Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
444
123.195.597
 
Đọc lại “Hồi Ký Sihanouk”
Trần Trung Sáng

 

Sinh thời, Cựu Quốc vương Norodom Sihanouk đã ấn hành trên sáu cuốn sách mang  tính chất hồi ký kể lại những thăng trầm cuộc đời hoạt động của ông gắn liền với giai đoạn lịch sử cận đại đất nước Campuchia. Trong số đó, ngoài những tập sách phần lớn  có nhiều đoạn trùng lặp do thuật lại những biến cố to lớn xảy ra trên đất Campuchia từ 1970 đến 1979, mở đầu bằng cuộc đảo chính do Cục Tình báo trung ương Mỹ chủ mưu và kết thúc bằng sự sụp đổ của Khmer Đỏ, đáng chú ý nhất là  tập “Hồi ký Sihanouk - Những lãnh tụ thế giới mà tôi từng biết”" (Sihanouk Reminisces: World Leaders I have known" (Nhà xuất bản "Editions Duang Kamol", Bangkok, 1990) do ông viết chung cùng nhà báo Mỹ Bernard Krisher, tập hợp lại những hồi ức của Hoàng thân Sihanouk về những nhân vật thế giới mà ông từng quen biết và ảnh hưởng sâu sắc đến ông.

 

 

Cựu tổng thống Pháp Charles de Gaulle và cựu quốc vương Sihanouk ký hiệp ước hữu nghị Pháp - Khmer tại Hoàng Cung ở Phnom Penh ngày 2/9/1966, nhân chuyến thăm chính thức của ông de Gaulle tới Campuchia.

 

Qua tập hồi ký này, chúng ta sẽ có dịp gặp gỡ từ một số nhà lãnh đạo phương Tây đến Trung Quốc, châu Á, châu Phi và các nước Ả rập như: De Gaulle, Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông, Sukarno, Nasser, Nehru, Tito…mà mục đính chính là sức hấp dẫn và đức tính của lãnh tụ và tình bạn, chứ không mang tính chính trị, bởi nó được xem là một tặng vật nhỏ của Hoàng thân Sihanouk để tỏ lòng kính trọng với những người bạn đã qua đời.

 

Để tránh bị điều tiếng thiên vị, sách dược sắp xếp các chương theo đúng trình tự những người mà Hoàng thân đã gặp. Do đó Charles De Gaulle (1980-1970) được nhắc đến đầu tiên. Tướng De Gaulle, qua cái nhìn của Sihanouk là: “con người ưu tú nhất trong số tất cả những người Pháp, đã không bao giờ không nhớ đến tôi, ngay cả trước khi ông qua đời”, đồng thời: “là một con người nghiêm túc và rất nhạy cảm, nhưng hơi kỹ tính và tuyệt nhiên không có tham vọng cá nhân. Mối bận tâm duy nhất của ông là nước Pháp. Lúc sinh thời, ông được người đời rất yêu mến nhưng cũng bị đả kích và châm biếm. Người Pháp không thể nào ca tụng các nhà chính trị còn sống của họ, nhưng giờ đây khi De Gaulle qua đời, ông trở thành một vị thánh”. Tuy nhiên, sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương, vào năm 1953, Campuchia đã được trao trả độc lập nhưng không phải dưới thời De Gaulle (lúc này ông ta đã nghỉ hưu lần thứ nhất), mà là dưới thời đệ tứ cộng hoà Vincent Auriol. Hoàng thân Sịhanouk đã thành công  trong việc thuyết phục người Pháp rằng “đối với họ, một nước Campuchia độc lập thân Pháp thì tốt hơn là một nước Campuchia bị chiếm đóng mà chống Pháp”. Lúc này, khi tự đặt câu hỏi, nếu De Gaulle còn nắm quyền, liệu ông ta có chịu trao trả độc lập cho Campuchia? Sihanouk viết: “Điều mà tôi biết chắc là De Gaulle thông minh và thiết tha phấn đấu cho một nước Pháp độc lập đến mức tôi không thể không tin rằng, ông sẽ trao trả độc lập hoàn toàn cho chúng tôi”.

 

Một trong những nhân vật ấn tượng và thú vị nhất với Hoàng thân Sịhanouk,  có lẽ là Achmed Sukarno (1901-1970). Bởi : “Sukarno yêu mến đất nước Campuchia và đã viếng thăm chúng tôi năm lần trong vòng sáu năm, từ 1959 đến 1965 - nhiều hơn bất kỳ lãnh tụ nào khác”; “ông ta đặc biệt yêu thích Phnôm Pênh, Angkor, Sihanouville… và thường quở trách các thành viên trong phái đoàn của ông rằng tại sao học lại không thể để cho Jakarta sạch và đẹp như Phnôm Pênh”...Bên cạnh đó, số phận đã gắn bó Sukarno – Sihanouk nhiều hơn nữa trong những năm 1950 và 1960, khi chính sách đối ngoại xét về bề ngoài, cả hai đều giống nhau: chống thực dân, chống đế quốc và ủng hộ miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến đấu giải phóng, thống nhất đất nước. Cả hai đều cùng phải đương đầu với những vấn đề giống nhau ở trong nước, mỗi người đều cố làm cân bằng sự kình địch giữa cánh quân nhân phái hữu với những người cộng sản cách mạng. Đoạn kết về chương Sukarno, ông viết: “Nếu như có hai quốc trưởng hoàn toàn khác nhau trong phong cách của họ , thì đó chính là De Gaulle và Sukarno - mặc dù cá nhân tôi đều quý trọng, coi cả hai như người bạn và người thầy. Và cho dù họ khác nhau thế nào chăng nữa trong hầu hết mọi phương diện, cả hai vị anh hùng của tôi đều chịu chung số phận bị hất nhào khỏi quyền lực một cách bi thảm - giống như tôi, “con cưng” của họ, cũng bị hất nhào như thế. De Gaulle và Sukarno, những người bạn thân thiết của tôi, đã chết trong cùng một khoảng thời gian ngắn, trùng hợp vơi thời gian tôi bị lật đổ…”

 

Trong phần mở đầu tập sách, Hoàng thân Sihanouk có đoạn viết: “ Tôi thích những ông Hoàng cộng sản của tôi. Nếu họ có thể sống như họ đã sống và vẫn là những người cộng sản tốt, thì tôi hoàn toàn yên tâm. Và với tất cả sự công bằng, tôi phải vội vả nói thêm rằng nhân dân của họ có vẻ tán thành cách sống của họ”. Dẫn chứng điều này, rõ ràng hơn cả là với Nicola Ceausecu (1918-1989), nhà lãnh đạo của Rumani. Vào năm 1972, trong chuyến thăm chính thức Rumani, Sihanouk nhận thấy: “Ở thành thị cũng như ở nông thôn, tôi thấy người dân Rumani cởi mở tự nhiên, vui vẻ và hoạt bát. Rõ ràng là họ thích lãnh tụ của họ, Nicola Ceausecu, và hoàn toàn tự nhiên, họ chào ông bạn tôi với những vòng tay rộng mở ở bất cứ nơi nào ông tới”. Thế nhưng, đến năm 1982 và sau đó là chuyến thăm cuối cùng của Hoàng thân Sihanouk vào năm 1987, hai năm trước cái chết bi thảm của Ceausecu, ông thật ngạc nhiên khi thấy một nước Rumani bị bần cùng hoá và đổ nát so với một thập kỷ trước đó. Thậm chí, người dân trên hè phố “không muốn nhìn đoàn xe chúng tôi và nhiều người quay lưng lại với Ceausecu thay vì hoan hô ông như trước đây”. Lúc này, theo Sihanouk, Ceausecu càng già thì càng bị mất cân bằng về mặt tâm lý, và cụ thể: “ Ceausecu và vợ ông là những người mắc chứng hoang tưởng tự cao tự đại”. . Ngay sau khi vợ chồng Ceausecu bị hành quyết, đài truyền hình Rumani phát đi một số cảnh diễn ra tại phiên toà nơi họ bị kết án tử hình, điều an ủi đối với Hoàng thân là : “Nicola và vợ cho đến phút chót vẫn tỏ ra dũng cảm và có nhân cách”. Thái độ đó làm cho ông cảm thấy được khuây khoả, bởi ông là bạn của họ.

 

Với Sékou Touré (1922-1984), Tổng thống đầu tiên của Guinea - quốc gia nói tiếng Pháp được độc lập đầu tiên của châu Phi, Hoàng thân dành cho những cảm tình : “vừa là bạn, vừa là anh em, là một lãnh tụ mà người đời vừa tôn kính vừa nguyền rủa”. Tình bạn này của hai người được vun đắp bởi sự giới thiệu của Tổng thống Sukarno. Đáng nói hơn nữa, Sihanouk kể lại một kỷ niệm sâu sắc về tình bạn với gia đình Sékou Touré trong những ngày tháng lưu vong, đầy khốn khó: “Trong một chuyến thăm, khi vợ tôi rời Guinea đi Bắc Kinh, bà Andrée (phu nhân Touré ) rất đáng yêu đã khuyên Monique đọc quyển sách “đặc biệt hay này” do chồng bà viết”. Vài tháng sau, thật ngạc nhiên, khi bà Monique và Hoàng thân bất ngờ phát hiện giữa những trang sách là món quà hào phóng 5.000 USD mà Adrée đã tặng cho họ.

 

 

Cựu tổng thống Indonesia Suharto (trái) hội đàm với Hoàng thân  Norodom  Sihanouk (phải) tại điện Merdeka ở Jakarta

 

Với tư cách là cộng tác viên thực hiện tập “Hồi ký Sihanouk”nhà báo Mỹ Bernard Krisher chỉ viết duy nhất chương về Sihanouk. Ông cho biết, lần đầu ông gặp gỡ Hoàng thân vào năm 1963, qua sự giới thiệu của Tổng thống Sukarno, nhưng mãi đến tháng 7/1988, mới cơ hội được mời tham gia thực hiện tập sách này.

 

Theo Bernard Krisher: “ Campuchia giống như một tủ kính,  khi Hoàng thân phải nói một cách mộc mạc với mọi người về những gì đang xảy ra. Chẳng hạn, bản tin hằng ngày của Hãng Thông tấn Khmer có nhiều độc giả AKP đã đăng một danh sách đầy đủ từ những mặt hàng nhập khẩu của nước ngoài đến số lượng những cuộn phim Kodak và những chai rượu Perrier. Người Campuchia, dưới thời Sihanouk, được sống trong một tủ kính tuyệt vời - và không ai có thể ném đá vào cái tủ kính đó”. Chính vì vậy :”Sihanouk, để bảo vệ sự độc lập của Campuchia, đã sáng tạo ra và hoàn thiện để đưa ra những tuyên bố không thể đoán trước được, một kiểu ăn nói lấp lửng mà tôi cho là rất thích hợp và có tính toán. Ông có thể bất ngờ thay đổi ý nghĩ của mình hằng ngày, nhưng sự hay thay đổi như vậy là một chiến thuật để tồn tại đối với người lãnh đạo của một nước nhỏ dễ bị các siêu cường lôi kéo mà các siêu cường thường theo đuổi một cách ích kỷ các lợi ích dân tộc của họ, như họ đã làm ở Campuchia. Giống như một nghệ sĩ xiếc biểu diễn trên dây, luôn phải tự giữ thăng bằng trên sợi dây đang đu đưa. Sihanouk đã và đang phải tỉnh táo hằng ngày để tự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình đang thay đổi”.

 

Krisher cũng tiết lộ thêm về tập Hồi ký: “ Hoàng thân có quyền thay đổi những phần nói về ông, nhất là những đoạn trích dẫn mà ông không hài lòng”. Thế nhưng, sau khi đọc,  ông gởi một bức điện sau: “Tôi không đụng tới chương ông viết về Sihanouk, vì tôi hoàn toàn tôn trọng quyền tự do viết và phán xét của ông”.

 

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 3762
Ngày đăng: 19.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vĩnh biệt nhà cộng sản kiên định - Lê Hải*
Nhân Đọc “ Trong Như Tiếng Hac Bay Qua” - Mang Viên Long
Lời Chào Ngọn Gió – Lời Chào Nhân Gian Của Nhà Thơ Chim Trắng. - Trần Hữu Dũng
Đường Vào Văn Chương PHÊ BÌNH LÝ TRÍ VĂN CHƯƠNG của đặng phùng quân - Đào Trung Đạo
Nửa thế kỷ lưu lạc - Lê Hải*
Bộ sách phi thường - Lý Đợi
Khoảng cách vô hình - Đinh Lê Na
Đọc “Lang Thang Cố Xứ” Thấy Sông Quê Đang Chảy… - Nguyễn Tam Phù Sa
Trịnh Công Sơn không là Bob Dylan - Nguyễn Duy
Các nhà tiên phong người Portugal và ngôn ngữ học Việt Nam - Đoàn Xuân Kiên
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)