Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.233
123.161.436
 
Sau Cơn Mưa Rào
Đỗ Văn An

 

Bóng xe đạp xiêu vẹo đổ trên mặt đường song song với bóng hàng cây xanh hai bên vỉa hè. Quân cố tình chếnh cháng đầu xe thêm vài vòng cho con bé Hạnh sợ xanh mặt mèo. Đã thế, con bé bước xuống rồi hắn cũng không tha, hắn tiếp tục cằn nhằn con bé với giọng chua cay đáng sợ:

 

- Giời ạ! Thi thố xong xuôi thì nghỉ nốt quách đi chơi cho rồi. Học thêm học thắt gì nữa không biết, học mãi càng thấy ngu đi.

 

Hạnh can đảm đứng lại cố nuốt những lời xưng xỉa của hắn. Im lặng ba giây, nó đáp lại hai tiếng:

 

"Cám ơn!" gọn lỏn rồi mất hút thẳng vào nhà.

 

Bọn con gái con đứa thường quen sống với chun với nịt nên hình như giờ giấc đứa nào cũng giãn căng như cao su hết. Nửa tiếng đồng hồ trôi qua, Quân không thể trụ được nữa, đành lảng qua xem có chút động tĩnh gì không.

 

- Tìm Hạnh hả? Hạnh không có ở nhà em ạ! - Cô chị ngọt nhạt trả lời mắt vừa nhìn đi đâu không biết.

 

Con đường trong khu dân cư dần thưa vắng người hơn. Vòm trời chiều quang đãng khi nãy, giờ bắt đầu xuất hiện những chùm mây thâm xịt.

 

Bên kia đường, xe nước mía nằm im lìm khuất trong một góc bị tán cây che mất ánh đèn cao áp. Quân vội vàng chui vào đó thì vừa lúc cơn mưa rào mùa hạ đổ ập xuống ướt gần trọn tấm lưng.

Khách vào quán đã vắng hoe. Quân cố uống nốt cốc nước mía no mòng bụng rồi nhanh cho người ta dọn về. Nhưng trời mưa thế này về làm sao?

 

Chị chủ quán trông còn trẻ măng, tay ẵm đứa bé chắc mới chỉ được vài tháng. Mưa xối xả. Tấm bạt dù căng ra vẫn không đủ che cho hai mẹ con với cả quán. Chị phải ngồi xoay mình lại, lấy tấm lưng gầy gò của mình che chắn cho đứa bé khỏi bị dính nước mưa.

 

- Em bé mấy tháng rồi hở chị?

 

- Cháu được năm tháng rưỡi. Cháu quấy lắm chú ạ! Chú có bận gì không ngồi trông quán cho chị một lúc với! Để chị chạy về kêu anh nhà ra dọn bớt đồ đạc. Ông này bù khú ở đâu gọi mãi không thèm trả lời.

 

- Vâng! Em trông được. Nhà chị có xa không? Nếu cần lấy tạm luôn xe của em mà đi!

 

- Ừ được rồi, cám ơn chú! Cho chị mượn xe chút chị ra ngay.

 

Chị ta chỉ đội nguyên cái nón cũ lao đi, mình mẩy không che chắn gì ướt hết. Bà bầu mới sinh hạ được năm tháng rưỡi đâu đã phải khỏe mạnh gì. Chị ta mà ốm nặng thì ai chăm đứa bé đây?

 

Thằng bé không thấy mẹ khóc ngằn ngặt. Quân chờ lâu quá chừng, không lẽ lâu ngang bằng thời gian hắn chờ con bé Hạnh chăng. Quân lôi trong ba lô một tập giấy bút, vẽ loằng ngoằng vài hình hươu nai hổ báo dọa thằng bé. Điên hết cả đầu, nó hết khóc nó quay ra rên ư ứ, chẳng biết trong người ông còn bức bối chuyện gì, không chừng ông bĩnh luôn ra đây một bãi thì khỏe.

 

Mưa tạnh đi gần một nửa mới thấy bóng hai vợ chồng nhà kia đến. Chị chủ quán bước xuống, đôi tay gượng gạo, run run đón lấy thằng bé.

- Cám ơn chú nhiều lắm! Thứ lỗi cho chị! Lúc đi chị bị gió tạt mạnh thế là đâm phải người ta, xe của chú bị hỏng chị đem sửa rồi. Nếu không phiền chú đi tạm xe của chị vậy. Xe hơi ọp ẹp chút, chú đi giùm chị với!

 

- Rồi, không sao đâu chị.

 

Quân ấn tượng mãi với cặp vợ chồng nhà ấy. Chị vợ gầy, thấp, ốm, tay bồng con mọn, làm Quân nhớ lại mấy đứa bạn cũ của mình chưa học hết phổ thông đã lấy chồng, vẫn còn trẻ măng, cũng nuôi con mọn như vậy. Về địa bàn mới này chưa được lâu, mà sao nhớ chúng nó quá. Chúng cũng từng một thời theo gót Quân cùng đồng bọn đập phá, tung hoành khắp chốn ngày ấy. Một thời gia đình Quân còn là một gia đình kiểu mẫu có thế lực trong vùng, bố Quân từng là một ông trùm lớn, ông buôn bán bất cứ thứ gì có thể ra tiền. Kinh tế trì trệ, khủng hoảng, vài phi vụ làm ăn điêu đứng, vốn liếng tài sản trong nhà Quân lần lượt ra đi. Bố của Quân còn suýt bị truy tố. Quân hết chỗ dựa, hết thế lực, mẹ con Quân phải kéo nhau về cái  xóm trọ buồn rách nát trong con ngõ sâu thẳm. Lũ đàn anh đàn em Quân tản mát hết, bọn con gái bơ vơ, sa đà, thành ra nhiều đứa phải chịu hậu quả đau buồn như thế…

 

Về đất mới này Quân từ một dân chơi ngỗ ngược, thượng hạng nay lột xác trở thành đứa hiền khô, ngơ ngác. Xung quanh chẳng giao du tiếp cận với ai, hắn cứ sáng đi tối về biết vậy. Gặp con bé Hạnh lần ấy hai đứa tình cờ đụng đầu xe… rách toạc cả vạt áo. Nhận ra nhau là bạn cũ từ hồi cấp hai, rồi như có sợi dây vô hình đời thưở nào gắn kết, chúng nhanh chóng chơi thân với nhau. Hạnh cảm thấy giữa Quân và nó có rất nhiều điểm chung. Quân trước đây tuy là một tên hay phá phách ngang ngược, song cũng có lúc trong tâm khảm hắn khởi lên những ước vọng cao đẹp, dù xa vời hay giản đơn, nhưng rồi lại nhanh chóng bị những dao động nhất thời của cuộc sống vùi sâu xuống. Chỉ cho đến khi trải qua một loạt những biến cố, hắn mới đủ thấm thía để những tiếng nói cao đẹp ấy được cất lên, mà chỉ có trái tim nào đồng cảm mới có thể nghe và cảm nhận lấy.

 

Bố con Hạnh về đến nhà lúc mười rưỡi. Trở về từ lớp học của ông giáo già nổi tiếng mà gia đình quen biết, đôi mắt Hạnh buồn ngủ díp lại. Con phố giờ đã vắng hoe, im phăng phắc. Bên kia đường, dưới tán cây già rậm rạp, chiếc ba lô của ai nằm lại thu lu một mình. Hạnh tò mò đến nhấc lên, bên trong đó gần như nhẹ bẫng không có gì. Nhìn lại, chiếc ba lô trông có nét gì đó quen quen.

 

Ông bố nhìn thấy thế giật phăng chiếc ba lô và nói với đứa con gái:

 

- Con phải cẩn thận chứ! Biết đâu bên trong người ta cho chứa hàng cấm để hại mình thì sao?

 

- Bố cứ thử cầm lên xem, có gì đâu mà bố phải lo thế chứ!

 

Ông bố ngại ngần xách chiếc ba lô lên ngó qua loa rồi dắt xe vào nhà. Hạnh thủng thẳng kéo chiếc ba lô dậm chân thình thịch đi lên gác. Lần đầu tiên từ bé đến giờ nó dám chống lệnh và bày tỏ thái độ với ông bố đầy quyền uy trong gia đình.

 

Chiếc ba lô chẳng có gì đặc biệt, cây bút, cuốn vở, tập nháp, hết, ngoài cái tên ghi trên bìa nhãn Nguyễn Hoàng Quân. Chiếc ba lô của Quân đây mà. Dưới đáy ba lô còn nằm lại chiếc điện thoại chế vỏ màu hồng đậm, trên màn hình sáng rõ hiện lên năm cuộc gọi nhỡ. Đúng toàn là số của Hạnh gọi. Thảo nào… Hóa ra Quân đã đứng đó chờ Hạnh suốt từ lúc ấy. Mà cũng chỉ tại cái tính bất cần của Quân, những cuộc nói chuyện qua điện thoại đối với hắn dường như tạm bợ và không mấy khi xảy ra, nên hắn bèn ném quách tất cả vào ba lô, để rồi tự mình lại chuốc khổ vào thân mình vậy.

 

Hạnh vươn mình mệt nhoài ném chiếc ba lô vào góc phòng và nằm vật xuống. Bên chân cầu thang, những tiếng chân rảo bước của bố và chị Hạnh nhịp đều với tiếng hai người nói với nhau gấp gáp.

 

 

- Này! Một mai con sang bên đó, cuộc sống của con, con có liệu được chu tất? Thân con gái một mình, mà phải ở lâu dài ở nơi xa xứ!

 

- Bố yên tâm! Có gì mà con không lo được chứ. Đây là con được người ta cử đi cơ mà.

 

Người chị thân yêu của Hạnh, chị Hương, sắp được cơ quan cắt cử đi công tác ở tận bên Canada. Đến một xứ xa xôi như vậy, chị vừa háo hức, vừa hơi thấy lo lo, nhưng lúc nào chị cũng tự trấn an và luôn tỏ vẻ vững vàng. Hạnh cũng thấy mừng thay khi thấy mình có một người chị thành đạt như vậy. Khi kể chuyện này cho Quân, nó nửa đùa nửa thật: "Mong bà ấy đi lấy chồng lâu mãi bà chẳng đi. May quá! Quả này thì bà ấy có mà đi mất hút. Mình sướng rồi!". Quân nghe thấy thế chỉ quay mặt cười trừ, chẳng bảo sao.

 

- Bình thường bố đâu có hay lo xa? Mà còn những nửa tháng nữa con mới đi cơ mà.

 

- Ừ bố biết rồi. Nhưng có chuyện này bố đang cần hỏi con mới là quan trọng này.

 

- Chuyện gì bố cứ nói!

 

- Bố mẹ nuôi nấng, dạy dỗ con ăn học được như ngày hôm nay quả thật bố cũng thấy rất mừng.

 

Vậy giờ bố muốn nhờ con chuyện này con giúp bố. Đó là con còn đứa em gái đấy, con giúp bố đưa em con sang bên ấy cùng con được không? Rồi tạo cho nó điều kiện sống tốt hơn, sau này nó được thành đạt như con.

 

Sau vài giây ngập ngừng suy nghĩ, Hương đáp lại bố:

 

- Vâng! Nếu được, con sẽ cố gắng.

 

Hạnh gần như choàng tỉnh sau lời hứa hẹn ấy. Nó có nằm mơ không nhỉ? Nó sắp được đổi đời, được sang Tây hẳn hoi. Có phải nằm mơ không? Hay nằm mơ nhưng mà gặp ác mộng, khi ở bên đó có mỗi hai chị em sống chung. Mong chị ta đi biệt hẳn chị em đỡ nhìn thấy mặt nhau đỡ ngứa con mắt còn chẳng được, nay… Mà thôi! Có chăng muốn sang đó cũng cần phải chờ thêm ít nhất vài năm. Sang bên đó rồi, sống sót ra sao ai biết trước điều gì. Nhưng còn Quân, chẳng lẽ nó sẽ không còn được gặp lại thằng bạn chí cốt của nó? Và mọi kế hoạch nó đương gây dựng đối với Quân, bỗng chốc sẽ bị chuyến đi làm cho đổ bể? Mà… Nó lại lo xa rồi. Thôi ngủ đi!

 

Buổi sáng hôm ấy, như bao buổi sáng được ngủ thả phanh, và thức dậy trong không gian yên tĩnh như thế, nhưng chưa bao giờ nó cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng thanh thoát đến vậy. Nhà không còn ai, nó sung sướng chạy tuốt lên lầu hít thở không khí, rồi chạy liền xuống phòng khách đập phá. Hôm nay, Hạnh được toàn quyền thống trị nơi đây, và cả… chính nó nữa.

 

Nhưng đau đầu thay, các cánh cửa suốt từ tầng lầu cho đến tầng trệt đều bị khóa kín mít. Trong nhà không còn vật gì có thể cạy mở chúng trừ chùm chìa khóa đã bị ai đó thâu tóm mất.

 

Trong nhà, các thiết bị kết nối, giải trí sẵn có đầy đủ. Nhưng Hạnh không màng, Hạnh cần bầu tròi tự do ngoài kia hơn. Bầu trời sau những ngày mưa dài còn vương những khóm mây trắng muốt, mát rượi. Con đường buổi sáng giờ hành chính vắng hoe. Chỉ còn chiếc xe nước mía nằm bên kia đường, khuất sau tán cây, im lìm và cô độc như nó. Hạnh cứ đứng chới với qua ô cửa nhìn sang, hai chiếc bóng đơn côi lúc này đến được với nhau thì tốt. Hạnh bắt đầu cảm thấy bất lực, ngồi thừ người ra. Quả thật từ trước đến nay nó cũng hiếm có bao giờ chăm chú để ý quan sát cái quán nước con con ấy huống chi là sang chơi. Nhưng người chủ quán thì nó biết. Chị Huyền. Trước kia từng là một trong số những đứa bạn thân nhất thời phổ thông của chị Hương nhà nó. Những lần chị đến nhà chơi, nó chỉ đứng nép đằng xa nhìn chị, ngắm mái tóc dài, dày, và mượt ôm trọn khuôn mặt trắng trẻo, hiền từ và dáng người mảnh khảnh của chị. Có đôi lần, nó đã mon men ra nâng nâng mái tóc ấy trên lòng bàn tay, bị chị Hương quát cho sợ rúm ró, còn chị Huyền chỉ ngồi mỉm cười hiền khô. Thế rồi chị Huyền đã đi lấy chồng từ lúc nào, khi tuổi đời vẫn còn khá trẻ, giờ đã có hai đứa con. Trong khi chị Hương nhà ta vẫn còn mải miết với những mảnh bằng, những học vị phục vụ cho sự nghiệp cả đời của mình. Kể từ ngày Huyền bước chân về nhà chồng, dường như Hương đã quên và không còn nhắc nhớ gì về cô bạn cũ của mình nữa. Và như một định mệnh, Huyền lại chọn mở quán giải khát của mình ngay đối diện với nhà Hương. Để rồi có những đêm vắng, Hạnh lại thấy chị mình đứng bên ô cửa kính, lặng lẽ ngóng nhìn sang bên kia đường.

 

Kia có lẽ là vị khách đầu tiên ghé vào quán nước trong buổi sáng ngày hom nay, hoặc có khi khách khứa ngồi đây họ đã rời hết từ lúc Hạnh còn đang ngủ khì. Vị khách kia người dong dỏng cao, đi cái xe đạp gầy gò trông đến là tàn tạ. Người đó nhìn kỹ không ai khác chính là Quân. Hạnh giật thót mình. À, có khi hắn đến tìm cái ba lô đấy. Ba lô đâu rồi đem cho hắn nhỉ? Hạnh lút cút chạy lên phòng. Chiếc ba lô không còn nằm ở đó nữa.

 

Hạnh để ý thấy ba bốn lần Quân ngoảnh mặt về đây mà không có cách nào liên lạc được với hắn. Hạnh chới với. Thử gọi điện thoại. Nhưng chiếc phone bé xíu của hắn cũng đang nằm chết dí ở xó xỉnh nào cùng với chiếc ba lô oan gia kia rồi. Hơn mười lăm phút trôi qua trong vô vọng. Quân đã phủi quần đứng dậy, đạp chân chống và dắt ra chiếc xe khác trông vững vàng và phù hợp với con người của hắn hơn. Con phố lại vắng hoe như cũ. Lòng đường như càng rộng thêm ra, làm cho vỉa hè hai bên đường cứ dần cách xa nhau, xa nhau mãi.

 

- Chị Hương! Chị có thấy chiếc ba lô mới hôm qua của em đâu không?

 

Hương vớt vát mấy lọn tóc bị dính ướt do con mưa bất ngờ đổ ập trên đường về, lấm lát nhìn đứa em, cô vội trả lời cho qua chuyện:

 

- Ba lô nào làm sao chị biết được.

 

- Chiếc ba lô em tìm thấy hôm qua, lúc em đem lên phòng chị cũng nhìn thấy. Vậy mà sáng nay đã không thấy đâu rồi.

 

- Đồ đạc của người ta mình nên dây dưa làm gì cơ chứ.

 

- Chiếc ba lô đó là của đứa bạn em. Nay em đang định mang trả cho nó đấy…

 

Hương đang đứng quay lưng cởi ra ngoài chiếc áo khoác nắng, cô ngoảnh mặt nhìn đứa em cười khẩy:

 

- Có thật là của bạn em không?

 

- Thật mà chị!

 

- Bạn em có phải là cái cậu hay đứng ở đầu đường chờ đón em đi học đó hả?

 

Suýt bất ngờ, Hạnh đã buột miệng thú nhận. Bản năng dấu giếm vẫn chưa thể che dấu hết vẻ lộ liễu trên nét mặt hoảng hốt của Hạnh:

 

- Em làm gì có… Chị!

 

- Em chối sao được chị. Nói thật với em là chị đã đem trả chiếc ba lô về đúng cho chủ của nó rồi.

 

Em đừng bận tâm làm gì nữa.

 

Sục sạo một hồi, Hạnh bước xuống, trên tay phe phẩy một tập giấy nhàu nát với đủ các loại hình ký họa bút bi vẽ lộn bậy trên đó, mặt mày rạng rỡ thông báo với bà chị:

 

 

- Rất tiếc chị Hương ạ! Chị đem trả còn sót đúng một thứ. Cũng không phải quan trọng gì nhiều nhưng em sẽ mang trả. Lần này chị không phải đi nữa đâu.

 

"Ở nhà! Không đi đâu hết!" - Tiếng quát ra lệnh ngay sau lưng làm Hạnh giật thót mình mẩy. Bố Hạnh đã về từ bao giờ, và ông cũng có điều cần bảo ban Hạnh: - Mấy hôm được nghỉ, bố sẽ gửi con lên nhà ông giáo kèm con học. Ngay chiều nay bố sẽ đưa con đi.

 

Hạnh đứng ngây người ra, lóng ngóng đứng lật giở từng trang giấy nhàu nát, một hồi lâu mà nó vẫn không diễn tả nổi những hình thù kỳ dị mà Quân đã phóng bút để nạt thằng bé con chị hàng nước. Chúng vừa rói rắm, tinh nghịch, lại vừa có những nét ngây thơ đáng yêu…

 

- Xem ra em vẫn còn nặng tình nặng nghĩa vói chủ nhân chiếc ba lô gớm nhỉ! - Hương đi qua nguýt dài đứa em một câu.

 

- Thế thì có vấn đề gì không hở chị?

 

- Chị cũng không hiểu sao em lại chơi với cái thằng như thế. Con nhà tử tế không chơi, đi chơi với cái loại con nhà giang hồ, lưu manh, sa cơ thất thế phải về chốn ngóc ngách chui nhủi. Chắc gì nó tử tế với em.

 

- Trước khác. Giờ khác. Em chơi với những con người như thế là để giúp họ.

 

- Em còn chưa lo nổi thân em, em đòi lo giúp ai. Em định giúp cái gì?

 

- Em giúp nó không còn lăn vào vết trượt mà cả nó lẫn cả nhà nó đã từng phạm phải. Em tin em sẽ làm được.

 

- Thôi được rồi chị xin em. Em nghe lời bố, nghe lời chị, lo thân mình học hành cho nghiêm chỉnh rồi sau này chị sẽ cho em sướng. Còn không á, này, về lấy chồng đi bán nước mía như con bé Huyền bên kia kìa. Thấy rồi đấy.

 

Hạnh phải mất một lúc lâu mới dứt khỏi cơn bàng hoàng sau câu nói của chị mình. Không phải lần đầu Hạnh chứng kiến những hành vi ác nghiệt, mưu mô của chị mình và của bố, nói đúng ra đó là một sự thừa hưởng. Nhưng Hạnh chưa từng nghe câu nói nào tàn nhẫn đến độ chóng mặt như vậy. Cảm tưởng giữa trời và đất, có thể đảo ngược chẵn một trăm tám mươi độ cho nhau chỉ trong phút chốc. Mà ngoài kia trời đang mưa to nữa chứ.

 

Từ những nét vẽ xuê xoa, nghịch ngợm trên trang giấy nhàu, Hạnh lại thấy gợi về trong mình những cảm giác âu yếm, rất đỗi thân thương, dẫu rằng chúng xa vời, đã xa lâu lắm rồi. Một nhà có hai chị em gái, đứa bé em - là nó - đành hanh, suốt ngày bắt chị mình vẽ đủ thứ con hươu nai hổ báo cho nó ngắm rồi… xé vụn dừ, trong khi cô chị biết chiều em, luôn nhẫn nại bò nhoài người ra nhà, nắn nót vẽ từng nét cho đều, tô màu cho kín, mà chẳng bao giờ vừa lòng được đứa em.

 

Chiếc két sắt có hai lớp khóa. Ông bố lôi từ trong két ra chiếc ba lô đen cũ nhàu không biết của ai đưa cho đứa con gái lớn, rồi nói nhỏ, dặn dò cẩn thận:

 

- Bố đi vắng mấy ngày, ở nhà trông coi giúp bố. Trong này để toàn giấy tờ quan trọng, nhất là cái bọc trong góc kia kìa, đừng động vào của bố nhá! Cả mẹ mày cũng đừng để bà ấy bén mảng gì vào. Nghe chưa!

 

- Rồi, bố cứ yên tâm!

 

"Chắc hẳn đống giấy tờ kia, là những con số thực, những tư liệu, hồ sơ, đơn từ, bằng chứng,… Của một số nhân vật, và của cả ngay chính bản thân bố. Những thứ đó giúp cho người ta có thể nắm quyền sinh sát lẫn nhau". Hạnh đoán vậy, mà cũng chắc thế, bởi không ít người đã phải chết dìm chết nén oan uổng dưới đôi bàn tay của bố rồi.

 

Gần một tuần thui thủi ở nhà không được gặp con bé Hạnh, Quân liêu xiêu, thẫn thờ như một tên say. Quân đạp xe ghé lại chỗ chị Huyền kiếm chuyện cho đỡ buồn, đồng thời ngó sang nhà con nhỏ bạn thân kia đôi chút cho đỡ nhớ.

 

Thấy hai cánh tay gầy guộc, với cả thân hình ốm yếu của chị đang phải gồng lên quay chiếc máy ép mía, Quân xót xa gặng hỏi:

 

- Sao chị không cắm điện chạy máy cho đỡ mệt?

 

Chị cười và đáp lại: - Có điện thì chị đã cắm vào lâu rồi em ạ.

 

- Mà sao chị không bán thêm nhiều loại nước giải khát khác đi, bia bọt nữa chẳng hạn cho hoành tráng. Đằng này cứ ôm cây mía dài.

 

Huyền hãnh diện trả lời thằng em: - Chị có bán rồi, nhưng người ta lại chỉ thích uống nước mía dài của chị thôi mới lạ.

 

Quân nhảy phắt xuống xe đến bên chị:

 

- Thôi đi ra nghỉ tay đi để em làm cho!

 

Hắn mới chỉ quay ép được sáu cây mía mà tay đã mỏi dừ, mồ hôi chảy ròng ròng. Mệt quá mà cũng không dám nghỉ. Sắp đầu hàng thì chợt có tiếng đứa con gái nào gọi thốc bên tai:

 

- Quân ới ời!

 

Quân ngẩng lên, thấy con bé Hạnh đang cưỡi xe đạp, cười toe toét lượn qua lượn lại trước mặt hắn. Hắn mừng rỡ, hất hàm hỏi cộc lốc:

 

- Mày đi đâu về đấy?

 

- Vừa ở trên nhà ông giáo về đấy. Cả tuần bị ông rèn cho bê bết, hôm nay mới được tháo xích trốn về đây chơi. Ông giáo nghiêm lắm, nhưng ông cũng chiều. Ở trên ấy có khi còn thích hơn ở nhà.

 

Hạnh ngoảnh nhìn về ngôi nhà của mình phía bên kia đường, lúc nào cũng đóng chặt cửa im ỉm lạnh lẽo như thế. Nó quay sang chị Huyền hỏi dồn: - Nhà em có ai ở nhà không? Chị có thấy bố mẹ em đâu không? Em gọi mãi không được.

 

- Chị cũng không biết. Mà bố mẹ em, từ hôm ấy hai ông bà chiến tranh nóng lạnh thế nào mà ông thì đi đâu một hơi mất hút mấy hôm nay, mẹ em thỉnh thoảng còn thấy đáo về nhà.

 

- Thế còn chị Hương của em?

 

- Lâu lắm rồi chị không còn nhìn thấy chị ấy đâu cả.

 

Quân sốt ruột:

 

- Ra làm hộ người ta cái. Chốc nữa chị Huyền khuyến mãi cho cốc nước lọc có đá.

 

Hạnh nũng nịu: Chị ơi! Em thích uống nước cam ép cơ!

 

- Nước cam à. Tính ra thì hơi bị đắt đấy, phải trả thêm tiền. Nhưng riêng em gái chị thích gì chị chiều nấy. Chỉ có thằng Quân kia là phải bao hết.

 

Họ cười phá lên với nhau tưng bừng cả một góc phố. Tiếng cười lan theo tiếng những cơn gió hè thổi qua mát rượi. Nắng đã dịu bớt, chỉ còn se se những luồng nhỏ qua tán cây, ánh rạng rỡ, lung linh trên khuôn mặt của từng người ngồi trong quán./.

 

 

Đỗ Văn An
Số lần đọc: 1711
Ngày đăng: 22.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày này, năm… - Nguyễn Đạt
Đêm Mùa Hè - Nguyễn Trung Dũng
Nhân Tính - Hướng Dương
Siêu nhân bé bỏng - Quế Hương
Con Nhồng Bù Đốp - Quế Hương
giàn mướp bên kia sông - Phương Trân
Trên đường - Nguyễn Đạt
Tham kiếm - Thái Quang Hy
Tên con là Hòa Bình - Từ Nguyên Thạch
Bức Chân Dung - Nguyễn Trung Dũng
Cùng một tác giả
Sau Cơn Mưa Rào (truyện ngắn)
Món quà cuối năm (truyện ngắn)