Lúc này đang là cuối thu đầu đông, có những ngày nắng lên rất đẹp, nhưng cũng có những đêm rả rích mưa thật buồn. Mà anh thì đang nằm bệnh!
Bệnh thế nào mà phải cách ly? Không vợ con, không bạn bè!
Chỉ một mình.
Giữa tường trắng lạnh căm!
Hai tháng trước đây, trong buổi ra mắt Quán Văn số 6, chủ đề nói về anh, chính anh hát những bài về trăng phổ thơ Hàn để tặng bạn bè. Giọng anh mong manh nhưng đẹp đến nỗi tôi có cảm tưởng chính anh là trăng. Có điều, đó là trăng 30, trăng tận cùng của một vòng đời.
Hỡi ơi, không ngờ đó là một lời nói gỡ!
Mặc dù cùng tuổi, cùng họ, nhưng tôi không có được cái may của Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh là bạn đồng môn với anh những 50 năm về trước. Tôi chỉ mới quen anh vừa đúng một năm. Một năm nhưng thực ra chỉ một tuần khi tôi đến để anh châm cứu. Một tuần, anh đọc những trang bản thảo trên mạng của tôi (nhờ Nguyên Minh tải xuống in thành tập). Và một tuần tôi ngắm cả ngàn bức tranh của anh. Chỉ có vậy thôi nhưng có vẻ như tôi và anh đã quen biết nhau từ độ.
Tranh của anh là những phóng bút chứ không phải thử bút như của Lữ Kiều. Phóng bút khi bỗng dưng nảy ra một ý lạ. Có thể là một buổi sáng mùa thu nhìn thấy đường bay của một chiếc lá. Có thể là lúc ngồi trên taxi, tài xế hỏi về đâu, anh bảo về nơi vô định. Có thể là lúc anh nói với một người nữ qua điện thoại, nếu em đến thì anh khỏi cần mua hoa. Những lúc ấy, sau cơn vui bất chợt, anh cầm lấy bút và vẽ như một nghệ sĩ phóng dao. Có nghĩa là đẹp một cách hoàn hảo. Cái đẹp của riêng mình tạo ra và cũng chỉ để riêng mình ngắm. Vì vậy đừng ai ngạc nhiên nếu biết anh có cả gần chục ngàn bức.
Tranh của anh chỉ là những vệt mực tàu trên giấy dó, nhưng có lúc sắc nhọn như những ngọn cỏ bật lên trong đêm. Có khi mềm mại như tóc ai bỏ quên trên gối. Có vẻ như anh không vẽ tranh, anh chỉ dùng màu để vẽ ý thơ. Khác với Đoàn Phú Tứ là dùng ý thơ để vẽ màu thời gian tím ngát. Như thế thì cuộc đời anh, đời của một bác sĩ tưởng chừng chỉ loay hoay bận rộn với những người bệnh đến rồi đi, lại có những xôn xao rất lặng lẽ của một bậc thi nhân. Như tổ sư Hải Thượng lãn ông của anh.
Anh có vẻ xúc động như thể gặp lại hình bóng của chính mình những năm 60,70 qua những trang viết của tôi. Anh lúc lắc đầu bảo, đọc Khuất Đẩu còn hơn đi xuống đường! Mỗi một bài là cả tấn thuốc nổ! Anh ký tặng tôi một bức phóng bút (tùy tôi chọn), rồi vui vẻ rủ đi nhà hàng Nhật để biết thêm một cách ăn uống rất thân thiện với môi trường.
Giữa lúc học trò anh xoa bóp điểm huyệt trên lưng tôi thì anh được mời lên TV để nói về các phòng mạch của Trung Quốc mọc lên như nấm ở Sài Gòn. Anh bảo, cái hại về phía mình thì ít mà phía Trung Quốc thì nhiều. Cả mấy ngàn năm nay dân mình rất tin thuốc Bắc, nhưng giờ lộn xộn lừa phỉnh như thế này thì ai mà tin nữa. Làm thuốc mà mất chữ tín là mất đức.
Một người như anh chỉ có thể cảm chứ không nói được gì nhiều. Cảm từ cái nhìn thân thiện, nhân hậu. Cảm từ cái bắt tay nhẹ nhàng, ấm áp. Và nhất là cảm cái cách chơi rất nghệ sĩ mà không cố tỏ ra mình là nghệ sĩ. Một người được tiếng là hùng biện khi tranh luận, nhưng ở chỗ bạn bè, gần như không nói hay nói rất ít. Anh chỉ nghe và lặng lẽ cười.
Anh là vậy. Mãi mãi là vậy, nguyên vẹn một Trương Thìn, lúc nào cũng lặng lẽ trên môi một nụ cười. Ngay cả khi nằm bệnh.
Rồi nụ cười sẽ tươi như nắng mới. Sẽ lại nghe xôn xao tiếng cười nói lanh canh của bè bạn.
Sẽ qua khỏi thôi, Thân Trọng Minh bảo.
Tôi cũng tin sẽ qua thôi. Để còn thấy Khuất Đẩu say nữa chứ, phải không anh?
25/10/2012