Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.215
123.152.790
 
Jimmii Nguyễn - Tri Ân Với Đời
Lê Nguyệt Minh

 

Khi đã trải qua nhiều cám dỗ, vinh quang, nhiều được mất, người ta thường trở nên “chín muồi” hơn. Không xa lánh tất cả, không ở ẩn hay tạo nên một sự “huyền bí” nào đó cho cuộc sống của mình, Jimmii Nguyễn chọn cho mình một cuộc sống đúng nghĩa của sự giản dị: không ôm đồm danh tiếng, lặng lẽ hát và viết nhạc, lặng lẽ cúi xuống thật gần lắng nghe những số phận quanh mình, nhất là trong những chuyến đi từ thiện của anh, như một cách tri ân với đời.  

 

 

Dù biết anh hiện đang là chủ bút của một ấn phẩm báo chí, nhưng tôi không vội hỏi Nguyễn công việc hiện tại. Bởi vì gần hai mươi năm trước, khi thế hệ chúng tôi mới còn là cô bé cậu bé học cấp 1, cấp 2, đã quá quen với những băng đĩa có những bài hát của chính anh sáng tác. Và cái tên Jimmii Nguyễn cũng không hề xa lạ gì với người nghe nhạc khi đó. Biết tới anh, dù cho Nguyễn có làm nghề gì, cũng không thể nào xóa nhòa hình ảnh và giọng hát của một ca sĩ, một nhạc sĩ. Độc đáo hơn cả là anh tự sáng tác và hát ca khúc của mình rồi thành lập Jimmii Band, một ban nhạc Pop Rock của riêng mình. Bằng ấy năm, không khi nào Jimmii Nguyễn hát nhạc của người khác. Anh độc đáo và cá biệt (cứ tạm cho là như vậy) khi chỉ nhận lời biểu diễn với điều kiện được hát chính nhạc của mình cùng với ban nhạc của mình. Jimmii Nguyễn lý giải thế này: “Không có lí do gì khi mình chưa yêu hết lòng đứa con mình sinh ra lại đã đi yêu con của người khác”. Tính cách biểu diễn này của anh, không phải ca sĩ hay nhạc sĩ nào cũng có được. Cái độc đáo có vẻ như lập dị mà người đời thường ngộ nhận ấy đã tạo nên một hình ảnh Jimmii Nguyễn trong suốt bằng ấy năm tháng, không hề phai mờ.

 

Khi trở về Việt Nam biểu diễn năm 1996, trước khán giả, anh cảm thấy e ngại vì giọng hát của mình có vẻ như còn ngọng nghịu. Thế nhưng, chính cái tình thổi vào trong từng bài hát viết lên, đã trở thành một sự mê hoặc đối với khán giả trong nước khi ấy. Hôm nay, ngồi lại với anh, tôi thấy trong mắt của Jimmii Nguyễn vẫn còn sự khát khao của ngày xưa: “Tôi sẽ trở lại ngày ấy, có những đêm diễn về, hoa chất đầy cả một căn phòng”.

 

Jimmii Nguyễn có cái tự hào của một nghệ sĩ đã chứng minh được việc mình làm với công chúng, với gia đình mình, những người anh yêu thương. Niềm tự hào ấy, dường như anh không giấu được. Năm 1996, Jimmii Nguyễn là ca sĩ Việt Nam đầu tiên ở hải ngoại được nhà nước mời về biểu diễn trong nước mà hát mỗi nhạc của anh. Khác với những nghệ sĩ hải ngoại khác, lời mời như một dòng nước ngọt ngào của quê hương đánh thức bản thể của một người Việt Nam trong anh. “Khi tôi ở Mỹ, tôi đi ra đường, không ai nghĩ tôi là người Mỹ hoặc người Việt Nam đúng nghĩa. Thế nhưng, trở về Việt Nam, được sống và làm việc, được đi biểu diễn cho khán giả nghe, bước chân ra đường, bất luận là như thế nào, tôi vẫn rất tự hào vì mình là một người Việt Nam… danh chính ngôn thuận. Tôi hãnh diện với tên họ của mình là Nguyễn nên tôi muốn được mọi người gọi là Nguyễn”. Nhưng cũng chính vì điều này, mà sau đó ở Mỹ, Jimmii Nguyễn bị tẩy chay một cách khốc liệt. “Sau chuyến về Việt Nam biểu diễn đó, tôi bị tẩy chay. Nhiều album, băng rôn và hình ảnh của tôi trong các chương trình bị hạ xuống. Nhưng tôi không lấy đó làm buồn”.

 

Jimmii Nguyễn hiện là hội thẩm viên Hội âm nhạc ghi âm quốc gia Hoa Kỳ. Anh từng được đề cử vào danh sách đề cử giải Grammy rất nhiều lần. Nói tới điều này, có người chưa tiếp cận thông tin nhăn mặt cho là anh nổ. Nhưng Jimmii Nguyễn lại thẳng thắn dẫn chứng với báo chí qua tư liệu cho công chúng hiểu rằng đó là sự thật. Cũng dễ hiểu thôi, một người yêu âm nhạc và có khả năng cảm thụ âm nhạc ngay từ khi còn bé, thì đó giống như là căn bản để anh đi lên và gặt hái thành công trên con đường mình đã lựa chọn.

 

Anh kể, thời  điểm những năm 1996, 1997… là thời kì hoàng kim của anh khi về nước biểu diễn. Tới mức sự  yêu thương của người hâm mộ quá mức khiến anh phải cảnh giác. Người nghe nhạc khi đó và bây giờ, yêu thích âm nhạc của Jimmii Nguyễn cũng là bởi cái tình. Cái tình trong âm nhạc của anh không gì khác, chính là nỗi đau, sự ám ảnh. “Tôi có em gái và vợ chưa cưới mất sớm, tôi bị ám ảnh về điều đó. Chính vì thế, mà nghe nhạc tôi, thường thấy sự vây kín của những nỗi buồn”. Nhiều ca khúc của anh, như Người nói, Mãi mãi bên em, Hỏi đá buồn không, Vắng em v.v…, đều vương mang sự u uẩn và day dứt, tiếc nuối. Thậm chí đến ca khúc có ca từ vui nhộn như Thằng tàu lai mà anh đặt lời Việt cũng vẫn còn dư ba của giai điệu buồn ở đôi chỗ. Nỗi buồn trong những sáng tác của Nguyễn không “sến”, nó mang dáng dấp của một Jimmii Nguyễn riêng biệt, không ai bắt chước được, không ai hát theo được, trừ chính bản thân anh.

 

Nếu những ngôi sao ca nhạc khác, khi đi biểu diễn, thường cầu kì sự đi lại thì với Jimmii Nguyễn lại khác. Anh yêu khán giả cũng bằng một tình yêu bản năng, đơn giản nhưng thiết tha. Nhiều lần, vì kẹt xe, người đi đường ngớ người ra nhìn một anh chàng ca sĩ ăn mặc hoành tráng lại bắt xe ôm băng qua đoạn đường kẹt xe để kịp giờ diễn. “Khán giả đội mưa gió đi xem mình hát mà mình tới trễ thì không được. Tôi phải luôn xứng đáng với tình yêu của mọi người dành cho mình”.

 

Khi hỏi tuổi, anh bày tỏ. “Hãy quan tâm tới những gì mà người nghệ sĩ làm cho công chúng, chứ không phải là anh ta bao nhiêu tuổi. Cho nên, đừng hỏi tuổi.  Cho dù tôi chưa già…Người nghệ sỹ thật là phải biết làm thế nào để sống mãi với thời gian.”

 

Tính đến thời điểm năm 1996, khi về Việt Nam, Jimmii Nguyễn đã sáng tác hơn 100 ca khúc và hầu hết đều được công chúng biết đến. Nhưng cho đến giờ, anh vẫn chưa hề xuất đầu lộ diện một album nào ở Việt Nam. Thành công như vậy, nhưng Jimmii Nguyễn lại chọn sự im lặng trên lộ trình của mình. “Tôi sợ sự lặp lại. Tôi ở ẩn bằng ấy năm cũng vì nghĩ mình phải làm được cái gì mới mẻ hơn nữa mới xuất hiện”.

 

 

Không hiểu  được và rất khó lí giải vì sao, đùng một cái, ca sĩ nổi danh một thời Jimmii Nguyễn lại tham gia vào con đường đầy cam go: báo chí. Năm 2009, anh hoàn toàn lãnh trách nhiệm từ việc đầu tư lẫn cải tổ, hoạt động bộ máy ấn phẩm Thế Giới Đàn Ông. Một công việc báo chí phức tạp, nan giải. Nhưng Jimmii Nguyễn lại không hề tỏ ra lúng túng, anh làm công việc này nhuần nhụy, giống như anh viết một ca khúc vậy. Thật ngạc nhiên khi Jimmii Nguyễn quan niệm làm báo cũng là một công việc liên quan tới nghệ thuật. Hơn nữa, Jimmii Nguyễn cho rằng: “Tôi làm Thế Giới Đàn Ông không chỉ đánh vào việc giải trí đối với bạn đọc mà còn đem lại cho họ sự chiêm nghiệm khi đọc ấn phẩm này. Vì nếu chỉ dừng lại ở việc giải trí không thôi, thì họ có thể lên mạng để tìm kiếm chứ không cần phải mất tiền mua sản phẩm của chúng tôi làm gì”.

 

Jimmii Nguyễn có cái hồn nhiên của một đứa trẻ nhỏ khi lẫm chẫm những bước đi đầu tiên vào cuộc sống. Đến với nghề báo, anh cũng hồn nhiên như vậy. Anh hồn nhiên tự chịu trách nhiệm, tự đứng trang cho những bài đinh trên chính ấn phẩm của mình. Chuyên trang talkshow, đối thoại với những nhân vật thành đạt, tiếng tăm trên nhiều lĩnh vực. Tôi đã đọc những bài báo dài và kỳ công anh đối thoại cùng với nhạc sĩ Trần Tiến, trung tướng nhà văn Hữu Ước, tổng biên tập báo An ninh thế giới… Những nhân vật kỳ cựu ấy, Jimmii Nguyễn đem tấm lòng thành thật và hồn nhiên của mình, đến với họ, nói chuyện đời, chuyện việc một cách tự nhiên và trôi chảy, không mặc cả, không câu nệ. Tôi phải thành thật mà nói rằng, đọc những trang báo đầu tiên anh viết, người đọc thật sự thích bởi lối hành văn mới mẻ, có khi ngô nghê mà rất tình cảm, rất sinh động của anh. “Tôi dám chắc rằng ở Việt Nam hiện nay, không có một tờ báo nào có trang talkshow mà chính chủ bút tờ báo đứng trang như… tôi”. Quả thật, rà lại thì tôi chưa thấy. Bởi có ai đủ sự “liều” như Nguyễn, đứng ra đối thoại về đủ mọi thứ trên đời, với chính khách, với doanh nhân, với nhà báo, với nhạc sĩ, nước ngoài lẫn trong nước như anh…

 

Tôi xin trích lời tâm sự của anh để thay cho cái kết của bài viết này: “Tôi chỉ biết một điều này, tôi muốn tìm cho mình một chân trời mới.  Khi tôi ngồi vào cái thúng nhỏ và tự đẩy tôi ra biển, tôi thấy biển trước mặt mênh mông, nhưng sau lưng vẫn còn là bến bờ. Lúc ấy, tôi tự hỏi mình có còn muốn tìm một chân trời mới không và tôi cứ thế lao thẳng.  Bây giờ, quay lưng lại tôi chẳng thấy bến bờ đâu. Thế là, tôi đã ra khơi, đã ra xa, thật xa lắm rồi…”

 

 

Muốn mãi là một người Việt Nam mộc mạc

 

Jimmii Nguyễn không ngại khi thừa nhận một sự thật để có một Jimmii như của hôm nay, đó chính là những người phụ nữ. Những bóng hồng đã đem đến cho anh nhiều hạnh phúc và cả day dứt. Người nghệ sĩ này đi từ những day dứt ấy, những mảnh vỡ để tự hoàn thiện mình, tự tô đắp thêm những điều mất mát để sống hồn nhiên giữa đời. Với anh đó là một sự thật đáng quý, một sự thật luôn sống mãi trong trái tim anh để những ca khúc ra đời. Bởi vậy mà có lần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mời anh đến tư gia của ông và yêu cầu Jimmii Nguyễn đánh đàn và hát hát hai bài Nhớ mẹ và Nỗi niềm kẻ ở miền xa và anh đã làm cho cố nhạc sĩ họ Trịnh phải bật khóc trước sự hiện diện của Khánh Ly và Trần Tiến. Trịnh Công Sơn đã thốt lên, một câu thân thuộc và cũng… hồn nhiên như chính anh vậy: Thằng này được!

 

Là ca sĩ hải ngoại đã về Việt Nam sống gần hai mươi năm nay nhưng Jimmii Nguyễn vẫn chưa có được một album chính thức nào phát hành ở Việt Nam. Thế nhưng, khán giả vẫn còn đầy những dư ba anh để lại trong lòng và họ không bao giờ quên mất cái tên của một người nhạc sĩ, ca sĩ sống và hát bằng cái tình trước tiên. Chính vì vậy, sắp tới album Jimmii Nguyễn

 

Một triệu lời tri ân của anh ra mắt với thông điệp mỗi album sẽ là một viên gạch để anh xây dựng trường học, thư viện cho các em học sinh ở vùng sâu vùng xa. Điều thiêng liêng cuối cùng, Jimmii Nguyễn muốn gửi gắm, thật đơn giản, đó chính là một tình yêu giản dị nhất, tránh xa những thói phù hoa xa lạ để được là chính mình, trong hai chữ: mộc mạc!./.

 

Lê Nguyệt Minh
Số lần đọc: 2724
Ngày đăng: 03.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Định Mệnh, Âm Nhạc Và Tình Yêu - Đỗ Nguyễn
Hạnh ngộ tuyệt vời giữa thơ B.H. và nhạc Anh Bằng. - Du Tử Lê
Sài Gòn Đà Lạt Quán Những Ngày Mưa - Nguyễn Tấn Cứ
Chặng Đường 20 Năm Của Một Bài Hát - Tần Hoài Dạ Vũ
Dòng Nhạc Dấn Thân Của Nguyễn Phú Yên - Tôn Thất Lập
Đức Tiến Những Ca Khúc Lạ Thường Trong Một Thế Giới Lạ Thường. - Nguyễn Tấn Cứ
Thanh Tâm Tuyền với bài thơ LỆ ĐÁ XANH hay NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU - Nguyễn Việt
“Thuyền Viễn Xứ” trong tâm thức hoài hương - Đào Trường Phúc
Đời Sao Buồn Chi Mấy Cố Nhân Ơi (* ) - Huyền Chiêu
Bao Giờ Ta Về Với "Mẹ"? - Trung Nghĩa
Cùng một tác giả
Con ! (thơ)
đêm (thơ)
Tìm (thơ)
Vắng (thơ)
Mưa trái mùa (tạp văn)
Thọai (truyện ngắn)
Mẹ (tạp văn)
Chợt (thơ)
Có lúc (thơ)
Hoa hồng vàng (truyện ngắn)
chia tay (thơ)
Hoa cúc (thơ)
Muốn (thơ)
Chán (thơ)
Ngọc (thơ)
Đừng Có Mơ (truyện ngắn)
Cà Phê Sân Bay (truyện ngắn)
Sài Gòn Sài Gòn (truyện ngắn)
Sau Đó (thơ)