Tây Nguyên mênh mông với những núi đồi cà phê chập chùng tưởng chừng đến bất tận trong cái dáng vẻ trai tráng xanh thẫm vắt qua những sông suối, làng bon. Giữa trời đất bao la đó, hàng năm, kể từ tháng 10 đổ đi, trong bạt ngàn rẫy nương cà phê kia, có một cuộc dịch chuyển con người khổng lồ và kỳ lạ…
Quốc lộ 14 là con đường duy nhất đâm xuyên lãnh thổ cao nguyên Trung phần, vắt từ đỉnh bắc xuống điểm cực nam Tây Nguyên. Người dân nằm dọc đường 14 này, nơi các ngã ba, ngã tư, lối rẽ vào các huyện, xã suốt dọc dài mấy trăm cây số... bảo tôi cứ thấy ai đi ngơ ngơ, lững thững, lếch thếch với chiếc balô trên vai thì đấy đích thị là những "con chim lưu lạc" vừa từ Bắc Việt vào, hoặc đồng bằng duyên hải lên. Những con người xa lạ kia đi bán sức đấy, tìm rẫy cần người hái cà phê thuê. Chẳng phải chốn thị thành, hay khu chế xuất, khu công nghiệp, cứ đến mùa cà phê chín, họ, những người đi mưa sinh bằng việc hái cà phê thuê, tự tính ngày tháng để biết, rồi âm thầm "bay" lên cao nguyên, tụ về, như một qui luật thiên di xưa nay trên vùng đất này. Mọi thứ cứ tự nhiên, thuận theo trời đất.
Cảnh những người thiên di từ miền Bắc vừa đổ bộ xuống và chờ những chủ rẫy đến "ăn" ở vùng cà phê Đức Mạnh(Dak Mil).
500.000ha cà phê giăng phủ khắp Tây Nguyên, đến mùa thu hoạch rõ cần một lượng người khổng lồ để thu hái mà đố ai có thể thống kê nổi số lượng hay kiểu cách phân bố lao động. Chính quyền trung ương chưa từng, và cũng chẳng thể, can thiệp vào việc điều phối nhân lực cho mùa cà phê, dù cây trồng này là cây xuất khẩu hàng đầu của nền canh nông và Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
“BAY” ĐẾN TÂY NGUYÊN
Đêm đã ngã sang ngày khác của một ngày đầu Mùa người thiên di ở cao nguyên. Lúc này, hai vợ chồng nông dân Tô Văn Quýt và Lê Thị Bích Phượng gõ cửa một quán cà phê cóc xa lạ ở ngã ba Gia Nghĩa, Dak Nông, để ngủ ngờ, mà không thể gõ cửa khách sạn hay nhà nghỉ, bởi tiền túi chỉ đủ để trả cho chuyến xe đò từ chợ Gạo, Tiền Giang lên đây. Lúc lên xe, đôi vợ chồng 42 tuổi này nói với nhà xe là với số tiền 250.000 họ đưa, cứ tính được độ dài chừng nào hay chừng ấy, tức là có thể thả họ xuống bất kỳ đâu trên đường 14, khi thấy đã dài đủ "hết tiền". Sáng ra, 7g15 phút, một chủ rẫy ngang qua quán cà phê, được chủ quán quắt tay lại và chỉ vào anh Quýt chị Phượng. Thế là đôi vợ chồng này được chấp nhận cho làm thuê và chở vào thả trong một rẫy đồi cà phê trong xa tít, bố trí ở trong một căn nhà gỗ làm kho của rẫy. Chủ rẫy ngay đấy cho họ ứng tiền để lo sắm gạo mắm, xoong nồi, chăn màn, kem đánh răng... Nhiều ngày sau hai vợ chồng kia mới biết đây thuộc địa phận hành chính xã Nghĩa Tân, Gia Nghĩa, Dak Nông.
*
Hai vợ chồng nông dân nghèo yếu từ miền Tây lên Tây Nguyên tìm người thuê mình bán sức_hình ảnh ở huyện Dak R'Lấp, Dak Nông.
Cùng thời khắc như hai nông dân đến từ miền sông nước Cửu Long, cách đấy 59 km, ở ngã ba Bình Thuận, xã Đức Mạnh, huyện Dak Mil, chuyến xe chở 56 nông dân từ vùng Quỳnh Lộc, Quỳnh Lưu, Nghệ An vào đổ người làm thuê xuống. Rất tự nhiên, ngay đó những nông dân phương xa này nằm, ngồi ngổn ngang, tựa vào nhau bên lề đường quê xứ núi hay mái hè của dãy cửa hiệu hiếm hoi để chờ trời sáng. Một số người trong số này đã đến gõ cửa những nhà chủ rẫy các mùa trước họ được cho hái cà phê thuê để ngủ nhờ qua đêm. Nhưng không phải ai từng làm thuê mùa trước là dễ dàng được quay trở lại mùa sau để ung dung bước vào nhà chủ rẫy. Họ phải biết phận của mình là kẻ rơi xuống, được thả xuống các rẫy. Những người có thâm niên thiên di bảo tôi nếu gặp chủ quen mặt lắm, thật tốt mới mở cửa lúc nửa đêm cho dân nhảy dù bán sức này ngủ nhờ. Nhưng ngàn đời nay nó thế, bao giờ chả có sự phân biệt giữa chủ và tớ, kẻ nô bộc và kẻ ban phát áo cơm, cho dù ở thượng tầng kiến trúc xã hội các chính trị gia có gọi tên cho xã hội đấy là gì. Và người làm thuê mùa trước cũng chưa chắc được trở lại làm thuê ở chủ rẫy nọ ở mùa sau, vì mỗi mùa nhu cầu cần lao động ở rẫy ấy có thể đã khác. Ai đã "phốt" ở rẫy nào đó vào mùa trước, ví như làm việc không chăm chỉ, hay có dấu hiệu trộm cà phê..., hẳn mùa sau nếu có thiên di vào đúng vùng cà phê ấy, cũng tự né lánh chủ trước. Thường ai đã từng có tiền án “trộm” cà phê, thì mùa sau tìm sang tỉnh, huyện khác, tất nhiên cũng trong năm tỉnh Tây Nguyên này.
Chỉ riêng vùng Đức Mạnh(Dak Mil), nghe đâu từ đầu tháng 10 đến nay đã có vài chục xe đổ người từ phía Bắc xuống đây. Cả một ngày qua lại quan sát nhóm người nghèo lưu lạc ở Đức Mạnh, tôi đếm chỉ được một nửa trong số họ được "ăn". “Ăn” tức là được các chủ rẫy đến chọn, cho làm thuê, được chở vào rẫy của họ, bố trí công việc. Tôi nhìn họ chờ được “ăn”, mà về hình thức thấy sao cứ giản dị như cánh ăn chơi ở thị thành lúc chọn em chân dài để ôm trong các điểm Karaoke không sạch. Cả ngày họ ngồi chờ, thi thoảng mới thấy một chiếc xe máy của chủ rẫy nào đấy tấp vào. Ai được “ăn”, ngay đấy có cuộc "đàm phán" chớp nhoáng diễn ra, thường chỉ vài ba câu, là các chủ rẫy nổ xe chạy đi mà ở đó đưa mắt lướt qua hoặc mang theo một hay vài ba người. Nội dung đàm phán của các chủ rẫy với những người làm thuê thường là mức tiền công hái cà phê được trả mỗi ngày. Mùa này tiền công thường có các mức 55- 60- 65-70 ngàn đồng/ngày, tùy sức khỏe từng người. Thường bán sức ngày nào trả tiền ngay ngày đó, vào cuối ngày. Hoặc đồng ý cơm chủ lo ba bữa thì lương tháng là một hay một triệu hai đồng. Nhưng nếu cơm nước người làm thuê tự lo thì 1,5 -1,8 triệu đồng/ tháng. Năm ngoái nghe đâu công trả hàng ngày là 50.000 đồng, còn chọn lương tháng thì 1,2-1,3 triệu. Rõ là năm này các chủ rẫy có nghĩ đến "lạm phát" cho người hái cà phê thuê. Những người có vóc dáng mạnh khoẻ và nét mặt hiền thường được được lọc trước. Cứ thế chọn dần cho đến khi còn lại những những người gầy gò hơn, già hơn, dữ hơn. Người hiền được ưu tiên bởi chủ rẫy bao giờ cũng ngại người làm thuê có vẻ ngoài dữ, xấu tính, vì loại người này dễ rinh trộm cà phê. Với nữ, người ta cũng chọn những cô thanh nữ đen chắc, chưa chồng, rồi sau rốt nếu "cạn" nguồn mới đến lượt những người đã chồng con, đứng tuổi. Chứng kiến ở “chợ người”, cũng nhận ra, nếu các chủ rẫy do ở rẫy xa, hoặc quá bận bịu, không ra tự chọn được người thì giao cho cách xe ôm thân tín quyết định. Những người chạy xe ôm tự hào rằng họ là cầu nối người đi bán sức với hệ thống nương rẫy ở đây. Tất nhiên, cứ mỗi người làm thuê chở vào đến rẫy, các vị xe ôm được chủ rẫy chi cho 20 -50 ngàn đồng tiền tuyển người, cộng với đó là tiền chiều dài xe ôm chở người tìm việc đến rẫy. Ở trên núi, nhưng người thất đức cũng xuất hiện, ví như nhiều tay xe thồ lấy giá cuốc xe ôm bằng ba ngày bán sức trên rẫy của kẻ thiên di. Những người có thâm niêm thiên di vào mùa cà phê chín thế này thì dù rẫy nương bao la vẫn xác định được địa bàn, định vị được cái rẫy, định lượng được độ dài ngắn của cuốc xe ôm, nên “chặt” họ là điều không thể. Mà này, hỡi những nông dân đi làm “dịch vụ” nông phu, chủ rẫy chọn các anh chị chứ không phải các anh chị chọn rẫy nhé. Tức là rất khó để một kẻ thiên di gặp lại rẫy mình hái cà phê mùa trước.
Chấp nhận tất cả phiền muộn lẫn nhọc nhằn, cho cái hành trình hơn 500 km từ Đồng Bằng Sông Cửu Long, hay 1.500 km từ Thanh Hoá, Hà Tĩnh vào với nhu cầu du nhất là bán sức kiếm tiền. Nhiều nơi trên đất nước này nông dân không đủ đất để tung hoành, thất nghiệp nhiều mà. Họ nói với tôi rằng ở quê quán, nông vụ gieo cấy ruộng vừa xong, hoặc mía trên đồng đã thu chặt.
CHỦ RẪY GIỌNG NÀO NGƯỜI LÀM THUÊ GIỌNG ĐÓ
Những người hái cà phê thuê kể thường họ mỗi tuần được ra "phố"(thực ra là… trung tâm xã !) một lần, có chủ cho hai tuần/ một lần. Mùa cà phê chín từ tháng mười đến tháng mười hai. Tuy nhiên, lắm người phải chôn chặt lam lũ suốt ba tháng ở rẫy sâu, vì xui ruổi khi bị thả vào rẫy quá xa trung tâm xã, huyện. Rẫy cà phê cách một ngọn núi, con sông, hay dòng suối cũng đủ chán thèm ra “phố”. Không sao, càng ít ra "phố" càng hay, khỏi tốn tiền, và số tiền bán sức còn nguyên để mang về quê nhà cho vợ, cho mẹ.
*
Thả mình trong dòng người thiên di, nhận ra chỉ những "đàn" người hái cà phê thuê "bay" từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định... vào mới có những cô gái trẻ đôi mươi. Trong khi đó, ở vùng Kiến Đức, Dak R'lấp, Gia Nghĩa, Dak Glong_ những địa bàn tập trung người hái thuê ngược núi đến từ miệt sông nước miền Tây, như: Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang..._ hầu như chỉ xuất hiện nam thanh niên, và nếu có phụ nữ thì đó là những cặp vợ chồng nông dân nghèo lớn tuổi. Anh chàng lái xe ôm tên Linh, người có bản quán ở Thạnh Phú, Bến Tre, tự hào là 9 năm trước cũng là người đi hái cà phê thuê. Trải đời dữ, Linh lý giải cho việc dòng người thiên di từ Nam Bộ lên chỉ toàn đàn ông bởi: " Các em miền Tây… thiên di vào các tiệm Karaoke, uốn tóc, Massage cả rồi. Rẫy cà phê heo hút lắm!”. Là người Nam Bộ nên anh hiểu các em Nam Bộ không chịu cực được như gái quê Bắc Trung Bộ, “ Họ thích kiếm tiền nhanh, dễ, mà không đổ mồ hôi kia”. Anh chàng hái cà phê thuê “lên đời” xe ôm ở ngã ba Nhân Cơ, huyện Dak R'lấp, Dak Nông bảo tôi không tin cứ vào các quán Karaoke, massage, gội đầu ở Gia Nghĩa, Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Pleiku, Bảo Lộc hay Kon Tum thì rõ.
Những chàng nông dân trẻ vạm vỡ từ Phú Yên lên đầu quân cho một rẫy cà phê trong núi xa ở Nam Tây Nguyên
Cứ đi đi, trôi theo mùa cà phê chín, sẽ nhận ra nhiều điều kỳ lạ khác. Này nhé, ở Đức Mạnh, Dak Mil, tỉnh Dak Nông, sẽ chẳng bao giờ thấy nông phu Bến Tre, Bình Định, hay Quảng Trị. Ở Dak Mil chủ rẫy vốn ngày xưa, 1954, toàn người Nghệ An, Hà Tĩnh di cư vào trồng nên nông phu thiên di đi hái thuê giờ cũng toàn Nghệ An, Hà Tĩnh. Tương tự, các địa bàn tập trung người Quảng Trị, họ chỉ ưu tiên tuyển người nói thứ tiếng Việt bằng giọng Quảng Trị. Cứ thế, vùng đồi rẫy người Nam Định chỉ chọn người Nam Định, Quảng Ngãi chọn Quảng Ngãi, và Thanh Hoá chọn Thanh Hoá. Các rẫy chủ là người gốc Quảng Trị, Bình Định, Nam Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Bình bí lao động còn “xúc” đại người thiên di từ bất cứ đâu tới, chứ ở Đức Mạnh rẫy cà phê của người Nghệ Tĩnh thì không thể "lọt" một người khác giọng nói bản quán đến hái cà thuê. Ở Dak Nông, cũng có nhiều nhiều vùng rẫy cà phê của người Nam Bộ lên trồng. Chủ rẫy người Nam Bộ khác chủ rẫy gốc Bắc, gốc Trung là họ chấp nhận xả láng, bất cứ người có thứ giọng nói nào. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với những chủ rẫy Nam Bộ họ cũng bày tỏ là trong bụng vẫn cứ thích giao khối của cải giữa trời: rẫy cà phê và hạt cà phê_ cho người đến từ... Đồng bằng sông Cửu long. Mấy anh Hai lúa khi làm chủ rẫy cà phê cũng cứ có sao bộc bạch tuốt luốt, chẳng e mách lòng: “ Ngán nhất vẫn là cánh làm thuê người Nghệ An, Hà Tĩnh”. Vì sao vậy ? Ông Trần Quang Châu chủ rẫy cà phê ở thôn 6, Nhơn Cơ, Dak Rlấp: “ Họ hay vác trộm cà phê của mình đi bán khi mình không có mặt trên rẫy. Nếu mình lơ là là họ trộm vặt ngay. Và họ ít thật thà nữa!”. Nhưng ông Châu bảo ông mang ơn những người làm thuê bất chợt này, vì không có họ chẳng lấy đâu ra công để thu hoạch cho kịp, cà phê chín thì không thể để trên cây_“ họ như cứu cánh từ trên trời sa xuống”. Vì vậy mà như bao người có trang trại cà phê ông Châu thường ngóng chờ họ, vào mỗi mùa trái chín.
Vì vậy, ở bất kỳ một rẫy xa nào, trong một nhóm lao động từ 5-30 người làm thuê, dù cũng phận làm thuê như nhau, nhưng anh chàng được giao "quản lý hoạt động thu hoạch" cho chủ rẫy bao giờ cũng là người có giọng nói giống chủ, dù chủ ấy là Bắc 54(1954), Bắc 75, Nam Ngãi Bình Phú hay Nam Bộ 80, 90. Người Việt mình ghê thật, ly quê sáu chục năm rồi mà tính “lúa nước”, làng xóm, bày đàn vẫn còn dai dẳng và vững chãi thế. Các chủ rẫy nói với tôi " Đồng giọng nói_ đó là mô hình lý tưởng để… giữ của, lợi ích!". Họ bảo cái họ cần nhất ở người hái cà phê thuê nơi rẫy đồi xa xôi là sự trung thành, tự trọng, không gian dối, cụ thể ra là không trộm cắp vặt. Vì người thiên di bay đến rồi bay đi, không có thời gian sàng lọc, nên ôm cái giọng trước đã, cho chắc.
Ở rẫy vườn người ta vẫn cứ "đói" niềm tin vào con người.
BUỒN KHỔ VẪN HẸN MÙA SAU NỮA
Hỏi bất kỳ một kẻ thiên di nào trong những đoàn người làm thuê đó có ao ước được gắn bó với nương rẫy cao nguyên không ? Phần đông họ trả lời cơ hội đã không còn cho họ, "cơ hội" phá rừng. Chỗ nào đó có rẫy cà phê mới, cũng chỉ là “bắn tỉa”, cô bác liều mạng lẩy ra từ rừng phòng hộ, rừng cấm. Ừ, thì chủ trương khai hoang Tây Nguyên, đóng cửa rừng, đã chấm dứt từ lâu, 1997. Rừng Tây Nguyên giờ cũng đã cạn, chỉ còn những cánh rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiện, vườn quốc gia cuối cùng. Chàng hái cà phê thuê Võ Văn Thoa, 38 tuổi, đến từ ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp trong đêm chập chùng ngồi giữa ngọn đèn dầu le lói ở một rẫy cà phê thuộc xã Nhân Đạo, huyện Dak R'lấp bằng giọng nam Bộ cụng ly cái két vào ly tôi: "Thôi, mơ làm gì cơ hội làm một chủ rẫy. Hái xong mùa cà phê này, ta lại "bay" về đồng bằng để... mần ruộng, hoặc đi buôn cá đồng chơi!". Anh Thoa rằng, một hécta đất, dù nằm trên bauxít, ở hút sâu gần rừng ở vùng anh đang ngày đêm cày thuê, bây giờ nghe nói giá cũng 250 -300 triệu đồng, là số tiền cả đời chưa chắc anh làm đủ. Trong khi đó, gia đình với cả ba người, hai vợ chồng và đứa con gái, thiên di đi hái cà phê thuê của anh Dương Thành Phát_từ Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre lên_ chấp nhận chôn mình trong rẫy cà phê của người lạ như thế này, kiếm mỗi ngày 180 ngàn/3 người. "Có việc làm đã ngon ăn rồi!". Gia đình ba người này ăn ở nơi cái chòi heo hút ở rẫy xa của người lạ, với bao quanh một màu xanh âm u khi đêm xuống. Cô con gái ở tuổi học sinh của anh chị này chờ lúc khuất mặt cha mẹ mà trút tâm sự vào tôi rằng… “ Cháu thèm bạn!”.
Chủ rẫy anh Phát đang làm thuê dự kiến mùa này thu ở cái rẫy giao đứt cho gia đình anh coi sóc đây độ 15- 20 tấn. Cả nhà lưu lạc xứ núi làm nông phu, nhưng hai lúa này cứ luận đời tưng tửng: "Dưới Nam Bộ lúc này người cũng đã chật quá rồi. Không còn thẳng cánh cò bay như sách vở nói nữa đâu!”. Phát dự định hái cà phê thuê đến khi dưới kia rút hết lũ thì về. Vợ chồng anh Phát bảo rằng, do cô bác xóm giềng mách mùa cà phê chín cứ bay lên Tây Nguyên thế nào cũng có việc làm, nên năm nay cả nhà anh theo họ bay thử đấy.
*
Một chủ rẫy cà phê giao cả nguyên cái rẫy xa tít này cho đôi vợ chồng quen nghề trồng lúa từ đồng bằng lên
Tôi yêu lời nói thật như để của anh Quýt, chị Phượng ở căn rẫy trên đồi Nghĩa Tân, Gia Nghĩa vô cùng. Hai nông phu xơ xác này thống nhứt với nhau là: "phấn đấu" hái không nghỉ ngày nào, suốt mùa cà phê chín này, để kiếm đủ tiền sắm một chiếc xe máy có cà-vẹc tử tế mà chạy. Cái ước ao bé mọn thốt ra ở hai nông phu này bởi suốt mười năm qua họ trải qua ba lần sắm xe máy, nhưng vì không có nhiều tiền nên đều chấp nhận mua xe máy rẻ của kẻ gian tậu từ đâu chẳng rõ, không giấy tờ. Cả ba lần đưa xe trời đánh kia về quê chạy đều bị Công An trịch thu ngay đấy ít lâu, bởi không mảnh giấy chứng minh sự “ hợp pháp” của xe. Còn anh Phát, hẳn cũng như nhiều người nghèo thiên di cao nguyên mùa cà phê chín, nói năm sau anh sẽ lại tiếp tục lên Tây Nguyên, như bao mùa qua. Anh nói đồi núi Tây Nguyên khắc nghiệt nhưng đầy ắp việc làm, chứ không như xứ nông nghiệp sông nước của anh vốn đã nghèo thế mà còn mắc bệnh "ngủ đông".
Dứt mưa, cà phê hối hả chín. Người ta thấy khắp Tây Nguyên xe công nông lượn như ong đêm ngày, còn người nông dân xa lạ từ bốn phương cũng lượn như bướm vậy. Mùa cà phê chín, nương rẫy Tây Nguyên thành đại lễ hội, đông vui, tưng bừng, sung túc, phức tạp, trong đó có “lễ hội nông dân tứ chiếng”. Đói thì tứ chi phải biến thành cánh bay, chứ nông dân trồng lúa đồng bằng hơi đâu phải biết cà phê đang là niềm tự hào lớn nhất của nền nông nghiệp quốc gia, cây công nghiệp xuất khẩu "số 1" VN. Có ai biết vai trò của những “đàn” người chợt bay lên rồi biến mất ngay đấy, rằng có một dòng sông sức lực đổ ngầm lặng vào thành quả đó vào mỗi mùa mà người nông dân từ xa xăm thiên di theo một qui luật tự nhiên như chim trời../.