Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.143.325
 
Đôi Dòng Thơ Nhạc Kỷ Niệm Sài Gòn Khiến Ta Tìm Đến Những Di Tích Cổ
Trần Văn Nam

 

Thơ nhạc kỷ niệm Sài Gòn đã dồi dào ngay từ thời ta còn ở Việt Nam trước 1975, và được nối tiếp phong phú khi ra hải ngoại, nhưng đa số là kỷ niệm làm ta liên hệ nơi chốn nhắc nhở tình cảm lứa đôi; hoặc nơi chốn nhắc nhở gia đình trong ngôi nhà riêng biệt hay trong ngõ hẻm thân quen; hoặc trường học một thời nhớ lớp nhớ bạn nhớ mùa học hành thi cử. Ít có những dòng thơ nhạc trực tiếp liên hệ đến những di tích cổ ở Sài Gòn. Những di tích cổ ít được nói đến ấy, dĩ nhiên không phải những di tích có tầm vóc khang trang như Lăng Ông Bà Chiểu hay Chùa Giác Lâm hay Nhà Mồ Trương Vĩnh Ký. Những di tích cổ ấy bây giờ có nơi chỉ còn cái tên mà thôi vì dấu vết đã chìm lấp, như Mã Ngụy, như thành Ô-Ma, như mộ địa của Phó Tổng Trấn bị chém đầu Huỳnh Công Lý, như con rạch đến trước Chợ Bến Thành, như con rạch nay thành Đại Lộ Nguyễn Huệ. Nhà Thờ Đức Bà cũng là một di tích khang trang, nên không phải đối tượng chìm lấp nay được gợi về do những dòng thơ nhạc, nhưng có một khía cạnh vật đổi sao dời ngay nơi khang trang ấy. Còn biết bao nhiêu điều vật đổi sao dời, nhưng đều đổi thay do chỉnh trang thành phố làm mất dấu của chúng ngày nào, chỉ là những mất dấu cảnh vật thông thường làm luyến tiếc cho một cá nhân, nên không phải điều ghi nhớ chung dành cho di tích lịch sử. Riêng cho cá nhân từng người thì có biết bao nhiêu cảnh vật dời đổi, chẳng hạn còn đâu nữa con đường nhỏ Audouit trực thuộc đường Audouit (nay thành đường Cao Thắng); và con lộ Audouit chi-nhánh ấy nay thành đường tươm tất Nguyễn Sơn Hà mà thời trước dựng lên vài trại gia-binh Pháp thấp lè tè phía sau những villa dọc dài đại lộ Chasseloup Laubat (phía bên kia đại lộ là một cạnh dài của Bệnh viện Từ Dũ). Còn đâu khu vực dành riêng cho hệ thống đường xe lửa gần Chợ Bến Thành, khu vực phình rộng nằm giữa đường Phạm Ngũ Lão và Đại lộ Lê Lai; chính nhờ khu vực dành riêng cho đường xe lửa ấy mà vài học sinh lấy đường tắt để đi bộ đến Trường Tư thục Nguyễn Bá Tòng gần Nhà Thờ Huyện Sĩ. Vài ví dụ như trên để thấy sự mất dấu toàn diện một khu vực rộng lớn, nhưng mất dấu không thành phế tích mà thành khu vực toàn bộ chỉnh trang thành phố. Có khi ta không lấy làm tiếc mà lại còn lấy làm vui vì thành phố được làm đẹp hơn, làm thuận tiện giao thông hơn, nhà cửa phố xá cao rộng lớn lao sạch sẽ hơn. Những chỉnh trang làm mất dấu ấy không phải là di tích cổ cần kể lại để nhắc nhở những biến cố lịch sử. Những di tích do đôi dòng nhạc gợi về mà ta nói ở đây không hẳn lớn lao, thường khi chỉ đạt giá trị ghi dấu sự kiện quá khứ. Ví dụ lăng mộ của vài tướng lãnh của vua Gia Long, dĩ nhiên đâu phải là những khai quốc công thần của triều Tây Sơn; ví dụ mộ của người tử tội Huỳnh Công Lý từng uy thế với chức vụ Phó Tổng Trấn, ta cũng cần nên biết ở nơi đâu để liên hệ lịch sử với Lăng mộ Tổng Trấn Gia Định Lê Văn Duyệt.


Khi nghe những lời hát trong bài “Câu Chuyện Đầu Năm” của nhạc sĩ Hoài An, bài hát hay lại thêm vài giọng hát tuyệt vời thời nào cũng có, thời trước 1975 hay thời định cư tại hải ngoại, làm ta nhớ mãi mỗi dịp xuân về, mỗi dịp trước Tết khoảng một tháng. Ngày trước, dân chúng Việt Nam gần như ai cũng mua được loại radio hiệu Sony làn sóng ngắn rất mạnh để bắt những đài vô tuyến khắp thế giới, lắm khi chỉ với loại bỏ túi rất nhỏ mà cũng rất mạnh bắt được cả đài BBC và VOA. Chắc đây loại radio sản xuất dành cho dân chúng ở các xứ thiếu nhiều phương tiện truyền thông; làm cho họ dễ dàng biết nhiều tin tức thế giới. Giữa Sài Gòn mà hàng quán đa số đóng cửa vì ai cũng về quê ăn Tết, trong khi xa mái ấm gia đình và gần như không sắm sanh gì cho Tết, nhờ loại radio bỏ túi ấy mà ta chỉ sống cho Tết bằng những lời hát: “Trên đường đi lễ xuân đầu năm/ Qua một năm ruột rối tơ tằm… Trên bước  đường danh lợi rồng mây/Duyên vừa đẹp ý đắp xây/Ôm nàng xuân đẹp vào tay”. Có ai trước 1975 tình cờ hằng ngày đi từ Cầu Kiệu đổ dốc thoai thoải trên đường Võ Di Nguy (nay là đường Phan Đình Phùng) tới Ngã Tư Phú Nhuận để quẹo phải qua đường Chi Lăng (nay là đường Phan đăng Lưu), rồi lại vượt Lăng Ông Bà Chiểu (không viếng mà vượt để đến Ngã Tư Hàng Xanh): người ấy chắc không lạ với di tích cổ Lăng Tổng Trấn Gia Định Lê Văn Duyệt, vì đây là khu vực bề thế nằm ở ngã ba ngã tư khoáng đãng ai cũng trông thấy khi đi qua; và đầy người vào dịp Tết, rất thích hợp ngoại cảnh làm vang vang tiếng hát Hoàng Oanh “Câu Chuyện Đầu Năm”. Nhưng chắc chỉ có ít người biết đến Lăng mộ tướng quân Võ Di Nguy nằm gần Cầu Kiệu: từ dốc cầu đổ xuống một đoạn và rẽ phải vào đường Cô Giang. Vậy vị trí lăng mộ dịch vào bên trong, không sát cạnh với đường Phan Đình Phùng (đường P.Đ.P. xưa mang tên đường Võ Di Nguy, vậy mà cũng ít ai hỏi Võ Di Nguy là nhân vật lịch sử như thế nào). Sau đây là đôi dòng lịch sử về tướng quân Võ Di Nguy với tước hiệu thuộc Hoàng-gia triều Nguyễn, Bình Giang Quận Công: “Bình Giang Quận Công là một danh tướng của vua Gia Long, quê gốc ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1775, vào Gia Định. Năm 1778, cùng với Châu Văn Tiếp, Tôn Thất Cốc chăm sóc đoàn thủy binh ở Gia Định. Năm 1784, Võ di Nguy theo Nguyễn Ánh ra nước ngoài. Năm 1787, Nguyễn Ánh trở về Long Xuyên. Võ Di Nguy cùng Phạm Văn Nhơn được lệnh ở lại Phú Quốc để bảo vệ Hoàng Thái Hậu. Năm 1788, sau khi Nguyễn Ánh lấy lại Gia Định, Võ Di Nguy chỉ huy Đoàn Cận Vệ, trông coi việc đóng thuyền và tàu chiến. Năm 1795, cùng Phạm Văn Nhơn tiến đánh Diên Khánh… Tướng Tây Sơn lúc bấy giờ là Võ Văn Dũng trấn Cửa Thị Nại (ở Quy Nhơn), cắt lối ra vào của Võ Di Nguy. Mùa xuân 1801, quân Nguyễn Ánh tiến vào Thị Nại với các bó củi đốt, tấn công chiến thuyền của Tây Sơn. Võ Di Nguy ngồi trên chiến thuyền lớn, đang chỉ huy trận đánh, bị trúng đạn đại bác, tử trận.Thi hài Võ Di Nguy được chuyển về Gia Định. Chi phí cho tang lễ rất lớn” (Theo tài liệu của tác giả “Ngàn Năm Thăng Long”).


Lăng mộ của Bình Giang Quận Công Võ Di Nguy, tướng của vua Gia Long, tử trận năm 1801


Với lời thơ của thi sĩ  Du Tử Lê trong bài “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn” được nhạc sĩ Phạm đình Chương phổ thành ca khúc mang cùng tên; mỗi lần nghe ta lại nhớ khu lăng mộ của một thuộc-tướng khác của vua Gia Long: Trương Tấn Bửu, tước hiệu Long Vân Hầu. Lăng mộ nằm ở phía Bắc cầu Công Lý trên đường Công Lý (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi) sau khi vượt 5 con đường nhỏ kể từ đầu cầu. Tại sao nghe hát rồi ta liên hệ đến khu lăng mộ này? Vì lời của bài hát có một đoạn như sau: “… Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè/ Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do”. Ta liên hệ không do tình cảm hay kỷ niệm gì, mà do địa-lý bản đồ thành phố. Bởi vì đường Công Lý song song đường Trương Minh Giảng. Đường Trương Minh Giảng nay là đường Trần Quốc Thảo nối dài với đường Lê Văn Sĩ. Cầu Trương Minh Giảng thì vẫn giữ tên cũ. Chỉ do liên hệ địa lý thôi, vì khu cầu và đường Trương Minh Giảng ngày xưa ấy, mà bài thơ nhắc đến, rất gần khu lăng mộ Trương Tấn Bửu trên đường Công Lý. Sau đây là vài dòng tiểu sử Long Vân hầu Trương Tấn Bửu: “Trương Tấn Bửu (1752-1827), có tên khác là Trương Tấn Long. Là một danh tướng thời nhà Nguyễn phục nghiệp, được người đương thời liệt vào ngũ-hổ-tướng Gia Định… TrươngTấn Bửu, người làng Hưng Lễ thuộc tỉng Vĩnh Long (nay thuộc huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre)… Năm 1787, lúc Chúa Nguyễn chạy trốn quân Tây Sơn, có ghé nhà cha ông tạm trú một đêm. Gặp dịp, ông xin theo phò tá… Nhờ sự thông minh và lòng dũng cảm, ông cứu thoát được chúa Nguyễn… lập nhiều chiến công ở Bình Định, Hội An… Năm 1806, có công dẹp bọn cướp biển Tàu Ô, quyền lãnh chức Tổng Trấn Bắc Thành thay Nguyễn Văn Thành … năm 1812, thực thụ Phó Tổng Trấn Gia Định… Năm 1821, làm Phó Tổng Trấn Gia Định lần thứ hai… Năm 1823, ông chỉ huy 35 ngàn quân dân nạo vét Kinh Vĩnh Tế, cùng với Thoại Ngọc Hầu… Năm 1852 (đời vua Tự Đức thứ 5), ông được thờ vào miếu Trung Hưng Công Thần và đền Hiền Lương” (Theo tài liệu của tác giả “Ngàn năm Thăng Long”).


Lăng mộ Phó-Tổng-Trấn Gia-Định Trương Tấn Bửu, tướng của vua Gia Long, mất năm 1827


Như đã trình bày ở đoạn trước, Nhà Thờ Đức Bà không phải một di tích ít người nhắc nhở, mà là di tích bề thế ở trung tâm Sài Gòn, tại giao điểm những con đường đẹp nhất và lâu đời nhất của Hòn Ngọc Viễn Đông. Ta chỉ nêu ra một góc cạnh đổi thay diện mạo của di tích cổ này mà thôi, góc cạnh đối diện với Tòa nhà Bưu Điện Trung Ương Sài Gòn. Bưu Điện từ trước đến nay vẫn vậy, nhưng sân nhà thờ có những đổi dời do thời cuộc, do những phản hồi ý nghĩa của pho tượng đứng tại đó. Ý nghĩa này thay đổi dần, từ đề cao vai trò cứu viện cho vua Gia long, đến ý nghĩa kết án Cõng Rắn cắn gà nhà, rồi ý nghĩa xét lại công và tội cho hợp lẽ hơn. Ta muốn nói đến vị trí của pho tượng bên ngoài Nhà Thờ Đức Bà, hiện nay với tượng đá trắng Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình, nhưng trước đây rất lâu cũng ngay tại đó là tượng vị Giám Mục Bá Đa Lộc đứng bên tượng Hoàng Tử Cảnh. Hai người này được cử làm sứ giả của vua Gia Long (lúc ấy còn là Chúa Nguyễn Ánh) qua Triều đình Pháp để cầu viện Pháp đem binh đội đánh quân Tây Sơn, phục hồi quyền lực Chúa Nguyễn, rồi thiết lập vương triều Nhà Nguyễn, rồi qua bao nhiêu biến cố dẫn đến việc nước Pháp đô hộ Việt Nam trong 80 năm. Ta không cảm thấy ngậm ngùi hoang phế mà thấy thán phục sự vững chãi qua thời gian có đến hơn 100 năm của Tòa nhà Bưu Điện Trung Ương Sài Gòn. Bề thế, vững mạnh, uy nghiêm và tân thời kiểu kiến trúc, ấy là những điều ta cảm thấy khi đứng trước Tòa Bưu Điện. Nước sơn bên ngoài qua nhiều mùa mưa nắng có thể bạc màu, nhưng mỗi lần sơn phết lại (có thể một hai năm một lần) thì tòa nhà lại rạng rỡ. Ngay tại khu vực, còn một vững chãi thứ ba, sau kiến trúc Nhà Thờ, kiến trúc Nhà Bưu Điện, là Tiếng Chuông Nhà Thờ Ngân Nga theo giờ giấc cứ đều đặn tiếp diễn có lẽ từ hậu-bán thế kỷ 18 cho đến nay (Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn được xây dựng và hoàn thành: 1863-1880). Mỗi lần nghe tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Lan trong bài “Đêm Khuya Trên Đường Catinat”, văng vẳng có tiếng chuông nhà thờ ở cuối bài hát. Bài hát không dứt mà cứ còn hoài âm hưởng tiếng hát hay, điệu nhạc hay, lời ca tiết lộ dấu vết biển dâu của trang hoàng nhà cửa và vật dụng trưng bày trong những cửa hiệu buôn trên đường Catinat. Bây giờ đâu còn trên lầu đèn treo mà đèn gắn liền trần nhà, bây giờ búp-bê cỡ lớn đâu còn phải vật dụng dành riêng cho con cái những gia đình giàu có quý phái. Nhưng cái nhìn lặng lẽ của búp-bê trưng bày trong cửa kính qua lời của nhạc sĩ Trần Văn Trạch như xuyên qua lớp thời gian bị lãng quên của bài hát sáng tác có đến 60 năm trước: “Trời khuya vui bước trên đường Catinat/ Người đi còn dăm ba khách không nhà… Còn kia vài ba búp-bê đang nhìn/ Ngồi im và vương mắt trông xa mơ hồ/Tình duyên say đắm trên lầu đèn treo/ Tình mê còn ai đang đứng bên lề… Hồn tôi vi vút đi hồn thơ/ Giờ sương điểm đôi ba tiếng nơi giáo đường”.

 

nữ ca sĩ Thanh Lan


Ai đã từng một thời làm sinh viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, sẽ nhớ cái thuở Đại Học còn tại vị trí cũ trên đường Nguyễn Trung Trực. Mặt tiền ngày xưa tấp nập sinh viên nay trở thành mặt hậu vắng vẻ của một cơ quan nào đó (thấy được vào năm 2009). Đâu còn mặt tiền của tòa nhà khá hiện đại xây dựng trên nền Khám Lớn Sài Gòn thời Pháp thuộc. Từ trên đường Nguyễn Trung Trực với trường Đại Học xanh mướt hàng me cao lúc nào cũng lả tả những lá rơi li ti, đi xuống nữa thì gặp Đại Lộ Lê Lợi với một bên nhà hàng Thanh Thế, một bên nhà sách Khai Trí. Trước khi đến đại lộ Lê Lợi thì ta vượt qua đường Lê Thánh Tôn có rất nhiều hiệu buôn chạy dọc dài, nhất là khúc đường đối diện với Đại học Văn Khoa. Chính khúc đường Lê Thánh Tôn kể trên, có lời đồn đại sau năm 1963 (năm sụp đổ chế độ Tổng Thống Ngô Đình Diệm) thì phía dưới sâu ngay khúc phố ấy có một đường ngầm từ Dinh Gia Long trổ ra Đại lộ Lê Lợi. Thời gian đã bôi xóa những tin đồn đại phát xuất từ thắc mắc Tổng Thống và Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu thoát ra Dinh Gia Long bằng cách nào ngay khi quân đảo chánh vây kín dinh thự này. Vậy con đường Nguyễn Trung Trực khá tấp nập từ Đại Học đi xuống Đai lộ Lê Lợi, có thể nào gọi đó là một trong những “Con Đường Tình Ta Đi” theo như lời trong một bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng rồi Đại Học Văn Khoa Sài Gòn di dời về vị trí mới, mới nhưng cũng đã thuộc thời trước 1975, trên đường Đại Lộ Cường Để (nay mang tên Đại Lộ Đinh Tiên Hoàng nối dài từ Đại Lộ Tôn Đức Thắng). Đại học Văn Khoa trước 1975, nay được thay thế với “Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn”. Và xa xưa khoảng một trăm ba mươi năm trước vào thời thực dân Pháp, năm 1882, thì nơi đây là doanh trại đồn trú lính Pháp: “Trại Lính Bộ Binh của Hải Quân Thuộc Địa”. Con đường Cường Để trước 1975 xuyên qua một bên Đại học Văn Khoa, một bên Đại Học Dược Khoa. Nhờ vẻ khoáng đãng của con đường với hai bên hai dãy lầu dài phòng ốc đại học như vậy, nó thích hợp với cái tên trong bản nhạc “Con Đường Tình Ta Đi”: “Con đường nào ta đi/ Với bàn chân nhỏ bé/ Con đường chiều thủ đô/ Con đường bụi mờ… Con đường về ban trưa/ Tới nhà hay vào lớp/ Con đường của đôi mình/ Ôi chuyện tình thư sinh… Thế rồi cuộc đời là/Những cuộc tình chia xa/ Đi lạc vào những tiếc không đường về… Hỡi người tình Văn Khoa/ Bóng người trên hè phố/ Lá đổ để đưa đường/ Cho người tình Trưng Vương/ Hỡi người tình Gia Long/ Hỡi người trong cuộc sống/ Con đường này xin dâng/ Cho người bình thường/ Hỡi người tình xa xăm/ Có buồn ra mà ngắm/ Con đường thảnh thơi nằm/ Nghe chuyện tình quanh năm”.
Thời Pháp-thuộc, đây là lối vào doanh-trại lính Bộ-binh Hải-quân Thuộc-địa Pháp. Trước 1975, bên trái chỉnh trang thành Đại-học Dược-khoa, và bên phải chỉnh trang thành Đại Học Văn-khoa  Sài Gòn


Địa điểm trên, hình chụp năm 1882


Những di tích có liên hệ với các bài hát được nhắc nhở kể trên, đúng là di tích cổ: Lăng mộ Võ Di Nguy, Lăng Mộ Trương Tấn Bửu, Tượng Giám mục Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh, Trại lính bộ binh của Hải quân Pháp. Nhưng di tích tiếp theo đây thiển nghĩ chỉ là một nơi kỷ niệm xưa. Nơi kỷ niệm xưa ở Sài Gòn thì không hiếm hoi, không hiếm những bài hát nhắc nhở.  Một bài hát phổ từ thơ Nguyên Sa nhắc nhở nơi ai cũng từng đến khi ghé Sài Gòn, vì nó ở ngay trung tâm thành phố, rất gần chợ Bến Thành. Những photo phôi pha màu thời gian còn được vài ba ngườ tha hương gìn giữ và phổ biến trong cộng đồng, màu vàng ố cũ xưa như muốn lôi kéo nó vào hạng di tích. Là trung tâm Sài Gòn, được hoạch định hoàn chỉnh trung tâm ngay từ thời xưa nên không thể sửa đổi, chỉ đổi thay những bề ngoài như bảng hiệu hàng quán, tên những con đường, khu vực dành riêng cho dịch vụ (bến xe bus, bến xe lam, trạm xe điện, nhà ga xe lửa). Có những bãi bỏ luôn như đường xe điện đi qua, bến xe ngựa thổ mộ gần ga xe lửa. Một trong những gỡ bỏ là rạp hát cinema Vĩnh Lợi trên đường Lê Lợi, phía đầu đại lộ gần chợ Bến Thành. Nhớ khu vực xoay quanh khu trung tâm Sài gòn có 4 rạp cinema, Rạp thường trực (quên tên) trên đường Lê Thánh Tôn, nơi đã từng đánh dấu vào tâm khảm nhiều người khi trình chiếu phim đen-trắng nhưng vô cùng đẹp “La Valse Dans L’ombre” (phim Mỹ, sản xuất năm 1940, nhan đề “Waterloo Bridge”) và “Toute La Ville Danse” (cũng phim Mỹ, sản xuất năm 1938, nhan đề “The Great Waltz”); thứ hai là rạp Rex ở góc đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ; thứ ba rạp Casino ở góc đường Lê Lợi và đường Pasteur; và thứ tư Rạp Vĩnh Lợi như đã nói trên, nơi cũng đã ghi vào tâm khảm nhiều người khi trình chiếu cuốn phim Thụy Điển “Elle n’a dansé qu’un seul été” (tức phim “Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè”). Nhớ rạp cinema thường trực trên đường Lê Thánh Tôn (thời trước gọi là rạp chiếu bóng, nghĩ cũng quá đúng với tên gọi), vào đó có con đường hành lang hơi dốc vào rạp, cũng một thời coi như nơi tân kỳ vì chiếu liên tiếp hết xuất này đến xuất khác, đôi người vào đó sau khi xem hết phim có thể ngồi ngủ tránh ánh nắng oi bức mùa hè Sài Gòn. Thời đó, phía bên kia đường Lê Lợi không có hàng quán nhiều từ đoạn rạp Vĩnh Lợi đi lên, chỉ rải rác những quày bán sách báo và các bản nhạc, vì nhớ dường như có tường thành dài ngăn cách khu vực đại lộ Lê Lợi với phố xá ăn thông ra đại lộ Hàm Nghi. Thỉnh thoảng lại có vài người Chàm từ Phan Rang đến bày bán những dược thảo đặc sản vùng quê của họ, cách ăn mặc riêng biệt sắc tộc Chàm được họ chủ tâm ăn vận trên phố xá Sài gòn để ta lưu ý  dừng lại xem và mua dược thảo. Gần rạp Vĩnh Lợi cần kể đến “Bệnh Viện Đô Thành” và một khu mà ngày xưa hình như đóng chốt một “đồn cò-bót”, nơi từng giam cầm những nhân vật lịch sử như Nguyễn An Ninh, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Hùm… Bên kia đường Lê Lợi thì vô cùng tấp nập với các cửa hàng buôn bán, người bán dạo cũng bày ra bên lề bề bộn, chỉ chừa một lối qua lại cho dòng khách lũ lượt. Đặc biệt có nhà sách Tự Lực, tuy hơi hẹp phía tiền diện nhưng thật sâu với vô số sách bày bán; và nhà sách Việt Bằng gần đó chuyên bán các loại sách Pháp ngữ trình độ đại học, nhập cảng từ Pháp (một trong những người trong gia đình nhà sách Việt Bằng bây giờ cư trú tại Pháp, và đang chủ trương mạng “chimvietcanhnam.com”). Bài hát “Tháng Sáu Trời Mưa”, thơ Nguyên Sa, nhạc Hoàng Thanh Tâm, mà có nhiều Video dàn dựng với bối cảnh mưa qua vùng Tây Nguyên hay mưa  trên đoàn xe công-voa đang trên đường ra chiến trường. Theo thiển nghĩ thì mưa trên khu vực trung tâm Sài Gòn này là hợp bối cảnh hơn hết, theo như lời trong bài hát. Bởi vì trong bài hát thì mưa vào tháng sáu lúc mùa hè, không phải mưa xuân mưa phùn hay mưa ngày này qua ngày khác, vậy có thể chỉ là mưa không quá một buổi nên trong bài hát mới có ý nghĩ trời không còn mưa thì cũng “lạy trời mưa” cho kéo dài cuộc tình tứ trong quán trú mưa. Nếu hai người mắc mưa khi đoàn xe đang chạy trên đường trường thì không cần có mưa để “phong kín đường về”, không cần tạo dịp như nêu lý do mưa nên về nhà trễ, đến lớp muộn, hay tạm thời gián đoạn một cuộc thăm viếng được dự trù nào đó. Cũng không phải mưa phùn mà ta có thể ra đường với tờ báo che đầu như trong một bài hát của nhạc sĩ Song Ngọc. Cũng không phải mưa rả rích ngày này qua ngày khác làm ta chỉ muốn ở trong nhà, ta đâu muốn đi ra đường để rồi mắc mưa mà vào trong quán đợi hết cơn mưa. “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”, lời thơ cổ của một thi hào với ý nghĩa: “mưa không lớn sẽ không lưu khách thêm thời giờ trong quán”. Như vậy thì đúng với bối cảnh mưa trên đường phố Lê Lợi Sài Gòn. Dạo chơi trời đang nắng thì bỗng cơn mưa lớn kéo đến. Vậy là đôi ba cặp tình nhân có đời sống khá giả dìu nhau vào quán nước khá sang trọng trên đường Lê Lợi, nhất là những quán bên kia đường, vì bên này tiệm buôn đã chiếm gần hết chỗ. Bên này đường dành cho thương mại, không phải nơi dành cho quán tiệm vừa thơ mộng vừa đắt giá đối với sinh viên học sinh không thuộc khá giả. Quán tiệm ấy thấy một vài hai bên rạp hát Vĩnh Lợi. Thời trước 1975, các quán nước hợp túi tiền những học sinh sinh viên nghèo hơn thì rải rác khắp các đường phố ngoại ô Sài gòn, họ không hay lui tới quán nước ở đai lộ trung tâm Sài Gòn này. Thi sĩ Nguyên Sa với lời thơ hoa mộng, mặc dù bối cảnh đại diện cho một thiểu số, nhưng thể thức “vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” đồng-hóa ngang hàng cho tất cả bối cảnh, vậy nên bài hát hợp tình hợp cảnh cho mọi đôi lứa: “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt/ Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa/ Anh lạy trời mưa phong kín đường về… Da em trắng, anh chẳng cần ánh sáng/ Tóc em mềm, anh chẳng thiết mùa xuân/ Trên cuộc đời này sẽ chẳng có giai nhân/ Vì anh gọi tên em là nhan sắc… Tháng sáu trời mưa trời mua không dứt/ Trời không mưa, em có lạy trời mưa? Anh vẫn xin mưa phong kín đường về/ Anh nhớ suốt đời mưa tháng sáu”.

 

 (City of Walnut, CA. 04/2012)


Đại-lộ Lê Lợi trước năm 1975

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2858
Ngày đăng: 02.11.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Âu Thị Phục An Và Những Sợi Tơ Vàng - Đặng Kim Côn
Huỳnh Kim Bửu và Tiếng hạc bay trên dòng sông Côn. - Trương Văn Dân
Đỗ Thành Đồng Với Túi Ba Gang Đầy Thơ Và Máu - Hoàng Thụy Anh
Họng Đêm Và Những Câu Thơ Bung Gai Giữa Ngày Không Nắng - Hoàng Thụy Anh
Bàn tay nhỏ dưới mưa - Cuốn tiểu thuyết luận đề của Trương Văn Dân - Dương Kim Thoa
Có một chợ trăng của nữ nhi cửu vạn - Lâm Xuân Vi
Comment Cho Thơ Huỳnh Thúy Kiều - Bùi Công Thuấn
Đời Mong Manh Lắm, hãy yêu nhau - Trần Kim Đức
Nhà văn Duyên Anh - Nguyễn Vy Khanh
Mỹ Nhân Tự Cổ Như Danh Tướng / Bất Hứa Nhân Gian Kiến Bạch Đầu - Nguyễn Cẩm Xuyên
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)