Đã hơn một tuần nay, chú Tư Hòa bỗng trở nên đổi tính lạ. Hễ đi đâu thì thôi, về đến nhà chú thường tỏ ra cau có, trầm tư, ít nói. Có khi, chú ngồi hàng giờ bên chiếc bàn tròn hút thuốc, uống trà vẻ đang suy nghĩ lung lắm về một điều gì đó chưa ra lẽ. Những khi như vậy, con Bé Ty cháu nội cưng của chú thường hay lân la đến vòi vĩnh, nhưng chú cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện mà không buồn nựng nịu hôn hít nó lấy một miếng. Tội nghiệp cho con bé, thấy không được cưng chìu gì, nó phải lẩn đi chỗ khác mà không hiểu nổi vì sao ông nội lại khác hẳn mọi khi. Riêng thím Tư thì biết, thím biết rõ vì sao mà chú Tư hay cau có.
Số là thời gian gần đây, xã đã hợp đồng xong với chi nhánh điện lực huyện về việc xây dựng đường điện. Trong tháng này sẽ tiến hành phát quang để kéo đường dây điện trung thế liên ấp mang điện về phục vụ cho bà con. Đường dây điện sẽ đi ngang qua vườn và sân nhà của chú Tư. Như mọi người, chú phải đốn dọn một số cây cối trong vườn theo hành lang đã được định vị phóng tuyến. Nhưng lại khổ cho chú một điều là trong số cây cối phải đốn dọn đó có cả cây sầu riêng khổ qua, cái cây đã gắn bó với chú bao nhiêu kỷ niệm và lại là một nguồn thu nhập không nhỏ hàng năm của gia đình chú, chú thấy tiếc quá và cũng xót xa quá nếu phải đốn cây sầu riêng cổ thụ này. Mấy ngày nay, chú thử vận động, trình bày với một số bà con thân tín trong xóm về việc của chú để thăm dò. Chú đã đến ấp, xã thuyết phục để thay đổi nhằm chỉnh lại tuyến đường dây tránh đi cây sầu riêng yêu quí của chú. Nhưng mọi việc vẫn còn đó chưa thể quyết được phải như thế nào.
Chú còn nhớ rất rõ, cách đây gần tròn hai mươi năm ít lâu sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, trong một dịp về thăm quê thím Tư ở cù lao Ngũ Hiệp, chú đã được anh vợ tặng cho hai cây sầu riêng khổ qua ghép cành, mỗi cây đã hơn một năm tuổi. Chú, thím đã cẩn thận bưng nó xuống xuồng, xếp nằm xuôi theo lòng xuồng và không quên phủ lên trên hai lớp lá dừa để che nắng, gió.
Dọc đường về, thằng Hai con trai lớn của chú thỉnh thoảng phải tát nước sông lên cây để giữ mát. Chú cũng đã chọn hai nơi ưng ý nhất gần nhà để trồng hai cây sầu riêng, chú lựa toàn loại đất còn tơi xốp để đắp mô cho chúng, ấy vậy mà chỉ còn một cây sống đến bây giờ, cây kia chậm phát triển, héo úa, khô nhánh dần rồi chết sau đó ít lâu. Người ta bảo sầu riêng là thứ khó trồng cũng phải.
Mặc dù vườn nhà chú Tư có nhiều loại cây trái nhất là xoài, nguồn huê lợi chính của vuờn chú nhưng chú thích nhất vẫn là cây sầu riêng khổ qua. Chú thích như vậy bởi lẽ chú chỉ có một cây sầu riêng duy nhất. Các loại cây trái khác như: Mận hồng đào huyết, mít tố nữ, sa bô chê dây, nhãn tiêu... chú đều có không nhiều thì ít. Ngay cả xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu vừa ngon ngọt vừa có giá trị kinh tế cao hiện nay, chú cũng có hàng chục cây mỗi loại. Nếu phải đốn đi vài ba cây vì công ích, chú cũng sẵn sàng không tiếc rẻ gì lắm. Hơn nữa chúng lại dễ trồng hơn sầu riêng, mất cây này, trồng lại cây khác không khó.
Cây sầu riêng khổ qua của chú Tư cành lá sum xuê, xanh tốt, dáng vẻ rất sung mãn. Mười lăm năm qua năm nào nó cũng cho trái. Đặc biệt mười năm gần đây, mỗi năm nó có hơn một trăm trái tới vài trăm ký, đem bán chú cũng được trên dưới hai triệu đồng chưa kể lúc trúng giá, tiền bán được còn cao hơn. Với số tiền đó, chú cũng mua được năm, sáu chục giạ lúa để ăn cho cả nhà. Trong cả ấp, cả xã này, chưa chắc ai đã có được cây sầu riêng cao lớn và nhiều trái như cây sầu riêng của chú. Đó là chưa nói cây sầu riêng của chú ấy có nhiều trái to, múi lớn, hạt nhỏ, cơm dày, ngọt dịu. Cây càng già, trái càng chín thì hạt càng nhỏ, cơm của nó nhuyển, mịn màng như bơ, không bị chai sượng bao giờ. Những khi có khách hoặc nhà có đám, thiếm Tư thường làm cơm nếp, kem, bánh có trộn sầu riêng vào mùi thơm nhẹ, ai ăn cũng khen ngon. Thỉnh thoảng chú Tư cũng dùng sầu riêng để tặng bạn bè, bà con hoặc mang đi đám tiệc trong xóm. Vì vậy cây sầu riêng khổ qua dần dần đã trở thành một thứ của cải quí hiếm trong gia đình của chú.
Tên “sầu riêng khổ qua”, theo chú nghĩ có lẽ ai đó khi nhìn thấy trái sầu riêng hơi dài, gai nhẵn, khi chín da vẫn còn xanh giống như trái khổ qua nên đã đặt tên cây như vậy, mọi người gọi mãi rồi thành quen. Riêng đối với chú Tư trong lúc này, cái tên gọi sầu riêng khổ qua sao mà có vẻ trêu người, nó như là chọc thẳng vào cảnh ngộ rối bời của chú. Sầu riêng giống như nỗi sầu khổ riêng tư của chú bây giờ, khổ qua nói theo ngữ âm kiểu Nam bộ là nỗi khổ của chú. Từ trước tới nay đã biết bao lần chú gọi tên cây nhưng cái ý tứ mộc mạc này chú không hề nghĩ tới, bây giờ chú mới chợt phát hiện ra tình cờ như một người hay quên bỗng tìm lại được đồ vật cũ. Càng nghĩ chú càng thấy tiếc cây và càng thấy bối rối. Một nửa trong chú muốn bấm bụng cho qua đi đừng gây khó khăn gì cho việc thi công để đường dây sớm được hoàn thành mang điện về cho thôn xóm. Một nửa còn lại thì chống đối vừa muốn có điện vừa muốn giữ lại được cây sầu riêng đáng giá.
Một nửa trước trong chú Tư đó là một người – người tiểu đội trưởng du kích năm xưa của xã, người tổ trưởng nông dân ấp hiện nay. Người đó muốn chú Tư phải mạnh dạn đốn cây sầu riêng, phải làm gương mẫu, phải có uy tín để còn vận động bà con làm điện, làm cầu, đường, trường học... và còn biết bao chuyện đối nhân, xử thế trong ấp. Một nửa còn lại trong chú Tư cũng là một người – người nông dân bình thường, người chủ gia đình phải lo toan cái nghèo giàu đói no cho sáu miệng ăn trong nhà và còn bao nhiêu chuyện phải, quấy, đám tiệc khác nữa. Người đó lại muốn chú Tư phải cố giữ lại cây sầu riêng vì mất nó thì sẽ mất đi một nguồn thu nhập đáng kể hàng năm của chú.
Thật là rắc rối, chú chưa thể quyết định dứt khoát trong việc này. Thím Tư và thằng Út cũng tiếc rẻ cây sầu riêng lắm, nhưng mọi việc lại khoán cho chú, chú quyết như thế nào thì họ sẽ theo như thế ấy nhất là thím Tư, tính thím xưa nay vẫn thế.
Sáng hôm nay, chú Tư lên trụ sở xã để hỏi thăm về đề nghị của chú.
Mọi khi chú vẫn thường đi với chiếc Mô-bi-lét vì đường xa tới hơn bốn cây số nhưng hôm nay chú lại đi bộ. Chú thích đi bộ cho thư giãn và được nhìn ngắm kỹ hơn hai bên đường. ở xóm giữa người ta đang đốn dọn cây cối, đầu xóm trên đội thi công đang trồng trụ điện. Như thế này thì chỉ mấy hôm nữa là đến xóm chú phải đốn dọn. Việc đã gấp lắm rồi, hôm nay dù thế nào chú cũng phải quyết cái việc cây sầu riêng cho xong. Trụ sở xã đông người hơn mọi khi, cái sân vốn nhỏ lại chất đầy những bành dây điện loại lớn, mỗi cái ước nặng cả tấn nên trông càng thêm chật chội. Mọi bận khi đến đây để hội họp hoặc giải quyết công việc của tổ nông hội, chú đi đứng rất bình thản, hôm nay, chú bước đi mà cứ như muốn vấp. Chú nghĩ:
- Phải chăng mình vì nặng việc riêng tư mà bước đi lóng cóng?
Sáu Hồng – Chủ tịch xã tiếp chú trong phòng làm việc, chú định vào đề ngay nhưng Sáu Hồng khoát tay nói:
- Khoan đã chú Tư, làm hớp nước cái đã! Ông đi đường xa còn mệt mà! Để tôi kiếm chú Hai rồi cùng bàn cái việc của chú, ổng mới quanh đây thôi
Chú Hai đây là Hai Phước – Chủ tịch Hội Nông dân ở xã - Thủ trưởng của chú Tư, là Phó ban vận động xây dựng đường điện của xã. Trước đây Hai Phước đã từng là trung đội trưởng du kích, sau giải phóng là xã đội trưởng... Hai Phước là người thật thà, thẳng tính nhưng nói năng rất xởi lởi.
Vừa vào gặp chú Tư, Hai Phước đã nói ngay:
- Chào anh Tư, hôm kia tôi cùng mấy anh em đã đến chỗ anh và mấy hộ có khiếu nại để xem xét, nhưng bữa đó anh không có nhà. Hôm nay định xuống dưới đó, thời may anh lại lên đây... Tôi và đồng chí Sáu Hồng cùng các anh em đã bàn kỹ, chỗ anh là khó thật, hơn nữa mình phải tôn trọng ý kiến của Điện lực về mặt kỹ thuật nữa anh Tư ơi!
Chú Tư Hòa ngẫm nghĩ một lát để sắp xếp ý tứ chú giải bày thuyết phục để nếu được cho đường dây bẻ góc hoặc đi lệch bên trái, bên phải gì cũng được miễn sao tránh được cây sầu riêng cho chú.
Đợi cho chú Tư nói hết, Hai Phước bập một hơi thuốc lá, hớp một ngụm trà nóng rồi mới nói:
- Cái lẽ của anh Tư thì ở đây anh em cũng đã xem xét, nếu bẻ ngoặt đường dây ra phía ngoài thì phần còn lại của cả tuyến dây phải gặp con mương lộ dài ngoẳng và cả vùng đất bãi bồi rất yếu dễ lún sụt, khó đảm bảo cho thi công và an toàn cho đường dây. Nếu dịch vào một chút thì đường dây đi qua nóc nhà của năm bảy hộ không thể được. Nếu đi sâu vào bên trong thì góc bẻ quá lớn, lại xa đường cái, phải đốn dọn quá nhiều cây trái của nhiều hộ cũng không ổn. Còn nếu cho đi kiểu dích dắc thì đường dây quá vô duyên lại phải tốn thêm kinh phí vì phải chằng néo quá nhiều mà cũng không an toàn, làm cản trở giao thông sau này.
Uống thêm ngụm trà, Hai Phước nói tiếp:
- Còn việc thường bồi huê lợi như anh Tư biết mình đã bàn nhiều rồi. Đây là đường dây do nhân dân tự đóng góp xây dựng, mỗi hộ đã đóng hơn một triệu đồng rồi. Nếu đặt vấn đề thường bồi thì phải đóng thêm đến hai triệu. Nhưng rốt cuộc thì xóm dưới trả tiền bồi hoàn cho xóm giữa, xóm giữa trả cho xóm trên, bà con cả ấp gom góp trả tiền cây sầu riêng cho anh và trả tiền lẫn nhau trong đó có phần của anh và của tôi như vậy cũng là lẩn quẩn, chi bằng không đặt vấn đề thường bồi thì hay hơn.
- Việc đó thì tôi thống nhất từ lâu rồi không có thắc mắc gì chỉ muốn là nếu được thì cho đường dây tránh đi cây sầu riêng một chút. - Chú Tư Hòa chậm rãi nói như để kéo vấn đề trở lại.
Từ nãy đến giờ, Sáu Hồng ngồi lắng nghe bây giờ mới lên tiếng:
- Cây sầu riêng của chú rất đáng giá, đốn đi cũng tiếc, nhưng khổ nỗi không thể tránh đi được. Nếu chú nhất quyết không cho đốn thì chỉ kéo dây điện tới nhà chú mà thôi, không thể kéo luôn xuống cuối xóm và qua ấp khác được. Mặt khác, cũng có nhiều hộ nói bóng gió rằng nếu chú Tư cho đốn cây sầu riêng thì họ mới cho đốn cây vườn họ, chú làm sao họ theo vậy. Nếu ách tắc thì chưa chắc kéo dây đến hết xóm giữa được. Hết hợp đồng điện lực họ đi nơi khác biết bao giờ mới trở lại. Chú Tư nên suy nghĩ lại đi! Mình đã khổ công vận động bà con, bây giờ chỉ còn một chút nữa không lẽ không làm được hay sao? Hơn nữa mình đã quyết tâm đến ba mươi tháng tư năm này phải hoàn thành công trình đường điện, mà nay đã giữa tháng ba rồi còn gì!
Đúng! Việc vận động xây dựng đường dây điện đến nay đã gần hai năm mới hoàn tất với số tiền hơn ba trăm triệu đồng hiện đang nằm trong ngân hàng. Chú cũng là người góp nhiều công lao trong việc vận động thu tiền trong ấp, đến nay chỉ còn một đoạn đường ngắn ngủi nữa là mọi việc hoàn tất!
- Không lẽ! Nhưng mà! – Chú Tư suy nghĩ lúng túng.
Thấy chú Tư nao núng muốn chấp nhận nhưng còn do dự, Hai Phước đứng lên đến bên chú Tư vỗ vai động viên chú vẻ ân cần.
- Thôi! Được rồi anh Tư! Ngày xưa ở trong đội du kích anh là người gan dạ lắm mà, bây giờ cũng như vậy thôi. Anh cho đốn cây sầu riêng đó đi. Vườn anh còn nhiều chỗ lắm tôi hứa sẽ tìm cho anh hai cây sầu riêng mới một năm tuổi ngon lành trồng lại cho anh. Bây giờ tôi có việc phải đi xuống ấp đây! Anh ở lại, tôi đi trước. Đồng ý hén!
Với vẻ đồng tình, chú Tư Hòa cố gượng cười vả lả:
- Thôi được. Cám ơn chú Hai nhưng lần sau anh không trồng sầu riêng khổ qua nữa đâu, anh sẽ trồng thứ khác.
Có lẽ những lời nói chí lý của Chủ tịch xã Sáu Hồng, những cử chỉ ân tình của Hai Phước và cả những ánh mắt háo hức khát khao mong chờ ánh điện của bà con mà chú gặp trên đường sáng nay đã như một dòng nước mát mẻ, trong lành làm dịu đi cái tức giận, giúp chú vươn lên chiến thắng được cái ích kỷ nhỏ nhen đang âm ỉ trong chú.
Hôm trước ngày người ta sẽ đốn dọn vườn chú khoảng có đường điện đi qua, chú đã gọi thím Tư và thằng Út lại dặn dò:
- Mẹ nó và thằng Út nghe tôi dặn ngày mai tôi có việc phải đi, tôi đã bàn với anh em về việc đốn dọn cây cối cả cây sầu riêng. Mẹ nó và vợ chồng thằng Út giúp người ta trảy nhánh dọn cây không được cản ngăn hay nói điều gì không đúng, chiều mai tôi về.
Thật ra chú Tư không có việc gì quan trọng phải đi cả, chú tìm cách lẩn tránh cái cảnh người ta đốn hạ cây sầu riêng mà chú yêu quí. Chú muốn đi đâu đó một đỗi, mọi việc xong xuôi chú trở về thì đỡ xót hơn.
Thắm thoát, đường dây đã hoàn thành, nhà nhà đã có điện thắp sáng. Người ta cũng nhanh chóng chuyển những máy cassette, tivi từ điện bình sang điện lưới. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt của mọi người. Sinh hoạt của mỗi nhà đã có nhiều thay đổi, trẻ con không còn phải học bài bên ánh đèn dầu tù mù nữa. Nhiều cụ già đã thức liền mấy đêm để nhìn ánh điện sáng mà uống trà nói chuyện. Họ nói đủ thứ chuyện từ chuyện đời xưa hồi còn tấm bé đến chuyện nay và chuyện mai sau. Rồi đây họ sẽ mua sắm thêm nhiều phương tiện sinh hoạt dùng điện trong gia đình cho tiện nghi hơn, cả đến chuyện tưới vườn cây và phun thuốc trừ sâu dùng điện sẽ tiện lợi hơn, giá rẻ hơn...
Mấy hôm nay, chú Tư cũng bị cuốn hút vào niềm vui chung của cả xóm. Niềm vui đó như một ngọn sóng lớn, một cơn gió mạnh đã lướt qua, xóa nhòa đi nỗi sầu riêng của chú.