Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.999 tác phẩm
2.765 tác giả
328
124.688.215
 
Một Số Đồ Gốm Men Cao Cắp Đặc Sắc Phát Hiện Được Ở Thành Nhà Hồ Thanh Hóa
Trần Anh Dũng

 

Trong các đợt khai quật gần đây, tại di tích Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), chúng tôi đã phát hiện được khá nhiều hiện vật thời Trần –Hồ và Lê Sơ. Trong số này có một số đồ gốm men cung đình đặc sắc, thuộc dòng men trắng mỏng, tinh tế, thể hiện trình độ cao ở nhiều phương diện.

Đĩa in nổi hình hươu thời Trần –Hồ

 

Đây là chiếc đĩa in nổi hình hươu duy nhất được phát hiện ở cửa Nam thành nhà Hồ. Đĩa vỡ còn  lại khoảng 1/3, trong ngoài phủ men xanh ngọc nhạt, rộng lòng, miệng cắt khấc cánh hoa, thành và miệng loe ngả, lòng còn lại 3 dấu chân con kê, xương mịn, được làm từ cao lanh trắng đục, chân đế thấp, thành đế ngoài thẳng, thành đế trong choãi. chân đế thấp). Toàn bộ thành và lòng đĩa in nổi bông hoa cúc 8 cánh, trong mỗi cánh in nổi một hình hoa lá. Giữa lòng, vị trí của nhụy hoa là 2 đường tròn đồng tâm, trong đó in nổi hình 1 con hươu đang chạy, đầu ngoảnh về phía sau, miệng ngậm 1 bông sen 5 cánh nhìn nghiêng.

 

Đồ gốm men thời Lê Sơ

 

Khá nhiều đồ gốm cao cấp thời Lê Sơ ở thành nhà Hồ, đặc biệt là dòng gốm men trắng mỏng. Những đồ gốm này đã từng được phát hiện ở Hoàng thành Thăng Long, Lam Kinh và một số nơi khác.

 

Đồ gốm mỏng, tinh tế, trong ngoài phủ men trắng, đế để mộc, chân đế cắt vuông thành sắc cạnh, dáng cân đối, lòng in nổi 6 - 9 băng sóng nước kép hình vẩy cá và hình đuôi cá nhô lên mặt sóng nước. Đĩa được nung đơn chiếc hay được sử dụng con kê 3 mấu. Giữa lòng của đồ gốm thường in nổi một bông hoa có 5-6 cánh, trong lòng đồ gốm còn được in các chữ Hán, mà qua đó có thể biết được tầng lớp nào mói được sử dụng chúng cùng ý nghĩa của các chữ in trên đồ gốm. Mặc dù những đồ gốm này đều bị vỡ nát, song vẫn không lám mất đi giá trị nổi bật của chúng.

 

*Bát men trắng giữa lòng in nổi chữ Vương

Bát bị vỡ còn phần đế, Thành bát bên trong in nổi nhiều lớp sóng nước hình vảy cá. Giữa lòng in nổi chữ Vương sắc nét, mảnh, cân đối.Chữ khá nhỏ và bát  có vết dùng mòn.

 

* Bát in nổi chữ thổ

Bát mỏng, nhẹ như vỏ trứng, vỡ, đã được gắn chắp nhiều chỗ, được phát hiện ở khu vực nền Vua, trong khu vực Thàng Nội. Lòng bát in nổi 9 băng sóng nước kép hình vẩy cá, giữa lòng in nổi hình chữ Thổ nét sắc xảo, mảnh, nung đơn chiếc. Đồ gốm có chữ Thổ lần đầu tiên được tìm thấy trong đợt khai quật di tích Kiếp Bạc (Hải Dương)-Thái ấp của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

 

*Bát in nổi chữ Quan, vỡ chỉ còn phần đế, gốm mỏng, nung đơn chiếc, thành trong in nổi sóng nước hình vẩy cá, giữa lòng in nổi chữ Quan.Loại bát này đã được phát hiện ở Thăng Long, Lam Kinh, lò gốm Cậy(Hải Dương) và một số nơi khác. Ngoài bát có chữ Quan, trên đồ gốm Việt Nam thời Trần phát hiện được ở một số địa phương khác còn in nổi chữ Quan diêu- Lò Quan.

*Bát in nổi chữ Chính, gốm men trắng cao cấp, nung đơn chiếc, đáy có vết cạo nhẵn mịn, để chừa lại một đường tròn mộc thô ráp hơn một chút ở giữa. Thành bát bên trong đều in nổi sóng nước hình vẩy cá, giữa lòng in nổi chữ Chính, chữ nhỏ nhưng nét rất sắc sảo, bát có vết dùng mòn.

 

*Bát in nổi chữ Phúc, được phát hiện ở di tích Gò Ngục, cách Thành Nhà Hồ khoảng 500m về phía Đông Nam. Bát vỡ còn phần đế, lòng in nổi băng sóng nước hình vẩy cá, nung đơn chiếc, chân đế cúp vào, vành và lòng đế để mộc, dày và nặng hơn các loại kể trên, trong ngoài đều có vết rạn nhỏ. Giữa lòng in nổi chữ Phúc nét khắc tinh xảo, đẹp, cân đối.

 

Đồ gốm men có các chữ Chính và  Phúc rất phổ biến trên gốm men trắng vẽ lam Việt Nam thời Lê, nhưng trên gốm men trắng đơn sắc thì rất hiếm. Đây là những tiêu bản lần đầu tiên khai quật được.

 

*Bát in nổi con hình con rùa, bị vỡ chỉ còn lại đế, bát men trắng đục, ve lòng, giữa lòng in nổi con rùa nhìn chính diện với đầy đủ đầu, đuôi và 4 chân. Rùa là một trong 4 con vật trong tứ linh, với hàm ý trường thọ, trường tồn, may mắn, vì vậy cũng được trang trí trong đồ gốm. Ở Thành Nhà Hồ và di tích đàn Nam Giao nhà Hồ đều tìm được đồ gốm men trắng và men xanh ngọc in nổi hình con rùa.

 

Mặc dù không còn nguyên vẹn, nhưng những đồ gốm này đã cung cấp những thông tin quý giá. Chúng càng có giá trị hơn khi được khai quật ở vị trí Nội thành nhà Hồ và xung quanh thành.

Qua các đồ gốm, có thể thấy rằng, từ thời Trần Hồ- Lê Sơ đã có quy định về đồ dùng của vua, Hoàng gia và quan lại cao cấp trong triều đình.

 

Còn nhiều vấn đề khác khi nghiên cứu những đồ gốm này, nhưng có một vấn đề không thể bỏ qua là trình độ rất điêu luyện của thợ gốm Đại Việt cùng những lò gốm chuyên nung đồ cao cấp phục vụ  cho nhu cầu sử dụng của triều đình.

 

 

Bát in nổi hình con hươu

 

 

Bát in chữ  phúc

 

 

Bát in chữ Chính

 

 

Bát in chữ Thổ

 

 

 

 

 

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 3061
Ngày đăng: 30.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khai quật di tích thành nhà hồ lần thứ 3 - Trần Anh Dũng
Trang trí diềm mái thời Trần - Hồ ở đàn Nam Giao (Thanh Hoá) - Trần Anh Dũng
Ngói bít đốc ở đàn Nam Giao nhà Hồ - Thanh Hoá - Trần Anh Dũng
Biên Hòa – Từ màu men xanh đồng trổ bông - Đinh Lê Na
Gốm Chăm Bầu Trúc - Lê Ký Thương
Người Lạc Việt Là Chủ Nhân Của Giáp Cốt Văn - Hà văn Thùy
Thềm Biển Đông – Chiếc Nôi Của Người Việt - Hà văn Thùy
Một Số Loại Hình Gốm Men Qua Cuộc Khai Quật Địa Điểm Đoan Môn Và Bắc Môn - Trần Anh Dũng
Vật liệu kiến trúc 10 thế kỷ đầu công nguyên ở Hoàng thành Thăng Long - Trần Anh Dũng
Khai Quật Khu Lò Luyện Sắt Vườn Lò (Hiệp Hòa –Bắc Giang) - Trần Anh Dũng
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)