(Vài cảm nhận khi đọc “BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA” tiểu thuyết của nhà văn TRƯƠNG VĂN DÂN )
(cty vh Phuong Nam-Nxb Hội Nhà văn, 2011)
Gấm, nhân vật chính trong truyện với số phận bế tắc, đã trải qua hai đời chồng không hạnh phúc, có một cô con gái tên là Liên. Gấm luôn khao khát một tình yêu đích thực, đi tìm một nửa của đời mình. Và đến gần bốn mươi tuổi, Gấm cũng đã tìm được một nửa mình đã mất. Cô đón nhận hạnh phúc với người đàn ông là nhà báo đã có vợ, nhưng vợ và con đã chết trước khi gặp Gấm. Tưởng đã gặp một tình yêu đích thực và hạnh phúc bên nhau đến trọn đời, nào ngờ Gấm tiếp tục đón nhận những éo le của số phận đời mình với căn bệnh ung thư “Những tháng ngày hạnh phúc vừa qua rồi sẽ tan biến trong khoảnh khắc”.
Tình yêu mà Gấm đã dành cho người đàn ông nhà báo là tình yêu hiến tặng, họ luôn mang đến hạnh phúc cho nhau từng ngày, từng giờ. Với họ không có thứ tình yêu hệ lụy. Tình yêu đã làm cho Gấm quên đi những khổ đau của đời mình : “Khi sống với nhau, Gấm thường cho mình yếu đuối, nhưng thật ra nàng là người đàn bà lãng mạn và can đảm nhất trần gian. Cho đến phút chót, nàng đã không chạy trốn mà còn thách đố với đời để giành lấy tình yêu từ tay thần chết, dâng hiến cho người tình một cuộc ái ân vừa cuồng say vừa đầy nước mắt, hương vị đậm đà cho đến giọt cuối cùng của niềm hoan lạc.
Rồi vĩnh viễn yên nghỉ trong vườn địa đàng.
Vì yêu thương mà sợ mất mát. Và vì biết mất mát nên càng muốn hiến dâng. Khi ý thức được đời sống của mình mong manh quá nên Gấm muốn trao tặng cả bản thân cho một tâm hồn đồng điệu rồi ra đi chẳng có gì hối tiếc.”
Cả hai đều đón nhận một tình yêu đích thực, họ biết xoa dịu lẫn nhau, thấu hiểu lẫn nhau để tìm đến đỉnh cao của hạnh phúc: “Vậy đó, anh có một khả năng hóa giải rất đặc biệt. Nỗi buồn chưa kịp định hình thì anh đã làm cho tan biến. Đang có điều lo lắng, ưu tư, anh bước đến ôm đầu tôi, áp hai trán và hai đỉnh mũi chạm vào nhau để làm tôi bật cười. Thế là nỗi lo bay đâu mất”
Tình yêu là nghiệp ái, cuộc đời này là vô thường, hạnh phúc rồi cũng như giọt sương, rất đỗi mong manh, dễ tan vỡ. Chuyện hợp tan là do nhân duyên, vì thế mà họ rất trân quý và đón nhận tình yêu trong từng ngày, từng giờ. Họ luôn tha thứ cho nhau và chấp nhận nhau mà sống thật trọn vẹn hạnh phúc với một nửa mình tìm thấy: “..Tôi cảm nhận ngay điều đó từ những phút đầu tiên. Cảm giác mơn man khi vừa gặp một người mà như đã thân quen. Cuộc sống vốn lạnh lùng với những quan hệ hời hợt trong công việc, thân thiện mà xa cách… còn chúng tôi như đi vào đời nhau, bước vào thế giới riêng tư bí mật không rào, không đón. Cảm giác thuộc-về đã nhen lên ngọn lửa ấm áp từ ngày đầu tiên… rồi nàng cảm phục… và tôi cũng trải lòng cho người mình thương mến. Và cứ như thế… chúng tôi yêu nhau như hai dòng suối hòa lẫn vào nhau, biến thành một dòng sông êm đềm có chung dòng chảy…”
Họ đã nuôi dưỡng tình yêu của mình bằng tâm “bất sinh, bất diệt”, để yêu thương và sống thật hạnh phúc bên nhau, vì : “Chỉ trong tình yêu, con người mới tìm ra lẽ sống của mình. Bởi chết vì tình yêu thì đâu có nghĩa là chết. Mà chỉ là hiến dâng. Là cái chết trong muôn lần chết. Và tình yêu sẽ đi vào cõi vô sinh vô diệt”. Thật diệu kỳ!
Thoạt đầu, tôi đã bị lôi cuốn bởi lời giới thiệu trong cuốn tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của nhà văn & dịch giả Nhật Chiêu : “Cái phong vị nồng thắm của tác phẩm nằm trong những nghịch lý mà nó muốn hóa giải: sống-chết, khổ-lạc, sáng-tối, mất-còn, ngã-tha, cũ-mới, tự nhiên-văn minh, vô thường-vĩnh cửu….
Chọn điều này sẽ phải bỏ điều kia và như vậy khác nào đánh mất cả hai?
Nhân vật và người kể chuyện muốn vượt qua vô vàn tình huống phân biệt đó để trải nghiệm cái nhất như hoan lạc, một tư tưởng nhuốm màu sắc Phật giáo, đặc biệt phảng phất kinh Duy Ma”
Nhìn thẳng vào sự trần trụi như vốn đã có trong cuộc sống thực của con người mà không qua lăng kính của định thức, con người ngoài bản năng còn có ý thức, những cuộc ái ân mặn nồng, hoan lạc vốn là bản năng trần tục của con người nhưng khi tình yêu thăng hoa đã gắn kết hai thân xác với nhau như chỉ còn lại một hình hài duy nhất nó sẽ trở thành một bản thể tốt đẹp, cái mà triết học Đông phương gọi là âm dương hòa hợp : “Trong phút giao hòa ấy, chúng tôi tưởng như chỉ còn lại một hình hài duy nhất. Hai xác thân từ trong tiền kiếp bị chia lìa giờ hòa làm một, xác thịt quay cuồng trong bão tố, nạp nguồn nhiên liệu từ ngọn lửa tràn đầy sinh lực của khát vọng. Tôi ôm lấy Gấm, cả hai tận hưởng dư vị của trái cấm trong cảm giác say sưa. Rã rời và buông thả. Hình hài quằn quại như đớn đau nhưng hoan lạc vươn lên đỉnh điểm”.
Tình yêu đã giúp cuộc sống của họ thăng hoa giữa một xã hội buộc con người phải chạy đua với mọi thứ. Nói đến đây tôi lại nhớ đến lời bài hát của Trịnh Công Sơn: “Một ngày tình cờ biết em là ngày lạ lùng biết trần gian”. Biết em rồi mới biết trần gian, đó cũng là cái tội của Eva đã nghe lời con rắn quỷ quyệt dụ dỗ ăn trái cấm là trái biết thiện, biết ác và dụ dỗ Adam cùng ăn. Tưởng là ăn trái cấm rồi sẽ biết đâu là thiện-ác, đâu là tốt-xấu, tưởng là sẽ được khôn ngoan, hạnh phúc, nhưng sau khi ăn xong Eva và Adam tự thấy xấu hổ và lấy lá che lại. Suy cho cùng, thiện hay ác, đẹp hay xấu,… là do con người quy định. Cuối cùng họ phải rời khỏi vườn địa đàng và cũng từ đó có chốn trần gian với hỷ, nộ, ái, ố, lạc, dục đầy bất trắc. Tác giả đã chuyển tải các vấn đề rất mạch lạc, từ sự gian tham, tàn ác và dục vọng của con người, con người đã tự hủy hoại những cái hay, cái đẹp, phá hoại cái gốc tự nhiên vốn có của mình và môi trường : “Nếu xưa kia các nền văn minh cổ đại đều xem là thiêng liêng, là các yếu tố căn bản của sự sống thì nay tất cả đất, nước, khí, lửa đều bị ô nhiễm và toàn bộ hệ sinh thái đang bị rối loạn sự cân bằng. Bác nghĩ là trong sự hỗn loạn đó, chỉ cần một tế bào bị nhiễm độc thôi là sẽ không hoạt động bình thường, mà đột biến lớn lên như vũ bão và trở thành một khối bầy nhầy, de dọa và triệt tiêu cuộc sống. Hiện nay chúng ta có rất nhiều căn bệnh mới vì sự sống bị đảo lộn và càng ngày càng có nhiều hệ động- thực – vật tuyệt diệt, không thể tái sinh. Thế mà khi đọc các tài liệu về cách phòng ngừa ung thư, người ta còn khuyên chúng ta hãy sống trong môi trường sạch đẹp, bầu không khí trong lành. Thật là mỉa mai! Vậy chúng ta, con người hiện đại sẽ tìm đâu để có được một điều kiện sống như vậy?..”.
Quay cuồng trong cơn lốc bạo tàn của định mệnh, dù đớn đau vật vã trong một thế giới gian tham lam, ô nhiễm... thế nhưng Gấm và người tình vẫn đấu tranh, chấp nhận và tha thiết yêu thương: Một tình yêu mãnh liệt mà đọc lên ai cũng phải thèm khát với những trang viết về sự hoà nhập giữa thể xác và tâm linh đầy cảm xúc và cực kỳ linh động.
Tôi nghĩ, Trương văn Dân đã đưa tình dục vào tác phẩm văn học là để nói đến cái gốc tự nhiên của con người, nói lên sự thánh thiện của tình yêu, bộc lộ sự giải tỏa những ức chế và sự cô đơn trong cuộc sống, để trở về sống với con người thật của chính mình. Hơn nữa để lột trần sự thật mà con người thường cứ cố né tránh, không dám nhìn vào sự thật như cái thực của tình yêu ở cõi trần gian : “Cảm ơn em, vì nhờ có em mà anh hiểu được một tình yêu vừa thánh thiện vừa mê say trên cõi đời này là có thật. Tình yêu đó vừa nhẹ nhàng vừa mãnh liệt, vì chúng mình đã yêu nhau trong ý thức, trong vô thức và cả trong tiềm thức. Tình yêu đó đã mở tung cánh cửa tâm hồn và thể xác để cho tất cả cảm xúc tình yêu ào ạt tràn vào. Và, đúng không em, như thế đã là quá đủ để anh có thể an ủi mình rồi bước đi trên thế gian này trong tháng ngày còn lại, cho đến khi nằm xuống”.
Cảm nhận này là một cách đọc của riêng tôi với tác phẩm “Bàn tay nhỏ dưới mưa”. Nhà văn Trương văn Dân đã làm cho tôi nhận ra được nhiều điều trong cuộc sống để đạt đến sự an vui và tự tại.
Nguồn : (trankimduc.wordpress.com)
Tập san Quán Văn 008- 9-2012