Kể từ khi tốt nghiệp đại học (tháng 6/1968), sau gần chục năm lận đận làm việc ở tỉnh ngoài, từ mùa thu 1977 tôi mới trở lại làm việc ở Hà Nội. Nơi công tác mới của tôi là nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (từ 1990 đổi là Nhà xuất bản Hội nhà văn); tôi làm việc liên tục tại đây cho đến tận lúc về nghỉ hưu (tháng 12/2007).
Đúng 7 giờ sáng ngày 1/9/1977, tôi bước vào ngày làm việc đầu tiên tại căn phòng giữa ở tầng 2 nhà số 65 Nguyễn Du, khi ấy là trụ sở Hội nhà văn Việt Nam. Trong tòa nhà vốn là biệt thự tương đối nhỏ ấy, lãnh đạo Hội dành cho nhà xuất bản sử dụng 1 phòng tầng 1 và 2 phòng tầng 2; phòng ở tầng 1 là văn phòng hành chính quản trị, 2 phòng ở tầng 2 là biên tập, – phòng trong là thơ và văn xuôi, phòng giữa là dịch và lý luận phê bình, – từ chánh phó giám đốc đến các biên tập viên, mỗi người ngồi một bàn trong cùng một phòng.
Trong khuôn viên nhà số 65 khi ấy, ở phía giáp với số nhà 63 có một khoảng trống hồi đó có 2 cây cau và một cây táo to, dịp cuối năm những cành táo trĩu quả, xòa vào ban-công tầng 2; sau năm 1980, lãnh đạo Hội đồng ý cho nhà xuất bản xây trên diện tích ấy 2 tầng nhà để có thêm chỗ làm việc, kho đựng sách; không gian nhà xuất bản từ thời mang tên “Tác phẩm mới” sang thời mang tên “Hội nhà văn” trước sau chỉ có chừng ấy. Cảm giác chung, suốt thời gian làm việc tại đây, là cảm giác về sự chật chội vốn có trong mọi ngôi nhà nội thành. Ở chật mãi cũng quen, chen vai nhau mà ai nấy vẫn theo được mạch đọc mạch nghĩ của mình, bởi trong phòng rất yên lặng; chỉ khi thấm mệt hay khi có khách, một ai đó dừng tay quay ra pha chè và lên tiếng mời gọi, một vài người mới ngừng nghỉ, vừa uống nước vừa trò chuyện nho nhỏ, trong khi mấy người khác vẫn tiếp tục công việc. Tất nhiên, còn có thể trò chuyện thoải mái hơn nếu đi xuống dưới sân nhà 65, nơi có vài ghế đá trong khuôn viên, dưới gốc hai cây bách tán lớn, ngọn vươn cao hơn cả tầng thượng, – một trong hai cây bị bão đánh gãy vào năm 1989, sau đó người ta gọi thợ vào chặt bỏ cả hai cây, khiến sân nhà 65 từ ấy sạch mọi bóng cây.
Còn nhớ, buổi sáng đầu tiên vừa kể, khi tôi đang đứng chờ người mở cửa phòng, thì một người nữa cũng đến cùng tôi đứng chờ; hỏi han nhau mới biết đó là nhà thơ Ngô Văn Phú, vừa chuyển từ báo “Văn Nghệ” sang, cũng đi làm ở nhà xuất bản từ 1/9/1977 như tôi.
Đó là những năm đầu “Tác Phẩm Mới” chuyển chức năng từ một tạp chí văn chương sang chức năng một nhà xuất bản sách văn học, đang gấp rút xây dựng lực lượng biên tập.
***
“Tác Phẩm Mới” với tính cách tạp chí của Hội nhà văn Việt Nam, được thành lập từ tháng 4/1969, ra số đầu vào tháng 5/1969. Dưới sự chủ trì của nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhất là các nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên và sự cộng tác của đông đảo các nhà thơ nhà văn quen biết, “Tác Phẩm Mới” sớm trở thành một địa chỉ tin cậy, một trong số vài tạp chí văn chương hầu như duy nhất trên miền Bắc hồi ấy. Tuy vậy, giới những người chủ trì Hội nhà văn hồi ấy lại ngày càng cảm thấy sự thiếu hụt một cơ quan xuất bản sách để có thể cho công bố được nhiều hơn nhanh hơn những sáng tác văn học đang có chiều hướng xuất hiện ngày một nhiều thêm, dày dặn hơn. Trong giới cũng nghe thấy những tin đồn về sự trục trặc giữa người đứng đầu nhà xuất bản Văn học với mấy nhà văn “gạo cội” trong Hội. Xin phép để lập một nhà xuất bản mới là chuyện quá khó; bởi thế đã ngày càng chín muồi cái ý tưởng chuyển đổi tờ tạp chí hiện hành thành nhà xuất bản. Lãnh đạo Hội đem ý tưởng ấy đề đạt các cấp liên quan. Bản thân tạp chí “Tác Phẩm Mới”, sau chiến thắng 30/4/1975, cũng chủ ý làm những số mang tính tổng kết văn thơ thời chống Mỹ bằng các tuyển văn tuyển thơ.
Tháng 2/1976, tạp chí “Tác Phẩm Mới” ra số 58, thông báo đây là số cuối cùng:
Cùng bạn đọc
“Tác Phẩm Mới” từ khuôn khổ một tạp chí đã được phép nâng lên thành một nhà xuất bản văn học. Nhìn lại, ra đời tháng 4/1969, qua gần 7 năm với 58 số tạp chí, Tác Phẩm Mới đã cố gắng góp phần xây dựng nền văn học kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong tình hình mới, Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới sẽ nối tiếp duyên văn tự với độc giả tạp chí “Tác Phẩm Mới”.
Sáng ngày 11/5/1976, tại phòng họp ở tầng 1 nhà 65 Nguyễn Du, Hội nhà văn tổ chức lễ ra mắt nhà xuất bản “Tác Phẩm Mới”. Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi nêu chức năng và nhiệm vụ của nhà xuất bản và giới thiệu Ban giám đốc gồm Vũ Tú Nam, Nguyễn Minh Tấn, Nguyễn Văn Mãi, Nguyễn Kiên cùng với hội đồng biên tập bao gồm nhiều nhà văn nhà thơ quen biết; Giám đốc kiêm Tổng biên tập Vũ Tú Nam trình bày phương hướng và kế hoạch công tác trước mắt. Giới nhà văn nhà thơ nhà phê bình lý luận có mặt trong buổi lễ tỏ ra vui mừng khi được thông báo Nhà xuất bản của Hội được thành lập và bắt đầu làm việc ngay từ tháng 5 này. Trong năm 1976, nhà xuất bản đã kịp có sách để ra mắt bạn đọc gần xa.
***
Ai cũng biết trước đó, trong giới nhà văn đã từng có một nhà xuất bản. Hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam diễn ra các ngày 1 – 4/4/1957, thì đến hội nghị Ban chấp hành khóa I lần thứ 2 (25 – 26/4/1957) Hội đã quyết định ra tờ tuần báo “Văn” và lập nhà xuất bản mang tên “Hội Nhà Văn”. Những biên chế đầu tiên của nhà xuất bản là giám đốc Tô Hoài và các biên ủy viên Hoàng Cầm, Đoàn Giỏi, Nguyễn Văn Mãi. Trong khoảng 1 năm, từ tháng 5/1957 đến đầu năm 1958, Nxb. Hội Nhà Văn ra được trên 40 tên sách, trong đó có một loạt tác phẩm in sách lần đầu như các tập truyện ngắn: Bên bờ sông Lô (Nguyễn Đình Thi), Nhật ký của đời sống (Vũ Tú Nam); các tiểu thuyết: Ngẩng lên (Phạm Hữu Tùng), Sắp cưới (Vũ Bão), Mười năm (Tô Hoài); các tập ký: Gặp lại một người bạn nhỏ (Nguyễn Đổng Chi), Triều lên (Xuân Diệu); các kịch bản: Cô Thục (Chu Ngọc), Đêm Lào Cai (Hoàng Cầm); các tập thơ: Gò Me (Hoàng Tố Nguyên), Tình người soi dặm đường (Hoàng Yến), Những ngọn đèn (Yến Lan), Những ngày xưa thân ái (Phạm Hổ), Bài thơ trên ghế đá (Lê Đạt, Vĩnh Mai), Gửi miền Bắc (Tế Hanh), Rừng biển quê hương (Trần Lê Văn, Quang Dũng), Thơ ngang (Đồ Phồn), Nụ cười chính nghĩa (Tú Mỡ); các tập thơ văn nhiều tác giả (Bóng dừa xanh; Nhìn sang bên kia; Tháng Mười); bản dịch lần đầu truyện thơ Thái (Xống chụ xôn xao = Tiễn dặn người yêu); các tuyển dịch tác phẩm M. Gorki, Tchekhov, Lỗ Tấn; bên cạnh đó là tái bản một loạt tác phẩm của Ngô Tất Tố (Tắt đèn; Việc làng), Nguyễn Công Hoan (Bước đường cùng; Truyện ngắn chọn lọc), Nguyễn Tuân (Vang bóng một thời), Thạch Lam (Truyện ngắn, tiểu luận), Thanh Tịnh (Quê mẹ), Vi Huyền Đắc (Kim tiền), Nguyễn Bính (sơ tuyển thơ Nước giếng thơi), Anh Thơ (Bức tranh quê), Bùi Hiển (Nằm vạ), Lê Văn Hiến (Ngục Kontum), … Công việc xuất bản hầu như ngừng lại từ đầu năm 1958 để tham gia các đợt học tập chỉnh huấn ở ấp Thái Hà. Khi kết thúc đợt đấu tranh chống “Nhân văn – Giai phẩm”, hội nghị lần 4 BCH Hội nhà văn VN khóa 1 (2 – 3/7/1958) đã quyết định “đình chỉ hoạt động của Nhà xuất bản Hội nhà văn, giao Ban Thường vụ Hội làm việc với Bộ văn hóa để thành lập một Nhà xuất bản văn học của Nhà nước, và Nhà xuất bản Hội nhà văn sẽ hợp nhất vào đó”. Trên thực tế, kể từ đó Hội nhà văn không có nhà xuất bản.
Việc chuyển “Tác Phẩm Mới” từ chức năng tạp chí sang chức năng nhà xuất bản vào năm 1976 chính là phương cách khôi phục hoạt động xuất bản ngay trong phạm vi Hội nhà văn.
***
Phải nói, – nhìn bằng con mắt của thời đại truyền thông và internet bây giờ thì công việc thời kỳ đó (cách nay 30 năm) là khá nhiêu khê, việc gì cũng đi qua rất nhiều công đoạn, kể từ việc biên tập đến việc in ấn.
Bản thảo các tác giả đưa đến hoặc gửi qua bưu điện đến nhà xuất bản rất ít khi có bản đánh máy, thường chỉ là bản viết tay; chính bản viết tay đó được biên tập viên đọc, nhận xét hoặc đưa đi nhờ chuyên gia đọc giám định (tất nhiên các nhận xét phải ghi trên giấy khác, không được ghi lên bản thảo); chỉ khi nhận thấy bản thảo có triển vọng sử dụng, biên tập viên mới đề nghị trưởng phòng ký cho đánh máy. (Tại văn phòng nhà xuất bản luôn luôn có vài ba tay đánh máy cự phách, không chỉ đánh máy nhanh, chính xác, mà còn giỏi đọc ra những thói quen viết ngoáy viết tắt của từng nhà văn; Xuân Diệu viết rõ ràng dễ xem nhưng vẫn có những chỗ viết tắt ai quen mới đọc ra được; Chế Lan Viên viết rất ngoáy, lại thường viết tắt, rất khó đọc ra đoán ra; chữ Nguyễn Đình Thi, – như mô tả của Nguyễn Công Hoan, – là từng dòng chữ “nhỏ lắt tắt”, có lẽ do thói quen tiết kiệm giấy từ hồi kháng chiến ở Việt Bắc… nhưng vào tay những người đánh máy tầm cỡ như cụ Quý thì biên tập viên nào cũng có thể yên tâm!). Bản đánh máy ấy được dùng để biên tập, rồi kèm hồ sơ đưa đọc duyệt; bản thảo được tổng biên tập ký duyệt rồi mới trở thành bản thảo của nhà xuất bản đưa đi nhà in.
Khâu in ấn, ở miền Bắc cho đến những năm 1980 vẫn dừng lại ở loại máy in nhập nội hồi cuối thế kỷ XIX. Thợ sắp chữ xếp từng con chữ chì đúc rời hợp lại thành chữ, thành câu, thành từng trang, dùng dây đay dây lạt buộc lại, cho vào cái khuôn nhỏ gọi là bát chữ; xếp xong mỗi bát chữ thợ lại dập thử ra giấy (gọi là bản dập thử, chữ Pháp: épreuve); lần đầu thường là người sửa in (gọi là sửa morass) của nhà in sẽ sửa lỗi trên giấy ấy rồi đưa lại, thợ sắp chữ sửa các lỗi đó trên bát chữ, lại dập ra giấy; lần này bản dập được đưa về nhà xuất bản, người sửa in của nhà xuất bản sửa xong rồi gửi trở lại nhà in; các bản dập dùng để sửa in này thường được gọi là bon (đọc là “bông”, công việc sửa in cũng được gọi là “đọc bông”; “bon”, chữ Pháp, nghĩa cụ thể ở đây là “phiếu”, vì các tờ giấy in dập thử này đang là một thứ phiếu giao dịch giữa nhà in với nhà xuất bản); quy trình này lặp đi lặp lại vài lần, có cuốn sách phải “đi bon” tới lần thứ 3; nhiều khi không chỉ biên tập viên mà chính các tác giả (như Xuân Diệu, Tô Hoài, …) cũng yêu cầu được tham gia sửa in; bản dập lần sửa cuối được người sửa in của nhà xuất bản ký in thì nhà in mới đưa vào in hàng loạt; 8 bát chữ ứng với 8 trang sách hợp lại thành một khuôn lớn, ứng với một tờ giấy lớn, in hai mặt thành 16 trang; có quy cách đặt trang và gấp giấy để tạo thành 16 trang liên tục, gọi là một tay sách (nhà văn Nhật Tuấn đã đem việc này viết thành truyện ngắn “Trang mười bảy”, cũng là nhan đề chung tập truyện ngắn đầu tay của anh).
Hoạt động từ năm 1976 nên nhà xuất bản Tác Phẩm Mới có thể tính tới việc sử dụng kỹ thuật in mới tại một số nhà in miền Nam. Hai cuốn sách đầu tiên được đưa vào Tp. HCM. in tại nhà máy in Trần Phú, ruột sách được chế bản bằng kỹ thuật monofoto tại phòng chế bản của nhà in Nguyễn Bá Tòng; biên tập viên Bùi Văn Hòa (1944-2000) từ Hà Nội vào Sài Gòn, hàng ngày xuống nhà in để làm công việc sửa in.
Tại xưởng chế bản của nhà in Nguyễn Bá Tòng ở Tp.HCM., năm 1978, khi đi vào sửa in cuốn sách dịch “Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học”, tôi cũng có dịp làm việc với lối chế bản monofoto, – nó tương tự lối đánh máy trên máy chữ, nhưng chữ sẽ in lên phim âm bản, qua khâu rửa phim sẽ thành dương bản; mỗi tờ phim dương bản ứng với một trang sách, được nhà in gắn lên một tờ giấy trắng, đưa về nhà xuất bản; người sửa in hoặc biên tập viên sẽ sửa bằng bút sáp lên chữ nào đó cần sửa; theo chỉ dẫn ấy thợ nhà in sẽ sửa trên phim bằng lối cắt dán; cuối cùng các tấm phim ấy sẽ được gắn lên giấy tráng kẽm, sau khi phơi dưới ánh sáng, khuôn kẽm sẽ thành khuôn chữ dùng để in hàng loạt. Ngày nay, khi đã có máy điện toán (computer), lối chế bản tương tự monofoto được thực hiện ngay tại nhà xuất bản, giấy can sẽ được thay cho giấy phim, giá thành chế bản rẻ hơn.
Hai cuốn sách do nhà xuất bản Tác Phẩm Mới cho ra mắt tháng 11 năm 1976 đều được dùng các kỹ thuật chế bản và kỹ thuật in tiên tiến nhất tính đến lúc ấy ở Việt Nam. “Thơ Việt Nam 1945-1975” (396 trang) và “33 truyện ngắn chọn lọc” (468 trang), khổ sách trung bình (24 x 15,5 cm), với trang bìa mang rõ phong cách sách Hà Nội, với lượng in lớn (mỗi cuốn 25.600 bản) là một lời ra mắt có sức khích lệ khá lớn.
***
Vào những ngày đầu chuyển sang hoạt động xuất bản, nhân sự của nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, trên nét lớn, gồm nhân sự của tạp chí “Tác Phẩm Mới” trước đó, cộng thêm những cán bộ nhân viên nhà xuất bản Văn học giải phóng không chuyển vào Tp. HCM. (Nhà xuất bản này vốn được lập ra từ khoảng 1969 và thường trú ẩn danh tại Hà Nội, trong khuôn viên trường mỹ thuật Yết Kiêu, sau tháng 4/1975 chuyển vào Tp. HCM., rồi mấy năm sau sẽ gia nhập nhân sự nhà xuất bản Văn nghệ Tp. HCM.).
Bộ phận biên tập nhà xuất bản Tác phẩm mới ban đầu khá ít ỏi.
Phần văn xuôi do nhà văn Nguyễn Kiên phụ trách, ban đầu chỉ có một biên tập viên Bùi Văn Hòa, từ 1980 dần dần có thêm Nguyễn Phan Hách (từ báo “Văn Nghệ” chuyển sang), Lê Minh Khuê (từ đài truyền hình Việt Nam chuyển về), Trần Vũ Mai (từ trại viết Quân khu V chuyển ra).
Phần biên tập thơ lúc đầu chỉ có một mình Ý Nhi, sau rồi có thêm Ngô Văn Phú; rồi Ý Nhi chuyển vào phụ trách chi nhánh nhà xuất bản tại Tp. HCM., thì lại có anh Vân Long chuyển sang đây từ tờ báo “Độc Lập” vừa đóng cửa; Xuân Quỳnh trước khi mất (1988) cũng là biên tập viên tổ thơ.
Phần biên tập sách văn học dịch, do Bằng Việt phụ trách, lúc đầu cũng chỉ có 2 biên tập viên Quang Chiến, Chu Nga; rồi chị Chu Nga chuyển đi, chỉ còn lại Quang Chiến; rồi Quang Chiến chuyển đi, Bằng Việt cũng chuyển đi; từ giữa những năm 1980 lại có Thái Bá Tân, Vũ Đình Bình từ Đại học sư phạm chuyển về, Phạm Sông Hồng từ công trường thủy điện Hòa Bình chuyển về, vừa học trường viết văn Nguyễn Du vừa làm biên tập sách dịch; khoảng năm 2000 bạn trẻ Hà Việt Anh từ Nga về nước có đến làm ở phòng sách dịch một thời gian ngắn trước khi chuyển đi làm báo.
Năm 1980 có một tổ làm sách chuyên đề được lập ra, như là chuẩn bị cho một loại tạp chí; nhà thơ Xuân Tùng từ phòng kế hoạch xuất bản được cử làm biên tập viên đầu tiên, rồi tổ biên tập này có thêm nhà thơ Xuân Quỳnh từ báo “Văn Nghệ” chuyển sang.
Năm 1988 có một tổ làm sách tái bản được lập do Bùi Văn Hòa phụ trách, có thêm Nguyễn Thị Anh Thư từ phòng sửa in chuyển lên; cũng như tổ sách chuyên đề, tổ sách tái bản chỉ tồn tại một thời gian ngắn.
Phần biên tập sách lý luận phê bình do anh Nguyễn Minh Tấn phụ trách (anh vốn là viện phó Viện văn học chuyển sang khi lập nhà xuất bản), lúc tôi về thì hai biên tập viên tiền nhiệm là Hoàng Trung Nho và Trọng Hứa đã chuyển đi cơ quan khác, để lại mấy cuốn sách tiểu luận, kinh nghiệm sáng tác đầu tiên hãy còn đang được sản xuất tại nhà in; cuối năm 1980, trung úy Vương Trí Nhàn từ tạp chí “Văn Nghệ Quân Đội” xuất ngũ, chuyển sang nhà xuất bản, được giao phụ trách tổ biên tập lý luận phê bình; từ 1986 Vương Trí Nhàn đi Moskva, theo thỏa thuận Việt – Xô, hợp tác làm sách dịch tại nhà xuất bản Cầu Vồng; tổ Lý luận phê bình chỉ có một mình tôi; năm 1987 Bùi Văn Hòa, rồi năm 1989 Vương Trí Nhàn từ nhà Cầu Vồng trở về, đều được đưa vào tổ lý luận phê bình; năm 2000, Bùi Văn Hòa lên làm phó tổng biên tập, rồi lâm bệnh mất đột ngột; cũng năm 2000 có thêm Ánh Ngân, tốt nghiệp đại học xã hội nhân văn, bổ sung vào tổ biên tập này.
***
Làm sách lý luận phê bình được xem là việc rất không đơn giản dễ dàng, nhất là lại làm dưới góc độ nhà xuất bản của Hội nhà văn. Thời đầu, mảng sách này tập trung vào kinh nghiệm sáng tác, vào loại lý luận hướng dẫn sáng tác, –hầu hết các nhà văn cựu trào ở Hội chỉ chấp nhận loại sách đó. Những cuốn ra sớm nhất: “Sổ tay viết văn” (1977) của Tô Hoài, “Hỏi chuyện các nhà văn” (1977) của Nguyễn Công Hoan, “Những nhân vật ấy đã sống với tôi” (1978) của Nguyên Hồng, “Mùa thu lớn” (1978) của Lưu Trọng Lư, “Chuyện nghề” (1986) của Nguyễn Tuân, …
Rất ít cuốn kinh nghiệm nào thuần nhất chỉ nói kinh nghiệm, mà thường pha tạp với hồi ức, với các loại bài tiểu luận hay tạp văn,… Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới vài ba năm đầu đôi khi được nhận xét là nặng duyên với sách tiểu luận của giới nhà văn hơn là của giới nhà phê bình. Quả là chúng tôi không thể không ưu ái hơn cho việc in các tập tiểu luận của những nhà văn vốn rất có uy trong Hội, mà sách của họ cũng dễ gây thiện cảm vì cái văn riêng từng tác giả. Từ các tập tiểu luận như “Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy” (1979) của Xuân Diệu, “Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân” (1981) của Chế Lan Viên, “Chuyện nghề" (1999) của Nguyễn Khải,… đến những tập hồi ức văn học như “Những gương mặt” (1988), “Cát bụi chân ai” (1992), “Chiều chiều” (1999) của Tô Hoài, Một thời để mất (1995) của Bùi Ngọc Tấn, và nhiều cuốn của một số nhà văn khác, luôn luôn tự chứng tỏ được về vị thế của mình trước độc giả.
Tất nhiên biên tập viên chúng tôi cũng thuyết phục ban giám đốc giành số đầu sách cần thiết để in các tập phê bình tiểu luận của giới phê bình chuyên nghiệp, xem đây như là cách phát hiện, khẳng định sự định hình những tác giả phê bình. Sớm nhất trong loại này có lẽ là cuốn “Nhà văn, tư tưởng và phong cách” (1979) của Nguyễn Đăng Mạnh, sau đó là các cuốn “Tìm hiểu và suy nghĩ” (1982) của Triêu Dương, “Thơ, những gương mặt” (1983) của Thiếu Mai, “Mấy vẻ mặt thi ca” (1983) của Nguyễn Huệ Chi, “Văn học và phê bình” (1984) của Lại Nguyên Ân, “Tìm hiểu và thưởng thức thơ” (1985) của Nguyễn Xuân Nam, “Bước đầu đến với văn học” (1986) của Vương Trí Nhàn, “Thi pháp thơ Tố Hữu” (1987) của Trần Đình Sử, “Những tín hiệu mới” (1995) của Huỳnh Như Phương, “Đối thoại mới với văn chương” (1996) của Nguyễn Thị Minh Thái, v.v…
Bên cạnh các loại trên, tôi và Vương Trí Nhàn thường trao đổi với nhau nhiều về hướng phát triển sách lý luận phê bình.
Có rất nhiều hướng cần phát triển.
Giới thiệu lý luận đương thời ở Liên Xô và Đông Âu, giới thiệu các mảng văn học, các tác gia tác phẩm, thể loại, vấn đề nổi lên ở thế giới hiện đại, – đều là những thứ chúng tôi quan tâm. Nhưng số đầu sách trong kế hoạch dành cho lý luận phê bình vốn rất ít, mỗi năm chỉ vài ba cuốn, thật khó để có thể làm những cuốn sách dịch dày dặn. Sau cuốn “Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học” của M. B. Khapchenko (Lê Sơn dịch, in 1978), bọn tôi nhắm vào cuốn chuyên luận“Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực” của B. Sutchkov (Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Hải Hà dịch), nhưng sau khi làm xong được bản thảo, sách đưa in lại bị chia làm hai tập, dàn ra trong 2 năm (1980, 1982) mới in xong.
(Anh Hoàng Ngọc Hiến có kể cho vài bạn quen một kỷ niệm; một hôm, nhà văn Nguyễn Đình Thi nhìn thấy anh từ nhà xuất bản đi ra, liền vẫy tay gọi lại gần, bảo: cậu thừa sức viết những quyển như “Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực” , việc gì phải mất công dịch?! Bọn tôi biết, số đông nhà văn kỳ cựu ở Hội không ưa các quyển sách dịch chuyên luận dày của những “ông ốp ông ép”, mặc dù họ vẫn thường xuyên đi Moskva. Định kiến về lý luận Nga-Xô của lớp nhà văn ít nhiều đọc được nguồn sách tiếng Pháp, tất nhiên là cũng có sở cứ, nhưng nó thường bị phổ cập hóa ra đám đông thành một thứ định kiến trùm lớp nên rất dễ đa đoan. Tất nhiên cũng có những nhà văn chịu khó lắng nghe. Vương Trí Nhàn kể, có lần Nguyễn Khải đọc được một bài, từ nguồn tài liệu tiếng Pháp, nói rằng có một học giả Nga Xô đã làm sáng danh một tác gia Pháp; sau đó tìm ra thì đó chính là nói về nhà nghiên cứu Mikhail Bakhtin (1895-1975) với quyển sách nổi tiếng về sáng tác của François Rablais (1494-1553). Những năm 1980 chúng tôi tìm đọc Bakhtin và luôn nghĩ cách đưa tới các đồng nghiệp; khoảng dăm năm sau đó tôi và Vương Trí Nhàn bỏ khá nhiều công sức biên tập một cuốn tuyển “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết” của Bakhtin, bản dịch này sau đó, năm 1992, được dịch giả Phạm Vĩnh Cư đưa về trường viết văn Nguyễn Du đứng tên xuất bản lần đầu; đến lần in thứ hai, năm 2003, sách này mới lại đứng tên Nxb. Hội nhà văn chúng tôi).
Vậy là phải tránh loại sách chuyên luận dày, để hướng vào loại sách biên dịch, rút ngắn các nội dung cho hợp với vài trăm trang in. Sau “Sổ tay truyện ngắn” (1980) của Vương Trí Nhàn, chúng tôi làm các cuốn mang tính lược thuật, biên dịch như “Các nhà văn Xô-viết” (1982), “Mười nhà thơ thế kỷ XX” (1982), “Số phận của tiểu thuyết” (1983), “Chân dung văn học” (1983), “Cuộc tìm tòi vô tận” (1988), “Sự thật đời sống, sức mạnh của văn học” (1988), v.v…
Một trong những đề tài mà Vương Trí Nhàn và tôi chăm chú nhất, ấy là làm các cuốn sách thể hiện đời sống văn học Việt Nam, các dữ kiện, dữ liệu, vấn đề của văn học Việt Nam, từ hiện tại tới quá khứ. Sản xuất ra các hiểu biết (tri thức) về tác giả, tác phẩm, tư trào, xu hướng, phong cách, bút pháp,… thuộc các thời kỳ, thời đại của văn học Việt Nam, – chính là một trong những nhiệm vụ lớn nhất của sách lý luận phê bình nghiên cứu văn học của ta. Các cuốn sách tập hợp bài lẻ của các nhà văn hoặc nhà phê bình kể trên tất nhiên cũng phần nào thuộc đề tài đó, nhưng dù sao cũng không nên đơn điệu lười nhác chỉ làm mãi một thứ.
Ngay từ đầu, công trình sưu tầm biên dịch về tư tưởng văn học của tác gia Việt Nam ở thời đại sử dụng văn tự Hán Nôm, do một số cán bộ nghiên cứu Viện văn học (Đỗ Văn Hỷ, Trần Nghĩa, Hồ Tuấn Niêm, Trần Lê Sáng,…) thực hiện, do Nguyễn Minh Tấn chủ biên, được chính anh Tấn mang theo từ Viện sang đây, đưa vào kế hoạch xuất bản, lại gửi bản thảo vào Tp. HCM., nhờ nhà thơ Chế Lan Viên đọc và viết cho một lời tựa. Khi tôi về nhà xuất bản, anh Tấn giao cho tôi bản thảo này để tổ chức thành sách; sau nhiều lần trao đổi với nhau, chúng tôi chọn đặt cho cuốn sách ấy cái tên “Từ trong di sản…” (có thêm phụ đề “Những ý kiến về văn học từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX ở nước ta”) và xếp các đoạn trích theo thời gian xuất hiện; sách in lần đầu vào tháng 9/1981, nhận được hồi âm rất tích cực, năm 1988 tái bản lần đầu có bổ sung. Trên thực tế, cuốn tuyển nhỏ “Từ trong di sản…” này đã cung cấp tư liệu và tạo ra một cái hích cho khá nhiều công trình sẽ xuất hiện dưới các tay bút hàn lâm về sau, xoay quanh đề tài những tư tưởng lý thuyết trong văn chương cổ Việt Nam, điều mà trước đó hầu như chưa hề có.
Cũng nhắm vào quan niệm văn học của nhà văn Việt Nam, nhưng là trong giới cầm bút đương đại, Vương Trí Nhàn tìm được một nhóm giảng viên trẻ Đại học sư phạm, đưa họ một đề cương, gợi ý họ sưu tầm, tập hợp trong vài ba năm để ra được 2 tập “Các nhà văn bàn về văn” (tập 1 in 1985, tập 2 in 1986).
Đời sống văn học trong diện mạo cụ thể của nó, tất nhiên, vẫn lôi cuốn nhiều hơn. Chuyện chiến tranh và văn học, ban đầu là sách của tổ chuyên đề, Xuân Quỳnh và Xuân Tùng đã làm 2 cuốn “Trận tuyến phía Bắc” (in 1979) và “Campuchia khi nụ cười trở lại” (in 1980), nhưng đó là những tập sáng tác thơ văn viết về cùng một đề tài. Sách lý luận phê bình cần đề cập chiến tranh ở khía cạnh nhà văn trải nghiệm chiến tranh và viết các tác phẩm ra sao, tức là phạm vi những hồi ức, trải nghiệm sáng tác. Ban đầu đề tài này được tổ chức thành cuốn “Chiến trường, sống và viết” (Vương Trí Nhàn và Xuân Quỳnh biên tập, tập 1 in 1982; tập 2 in 1984) trong đó đề cập hoạt động văn học trong các cuộc chiến ở Việt Nam từ 1945 đến 1975, lại cũng đưa vào đây tài liệu biên dịch kinh nghiệm viết đề tài chiến tranh ở các nước ngoài. Sau đó, mảng hồi ức, tư liệu về hoạt động văn nghệ ở Việt Nam những năm 1945-54 được tách riêng vào bộ sách “Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học” (tập 1 in năm 1985; tập 2 in năm 1987; tập 3 in năm 1993); còn mảng hồi ức, tư liệu về hoạt động văn nghệ của ta những năm chống Mỹ 1954-75 thì được đưa vào bộ sách mới, cũng mang nhan đề “Chiến trường, sống và viết” (tập 1 do Ngô Thảo biên soạn, in 1994; tập 2 in 1995); tiếc là bộ sách này không ra được những tập tiếp theo, phần vì hứng thú theo đuổi đề tài giảm đi do không khí xã hội thay đổi, phần vì có trục trặc giữa biên tập viên với người biên soạn.
Những thể nghiệm sáng tác của từng nhà văn trong từng trường hợp tác phẩm cụ thể, được bọn tôi lấy làm đề tài “đặt hàng” hai nhà báo đồng thời là nhà phê bình: Lê Quang Trang và Trần Bảo Hưng; bản thảo quyển “Thai nghén tác phẩm” hoàn thành cuối những năm 1980, mãi tới năm 1995 mới in ra được. Cũng cuối thời bao cấp, bọn tôi còn thử làm sách tổng hợp dư luận văn học từng đoạn thời gian nhất định; quyển “Văn học 1975-1985, tác phẩm và dư luận” (nhóm soạn: Vân Trang, Ngô Hoàng, Bảo Hưng) hoàn thành năm 1987, cũng phải đợi 10 năm sau mới in được thành sách.
Bước vào những năm 1990, – khi nhà xuất bản đổi từ tên “Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới” thành “Nhà xuất bản Hội nhà văn” (cũng là lấy lại cái tên đã có từ 1957), – việc xuất bản không còn bao cấp, phải tính nhiều hơn đến sức mua, khả năng tiêu thụ; tuy vậy, không khí tinh thần có nhiều cởi mở, cũng dễ làm sách hơn. Đề tài tác gia hiện đại, nếu trước đấy chỉ được phép (“được phép” là hiểu ngầm thôi, không có quy tắc thành văn!) làm sách nghiên cứu về dăm ba tác gia nhất định, thì từ đây được mở rộng. Từ lâu tôi và Vương Trí Nhàn vẫn tâm niệm cùng nhau: các phạm trù văn học có thể rất rộng, rất mơ hồ, nhưng “tác gia”, “tác phẩm” thì hầu như bao giờ cũng vẫn là những đơn vị cơ bản, không thể bị triệt tiêu trong bất cứ hệ khảo sát nào, cũng không thể bị coi nhẹ coi rẻ như quan niệm bao cấp vốn công nhiên tuyên bố chỉ coi trọng sáng tác vô danh của nhân dân, của công nông binh.
Vậy là từ đây có thể làm những cuốn sách nói về từng nhà văn nhà thơ. Vừa hay, từ chi nhánh nhà xuất bản ở Tp. HCM., Ý Nhi báo cho bọn tôi biết có một số mối liên kết xuất bản phát hành để ra một loại sách chuyên đề nói về các nhà văn, các sự kiện văn học. Loại sách này sẽ nằm trong một loại được gọi là tủ sách “Thế giới văn học”; một cây bút biên soạn có nhiều mối quen biết với giới làm sách ở Tp.HCM. được giới thiệu làm những cuốn đầu tiên, ấy là ông Hoài Việt. Cũng thời gian ấy, một nhóm biên soạn ở phía Nam liên lạc với chúng tôi để ra loại sách “Bách khoa văn học” như một thứ tạp chí, nêu các vấn đề, sự kiện văn nghệ. Lại có một nhà báo ở thông tấn xã đến hợp tác với chúng tôi ra loại sách “Cửa số văn học”, cũng là một thứ tạp chí dưới dạng sách.
Cả ba loại này đều tiến triển được ít lâu.
“Bách khoa văn học” in tại Tp. HCM., trong 2 năm 1990-91 ra được khoảng 11 cuốn. Loại “Cửa số văn học” in ở miền Bắc thì mỗi cuốn ẩn dưới một tên sách cụ thể (“Sổ tay du lịch”, “Người Việt di tản, người Việt hồi hương”, “Những mảnh đời vũ nữ”, “Những cuộc tình tay ba”, “Chuyện lỡ làng”, “Giai nhân với mùa thu”, v.v…) cũng duy trì được chừng vài năm, đôi lúc lôi cuốn được khá đông các tay bút tại chỗ của nhà xuất bản, lại cũng hứng chịu ít nhiều lời chê trách từ bạn bè trong giới. Loại “chí” ẩn danh sách này sau đấy bị giới quản lý cảnh báo ngăn chặn, và nội dung từng cuốn cũng không mấy giá trị, chỉ như thứ quà vặt ở phố nghèo. Riêng các cuốn trong tủ sách “Thế giới văn học” thì hướng đúng vào đơn vị cơ bản là các tác gia nên nói chung tạo được dấu ấn, đưa ra ánh sáng được khá nhiều mảng tài liệu tản mác ẩn khuất và là sự gợi ý ban đầu cho những nghiên cứu sưu tầm sâu hơn kỹ hơn về từng tác gia. Cuốn mở đầu là “Quang Dũng, người và thơ” (1990); cuốn thứ hai “Nguyễn Bính thi sĩ của yêu thương” (1990) thậm chí còn được bổ sung và tái bản ngay sau khi phát hành; ngay trong năm 1990 ra được 7 cuốn nữa: Nguyễn Huy Tưởng, văn và người; Nguyễn Minh Châu, con người và tác phẩm; Thâm Tâm và T.T.Kh.; Nguyễn Tuân, con người và văn nghiệp; Hàn Mặc Tử, hương thơm và mật đắng; Thế Lữ, cuộc đời trong nghệ thuật; Tagore, người tình của cuộc đời. Sang năm 1991 ra được 6 cuốn: Lê Văn Trương, có phải người hùng; Bích Khê, tinh hoa và tinh huyết; Đông Hồ - Mộng Tuyết; Vũ Trọng Phụng, tài năng và sự thật; Để nhớ Đặng Thai Mai. Năm 1992 cũng 6 cuốn: Hồ Dzếnh thi sĩ; Nguyên Hồng, cát bụi và ánh sáng; Tiếng cười Tú Mỡ; Trương Vĩnh Ký nhà văn hóa; Ngô Tất Tố với chúng ta; Thanh Tịnh nhà văn xứ Huế. Loại sách này những năm về sau tuy không còn mang nhãn phụ “Tủ sách Thế giới văn học” nữa nhưng vẫn ra đều đều, là vì đã xác lập được quan niệm tác giả (hay tác gia) như thực thể hữu cơ của quá trình văn học, như đối tượng quan sát và ghi nhận cần thiết và thường xuyên của dư luận.
Trong giới xuất bản trong nước đương thời, đây là loạt sách đầu tiên lấy các tác gia văn học chuyên nghiệp (chứ không phải một vài tác gia được chỉ định sẵn là tiêu biểu) làm đối tượng biên soạn. Vì thế chăng, cũng khá tai hại, loại sách này của bọn tôi bị “chôm” bị “luộc” rất sớm rất nhanh, cả ý tưởng chung lẫn từng chùm tài liệu cụ thể. Người ta ra những quyển tương tự, chắp vá thêm chút ít, lúc đầu chỉ cốt được nhiều người mua, sau rồi người ta lấy được nguồn đầu tư từ ngân sách công, đội dưới cái nhãn trùm lớp “tác gia và tác phẩm”, dựng ra cả serie sách hàn lâm, vừa vinh danh vừa dựng bia tạc tượng ban phát ân huệ cho thân nhân các tác gia được chế độ thừa nhận. Tất nhiên những cuốn trong tủ sách “Thế giới văn học” bọn tôi làm lúc đầu thường nhằm gợi ý tháo gỡ những hồ sơ tương đối “có vấn đề” của khí hậu văn học thời bao cấp: các tác gia ít nhiều bị rẻ rúng, bị định kiến (Quang Dũng, Nguyễn Bính, Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng), những hồ sơ tồn đọng như những nghi án văn chương một thời, mỗi thứ một kiểu (T.T.Kh., Hàn Mặc Tử, Trương Vĩnh Ký,…); những “vấn đề” mà các cuốn thuộc tủ sách “Thế giới văn học” của bọn tôi gợi ra, thì loại sưu tập “tác gia và tác phẩm” kia sẽ gắng xoa mờ đi.
Bước sang thế kỷ XXI, trong sự đua tranh hỗn tạp trên thị trường sách, hầu hết các sách tiểu luận phê bình, tương tự các tập thơ, đều bị các đối tác liên kết từ chối, lại cũng không chen chân được vào danh mục những sách được “nhà nước đặt hàng” tức tài trợ vốn in. Trong nhà xuất bản Hội nhà văn tuy vẫn còn giữ nguyên cơ cấu các phòng biên tập như cũ, nhưng mọi biên tập viên đều phải làm mọi thể tài sách khi cần.
Đáp ứng nhu cầu công chúng, sách văn nghệ trước 1945 được giới xuất bản chú ý tìm tòi và in lại. Văn chương miền Nam trước 1975 cũng có một phần nhỏ có thể được khai thác; nhưng nội một việc có một ít truyện chưởng được phép in lại là đã có ngay một số quan chức thao túng chọc ngoáy, làm biến hình biến dạng, – cho thấy rằng trước mắt hầu như chẳng thể làm được gì nghiêm túc đối với nguồn di sản quá khứ gần ta nhất và vẫn còn bị coi là “nhạy cảm” này. Phần làm được vẫn chỉ là di sản trước 1945. Nguồn này thì giới làm sách làm báo ở Sài Gòn trước 1975 đã đụng chạm mỗi thứ một chút, tuy vậy tại nguồn sách báo cũ ở Hà Nội vẫn có thể tìm thấy những thứ chưa ai biết. Theo hướng này, Vương Trí Nhàn làm hồ sơ “Hàn Mặc Tử, hôm qua và hôm nay” (in 1995) “Khảo về tiểu thuyết” (in 1996), và một số cuốn khác. Tôi và Ý Nhi, liên kết với Hội nghiên cứu giảng dạy văn học Tp. HCM., làm bộ sách thơ mới (1932-1945), ban đầu là in lại đúng nguyên trạng 12 tập thơ mới tiêu biểu thời đầu; sách đáp ứng được nhu cầu công chúng vào dịp kỷ niệm 60 năm phong trào cải cách văn học này; sau đó, hợp tác với Trung tâm văn hóa-ngôn ngữ Đông Tây, tôi sưu tầm thêm tài liệu và dựng thành bộ sưu tập“Thơ mới 1932-1945, tác gia và tác phẩm”, đã in đi in lại tới 6 lần. Theo hướng sưu tầm tập hợp di sản thơ văn, di sản nghiên cứu phê bình có nguy cơ mất mát thất lạc của các tác giả nhiều năm trước, bọn tôi làm tiếp những cuốn: “Nghiên cứu phê bình văn học” (in 2001) của tác giả Lê Thanh (1913-44), “Chống nạng lên đường” (in 2001, tái bản có thêm 2004) tìm lại chùm sáng tác đầu tay của Vũ Trọng Phụng, “Pháp du hành trình nhật ký” (in 2004) của Phạm Quỳnh, “Viết và dịch Lỗ Tấn” và “Tác phẩm đăng báo 1931” của Phan Khôi (in 2006), v.v…
Có một loại di sản mà bọn tôi nghĩ nếu bắt tay vào làm thì sẽ được hưởng quy chế sách “nhà nước đặt hàng”, – đó là thành phần di sản thuộc văn học cách mạng và kháng chiến. Tôi và nhà báo Hữu Nhuận (báo “Văn nghệ”) cùng nhau tìm tài liệu khôi phục được toàn bộ 24 số tạp chí “Tiên phong” 1945-1946 của Hội văn hóa cứu quốc; sách in thành 2 tập, in xong tôi lại cùng ban văn nghệ của Truyền hình Việt Nam dựng một phim tư liệu về Hội văn hóa cứu quốc, có sự góp mặt của Trần Độ, Nguyễn Hữu Đang, Tô Hoài, Trần Đình Thọ. Theo cái đà có vẻ thuận lợi này, tôi và nhà nghiên cứu Nguyễn Thành tập hợp tài liệu cho cuốn “Các hội nghị văn hóa toàn quốc 1946 và 1948”, tiếp tục đề nghị đưa vào loại sách “nhà nước đặt hàng”; bản thảo đưa ban giám đốc, liền trong mấy năm không thấy được duyệt; hỏi ra thì giám đốc Nguyễn Phan Hách cho biết lý do là vì người phụ trách Vụ xuất bản trên Bộ Văn hóa nói rằng ông ta chưa bao giờ nghe nói có hội nghị văn hóa toàn quốc (!) nên sách không được duyệt cấp tài trợ in; bản thảo cũng bị mất do quăng quật đâu đó. Thật tiếc.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi ở Ủy ban toàn quốc các Hội văn học nghệ thuật, nhân xem sưu tập “Tiên phong”, có lời khen bọn tôi “biết cách làm việc” và đề nghị làm tiếp sưu tập tạp chí “Văn nghệ” thời kỳ 1948-1954 ở Việt Bắc hồi kháng chiến chống Pháp. Tôi lại cùng anh Hữu Nhuận tìm tài liệu, soạn thành từng năm, rồi làm tổng mục lục. Tập đầu, “Sưu tập Văn nghệ 1948” (in 1998) thì suôn sẻ, vì cơ quan Liên hiệp VHNT chỗ ông Thi đặt mua 200 cuốn làm quà cho một kỳ họp đại hội. Năm 1999 ra tập 2 (Văn Nghệ 1949), năm 2000 ra tập 3 (Văn Nghệ 1950). Đến đây thì tắc. Các vị trong ban giám đốc bảo: tập 3 sách đọng cứng trong kho, phải đem bán cân, dừng lại thôi! Liền mấy năm sau, năm nào tôi đề nghị dành tài trợ cho việc làm tiếp bộ sách này cũng bị bác bỏ. Đến 2003, tôi thuyết phục ban giám đốc: hai năm 1951-52 Văn Nghệ chỉ ra được rất ít, tôi sẽ ghép chung 2 tập 4 và 5 vào một cuốn sách không dày, các tập còn lại sẽ tính sau. Thế là ra tiếp được cuốn nữa gồm 2 tập (in gộp 2 năm Văn Nghệ 1951, 1952). Nhân dịp ấy, tôi cho sắp chữ và làm chế bản luôn các tập còn lại, để sẵn đấy, lúc nào có tài trợ là đưa in chen ngang, in gối đầu… Và tập 6 (Văn Nghệ 1953) ra năm 2005, tập 7 (Văn Nghệ 1954) ra năm 2006. Mãi đến khi tận mắt nhìn thấy bản in tập 7, tôi mới thở phào vì đã xong hẳn một việc!
30 năm làm việc tại một nhà xuất bản, trải qua khá nhiều thăng trầm của nghề làm biên tập sách, tôi tự thấy mình chỉ thích hợp với sách lý luận, phê bình, nghiên cứu, tư liệu văn học kiểu truyền thống, làm kỹ với tốc độ chậm. Tôi không nghĩ rằng ở thời thị trường thì loại sách này cần phải được làm nhanh. Sách làm kỹ, in rồi có thể in lại, có sửa hoặc thêm chút ít. Còn kiểu làm nhanh in một lần rồi quên luôn, thì tôi không biết cách làm.