Anh nói: “Tới giờ phải lên đường, không dùng dằng thêm phút giây nào nữa.” Một tiếng đồng hồ sau, Th. chạy xe xuôi chiều; ngang qua trạm biến điện kế cận hẻm 349, thấy anh lại ngồi uống cà phê ở quán bên kia đường. Anh ưa ngồi quán này, hình như chỉ để nhìn sang hẻm 349. Ngõ hẻm không có gì đặc biệt, một đoạn ngắn kè bên hông trạm biến điện vào phía trong, rồi vội vã ngoặt sang một bên, khuất sau những nhà cửa. Trạm biến điện cũ mốc, ngờ đã bỏ phế, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn thấy người ra vào, một vài chiếc xe gắn máy dựng ngoài sân; cái sân cỏ dại mọc đầy khắp. Phía sau trạm biến điện, hai trụ tháp xây vươn cao vượt hẳn lên phía trên trạm biến điện, vôi vữa tróc lở không biết từ thuở nào; có lẽ trước thưở đó nơi này là thánh thất của đạo Cao Đài.
Có vẻ Th. ưa thích ở bên anh thật lâu, mỗi khi anh tới thị trấn sương mù. Cô nói, từ lúc bắt đầu biết rung động tình yêu, anh là người cô tìm kiếm. Em tiếc tình yêu của em đã dành cho tên đểu giả; em đã yêu lầm hắn; em đã… Anh không muốn nhớ lại chuyện yêu lầm của cô, kèm theo là nhớ lại cái gọi là viết lách văn nghệ của hắn. Cô điện thoại cho anh, nói khoảng mười phút nữa là cùng, sẽ đến chỗ anh đang ngồi uống cà phê.
*
Anh đã xuống tới chân đèo. Th. chúc anh thượng lộ bình an, dĩ nhiên cũng qua cái điện thoại di động. Tới chân đèo B’Lao thân thuộc, bởi anh đã một-nghìn-lẻ-một-lần qua đèo B’Lao, anh dừng xe. Anh lại vào một trong những quán cà phê ở chân đèo. Không phải anh quá ưa ngồi quán, chỉ vì có quá nhiều quán anh không thể không vào. Vào quán. Uống cà phê hay thức uống nào, đối với anh hoàn toàn không quan trọng.
Người khách duy nhất trong quán bước ra khi anh đi vào. Anh ngoái nhìn người này giây lát, thấy rất giống tên-đểu-giả, từ vẻ mặt tới khổ người khá cao. Bộ mặt căng đầy vẻ “orgueil de pénis”, mái tóc thưa thớt được chải chuốt cắt xén rất kỹ, dáng đi bệnh hoạn. Th. gọi hắn là tên-đểu-giả, anh nhận xét đấy là một từ chỉ định chính xác và cô đọng, bao gồm cả hai tính chất của hắn, đểu cáng và giả trá. Trong viết lách vờ vịt phỉnh phờ, văn nghệ trá hình, hắn không giấu được căn cốt một kẻ sống với mục đích tối thượng là phục vụ tối đa cho cái “membre viril”, cái của quý của hắn.
Người khách ra ngoài quán nổ máy xe, thận trọng chạy trên đoạn đường xấu, đất đá mấp mô. Dĩ nhiên ông ta hoàn toàn không phải là tên-đểu-giả, hoàn toàn không phải người mà Th. yêu lầm, thoạt đầu anh ta đã biết như vậy.
Một mình anh trong quán, ngó chai rượu vang đỏ mang nhãn hiệu Excellence ở quầy. Rượu vang Đà Lạt. Cũng được. Dĩ nhiên không ngon bằng bất cứ thứ rượu vang nào của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, anh nghĩ vậy. Anh kêu người chủ quán, lấy chai rượu vang Excellence đó. Uống hết chai này không chắc gì anh say xỉn được, nhất là vào buổi trưa như lúc này. Quán không dăng võng như nhiều quán khác; anh được ngả lưng nghỉ ngơi một chút thì tốt hơn. Anh tự nhủ, thôi cũng được, nếu thấy đã ngà ngà say thì anh sẽ ngưng lại, có ai bắt buộc mình phải uống cho cạn tới đáy chai. Trên đường về Sài Gòn cũng chẳng còn đèo dốc nào đáng ngại phải dè chừng, anh không lo sợ cái xe hai bánh hiệu Spacy lăn bổ nhào xuống vực sâu. Đèo Chuối không có gì nguy hiểm, chỉ là vài ba cây số đường uốn lượn cong vòng đôi chút mà thôi. Cái dốc ở Định Quán xuống La Ngà, chạy cẩn thận, giảm tốc độ bình thường anh vẫn chạy, chẳng thành vấn đề gì nữa.
Anh từng té xe ba lần; cả ba lần đều trên đường phố thẳng băng của Sài Gòn. Cả ba lần té xe đó anh đều say xỉn, sau khi uống cùng bạn, mỗi người một chai rưỡi rượu vang ở quán Bến Cũ. Người bạn họa sĩ anh rất trân trọng yêu quý, anh gọi giỡn là nhà đại họa Nguyễn Trung, nhắc anh sau lần té ngã thứ nhất: “Lần sau tới quán Bến Cũ, ông nhớ cho là đi xe ôm đấy nhé!” Dĩ nhiên anh nghe lời nhắc nhở khuyên bảo chân tình ấy, để tiếp tục té ngã thêm hai lần nữa. Anh nhận thấy hình thù to ngang của xe Spacy là một trợ lực, giúp kẻ say xỉn té không đau; nó đỡ cho thân người nhiều phần đau đớn trầy xước. Có đau chăng nữa cũng vẫn là một trả giá quá rẻ: được uống rượu vang ngon ở quán Bến Cũ; ngắm nhìn cô chủ quán xinh đẹp; cô bị khuyết tật ở chân, phải chống nạng, chính vì thế càng tăng vẻ diễm lệ não nùng khi cô lên tiếng hát mượt mà.
Tên cô chủ quán Bến Cũ hình như cũng bắt đầu bằng mẫu tự Th., anh lại bắt nhớ người thân yêu của anh ở thị trấn sương mù. Anh nhận thấy Th. thấu hiểu nỗi cô tịch hiu hắt của đời anh, “Nói như thơ của một nhà thơ có lần anh đọc cho em nghe, thì những nẻo đường anh đi chính là khuôn mặt dịu dàng nhất của cô đơn… Cô thầm thì trước buổi trưa này những lời ấy, bên ly bia ở quán đồi rừng B’Lao. Những nẻo đường anh đi mà Th. nhắc nhớ, khác gì tình yêu người thi sĩ nói tới. Tình yêu là khuôn mặt dịu dàng nhất của cô đơn. Thơ Tô Thùy Yên.
Dừng lại ở đâu đó, hoặc lâu hay chóng, anh lại lên đường đi tới đâu đó. Trên đường, anh nhận thấy hẳn nhiên đấy là hình ảnh thường trực của anh. Anh nhớ tác phẩm On the road của Jack Kerouac, nhà văn beatnik Hoa Kỳ; ông ấy lang thang dễ sợ, ở một đất nước mênh mông vô cùng tận.
Anh đứng dậy, đi tới chỗ dựng chiếc xe Spacy; người chủ quán trẻ tuổi nhắc anh chưa trả tiền chai rượu vang Excellence Đà Lạt. Anh đã ngà ngà say, tật đãng trí của anh có lẽ vì vậy tăng thêm. Lúc này anh mới biết cái ví trong túi quần đã mất từ lúc nào. “Cho tôi để lại cái đồng hồ này, lát nữa tôi mang tiền tới trả sẽ lấy lại.” Chủ quán không nói gì, lẳng lặng nhận cái đồng hồ. Hẳn nhiên anh ta đã nhận định được, cái đồng hồ đeo tay của anh khá mắc tiền, có thể nhiều gấp mười mấy hai chục lần giá chai rượu vang Excellence Đà Lạt anh vừa uống.
Anh phải trở lại thị trấn sương mù gặp Th., cô sẽ mượn tiền giùm anh để trả chai rượu; và còn đổ xăng cho cái xe nữa chứ; và còn ăn uống dọc đường… Mấy thứ giấy tờ tùy thân cho người và cho xe, dĩ nhiên cũng mất theo cái ví. Anh không ái ngại lắm về mấy thứ đó. Trên đường, cũng như ở bất cứ đâu, rất ít khi anh bị xét hỏi giấy tờ. Chạy xe lên tới giữa đèo B’Lao, điện thoại di động của anh reo vang nhiều hồi. Anh dừng xe, nghĩ Th. gọi anh đây. Hóa ra không phải. Đào Duy Thi gọi.
Đào Duy Thi, người bạn mà anh tìm gặp lâu nay, người cháu dòng đích tôn của Đào Duy Từ, nhà chiến lược-nhà văn học-nhà kịch nghệ ở thế kỷ XVII của đất Việt. Anh mong mỏi gặp người bạn họ Đào, mãi hoài anh chưa gặp được. Lời hứa của Đào Duy Thi về câu chuyện Vịt chạy đồng, với anh là một mối cám dỗ. Đào Duy Thi từng nhiều năm lùa hàng ngàn con vịt băng qua vô số đồng lúa sau mùa gặt, trải từ Quy Nhơn - Bình Định xuôi xuống Đơn Dương - Lâm Đồng. Chúng ăn lúa sót, để Đào Duy Thi trở thành người thường trực cư ngụ và dời chuyển trên những cánh đồng. Bây giờ Đào Duy Thi đã ổn định cuộc sống, cuộc sống sung túc là đằng khác, ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Lên đây ở chơi bao lâu tùy ý, chuyện trò thâu đêm suốt sáng không nề, nói cạn cùng về đàn vịt chạy đồng bát ngát một thời dĩ vãng…, Đào Duy Thi nói hay làm thơ?
Dứt cuộc điện thoại với Đào Duy Thi, anh liền gọi cho Th., nói vắn tắt chuyện anh đang đi ngược lên hướng bắc của B’Lao, hẹn vài bữa sau sẽ trở lại thị trấn sương mù. Cũng may anh đã đổ đầy bình xăng trước khi mất cái ví; hẳn nhiên là dư nhiên liệu cho xe chạy tới thị trấn Liên Nghĩa.
*
Anh nằm rũ liệt, đau đớn toàn thân, trong vườn ngô sát bên quốc lộ Hai Mươi. Sâu trong vườn, cái xe Spacy gục đổ móp méo. Anh nghĩ chàng Holden Caulfield của Jerome David Salinger rất sợ lời chúc thượng-lộ-bình-an là đúng; ấy tuy nhiên hoàn toàn không phải anh thầm trách Th. đã chúc anh như vậy. Rượu vang Excellence Đà Lạt cũng đủ sức chuốc anh say xỉn rồi té xe; không thua rượu vang Chi-lê hay rượu vang Tây-ban-nha, uống với nhà-đại-họa Nguyễn Trung, trong quán Bến Cũ ở Sài Gòn.
“Anh ngồi ngủ như thế này từ lúc nào vậy?” Th. lên tiếng. Cô tới chỗ anh ngồi uống cà phê sau nửa giờ đồng hồ, không phải mười phút như đã điện thoại hẹn. Anh ngó Th. và mỉm cười; ngó cái xe Spacy trìu mến. Cái xe chỉ móp méo hư hỏng trong cơn mơ; anh đã say, đã ngủ mê, sau những ly bia uống với Th. ở quán đồi rừng.
Bên Th., anh uống tiếp ly cà phê đen nóng không đường, hãy còn trên một nửa, nguội ngắt; và lại nhìn sang hẻm 349, ngõ hẻm không có gì đặc biệt./.
Sài Gòn X-2012