Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
872
123.135.857
 
Công trình nghiên cứu âm nhạc : Đặc điểm dân ca Mông Tày Nùng Thái - 8
Tuấn Giang

 

4. Hát mo then các dân tộc.

 

Hát mo then các dân tộc, âm nhạc tín ngưỡng nhiều thể loại từ mở lễ đến kết thúc một, hoặc nhiều đêm hành lễ. Nghi lễ ca nhạc mo then mỗi loại từ 10 đến 15 làn điệu hát, đệm hai, ba nhạc cụ. Dù nhiều hình thức mo then nhưng giới hạn bài bản làn điệu có sẵn, nội dung các bài: Lên đường, Vượt biển, Gọi hồn, Trả vía, Tiễn hồn... Mỗi dân tộc nhiều hình thức mo then khác nhau, tên gọi các bài hát gần giống nhau, là nét chung nhạc nghi lễ.

 

Mo then loại âm nhạc hát diễn xướng dân gian trong mối quan hệ tổng hợp nghệ thuật Folclore, hát múa và trình diễn. Quan hệ những bài mo then tác động, hoà hợp cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác biểu cảm phong phú nội dung tình cảm tâm linh. Nhiều bài hát làn điệu mang nội dung phức tạp, cấu trúc giai điệu chung thể một, hai, ba trổ.

 

Loại cấu trúc một trổ, các bài văn tế thần linh, hồn ma thường có nhịp diễn xướng tự do, nếu người sưu tầm để dưới dạng hát nói thuận hơn.

 

Bài Văn tế, Mo Mông

 

 

Giai điệu gồm ba vế, cấu trúc  một trổ. Vế một, mở bằng âm bốn trên thang âm: rề mì son la,. Các âm chính, luôn nhắc lại trên giai điệu tạo cảm giác ổn định, tôn nghiêm trong sáng là những âm son lá rề. Vế hai, phát triển mới, âm mi, dù cả bài chỉ xuất hiện một âm rất phụ nhưng tạo cái mới đột biến như chuyển giai đoạn nội dung tình cảm. Sau vế hai, loé sáng. Vế ba, trở về những âm quen thuộc, tạo cảm giác kết lửng ở âm năm.

 

Bài Then gọi hồn, cấu trúc một trổ:

 

 

Những bài Mo Mông thể một trổ thường kết lửng, thang ba bốn âm nhưng phần lớn dân ca Mông thang năm âm, đây là sự phong phú độc đáo âm nhạc Mông.

 

Loại hai trổ, bài Đưa hồn:

 

 

Cấu trúc giai điệu một trổ, ba vế. Giai điệu vế một mở âm cao mí mí rê đồ mí, kết ở rê trong sáng. Vế hai, phát triển âm hình tiết tấu, tiết hai nhắc lại tiết một vế hai, kết về rê tạo cảm giác giai điệu quen thuộc. Vế ba, mô phỏng vế một, kết âm rê. Theo quy luật sáng tác nếu các âm kết cứ rơi về âm quen thuộc thì bản nhạc sáo mòn, người viết nhạc mắc lỗi cơ bản nhất, nhưng dân ca lại cảm thấy những âm kết ấy gần gũi giai điệu, mỗi lần kết lại thấy mới không sáo mòn. Đây là điều kỳ diệu cấu trúc giai điệu dân ca. Trổ hai nhắc lại âm hình chủ đề vế một gần nguyên xi, có thể coi là nguyên xi. Sang vế hai, phát triển kết. Vế ba, trổ hai là vế kết bài, nhắc lại nét âm hình tiết tấu vế hai trổ một, phát triển chủ đề, kết cấu giai điệu chặt chẽ như phương thức sáng tác kinh điển. Dù các lối kết câu, kết đoạn, kết bài về âm chủ, chỉ một vế duy nhất kết âm mới, nhưng giai điệu bài hát luôn mới.

 

Những bài mo then thể hai trổ loại cấu trúc cân, không cân, thường thấy thể hai vế ba, bốn vế. Giai điệu nhạc phóng túng ít nhắc lại âm hình tiết tấu chủ đề, nhưng có những bài phát triển cấu trúc chặt chẽ.

 

Loại ba trổ (ba đoạn đơn), bài Thu vía – Then Tày.

 

 

Bài hát giai điệu tượng thanh tiếng đàm tính, cấu trúc vế một, trổ một. âm hình son son la sí sí, vế hai nhắc lại gần nguyên xi âm hình tiết tấu vế một, kết về âm son quen thuộc như vế một. Vế ba, nhắc lại nửa âm hình vế hai phát triển kết về son. Về bốn, nhắc lại phần kết vế hai, kết đoạn âm son. Trổ một gồm bốn vế, cấu trúc giai điệu trên thang bốn âm: sòn la si rế. Những chỗ kết câu, kết đoạn, kết bài luôn về âm chủ nhưng không mòn, có lẽ đây là chất âm nhạc tâm linh luôn khẳng định điều chính yếu, cái chủ đạo không sai lạc. Dù giai điệu phát triển đi đâu, phải nhớ về lại nhà như Lời gọi hồn, Thu vía: “Vía ơi chớ xa xác xa thân”, là cái lôgic âm nhạc lời ca. Trổ hai, vế một lấy âm hình chủ đề mở đầu, phát triển bằng hình thức kéo dài trường độ vế một, trổ một gần như nhắc lại câu hai, kết về son. Trổ ba, giai điệu trường độ kéo dài như tương phản lại trổ một, trổ hai. Đây là bài cấu trúc ba trổ, câu, đoạn không cân nhưng hình thức phát triển âm hình tiết tấu cấu trúc chặt chẽ. Dù là những bài hát dân gian, cấu trúc giai điệu, phát triển âm hình mang tính kinh điển trong sáng tác âm nhạc mo then.

 

Những bài mo then nhiều dạng cấu trúc giai điệu âm nhạc thể một trổ, hai ba trổ, hoặc loại trường ca, trường đoạn nhiều chương đoạn… nhưng mang đặc điểm chung:

 

-    Cấu trúc các trổ hát theo âm hình tiết tấu chủ đạo.

-    Phát triển giai điệu mang tính kinh điển.

-    Những phần kết câu, đoạn về âm chủ, âm chính, âm tựa của thang âm.

 

Những bản Mo then, cấu trúc giai điệu chặt chẽ niêm luật không tuỳ hứng, buông thả như những bài hát vui chơi giải trí. Âm nhạc mo then có các dạng cấu trúc:

 

-    Loại một trổ: Mở bài – thân bài – kết.

-    Loại hai trổ: Mở – thân – kết.

-    Loại ba trổ: Mở – thân – kết.

-    Loại trường ca – trường đoạn: Mỗi chương mang đầy đủ các phần mở – thân – kết.

 

Các loại mo then phong phú nội dung giai điệu, hình thức cấu trúc âm nhạc. Loại một trổ, cấu trúc đan xen ba phần trong một trổ, thường không trọn vẹn. Loại một trổ xúât hiện nhiều là những bài ngắn, mở đầu hoặc kết thúc trong các phần mở thân kết. Loại hai trổ cấu trúc đan xen, nhiều bài kết trọn hoặc lửng, thường thấy trong những bài hát  xen giữa. Loại ba trổ, cấu trúc đầy đủ ba phần. Phần mở nói khá đầy đủ trình bày nguyên nhân, phần thân đi sâu nội dung câu chuyện, phần kết như ước nguyện, cầu chúc… khá toàn vẹn.

 

4.1.Cấu trúc thể một trổ.

 

Cấu trúc giai điệu thể một trổ, phần mở xen phần thân. Phần mở như lời trò chuyện giao đãi với hồn, bài Đưa hồn:

 

Mày chết thật hay dối

Mà con gà làm do bếp bẩn cả người

Nếu mày chết thì thôi

Tao cho mày bát nước

Rửa người cho sạch mà đi.

 

Hoặc bài Văn tế:

Hỡi ông thổi kèn

Ông giúp tôi

Thổi kèn lên

Đưa người về với đất

Để người chết mua ruộng nương

Về với đất làm chỗ làm ăn.

 

Phần mở, hỏi người chết, phần thân nói những điều mắt thấy, phần kết làm những điều tử tế với người đã khuất. Phần kết giúp người ra đi đầy đủ, theo quan niệm đồng bào, người chết chưa phải là chấm hết, phần hồn còn sống quanh ta. Hồn ma người chết đang làm ăn sinh sống bình thường như lúc ở với gia đình, làng bản, họ có mọi thứ giống người sống để tồn tại.

 

Thể hai trổ, đan xen hoặc phần mở riêng, sang trổ hai gồm thân và kết. Lời ca bày tỏ, kể chuyện trình bày tình hình mới, sau về kết. Loại ba trổ, lời ca đầy đủ ba phần. Phần mở, gọi hồn, gọi vía, hoặc đưa tiễn, nghênh đón… Phần hai, ước muốn người đang sống với người đã mất, hoặc khẩn cầu thần linh mong được nghênh đón, đưa tiễn. Phần kết, mong muốn mọi điều tốt đẹp với người sống, người đã mất, xin thần linh cầu được ước thấy, vạn vật hiển linh mùa màng bội thu, sức khoẻ tràn đầy.

 

Những hình thức cấu trúc âm nhạc mo then gắn chặt hữu cơ âm nhạc và lời ca, tạo nên hình thưc hát diễn xướng tâm linh. Âm nhạc mo then đỉnh cao của âm nhạc phong tục, lôgic cấu trúc giai điệu với các hình thức trình diễn. Âm nhạc nghi lễ đệm bằng nhạc cụ, nhảy múa, hoàn thiện nhiều nghi thức mo then.

 

5.Hình thức tiến hành giai điệu.

 

Là thuật ngữ quen sử dụng nhiều người chấp nhận quy định thế: giai điệu – melody – tuyền luật… càng khó hình dung cụ thể giai điệu bản nhạc, bài hát. Do đó, cần làm rõ định nghĩa: giai điệu âm nhạc cấu trúc từ một nhóm âm thanh, tiết tấu, sắp xếp theo quy luật mang nội dung hình thức, tác phẩm âm nhạc. Mỗi thể loại âm nhạc một thủ pháp tiến hành giai điệu cấu trúc nội dung hình thức, dù nhiều thang âm, tiết tấu giống nhau nhưng tiến hành giai điệu khác nhau, hình thành phong cách ngôn ngữ âm nhạc từng tộc người.

 

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Hồng Thao, ông một người kính trọng thiêng liêng, bởi là người Kinh cả một đời gắn mình với âm nhạc các dân tộc thiểu số. Dù cuộc sống của ông khốn khó, nhếch nhác bên ngoài, nhưng bên trong một tâm hồn vĩ đại. Hiếm có nhà nghiên cứu tâm lực vì âm nhạc các dân tộc: sưu tầm, nghiên cứu, cải tiến nâng cao nhạc cụ nhiều dân tộc. Âm nhạc Mông, ông xuất bản cuốn Âm nhạc dân tộc Mông, dầy công sưu tầm, nghiên cứu. Ngoài Hồng Thao chỉ còn những bản nhạc đơn lẻ của các nhà sưu tầm góp nhặt tình yêu âm nhạc các dân tộc, chưa mấy ai đi sâu. Hồng Thao người vô tư vì âm nhạc nhiều dân tộc, còn có kẻ danh tiếng nói về âm nhạc các dân tộc hay lắm, nhưng chỉ tựa vào hào quang văn hoá dân gian để bước lên danh vọng trục lợi. Xin giới nghiên cứu văn hoá, nghệ thuật các dân tộc tìm xem kẻ nhân danh phát ngôn về văn hóa âm nhạc dân gian họ để lại gì cho âm nhạc các dân tộc. Tuy nhiên, thời nay đang cần quảng cáo, cần người nói để âm nhạc dân tộc lên ngôi, tiếc thay những phát ngôn của anh ta chỉ loè mấy người thôi. Nước ta hiện nay nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng phát ngôn được chú ý lại là những giáo sư sống hoạt động ở nước ngoài. Những giáo sư này sống trong nhung lụa, hào hoa, còn bao người trong nước ăn rau muống sáng tác nhạc giao hưởng, đi chân đất lên rừng tìm âm nhạc Mông Thái Tày… họ được gì? chỉ để lại những bản sưu tầm âm nhạc nhiều dân tộc phong phú, độc đáo là bản sắc văn hoá tâm hồn nhân dân tạo ra những hình thức cấu trúc giai điệu các thể loại dân ca. Dân ca các dân tộc như những chớp sáng trên bầu trời âm nhạc Việt Nam, khơi dậy từ quá khứ mà rực rỡ trong đời sống âm nhạc đương đại. Hàng trăm tác phẩm mới sáng tác của các nhạc sĩ ngợi ca quê hương, đất nước, tuổi học trò đến trường, yêu quý thầy cô từ những âm điệu dân ca các dân tộc. Giai điệu dân ca các dân tộc đi vào đời sống tinh thần nhân dân cả nước bằng những bài dân ca hay, đến những hình thức sáng tạo riêng lẻ để lại âm hưởng văn hoá dân gian trong lớp người xã hội mới. Dân ca Mông Thái Tày Nùng… là một phần gia tài văn hoá dân tộc đang phải tìm lại những giá trị đích thực, không trục lợi mà vô tư như bao nhà nghiên cứu trước.

 

Dân ca các dân tộc, nhiều hình thức phát triển phong phú, tìm thấy những dạng cấu trúc, tiến hành giai điệu giống, khác nhau. Mỗi hình thức phát triển mang lại phong cách, thang âm điệu thức bản địa, thổ ngữ dân tộc. Giai điệu các loại thể dân ca ra đời từ: hoạt động sống theo quá trình phát triển tâm lý con người thời đại.

 

5.1.2. Loại hát ru.

 

Hát ru các dân tộc phát triển giai điệu theo quy luật cấu trúc âm nhạc trong môi trường không gian, thời gian sống động. Hiện thực đời sống xã hội dân tộc, môi trường sinh hoạt gia đình trong những hoàn cảnh riêng lẻ ra đời loại hát ru. Những bài hát ru giai điệu êm đềm, hoặc vỗ về ru con ngủ, lời ca kể chuyện phong phú.

 

Những sáng tác tự phát đặc sắc, ngâm nga sâu sắc như bài, dân ca Việt lời hát ru:

 

Em ơi em ngủ cho ngoan

Mẹ còn đi cấy đồng sâu chưa về

Bắt được con riếc rô chê

Cầm cổ lôi về nấu nướng ngủ ăn

 

Ngủ ăn chẳng hết

Để dành đến tết

Mèo già ăn trộm cái đuôi

Mèo con phải vạ…

 

Những lời kể tự nhiên khuyên ru em ngủ ngoan, giáo lý đừng làm những việc khuất tất mà oan cho kẻ khác, hãy sống lao động thành người. Lời ca và giai điệu quyện vào nhau đằm sâu trong giấc ngủ bé thơ, bên bàn tay chị, mẹ, bà vỗ về. Hát ru các dân tộc mang tâm lý chung, giai điệu mượt mà, êm đềm.

 

Hát ru Mông.

 

Bài hát ru con – dân ca Mông.

 

 

Giai điệu mở đầu câu một, tha thiết lắng đọng qua lối tiến hành các âm liền bậc quãng hai đi xuống, đi lên, đi xuống liên tục, bất ngờ nhảy quãng bốn không đột ngột, chỉ để nhấn lời răn của mẹ. Câu nhạc tha thiết  bởi những âm nối liền mở đầu tiết nhạc: si luyến la nhịp hai. Tiết nhạc một nhắc lại liên tiếp hai nhịp thành nét giai điệu tha thiết, êm đềm. Sau lời vỗ về nựng con, mẹ kể chuyện vào câu hai, câu ba, câu bốn:

 

Ngày xưa trần ir  giặc thù

Dân làng khổ đau

Ta vào khe sâu trong hang đá

Giặc phá mẹ cha bỏ nhà tìm sắn khoai ăn.

 

Hình thức phát triển giai điệu liên tiếp nhắc lại âm hình tiết tấu, chủ đề âm nhạc bằng dấu luyến legato làm câu hát giai điệu êm đềm ru con ngủ. Bài hát cấu trúc giai điệu trên thang năm âm: Sol la ir ê phá#, mang âm sắc âm nhạc Mông. Vào những năm giữa thế kỷ XX, cuộc tranh luận âm nhạc sôi nổi quyết liệt giữa các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Nguyễn Đình Tấn… từ năm 1959 đến 1961 về quan niệm thang âm điệu thức nhạc dân tộc. Các nhạc sĩ đưa ra nhạc ngũ cung- nhạc Việt nam, cụ thể các thang âm: Đồ rề pha son la đố, đồ rề mi son la đố, Đồ rề pha son sib đố. Những thang âm này có trong dân ca Việt nam, nhưng không chỉ cố định ở ngũ cung, nhạc Việt Nam nhiều thang âm từ hai thang âm đến sáu bảy thang âm. Nhạc Việt Nam, phong cách nhạc các dân tộc không hoàn toàn quyết định vào thang âm. Qua bài hát ru Mông có thang 5 âm: Sòn là ir ê phá#, chắc không phải nhạc Việt Nam, vì không đúng với thang âm các nhạc sĩ trên khẳng định? Đó chỉ là cuộc tranh luận vô bổ, ấu trĩ một thời đã qua. Bí quyết tiến hành cấu trúc giai điệu, dù trên thang năm âm nhưng sắp xếp các quãng giai điệu khác nhau tạo ra phong cách âm nhạc riêng biệt. Hát ru Mông thang năm âm gần thang âm nhạc người Kinh, nhưng giai điệu nhạc Mông không lẫn với bất kỳ loại âm nhạc nào.

 

Hình thức cấu trúc âm nhạc, tiến hành chủ đề, giai điệu tương đối ổn định, luôn nhắc lại bậc âm tựa phát triển âm hình mới, thường kết về chủ. Nguyên tắc chuyển động âm trên giai điệu sau một tiết tựa vào âm ba, âm chủ, âm năm, chỉ có hai câu dừng ở âm hai. Bài hát cấu trúc hai trổ, tám vế. Vế một nhắc lại chủ đề phát triển mới, vế hai nhắc lại theo cấu trúc vế một: a – chủ đề, nhắc lại: a’ – b – b’. Vế ba: a – a’ – c. Trổ hai, vế bốn: a’ – b. Vế năm: a – b. Vế sáu: a’ – a. Vế bẩy g – h. Vế tám: a’ – x. Ví dụ:

 

Bài Đìa mi nhủa

 

 

Bài hát ru Mông, thể một trổ, năm vế, cấu trúc lệch. Bài Khống mi nhủa, ghi trên điệu thức son thứ, thang năm âm: sòn si đô rê pha son.

Cấu trúc vế một: a – b. Vế hai: c – d. Vế ba: c’ – e. Vế bốn: g – c’. Vế năm a – c’.

 

Nguyễn tắc tiến hành giai điệu sắp xếp các quãng bài thể một trổ, tiến hành liền bậc quãng hai đi xuống, đi lên, đi liền bậc như lời ngâm ngợi mang tiếng gọi vỗ về thân thương. Chủ đề giai điệu vế một phát triển mới, vế hai đi xa hơn. Vế ba nhắc lại một nét vế hai biến hoá âm hình. Vế bốn phát triển xa chủ đề, kết âm chủ. Phương thức tiến hành vận động sắp xếp các âm trên giai điệu, dựa vào các bậc chính: âm năm, âm chủ. Ví dụ:

 

 

Qua nghiên cứu những bài hát ru Mông thể một, hai, ba trổ, cấu trúc giai điệu chung: mở đầu tiến hành liền bậc quãng hai đi lên, đi xuống, hoặc đi xuống, đi lên, bất ngờ nhảy xuống quãng bốn, năm, tạo cảm giác mới du dương trầm bổng. Nét giai điệu ngâm kể mang tính bình ổn, đứt quãng như thiên nhiên không gian xã hội người Mông. Nét nhạc vẽ ra cảnh núi rừng, đồng bào sống trên những đỉnh núi cao, bất ngờ nhảy xuống núi, lại bình ổn như những bước chân dừng lại trước cảnh đẹp núi cao hùng vĩ.

 

Cấu trúc giai điệu thể hát ru các trổ, cân hoặc không cân một trổ ba vế hoặc năm vế. Tiến hành giai điệu thường nhắc lại chủ đề, phát triển, hoặc từ chủ đề phát triển xa về kết nhắc lại tổng hợp các âm hình tạo cảm giác quen thuộc. Những điệu hát ru Mông, giai điệu tiến hành các âm liền bậc, sau một tiết thường nhảy quãng rộng thậm chí có bài nhảy quãng tám nhưng cảm giác tương đối êm. Đây là  đặc trưng giai điệu âm nhạc Mông,  thường tiến hành liền bậc, sau nhảy quãng bốn, năm, tám. Nhiều bài dân ca hát ru Mông giai điệu còn bước nhảy quãng sáu nhưng không đặc trưng. Quãng tạo cảm giác âm nhạc Mông ấn tượng dễ nhận diện giai điệu là bước nhảy: quãng tám  như câu nhạc rề rế, hoặc rế rề phà son lá phà son lá rề.

 

Những điệu hát ru Mông, cấu trúc giai điệu đặc điểm chung tiến hành bình ổn, trên những âm tựa tạo cảm giác êm đềm, bất ngờ nhảy xuống, hoặc lên quãng rộng nhưng luôn chuẩn bị âm nhảy tạo cảm giác êm mượt, không đột biến xa lạ. Hát ru Mông, mang đến cảm giác thiên nhiên tươi đẹp, con người hồn nhiên sống bình lặng thả hồn vào lời ca giấc ngủ êm đềm.

 

Hát ru Tày Nùng.

 

Hát ru Tày Nùng thể một, hai, ba trổ, cấu trúc giai điệu phóng khoáng, loại mang âm hình những tiếng gọi, loại ngân nga nhiều phụ âm. Thể một trổ, ngắn gọn hai câu nhạc trở lên, giai điệu nhiều bước nhảy. Thể loại ba trổ, nét nhạc êm đềm ngân nga nhiều phụ âm gần giống những điệu si lượn. Lối hát ngân trong họng kéo dài nhiều phụ âm a, ư, ứ, hứ khẩu mà… mang đặc trưng dân ca Tày Nùng.

 

Thể một trổ thường cấu trúc giai điệu vế một: a – a’. Vế hai nhắc lại tiết tấu biến đổi âm hình trên giai điệu mới: c – d. Hình thức phát triển giai điệu nhắc lại âm tựa mì sí trên thang âm mì la si, kết đoạn thường dừng bậc âm bốn, cảm giác không ổn định. Thể một trổ, năm câu bài:

 

Em ngủ (ứ noọng nòn)

 

 

Hình thức giai điệu nhiều phụ âm ứ a, lời ca ít, nét nhạc hay, chắp nối qua các dấu luyến ngân dài chạy theo các phụ âm. Cấu trúc vế một: a - b. Vế hai: c – d. Vế ba: e – x. Các tiết nhạc, câu nhạc (vế) không nhắc lại âm hình chủ đề đầu mà nhắc lại biến hoá mô típ chủ đề. Hình thức nhắc lại mô típ có biến hoá làm mới giai điệu, nhưng tạo cảm giác âm giai quen thuộc. Một hình thức cấu trúc giai điệu khá đặc biệt, hầu như không nhắc lại âm hình tiết tấu, chủ đề giai điệu, bài hát cứ ngân nga phát triển như những đợt sóng nối tiếp đuổi nhau theo lời ru ngân dài. Nguyên tắc tiến hành giai điệu luôn nhắc lại âm tựa: rề pha# la trên thang năm âm: Rề mì pha# la si.

 

Giai điệu những bài hát ru dân ca Tày Nùng, cấu trúc nhiều loại thang âm khác nhưng mang đặc điểm chung, luôn biến hoá các vế tạo âm giai mới. Nhiều loại giai điệu thể một, hai, ba trổ, kết cấu giai điệu đặc biệt. Loại nhắc lại các tiết nhạc, âm tựa chính như nhạc kinh điển. Loại không nhắc lại, luôn phát triển không dứt, giai điệu xây dựng trên mô típ cũ biến đổi mới. Nguyên tắc chung: nhắc lại âm tựa cơ bản. Hình thức hát ru Tày Nùng, có hai loại cấu trúc giai điệu: loại giai điệu gấp khúc nhiều bước nhảy lên, nhảy xuống liên tiếp quãng ba, quãng bốn. Loại tiến hành các âm liền bậc liên kết  nhiều phụ âm ư, giai điệu giàu tính ngâm ngợi. Hát ru Tày Nùng phong phú cấu trúc giai điệu, mầu âm đặc sắc kể chuyện tự nhiên.

 

Hát ru Thái

 

Hát ru Thái thể một trổ hai câu, một trổ bốn câu, thể ba trổ, phổ biến thể một trổ ba câu, thể một trổ bốn câu. Những bài hát ru Thái khác biệt Mông Tày Nùng, giai điệu tiết tấu chuyển động sôi nổi ít tĩnh lặng: chất hát ru vui tươi.

 

Hát ru và dân ca Thái, âm nhạc vui tươi như những thung lũng ngọt ngào quả chín, hương thơm, ong bay rộn ràng tìm hoa xây mật. Nhiều câu hát ru đứt đoạn mà tha thiết đắm say, tiến hành giai điệu đơn giản trên thang ba âm: là đô sol, bài Pụmbe. Bài hát ru cấu trúc thể một trổ, nhắc lại chủ đề, vế một không nhắc lại chủ đề, giai điệu phát triển mở rộng âm ba. Vế hai không nhắc lại âm hình tiết tấu vế một, kết tiết một nhắc lại tiết hai vế một, kết câu nhắc lại âm ba. Bài hát hầu hết các tiết, kết câu nhắc lại âm ba (âm đô) nguyên xi trong các tiết, câu nhạc. Giai điệu quanh quẩn mấy âm là đô, đến vế bốn mới thêm âm son. Nếu là sáng tác chuyên nghiệp không ai viết ít âm thanh tiết tấu đến thế, nhưng điệu hát ru dân ca lại đem đến cảm xúc mới lạ. Mỗi câu nhạc một nét mới, dù câu nhạc luôn ngừng nghỉ mà giai điệu không đứt đoạn. Mỗi tiết nhạc, một lời ru thân yêu êm ả, đây là nét phát triển giai điệu đặc biệt trong dân ca Thái. Các nhạc sĩ chuyên nghiệp khó có những bài hát cấu trúc giai điệu tiết kiệm chất liệu mà hay đến thế. Nguyên tắc cấu trúc giai điệu, muốn phát triển mới bằng thủ pháp nhắc lại âm tựa chính của thang âm, dựa trên thang âm cơ bản tạo tiết tấu mới, làm giai điệu phong phú diễn tả nội dung. Loại hai trổ cân và không cân. Dân ca Thái nhiều hình thức cấu trúc, một trổ, hai, ba trổ. Loại một trổ ba, bốn câu, loại trổ hai câu, trổ ba câu. Dù cân hay không cân, mỗi trổ cấu trúc giai điệu nhạc diễn tả trọn ý, trọn lời, cân đối theo ý nhạc không theo nhịp hoặc lời ca. Bài Ứ ưi thể hai trổ không cân.

 


Trổ một bốn vế, trổ hai ba vế, cấu trúc mỗi vế ngắn dài khác nhau. Trổ một, vế một, nét nhạc chủ đề nhảy lên quãng ba rơi xuống quãng bốn, lên quãng hai liền bậc, kết quãng ba tiết một. Tiết hai, nhảy xuống quãng bốn, lên quãng năm tiến hành liền bậc quãng hai, xuống quãng hai, kết âm la, vế một trên thang âm: mì son la si. Vế hai, phát triển âm hình tiết tấu mới, không nhắc lại vế một, kết âm mới. Vế một, kết âm bốn, vế hai kết âm ba, âm tựa chính. Vế ba, nhắc lại âm chủ  vế hai nhắc lại tiết tấu, tạo bước phát triển đi xa. Trổ hai, cấu trúc mới , nhưng thường xuyên nhắc lại âm kết âm ba, âm năm. Nguyên tắc phát triển giai điệu bài ứ ưi, phát triển âm hình mới, nhắc lại những âm tựa cơ bản: một ba năm. Bài hát vui tươi, không ngâm nga mà kể chuyện vỗ về, mỗi tiết nhạc mang âm hưởng là những tiếng gọi hát ru con.

 

Hát ru, dân ca Thái, cấu trúc giai điệu nhiều bước nhảy xa, gấp khúc, đứt đoạn tạo nét nhạc vui không ngâm nga, kể chuyện rãi bầy, hoặc ít bài kể lể ngâm ngợi. Hình như đây là nét đặc trưng dân ca Thái, nhiều bài giai điệu vui, ít bài buốn. Những bài dân ca Thái rộn ràng ít ư a, ngân dài, giai điệu luôn đứt đoạn, gấp khúc như bước nhảy chân sáo vui nhộn.

 

Cấu trúc hát ru dân ca Mông Tày Thái, mỗi dân tộc một nét riêng, mang cấu trúc chung các thể một, hai, ba trổ. Mỗi bài một hình thức cấu trúc thang âm riêng, dân ca Mông Thái Tày Nùng mang nét chung những bài hát ru các dạng giai điệu: thể cấu trúc gấp khúc đứt đoạn, hát như tiếng gọi vỗ về, tha thiết. Thể ngâm ngợi, kể chuyện giai điệu êm đềm. Mỗi thể dân ca mang bản sắc từng dân tộc, tiếng hát ru giai điệu vui, êm dịu ngọt ngào tha thiết. Lời đầu mẹ ru con, chị ru em, bà ru cháu nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ trong sáng đẹp tựa thiên nhiên trên các đỉnh núi cao, thung lũng vùng xa phía Bắc tổ quốc.

 

Hát giao duyên.

 

Hát giao duyên trình diễn trong không gian xã hội, môi trường thiên nhiên các dân tộc. Giai điệu hát giao duyên đẹp thanh cao ngâm kể, ví von tha thiết, bàytỏ tình yêu, ngợi ca vẻ đẹp các cô gái Mông Tày Nùng Thái. Ngợi ca tính cách nết na, đạo đức... Những cảm nhận đầu tiên trai gái yêu nhau qua cái đẹp hình thức. Cái đẹp người con trai cảm nhận là dáng vóc cô gái, những cô gái cảm nhận chàng trai, sau những lời ướm hỏi, nói đến tài trí, đức độ.

 

Hát giao duyên, tỏ tình mộc mạc dân ca Mông:

 

 

Giai điệu cấu trúc thể một trổ, bốn vế. Vế một, nét nhạc tâm sự như nói đếm, ngợi ca cô gái Mông đẹp, lời nói hay làm xao xuyến bao chàng trai trẻ. Tiết nhạc mở đầu là nốt đồng âm rề, tiến hành liền bậc quãng hai, đi lên mi, xuống rề, bất ngờ nhảy lên quãng sáu, đi xuống quãng hai, kết về âm năm trên thang âm: rề mì son la si. Vế hai, âm hình mới nhảy quãng liên tiếp như niềm vui khấp khởi gặp được người đẹp xốn xao trong lòng những chàng trai. Từng lời bày tỏ niềm vui sướng, nét giai điệu mang tính khẳng định sau âm hình mới kết về âm chủ. Vế ba, nhắc lại đảo tiết tấu âm hình một, vế hai: mì son mì la, âm hình một, vế ba, tạo cảm giác giai điệu mới và quen thuộc, không đi xa chủ đề nét nhạc đang gợi tả,kết bậc sáu diễn tả điều không thể nói hết. Vế bốn, âm hình mới kết tiết, câu vế bậc năm mang niềm mơ ước còn mãi như vẻ đẹp các cô gái Mông không phai mờ trong lòng người. Nguyên tắc cấu trúc giai điệu giao duyên Mông thể mổ trổ, hai, ba, bốn vế. Nét nhạc nhắc lại âm hình chủ đề hoặc không nhắc lại chủ đề, phát triển theo hình thức liên tiếp chuỗi âm thanh mới cảm xúc dâng trào. Mỗi nét nhạc, vế giai điệu phát triển nhắc lại âm tựa cơ bản âm chủ, âm ba, âm năm, đôi vế kết lửng âm sáu. Những bài giao duyên Mông, giai điệu mang đặc tính miêu tả, tâm sự tỏ tình, đôi chỗ gần với hát nói. Giai điệu giao duyên Mông diễn tả nhiều tâm trạng, cấu trúc không đồng nhất luôn biến đổi âm hình tiết tấu như sự diễn tả thiên nhiên vô tận, mang vẻ đẹp người con gái Mông không phai nhạt. Mỗi lần hát, gặp thêm những cảm xúc mới, càng yêu say đắm con người thiên nhiên vùng núi hoang sơ.

 

Hát giao duyên Mông, giai điệu phong phú nhiều trường đoạn, nhiều trổ hát từ hai vế đến bốn năm vế cấu thành một trổ. Điểm qua một bài đã nói lên phần nào vẻ đẹp âm nhạc Mông.

 

Bài Nhớ em yêu (H’chà mủa mái), thể một trổ, bốn vế.

 

 

Đây là bài dân ca nổi tiếng của đồng bào Mông vào những năm 60 thế kỷ XX, giai điệu như lối ngâm vịnh của người Kinh, nhưng nét nhạc say đắm người nghe. Mỗi lần nghe bài hát này, ai đó sẽ hình dung ra núi rừng, không gian xã hội, tình cảm người Mông. Nét giai điệu tự do mở hết lòng người đứng trước núi cao, vực sâu, dưới những thung lũng nhìn lên đỉnh núi tai mèo lúc hoàng hôn đẹp đến mê hồn. Cấu trúc vế một, tiết nhạc mở đầu, gợi tả cảnh núi cao, vực sâu, giai điệu lên cao vút, thả xuống tột cùng trong bước nhảy quãng tám. Mở đầu tiết nhạc vào âm cao rế, xuống liền bậc đô rế bất ngờ rơi xuống quãng tám rề nhưng lại tạo cảm giác mầu tím như ánh chớp vụt sáng tối. Giai điệu mở bằng âm hình chủ đạo, âm chủ kết tiết xuống âm chủ, cảm giác lạc thú như thiên nhiên tươi đẹp của không gian xã hội người Mông. Vế hai, nhắc lại tiết hai vế một biến hóa, sau lại kết về âm chủ rề trên thang năm âm: Rề pha son la đố. Âm bảy nhắc lại không nghịch. Cấu trúc giai điệu trổ một, nét nhạc phát triển dựa trên hai âm hình: Rề đố rế rề và phà son lá tạo thành giai điệu tha thiết êm dịu. Trổ hai, nét nhạc vế ba, dựa vào âm hình hai đi lên liền bậc, bất ngờ nhảy lên quãng bốn, xuống quãng bẩy, kết tiết nhạc nhắc lại như khẳng định lời kể, tâm sự nỗi nhớ thương. Vế bốn, tiết một nhắc lại âm hình chủ đề hai, kết về rề, nét nhạc luôn nhắc lại như tình cảm không đổi thay. Tiết hai, về kết bài dẫn từ dưới đi lên nét giai điệu gấp khúc nhảy lên âm bẩy đô luyến sang rế. Dù kết về âm chủ nhưng giai điệu nhạc không kết trọn, ngân lên như nỗi nhớ khát khao mong đợi kéo dài. Đây là bài hát tỏ tình dân ca Mông, cấu trúc giai điệu, phát triển chủ đề chặt chẽ, chỗ ngừng nghỉ thường về âm chủ hoặc âm bẩy dẫn về chủ nhưng không cũ. Là sự phát triển đặc biệt độc đáo giai điệu bài hát mang phong cách dân ca Mông, trên thang ngũ cung nhưng không lẫn vào âm ngũ cung Việt hoặc Trung Hoa. Nguyên tắc cơ bản phát triển giai điệu bài Nhớ em yêu: âm ba, âm bảy luôn là âm chính, ngừng nghỉ, kết tiết, kết vế, kết bài nhưng không sáo mòn. Bài hát cấu trúc hai trổ: A – A’. Trổ một A: a – a’. Trổ hai A: a’ – b.

 

Những bài tỏ tình Mông, cấu trúc phong phú:loại một trổ, hai, ba trổ, nhiều hình thức cấu trúc giai điệu : A – A’, hoặc A – B, nhiều câu đoạn mới trong lối phát triển âm dẫn, âm tựa, kết câu… Mỗi hình thức tuân theo niêm luật chung, nhắc lại âm tựa chính, tạo thành bản sắc giai điệu nhạc Mông.

 

Giao duyên Tày Nùng.

 

Giao duyên Tày Nùng, những bài dân ca đậm bản sắc ngôn ngữ âm nhạc bản địa, lời ca giầu hình ảnh văn chương miêu tả ví von, thông minh hóm hỉnh. Một nét văn hóa trí tuệ dân tộc, tinh hoa tâm hồn tuổi trẻ. Vào cái thời chưa có chữ viết, hoặc chữ viết còn quá cao xa thì các nam thanh nữ tú đã hát những lời ca mộc mạc, hồn nhiên, đầy văn hóa thi vị, lãng mạng mộng mơ.

Hát giao duyên Tầy Nùng, một cõi đi về gặp gỡ tình yêu, yêu say đắm hết mình. Những nỗi lòng tuổi trẻ tràn ngập mùa xuân tình yêu. Mỗi bài Si lượn một tâm trạng nam nữ bày tỏ nỗi cô đơn như chim tìm đàn, bày tỏ nỗi nhớ mong, tình yêu thương nồng thắm. Những bài giao duyên, cấu trúc âm nhạc các thể một, hai, ba trổ, mỗi trổ diễn tả âm sắc thầm kín tình cảm con người. Loại một trổ thường cấu trúc giai điệu tâm sự còn bỏ lửng, như lời nhắn gửi tin tưởng yêu thương nhưng chưa nói được bao nhiêu.

 

Bài Lượn cọi - Đầm He – lạng Sơn.

 

 

Cấu trúc giai điệu, vế một, tiết một, tiết hai là âm hình chủ đạo toàn bài nét giai điệu phát triển trên thang bốn âm: Mì son la si. Vế hai, nhắc lại biến hóa âm hình tiết hai vế một, phát triển kéo dài hai tiết, kết bài bậc năm âm si. Giai điệu bài hát luôn nhắc lại âm chính, âm hình chủ đạo, các chỗ ngừng nghỉ dừng âm chủ, âm năm. Phần kết câu, kết bài bậc năm như lời bày tỏ chưa hết, như tình yêu còn mãi đợi chờ. Đặc điểm nổi bật nét giai điệu luôn dừng lại, nhắc lại âm tựa chính, tạo cảm giác man mác buồn. Mở đầu nét nhạc bật lên cao từ âm chủ nhảy âm năm, xuống quãng hai, nhảy tiếp âm năm nét nhạc bừng sáng ngân nga, xuống quãng tám đem lại sự bình lặng, kết tiết một âm chủ. Tiết hai vế một phát triển mới, kết câu âm chủ về một như còn lưu luyến bâng khuâng. Vế hai, âm hình mới, luôn nhắc lại âm tựa mì sí tạo cảm giác giai điệu quen thuộc, kết bậc năm như tình yêu chìm sâu vào con tim rực cháy. Vế ba, nhắc lại âm tựa chính, kết âm chủ nhắc lại một âm hình kết vế một tạo cảm giác như lời hứa tình yêu hẹn thề. Vế bốn, nhắc lại có biến hoá âm hình vế ba, liên tục phát triển mới, kết âm si nhắc lại âm hình kết vế hai trầm lắng như sắc áo chàm chiều xanh mơ miền núi vùng cao. Vế năm, như nhắc lại âm hình mở đầu biến hoá vế kết hậu bài hát dù kết âm chủ hay âm năm, giai điệu nhạc không mang đến sự kết trọn, mỗi âm hình luôn vận động phát triển đem lại cảm giác tình cảm mới. Đặc điểm cấu trúc thể hai trổ bài Lượn cọi:

Trổ một A: a – b, trổ hai B: b – b’ – c.

 

Cấu trúc loại hai trổ phong phú về phát triển giai điệu tự do biến hoá âm hình chủ đề, tự do trình diễn, hát nói. Giai điệu những bài giao duyên Tày Nùng dù có nhịp, hoặc không ghi nhịp điệu, lề lối hát tự do ngẫu hứng đối đáp. Hình thức si lượn, Hà lều, Nàng ới… hát trước mùa xuân, chợ phiên, suốt mùa xuân tự do giao duyên, hồn nhiên ca hát như tình yêu tuổi trẻ nguồn cảm hững dâng trào. Đặc điểm giai điệu giao duyên, không cân phương câu nhạc, câu chữ lời ca, nhiều phụ âm luyến láy trữ tình, lời yêu ngọt ngào đắm say.

 

Bài Sli sinh làng – Nùng cháo

 

 

Cấu trúc giai điệu luôn nhắc lại âm hình chủ đề mở đầu, kéo dài tiết tấu bốn vế hai trổ, sang trổ ba, giữ nguyên tiết tấu, mang âm hình lên quãng bốn vế một, những vế tiếp theo nhắc lại kéo dài tiết tấu âm hình mở đầu vế một trổ hai. Đây là bài hát cấu trúc giai điệu nhiều tính kinh điển, mỗi trổ hai vế, mỗi vế ba – bốn nhịp khá cân. Đặc điểm cấu trúc toàn bài:

Trổ A: a – b .     Trổ B: b – c.      Trổ C: c –d        .           Trổ D: d – d’

Trổ năm, sáu, tái hiện lại trổ mở đầu trên cao độ mới.

 

Trổ một, kết vế thường về âm bốn, hoặc chủ trên thang âm: rề son si. Trổ hai, kết vế dừng ở âm sáu, từ trổ năm sáu: trên thang âm: Đồ mi son. trổ hai ba âm làm nên sự tương phản giai điệu phong phú màu sắc. Những bài giao duyên Tày Nùng thường cấu trúc thể hai, ba trổ, ít gặp thể nhiều trổ. Đặc điểm giai điệu có loại phát triển âm hình, nhịp điệu tự do, ngâm ngợi, hát nói, loại khuôn nhịp cấu trúc cân phương, chặt chẽ. Loại hát nói tự do, câu đoạn không cân, giai điệu tuỳ hứng nhưng luôn nhắc lại âm tựa, âm chính, nhiều bài dài hai ba trổ chỉ trên một thang âm, có loại hai thang âm. Loại cấu trúc câu đoạn khá cân phương, giai điệu chặt chẽ luôn nhắc lại âm hình chủ đề ở các dạng khác nhau, kéo dài, co ngắn tiết tấu thường kết bậc năm, hoặc âm chủ. Loại hai trổ cân phương mang tính kinh điển thường phát triển giai điệu giống nhau giữa các trổ luôn có những tiết nhạc nhắc lại âm hình chủ đạo.

 

Hát giao duyên Tày Nùng, mang truyền thống giàu tính dân gian kinh điển, loại tự do phóng tùng, loại cấu trúc chặt chẽ là nét khác biệt. Giao duyên Tày Nùng mang lại đặc tính dân gian, kinh điển cao, cái dân dã hoang sơ, cái chặt chẽ chuyên nghiệp. Sự phong phú giao duyên Tày Nùng trong cấu trúc giai điệu đẹp như hiện thực xã hội không gian sống động, mỗi bài hát một vẻ đẹp thiên nhiên con người. Chất âm nhạc hoang sơ tươi mới làm sống dậy những phong tục sinh hoạt văn hoá, tình yêu các chàng trai, cô gái Tày Nùng giữa đất trời bao la, bên nương lúa, làng bản, chợ phiên rộn ràng sức sống. Tình yêu tuổi trẻ Tày Nùng, gợi lên vẻ đẹp thiên nhiên qua những bài giao duyên đằm thắm, ngọt ngào đầy ấn tượng hương sắc rừng núi. Giao duyên Tày Nùng Mông vang mãi như tình yêu, tiếng gọi thầm con tim đắm đuối, mỗi độ xuân về, ngan ngát mùa hoa mộc miên, đỏ nắng.. Hát giao duyên mỗi dân tộc một vẻ đẹp, một ấn tượng âm nhạc hồn quê hương lắng đọng thiết tha.

 

Giao duyên Thái (Khắp Tủa)

 

Giao duyên Thái nét giai điệu vui tươi, nhiều hoà sắc thiên nhiên như hoa rừng thơm hương lẩn khuất sau tán lá xanh. Lắng nghe khám phá nhiều vẻ đẹp con người thiên nhiên, họ yêu  nhau không từ cái nhìn bất chợt. Mỗi nét giai điệu như tình yêu sâu thẳm, không bất ngờ sét đánh, họ đã gần nhau, quá hiểu nhau mà yêu nhau. Có lẽ thế, giai điệu những bài giao duyên Thái dù phóng túng hát nói, hay vào khuôn nhịp, lời tỏ tình cứ vui vui như tình yêu đến độ.

 

Mỗi bài hát một vẻ đẹp giai điệu, điểm lại những bài giao duyên Thái bắt gặp cấu trúc âm nhạc giản dị quen thuộc, không phức tạp như giao duyên Tày Nùng. Giao duyên Thái vui tươi mộc mạc quen thuộc dễ nhớ, dễ cảm. Giao duyên Thái Mông Tày Nùng, hay dân ca, thường gặp các thể cấu trúc một hai ba trổ, nhưng giao duyên Thái thường gặp thể một hai trổ, nhiều bài cấu trúc chặt chẽ. Giao duyên Thái có bài nhiều tính học thuật, giai điệu luôn nhắc lại âm hình chủ đạo, phát triển trổ một, trổ hai khá kinh điển. Bài Lăm:

 

 

Mở đầu một trổ, âm hình phát triển hết vế một, kết âm mi, vế hai, tiết một nhắc lại nguyên si âm hình đầu vế một, kết vế hai âm mi. Cấu trúc trổ một A: a – a’. Trổ hai, vế một, tiết một nhăc lại âm hình mở đầu sau phát triển chất liệu mới,kết âm la, bậc bốn trên thang âm: Mi son la si. Câu hai, vế hai, kết âm chủ mi. Cấu trúc toàn bài hai trổ:

Trổ A: a – a’.     Trổ B: a’ – b.

 

Đặc điểm giai điệu ít bước nhảy xa quãng năm, thường tiến hành liền bậc, những chỗ ngừng nghỉ dừng âm chủ, âm ba, hoặc âm bốn. Nhưng âm tựa chính trên giai điệu luôn nhắc lại vào chỗ kết câu, kết đoạn, kết bài. Dù luôn lặp lại âm chủ về kết, nhưng giai điệu biến động mang niềm vui rộn rã, không sáo mòn.

Giao duyên Thái các dạng cấu trúc những thể hát:

A – B; A – A’, A – B – A’; A – B – C.

 

Đặc điểm giai điệu giống như dân ca các dân tộc luôn ngừng nghỉ vào âm tựa chính: âm chủ, âm năm, âm ba, âm bốn. Âm bốn ít xuất hiện, nhưng khi dừng lại tạo nét giai điệu mới. Tiết tấu giao duyên Thái ít bài hát nói, kéo dài ngân nga, thường nhanh ngắn gọn, giai điệu gấp khúc mang niềm vui rộn ràng. Nhịp điệu giao duyên Thái rộn rã mang niềm vui như cảm xúc tình yêu đầu trong mỗi con người, dù lời ca giầu hình ảnh, bóng gió xa xôi, ý nhị thì âm nhạc cứ rộn ràng không ẩn dụ. Khi tiếp xúc với số ít bài giao duyên Thái cảm nhận khác biệt giữa nhạc và lời đôi chút, đây là nét đặc biệt âm nhạc Thái. Những bài giao duyên không e ấp, ướm hỏi ẩn dụ mà hồn nhiên vui tươi rộn rã, còn lời ca cứ ẩn dụ văn chương.

 

Bài Lăm Hoàng Thọ phỏng dịch:

 

Bông hoa tươi

Trăng đẹp sáng soi

Vui câu ca.

 

Trong nhà cọi lúa

Nơi anh ngồi anh đợi

Mắt đắm say

Nhìn tay em quay xa.

 

Lời ca đầy chất thơ mộng, lãng mạn ví von ẩn dụ thi vị xa xôi bóng gió, khi chàng trai mượn trăng hoa để tả người con gái muốn ngỏ lời yêu. Lời ca tư duy phản ánh hiện thực xã hội, con người, cuộc sống lao động thôn dã nhưng lai láng hồn thơ. Giai điệu nhạc mở đầu vui tươi, không ngâm ngợi mà thể hiện niềm vui sướng ngay như đã hái được bông hoa đẹp hay nhìn thấy bông hoa đẹp mà vui sướng quá. Từ đó, ướm hỏi, tỏ tình, tâm sự, thổ lộ nỗi lòng yêu thương, trong sáng hồn nhiên của những chàng trai cô gái Thái, bao đời vui bên bản mường rừng núi. Nét nhạc, lời ca độc đáo này, thể hiện điểm đặc biệt giao duyên Thái khác dân ca các dân tộc, họ thể hiện một tình yêu nồng hậu vui sướng có phần vội vã, mới ngỏ mà như đã chắc thắng được yêu. Chất hot của tuổi trẻ người Thái đậm đặc, sốc nổi hơn hẳn những chàng trai các dân tộc khác.

 

Giao duyên, hoà cùng những điệu dân ca Thái, âm nhạc rộn ràng vui tươi hồn nhiên, lời ca giàu chất thơ thiên nhiên lãng mạn, mộng mơ.

 

5.3.Hát mo then Mông Tày Nùng Thái.

 

Mo then, hình thức nghi lễ văn hoá tâm linh các dân tộc, một tập tục thuộc ý thức hệ từng dân tộc làm chỗ dựa nghị lực, niềm tin con người. Mục đích nghi lễ mo then giống nghi lễ tín ngưỡng các dân tộc toàn nhân loại, sự ngưỡng mộ đức tin hướng thiện, vươn tới những điềm lành, loại trừ cái ác mang lý tưởng sống con người. Nhưng ở đâu trên thế giới chẳng có các thầy thuốc cưu người và lang băm kiếm tiền, giống như tín ngưỡng các dân tộc có đạo sĩ chân chính và những kẻ buôn thần bán thành. Những tà đạo làm mất vẻ đẹp văn hoá tâm linh, biến cái tích cực thành mông muội, con người mất nghị lực niềm tin.

 

Phong tục mo then các dân tộc, một truyền thống văn hoá tín ngưỡng truyền từ đời này qua thế hệ khác, ra đời các loại hình nghệ thuật. Những nghi lễ mo then tạo thành các hình thức diễn xướng dân gian nghệ thuật Folklore, âm nhạc mo then các dân tộc là một thành tố trong vốn nghệ thuật tổng hợp mo then. Âm nhạc mo then có các loại giai điệu ngẫu hứng ngâm, nói hát, vui buồn cảm thán hờn giận. Âm nhạc tín ngưỡng mo then, loại tâm linh biểu cảm đầy đủ sắc thái tình cảm con người. Những  bài hát mo then dù ở thể nào, mang tính kinh điển, chất nhạc buốn khổ nổi bật đặc trưng mo then. Trong hệ thống then Tày Nùng, nhiều bài vui, có bài chất tráng ca, tụng ca, uy nghiêm buồn khổ, nét chủ đạo âm nhạc then. Mo Mông Thái, chất bi hùng mạnh mẽ. Hai dân tộc này nhiều bài  âm vang chất bi ai cổ đại, có lẽ đây là hai dân tộc sâu nặng chất núi rừng hoang sơ, cổ kính, còn giữ lại nhiều chất âm nhạc cổ đại. Những bài mo Thái Mông thêm Mo Mường đầy chất cổ đại, âm hưởng bản mường, núi rừng hoang vu cùng những trường ca, huyền thoại Cây xi, Hát cầu mùa, Ẳm mẹt luông, Phay khắc phạ... Những bài mo Mường Mông, Then Tày Nùng, nhiều nghi lễ ca diễn âm nhạc khép kín, mở đầu kết thúc nghi lễ mo then. Dù nghi lễ mo then nhiều trò diễn xướng dân gian: nhảy múa, diễn ca… nhưng âm nhạc giữ nét chủ đạo. Thường cấu trúc dáng vẻ chung.

 

Mở đầu: Thỉnh cầu, văn tế, mời thánh nhận lễ, gọi hồn, gọi vía, tập hợp quân then…

Nhập lễ: những bài hát đi đường, khao dưỡng binh, than, cầu xin, vượt ải, chống tà thần.

Kết lễ: Cầu thấy, những bài hát chúc tụng cầu an.

 

Âm nhạc mo then giai điệu khác biệt những bài dân gian, nhiều bài nghi  lễ tôn nghiêm tụng ca kinh điển. Bài Mời ma, mo Mông thể một trổ, cấu trúc giai điệu trên thang bốn âm: Rề pha la đô, kết về âm ba, âm bốn. Âm nhạc hát nói như nói đếm mời ma về ăn uống, một nghi thức tế hồn người chết. Nét nhạc mang nỗi buồn âm u dừng ở chuỗi âm thanh liền bậc: rê phá rề đồ đồ, mang lời tiễn biệt người về với đất.

 

Bài Cho Khoăn – Then Tày

 

 

Đặc điểm cấu trúc thể ba trổ, nội dung bài hát Thu vía, then phục hồn tang ma kể chuyện kêu gọi hồn vía. Nét giai điệu tự sự mang tính hát nói. Trổ một bốn vế, âm hình chủ đạo son son sí la sí luôn nhắc lại và phát triển, kết câu, đoạn thường về âm hình la son son trên thang bốn âm: Son la si rế. Trổ một gọi vía kể ra vía đàn ông, đàn bà mau về. Trổ hai chỉ chỗ vía về, khuyên nhủ vía không rời xa thân vì còn nhiều mối liên hệ với nhau. Giai điệu đượm buồn, không có quãng rộng nhảy xa luôn tiến hành liền bậc. Toàn bài có một bước nhảy lên quãng bốn, xuống quãng năm ở trổ hai mang tính đột biến, muốn khẳng định lời gọi vía sẵn lòng chiều theo ý nguyện vía cứ về nhà nhập vào đâu tuỳ thích. Bài Cho Khoăn (Thu vía) loại cấu trúc ba trổ: A – B – C. Mỗi trổ phát triển mới nhưng các vế thường nhắc lại âm tựa chính về kết, hoặc nhắc lại biến hoá trong tiết nhạc. Sự nhắc lại âm tựa, động cơ mô típ chủ đạo các vế nhạc đem lại sự tôn nghiêm đượm buồn âm u, nét giai điệu không tươi mới mang mầu sắc tang ma.

 

Những bài mo then Mông Tày Nùng Thái, cấu trúc chung các thể một, hai ba trổ mang đặc điểm giống nhau.

-          Loại một trổ: A: a - ả - b – b’, hoặc A: a – B – a’ – c

-          Loại hai trổ: A – B, hoặc A – A’

-          Loại ba trổ: A – A’ – B, hoặc A – B - C

 

Cấu trúc chung những bài mo then, luôn kết câu đoạn âm chủ, những nét phát triển giai điệu ít đột biến, thường liền bậc mang tính ngâm kể, khuyên răn, kêu gọi tôn nghiêm. Âm nhạc mo then phát triển chặt chẽ, thường nhắc lại âm hình chủ đạo, âm tựa chính trên giai điệu tạo cảm giác thiêng liêng, nhiều bài mang tính kinh điển, dân gian cổ xưa.

 

Cấu trúc giai điệu các loại dân ca Mông Tày Nùng Thái, hát ru, đồng dao, dao duyên, tiếng hát lao động sản xuất, mo then tâm linh các dân tộc. Mỗi loại thể dân ca một hình thức cấu trúc giai điệu riêng mang nội dung âm nhạc diễn tả, biểu cảm hiện thực. Mỗi loại dân ca đáp ứng  nhu cầu văn hoá tinh thần con người, vì cuộc sống hoặc nhiều đối tượng mục đích sinh tồn.

 

Nhiều bài dân ca ra đời từ thực tiễn hoạt động các dân tộc, phân loại đối tượng công chúng khó xác định loại nào từng đối tượng riêng biệt. Bởi tự thân nghệ thuật ra đời vì một mục đích cuộc sống của một, hoặc nhiều nhóm xã hội. Nghệ thuật ra đời vì mục đích cuộc sống, tự nó lựa chọn nội dung, những bài hát ru phục vụ các em nằm trên nôi, nhưng còn nhóm công chúng cha mẹ, ông bà, anh chị thường ngâm nga diễn kể tâm đắc với chính mình. Những bài hát đồng dao, do trẻ con ngẫu hứng nhưng còn nhiều bài do người lớn hứng tác, các em hát như lời tiên chi về xã hội, nay còn vang lên từ các em nhỏ. Tiếng hát tình yêu đích thực của tuổi trẻ, những bài hát dao duyên lắng đọng tình quê lại yêu thương thiết tha tình người. Tình yêu sức mạnh tuổi trẻ hồn nhiên tươi tắn, chung sống bên nhau hứa hẹn thuỷ chung. Mỗi bài một nét giai điệu kể chuyện xây dựng quê hương, những bài hát lao động các dân tộc khơi dậy quá trình lịch sử phát triển sản xuất, độc canh tự cung cấp. Mỗi loại hát đầy ắp công việc, tình yêu thiên nhiên dân dã, nao nức niềm vui bản mường. Cuộc sống các dân tộc như một bức tranh toàn cảnh phác hoạ qua các thể dân ca từ thủa sơ sinh, đến trưởng thành làm chủ cuộc sống quê hương bản mường. Quá trình lao động sáng tạo dân ca, như ghi lại lịch sử phát triển văn hoá xã hội. Mỗi bài hát ghi lại hành trình sống từng tộc người về thế giới tự nhiên xã hội. Một chu kỳ âm nhạc khép kín vòng đời mỗi con người vô cùng phong phú, lời ca, điệu nhạc đầy bản sắc văn hoá trí tuệ, tình cảm tâm linh lắng hồn thiêng sông núi dân tộc. Nhiều thể loại âm nhạc ra đời, tồn tại, phát triển song song đồng hành cùng quá trình sống các tộc người. Mỗi loại thể âm nhạc, một hình thức giai điệu độc đáo khó tổng kết nổi. Qua nghiên cứu những điệu dân ca Mông Thái Tày Nùng, có thể tìm ra mấy đặc điểm cấu trúc chung:

 

-          Những bài dân ca loại ngẫu hứng không khuôn nhịp mang tính hát nói.

-          Những bài hát quy định nhịp điệu riêng.

-          Những bài hát đi cùng nghệ thuật trình diễn dân gian Folclore.

 

Mỗi đặc điểm âm nhạc nằm trong hệ cấu trúc âm thanh tiết tấu riêng, dù ở thể loại nào, giữa chúng có đặc điểm chung và riêng. Đặc điểm cấu trúc giai điệu chung dân ca các dân tộc có nguyên tắc cấu trúc các dạng:

 

-          Thể một trổ.

-          Thể hai trổ.

-          Thể ba trổ.

-          Thể trường đoạn – anh hùng ca lịch sử.

 

Mỗi thể nằm trong hình thức cấu trúc  câu, đoạn (vế, trổ) cùng nguyên lý phát triển giai điệu, tiết tấu toàn bài. Dù ở thể nào, dân ca các dân tộc cấu trúc giai điệu chung:

 

-          Âm hình mở đầu phát triển nhắc lại, hoặc không nhắc lại.

-          Nhắc lại những âm tựa chính, kết tiết, câu đoạn âm chính, âm chủ.

-          Nhắc lại âm hình, tiết tấu kéo dài, co ngắn, biến hoá, hoặc gần nguyên xi, nguyên xi.

 

Cấu trúc các bài dân ca câu đoạn cân, không cân, mỗi trổ hai ba đến năm vế. Nhiều bài dân ca cấu trúc thể hai ba trổ nhắc lại hoặc không, thường thấy các thể:

A – A’

A – B

A – A’ – B

A – B – C, cá biệt loại cấu trúc: A – B – B’. A B C D – A’…

 

Những đặc điểm chung cấu trúc âm thanh tiết tấu, giai điệu từng thể loại biểu hiện nội dung hình thức âm nhạc xuất hiện trong quá trình sống, sáng tạo các thể loại âm nhạc. Quá trình sống các tộc người mang theo dấu tích âm nhạc, là quá trình tạo dựng văn hoá sinh hoạt tinh thần của đồng bào. Âm nhạc dấu nối: tâm lý bản ngữ - thời gian – không gian – con người – xã hội, tâm thức thời đại. Vì đặc điểm độc đáo ấy, người ta cảm xúc, nhận diện hình tượng giai điệu âm nhạc âm nhạc từng dân tộc. Mỗi làn điệu dân ca, ẩn chứa văn hoá tâm linh, dù ở thể loại nào mang theo những cảm xúc tâm hồn con người thời đại. Vì thế, người ta dễ nhận diện dân ca từng tộc người hiện ra trong quá khứ, nhưng nhận diện theo phương thức nào chỉ các nhà nghiên cứu mới cảm nhận tương đối qua hình thức cấu trúc âm nhạc các dân tộc.

 

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 6442
Ngày đăng: 05.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đặc điểm dân ca Mông Tày Nùng Thái -7 - Tuấn Giang
Đặc điểm dân ca Mông Tày Nùng Thái -6 - Tuấn Giang
Đặc điểm dân ca Mông Tày Nùng Thái -5 - Tuấn Giang
Đặc điểm dân ca Mông Tày Nùng Thái -4 - Tuấn Giang
Đặc điểm dân ca Mông Tày Nùng Thái -3 - Tuấn Giang
Đặc điểm dân ca Mông Tày Nùng Thái -2 - Tuấn Giang
Đặc điểm dân ca Mông Tày Nùng Thái -1 - Tuấn Giang
Quan Hệ Nhạc Và Lời Dân Ca - Tuấn Giang
Quy Luật Phát Triển Giai Điệu Loại Thể Dân Ca Các Dân Tộc. 1 - Tuấn Giang
Quy Luật Phát Triển Giai Điệu Loại Thể Dân Ca Các Dân Tộc. 2 - Tuấn Giang
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)