Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
941
123.136.952
 
Văn là chữ người viết mãi mà thành
Đỗ Quyên

 

(Mạn đàm về tập truyện của Do.honza:

3 Cuộc Đời - Chuyện Tây Ta, Nxb Lao Động 2012)

 

Tôi đã mượn cấu tứ chân lý của văn hào Lỗ Tấn: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường đó thôi.” Dường như đa số các tác phẩm văn học – từ kiệt tác tới sáng tác bình thường - là do người ta viết, viết mãi, viết mãi mãi mà nên. Văn chương là chữ nghĩa được con người tạo tác bằng mồ hôi và máu đào, bằng cuộc đời và có khi cả sinh mạng. Tất nhiên, văn chương cũng từ hoa hồng và nụ cười. Và đó là hoa hồng mọc lên từ đất đen. Là nụ cười rưới bằng nước mắt. Những ai dính vào bút mực, ít nhiều thấu; mỗi người một cách...

 

 

3 cuộc đời[1] (từ đây tên sách được viết gọn) được ra đời khi “cha” của nó - Do.honza, tức Đỗ Ngọc Việt Dũng - vào độ tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận”[2] sau những năm xuôi ngược Việt Nam – châu Âu “khi lên voi lúc xuống… mèo”. Không như những người viết chuyên nghiệp có một con đường tất nhiên hay ngẫu nhiên, Do.honza là tác giả “tài tử”. Thế mới nên chuyện: trong cuộc đời của Dũng; trong quan hệ họ hàng chúng tôi mà Dũng đang là trung điểm; trong cuộc sống và nhất là trong đời văn của tôi, ở đó đang hình thành một bài học lớn: Văn là chữ người viết mãi mà thành! Vâng, thuở học trò, tác giả của 3 cuộc đời chính là một nguồn tư liệu, ghi chép đa dạng và khác lạ cho tôi.

 

Văn là người. Văn là đời. Do.honza và 3 cuộc đời là một cặp minh chứng. Hay dở tùy ở bạn đọc.

Xin nói về tác phẩm này và vài liên hệ. Như là một độc giả đặc biệt (đầu tiên, gần gũi) và một người bàn luận bình thường.

 

I. Đây là tác phẩm văn học đầu đời của tác giả.[3]

 

Trong hơn 500 trang sách, 3 cuộc đời mang phương pháp truyền thống (chân chất “truyền thông”), phong cách hiện thực (có “bịa” cũng như thật) và bút pháp tự nhiên (“như người Hà Lội”) – ba tiêu chuẩn dễ chinh phục nhiều lớp độc giả. Bởi tới cùng, ấy là bản chất của người, của đời và của văn. Cuốn sách lôi cuốn không ở hành văn mà qua lối kể hết nhân vật này lại sự kiện khác và điều gì cũng đáng kể.

 

Hạn chế của tập truyện, theo tôi, cái chính là nặng tư liệu, thông tin, nhẹ không gian nghệ thuật. Ít yếu tố “tả” phát triển tâm lý, tình cảm. Ngôn ngữ văn học chưa nhuyễn trong khi chất báo chí như giọng chính. Cả cuốn sách cũng như từng phần, rất nhiều “chuyện” ít tạo “truyện”. Chi tiết nhiều, dẫu đắt chưa hóa thành tình tiết quý. Âu cũng bởi sự chưa thuận tay về kỹ thuật trần thuật và xây dựng nhân vật thường thấy ở các tác phẩm đầu tay chăng? Hay tác giả có cách làm khác về tự sự, về nhân vật? (Mục IV.1. sẽ bàn thêm)

 

Phần 1 của cuốn sách mang cảm hứng sử thi; ba phần sau thuộc về cảm hứng thế sự. Sử thi ở đây đan giữa hùng và bi; Thế sự ở đây thông qua hàng chục cuộc đời, hàng trăm nhân vật bình thường, không theo mẫu của văn học hiện thực XHCN hay mẫu nào khác. Chân thành, tất cả vẽ lên một thời đại của dân tộc Việt ở trong và ngoài hình chữ S. Đó là các nhân vật vì nhiều lý do lịch sử, xã hội và kinh tế - kẻ thì bị, người lại được - trôi nổi, lang bạt ở Cộng hòa Séc trong hơn nửa thế kỷ qua. Tức là về quan niệm thẩm mỹ, cảm hứng bi hùng (phảng phất hài) của 3 cuộc đời không từ các nhân vật thái cực trong cái đẹp trữ tình hay cái xấu tố cáo. Tác giả minh triết đến độ vô tình khi minh họa các chân lý sống của nhiều nền văn hóa: Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai; Hồng nào mà chẳng có gai; Sảy nhà ra thất nghiệp; Giầy dép còn số nữa là người; C’est la vie - Đời là thế; Thương trường là chiến trường; Co vaříš, tak to sníš – Nấu gì ra, phải ăn hết thứ đó; Rượu mình nấu thì để đời con uống, rượu mình uống là của ông bà nấu để lại”; v.vvà v.v

 

Tư tưởng chủ đề bộc lộ qua tên chung tập sách - 3 cuộc đời. Ẩn dụ này phủ lên từng nội dung cụ thể trong các phần, và trước tiên nó lặn vào ý đồ bao quát như các tiêu đề đã chỉ ra:

 

“Mỗi chúng ta có một cuộc đời, cùng chung sống tạo nên nhiều cuộc đời, nhưng một con người cũng có thể có hai hoặc nhiều cuộc đời song song, nối tiếp. Điều quan trọng là ý nghĩa, giá trị của cuộc đời đó. Sinh ra là để bắt đầu một cuộc đời nhưng chết đi chưa chắc đã kết thúc cuộc đời. 3 cuộc đời mong muốn mang đến cho các bạn sự trải nghiệm về những cuộc đời của một con người cùng đường dẫn dắt tới nhiều cuộc đời đồng loại khác gắn kết qua từng giai đoạn lịch sử của 3 cuộc đời. Sống trong nhiều môi trường địa lý khác biệt, tiếp cận nhiều nền văn hóa nhân loại, trải qua nhiều biến cố chính trị, xã hội chúng ta có nhiều “cuộc đời” (tr. 3)

 

Và: “Bao nhiêu ngôn ngữ bấy nhiêu cuộc đời” (tr. 4)

 

Dễ dàng suy diễn, tán rộng về con số 3 với nhiều biểu tượng mà xã hội, văn hóa dân tộc nào cũng mang trên mình.

 

II. Bằng cách tổ chức tác phẩm, Do.honza đã làm nên một sáng tác riêng: lạ và mới.

 

Thể loại và cấu trúc tác phẩm là vấn đề gần như quyết định chuyển đổi trong văn học đương đại. Phá cách, 3 cuộc đời đã được/bị ảnh hưởng rất… vô tư! Thú vị ở chỗ thật ra tác giả không hề biết đến “cách” để mà “phá”. Nghĩ sao viết vậy. Thấy sao làm vậy. Cho thỏa lòng mơ. Cho tiện tay viết. Khá là “không giống ai” về tổng thể. Rất thông thường về từng phần. Nói theo lý thuyết, 3 cuộc đời có đóng góp mới cho thể tài truyện và ký, tạm gọi là cấu trúc cài răng lược trong hình thức truyện ký hóa tiểu thuyết tư liệu. Nói gọn, một kiểu sắp đặt các sáng tác rời rạc có chung đề tài.

 

Toàn tập truyện gồm bốn phần. Trong Mục lục có cách trình bày bắt mắt tên từng phần; ở đây viết ngắn lại: Phần 1: 3 cuộc đời; Phần 2: Chuyện Tây; Phần 3: Chuyện Ta; Phần 4: Âm trần. Bốn phần gần như độc lập về nội dung và hình thức. Có thể chỉ đọc một phần cũng đầu cuối trọn vẹn. Đọc xong nếu muốn sẽ tìm các phần khác.

 

Phần 1 tựa như một tiểu thuyết nửa hư cấu nửa tư liệu lịch sử, từ cuộc Kháng chiến chống Pháp 1945 tới thời Đổi mới với cao trào Xuất khẩu lao động của người Việt ở Đông Âu. Nhân vật chính là Dân, một trí thức người Séc gốc Việt với gốc gác vô tình là lính Lê dương ở Việt Nam trôi dạt sang châu Âu, có người vợ (thứ ba và cuối cùng) là Marie – một trí thức người Séc bản địa. Có thể gọi đây là “truyện mẹ”. Nếu dùng các biện pháp nghệ thuật thông thường về tự sự và tâm lý thì “truyện mẹ” là một tiểu thuyết quen thuộc.

 

Ba phần còn lại là “truyện con”. Phần 2 và Phần 3 gồm các “truyện con” độc lập với nhau và gần như cả với “truyện mẹ”; chúng không là các đoạn truyện ngắn theo nghĩa thường mà nghiêng về ký sự. Ở đây, rõ hơn Phần 1, nếu muốn hiểu “nhân vật tôi” hoặc chính tác giả khi gần lúc xa trong nhiều câu chuyện. Tên các truyện nói rõ thể tài: “Du học bên Tây”, “Yêu bên Tây và lấy Tây”, “Một thời xuất khẩu lao động sang Tây”, “Ở hay về”, “Vượt biên sang Tây Đức”, “Liên doanh với Tây”… Phần 4 là một truyện dài liên hoàn về cuộc sống thật của các đại ca (ở đây là giả) trong xã hội đen của người Việt tại châu Âu. Honza, một trong ba nhân vật chính, từ Việt Nam sang Đức tị nạn và là con của Dân. Nhân vật người Séc tên viết tắt trong Phần 1 tham gia trong vụ án hình sự của Phần 4.

 

Trong Phần 1, mỗi khi đặc tả thì có “đường dẫn” bằng Chú thích đưa sang các phần sau ở tiểu truyện khác nhau, liên hệ ít nhiều với Phần 1, song phần lớn là riêng biệt. Ví dụ: Sau câu “Cậu bí mật tham gia vận động ký tên vào Charty 77 - Hiến chương 77, có lần bị an ninh truy cứu phải giấu nhờ hồ sơ bên phòng người bạn sinh viên Việt Nam ở ký túc xá” là câu “Mời xem Phần 2, truyện ‘Yêu bên Tây và lấy Tây’: Sự thật về những tình yêu hải ngoại.” (tr. 104) Tất cả hướng về đích: đề tài lớn rộng theo dòng lịch sử với các quan niệm, kiến thức, suy luận cùng vốn sống, mong đem đến một bức tranh vô vàn sự kiện, chi tiết đời thường với sự hư cấu, lắp ghép thành một số nhân vật chính. Tất cả để kêu gọi sự bao dung và hòa đồng.

 

Tôi từng thốt lên “Mạo hiểm!” lúc Do.honza đề xuất ý định, bảo “Thử điên một chút”. Sáng tạo nào không có cái Điên dự phần! Vấn đề là thành quả hay thành… rác? Những tay chơi trò hậu-(…)-hậu-hiện-đại, vẫn coi nhiều loại rác-văn-học là những thứ quả mọc dưới đất; có thứ quả-dưới-đất tới lúc ngoi lên; có thứ mọc mãi dưới đất, vĩnh viễn một đời quả. Còn với tay viết Do.honza thì khác...

 

Bên trên tôi gọi cách tổ chức tác phẩm này lạ và mới. Mà – tất nhiên - không thể để trượt theo hai chữ “cách tân” dễ có ở nhiều nhận định về những mới lạ trong văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay. Lạ và mới của 3 cuộc đời ở mức thủ pháp kỹ thuật văn bản, còn xa đỉnh của thi pháp nghệ thuật tác phẩm. Là một lối dần dần…lên đỉnh? Có thể lắm!


Phải chăng các sách đầu tay – lại là tiểu thuyết - ít theo đường lối xây dựng sẵn. Nỗi buồn chiến tranh nổi tiếng của Bảo Ninh và Binh thư (L’Art français de la guerre; giải Goncourt 2011) của A. Jenni là hai ví dụ. Mới toanh là Sông của Nguyễn Ngọc Tư. Tác giả cảm thấy “vừa sợ vừa thích. Đây là một bài tập đầu tay của tôi: kể thừa một câu chuyện (trong khi truyện ngắn là kể thiếu một câu chuyện)”.[4] Định nghĩa độc đáo! Phục Tư luôn! Nếu đó là lối dựng “truyện” từ các “chuyện” theo cách kể-thừa, thì với Do.honza là kể-rất-thừa và riêng rẽ. (Xem tiếp Mục IV.1)

 

Không biết trong văn học Việt đã có nhiều cuốn sách mang hình hài lắp ghép “mẹ-con”? Văn học thế giới hẳn không quá hiếm. Bộ tiểu thuyết Tứ thư của Diêm Liên Khoa vừa có dịch sang tiếng Việt mang kiểu liên kết rất kỳ khu, được tạo nên “bởi sự trích dẫn lồng ghép từng phần từng trang của bốn cuốn sách” với hai cuốn của chính tác giả, một cuốn khuyết danh, còn một cuốn là bản thảo sáng tác của nhân vật.[5]

 

 

III. Với đề tài của mình, 3 cuộc đời đi vào “thư viện” văn học Việt di dân và văn học toàn cầu hóa.

 

Nhà văn Đà Linh đã gọi cuốn sách là một Thiên ký ức sống[6]:

 

Bằng tất cả sự nghiệm sinh, Do.honza đã đưa lại một bức tranh trần trụi về thân phận đồng loại, những thế hệ người Việt, với nhiều nguyên do khác nhau, đã đến làm việc, sinh sống, lao động ở các nước Đông Âu, từ những ngày Kháng chiến I, khó khăn Bao cấp thủa nào, cho đến thời kỳ Mở cửa, Hội nhập hôm nay.” (Lời bạt)

 

Dòng văn xuôi về người Việt du học, xuất khẩu lao động, di dân ở Liên Xô - Đông Âu cũ đang có danh sách đủ dài với nhiều tên tuổi đã xuất bản sách, như Thế Dũng, Hữu Đạt, Nguyễn Hoài Phương, Lê Minh Hà, Phạm Hải Anh, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Văn Thọ, Thụy Anh, Nguyễn Tiến Hóa… Nay tôi nối thêm bằng cây bút mới Do.honza.

 

Chỉ nói về cốt truyện 3 cuộc đời đã là loại văn bản tốt, lành. Dễ kể lại. Dễ dựng thành phim. Độc giả nào đã từng “đi Tây” dễ soi mình trong đó.

 

Bám vào lịch sử dân tộc để nói về lịch sử một đời người đan trong lịch sử nhiều đời người là motif phổ biến, nhưng với phạm vi Việt Nam - Pháp - Séc thì đây là lần đầu tiên trong văn học Việt – Séc. Giọng ca của 3 cuộc đời hòa trong muôn điệu của cuộc “dấn thân và lựa chọn được coi là một chủ đề chính của nhiều cuốn tiểu thuyết thành công trong văn chương đương đại Việt Nam…” (Bùi Việt Thắng)[7]

Trong 3 cuộc đời có bảng giá trị Việt tính, cả dương lẫn âm - điều cũng từng được nêu trong Lời bạt tiểu thuyết Quyên[8]. Như một bảo đảm về xã hội học, các sản phẩm văn học – đại diện qua ký, truyện, tiểu thuyết - về và của người Việt ở nước ngoài phải chứa đựng thông tin về thuộc tính dân tộc Việt. Cũng giống trường hợp chiến tranh, dân tộc tính cả tốt lẫn xấu của một sắc dân thể hiện rõ nhất nơi tha hương. Qua cả trăm nhân chứng, tập truyện này như cuốn sổ thống kê đặc trưng Việt, từ các dân tộc tính thuộc về bản sắc truyền thống cho đến những hình ảnh mới xuất hiện trong thời hiện đại và giai đoạn toàn cầu hóa. Nhân bản và khách quan, tác giả không tụng ca một chiều cũng chẳng tố giác trực diện, và nhất là không hẹp hòi dân tộc chủ nghĩa cũng chẳng mặc cảm nhược tiểu. Nên xem đó là một điểm son của 3 cuộc đời mà các văn phẩm Việt cần đạt được. (Người Việt chúng ta, dân châu Á chúng mình vốn dĩ chủ quan cảm tính khi nhìn về ta, về mình. Có thi nhân từng cảnh tỉnh, “ta là ta mà lại cứ mê ta.” Đã sao, chẳng chết thằng Tây thằng Séc nào! Có điều nhiều cơ hội thăng hoa của dân Việt đi đoong.)

 

Phần 1 logic và thuyết phục, tạo cảm xúc và dư âm. Lời văn dung dị, biểu đạt tư tưởng chủ đạo sâu sắc: Người Việt dẫu nơi tha hương vẫn sinh thành và phát triển nhờ tình bao dung và tính hòa đồng. Dân, nhân vật chính không thuộc phe nào theo nghĩa ta-địch. Cả “phe nước mắt” cũng không; khi cần anh vẫn phải mang lửa vào nước mắt. Nhiều đoạn đời của Dân hấp dẫn, cảm kích: từ Paris sang Praha; về Việt Nam phục vụ chiến tranh chống Mỹ rồi bị nghi oan là gián điệp; gặp lại con đẻ; v.v… Đó là các tiểu kết và tổng kết hậu vận đẹp thuận luật tình lệ đời Việt. Chúng được bày ra tự nhiên, như các… tất yếu văn học. Vâng, không phải cái tất yếu lịch sử nào cũng được vậy.

 

Phần 2 và 3 là nơi tôi tâm đắc nhất, vì gần gụi đời mình. Vì các ghi chép khiến tôi “thèm muốn”. Từ chi tiết giá trị không ngờ đến quan niệm nhân sinh đại đồng, từ vô số nhân vật tầm thường đến điểm nhìn sắc sảo nơi người viết; Chưa kể trí nhớ và trách nhiệm về các câu chuyện nhậy cảm, động trời. Tin là nhiều bạn đọc sẽ thán phục vốn sống thấm vào chữ nghĩa đến nhuần nhụy, giản dị ở một cây bút mới.

 

Là người gần như trong cuộc, tôi đọc truyện Hồi xuân (tr. 461) để xúc động thêm. Để buồn. Rồi để mừng: đời luôn “có hậu”. Với bạn đọc bình thường, có lẽ đây là bài ký tương đối đạt. Ngay cả nội dung không tạo sốc, so với bao oan khuất chấn động cùng nhiều nạn nhân nổi tiếng trong xã hội Việt Nam tạm tính từ thời 1954 tới nay. Ngay cả nghệ thuật thể hiện chưa hoàn hảo, chưa đậm độ văn học để đứng riêng như một tác phẩm ký độc lập; Tức là cần khái quát, điển hình hơn, bớt chi tiết cá nhân, thông tin phụ để tôn cao ý chính mà tác giả đã làm được: hồi ức của một nhân chứng về sự bất công ở vấn đề trí thức XHCN Việt Nam trong thế kỷ trước. Song, ít nhất câu chuyện đã lộ ra số phận “nhân vật tôi” qua nhân vật người cha. Muốn hiểu tác phẩm và tác giả, nên đọc Hồi xuân - một cái trụ “VIP” trong “khu nhà lắp ghép” 3 cuộc đời. Nhân vật chính ở Phần 1 cũng được có phần nào từ đấy.

 

Tôi thấy truyện Cái nồi méo (tr. 493) hay nhất trong cả tập. Vẫn điệu kể nhi nhiên, “có sao nói vậy người ơi”, đặc ở độ ẩn dụ dân gian, gọn như hai trái tim chắp vá, và khóc cười theo đời riêng của tác giả.

 

Phần 3 có lẽ là nơi tụ các sở đoản của tập sách, ở một số bài như Thuế Tây, Liên doanh với Tây, Doanh nghiệp Tây, Víza đi Tây? Nếu là các bài báo lẻ thì còn được, có ích cho ai muốn biết về kinh doanh nước ngoài tại Việt Nam.

 

Phần 4 có ba nhân vật chính riêng rẽ, được kể lộn xộn mà lôi cuốn. Như chính xã hội Việt ở Séc, ở Đông Âu. Tới đây, tác giả chuyển sang loại hình truyện ký nhiều kỳ. Dẫn chuyện hồn nhiên và linh hoạt hơn Phần 1. Các chuyện hút hồn và rùng mình trong hàng chục năm nay, khi nói về cuộc sống bươn trải của con dân Việt trên xứ Âu. Này là xã hội đen thanh toán nhau; này là buôn bán bất hợp pháp, trồng thuốc phiện; rồi – tất nhiên - là chết thảm là tù tội là tan đàn xẻ nghé suốt từ Nghệ An tới Praha, từ Berlin về Huế... Nhưng cũng tất nhiên, các hố thẳm ở sát những đỉnh cao thành đạt của tiền-tài-tình nơi vẫn là niềm tự hào của chúng ta: người Việt Đông Âu! Khi vừa đọc bản thảo, tôi lo với mớ tư liệu cận-sự-thật phải giỏi tay bút để làm văn học, không lụy báo chí. Coi lại vài nguồn sách báo, yên tâm hơn.

 

IV. Trao đổi thêm về nghệ thuật viết trong 3 cuộc đời.

 

Sách ra được ba tuần tác giả cập nhật hồi âm từ một số độc giả: “Có người điện ngay hôm sau: ‘bắt đền’ vì phải đọc đến ba giờ sáng, mất ngủ, hấp dẫn không dứt được; Người khác bảo: đọc đi đọc lại hai-ba lần, không hiểu lấy đâu nhiều tư liệu thế; Người lớn tuổi có chung nhận xét: lối viết khác lạ, đi thẳng vào sự việc, tình tiết hấp dẫn, vừa bi lại hài ngay được, nhân văn, đọc phát khóc; Một vị còn ví: viết cứ tửng từng tưng mà với mười ngón tay đã điểm huyệt trên toàn cơ thể con người, xã hội Việt Nam; Lại có người ‘trong cuộc’, từng sống lâu ở Tiệp Khắc, cười ý vị: ‘Liều nhỉ, dám viết ra ‘chuyện thật’!” Chúng ta hiểu đó là cách nói trong vòng đai bạn bè, cần được thể tất nhất định. Tin cũng cho hay, cuộc phỏng vấn tác giả của Đài truyền hình VTV1 trong chương trình Mỗi ngày một cuốn sách phát vào sáng chủ nhật 21/10/2012.

 

Không ngạc nhiên, tôi cũng sẽ thông hiểu và “thông cảm” nếu có các ý kiến rằng, phần truyện “mẹ” và phần truyện “con” ít quan hệ… mẹ con về nội dung và văn phong; rằng “đầu cua tai nheo” chắp nối; Còn nữa: Ngôn ngữ sao mà dễ dãi, đơn điệu, lắm chỗ lê thê; Kể và tả (tả cảnh tả người) chưa rõ ràng, hiếm các thủ pháp tu từ; tìm mãi chẳng thấy những lời có cánh “made in Do.honza”; Chưa cao nghiệp văn dù dầy nghề báo, để tăng trọng cho văn phải thêm “mắm muối mì chính tương ớt” nữa; Chưa hết: Văn xuôi gì mà không ra truyện chẳng nên ký, vắng đa thanh khi cố thủ điểm nhìn trần thuật của tác giả; Lời thoại chưa trau chuốt, cứng; dành ít chỗ cho tính lấp lửng; Rất “phí rượu” khi tung ra ngần ấy “hàng độc” mà nếu “mông má” sẽ thành hàng chục truyện ngắn “xịn”, năm ba tiểu thuyết “chuẩn”, v.v… và v.v…. Tức là lôi sách giáo khoa để chê và phê thì “nhà văn trẻ” Do.honza mà nhát đòn chắc sẽ buông bút!

 

Nương theo 3 cuộc đời, xin thảo luận về một số quan niệm thi pháp (tiểu thuyết, văn xuôi) cùng những nhận định khác qua các tác phẩm quen thuộc.

 

1. Khái niệm “số phận của nhân vật”:

 

Lâu nay, đây là tiêu chí quan yếu trong nghệ thuật tiểu thuyết/ văn xuôi. Theo tôi, tên gọi vẫn còn giá trị, trong các phong cách hiện đại hay hậu hiện đại nó ẩn hiện khó nhìn nhận. “Nhân vật” đã đổi thay: không còn là “người”, thậm chí là “vật, sự việc” nữa. “Số phận” của nó càng thay đổi theo.

 

Nhà báo Mi Ly bàn về Sông nói trên như sau:

 

Tôi gọi Sông là tiểu thuyết buôn chuyện. Buôn, chứ chẳng phải kể. Tiểu thuyết này như nhiều truyện ngắn gộp lại với nhau. Qua mỗi khúc sông là xong một câu chuyện. Mỗi địa danh gắn với một vài khoảnh khắc bàng hoàng. Những gì nhóm của Ân - nhân vật chính - góp nhặt trong chuyến đi dọc sông Di có chung một chủ đề: Những mảnh đời trôi dạt, chưa đủ đậm nét để gọi là những số phận.”[9]

 

Đúng! Mà cũng là một cách phê bình (đẽo) tác phẩm cho vừa (giầy) lý luận nếu tác phẩm chưa vượt hẳn hệ hình cũ. Thôi kệ, cứ “chảy đi sông (của Tư) ơi!” Các ý của Mi Ly còn có thể nói về 3 cuộc đời. Ở số phận nhân vật, như Do.honza đã rành mạch trong tiêu đề. Ở “cách đọc” của người đọc về “cách kể” của người kể. Một phần nào, ở sự lắp ghép các “truyện con”. Sông có liên kết nội tại, giống với nhiều sáng tác hiện đại gần đây - thành tựu mới và dài hơi là tiểu thuyết Biển và chim bói cá của nhà văn Bùi Ngọc Tấn; xa một chút và đoản thiên là Đảo chìm của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

 

Theo lời tác giả, từ một bản thảo “tiểu thuyết dài, dày hơn 300 trang” tiểu thuyết mi ni Đảo chìm “chỉ còn chừng 80 trang lại tách tiếp ra thành 16 truyện. Mỗi truyện một tình huống. Có truyện chỉ ba-bốn trăm âm tiết. Truyện dài nhất cũng chỉ bốn-năm trang. Tách ra, nó thành truyện độc lập, gộp lại trong một chuỗi thì nó là cuốn tiểu thuyết 15 chương. Mỗi chương là một truyện. Mỗi truyện đều liên quan đến nhau.”[10]

 

Tác giả Trung Trung Đỉnh kể về nhà văn Nguyên Ngọc:

 

“(…) ông quay sang Nay Nô, tác giả cái truyện ngắn có tên là Ở Ro. – ‘Truyện ấy đặc sắc và lạ lùng lắm. Chỉ tiếc cậu không đi tới tận cùng số phận của nhân vật, thành thử nó mới dừng lại ở già ký, non truyện.’ Sau này đã trở thành khá thân thiết, mỗi lần nói tới chuyện viết lách, ông vẫn thường nhắc tôi, đừng bao giờ đặt mình ở vị trí chấp chới giữa hai thể loại, nhất là truyện và ký. Ký cho ra ký. Truyện cho ra truyện. Theo ông, thể loại truyện ký ra đời là do ba cái anh lười, hay nếu không lười thì do yêu cầu cấp bách của việc làm báo mà in những ghi chép khi cần thiết. Văn học chỉ trở thành văn học theo đúng nghĩa của nó, ấy là những tác phẩm được sáng tác bởi sự bứt phá khỏi hiện thực của trí tưởng tượng, của tấm lòng yêu cuộc sống đến tận cùng của nhà nghệ sĩ.”[11]

 

Các lời trên cũng có thể để phê 3 cuộc đời; rất rõ. Chỉ xin nói rốn. Tôi tin là Nguyên Ngọc – với trí tuệ trẻ mãi không già và thăng tiến không ngừng - từ lâu rồi chắc đã thay đổi quan niệm, dù bài có trích dẫn trên được viết vào cuối năm 2000. Tôi lại còn đoán, bài báo ấy có thể do nhân dịp lão văn nhân – chân nhân tầm hàng đầu của văn học, văn hóa và xã hội Việt đương đại tròn 80 tuổi mà Ban biên tập đăng lại từ nguồn nào đó, chứ tác giả không vừa mới trực tiếp gửi đến. Riêng câu chót, ai cũng có thể tán đồng dù cách nhìn khác nhau về “vị trí chấp chới giữa hai thể loại, nhất là truyện và ký”; và tôi vẫn dẫn lại để thông suốt mạch văn.

 

Vậy mạn phép trao đổi tiếp với những ai còn quan niệm đó, ngay trong bút pháp hiện thực thuần túy. Thiển nghĩ, với phong cách truyền thống, đúng là nếu “già ký, non truyện” thì “không đi tới tận cùng số phận của nhân vật”; khi sang cách viết hiện đại và hậu hiện đại, số phận nhân vật không còn là điều sinh tử của truyện, câu chuyện trong các loại hình văn xuôi. Nhãn tiền: Tiểu thuyết Sông vẫn có thể đọc, không cần “đi tới cùng”, không cần đi tìm “nhân vật”; Hay như hai ông ẵm hai Nô-beo chạy về hai ngả: Cao Hành Kiện (với Linh Sơn thuộc dòng tiểu-thuyết-mới nhiều chương đoạn như tùy bút, du ký) không nhân vật chính, chẳng lớp lang nhân vật, khỏi cần cốt truyện, trong khi Mạc Ngôn có cả trăm tác phẩm đều khởi từ số phận con người, đề tài cụ thể, cốt truyện chặt chẽ, bút pháp pha trộn với chủ điệu hiện thực – tất cả đang tạo nên Đỉnh văn chương nhân loại 2012 này.

 

Chúng ta đang chỉ nói về khái niệm tiêu chuẩn, chưa đánh giá hay dở. Khó thay cho các bình bàn nghệ thuật! Không chung đụng về tiêu chí, dựa trên gì để khen chê? Lại những quả trứng – những con gà…

 

2. Vấn đề pha tạp thể loại:

 

“Vị trí chấp chới giữa hai thể loại, nhất là truyện và ký. Ký cho ra ký. Truyện cho ra truyện” quả là ít có địa vị và thành tựu trong dòng văn học phản ánh hiện thực và cách mạng. Đảo chìm đã từng và vẫn sẽ là một hiếm hoi xuất chúng. Chỉ nội với những cách gọi của chính tác giả (“tập truyện”, “tiểu thuyết mi ni”, “truyện ngắn”, “ký”, “đoản văn”) cho thấy sự phá hủy một “thể loại mẹ” (bản thảo tiểu thuyết) đã đưa đến các “thể loại con” trong một liên hợp thành công về nghệ thuật văn xuôi[12]. Với mươi năm qua, sáng tác và phê bình, lý luận và học thuật Việt Nam, có thể coi như đã và đang “giải bài toán thể loại văn học” với sự pha tạp, sự bất phân (trường ca là một ví dụ dai dẳng)…

 

Nhưng còn, “thể loại truyện ký ra đời là do ba cái anh lười, hay nếu không lười thì do yêu cầu cấp bách của việc làm báo mà in những ghi chép khi cần thiết” thì chưa hẳn đúng, nhất là vế đầu, với nhiều trường hợp cả trong dòng cách mạng và hiện thực XHCN cũng như ở các hình thái văn nghệ khác. Có thể, giữa khung cảnh thân thiện, nhà văn nói vui? Tác giả bài báo kể lại chưa thấu?

 

3. “Người thật việc thật” trong văn xuôi:

 

Ngay từ thời của các chủ nghĩa hiện đại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đó đã là “chuyện thường ngày ở huyện... châu Âu – Bắc Mỹ!” Văn học viết ở châu Á ưa ngại ngần và thích tinh tế khi đưa chuyện riêng tây, có thực vào chữ “thánh hiền”. Văn chương và báo chí Việt Nam nhiều năm qua đã hành xử quan hệ này không còn hiền lành, một chiều như thời nửa cuối thế kỷ trước. Và không ít cái quá đà về thái cực kia. Cũng là sự va chạm hai nền văn hóa!

 

3 cuộc đời vẻ như chưa thật cao tay trong vụ này; phần vì là nan đề chung, phần do cuốn sách ôm đồm chăng? “Khi ‘kể’ người viết sẽ phát huy tối đa thế mạnh, mà không ‘phạm quy’ với các chuyện ‘người thật việc thật’, không phải rào trước đón sau, dễ khái quát hơn ‘tả’. Ngoài ra, người đọc tránh được sự nặng nề không cần thiết, lại cảm thụ câu chuyện tốt hơn.” (Đà Linh; Thư trao đổi). Tương quan hiện thực và hư cấu lúc này không chỉ gặp khó đến từ nghệ thuật ngôn ngữ như ở phần lớn người viết, mà cả do cái mỗi chúng ta quen gọi là người-thật-việc-thật vẫn như bị “bao cấp” từ quan niệm sáng tác đến diễn ngôn ý tưởng.

 

Sự thu hút của 3 cuộc đời cũng nhờ dự phần của phương pháp giả-tài-liệu trong điện ảnh, nơi người ta sử dụng cả máy quay cầm tay của chính nhân vật để bộ phim tỏ ra hiện thực cao. Do.honza thường dùng lối kể rất sát đối tượng (giả hoặc thật) khiến đối tượng tiết lộ câu chuyện khác với chi tiết thật. Nhân vật Lan trong truyện Sang Tây (tr. 247), các nhân vật trong chuỗi chuyện Chuyện chưa ai quan tâm đến ở Tây (tr. 292) là vài trong vô số ví dụ.

 

Với thể ký, cảm nhận chủ quan, điểm nhìn của nhà văn có ý nghĩa lớn. Nhưng Do.honza biết giảm thiểu nó để kéo về thể truyện, bằng sự khách quan từ nhiều cách: kể khơi khơi các sự kiện, người-việc “thật hơn cả thật” mà không khẳng định; chuyển sang giọng khôi hài nhè nhẹ sau những câu chuyện căng thẳng; dùng cách nói sành điệu, dân dã, lóng…

 

Ngoài đời, với kinh nghiệm “ngoại giao nhân dân” khi làm đối ngoại Việt - Séc, Do.honza quen biết rộng khắp từ sàn hầm xã hội tới cầu thang thể chế, và trở thành nhà văn khi biết ai sẽ là nhân vật của mình. Ở mặt này, đây là quà tặng từ bài đã dẫn của nhà văn Trung Trung Đỉnh cho tác giả 3 cuộc đời:

 

“Tôi rất tâm đắc với câu kết luận có tính chất tổng kết của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, khi ông giảng về tiểu thuyết và quan hệ tiểu thuyết. Ông cho rằng thành công của tiểu thuyết chính là thành công của quá trình quan hệ giữa tác giả với nhân vật. Mối quan hệ đó càng mật thiết, càng trở nên suồng sã bao nhiêu thì mức độ thành công của tác phẩm càng được đánh giá cao bấy nhiêu.

 

Thiển nghĩ, các ưu nhược dễ thấy từ một tác phẩm đầu tay 3 cuộc đời của một tác giả không chuyên Do.honza, đã nói lên đôi điều thiết yếu về vấn đề hiện thực trong sáng tác. Ở đây nhà văn không bắt chước, không phản ánh hiện thực (theo các phương pháp mô tả hiện thực trong đó có hiện thực XHCN); cũng không “nghiền ngẫm” hiện thực (như một biện pháp phản tư); càng không đào lật hiện thực (theo kiểu “văn học vết thương”). Mà là một cách tái diễn công khai hiện thực, theo đường lối truyền thống và đặc trưng truyền thông. Có thể hiểu như khi so sánh các loại hình sân khấu Việt Nam, giữa chèo, tuồng, cải lương với kịch nói, nhạc kịch: giản dị thì bằng phẳng, minh triết sẽ đơn điệu, đại chúng sẽ “lộ tẩy”, v.v…

 

Loạt tâm sự hậu sáng tác Từ nguyên mẫu đến nhân vật[13] của các tác giả Anh Ngọc, Nguyễn Bảo, mà “hot” nhất là của Chu Lai, vừa được công bố có hệ thống và chân tình, cho thấy sự bạch hóa cần thiết không chỉ về nghề viết mà cao hơn là cho “nghiệp” đọc văn học. Thêm một lần nữa 4 Lý Nam Đế là địa chỉ tiền phong!

 

Sẽ còn làm sống động sinh hoạt văn nghệ Việt khi cả thế giới đang cùng hầu chuyện nhau trong “ngôi đình Internet”, nan đề này tạm dừng ở tâm sự của tác giả Đảo chìm nằm trong chuỗi các tranh luận từng làm nổi sóng văn đàn ngay buổi đầu thế kỷ:

Thực tình, đây chỉ là cuốn truyện người thật việc thật. Hay nói cách khác, là truyện của một anh nhà báo, thấy gì ghi thế. Truyện đã có sẵn ở trong đời sống. Nhân vật đều là người thật. Nhiều người hiện vẫn đang còn sống. Khi đời sống tự nó đã là một vẻ đẹp rồi thì người viết không cần phải thêm thắt, hư cấu. Tôi chỉ có cố gắng nhỏ, là vun vén lại cho gọn, kể sao cho thật hấp dẫn. (…) Mỗi truyện một kiểu, không cái nào giống cái nào….”[14]

 

4. Quan hệ người viết - nhà văn:

 

Phương pháp nghiên cứu xã hội học từng khuynh đảo nền văn chương nước nhà, nay không vì thế hết tiện dụng. Thời hậu Đổi mới, giới phê bình đã dùng nó như một trong nhiều phương pháp, hoặc với các tác phẩm, tác giả phù hợp.

 

Những thông tin về nhân thân ở phần mở đầu là nỗ lực hiểu tác phẩm từ ngoài tác phẩm, từ trong tác giả. Trường hợp Đỗ Ngọc Việt Dũng/ Do.honza về ý định viết văn, mục tiêu sáng tác, theo tôi, có thể xem như một trong nhiều minh họa cho quan hệ người viết - nhà văn, hiểu như Barthes[15]:“Nhà văn là người thực hiện chức năng, còn người viết lại là người tham gia hoạt động. (…) thời đại chúng ta đã sinh hạ cho đời một kiểu lai ghépnhà văn – người viết.” Đỗ Ngọc Việt Dũng “muốn viết một cái gì” giữ lại cho mình và tặng bạn bè, tự in vài chục bản “khoe chơi”. Do.honza đã chuyển hóa văn bản thành tác phẩm.

 

Khác với các nhà thơ, như đã xét ở trường hợp Nguyễn Văn Thọ với tiểu thuyết Quyên, các nhà văn cần tạo một cái đích ngoài nghệ thuật để dễ bề chia sẻ nhân quần. Nó sẽ làm chuyển hóa lý thú giữa nhà văn và người viết. “Người viết Nguyễn Văn Thọ” và “người viết Đỗ Ngọc Việt Dũng” đều có đích ngoài nghệ thuật khi cả hai mang động tác viết, còn nhà văn Nguyễn Văn Thọ” và nhà văn Do.honza” khác nhau khá xa khi họ thực thi chức năng viết. Ít nhất về kinh nghiệm nghề nghiệp, kết quả tác phẩm, quan hệ văn hữu…

 

5. Các loại tư duy trong văn học viết:

 

Trong một bài báo[16], tác giả Hà Thủy Nguyên vừa sơ kết gọn gàng và hữu ích về “những thay đổi trong văn hóa đọc trong lịch sử, từ thời kỳ sơ khởi của sách đến nay, qua đó chỉ ra bản chất tiến trình dịch chuyển của ba loại tư duy”; Đó là: tư duy hình tượng; tư duy liền mạch logic; tư duy chắp nối. Liên hệ với văn hóa đọc của Việt Nam, thì thấy “trong quá khứ, văn hóa Việt Nam chủ yếu phát triển tư duy hình tượng hơn là tư duy diễn dịch liền mạch”; và “do thiếu khả năng diễn dịch logic, nên môi trường thông tin ở Việt Nam bị rơi vào tình trạng hỗn loạn và thiếu tính học thuật”. Nhưng điều mới là “làn sóng internet cùng thói quen tư duy chắp nối của thế giới ồ ạt dội vào đã đem lại những tác động hỗn độn cả tốt lẫn xấu trong văn hóa đọc của người Việt.”

 

Dùng ý niệm vậy sẽ thấy rất nhiều truyện, tiểu thuyết đương đại Việt từ phong cách truyền thống đến cảm quan hậu hiện đại đã có tư duy chắp nối, hoặc quyết định hoặc nổi bật. Độc giả không mất nhiều thời gian để thu hoạch đủ nguồn thông tin, nhận định, quan niệm trong dân chủ, bình đẳng với tác giả. Xin nêu nhanh gọn, chắc có sai sót: Biển và chim bói cá (Bùi Ngọc Tấn); Ngược mặt trời (Nguyễn Một); Minh sư (Thái Bá Lợi); Blogger (Phong Điệp); Linh ứng (Nguyễn Trọng Văn); Dòng đời (Nguyễn Trung); Sông (Nguyễn Ngọc Tư); nhiều truyện của Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái; hầu hết các tác phẩm của Đỗ Kh. (truyện, ký sự, tạp văn), Thuận (tiểu thuyết), Đặng Thân (mọi thể loại); v.v… Ở 3 cuộc đời, kiểu tư duy chắp nối có thể coi như toàn trị - điểm mạnh và cũng là điểm yếu của tập truyện ký này. Trò chơi hủy diệt cảm xúc (Y Ban) lại thuộc về tư duy liền mạch logic; Thần thánh và bươm bướm (Đỗ Minh Tuấn), Cửa đá (Vũ Xuân Tửu) thì theo cả ba cách tư duy.

 

Kết

 

Cho phép tôi thêm một lần diễn lại ý của nhà nghiên cứu – lý luận Phạm Thành Hưng từng là kết trong Lời bạt cho tiểu thuyết Quyên nêu trên. Ngoài lý do phụ, cá nhân (kỷ niệm văn hữu giữa ba-bốn chúng tôi), cái chính là nội dung của nó bao trùm các cuốn tiểu thuyết khác nhau của những tác giả Việt khác nhau ở nước ngoài, hay viết về người Việt ở nước ngoài trong thập niên hội nhập và toàn cầu hóa vừa qua và đang đến của đất nước.

 

Ý hay đó là: “Những văn phẩm này xuất hiện nhờ một môi trường sáng tác có tính toàn cầu, nơi va đập nhiều dòng văn hóa, nơi mà người Việt Nam có cơ hội tiếp nhận những cảm xúc và nhận thức sát thực và cần thiết.”

 

Vancouver, Thu 2012 - 24/10

 

Chú thích



[1] Thông tin về tác phẩm; Hà Thế, tonvinhvanhoadoc.vn 15/10/2012; Buổi ra mắt sách vào chiều 28/10/2012 tại Hà Nội

 

[2] Khổng Tử; Sáu mươi tuổi biết theo lẽ thuận

[3] Ngay sau cuốn sách này, cuốn thứ hai của Do.honza, Truyền thống - Trang phục dân tộc - Ẩm thực Séc, Công ty Hà Thế & Nxb Lao Động, đã được phát hành trong hạ tuần tháng 10/2012; tonvinhvanhoadoc.vn 21/10/2012

[4] Trần Nhã Thụy: Nguyễn Ngọc Tư “đổi món” với Sông; tuoitre.vn 14/9/2012

[5] Vũ Công Hoan: Lời người dịch Tứ thư; trieuxuan.info 6/10/2012

[6] Đà Linh: Thiên ký ức sống; vanvn.net 22/10/2012

[7] Bùi Việt Thắng: Những cuộc dấn thân và lựa chọn của con người thời đại trong tiểu thuyết Hồi của nhà văn Lê Minh; vanvn.net 18/9/2012

[8] Đỗ Quyên: Đọc Quyên ở ngoài nước Đức; Nguyễn Văn Thọ: Quyên; Nxb Hội Nhà văn 2009, tr. 429; & vannghesongcuulong.org 15/5/2009

[9] Mi Ly: Buồn đến bao giờ; tienphong.vn 22/9/2012

[10] Trần Đăng Khoa: Đảo chìm; Tập truyện, In lần thứ 25, Nxb Lao Động 2008, tr. 8

[11] Trung Trung Đỉnh: Nhà văn Nguyên Ngọc, con đẻ của Cách mạng; vanhoanghean.com.vn 8/9/2012

[12] Phong Điệp: Mạn đàm quanh Đảo chìm; Văn nghệ trẻ số 14 (175) 28/3/2000; Đảo chìm, Sđd tr. 7-14

[13] Chuyên đề của trang mạng Tạp chí Văn nghệ quân đội vannghequandoi.com.vn 16-17/10/2012

[14] Trần Đăng Khoa: Sđd, tr. 7

[15] R. Barthes: Nhà văn và người viết; Lã Nguyên dịch, phebinhvanhoc.com.vn 15/4/2012

[16] Hà Thủy Nguyên: Chuyển dịch văn hóa đọc - Tất yếu của lịch sử; tiasang.com.vn 14/9/2012

 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 4537
Ngày đăng: 26.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nói Hay Không Nói? - Thụy Vi
Trách nhiệm trước cái ác - Lê Hải*
Mạc Ngôn là ẩn ngữ: Nobel Văn chương 2012 - Trần Kiêm Ðoàn
Nobel văn chương 2012, một giải thưởng nhiều tranh cãi - Nguyễn Hưng Quốc
Tin về Nữ hoàng đế chế Maya có vài yếu tố không đúng - Nguyễn Quỳnh USA
Đi Tìm Nemo Với Tiếng Kêu Của Biển - Vũ Trọng Quang
Vẻ Đẹp Thuý Vân Và Những Ngộ Nhận - Nguyễn Cẩm Xuyên
Xuất bản Những truyện ngắn văn chương việt 2 - Nguyễn Hòa vcv
“Tần Cung Oán” Có Phải Là Tác Phẩm Của Ôn Như Hầu ? - Nguyễn Cẩm Xuyên
Thông Điệp Tháng Tám - Phạm Đình Trọng
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)