ai nhà ngăn cách bởi một dòng sông, cây cầu khỉ chông chênh như một dải lụa mong manh nối liền hai bờ kênh đầy thương nhớ.
Lớn lên, em có vẻ giống chị Hai, tóc thề ngang vai bay bay trong gió chiều đồng nội. Cuối tuần, anh hay đạp chiếc xe cà tàng về quê. Chiếc áo thể dục của trường đại học ướt đẫm mồ hôi của ông giáo tương lai đầy nhiệt huyết. Khói bếp cơm chiều nhà ai bảng lảng bay, mùi gốc rạ nồng nồng, tiếng máy cày máy kéo vang cả cánh đồng, quê ta lại vào vụ gặt. Em ngồi vo gạo ở bến sông, sóng vỗ dập dềnh từng cơn nhỏ, hoa mướp bay lả tả cài vào tóc như một nhành hoa tô điểm.
- Duyên về khi nào thế?
Tiếng ai vui mừng hối hả gọi chị Hai. Em ngơ ngác ngó quanh. Chị Hai về khi nào sao em không hay biết? Bên kia sông anh đang hấp háy đôi kính cận dày của mình rồi chợt thất vọng vì là em chứ không phải chị Hai.
- Anh xin lỗi, anh tưởng là Duyên.
- Chị Hai nói thi xong mới về, anh đừng trông nữa nhé.
Em bê nồi gạo lên nhà, nhành hoa mướp đu đưa như vỗ về em đừng giận dỗi. Em giống chị Hai nhưng cái bóng chị Hai quá lớn đã che mất cả em. Tụi bạn ai cũng ngưỡng mộ em có chị Hai thông minh, xinh đẹp, thầy cô vẫn ân cần hỏi thăm em về chị như một sự quan tâm trìu mến về đứa học trò cưng, đệ tử ruột của mình.
Em vào năm cuối cấp III, đã biết tiếc thương cho tà áo trắng, đã biết đượm buồn vì cánh phượng rơi, đã biết đỏ bừng đôi má khi vô tình bắt gặp ánh mắt của ai kia. Đoàn thực tập về trường, vô tình hay cố ý, anh lại chủ nhiệm lớp em. Trần Phương Thảo em của Trần Phương Duyên, tên dễ gọi thế sao anh cứ hoài gọi em là Tý chuột.
Chị Hai về mang theo hơi nắng của Sài Gòn, cô thôn nữ được đô thị hóa làm em cũng phải thầm ghen. Mái tóc thơm mùi hoa đồng nội chị vẫn cố giữ dù ở xa quê, chiếc cầu khỉ chông chênh là thách thức của bao người, nhưng đối với anh nó như chiếc cầu bêtông vững chãi mỗi khi sang đây với chị Hai.
Không như ngày xưa, chị Hai giờ lạ quá, dù rằng bề ngoài chị vẫn như xưa, vẫn bốn con mắt trên gương mặt xương xương, vẫn nụ cười tỏa nắng thơm mùi nếp mới, vẫn bờ vai thon thả lưng ong của thiếu nữ đang độ xuân thì. Anh chị ngồi ở hàng hiên không nói chuyện rôm rả như xưa mà chỉ lẳng lặng vài lời. Anh ngó bâng quơ sang giàn mướp dưới bờ kênh nơi chị Hai hay gội đầu mỗi buổi trưa oi ả, đàn bướm rập rờn vây quanh không biết vì màu vàng dịu dàng bình dị của hoa mướp hay vì mùi hương tóc chị. Anh về sớm hơn mọi khi, ánh mắt chị Hai thản nhiên ráo hoảnh. Hôm sau, bài giảng của anh thoáng chút đượm buồn. Anh đã gọi em là Trần Phương Thảo.
Anh về dạy học nơi đây khi em nối gót anh vào trường sư phạm, kẻ đến người đi như hai đường thẳng cùng phương khác hướng. Đám cưới chị Hai, giàn mướp không một cánh bướm vãng lai, chỉ có con bướm chúa sặc sỡ sắc màu hiên ngang bay lượn. Bên này sông, nhà em đông đúc khách mời vui như ngày hội. Đến giờ tan trường, bên kia sông, chiếc cà tàng dựng bơ vơ nơi đầu ngõ, đâu đó có tiếng ca buồn “Chiều nay, chiều nay, bên kia sông có người lấy chồng, có người lấy chồng vui cả bến sông…”(1).
Em có thói quen mỗi cuối tuần lại đạp xe về quê, nếu chạy ngang trường cấp III đường sẽ xa lắm nhưng hình như em chạy lộn đường. Anh tan trường, bụi phấn vương đầy trên tóc, học trò xúm xít vây quanh, trông anh cứ như ông thầy đồ trong chuyện xưa tích cũ.
- Tý chuột, à quên Thảo, sao em không về đường tắt mà về đường này cho xa? - Tiếng anh từ sau lưng gọi với theo.
- Em về chung với bạn cho vui!
Cũng lạ, em có nhỏ bạn nào chung đường mà vui với buồn cơ chứ. Anh không nói gì chỉ tiến lên đạp xe song song với em. Nắng chiều loang lổ, khói bếp cơm chiều nhà ai bảng lảng đu đưa, con đường đầy bóng học trò, tiếng cười giỡn nô đùa cứ như một bản đồng giao thiên thu bất tận. Ngày xưa, về chung đường với chị anh thế nào, mà sao về chung với em anh im lìm như củ khoai lang vùi sâu trong lòng đất? Anh nhìn em rồi như ngỡ ngàng, em giống chị Hai lắm phải không? Từ nụ cười đến chiếc răng duyên, chỉ có đôi mắt là khác, mắt chị Hai to tròn đầy trực tính, mắt em xa xăm về một nơi bất tận, hư vô. Giàn hoa mướp đong đưa như đón chào em trong buổi chiều khói đốt đồng chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới.
Chị Hai sinh em bé đúng vào dịp em về quê thực tập. Con bé thừa hưởng nét đẹp dịu dàng của mẹ, nét hiện đại của cha, mùa gió đồng quê ngoại và nắng Sài Gòn quê nội. Chiều chiều, anh Hai bồng em bé ra sân hóng gió, tiếng cha con tíu tít giỡn đùa, anh Hai nói đủ thứ chuyện, còn con bé chỉ a… a… Anh gánh nước tưới mấy liếp rau ở bờ sông bên kia nhìn qua, hình như anh cũng đang mơ về một gia đình ấm cúng.
Em huyên thuyên bài giảng của mình, còn anh thì chậm rãi đứng lên:
- Too fast, reduce your speed, please!(2)
Thầy cô và các bạn dự giờ ai cũng tủm tỉm cười, lũ học trò thì vô tư:
- Cô ơi! Cô nói sao mà nhanh quá!
Đoàn khách du lịch bạn làm ăn của anh Hai về thăm di tích lịch sử chùa Bà Lê và nữ anh hùng Huỳnh Thị Hưởng. Đội ngũ giáo viên ngoại ngữ của trường kiêm luôn phần hướng dẫn viên du lịch. Lúc thăm nhà liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng, chắc tại em và anh biết quá nhiều về cô Sáu Hồng nên thay phiên nhau huyên thuyên với khách.
Một quý bà người Âu nhìn anh cười rạng rỡ:
- Is he your girlfriend? Both of you are well-machted.(3)
Anh giật mình thảng thốt nhìn em. Bốn mắt nhìn nhau mà em đỏ bừng màu mận chín.
Tuấn đứng kế bên vội chen vào khi anh chưa kịp định thần để trả lời câu hỏi mà cả em và anh đều không ngờ trước.
- Oh no, Miss. You misunderstood. They are sibling and he is our teacher.(4)
Quý bà chỉ hơi ngạc nhiên rồi xuýt xoa xin lỗi:
- Oh, very sorry.(5)
Anh cười xòa, em lúng túng cười theo.
- You are welcome!(6) - Cả hai đồng thanh trả lời một lần nữa, hình như anh hơi đỏ mặt.
Trong buổi cơm chiều, anh Hai nhắc lại chuyện ban trưa.
- Dì Út với anh Thành đỏ mặt, mà có sao đâu, hai nhà cách một dòng sông, đưa dâu qua cầu là tới.
Dù biết rằng anh Hai chỉ nói đùa, nhưng sao cả em và chị đều như mắc nghẹn cơm không sao nuốt nổi. Xưa nay chỉ có chị là hiểu em, em nghĩ gì, thích gì chẳng lẽ chị chẳng biết hay sao. Dẫu rằng anh và chị đã là quá khứ, dẫu rằng em và anh cũng chẳng có gì, nhưng sao em thấy mình như kẻ tội đồ, em như kẻ thứ ba chen vào phá đám kỷ niệm ngày xưa của chị.
Chị Hai về Sài Gòn sớm hơn dự định, chị sợ ông bà nội bé Bi nhớ bé nên về sớm ấy mà.
Ba, mẹ xuýt xoa bé Bi:
- Về cho ngoại hỏi thăm ông bà nội nghe con!
- Cha mầy, mầy đi rồi ai khóc ru ông ngoại ngủ đây?
Chị vuốt tóc em biểu hiện sự thấu hiểu yêu thương mà ngày xưa chị thường dỗ dành em vậy.
- Ở nhà ráng học, chăm sóc ba mẹ nghe cưng.
Chị bâng quơ nhìn giàn mướp dưới sông, ong bướm đang dập dìu vì một lứa hoa mơn mởn. Những cánh hoa tàn dập dờ trên dòng nước không biết sẽ về tận chốn nào. Anh đứng bên kia sông nhìn qua. Đã lâu lắm rồi mà ánh mắt anh dành cho chị vẫn như xưa, không hề thay đổi, vẫn dịu dàng, đầm ấm, thiết tha.
Anh Hai cười đùa với bé Bi.
- Bi ơi, dì Út có người tìm kìa, bên kia sông đó con!
Em đỏ mặt bỏ vào nhà, chỉ có chị là hiểu ánh mắt kia thuộc quyền sở hữu của chị chứ không phải của em.
Chỉ còn ngày mai em sẽ xong đợt thực tập sư phạm, quay về trường chuẩn bị thi học kỳ rồi thi tốt nghiệp. Lũ học trò xúm xít chụp hình kỷ niệm với thầy cô, các bạn cùng đoàn với em chụp hình với giáo viên hướng dẫn. Em không biết chụp hình với anh để làm gì, trong khi nhắm mắt lại em có thể miêu tả anh không sai một chi tiết nào dù là nhỏ nhất.
Em gặp anh ở quầy hàng văn phòng phẩm của trường, phía dưới có hàng hoa quỳnh hậu già nua và chiếc băng đá cũ kỹ đã chứng kiến biết bao thế hệ học trò nối tiếp. Sao anh không nói gì chỉ nhìn lặng lẽ xa xăm, hoa quỳnh hậu rơi trên tóc em những bông vàng rực rỡ. Sao lại là Tuấn nhặt những cánh hoa trên tóc em xuống chứ không phải là anh? Sao lại là Tuấn cài hoa lên áo em ngày 8-3 chứ không phải là anh cơ chứ? Hai người lại hai hướng, Tuấn kéo tay em về phía học trò đang đợi chụp hình, anh đi về phía thư viện trường nơi ấy còn nhiều lắm bóng hình của chị…./.
(1) Lời trong bài hát “Lỡ hẹn” của nhạc sĩ Hồng Xương Long.
(2) Nói chậm lại, em nói nhanh quá đó!
(3) Bạn gái của anh à? Hai người xứng đôi vừa lứa lắm đó.
(4) Ồ không, thưa quý cô. Cô lầm rồi. Họ là anh em và anh ấy là thầy của chúng tôi.
(5) Ồ, thành thật xin lỗi.
(6) Không có gì!