Con đường thơ của Nguyễn Lãm Thắng có nhiều bước chuyển. Sau “Điệp ngữ tình”, “Giấc mơ buổi sáng” (333 bài thơ thiếu nhi), anh thử nghiệm, gieo hạt giống thơ của mình vào thế trận khác: thế trận đời. Thế trận này đã đánh dấu tiếng nói riêng cho “họng đêm”[*] trong hành trình sáng - tạo - thi ca của anh. Anh gần như đoạn tuyệt hẳn cái nhìn trong trẻo của “Điệp ngữ tình”, cái hồn nhiên thơ trẻ của “Giấc mơ buổi sáng” để ném vào “họng đêm” cái nhìn từ góc độ người mù và “có thể nói nhiều về điều không thể nói”.
Nhan đề “họng đêm” gợi nhiều bí ẩn, lạ. Lạ ở cách dùng từ. Lạ ở khoảng không siêu thực. Nhưng đó là một dụng ý khá thành công của Nguyễn Lãm Thắng. Ba phần là ba không gian: “ngát tận”, “tiếng ho rừng” và “nhấn phím buồn”. Xác định được giá trị của ba không gian ấy không phải là dễ. Bởi vì, không có chiếc áo nào để “họng đêm” mặc vừa. Cái áo mà nó đang mặc chật cứng, bung ra nhiều gai nhọn - gai nhọn của chữ “bung gai giữa ngày không nắng”. Các con chữ sắc ngọt, trương nở qua các công đoạn cắt dán và lắp ghép, hình thành nên những điểm nhô, nhọn, tượng trưng, siêu thực. Do đó, những thi ảnh của “họng đêm” vừa cất giấu những ám ảnh vô thức, vừa đầy lý trí, gợi nhiều luồng tiếp nhận.
“họng đêm” và “mùa thu hoạch của sự dâng hiến”
Âm hưởng sex trong thơ không phải là vấn đề mới. Nhiều cây bút đã thử nghiệm và gặt hái được những thành công nhất định. Đặc biệt, thơ phái nữ tỏ ra nổi trội hơn và bạo liệt hơn khi đề cập đến đề tài này. So với thơ nữ, sex trong thơ nam cũng có những điểm riêng biệt. Bởi lẽ, họ biết khai thác vẻ đẹp thiên phú của người phụ nữ qua cái nhìn thương yêu, trân trọng. Thơ Nguyễn Lãm Thắng thiên về cách khai thác này. “ngát tận” đang vào “mùa thu hoạch của sự dâng hiến”. Những từ ngữ mang đặc trưng tính dục được đẩy vào một cách cao độ, bằng những hành động sex: giao phối, trườn, siết chặt, cuộn siết, khắc, tràn, bóc, quấn, cấu, lồng,... Trong sự dâng hiến, tình yêu “ngát tận” vĩnh cửu. Trong sự dâng hiến, vẻ đẹp của người tình phô bày hết thảy. Những thi ảnh mang tính nhục thể được chiếu bằng nhiều góc độ: “mùa xuân dấu lửa ngực em”; “toát nóng mùa thơm/ cặp đùi rói trinh/ bốn mùa môi ấy/ khoảng cách đồng hoang không đan xích” (vạch vết máu cho mùa xuân); “chốn linh thiêng em/ mầm động tiết tấu bung tình” (mầm động)… Chất táo bạo, ngọt ngào và đầy khêu gợi của sex được xử lý cận cảnh và cả viễn cảnh: “biển hương em/ nhốt anh/ sóng điệp/ ngọt lựng vai mềm ngực ấm/ phiến đá ư hừ tiếng thở nghìn năm xác ướp/ mùa đông/ cháy khét triền môi (cao nguyên mùa đông đá thở); “sau lưng chúng ta/ là đất/ là trời/ khát yêu” (đối diện nhật lệ). Khi tình yêu đến độ cuồng nhiệt, Nguyễn Lãm Thắng đặt dấu tình ngay trên ngực, trên trán người yêu, và không gian như được nới rộng bởi biên độ, sức hút của “tiếng trinh rên”:
mắt lửa
tôi nhìn bằng tia hôn
nhiệt cuồng adam
động khuấy
cầu thang rung bão
néon ảo mờ nhục cảm
tôi khắc đời em ngực trần non ngát
đánh dấu trán bướng vết dao lưỡi nóng ran
nhũn nhầy hồn phách
không gian ba chiều rôm rốp trinh rên
nhạc ngân vai phố
tương phối tiếng hôn
(ngợp tình)
Nguyễn Lãm Thắng còn “bóc” từng “huyết mạch” để đến được thiên đường của tình yêu và sự hiến dâng. Thiên đường của sự “nõn nà”, “mởn ngọt”: “bóc đôi cánh mềm/ thiên đường hé lộ tầng tầng ân ái/ bộ ngực đầy đặn em/ lộ giai điệu hôn/ tròn căng thơm phức/ mồ hôi cám dỗ tách vỏ/ ngày tháng/ sóng sánh/ lớp da non nõn nà mềm mại/ nụ hoa hồng sơ khai mởn ngọt/ chúm chím bản nguyên ái ân (ngày tận cùng em giấc tự do).
Ngay cách xưng hô “anh-em” tình tứ, gần gũi, cộng hưởng với tần số lặp lại từ “hôn” cũng giúp tác giả thực hiện được cấp số nhân để thặng dư mùa của sự dâng hiến. Trong mùa hoan lạc, từ “hôn” được lặp lại nhiều lần. Lặp 38 lần/42 bài thơ. Cách gọi tên từng động thái “hôn” của nhà thơ rất đa dạng, góp phần làm sinh động cho tình yêu vào mùa hiến dâng: nhụy hôn, chùm hôn, trận hôn, vòng hôn, cõi hôn, giai điệu hôn, sóng hôn, đóa hôn, nhựa hôn, từng thớ hôn, từng sợi hôn, lời hôn, bóng hôn, miền hôn, mầm hôn,... So với phần 1, phần 2 và phần 3 chỉ có 7 lần lặp từ “hôn”. Dụng ý đã thay đổi, khác với phần 1. Cả hai phần này, trong những nụ hôn đã mang sự giả tạo, dối lừa: “nụ hôn lừa mỏng lét”; “nhưng chúng ta biết giọt máu mình đau khi lửa hôn bốc cháy”; “cuộc tình ấy như cuộc chiến tranh quên thuốc súng/bởi sống bên nhau mà tê liệt môi hôn” (sẽ quên một cuộc tình); “sự tắt nghẽn mạch hôn/có thể nảy sinh bệnh trĩ tâm tưởng” (chúng ta nói về chúng ta),... Như thế, phần 1, từ “hôn”, tự nó đã thiết lập không gian của tình yêu, của sự dâng hiến.
Nhưng Nguyễn Lãm Thắng đâu chỉ ngợi ca ngọn lửa tình yêu, sức nóng của những trận hôn và bỏng riết trong vườn hoan lạc mà anh còn gửi gắm trong đó những triết lý rất riêng về tình yêu. Tình yêu của anh xuất phát từ quan niệm về sự tự do. Chỉ trong tự do, tình yêu mới trở về đúng bản nguyên của nó. Những thế lực, trở ngại không làm tình yêu chết đi mà tồn tại vĩnh cửu dẫu đó là tình yêu của ngày tận. Tình yêu làm tan chảy những nỗi buồn, những thù hận, những sắc màu phân biệt,... “ngày tận/ ta yêu nhau bằng hơi thở đầy bằng siết tay rướn chân bằng âm thanh mùa thu hoạch/ cởi bỏ tất cả sắc màu giáo điều hợm hĩnh còn sót cơ thể/ dội yêu thương vết cắn/ xóa chán chường
môi quét/ lau căm thù chiếc lưỡi trượt dài cơ thể/ mặc tiếng gõ cửa phân bua ngàn lần bão lạ/ mặc trận cuồng phong dở trò hù dọa mái nhà cô tịch/ ta bảo toàn lực lượng hứ ư/ bảo toàn dòng ái tràn đôi môi co giật (ngày tận cùng em trong giấc tự do). Tình yêu đích thực luôn vĩnh hằng bởi nó lớn lên bằng chính ánh sáng của tình người:
ánh sáng là trần truồng tiếng thở
rọi mống nhiệt cuồng
tình yêu không chết
bởi
tình yêu xuất thân từ đêm
& lớn lên bằng ánh sáng
(ánh sáng là trần truồng của tiếng thở)
“họng đêm” và những vòng xoáy cuộc đời
Đến với phần 2 và phần 3 của tập “họng đêm”, sự ngọt ngào của tình yêu không còn, thay vào đó là những cám cảnh đời nhìn từ phía giác độ người mù. Ở điểm nhìn ấy, Nguyễn Lãm Thắng đã nói được ngay cả những điều tưởng như không thể nói. Nếu phần 1, cách gọi xưng chủ yếu là “anh-em” thì sang hai phần còn lại, anh hướng về cái tôi bằng kiểu xưng hô khác: “tôi-em”. Nếu phần 1, em là đối tượng, là người mà chủ thể trữ tình ngợi ca, hướng đến thì sang phần 2, “em” là nàng thơ, là người lắng nghe, chia sẻ với nhà thơ trước những cảnh đời ngang trái. Nếu phần 1, anh rạo rực, bốc lửa với những vần thơ thấm đẫm nhục tình thì phần 2, anh là một nhà nghệ sĩ thương cảm, xót đắng với đời. Anh trực ngôn sự thật. Sự thật được lột xác, giơ bộ mặt của nó trong rác thối: “sự thật lẩn khuất trong mớ rác rến ô nhiễm/ mớ hổ lốn bầy đàn kinh tởm/ trôi qua từng buổi sáng tin vịt” (có thể nói nhiều về điều không thể nói). Nhưng trớ trêu và rất thực, “băng vệ sinh nhầy nhụa/ ve chai/ bao ni lông/ thức ăn thừa mứa/ giấy lộn & xác chết/ xen lẫn/ rác rưởi vô hồn bốc mùi quen thuộc” (mưu sinh) lại là nguồn sống của nhiều thân phận. “Rác tạo con người”. Nguyễn Lãm Thắng còn vén bức màn của hiện thực để ghi lại trên/trong dòng sông những nhịp tình của gái điếm, những cuộc xướng ca, nhậu nhẹt, những oan hồn của xác chết; sự toan tính tồn tại trong “từng miếng sứt cổ vật”, trong những “khối óc có chứa nhiều gai nhọn”… Ngòi bút ký họa và quay cận cảnh của Nguyễn Lãm Thắng khiến thực tế cay đắng của cuộc sống như lan tràn, bủa vây cả phố. Chúng “bám vào từng đốt xương nhà thơ”. Thi sĩ đồng cảm với phận người chông chênh trên mỗi tấm vé số: “lời chào hỏi buổi sáng/ là tiếng mời vé số/ của cụ già cụt tay mặt cháy/ tờ vé số trên tay không đánh đổi được phận số kiếp người/ tôi nghĩ về những cuộc chiến tranh đi qua trên đất nước tôi/ những con số/ hiện rõ những xác chết” (một ngày cuối tháng bảy hai lẻ chín); chông chênh trong “tiếng ho rừng”: “người cha lên non chọc thủng rừng xanh để vá tấm áo đứa con ngày bão/ người con trai lên non bới rừng để đong bát gạo cho mẹ già luống tuổi/ người chị gái lên non cắt lúa thuê cho người catu để lo cho những đứa em đói chữ trường làng/ mẹ lên non mót củi nhóm nồng đông lạnh” (tiếng ho rừng); thương xót trước hình ảnh “người mẹ thượng đức” đến độ “tím tái quê hương”: “cam chịu/ hy sinh/ những lằn roi vô hình/ ứa máu mắt/ mẹ già mất đất/ trắng tay/ trắng tóc/ tê nhức gót chân phong thấp”…
“họng đêm” không lấy gam màu sáng làm nền. Nếu phần 2 mới phác thảo bức tranh của hiện thực thì phần 3 đã chạm thêm những nét vẽ cuối cùng để hoàn thiện bức tranh xã hội ấy. Trong “họng đêm”, xuất hiện đến 76 lần từ “đêm”, 87 lần từ “máu”. Riêng phần “nhấn phím buồn”, Nguyễn Lãm Thắng sử dụng 56 từ máu, vừa khẳng định nhấn-phím-máu của cuộc sống vừa làm nổi bật gam màu của chết chóc. Gam màu tối. Nguyễn Lãm Thắng không nhìn cuộc sống bằng ánh sáng mà nhìn bằng bóng tối, bóng của đêm, bóng của sự chết chóc, bóng máu nhân sinh đang vấy lên thơ, lên trái tim thi sĩ: ta mở mắt nhìn thế giới phía giác độ người mù/ thấy đằng sau câu chúc tụng/ vệt đâm tứa máu/ thấy từng miếng thời gian gãy khúc trên chiếc lưỡi dối lừa/ thấy sự hoài nghi từng nụ hôn” (máu đang bùng lên những ngọn lửa). Hướng đi ấy có hai lợi thế. Thứ nhất, chọn góc nhìn của người mù, anh đã lắng nghe nhịp sống bằng chính những rung động của trái tim mình. Thứ hai, chọn bóng đêm làm nền, nhịp sống dễ dàng bị đẩy, phơi ra những mặt trái của nó.
Chọn gam màu máu làm nền cho phần 3, Nguyễn Lãm Thắng gom những mảng hình của cuộc sống tạo thành bức tranh lạ, riêng có của mình - bức tranh uất: “ít ra tôi cũng đã trải qua bốn năm học hội họa/ nhưng/ tôi không có được một lần triển lãm tranh của mình/ bởi vì tôi không bao giờ vẽ tranh trên bất cứ chất liệu nào khi bạn hỏi/ nhưng/ tôi đã vẽ rất nhiều vào những đêm mất ngủ/ tôi vẽ bằng hai chiếc cọ làm bằng lông mi của hai con mắt hoà quyện sẵn với chất liệu nước mắt/ những bức tranh chất chồng trên ngực tôi/ những gam màu đen thẫm” (những bức tranh uất). Anh đã vẽ được bức tranh đẹp nhất của đời mình. Bức tranh ấy khẳng định được trái tim thao thiết cuộc sống của anh. Và cũng chỉ bằng chất liệu này, bức tranh mới thật. Theo quan niệm của anh, sự giả dối là ngọn roi thanh trừng đối với nhà thơ. Trong hoàn cảnh như vậy, thơ phải chìm trong cái chất đắng đót của cuộc đời mà cất lên tiếng nói thương cảm. Thơ đâu chỉ là mảnh đất cho tiếng nói cá nhân mình mà ở đó, thơ còn thực hiện sứ mệnh cao cả hơn, thơ phản ánh nỗi đau mà nhân loại đang phải gánh chịu. Cái tâm của người nghệ sĩ không cho phép anh làm ngơ, né tránh. Nó buộc anh dấn thân, bật lên, phơi bày những lát cắt tứa máu của cuộc sống. Vì thế, cái chất thế sự cứ thế ngồn ngộn trong thơ anh. Có thể nói, đây là mảng thành công nhất, tạo nên giọng điệu rất riêng cho thơ anh trong dòng chảy thơ trẻ Huế nói riêng và thơ trẻ Việt Nam đương đại nói chung. Bằng cách ấy, anh “bóc lớp da xù xì trên cây cổ thụ”, tự do nói về những gì đã và đang tồn tại, diễn ra khắp mọi nơi. Cuộc sống vẫn ngấm ngầm “phù sinh”, vẫn che giấu những ngột ngạt, tổn thương đang lở loét. Từ lối viết này, anh cũng bày tỏ quan niệm của mình về thơ. Thơ cần nhiều đến cái tâm của nghệ sĩ, nếu không “câu thơ mỏng cánh ve non”. Nếu chỉ “gắng sức đẻ ra những câu thơ cũ mèm nịnh bợ” thì anh sẵn sàng chọn cái chết vì “biển không hát trong cổ họng câu thơ lùn”: “mê mê man man/ ý thơ viết ra/ giả chân/ hư thực/ con chữ lăn quay ngộ độc/ viết điếu văn rồi/ còn co giật/ bởi nghĩa trang tận ráo chỗ chôn ngồi” (mê mê man man). Sự trăn trở về thơ bộc lộ rõ trên gương mặt anh qua những kĩ thuật vẽ thực của hội họa:
khuôn mặt
thâm quầng mắt
răng mọc ngược
môi tứa máu
râu lởm chởm gốc rạ
xỉn
nụ cười nhô
cái nhìn chậm từ mắt sâu
môi găm răng mọc ngược
lưỡi chạm máu chung tình
đam mê dài râu rậm rạp
màu sáng vết sẹo hình câu thơ
(khuôn mặt tôi)
Khuôn mặt hằn những khổ đau, dằn vặt về cuộc sống và sứ mệnh thơ. Anh không đắm chìm trong những kiểu thơ gây sự bí hiểm đối với người tiếp nhận mà thơ anh thường hướng đến kiểu thơ tự sự, nói thật, nói “toạc”. Hay nói cách khác, thơ anh thiên về thơ tư tưởng. Chính tư tưởng ấy mới là sức nặng của thơ Nguyễn Lãm Thắng. Nó đánh dấu sự chuyển biến trong cách viết của anh, khác nhiều so với các tác giả trẻ Huế hiện nay.
Người ta có thể trở thành kẻ nô lệ thơ khi không làm nên cái mới, cái lạ cho mình. Ở đây, Nguyễn Lãm Thắng hoàn toàn tự chủ, quyết định lấy số mệnh thơ của mình. Anh chối từ những vần thơ bóng nhoáng, nô lệ của sự giả dối bằng hành động kiên quyết: “vỡ ra một nụ cười héo đọt một thế hệ gieo neo cạm bẫy đời bay trên dây kéo mù máu chảy trong cánh đập rớt bầm lối cỏ ngả nón đong mưa kéo tuột nóc lầu hổn hển máu chảy xuống tay người lật lá gan quàn lá phổi mùa xuân nhánh rụng lá đời mà nghe lời đá chọc cười thế gian máu chảy trên ngàn máu khua lòng đất trong đôi mắt lặng im có trăm ngàn tiếng nấc máu chảy trên nôi máu tràn miệng giếng mỗi trái tim nuôi ngàn tổ kiến để biết đau biết quặn thắt đồng bào chắp tay lạy biển rách gửi hồn vọng non mòn hứng giọt máu đào dân tộc nghe máu chảy trời cao thấy máu trào não bộ oan uất nào không vất vưởng ô hô hồn người nhấp nhô đời vờn khói xám a di nam mô máu trào thê thảm văn văn thơ thơ lam nham lảm nhảm cái vòng u u ám ám tròn tròn như vòng hoa tang những câu thơ nô lệ rủ nhau xuống mồ tìm máu ngày tròn tròn như gió xoáy đêm nhọn nhọn như tiếng chửi im lặng nghe máu chảy” (rốt cục cũng là máu thôi).
Sự mạnh dạn, dám nói thẳng, trực diện như Nguyễn Lãm Thắng, có thể nói, anh đã và đang khẳng định một dòng chảy thơ khác của thơ trẻ nói chung.
“họng đêm” và những mạng lưới cách tân thơ
“họng đêm” không dùng dấu chấm, dấu phẩy và không viết hoa bất kì một kí tự nào, kể cả tên riêng, địa danh. “đêm tắc kè đọc trsơn” là một ví dụ. Một cái tên riêng không được viết hoa. Người đọc có thể xem đó là “trsơn” nhưng cũng có thể xem đó là một người khác, hoặc một đối tượng khác như tên tập thơ. Cái cốt lõi là người đọc có thể đặt mình vào tâm thế của “trsơn” để kết nối giữa mình với nhà thơ: “ai oán rót máu trên mái tôn ngôi nhà hoang/ đêm tân thành thủng nát/ nhói đau/ như câu thơ vượt biên không thành/ như tiếng khóc chào đời côn đảo/ như những mùa xuân bị cầm tù rục rã hốc mắt” (đêm tắc kè đọc trsơn). Khi các con chữ va chạm, Nguyễn Lãm Thắng đưa người đọc vào địa đạo siêu thực của “họng đêm”: sưởi ấm chuỗi sương làm tình nách lá; mặt trời đêm úp đáy rượu; tiếng thạch sùng đánh cắp mùi khói nhang trên bàn thờ rao bán; vòm đêm như tấm chăn gói người chết đuối; có con mắt buồn kéo tiếng chim thành những sợi tơ; lượm lặt vết mùa sám hối đang vụn ra từng hạt mù cay... Dụng ý gia tăng nhiều lớp nghĩa mới của thơ anh như thế này buộc người đọc phát huy tính đồng sáng tạo, đoán định từng con chữ. Đôi khi, Nguyễn Lãm Thắng còn đẩy vào thơ những kí tự như: “[ ]” (“theo dự kiến/ mặt đất nhô những bộ xương [dĩ nhiên mọc nhánh đẻ cành đâm quả sinh sôi nảy nở vân vân]/ điều này khả thi/ dưới mặt đất lớp lớp tầng tầng xác chết nằm nghiêng nằm ngửa nằm sấp [không biết xác chết nào ăn gian hay không]” - Thời gian nhắm mắt; “chùm củ tỏi củ hành đung đưa giàn bếp/ bó giang khô chờ vài hôm nữa chẻ lạt gói bánh [tét +chưng +rò +ú...]/ những que củi gầy rạc như nông dân xám xịt chờ ngày hóa lửa/ nồi niêu méo xệch phơi đít đen thui đen thủi/ chum vại lăng quăng diễn xiếc - Vết sẹo của nỗi buồn chái bếp); “&”. Các kí tự đều mang đến những hiệu quả nghệ thuật nhất định. Các kí tự kiểu “[ ]” không chỉ giúp nhà thơ chú giải mà quan trọng giúp anh nói được những điều khó nói, luận bàn một cách tự nhiên. Ví như cách dùng ký hiệu “&”, không ảnh hưởng đến cấu tứ bài thơ, ngược lại, nó giúp anh làm mới hơn trong cách thể hiện, trình bày câu thơ của mình. Trong bài thơ “ác mộng”, “&” được sắp sếp liên tục theo cấp độ tăng dần, giúp nhà thơ thể hiện ý đồ của mình, tránh sự lặp lại rườm rà:
con đường có sẵn
mang lốt dọa người
con đường có sẵn
đẫy rẫy những hố hầm lừa bịp
mọc lên những vòng hoa sắc máu gian hùng
&&
&&&&
&&&&&&
Con đường không có giới hạn, điểm dừng. Những gì đang tồn tại, vẫn, sẽ tiếp diễn. Con đường ấy chính là hiện thân con đường đời của con người. Sự lừa bịp, máu, nước mắt... vẫn còn ở phía trước.
Cách ghi lại thời điểm ra đời của một bài thơ cũng tạo cái riêng biệt cho “họng đêm”. Anh không chừa một khoảng trắng văn bản nào giữa các con chữ mà để chúng viết liền nhau: gànhrángmùađông1998, mỹđình07112008, kiệtdứahè2008, đạinội3h25062009, ngãtưâmhồnhuế082000, xómràomồng4tếttânmão, 22h3414032011,... Cái chất giọng tưng tửng không chỉ thể hiện trong văn bản thơ mà nó còn thể hiện ngay ở phần ngoài văn bản này: quảngnamngàymôquênmấttiêu. Trong tập “họng đêm”, có một số câu thơ cũng sử dụng hình thức này. Ở bài “ký họa dân đen”, anh viết:
những khuôn mặt bất an
gặp nhau giữa ngã tư ngã ba đường phố
xanh lét những cụm từ
bảohiểmgiấytờxebằngláiđènđỏđènxanhbiênbảnphạttiền
áovàngáoxanháoxám
khóixebụiđườngổgàổvịtláchluồntainạnchấnthương
cấpcứu
ám ảnh mọc lên những miếu mạo dọc đường
Những cụm từ kết dính chặt chẽ: các giấy tờ, tín hiệu, biên bản, quân phục, giao thông... gây sự chú ý, tò mò đối với người đọc. Đó là những hiện trạng đang xảy ra thường ngày trong cuộc sống của chúng ta. Những vòng kết nối ấy không chấm dứt được nghĩa là trên những khuôn mặt của người dân vẫn bao trùm những nỗi lo: “những khuôn mặt bất an/ trên những mảnh đời bất định (ký họa dân đen). Ngược lại, có đôi chỗ, trong một câu thơ, Nguyễn Lãm Thắng lại chừa nhiều khoảng trắng. Nó vừa thực hiện nhiệm vụ ngắt nhịp dài, tạo độ ngưng nghỉ nhưng nó cũng vừa thực hiện nhiệm vụ chuyển tải nội dung. Các khoảng trắng ăn khớp với con chữ để đẩy tư tưởng của câu thơ, đoạn thơ, bài thơ đi xa hơn nữa:
em là con gái
đồng nghĩa với nỗi buồn tuyệt tự
nhưng biết làm sao
em lỡ tay cầm chùm chìa khóa
hưởng thụ sắp xếp hoang phí
hoặc bới tung lên di sản khi cánh cửa từ đường
bật mở
(em lỡ tay cầm chùm chìa khóa)
Khoảng trắng từ “hưởng thụ” đến “sắp xếp” rồi “hoang phí” không nhằm nhấn mạnh những hoạt động của “em” mà nhằm mục đích nhấn mạnh những vòng quay nghiệt ngã mà em không thể nào vượt qua để bảo tồn. Bởi vì, trắng đen lẫn lộn trong từng đường gân thớ thịt của cuộc đời: “dãy núi mù lòa oằn vai gánh những ngôi mộ không tên đang khao khát một ngày nắng muộn của dĩ vãng rất xa trong ký ức sau cuộc chiến trái tim biết đau phút lọt lòng nhàu nát đong đưa dáng hình tật nguyền hạt gạo mắc lũ từng dòng nghĩ phơi cốt trơ xương nhọc nhằn qua năm tháng lũ diều hâu hút máu trong thung lũng tiếng kêu ai oán hỗn mang táo tợn gian manh tràn ngập như lũ quét chúng bới tìm lục lọi trong từng ngõ ngách những khoảng cách khó phân biệt rạch ròi đúng sai đen trắng tất cả ánh sáng đều vỡ vụn trong cái nhìn bất lực delete tất cả nỗi buồn lại càng buồn gió mòn núi suối mòn nấm mồ ẩm ướt dấu hỏi thời gian như lưỡi liềm cắt cổ không thể delete một giấc mơ rỉ máu” (nhấn phím buồn).
Thủ pháp nghệ thuật lặp từ, lặp câu, lặp cấu trúc cũng được sử dụng khá nhiều trong tập thơ. Bài thơ “hên xui” thể hiện rõ cách làm mới trong thủ thuật lặp của Nguyễn Lãm Thắng: “có nhiều con ngươi/ nằm ngoài con mắt/ có nhiều con mắt/ không có con ngươi// có nhiều con người/ nằm ngoài khuôn mặt/ có nhiều khuôn mặt/ không phải con người// có nhiều con ngươi/ ẩn trên khuôn mặt/ có nhiều khuôn mặt/ không có con ngươi// có nhiều con mắt/ trên một con người/ có nhiều con người/ không có con mắt”. Vừa sử dụng các kiểu lặp, vừa sử dụng nghệ thuật tương phản, vừa kiệm từ, các con chữ như được đẩy xoay vòng tròn, mở ra những triết lý về bản thể của con người: có nhiều mặt nạ tồn tại trên mỗi khuôn mặt. Ở bài “liên tưởng phố”, anh kết hợp nhiều kĩ thuật: khoảng trống, kết dính các con chữ, dùng kí tự [ ], rải dài các nguyên âm đôi và đơn để khắc họa chân dung sinh động của phố lúc 3h chiều:
đúng 3h chiều phố hết sủa
phaydồimăngxáonướngrựamậnbảvaihonsúngmậttiếtgừngriềngsãớtthúiđịt
[mơlông]quếngỗtỏichanhmắmtômrượugạo
phố vẫn mưaưaưaưaưaưaưaưaưaưaưaưaưaưaưaưaưaưa
chợ vẫn gióóóóóóóóóóóóóóóóóóóóó
quán vẫn gâuâuâuâuâuâuâu
ta vẫn nhớ em khủng
vườnxoàimườiđônămhậusungđỏhònchồngtámvuivinpearl
Khắc họa tường tận như thế chỉ có thể xuất phát từ một trái tim đa cảm. Vì thế, dù ở “camranhcamlâmninhhòadiênkhánhvạn ninhkhánhvĩnh” “hay ở hòn chồng”, ở “trên xe leo đèo rọ tượng”, đều để lại những ấn tượng riêng. Những ấn tượng ấy kết thành từng giọt nhớ, chùm nhớ:
ta kéo kim đồng hồ quay ngược
ta tin vào thời gian của ta
không thượng đế nào cấm ta được
ta nhìn trời mưa hay mưa trời nhìn ta
giọt giọt
từng giọt
từng cơn
từng trận
rớt xuống ngày đêm
nhớ
nhớ
nhớ
nhớ nhớ
nhớ
(liên tưởng phố)
Những cái mới của “họng đêm” làm nên giọng điệu lạ của Nguyễn Lãm Thắng. Giọng điệu đôi khi mượt mà, êm ái, ngọt ngào (nói về tình yêu), đôi khi tưng tửng, lạnh lùng (nói về những mặt trái của xã hội), đôi khi lại giễu cợt, trêu ngươi (nói về chính mình)... Nhưng nổi bật hơn cả là cái giọng trầm lắng, ẩn chứa nhiều nỗi lo toan, đau xót. Chỉ là cuộc đối đáp giữa mẹ và con nhưng anh khiến chúng ta phải ngẫm suy, chột dạ khi đọc xong bài thơ “hỏi mẹ”: “chạy về quê hỏi mẹ/ hỏi vị mặn cau trầu/ hỏi vị chua tóc trắng/ hỏi vị nồng tiếng chuông/ hỏi vị cay ngày tháng/ hỏi vị đắng đêm đen// mẹ trả lời bằng nụ cười/ mẹ trả lời bằng nước mắt/ mẹ trả lời bằng im lặng/ mẹ trả lời bằng cái nhìn xa xăm/ mẹ trả lời bằng mẹ”. Câu chữ không có gì mới, rất đỗi bình dị nhưng sao nghe nhức nhối trong lòng. Nhưng cũng nhờ cái chất giọng rưng rức, đắng đót này Nguyễn Lãm Thắng mới thực sự làm nên cái tôi của mình - một cái tôi sẵn sàng tuyên ngôn sự thật: “những gì phơi phải nhờ ánh sáng/ & suốt đời nô lệ ánh sáng/
nhữnggìcầntìmcầnlụccầnsuycầnkhảocầnchỉtríchcầnphêbìnhcầnnghiêncứu/ thì phải cần bóng tối/ bóng tối cần thiết để ý đồ lưu manh bước vào/ bóng tối cần thiết để công tâm bước vào/ cái mập mờ nửa sáng nửa tối khuyến khích tính tò mò ra phết” (sáng & tối) và sẵn sàng từ bỏ sự lặp lại trong sáng tạo nghệ thuật:
sự lặp lại đớn hèn
câu thơ cõng lời ru trong bể lửa hun từ nước mắt
lặng lẽ đi
bia mộ nào khắc ghi được tiếng thở
bởi hơi thở cuối cùng là di ngôn rạch ròi yêu & ghét
(câu thơ bung gai giữa ngày không nắng)
Tôi thích bức tranh ký họa “họng đêm” của Nguyễn Lãm Thắng. Bức tranh “bung gai giữa ngày không nắng” nhưng đầy nhiệt năng để truyền năng lượng cho “họng đêm”. “họng đêm” bung những cái gai của nó. Có những cái gai làm ta thấy khó chịu, nhói mắt nhưng cũng có những cái gai làm trái tim ta đau đớn, xót xa. Nguyễn Lãm Thắng đã tung mình vào họng gai để nhận lấy những thành quả ngọt ngào của sáng tạo, nhờ thế, “họng đêm” có được những giá trị nhất định về mặt tư tưởng và nghệ thuật. Với “họng đêm”, Nguyễn Lãm Thắng thực sự đã minh chứng được vị trí của mình đối với thơ trẻ đương đại.
Đồng Hới, ngày 17-11-2011
--------------
(*). Nguyễn Lãm Thắng, Họng đêm, NXB Văn học, 2012.
[1] Họng đêm, NXB Văn học, 2012.