoài trả giá 2.000 đồng/ kg thì các má chị được đi hái mỗi ngày, thay vì trả giá cao hơn thì nông dân trong vùng kéo cả đi hái thuê lại chỉ được đôi ngày là sạch… việc, hết việc làm. Mỗi ngày, một người lặt được 10-25 kg như thế, tuỳ vào sức khoẻ cùng độ nhanh nhẹn ở từng người. Không cần biết đến trụ sở Công ty trà, không cần biết mặt điền chủ Đài Loan, cũng như tất tần tật không một ai biết đến khái niệm “bảo hiểm xã hội”, bảo hiểm thân thể, chăm sóc y tế, tiền thưởng, ngày nghỉ lễ. Họ chỉ biết bán sức kiếm tiền, kiếm nơi từng ký trà hái được. Thế nên gọi họ là phu trà, chứ chẳng lẽ gọi “công nhân” Công ty nước ngoài, nghe ngượng chết.
Công hái trà được trả ngay trên đồng trà, cứ 1 - 2 tuần là một lần tổng trả. Có Công ty Đài Loan phát sẵn cho mỗi người phụ nữ hành nghề hái trà này một tấm thẻ ghi trên đấy tên của họ_ một thứ "chứng chỉ" để được vào ra đồng trà. Ai có thẻ, có thể đi ra đồng sớm, hoặc muộn hơn, tuỳ. Vấn đề là từng ký trà họ hái được giao cho người quản lý/ quản công ở đồng trà. Thế thì cần quái gì phải rõ ai là chủ của đồng trà mình hái, cho dù hái tháng này năm nọ. Khi tới đợt hái trà, sẽ có người phóng xe vào làng của chủ nhân vùng đất loan báo:" Mai hái trà! Ở đồi A, đồi B, đồi kia, đồi nọ...". Trong đêm, họ truyền cho nhau thông điệp kiếp cơm ấy sang từng nóc nhà. Chỉ vậy, sáng mai đã thấy bóng nón rồng rắn trên đồi. Thường những làn sóng "nón trắng" di động ấy xuất hiện đến 14 -15g chiều của ngày, rồi biến mất. Nón trắng tan biến, những đồng trà mênh mông kia trở về với màu xanh rì da diếc mà cô quạnh. Biến mất, tức ra về, về làng, vì chỉ trong quãng thời gian ấn định ấy mới có người của các chủ đồn điền trà, công ty, thu gom, cân lấy nguồn trà hái được.
***
Tôi buông máy hình, tiến lại gần hơn để nhìn thấy họ móc ra những gói cơm nguội mang theo để “giải quyết” bữa trưa. Có những núm cơm như thế được bẻ làm hai, hoặc làm ba,_nghĩa là chia cho ba người được ăn. Ăn vội, ăn nhanh, ăn tốc hành, để tiếp tục đôi bàn tay thoăn thoắt, cho chiếc gùi trên vai được nặng thêm, bởi nặng hơn thì mới có nhiều tiền mang về nuôi gia đình, và nữa là để chạy thoát những cơn mưa chiều về sớm. Chiếc gùi là vật đi rừng đi núi, trên vai người phụ nữ Mạ bản địa, thì nay họ dùng chính nó để mưu sinh trên đồng trà người nước ngoài, ngay trên của đất mình, quê xứ mình. Rừng xưa đã thành đồi trà, đồn điền trà. Mênh mông trà là mênh mông nỗi nhớ rừng, ký ức về rừng. Những năm trước khi lạm phát chưa diễn ra, có chủ đồng trà( doanh nghiệp) còn hào phóng cho ăn giữa buổi một ổ bánh mì, nay gặp thời thực phẩm leo thang, và dân tình ngày càng phụ thuộc_nhu cầu buộc phải tìm việc làm, tức ở chiếu dưới, họ bèn "quên" luôn ổ bánh mì ấy. Hỏi bất cứ người nào đã từng uống giọt trà Oo Long tinh chế nào chưa? Các cô, các chị, các bà, các em đều lắc đầu với tôi: " Chưa. Không biết mùi nó ra sao cả!". Có người trong họ đã hái như thế suốt mười ba năm rồi, tức là kể từ khi những người Đài Loan xuất hiện, và trà họ mang theo trồng được sau hai năm. Bổn phận của họ là hái trà, hái cho đúng một tôm hai lá_qui cách tiêu chuẩn, hai lá và một chóp đọt, chứ không phải việc uống trà, hay kiểm tra chất lượng trà. Qui luật sinh hoạt trên những đồng trà xưa nay chỉ có vậy. Còn sự khốc liệt lại lặn vào bên trong màu xanh của trà, nằm trong từng nóc nhà của những người phụ nữ kia.
"QUÊN" VƯỜN TRÀ CỦA MÌNH
Tôi hỏi chị Ka Trâm, người sắc tộc Châu Mạ, 28 tuổi, ở thôn III, xã Lộc Tân, Bảo Lâm, sao không ở nhà lo chăm sóc vườn trà của mình để mà hái đọt, lại quanh năm ngày nào cũng chăm bẳm đi hái trà cho người ta? Chị rằng, mỗi ngày kiếm 30-40 ngàn đồng, tương đương 15-20kg búp tươi hái được, thế này chắc hơn, “ vì vườn trà của nhà ít ra đọt!”. Lý do những vườn trà của mình nông dân thả cho hoang tàn vì gặp khô hạn là không có nước tưới. Người Đài Loan khi được chính quyền giao đất, hay gom đất lập đồn điền đều chọn những chỗ đắc địa nhất, gần suối, hồ, có hệ thống tích trữ nước tưới. Vùng trồng trà lớn nhất nước, nhưng vẫn “trắng” về thủy lợi. Cao nguyên B’lao có vài hồ nước tự nhiên thì đều rơi vào tay “Nhà đầu tư” nước ngoài, các đại gia, nông trại quan chức, hay Công ty du lịch. Cây lấy đọt mà không có nước tưới là thua rồi ! Vậy chứ sao hồi đó lại trồng trà ?, tôi tiếp. " Đất ở đây chỉ có cây trà là phù hợp, đâu cũng trồng trà cả!”. Ka Trâm không hiểu được việc mất sạch rừng, và tác động của biến đổi khí hậu chung đã thách thức cây trà. Nay nắng mưa thất thường, khô hạn nhiều quá. Mà ở cây trà, với nền canh tác phụ thuộc nước trời như truyền thống, chỉ cần mưa cà giựt thì trà cũng hư hỏng hết ngọn rồi. Nên như ông bà, cha mẹ mình, chị nhớ nhịp sống ngày xưa, cứ trồng xuống đất, để đấy, là cây trà ra đọt, đủng đỉnh mà hái, đủng đỉnh sống. Rất nhiều gia đình có bao nhiêu người phụ nữ là bấy nhiều người kéo đi hái trà thuê. Học sinh nữ nghỉ hè cũng chọn những đồi trà của người Đài Loan để gửi thân, chăm nom trà của thiên hạ. Ở vùng này, con gái 13-15 tuổi đã vào nghề hái trà thuê là như vậy.
Hình ảnh người Mạ bản địa trẻ già lũ lượt đi hái trà thuê cho người Đài Loan trên đất Mẹ
Trong những vùng đất tôi băng qua, những đồi trà nào gầy gò, hỏi ra thì đích thị là của bà con ta. Giá mà bà con mình cũng yêu thương, gắn bó, tận tâm và quyết liệt cho vườn trà của mình như với những đồi trà của người Đài Loan, thì sản nghiệp họ có mãi khô gầy, lèo tèo như vậy không nhỉ !? Tôi thấy bà Ka Sẹo ở thôn 2, xã Lộc Tân cùng ba đứa con gái đều đi hái trà cho các Công ty Đài Loan. Buổi chiều sau khi đi hái trà thuê về, bà tranh thủ cầm rựa ra chặt bỏ vườn trà bao la sự...thưa thớt của mình. Bà bảo chưa biết rồi sẽ trồng bắp, đậu, cà phê, hay cứ để mặc đất trống. Tôi hỏi sao lại chặt ? Ka Sẹo chỉ vào sự còi cọc của cả một sườn đồi, với những bụi trà chừng 7-8 năm tuổi lưa thưa. Bà nói rằng, bà đã bỏ bê như thế nhiều năm nay. Có đọt nào lên thì mót bán kiếm ít đồng, còn đầu tư cho nó ra đọt thì không muốn nữa. Đồng trà của những người Đài Loan cứ 30 -45 ngày hái một lần, còn trà của nhà bà một năm hái đôi ba đợt. Mùa nắng, 6 tháng, coi như ngưng hẳn chuyện hái, còn mùa mưa thu được chút ít thì chất lượng đọt trà cũng chỉ đủ để người ta chế biến trà đen, hay trà bường. "Mỗi lần bón phân cho 5 sào trà này phải mất đến vài triệu đồng_ nhưng liệu có chắc thu được nhiều đọt không mà đổ tiền vào…gốc trà!?", bà nói. Bà cho là số tiền bơm vào vườn trà, không hiệu quả hơn khi dành nó cho con đi học, và chắc nhất vẫn là dùng mua gạo mắm nuôi gia đình hằng ngày. Bà cũng thừa nhận vài mùa khô thất thu đã đẩy vườn trà của bà cũng như nhiều bà con khác trôi theo sự tàn tạ, buông luôn thế này. “Đây là vườn trà hạt_trồng bằng hạt, chứ trồng trà cành_cây non nhân bằng cành, năng suất sẽ cao hơn. Nhưng trồng trà cành mà thiếu đầu tư, không đảm bảo nước tưới, thì chẳng bao giờ nó sống, thua lỗ còn nặng hơn... bỏ đất trống !", chồng bà, ông K'Gia chen vào. Trên những dải núi thấp chập chùng, đi vào các làng xóm ẩn dưới thung sâu hoặc trên các sườn đồi, nhìn vườn tra nào của dân ta cũng èo uột, nhiều vườn xơ xác. Nhìn nó, người vội vàng dễ nghĩ dân tình ở đây… lười biếng. Tội nghiệp họ, ngày nào họ chẳng dán mặt, còng lưng trên đồng trà của người Đài Loan. Trà vườn của dân bản địa thu hoạch mà cứ như “mót”, chỉ để bán xô, bán đống cho các cơ sở chế biến trà đen, hoặc trà bình dân đại trà ngoài Bảo Lộc. Người Đài Loan từ nước khác đến, trước khi chọn chỗ lập đồn điền trà, đầu tiên người ta nghĩ đến là... nguồn nước. Thú thật tôi không tưởng tượng nổi sao bà con dân cày mình lại "quên" điều kiện sống còn với nghề nông ấy. Không biết có phải vì thói quen được thiên nhiên biệt đãi vào thời xưa cũ_B’lao là nơi có lượng mưa cao nhất nước, khí hậu thường điều hoà_ khiến người dân nơi đây vẫn cứ một nền nông nghiệp hàng hoá hoang dã mà làm: trồng xuống, phó mặc cho trời đất, được chăng hay chớ. Nhiều gia đình cố duy trì vườn trà, "cũng gọi là có vườn", nhưng với ngót nghét thu vào vài triệu đồng/ha/ năm, thì nghĩa lý gì với doanh thu tiền tỉ/ha ở những đồi trà điệp trùng của người Đài Loan. Cũng là đất, nhưng sao đất rơi vào tay người nước ngoài nó lại khác, biết réo rắc, tuôn dậy sức sống, giao dịch bằng ngoại tệ mạnh, kim tiền rủng rẻng. Nhiều khi muốn hỏi liều: Có địa chỉ nào trên đất nước này chuyển giao, chỉ được cho nông dân cũng sản xuất như “người lạ” này không nhỉ ?. Cơ quan nào của Nhà nước không được khen tận tâm với dân, và người Việt Nam lúc nào không được khen thông minh, chăm làm.
Thói quen canh tác trà không cần tưới của nông dân B’lao đã hết thời rồi. Việc cày cấy ngày nay cần phải tư duy lại, thì họ không kịp trở tay_ chưa chuẩn bị đã bốc bỏ vào WTO rồi. Tinh thần của các nhà chính trị “gia nhập” WTO thì dễ dàng, nhưng nông dân hẳn phải có lộ trình, cần trang bị tinh thần, qui hoạch ruộng nương, thời gian, kỹ thuật, giống má, máy móc, thị trường, kiểu cách làm ăn với thiên hạ, và vốn liếng lận lưng. Giờ ai làm chủ nguồn nước là làm chủ tư liệu sản xuất, làm chủ núi đồi.
“LƯU VONG” TRÊN NƯƠNG QUÊ
Khi những người phụ nữ mang bóng nón lên đồi trà xa xỉ của người nước ngoài, là lúc những người đàn ông ngồi nhà uống rượu, tán gẫu, nếu làm cũng chỉ qua loa vài động tác với cái vườn còi cọc của mình. Trong một quán cóc, ông Nguyễn Chính Lan_ở thôn 4, xã Lộc Tân_ kể là nhiều doanh nghiệp Đài Loan vẫn tiếp tục "chiến dịch" gom mua đất của bà con ta để mở rộng thêm đồn điền trà của họ. Ông Lan rằng, giá đất bán cho Đài Loan vào 10 năm trước là 500 ngàn đồng/ sào, rồi được 2 triệu, tiếp nữa thì 7 triệu, và đến nay 25 triệu đồng. Bán bao nhiêu, người Đài Loan cũng đón nhận. Nhưng nhớ là vườn nông dân bán rẻ mấy mà không gần nước tưới cũng lắc đầu. Sau khi gom mua đủ số diện tích cần từ nông dân, các điền chủ người Đài Loan lập một dự án hình thức… thuê của Nhà nước. Không có thủ tục “thuê của Nhà nước” sao họ xuất hiện với tư cách “Nhà đầu tư” ở cao nguyên này được. Ông Lan khoe gia đình mình từng có hơn 2 ha, "gọt" bán dần cho người Đài Loan, đến nay còn 2 sào. Một hôm, Ka Mai, 30 tuổi, ở thôn I, Lộc Tân, trước mặt tôi, chị dừng tay hái trà thuê đưa lên lướt một vòng rộng khắp những dải núi đồi trà bao quanh xứ sở: Nhìn vườn trà của mình, rồi nhìn lại vườn trà của người Đài Loan, mới... mắc cỡ cho chuyện trồng trọt của mình. Chị ví sự cách biệt kia như “nhà lầu so với... nhà tranh !". Có lúc thầm hỏi, sao nông dân ta không liên kết lại, gom đất tạo điền trang trà liền mảnh liền đồi, lập mô hình trồng trà tiên tiến, mở Hợp tác xã ... như người nước ngoài nhỉ ? Chả có ai để ý đến việc này. Vì nếu có nó bức tranh đã không như thế này. Nếu họ có can đảm, ai sẽ giúp họ kỹ thuật tiên tiến, nước tưới, vốn, kỹ năng ứng phó thị trường nông nghiệp thời hội nhập? Chị Ka Mai đang tủi thân, hay nông dân Việt Nam đang tủi thân ? Những đồng trà của nông dân mình đang tủi thân hay nền trồng trọt của Việt Nam đang tủi thân ?! Vùng đất lý tưởng nhất để trồng trà rơi dần vào tay người ngoài, hào phóng vì… dân Đài Loan. Chẳng phải chuyện lên vũ trụ, chỉ là chuyện canh nông, cách thức trồng trọt, phương cách tổ chức sản xuất, quản trị và khai thác đất đai, sao ta không nghĩ ra mà phải “nhập khẩu”, trong khi ta từ lâu lắm rồi luôn tự hào với nơi khác về sự xuất chúng, tính ưu việt? Có nông dân Việt Nam nào sang Đài Loan, Mỹ, Nhật, Anh, Pháp… đầu tư trồng trà không nhỉ (!?). Không thể gọi là "thôn tính", nhưng tư liệu sản xuất đang bị rơi rụng. Tư liệu sản xuất, đất đai ấy, sao không là cơ hội để nông dân ta thịnh vượng mà là bên ngoài? Nông dân Việt Nam yêu kiếp làm thuê hơn làm chủ ? Chính ta bất khả, tự chối từ.
Không nước tưới, tài chính thiếu, kỹ thuật yếu, không tham vọng, không qui hoạch, không hướng đạo... khiến dân xứ trà đi làm thuê ngay trên xứ trà, bằng chính nghề truyền thống, cây truyền thống. Từ ngữ là từ ngữ, khái niệm là khái niệm, mỹ từ tròn trong mỹ từ, còn bản chất là bản chất. Nên những người đến từ Đài Loan tự nhiên trở thành những địa chủ. Địa chủ thời toàn cầu hóa, địa chủ thời kinh tế thị trường, địa chủ thời nông nghiệp cũng chung sống với đầu tư xuyên quốc gia. Nông dân lại bỏ bê vườn rẫy, đi làm culi, là dấu chỉ của hiện thực xã hội người nghèo được "có việc làm" hay là một ca thua cuộc ? Cứ thế, tạm bợ kiếm sống, tồn tại qua ngày, thay vì hướng đến tự do, an lạc, làm giàu, làm chủ. Vì vậy, những bóng nón kia nhiều năm rồi cứ đè lên mái đầu phụ nữ, cứ vất vưởng trên đồng trà của người nước ngoài. Lưu vong và "tầm gửi" ở ngay tại quê xứ thì làm sao trả lời được câu hỏi tương lai ở từng nóc của những người sinh ra từ gốc trà.
Vườn trà của người nông dân Mạ, và tự cầm rựa chặt bỏ nó
Tôi trôi đi qua những đồng trà bao la ở xứ trà trên đất nước mình, nhưng nhận ra sự xa lạ của nó, của những người đến từ một hòn đảo phương xa. Những gói trà Olong xa xỉ từ đồn điền Tri Sun, Hằng Sơn Điền, TFP, Vĩnh Phúc, King Lộ, Vĩnh Bảo, A Lai, A Lý, Phú Phụng, Đăng Phong, Văn Siêu, Fusheng, Hai Yih..., rõ ràng trồng tại B’lao, hít đất tắm sương B’lao, mồ hôi nông dân B’lao viên thành, nhưng tất cả đều đóng gói “made in Taiwan” để xuất đi nước khác, thậm chí bán ngay tại Việt Nam, và ngay tại cao nguyên B’lao này./.
Ảnh Nguyễn Hàng Tình