“Ê ..cái thằng Tý sún…”Tôi dừng tay cắt cỏ lắng nghe. Tý là tên em trai thứ ba của tôi. Tôi nhớ hình như lúc nào hắn cũng sún. Chắc hẳn là hắn phải có thời gian không sún. Mà thời gian đó thì tôi không gặp hắn..
Hồi nhỏ hắn có hai răng cửa to, có má lúm đồng tiền, tay chân mũm mĩm như con gái. Người hắn yếu xịu, cứ đau lai rai hòai. Quanh năm me tôi mặc cho hắn cái áo len màu xanh đen tay dài. Cứ sốt là động kinh. Ngày xưa, do không biết sốt cao làm động kinh nên mỗi lần hắn động kinh là ba tôi mặc áo dài gõ chuông lạy Phật, còn me tôi ôm hắn kêu rối rít, biểu tôi đi mời ông thầy lễ. Tôi nhớ ông đó tên là ông Cậy. Ông lấy miểng mảnh chai nơi bóng đèn bể để chích lên cằm, lên các đầu ngón tay cho máu chảy ra, là hắn tỉnh lại. Có lần hắn đau chi không biết, nặng lắm. Me tôi ngồi ôm hắn, miệng niệm Phật, ông Cậy tay cầm một con gà trống đang sống, biểu tôi đi lấy con dao. Con dao cán dài, rất sắc. Ổng mổ con gà úp vào ngực Tý. Con gà vùng dữ lắm. Me tôi ôm cả hai cho đến khi con gà nằm im. Tôi sợ điếng cả người.
Hắn còn bị suyển nữa, cứ khò khè trong cổ không thở được. Người ta bày uống thuốc này thuốc kia không khỏi. Năm đó tự nhiên ba tôi dắt về nhà một người đàn ông lạ, ông nói là chữa bịnh suyển hay lắm, do ai đó giới thiệu. Uống thuốc của ông đó, em tôi khỏe, thở được. Cả nhà chưa kịp mừng thì ba tôi bị bắt đúng vào ngày lễ Phật Đản. Hôm đó chị em tôi đi chùa về, thấy me tôi mếu máo: “ba bị mật thám tây bắt rồi con ơi!”. Trên bàn thờ, xôi chè còn nguyên…Chị em tôi chạy đến Ty Mật thám tây (hồi đó ở đường Nguyễn Thái Học, Hội An) hy vọng nhìn thấy ba tôi, nhưng không thấy được gì cả. Chúng tôi lủi thủi đi về…Đó là mùa Phật Đản buồn nhất của chúng tôi. Nhờ chú tôi can thiệp, ba tôi được thả ra. Ba tôi nói cái ông mà ba mời về chữa cho em mới ỏ bên kia về, nênTây nó bắt ba…
Năm Tý lên bốn tuổi, hắn trở thành Tý anh vì có thêm môt em trai nữa là Tý em. Lúc này hắn có khá hơn nhưng vẫn còn hay đau ốm. Me tôi thường hay nói, thằng ni thần kinh yếu. Khi đi học trường Nam tiểu học, có lần hắn bị thầy gíao đánh bạt tai. Me tôi xuống trường gây với thầy và …xin đừng đánh vào đầu nó.
Nhớ lần hắn được kết nạp sói con (ở Hướng Đạo). Cả nhà đi xem hắn cắm trại ở biển Cửa Đại. Hắn vừa đi vừa múa bài Con voi có cái vòi đi trước Hắn đưa tay lên làm cái vòi, một tay làm đuôi dẽo quẹo, trông tức cười lắm. Học hết cấp một, thi vô lớp đệ thất trường Trần Qúi Cáp không đậu. Ba me tôi biểu tôi đem hắn ra Đà Nẵng thi vô trường Kỹ Thuật. Hồi đó hắn hiền lành, ngoan ngoãn nên tôi dắt đi cũng khỏe. Hắn không đậu Kỹ thuật. May sao năm đó Hội An mở trường Trung học Bồ Đề, ba tôi xin cho hắn vào học….
Những ngày nghĩ hè, hắn nằm ở xa lông, hát hết bài này đến bài khác. Hắn hát cũng khá hay. Khi nào đói bụng, hắn xuống bếp lục cơm nguội, xịt xì dầu rồi vừa xúc cơm ăn vùa đọc truyện. Hắn không nghich ngợm, phá phách, nên ít bị la rầy. Tôi cũng ít quan tâm đến hắn, vì tôi còn bận học Tú tài ở Huế, và chỉ đến hè mới về nhà.
Có lần tôi phải đưa hắn ra Huế chữa bịnh tê liệt một bên mặt. Tự nhiên buổi sáng ngủ dậy một bên mặt hắn không cử động được, một mắt mở không nháy, miệng thì méo. Ba tôi đi vắng, me tôi sợ quá, biểu tôi đem hắn đi Huế. Tôi đem ra ông bác sĩ Cự ở gần nhà (Hàng Bè) chữa cho hắn. Mùa hè năm đó thiệt xui, vừa chữa xong cái mặt, thấy hết bịnh, tôi mừng đem hắn đi ăn kem với một đứa em con dì tôi ở Quảng Trị vô. Cho hai đứa ăn kem, còn tôi uống coca. Tối hôm đó, hai đứa nôn mữa, đau bụng, đi ngoài. Dì tôi sợ qúa, tôi chạy tới nhà Bác sĩ Cự kêu cửa, nhưng không ai trả lời. Tôi chạy lên đồn cảnh sát ở đầu cầu Gia Hội. Thì ra tối hôm đó máy làm kem ở tiệm kem Anh Đào bị xì gas , làm nhiều người bị trúng độc. Tôi chạy vội về nhà kêu dì bồng em bé, còn tôi lấy tấm vải bọc mền quấn quanh người Tý để che gió rồi dắt lên đồn cảnh sát, đi nhờ xe Cảnh sát qua
Bệnh Viện. Một đêm ở Bệnh viện Huế với vô số người nằm la liệt. May mà cả hai đứa nhỏ đến gần sáng thì ngủ êm. Trưa hôm sau mới về nhà. Suốt đêm ở bệnh viện, hắn không nói tiếng nào, ói rồi ngủ, sáng ra về tỉnh bơ, còn tôi lo lắng chết được..
Ba tôi thích võ nghệ, nên khi có Đại Hàn sang mở lớp dạy Taiwando (Thái Cực Đạo), ba tôi bắt mấy đứa con trai đi học. Hắn không giỏi bằng hai anh, nhưng hắn chuyên tập lắm. Hắn treo một túi cát lên cây trước nhà rồi tập đá suốt ngày. Hắn nói, “anh Yên tập tay, Tý tập chân” (Yên là anh kề hắn).
Tôi đi lấy chồng, không nhớ khi nớ hắn ở đâu trong nhà. Vì sau thằng Tý em thì hắn còn thêm hai đứa em nữa. Chỉ có hai đứa nhỏ nhất là có hình trong đám cưới tôi thôi. Tôi theo chồng vào Sài Gòn. Khi tôi có đứa con đầu lòng, hắn đang học Nông lâm súc ỏ Huế. Một vài lần về Huế gặp nhau, tôi thấy hắn khỏe mạnh, vui tươi, có quậy phá chút chút và trông cũng đẹp trai…Rồi hắn lên học Đại học Văn khoa Huế. Nghe hắn có người yêu…
Rồi..1975. Hắn đang học năm thứ hai Đại học Văn khoa thì bỏ dỡ. Nghe tin hắn được chuyển qua học Sư phạm…, rồi cũng bỏ, vì không tiếp thu được bài học trong môi trường mói. Hắn về nhà với me tôi ở Hội An. Nhưng lúc đó, me tôi vừa bới xách cho ba tôi đang đi học tập cải tạo, vừa phải nuôi bốn đứa em hắn, đứa nhỏ nhất mới 6 tuổi…Tôi nghe hắn đi Thanh niên xung phong lên Dĩ An (Đồng Nai). Hắn gởi thư về xin tôi một ít đường. Tôi vội gởi một kí đường thẻ lên. Nghe đâu hơn tháng sau mới tới, chia nhau xong, hắn được 2 miếng. Rồi hắn bị sốt rét. Me tôi kêu anh Yên hắn lên Dĩ An làm thủ tục xin cho hắn về. Buổi chiều tôi đi làm về, thấy hắn vừa đi vừa huýt gió, chiếc áo còn lành lặn được phía trước, lưng rách để trần cho mát! Đi giữa phố Sài Gòn như chỗ không người…Hình như lúc đó hắn đã sún rồi, vì tôi nhớ nụ cười thật trẻ thơ trên bộ mặt phong trần của hắn..
Sau đó hắn về Huế, làm đủ thứ việc...Ra Bắc kéo giây kẽm gai, vào miệt vườn trong Nam lao động kiếm sống. Ra lại Huế một thời gian, nghe tin hắn cưới vợ…Giữa lúc thật là khó khăn, tôi chỉ biết đánh điên tín chúc mừng. Sau này hắn kể nhận được điện tín mừng quá, tưởng có chút tiền, hí hửng đến Bưu điện…té ra mừng hụt! Nghe mà thương quá… Vợ hắn là nữ sinh Đồng khánh. Hai đứa hắn rất yêu thương nhau...Có con, hắn viết thư cho tôi “có quần áo cũ của mấy cháu còn mặc được một hai nước chi, chị gởi ra cho cu Rốt với”
Năm 1986, me tôi mất sau khi về Huế được một năm. Hắn ôm đàn ngồi hát cả đêm, giọng buồn chi lạ….Năm sau về giỗ me tôi, vợ hắn mới sinh đứa thứ hai,được mấy tháng. Buổi tối, sau khi ăn uống xong, cả nhà đi ngủ, thấy có ánh đèn ở bếp tôi xuống xem thì thấy hai vợ chồng hắn đang ngồi ăn dĩa huyết luộc (buổi sáng cắt cổ gà còn để lại mà tôi đã biểu bỏ đi), vừa chấm muối vừa ăn, vừa chúi đầu vào nhau cười có vẻ thú vị lắm. Tôi còn thấy vài sợi lông gà nơi miếng huyết. Hắn nói “bỏ uổng (phí), ăn xong là vợ Tý có sữa cho con bú liền !”. Răng mà thảm ri không biết? Hình ảnh buổi tối đó với ánh đèn dầu leo lét, tôi không thể nào quên được …
Nghe hắn có việc làm, tôi mừng…Bửa củi, giữ xe, bán cà phê, vừa ẳm con vừa dạy võ… Học trò hắn cũng đông và bạn bè cũng đông, cũng toàn người thất chí…, ăn nói khí khái và …giàu tự ái hết biết. Chắc từ lúc này đây, hắn bắt đầu uống rượu đế! Đến khi hắn có đứa con thứ ba thì vợ hắn không đủ sữa cho con nữa. Nghe hắn kể, đi bán cà phê cho người ta mà phải lén ăn cắp chút đường đem về cho con uống nước cháo. Cứ sợ người ta bắt được xấu hổ..
Năm 1994, tôi về đem hắn vô Sàigòn…Đói nhưng hai vợ chồng không muốn rời nhau.
Hắn mau chóng lấy lại phong độ khi vào làm cán bộ giáo vụ ở Khoa Luật của Đại học Mở TPHCM. Tóc bồng bềnh, da mặt trắng trẻo, đeo kính cận (hắn cận từ khi còn đi học), răng bị sún nhưng nói chuyện rất có duyên. Môi trường Đại học làm hắn trẻ ra,vui tươi và làm việc rất nghiêm túc. Hắn là nơi để các con tôi và bạn của chúng tìm tới tâm sự và được chia xẽ…Gặp nhau hai chị em tôi nói đủ thứ chuyện…chuyện đời thường, chuyện văn chương, tâm sự những buồn vui…Tôi biểu đi làm răng, làm được vài bữa thì hắn lấy răng giả bỏ túi: “khó chịu quá, ăn không ngon”. Mà hình như hắn sún lại có duyên hơn..
Tôi phiền nhất là chuyện hắn uống rượu. Hắn nễ và sợ chồng tôi nên những ngày làm việc, không bao giờ dám uống.. Một đêm, chồng tôi đi công tác ở Pháp, ở nhà có mình tôi và con gái cùng cháu nhỏ ngủ trên lầu. Hắn gọi cửa, tôi ra mở…Trời ơi, mặt hắn đầy máu từ cằm chảy xuống cổ, một bên đầu cũng có máu. Tôi vừa đóng cửa vừa run. Giọng hắn lè nhè: “Tý bị té xe”. Tôi hỏi “Đi với ai, răng không đến Bệnh viện, coi có bị chi không?”. Tôi vừa hỏi, vừa dìu hắn vô nhà. Dắt hắn vô toi-lét mà tôi lo quá. Hắn té, tôi làm sao đỡ hắn đây. May mà hắn còn đi được…Mở ghế bố cho hắn nằm ở phòng khách rồi lấy nước ấm pha muối lau vết thương cho hắn. Cằm hắn bị tét hở ra, tôi đẩy vết thương cho khít lại rôi dán băng keo. Vừa làm mà tay vừa run. Vậy mà hắn cứ luôn miệng “Tý làm khổ chị lắm phải không?…Đừng buồn Tý nghe chị Bé ”. “Chị không buồn, im đi”..Trong túi hắn có một xấp tiền làm tôi hoang mang quá, nhưng hắn ngủ rồi, tôi không hỏi được.. Đầu hắn còn bị một vết thương chảy máu. Hôm đó tôi thức suốt đêm, mặc dù có gọi một đứa em trai khác (Tý Em) đến nhà ngủ lại trông chừng hắn. Sáng mai tỉnh dậy, tôi kêu xe chở đến Trung tâm Y tế gần nhà để xem đầu có bị gì không….Hỏi ra mới biết hắn đi với bạn, chở nhau, bị tông té xuống đường, bạn hắn sợ qúa, vất cho một xấp tiền, biểu thuê xe đến bệnh viện, rồi bạn chạy mất. Hắn không đến bệnh viện, thuê xe xích lô chạy về với chị! Cái thằng…thiệt tình! Chắc chị giỏi hơn bệnh viện hay sao..? Dưới cằm của hắn sau này vẫn còn cái sẹo trắng nhỏ. May quá !
Làm việc ở Khoa Luật Đại học Mở được hai cái Tết. Hai cái Tết gia đình hắn đầy đủ. Tôi mừng lắm. Nhưng rồi Khoa Luật có thay đổi. Hắn mất chỗ làm, lại lang thang.. Năm sau, tôi làm nhà. Vợ chồng tôi nhờ hắn vào coi thợ, vừa để hắn có việc và có tiền trong lúc chờ kiếm việc. Bốn tháng hắn theo dõi công việc, mua sắm vật liệu…Từng viên gạch, từng mãng bê tông, từng bóng đèn, từng cây cỏ trong vườn nhà chúng tôi, hắn biết hết. Hắn tỏ ra vui vẻ, sung sướng khi nhà làm xong tốt đẹp. Hai chị em hay ngồi ngắm vườn nhà nói chuyện ngày xưa. Có lần hắn nói với tôi: “Chị có biết vì răng Tý thích nhạc và thơ không? Vì khi nhỏ chị ở nhà hay hát.Tập nhạc chị để ở xa-lông Tý hát được hết. Rồi chị lại hay đọc thơ. Mấy bài học thuộc lòng của chị hồi đó Tý cũng thuộc luôn, nào là Trần Bình Trong anh hùng ngàn thu trước…nào là Anh hùng vô danh….riết rồi lớn lên Tý mê thơ mê nhạc hồi nào không hay…”Tôi nghĩ thầm “không biết cái tính lãng mạn của tôi có làm hại cuộc đời thằng em, khi nó cũng chọn một người vợ, người yêu, coi cuộc đời một túp lều tranh hai quả tim vàng là đẹp không đây?”
Vợ hắn yếu đuối, đau ốm hoài và buồn than khi xa vắng hắn. Gánh nặng gia đình một vợ ba con, hắn xoay xở không đủ sống. Con cái càng ngày càng lớn. Nhờ một người bạn của chồng tôi, hắn được vào làm bảo vệ ở trường Cao Đẳng Việt Mỹ. Thế là hắn lại vào Sài Gòn. Ở luôn tại trường, tiền lương gởi về cho vợ con, chỉ chừa lại vừa đủ ăn kham khổ, không dám tiêu pha gì ngoài thuốc lá và lai rai ba xị đế rẽ tiền.
Vợ hắn lo cho con không nổi, chuyện học hành, rồi phá phách, theo bạn bè...Thằng con trai mới lớn, ham chơi bỏ học. Hắn làm việc mà như lữa đốt trong lòng. Phần xa nhà, nhớ vợ, lúc nào hắn cũng cảm thấy buồn và cô đơn, và đêm nào cũng uống rượu để ngủ cho yên giấc. Ngày thằng con trai hắn thi đậu Phổ thông Trung học, hắn mừng, tôi cũng mừng. Hắn nói với tôi: “Tý mừng quá chị Bé ơi, mừng phát khóc luôn!”. Rồi con trai hắn vào Sàigòn kiếm việc làm vì không đậu Đại Học. Thời gian con trai hắn có việc làm, có xe đi, lại là những ngày hắn lo lắng khổ sở nhất…Có một đêm, đã hơn 11 giờ, hắn gọi cho tôi, giọng hơi lè nhè : “chị biết Tý đang ở đâu không, Tý đang ở sân thượng lầu năm..” Tôi hỏi “làm chi trên đó?”.“Nhìn xuống đường chờ xem thằng Rốt có về không!” (con trai hắn vào ở chung với hắn tại trường Việt Mỹ). Tôi bảo xuống đi ngủ đi, đừng chờ nữa. Thật lòng, tôi nghe hắn lè nhè mà lại ngồi tuốt trên cao nhìn xuống, tôi cũng lo.
“Chị sợ Tý tự tử à ? Ừ, mà có lúc Tý cũng muốn nhảy xuống cho khỏe cuộc đời”. Tôi vội nói, đừng nói bậy. Hắn nói tiếp vừa khóc: “Chị có biết là sáng nào Tý cũng đọc báo và chuẩn bị tinh thần để xem tin tai nạn trong đêm”.
Tôi vẫn khuyên hắn bằng lời khuyên của me tôi hồi trước, “ trăng đến rằm thì trăng tròn, em đừng lo lắng qúa”…Và rồi con hắn đòi cưới vợ, cấp tốc, hắn xửng vững luôn. Nhưng rứa cũng mừng. Con dâu hắn thuộc gia đình đàng hoàng, tử tế. Năm 2007 Đinh Hợi, hắn vui vẻ vì có cháu nội, lại được lên lương. Hắn gọi cho tôi giọng vui mừng, “Tý không ngờ luôn chi Bé ơi! lương được bốn triệu, có tiền lo cho cháu nội!”. Con trai hắn từ ngày lấy vợ cũng lo làm ăn…Con gái hắn thi đậu tốt nghiệp Phổ thông Trung học, ngoan ngoãn, hiền lành, là niềm vui của gia đình hắn. Tôi yên tâm và vui mừng cho gia đình em.
Cuộc đời thật là khắc nghiệt đối vói hắn. Thằng con trai út bỏ học theo bạn bè vướng vòng tù tội…Lần này hắn như chai sạn với nỗi khổ vì con: Hắn nói với tôi: “Năm ni Tý hạn nặng, thằng Út bị rứa đở bớt cho Tý!”. (Hắn kể lại lời một ông thầy dạy ở trường, biết xem bói toán nói với hắn). Tôi cũng cố tin với hắn cho hắn đõ buồn. Hắn khoe với tôi có người bạn ở nước ngoài cho tiền mua được chiếc xe cũ. Nhưng trực 24/24, chỉ ngày lễ hắn mới đóng cửa trường đi chơi vài giờ. Mấy năm làm việc, hắn ở luôn tại trường. Đỡ tiền nhà nhưng buồn và cô đơn. Mỗi năm đến 23 tháng chạp, hắn về thăm nhà ăn Têt với gia đình đến mồng 6 vô lại Sàigòn. Năm nay, hắn không về vì trực Tết có thêm tiền. Đến mồng tám hắn mới về Huế…….Chiều 30 tôi mua giò heo, nấu cho hắn nồi thịt hon theo kiểu Huế mà hắn thích, và kho cho một ít tôm thịt rang. Hắn ghé nhà lấy, chở tôi qua nhà Tý em cúng đón ông bà, rồi hắn trở lại trường làm việc. Ăn Tết một mình chắc hắn buồn lắm. Ba ngày Tết, hắn đến nhà uống vài ly rượu, không nghe hắn than buồn chi cả. “Tết năm nay Huế lạnh lắm”, tôi nói với hắn khi đến gởi đồ nhờ hắn đem ra Huế sau Tết. Hắn và con trai cùng về ăn Tết . Ra Huế, hắn còn gọi điện vô nói chuyện với tôi về các món quà mà tôi gởi ra cho mấy em. Lần đi dự đám cưới của đứa cháu kêu bằng dì, hắn chở tôi đi. Hắn chuyện trò rôm rã, tươi vui, nói nhiều câu hài hước rất có duyên. Ngồi bên cạnh tôi, hắn hát theo nhạc trông rất yêu đời, không ai nghĩ là hắn đang có chuyện buồn phiền trong lòng. Bên ngòai trời mưa to. Hắn nói tháng sáu trời mưa …rồi hắn hát nho nhỏ “…tháng sáu trời mưa. trời mưa không dứt”.Tôi nói vui. “ nè, cái bài nghe hay, lâu nay không để ý,…nhạc sex đó nghe”.. “Hừ! chị cứ nói, tình yêu là đẹp dưới bất cứ hình thức nào”….Tôi thấy hắn cãi hăng hái nên nói. “Ừ thì ta có nói gì đâu”…Hai chị em đi bộ về nhà vì nhà hàng cưới ở gần nhà tôi, đường ướt nước nhưng chỉ còn mưa nhỏ hạt Hắn vào nhà lấy xe đi về. Ra cửa, hắn còn chọc tôi “Bữa mô Tý hát bài “Tháng sáu trời mưa” cho chị nghe…”.
Ngày 2/9 được nghĩ lễ , hắn gọi điên thoại cho vợ chồng tôi “chiều Tý đến anh chị chơi” . Hôm đó tôi có hẹn với môt người bạn ở Hội an vào lúc 4 giờ nên tôi bảo Tý phải đến sớm để chị còn phải đi. Hai giờ hắn đến, hắn ăn trưa ở nhà Tý em rồi và cũng có nhậu lai rai. Nhà tôi chỉ chai rượu Bầu Đá, hắn nói có thứ Bầu Đá không ngon. Hắn nói Tý vừa nhổ một cái răng bị nha chu. Tý tự nhổ. Rồi hắn đưa tôi xem cái răng có chân thật dài.Tôi la hắn: “nha chu thì phải chữa chứ không nó rụng hết sao”. “Để bữa mô về Huế có thằng bạn làm Nha sĩ, Tý chữa luôn”….Nhà tôi đưa cho hắn mấy bài thơ tôi làm: “nè ngó chị Bé bữa ni tự nhiên làm thơ”. Hắn đọc một đoan rồi nói, Tý thích chữ “thắm” trong câu “Mà ngỡ hồn quê thắm nẽo về”. Hắn nói tiếp: “Rảnh mà ngồi viết là tốt, Tý vẫn biểu vợ Tý cứ viết bất cứ gì để giải tỏa bớt trong đầu những suy nghĩ. Vợ Tý viết cũng được lắm, rứa mà không chịu nghe”. Hắn rũ tôi: “đi hát karaoke đi chi Bé”, rồi hắn ra mở máy đưa cho tôi một cái micro. Chị hát đâu có được. Cứ hát đi, hồi xưa chị hát được mà .Nhưng chừ hát lên không nổi…Hắn hát giong ngân rất hay. Tay hắn điều chỉnh máy cứ nghe rè rè. Hắn loay hoay sửa tới sửa lui. Tôi hát với hắn môt vài câu nghe dỡ quá. Đến 3 giờ chiều, tôi phải thay áo quần để đi gặp bạn. Tôi cứ nấn ná vì thấy bỏ hắn phải đi về sớm một mình. Hắn ngồi cho đến khi vợ chồng tôi ra đi thì hắn mới dắt xe ra về cùng lúc. Chồng tôi dặn: “thứ năm tuần sau giỗ me đó nghe”. Hắn hỏi lại, “thứ năm? để Tý xin phép!”. Tôi nhìn theo hắn chạy xe rẽ qua đường khác mà trong lòng cứ áy náy
không yên. Buổi chiều gặp bạn cũ, nhắc bao nhiêu chuyện xưa, cười nói vui vẻ nhưng trong lòng vẫn băn khoăn khi nhớ hình ảnh hắn ra về, cảm thấy “như mình có lỗi đã đuổi hắn. Nhà tôi nói: “phải mua giàn máy karaoke cho thằng Ngọc lên hát. Hắn ưng hát mà máy mình dỡ quá!”…
Chưa mua máy mà hắn đã chết rồi! Đau bụng có một đêm, một mình, sáng người ta đưa tới bệnh viên thì hôn mê luôn! Cái thằng Tý sún của chị ….thiệt tệ…!
Ra đi không lời từ biệt
Vội vàng chi không biết nữa …Tý ơi!
Hôm nay là 105 ngày em ra đi rồi đó!!!….60 năm cuộc đời, người ta còn thấy ít, em mới 56 năm! Mà thôi….
Nghiêng vai nhẹ gánh phong trần
Từ nay em hãy thong dong lên đường….
Chiều đã xuống từ lâu. Xung quanh tôi im vắng, chỉ mình tôi ngồi trên sân cỏ, kéo cầm trên tay, văng vẳng trong tai tôi tiếng hát “ê…cái thằng Tý sún, Tý sún!”….Ôi cái thăng Tý sún của tôi ….tôi nhớ hắn.quá …./.