Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
755
123.366.359
 
Cổ Tích Về Một Gia Đình “Đầu Bếp”
Trần Trung Sáng

 

Hồi những năm đầu thập niên 80, mỗi buổi chiều, nhóm thân hữu chúng tôi thường hẹn hò nhau tụ tập đến  một quán rượu nằm đối diện cổng sau Trung tâm văn hoá Triển lãm Đà Nẵng (đường Nguyễn Chí Thanh) có tên gọi nôm na: quán bà Vệ. Có thể nói, đó là một điểm hẹn lý thú để lại nơi tôi nhiều kỷ niệm về đời sống văn nghệ và kể cả ít nhiều sự góp mặt, hình thành phát triển xã hội kinh tế của thành phố Đà Nẵng quê hương.

 

 

Chị Đỗ thị Ngọc (thứ nhất, từ trái sang) tại một buổi công tác từ thiện


 

Một trong những ấn tượng đáng nhớ nhất, đó là hình ảnh cô độc của nhà văn Phan Tứ mỗi khi xuất hiện tại quán rượu này. Ông luôn đi một mình. Ngồi một mình. Dù thỉnh thoảng vẫn có vài đồng nghiệp hoặc bạn đọc chào mời, hỏi han ông. Sau thời gian dài như vậy, có lần, một gã trong nhóm bạn chúng tôi, nổi máu bốc đồng xông vào bàn ông quấy nhiễu.

 

Thưa ông Phạn Tứ, tại sao bao giờ vào quán rượu ông cũng luôn ngồi một mình?

 

Nhà văn Phan Tứ nói:

 

Sau mỗi ngày làm việc mình vẫn thích ngồi một tí rồi về. Mình không ngồi lâu...

 

Không, Ông nói không thật. Ông ngồi một mình như vậy chỉ có hai lý do...

 

Nhà văn Phan Tứ sửa lại cắp kính, nhạc nhiên lắng nghe.

 

Một là ông quá kiết, không bao giờ dám bỏ tiền ra mời ai ly rượu.

(...)

Hai là ông quá tồi, chẳng ai thèm chơi với ông, chẳng ai muốn mời ông ly rượu, nên ông cứ phải ngồi ở quán rượu một mình.

 

Phan Tứ không  trả lời. Ông vẫn đến quán rượu một mình. Nghe đâu có thêm nhiều lần, gã bạn bốc đồng của chúng tôi xông vào tận nhà ông (không xa lắm quán rượu) để chất vấn chuyện “vì sao nhà văn Phan Tứ đi uống rượu một mình?”, nhưng Phan Tứ vẫn cứ xuất hiện đều đặn một mình ớ quán bà Vệ. Trên bàn 1 xị rượu, 1 ly nhỏ, 1 dĩa phá lấu. Mắt ông nhìn đăm chiêu sang bên kia đường...

 

Một ấn tượng khác, đó là khi chúng tôi đang ngồi nhấm nháp tán chuyện tào lao, thì đột nhiên nhạc sĩ Minh Đức, tác giả của bài hát “Thương em chín đợi mười chờ” đang được nhiều người khá yêu chuộng lúc này, bước vào nhập cuộc. Anh ta gọi thêm 1 xị rượu mới. Câu chuyện từ văn học chuyển sang âm nhạc, bóng đá, ái tình...rồi lại trở về văn học. Minh Đức nói:

 

Chu choa, cái quyển sách “ Học phí trả bằng máu” của Nguyễn Khắc Phục thiệt là...

 

Câu nói của Minh Đức chưa dứt thì bất ngờ, một nhà văn gốc Huế, đang ngồi trong nhóm cầm chai rượu mới vừa gọi dập mạnh xuống mặt bàn gỗ. Gần như toàn bộ rượu trong chai bắn vọt lên trần nhà. Minh Đức mặt mày xám xịt. Mọi người ngồi trong quán rượu cũng đều ngơ ngác nhìn nhau, chẳng hiểu việc gì xảy ra, dù nhà văn này này đang chậm  rãi nói:

 

- “Học phí trả bằng máu” không có ở đây! Chúng tau chỉ thích chuyện cổ tích. Mày đừng nhắc đến văn chương Nguyễn Khắc Phục....

 

Trong thoáng giây lặng lẽ, cả bàn chúng tôi hướng mắt nhìn sang bên kia đường, nơi một gã đàn ông béo tròn, cởi trần trùng trục đang chăm chỉ đứng bên chiếc tủ bếp luôn hừng hực lửa để xào trộn thức ăn. Rồi một người nào đó lên tiếng:

 

- Bà Vệ ơi, gọi giùm thằng cha Phì Lũ sang đây, đổi mồi khác. Dọn lại bàn sạch sẽ. Coi như tụi tui uống lại từ đầu...Hãy nhớ, bàn nhậu này chỉ nói chuyện cổ tích!

 

Thế là mọi người lại cụng ly, cười đùa, và uống...như không hề có việc gì xảy ra.

 

***

 

Chị Ngọc (thứ hai, từ phải sang) cùng các DNN Đfa Nẵng
 

Quán hàng phía bên kia đường thường được chúng tôi, cũng như nhiều người biết đến với cái tên Phì Lũ. Nhưng vẫn không ai hiểu rõ hai từ đó nhằm ám chỉ một món ăn, hay tên riêng của người đàn ông chủ quán. Bởi vì, quán hàng này không có tên. Thực ra, nó chỉ là một kệ tủ dựng ở lề đường, nối liền với một số bàn ghế  đơn giản bầy biện bên trong. Tuy nhiên, điều người ta biết rõ hơn cả: Phì Lũ là một anh chàng gốc Hoa, giọng nói còn rất lấp vấp, có tên Trần Bình Hán, làm ăn rất cần cù, chịu khó. Ngay từ những ngày đầu giải phóng, người ta đã thấy hai vợ chồng Phì Lũ buôn bán lặt vặt quanh quẩn ở khúc đường Nguyễn Chí Thanh này.

 

Ngoài những lúc nhìn thấy thấp thoáng  hoạt động của hàng quán Phì Lũ từ phía quán rượu bà Vệ nhìn sang, sau này tôi còn có dịp tiếp cận nhiều hơn với gia đình này, kể từ khi cô bé Thuý Quyên- con gái của họ tham gia lớp học năng khiếu múa Nhà thiếu nhi Đà Nẵng.

 

Chị Đỗ thị Ngọc, bà chủ quán Phì Lũ, rất đúng mực là một người mẹ Quảng Nam hết lòng vì con cái. Chị rất hy vọng, một ngày nào đó, Thúy Quyên sẽ trở thành một diễn viên múa thực thụ. Bởi vậy, thỉnh thoảng chị vẫn thường mời mọc ân cần với vài anh em phụ trách năng khiếu tại Nhà thiếu nhi như Trương Xuân Mẫn (nhạc sĩ), Vũ Mạnh (dạy múa) và tôi ( phụ trách báo thiếu nhi Vàng Anh). Có lần , trò chuyện với chúng tôi, chị Ngọc kể:

 

“  Quê chính tôi ở Điện Phương, nằm bên cạnh dòng sông Thu Bồn rất thơ mộng. Hồi nhỏ, do mồ côi mẹ rất sớm, phải sống với cha, nên từ năm 10 tuổi, đã phải xa quê, ra Đà Nẵng sống với người họ hàng. Đến năm tôi 20 tuổi, thì duyên số đưa đẩy gặp gỡ và kết hôn cùng anh Trần Bình Hán, làm nghề đầu bếp, mà xưa nay người ta vẫn quen gọi là ông Phì Lũ. Mấy năm đầu sau giải phóng, do chính sách thuế má khó khăn, ông xã tôi phải thất nghiệp một thời gian dài, có lúc tôi phải ngồi ở vỉa hè bán trái  cây, trà đá... Đến nay, thiệt tình cũng nhờ ông xã hiền lành, hết mực thương yêu vợ con và chịu khó, nên dần dần gia đình chúng tôi cũng vượt qua, thuê được nơi đây gầy dựng việc làm ăn...”

 

Thế nhưng đến thời điểm ấy, vào năm 1986, khi công việc làm ăn của gia đình Phì Lũ đến hồi tương đối thịnh đạt, thì chủ cho thuê nhà đòi lại mặt bằng. Gom góp được ít vốn trong suốt quá trình làm. cùng sự hỗ trợ bà con họ hàng cho vay mượn, vợ chồng Phì Lũ mua được một ngôi nhà ở số 125 Nguyễn Chí Thanh toan tính cơ nghiệp mới.

 

Điều khó ai ngờ được từ đây, cũng là nơi bắt đầu hình thành của chuỗi nhà hàng Phì Lũ tại Đà Nẵng sau này. Cụ thể hơn cả, vào năm 1996, Doanh nghiệp tư nhân Trần Gia và thương hiệu Phì Lũ chính thức được đăng ký. Đến năm 1998-1999, khi đường Nguyễn văn Linh đang được quy hoạch, nắm bắt đúng chủ trương phát triển doanh nghiệp của thành phố, chị Ngọc nhanh chóng xin mua được một lô đất khá rộng để xây dựng Phì Lũ 2 (178 Nguyễn Văn Linh). Năm 2002-2003, gia đình chị lại tiếp tục có thêm Phì Lũ 3 (lô 1, 2, 3 Khu Bắc Tượng đài).

 

Trong những năm vừa qua, Phì Lũ là chuỗi nhà hàng tiên phong, với diện tích mặt tiền rộng, thiết kế hiện đại ngay giữa trung tâm thành phố, tạo ấn tượng tốt với tất cả du khách đặt chân đến Đà Nẵng. Điểm chung của các Nhà hàng Phì Lũ là cách thiết mang nét cổ kính văn hoá Trung Hoa, song vẫn thấp thoáng bóng dáng của làng quê Việt thân thuộc. Bên cạnh đó, Nhà hàng Phì Lũ còn nổi tiếng bởi tác phong phục vụ chuyên nghiệp và hương vị độc đáo của những món ăn Âu – Á, kể cả các món ăn đặc trưng của xứ Quảng.

 
Hồi giữa năm 2009, Phì Lũ lại vừa cho ra mắt Trung tâm Hội nghị & Tiệc cưới Golden Phoenix, với diện tích gần 6000 m2 xây dựng, tọa lạc trong Khu Công Viên Bắc Tượng Đài đường 2/9, cung cấp những sảnh tiệc với những không gian lớn nhất và sang trọng nhất, hệ thống âm thanh, ánh sáng, trang thiết bị hiện đại, với 4 sảnh có sức chứa trên 4.000 thực khách, tổng vốn đầu tư xây dựng gần 80 tỷ đồng.

 

***

 

Trong tiệc buổi khai trương Golden Phoenix, tình cờ ngồi cạnh tôi là một người bạn cũ nay đang làm Giám đốc một Ngân hàng thương mại. Tôi hỏi:

Anh có quen với gia đình Phì Lũ sao?

 

Trước là quen. Sau là có quan hệ đối tác công việc..

 

Lúc đó, tôi mới chợt nhớ ra lĩnh vực hoạt động chuyên môn của người bạn. Tôi tò mò hỏi thêm:

 

Vậy là công trình Golden Phoenix này có quan hệ nguồn vốn từ Ngân hàng của anh?

 

Có thể nói là ngay từ đầu, trước khi dự án này hình thành, tụi tôi đã được tham gia bàn bạc, xem xét, và nhanh chóng thống nhất việc cho vay vốn.

 

Vậy hôm nào tôi cũng làm một dự án, chạy đến anh giúp cho tôi vay vốn được không?

 

Anh bạn tôi cười vui, nửa đùa, nửa thật:

 

Anh em bạn bè thì sẵn sàng ủng hộ anh ngay. Nhưng anh phải bảo đảm cho tôi xem một dự án làm ăn đủ sức thuyết phục, ít nhất như nhà Phì Lũ ...

 

Tôi nói :

 

- Anh nghĩ tôi thua Phì Lũ sao?

 

- Anh viết văn, viết  báo thì là chuyện khác. Còn ở đây..., không tin thì hỏi chị Ngọc biết liền...

 

Vừa lúc chị Ngọc có mặt, ghé vào cùng bàn chúng tôi. Chị nói thêm:

 

Gia đình chúng tôi có đi lên được là nhờ sự giúp đỡ từ nhiều nguồn: người thân, bạn bè, ngân hàng..., nhưng cái quan trọng hơn cả, phải là sự nổ lực của chính mình. Tôi nghĩ mình rất may mắn và rất hạnh phúc khi bên cạnh luôn có một ông xã biết tôn trọng, rất mực yêu thương và chia sẻ với vợ - là linh hồn của những món ăn trong thực đơn nhà hàng Phì Lũ.. Bên cạnh đó,  4 đứa con nay đã được đào tạo chuyên ngành, ngay khi tốt nghiệp Đại học môi trường thực hành chính là nhà hàng Phì Lũ. Cô lớn là “Mama tổng quản” về tài chính. Vợ chồng cậu Hải phụ trách kỹ thuật, âm thanh ánh sáng, thiết kế mỹ thuật. Vợ chồng cô Quyên quản lý nhân sự. Cậu Út vừa ra trường, đang thực tập và là trợ lý đắc lực của chị. Giờ nhìn cả 4 con đã trưởng thành, chững chạc trong quản lý, điều hành các nhà hàng đang ngày càng phát triển tôi rất vui. Nếu không có các con, thì chắc dự án này không hình thành nổi Trong khi , nhà hàng cần phải được quản lý bởi các bộ phận: kế hoạch, kinh doanh, bếp, bàn và đội ngũ hơn 400 nhân viên.

 

***

 

 

Trung tâm Hội nghị & Tiệc cưới Golden Phoenix (thuộc chuỗi nhà hàng Phì Lũ)

 

Hiện nay, gia đình Phì Lũ được đánh giá là một tập đoàn kinh doanh công nghệ nhà hàng, hội nghị, cưới hỏi hàng đầu Đà Nẵng với hệ thống khép kín, bao gồm : đội xe ô tô; đội ngũ lễ tân, văn nghệ phục vụ tiệc tùng; bộ phận trang điểm cô dâu...Ngoài công việc làm ăn, chị Đỗ thị Ngọc- chủ nhân Phì Lũ còn tham gia Câu lạc bộ Nữ Doanh nhân Đà Nẵng với chức danh Chủ nhiệm. Rất dễ gặp chị trong các hoạt động xã hội như trao học bổng, tặng quà cho học sinh nghèo, người nghèo, người khuyết tật; đóng góp xây dựng Bệnh viện ung thư, Bệnh viện Phụ nữ...

 

Chính vì vậy, một lần, gặp chị Ngọc tham gia trong buổi giúp đỡ phụ nữ nghèo phường Hải Châu 1,  tại khu phố cũ - nơi gia đình Phì Lù khởi đầu sự nghiệp đầu bếp ở một quầy nhỏ ven đường.. Cùng chị hỏi thăm, ôn lại kỷ niệm xưa, tôi mới hay ra, quán rượu cũ chúng tôi thường ngồi thời trai trẻ đã không còn. Người chủ quán đã qua đời, khoảng đâu cùng thời điểm khi nhà văn Phan Tứ - người tửu khách tri âm rời cõi tạm. Những bạn hữu của chúng tôi, mỗi người một nơi bôn ba cùng đời sống. Không hẳn ai cũng đeo đuổi cái nghề văn nghệ, văn gừng, bỏ cả đời đi tìm cái không có.... Và cũng không mấy  ai ngờ được gia đình người đầu bếp lam lũ, bên kia quán rượu đã viết nên những trang cổ tích diệu kỳ..../.

 

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 4403
Ngày đăng: 13.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Chim Chèo Bẻo” Nơi Thượng Nguồn Sông Mã - Nguyễn Anh Tuấn
“Bài Hành Phương Nam” Của Dân Nhập Cư - Phạm Nga
Một Buổi Chiều Giữa Mùa Thu Thân Tình & Ấm Áp - Mang Viên Long
Thằng Tý Sún - Hồ Thị Mộng Loan
Ngày cuối cùng của cha tôi trên cõi dương ! - Lâm Bích Thủy
Bóng Nón Xanh Xao - Nguyễn Hàng Tình
Chuyện nhỏ thôi, Vietnam Blues. - Phan Bá Thụy Dương
Tác giả Huỳnh văn Lang và "Việt Sử Khai Tâm" - Lê Đình Cai
Keywest-Ốc Đảo Thơ Mộng - Mây Ngàn Phương
Cuốn Tiểu Tự Điển Larousse Của Ông Nguyễn Hữu Đang - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)