Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.090
123.138.915
 
Những đứa con đần độn
Hiếu Tân

 

 Joseph Conrad[1]



[1] Xem giới thiệu tác giả ở truyện “Phá”.

HIẾU TÂN dịch

 

 

   Chúng tôi đang chạy xe trên đường từ Treguier đến Treguier. Chúng tôi chạy nước kiệu nhẹ nhàng giữa những hàng dậu trên đỉnh một bức tường đất ở hai bên đường; rồi đến dốc trước Ploumar con ngựa chuyển sang đi bước một, người xà ích từ thùng xe nhảy phịch xuống. Anh ta đập nhẹ chiếc roi ngựa và bắt đầu leo dốc, bước đi vụng về bên cạnh xe, một tay đặt lên bậc lên xuống, mắt nhìn xuống đất. Một lúc sau anh ta ngẩng đầu lên, đưa roi chỉ con đường và kêu lên:

“Thằng ngố!”

Nắng rọi gay gắt trên mặt đất mấp mô. Trên đỉnh dốc là những lùm cây khẳng khiu, cành cây vươn cao trên nền trời như những cây cà kheo. Những cánh đồng hẹp, bị cắt rời ra bởi những hàng rào và những bức tường đá chạy dích dắc trên sườn đồi, nằm trong những mảnh chữ nhật màu xanh lá cây và vàng rực giống như những nét vẽ vụng về của một bức tranh ngây ngô. Quang cảnh này bị chia thành hai bởi cái vạch trắng của con đường trải ra thành những vòng xa tắp giống như một con sông bụi trườn ra khỏi những quả đồi, đi ra phía biển.

“Nó đây này” người xà ích lại nói.

Trên bãi cỏ viền quanh con đường một khuôn mặt lướt qua cỗ xe ngang mức bánh xe khi chúng tôi chầm chậm chạy qua. Khuôn mặt đần độn đỏ gay, cái đầu múp cắt rất sát dường như nằm đơn độc, cái cằm đầy bụi. Thân người bị lấp sau đám cây mọc dầy chạy dọc dưới đáy một con hào sâu.

Một khuôn mặt con trai. Nó độ khoảng mười sáu, căn cứ vào khổ người nó, chẳng biết như thế là bé hay to. Những kẻ như thế này đã bị thời gian lãng quên, và cứ sống vô tri vô giác hết năm này sang năm khác cho đến khi thần chết lượm chúng đưa vào lòng của nó; thần chết trung thành dưới sức ép công việc của mình không bao giờ quên những đứa con vô nghĩa nhất của nó.

“A! Lại một đứa nữa kìa.” người xà ích lại nói, giọng thoả mãn, như thể anh ta vớ được cái gì mà anh ta hằng mong đợi.

Có một đứa nữa. Thằng này đứng gần giữa đường dưới ánh nắng chói chang ở cuối cái bóng ngắn ngủn của nó. Nó đứng đó hai tay đút vào hai ống tay bên kia của chiếc áo khoác dài, đầu nó tụt xuống giữa hai vai, cả người nó oằn xuống trong cái nóng ngập lụt. Từ xa trông hắn có cái vẻ của người đang chịu đựng cái rét thấu xương.

“Chúng nó là anh em sinh đôi,” người xà ích nói.

Thằng ngốc lê chân hai bước ra khỏi đường và nhìn chúng tôi qua vai nó khi chúng tôi lướt qua người nó. Cái liếc nhìn của nó trừng trừng và trống rỗng, một cái nhìn mê muội, nhưng nó không quay đầu lại để nhìn theo chúng tôi. Có lẽ hình ảnh qua mắt nó không để lại dấu vết nào trong bộ não méo mó của nó. Khi chúng tôi lên đến đỉnh dốc tôi nhìn qua mui xe. Nó vẫn đứng đó nơi chúng tôi vừa đi qua.

Người xà ích trèo vào chỗ của anh ta, tặc lưỡi, và chúng tôi đi xuống đồi. Chốc chốc phanh xe lại nghiến ken két. Xuống đến chân đồi anh ta nhả cái cơ cấu ồn ĩ ấy ra và, quay người nửa vòng trong thùng xe, anh nói__

“Từ từ rồi chúng ta sẽ thấy thêm vài thằng nữa.”

“Những thằng ngố nữa à? Vậy có bao nhiêu đứa cả thảy?” Tôi hỏi.

“Bốn đứa – con của một nông dân ở gần Ploumar này…Cha mẹ chúng đã chết cả rồi,” lát sau anh ta nói thêm. “Người bà sống trong nông trại ấy. Ban ngày chúng nó lang thang trên đường này, và chúng về nhà vào lúc chạng vạng cùng với gia súc…Đó là một nông trại khá giả.”

Chúng tôi nhìn thấy hai đứa khác: một con trai một con gái, như người xà ích đã nói. Chúng ăn mặc hoàn toàn giống nhau, những quần áo chẳng ra hình thù gì cả, những cái váy trông như váy lót. Cái dở người bên trong chúng thúc cho chúng tru lên từng hồi về phía chúng tôi từ trên đỉnh gò, nơi chúng nằm ườn ra giữa những thân cây kim tước rắn rỏi. Những cái đầu đen húi cao của chúng nhô ra từ bức tường màu vàng rực rỡ của vô số những bông hoa nhỏ. Những bộ mặt đỏ gay vì căng thẳng hò hét; những tiếng hét trống rỗng và chói tai như bắt chước máy móc giọng người già, rồi bỗng dưng ngừng bặt khi chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ.

Tôi gặp chúng nhiều lần khi đi dạo quanh làng. Chúng sống trên con đường đó, trôi giạt đây đó dọc đường, theo sự thôi thúc không thể nào hiểu nổi của bóng tối ma quái trong chúng. Chúng là một sự xúc phạm đối với ánh mặt trời, một lời trách mắng bầu trời trống rỗng, một tai ương trên cái sức sống mãnh liệt trọng đại và đặc quánh của quanh cảnh hoang dã này. Vào lúc câu chuyện về bố mẹ chúng hình thành trước mắt tôi được ghép lại từ những câu trả lời lơ đãng cho những câu hỏi của tôi, từ những lời hờ hững nghe được trong quán trọ ven đường, hoặc ngay trên đoạn đường mà những kẻ ngốc kia lảng vảng. Một số chuyện được một ông già gày gò và hoài nghi kể một cách hết sức hấp tấp trong khi chúng tôi cùng nhau lê bước trên cát bên cạnh một chiếc xe ngựa hai bánh chất đầy tảo biển đang rỏ nước tong tong. Rồi những lần khác những người khác xác nhận và hoàn thành câu chuyện kể: cho đến khi cuối cùng nó hiển hiện trước tôi: một câu chuyện ghê gớm và đơn giản, như chúng luôn luôn là thế, hé lộ về những tai hoạ tối tăm mà những trái tim ngu ngốc phải gánh chịu.

 

Khi từ quân ngũ trở về Jean-Pierre Bacadou thấy người già đã quá già. Anh đau đớn nhận thấy công việc đồng áng đã không được làm tốt. Cha đã không còn cái nghị lực ngày xưa nữa. Những bàn tay không còn cảm thấy bên trên chúng có con mắt của người chủ. Jean-Pierre nhận xét một cách buồn bã rằng đống phân trong mảnh sân trước cái cổng duy nhất vào nhà đã không còn to như nó đáng ra phải thế. Các hàng rào hư hỏng đến không còn sửa chữa được nữa, lũ gia súc bị bỏ bễ. Trong nhà người mẹ gần như nằm liệt giường, những đứa con gái thì chuyện gẫu oang oang trong bếp từ sáng đến tối mà không bị ai nói gì. Anh tự nhủ “mình phải thay đổi tất cả những chuyện này.” Anh nói chuyện với cha một buổi tối khi những tia mặt trời sắp lặn chiếu vào mảnh sân giữa những gian nhà phụ, kẻ thành những bóng xẫm xen những vệt sáng. Phía trên đống phân một lớp sương mù màu trắng đục bay bồng bềnh và bốc mùi, những con gà mái đang quang quác bỗng dừng đột ngột để dò xét bằng cách liếc con mắt tròn của chúng vào hai người đàn ông, cả hai gày và cao, đang nói bằng giọng khàn khàn. Ông già, nhăn nhó vì thấp khớp và còng xuống vì nhiều năm làm lụng, người trẻ hơn thì trông rắn rỏi, lưng thẳng, nói mà không vung tay vung chân theo cách nói bình thản của nông dân, trầm và chậm. Nhưng trước lúc mặt trời lặn người cha thuận theo những lý lẽ phải chăng của người con. “Con nói không phải cho con” Jean-Pierre tha thiết “Đấy là vì đất đai. Thật là buồn khi thấy nó được sử dụng tồi như thế này. Con không nóng nảy vì bản thân con.” Người cha gật đầu, tay chống trên chiếc gậy của ông. “Bố dám chắc, bố dám chắc” ông nói thì thầm. “Con nói đúng. Cứ làm theo ý con đi. Mẹ con chắc sẽ vui lòng.”

Người mẹ rất hài lòng với con dâu của bà. Jean-Pierre vội vã đưa chiếc xe ngựa hai bánh có lò xo vào sân. Con ngựa xám đi bước vụng về, chú rể cô dâu ngồi bên nhau, bị gật nẩy về phía sau và phía trước theo chuyển động lên xuống của trục xe, một cách đều đặn và thô bạo. Trên đường những vị khách từ xa đến đám cưới đi rời rạc thành từng cặp hay từng nhóm. Đàn ông tiến lên trước với những bước đi mạnh mẽ, tay vung. Họ ăn mặc lối thành thị, những chiếc áo khoác cắt vụng, những chiếc mũ đen xẫm, những đôi giày rộng quá khổ, đánh xi bóng loáng. Tất cả những người đàn bà đi theo họ đều mặc đồ đen đơn giản, mũ trắng với khăn choàng bạc màu gấp tam giác sau lưng, nhẹ nhàng bước đi bên cạnh họ. Phía trước một chiếc vĩ cầm rít lên the thé, tiếng kèn túi ồ ồ và ậm ừ, trong khi người chơi chúng nhảy nhót gây ấn tượng, nhấc thật cao đôi guốc nặng nề. Đám rước buồn nản ấy trôi vào và trôi ra khỏi những con đường nhỏ hẹp, qua dưới ánh nắng và bóng râm, giữa những cánh đồng và những hàng rào làm bằng cây, làm những con chim nhỏ kinh hãi bay vụt lên thành từng đàn sang phải và sang trái. Dải băng xẫm màu uốn éo thành đám đông đàn ông và đàn bà đẩy cửa sân trại của Bacadou, với những tiếng kêu và lời chào. Bữa tiệc cưới được người ta nhớ đến nhiều tháng sau. Đó là bữa tiệc huy hoàng trong vườn cây ăn quả. Những người nông dân giàu có và danh tiếng ngủ trong những con hào, trên suốt dọc đường đến Treguier, thậm chí đến tận chiều hôm sau. Toàn bộ nông thôn tham dự vào hạnh phúc của Jean-Pierre. Anh vẫn tỉnh, và, cùng với người vợ lặng lẽ của mình, đứng nánh ra một bên, tránh lối để cha và mẹ đứng ra nhận những lời chúc tụng và cảm ơn. Nhưng hôm sau anh lấy lại phong độ mạnh mẽ, và lớp già cảm thấy một cái bóng - điềm báo trước nấm mồ - cuối cùng đã chụp lên họ. Thế giới này thuộc về lớp trẻ.

Khi đẻ hai đứa sinh đôi thì trong nhà còn rộng chỗ, vì mẹ của Jean-Pierre đã ra đi an nghỉ dưới một phiến đá nặng trong nghĩa trang Ploumar. Ngày hôm ấy, lần đầu tiên kể từ lễ cưới con trai mình, cụ Bacadou bị những mụ đàn bà xa lạ quang quác suốt ngày trong bếp bỏ quên, đã rời chiếc ghế mà cụ vẫn ngồi trước lò sưởi và đi vào chuồng bò để không, lắc lắc mớ tóc bạc của cụ một cách âu sầu. Các cháu cụ đứa nào cũng khoẻ, nhưng cụ muốn ăn bữa súp vào buổi trưa. Khi người ta bế hai đứa trẻ sơ sinh ra cho cụ coi, cụ nhìn chúng chằm chằm và lẩm bẩm cái gì như là “Thế là quá nhiều.” Chẳng hiểu cụ bảo quá nhiều hạnh phúc, hay cụ chỉ bình luận về số lượng những hậu duệ của cụ, thật khó biết. Trông cụ buồn bã như giận ai – trong chừng mực mà khuôn mặt già nua khô cứng của cụ có thể biểu hiện một cái gì; và như nhiều ngày sau đó người ta có thể thấy, hầu như suốt ngày cụ ngồi bên cạnh cổng, cằm tựa lên đầu gối, chiếc tẩu ngậm giữa hai hàng lợi, kiểu như một cơn hờn dỗi nặng nề. Có lần cụ nói với con trai, ám chỉ những đứa trẻ mới sinh bằng một tiếng rên rỉ “rồi chúng nó sẽ tranh nhau đất cát cho mà xem.” “Cha đừng lo chuyện đó.” Jean-Pierre thản nhiên trả lời rồi đi qua, người cúi gập, kéo ghì một con bò ngoan cố bằng sợi thừng vắt qua vai.

Anh đang hạnh phúc, cả Susan vợ anh cũng thế. Việc đón nhận những linh hồn mới để phải vật lộn sinh tồn chẳng biết được hay thua không phải là một niềm vui siêu phàm. Mười bốn năm nữa, cả hai thằng ắt hẳn phải được việc; và sau đó, Jean-Pierre hình dung hai thằng con lớn sải bước trên đồng ruộng từ thửa này sang thửa khác, thu thập hoa lợi từ mảnh đất thân yêu màu mỡ. Susan cũng hạnh phúc, vì chị vốn không muốn người ta nói đến mình như một người đàn bà bất hạnh, và bây giờ chị đã có con thì không ai có thể nói chị như thế. Cả chị lẫn chồng chị đều đã nhìn thấy được một cái gì đó trong thế giới rộng lớn – anh trong thời gian tại ngũ, trong khi chị sống một vài năm ở Paris với một gia đình Breton; nhưng vì quá nhớ nhà nên không thể ở lâu hơn xa miền quê xanh tươi và chập trùng núi đồi, nằm trong một vòng cung cằn cỗi đá và cát, nơi chị sinh ra. Chị nghĩ một trong hai đứa con lớn lên chắc sẽ làm thày tu, nhưng chị không nói gì với chồng, anh là một người cộng hoà, và rất ghét “những con quạ đen”, như anh gọi các mục sư. Lễ rửa tội được hoàn thành tốt đẹp. Cả xã đến dự, vì nhà Bacadou giàu có và có thế lực và đôi khi chẳng ngại tốn kém. Người ông có một chiếc áo khoác mới.

Một buổi tối sau đó mấy tháng, khi đã quét xong bếp, cửa đã khoá, Jean-Pierre nhìn cái cũi trẻ con, hỏi vợ: “Có chuyện gì xảy ra với lũ trẻ này thế?” Và, như thể những lời này, được nói ra một cách bình tĩnh, là một điềm xấu báo hiệu bất hạnh, chị trả lời bằng cách lớn tiếng khóc than đến mức ở chuồng lợn phía ngoài sân cũng nghe thấy vì những con lợn (nhà Bacadou có những con lợn đẹp nhất trong vùng) khuấy động và ủn ỉn ầm ĩ trong đêm. Người chồng tiếp tục nhai bánh mì và bơ một cách chậm rãi, nhìn trừng trừng bức tường, đĩa xúp bốc khói dưới cằm anh. Anh từ chợ về nhà muộn, ở đó anh đã nghe loáng thoáng (không phải lần đầu tiên) những lời bàn tán thì thào sau lưng anh. Anh suy xét những lời ấy trong đầu khi đánh xe về nhà. “Đần độn! Cả hai đứa. ..Sẽ chẳng được tích sự gì…! Được! Có lẽ, có lẽ. Rồi sẽ thấy. Cứ hỏi vợ anh ta.” Đây là câu trả lời của chị. Anh cảm thấy như có một cú đấm vào ngực, nhưng chỉ nói “Đi rót cho tôi ít rượu táo. Tôi khát.”

Chị tiếp tục rên rỉ, cầm chiếc cốc rỗng trong tay. Rồi anh đứng lên, cầm cây đèn, và đi chầm chậm về phía cái nôi. Chúng ngủ. Anh trông nghiêng chúng, nuốt hết chỗ xúp trong mồm, nặng nề bước trở lại và ngồi xuống trước chiếc đĩa của mình. Khi chị quay lại anh không ngửng lên, nhưng nuốt mấy thìa một cách ồn ào, và nhận xét, một cách uể oải.

“Khi chúng ngủ trông chúng như những đứa trẻ con nhà khác”

Chị đột ngột ngồi xuống một chiếc ghế gần đó, và rung lên dữ dội trong tiếng nức nở thầm lặng, không nói nên lời. Anh kết thúc bữa ăn, và vẫn ngồi thõng trên ghế, mắt nhìn những rui đen trên mái nhà. Trước mặt anh ngọn nến mỡ cháy đỏ và bốc thẳng, bay lên một sợi khói mảnh. Ánh sáng chiếu lên làn da cháy nắng và thô ráp của cái cổ anh, đôi gò má hóp giống như những mảnh bóng tối vá vào, và vẻ mặt anh phớt lạnh một cách ảm đạm, như thể anh đã nghiền ngẫm những ý nghĩ bất tận một cách khó nhọc.

Rồi anh nói, cân nhắc:

“Chúng ta phải xem… hỏi ý kiến mọi người. Đừng khóc….Chúng nó sẽ không thế này mãi… chắc chắn! Chúng mình phải ngủ thôi.”

Sau khi đẻ đứa thứ ba, cũng là con trai, Jean-Pierre đi làm với một niềm hy vọng căng thẳng. Đôi môi anh dường như hẹp hơn, mím chặt hơn trước, như thể sợ rằng đất mà anh đang cày có thể nghe thấy tiếng nói của niềm hy vọng đang rì rầm trong ngực anh. Anh nhìn đứa trẻ, gõ guốc cồm cộp trên sàn nhà bằng đá, bước đến chiếc cũi và liếc nhìn vào qua vai anh, với  vẻ thờ ơ giống như lòng nhân hậu của nông dân bị làm cho méo mó đi. Giống như mảnh đất mà họ làm chủ và làm lụng trên đó, những con người này, nhìn chậm và nói chậm, không bao giờ bộc lộ ngọn lửa bên trong; do đó cuối cùng những gì chôn sâu tận đáy lòng trở nên trăn trở như với đất đai: nồng nhiệt, mãnh liệt, một sức mạnh bí mật và khủng khiếp, hay chỉ là một cục đất, một khối màu mỡ và trơ lì, lạnh lẽo và vô cảm, sẵn sàng mang lại một vụ mùa cho cây cối duy trì đời sống hay mang lại cái chết.

Người vợ nhìn bằng đôi mắt khác, nghe với đôi tai chờ đợi một điều khác. Dưới những chiếc giá treo đỡ những tảng thịt xông khói cao quá đầu, thân hình chị tất bật bên lò sưởi, chăm chú vào chiếc xoong đu đưa trên cái giá bằng sắt, lau chùi chiếc bàn dài những người làm đồng về sẽ ngồi ăn bữa tối. Trí óc của chị vẫn còn bên chiếc nôi, ngày và đêm chị nhìn nó, hy vọng và chịu đựng. Đứa bé này, giống như hai đứa kia, không bao giờ cười, không bao giờ giơ tay ra cho chị, không bao giờ nói, không bao giờ có cái liếc nhìn có vẻ nhận ra chị trong đôi mắt to đen của nó, nó chỉ nhìn chằm chằm vào bất cứ ánh sáng lấp lánh nào, nhưng thật vô vọng nó không thể nào theo dõi nổi tia nắng rực rỡ di chuyển chầm chậm trên sàn nhà. Khi những người đàn ông đi làm chị ở nhà tiêu cả ngày dài giữa ba đứa con ngây độn của chị và người ông như trẻ con lúc nào cũng ngồi bất động khắc nghiệt và cay độc, giơ đôi bàn chân gần tro nóng của bếp lửa. Cụ già yếu ớt có vẻ nghi ngờ có cái gì không ổn với những đứa cháu của cụ. Chỉ có một lần không biết xúc động vì tình thương hay vì cảm giác sở hữu, ông cụ thử ẵm đứa bé nhất. Cụ nhấc thằng bé từ dưới sàn lên, chắc lưỡi với nó, và làm ngựa cố phi một cách run rẩy bằng những đầu gối xương xẩu của cụ. Rồi bằng cặp mắt mù sương của mình cụ nhìn sát vào mặt nó rồi lại nhẹ nhàng đặt nó xuống sàn. Và cụ ngồi, đôi cẳng chân gầy guộc bắt chéo, gật gù trên làn hơi bốc ra từ nồi cơm với cái nhìn suy kiệt và lo âu.

Thế là nỗi đau đớn câm lặng đã nhập vào ngôi nhà của Bacadou, chia sẻ hơi thở và miếng ăn của những người cư ngụ trong đó, và mục sư của giáo phận Ploumar đã có lý do tốt để chúc mừng. Lão đến thăm người chủ đất giàu có, hầu tước De Chavanes, với  mục đích tự tỏ bày niềm vui sướng khoái trá được nói trịnh trọng những điều lảm  nhảm về những bí nhiệm của Thượng Đế. Trong cái ánh sáng lờ mờ của phòng khách có buông rèm, con người nhỏ bé này giống như một chiếc gối ôm màu đen, nhoài người trên chiếc trường kỷ, mũ đặt trên đầu gối, và khoa bàn tay béo múp trước chiếc bàn trang điểm kiểu Paris  từ đó ông hầu tước nửa thích thú nửa chán chường ngồi nghe với vẻ trầm mặc khoan dung. Lão hân hoan và khúm núm, hãnh diện và run sợ. Điều bất khả đã qua. Jean-Pierre Bacadou, gã nông dân cộng hoà phát điên ấy, hôm Chủ nhật vừa rồi có đến lễ met, đã hứa tiếp đãi các cha xứ đến thăm vào dịp lễ hội của Paloumar lần sau. Đó là một thắng lợi cho giáo hội và cho chính nghĩa. “Tôi nghĩ tôi phải đến ngay để báo với ngài Hầu tước. Tôi biết ngài lo lắng cho phúc lợi của giáo phận biết bao nhiêu,”  lão thày tu vừa nói vừa lau mặt. Lão được mời ở lại dùng bữa tối. Tối đó vợ chồng Chavanes trở về sau khi tiễn khách đến cổng chính của khu vườn, bàn bạc vấn đề đó trong khi dạo bước dưới ánh trăng, bóng họ trải dài giữa những hàng cây dẻ. Ông hầu tước, dĩ nhiên là bảo hoàng, đã là xã trưởng của cái xã trong đó có Ploumar, những thôn làng rải rác bên bờ biển, và những hòn đảo đá viền quanh bãi cát vàng phẳng lặng. Ông ta cảm thấy địa vị của ông ta không được an toàn, vì ở vùng này có một phần tử cộng hoà mạnh, nhưng hôm nay cuộc nói chuyện về Jean-Pierre Bacadou khiến ông thấy an tâm. Ông rất phấn khởi. “Em không biết con người ấy có ảnh hưởng thế nào đâu,” ông giải thích cho vợ. “Bây giờ, anh chắc chắn cuộc bầu cử lần tới sẽ tốt đẹp. Anh sẽ được tái cử.” “Tham vọng của anh thật là vô độ, Charles ạ” hầu tước phu nhân kêu lên khoái trá. “Nhưng, em yêu ạ,” người chồng nghiêm túc cãi lại “điều quan trọng nhất là năm nay phải bầu cho đúng người vào vị trí xã trưởng, vì những cuộc bầu cử vào Hạ viện. Nếu em nghĩ điều đó làm cho anh vui sướng…”

 

Jean-Pierre đã đầu hàng bà mẹ vợ của anh. Bà Levaille là một phụ nữ làm ăn, được cả vùng ít nhất trong bán kính mười lăm dặm biết đến và kính trọng. Mập mạp và rắn chắc, người ta thấy bà khắp nơi trong vùng, hoặc đi bộ hoặc trên chiếc xe ngựa quen thuộc, không ngừng di chuyển, mặc dù bà đã năm mươi tám tuổi, vẫn theo đuổi công việc kinh doanh một cách vững vàng. Bà có nhà trong tất cả các thôn, bà khai thác đá granite, bà thuê tàu buôn dọc biển chở đá, thậm chí buôn bán với cả các đảo ở biển Măng sơ. Bà mặt to, mắt rộng, ăn nói rất thuyết phục, giữ quan điểm của mình với cái bướng bỉnh điềm tĩnh và không thể bác bẻ được của một bà già tự biết trí lự của mình. Rất ít khi bà ngủ hai đêm liên tiếp trong cùng một ngôi nhà; và những quán trọ bên đường là nơi tốt nhất để hỏi thăm xem bà đang ở đâu. Hoặc là bà đã qua đây, hoặc sắp đến vào lúc sáu giờ; hoặc ai đó, mới đến,  đã gặp bà lúc sáng, hoặc hẹn gặp bà tối nay. Sau những quán trọ bao quát những con đường, đến những nhà thờ là nơi mà bà hay lui tới nhất. Những người có tư tưởng phóng khoáng thường xui bọn trẻ con chạy vào các thánh đường thiêng liêng ấy để xem Madame Levaille có ở đó không, để nói với bà ông ấy ông nọ đợi bà trên đường để nói với bà về khoai tây, hay bột mì, hay đá, hay những ngôi nhà; bà sẽ rút bớt nhiệt tâm của bà, nheo nheo mắt bước ra đi qua dưới ánh nắng, sẵn sàng thảo luận những vấn đề kinh doanh một cách điềm tĩnh và khôn ngoan qua một cái bàn trong bếp ngôi nhà trọ bên kia đường. Gần đây bà đã mấy lần ghé qua nhà con rể một vài ngày, dùng lý lẽ chống nỗi buồn đau và bất hạnh bằng nét mặt điềm tĩnh và giọng nói dịu dàng. Jean-Pierre cảm thấy những niềm tin mà anh đã ở trung đoàn bị nhổ bật ra khỏi ngực anh – không phải bằng lý lẽ mà bằng sự thật. Sải bước trên đồng, anh nghĩ lung về nó. Có ba đứa tất cả. Ba! Tất cả giống nhau! Tại sao? Những sự việc như thế không xảy ra cho tất cả mọi người – không xảy ra cho bất kỳ người nào mà anh từng nghe nói đến. Một – thì có thể còn cho qua. Nhưng đến ba! Cả ba đứa. Suốt đời vô dụng, anh phải nuôi chừng nào anh còn sống, và…Rồi đất đai sẽ ra sao khi anh chết? Phải nghĩ đến chuyện này. Anh phải hy sinh những niềm tin của anh thôi. Một hôm anh nói với vợ…

“Em xem Chúa của em sẽ làm gì cho chúng ta. Cúng ít tiền cho các lễ mét.”

Susan ôm chồng. Anh đứng trơ rồi quay gót bước ra ngoài.

Nhưng sau đó, khi một chiếc áo xutan làm tối xầm cả lối vào nhà anh, anh không phản đối, thậm chí còn tự mình mời lão mục sư rượu táo. Anh nhu mì ngồi nghe ông ta nói, đến lễ mét cùng vợ và mẹ vợ, thực hiện điều mà lão mục sư gọi là “các bổn phận tôn giáo” của anh, và lễ Phục sinh. Buổi sáng hôm ấy anh cảm thấy như kẻ đã bán linh hồn. Buổi chiều anh đánh nhau ác liệt với một người bạn cũ và là láng giềng vì anh này đã nhận xét rằng các mục sư đã lợi dụng anh tối đa và bây giờ đang sắp sửa ăn tiệc phục sinh. Anh về nhà đầu tóc rối bù và chảy máu, bất đồ trông thấy lũ con (chúng thường được giữ tránh xa khỏi đường đi) đang chửi bới nhau lộn bậy và đập bàn ầm ầm. Susan khóc. Madame Levaille ngồi điềm nhiên bất động. Bà bảo đảm với con gái rằng “chuyện này rồi sẽ qua thôi” và cầm chiếc ô lên, vội vàng ra đi để săn sóc một chiếc thuyền hai buồm mà bà sắp cho chở granite từ mỏ đá của bà.

Khoảng một năm sau thì sinh đứa con gái. Một đứa con gái! Jean-Pierre nghe tin này khi anh đang làm ngoài đồng, và quá xúc động vì nó đến nỗi anh ngồi sụp xuống bức tường bao và cứ ngồi nguyên đó cho đến tận tối chứ không về nhà như người ta thúc giục anh. Một đứa con gái! Anh cảm thấy gần như bị lừa. Tuy nhiên khi về đến nhà anh phần nào đã hoà giải được với số phận của mình. Có thể gả nó cho một anh chàng tốt, không phải cho một thằng vô tích sự, nhưng là một chàng trai tương đối hiểu biết và có những cánh tay vạm vỡ. Ngoài ra, đứa sau nó có thể là con trai, anh nghĩ. Tất nhiên bọn chúng nó sẽ ổn cả thôi. Tính nhẹ dạ mới có của anh không biết đến hoài nghi. Vận rủi đã bị phá vỡ rồi. Anh vui vẻ nói với vợ. Chị cũng hy vọng. Ba ông mục sư đến lễ rửa tội ấy, và Madame Levaille là mẹ đỡ đầu. Đứa bé hoá ra cũng lại ngu đần.

Rồi trong những ngày phiên chợ người ta thấy Jean-Pierre mặc cả một cách cay đắng, gây gổ và tham lam, rồi say rượu ngồi lầm lì; rồi đánh xe về nhà trong bụi mù với tốc độ thích hợp cho một đám cưới, những với vẻ mặt tối sầm thích hợp với một đám ma. Đôi khi anh nài nỉ vợ đi cùng với anh; và họ đánh xe đi trong buổi sớm mai, lắc lư bên nhau trong chỗ ngồi chật chội bên trên những con lợn bị trói chân hộc lên buồn bã ở những chỗ đường xóc. Buổi sáng hôm ấy chuyến đi thật yên ổn, nhưng buổi tối trên đườngvề Jean-Pierre ngà ngà say, lầm bầm một cách hằn học, và gầm lên với người đàn bà khốn khổ không nuôi nổi lũ con cho ra hồn như con cái những nhà khác. Susan, bám chặt chống lại những cái lắc lư chệch choạc của chiếc xe, cố làm như không nghe thấy. Một lần, khi họ chạy ngang qua Ploumar, tác động của bóng tối và cơn say rượu làm anh giật mạnh dây cương làm chiếc xe quay ngoắt đối diện với nhà thờ. Mặt trăng trôi giữa những đám mây trắng sáng. Những tấm bia mộ lờ mờ sáng dưới những bóng cây buồn bã trong sân nhà thờ. Những con chó trong làng cũng ngủ cả. Chỉ có những con sơn ca vẫn kéo dài những bài ca rộn ràng của chúng bên trên những nấm mồ yên lặng. Jean Pierre nói một cách nặng nề vào mặt vợ

“Cô nghĩ có gì trong đó?”

Anh giơ roi chỉ ngọn tháp – trong đó mặt số lớn của chiếc đồng hồ hiện ra trên cao trong ánh trăng như một khuôn mặt xanh xao không có mắt – và cẩn thận trèo ra ngoài, nhưng ngã lăn ngay xuống cạnh bánh xe. Anh gượng dậy và leo từng bước từng bước đến chiếc cổng sắt của sân nhà thờ. Anh ghé mặt vào giữa những chấn song và kêu lên không rõ tiếng

“Nào! Ra đây!”

 “Anh Jean! Quay lại! Quay lại!” Vợ anh hạ giọng khẩn khoản.

Anh không thèm để ý, và dường như đứng đợi ở đó. Tiếng hót chim sơn ca đập vào mọi phía của những bức tường đá nhà thờ, và dội ngược trở lại giữa những tấm bảng đá màu xám chéo và phẳng, khắc những dòng chữ về hy vọng và đau buồn.

“Này! Ra đây!” Jean-Pierre hét to.

Những con sơn ca dừng hót.

“Không có ai cả?” Jean-Pierre tiếp tục. “Không có ai ở đây cả. Một sự lừa đảo của lũ quạ. Thế đấy. Không có ai ở đâu hết. Tao khinh thường hết. Alê, hấp!”

Anh lay cửa với tất cả sức mạnh của mình, và những thanh sắt rít lên chói tai khủng khiếp, giống như người ta kéo lê một sợi xích sắt trên các bậc đá. Một con chó ở gần đó sủa hối hả. Jean- Pierre loạng choạng bước trở lại và sau ba cú lao liên tiếp, vào được trong xe. Susan ngồi im lặng bất động. Anh nói với chị với cái gay gắt của người say rượu_

“Thấy chưa? Không có ai. Mình bị lừa rồi. Bất hạnh! Sẽ có đứa phải trả giá chuyện này. Tao mà thấy đứa nào đến gần nhà tao quật roi lên… lên cái lưng đen của nó…Tao sẽ quật. Tao không muốn nó ở trong đó.. nó chỉ giúp những con quạ chết thối ăn cướp của người nghèo. Tao sẽ xem tao có thể có những đứa con như người khác không… bây giờ cô chú ý… chúng nó sẽ không tất cả…. tất cả… chúng ta thấy…”

Chị bật khóc qua kẽ ngón tay đang che mặt

“Anh đừng nói thế, Jean; đừng nói thế anh ơi!”

Anh dùng lưng bàn tay đánh lên đầu chị và đẩy chị ngã xuống sàn xe, ở đó chị nằm co quắp, bị hất một cách thảm thương bằng từng cái giật lắc của xe. Anh đánh xe điên cuồng, đứng thẳng dậy, vung roi, lắc mạnh dây cương trên con ngựa xám đang chạy một cách chậm chạp vụng về, làm cho bộ yên nặng nề nảy trên hông rộng của nó. Làng xóm rộn lên tiếng sủa giận dữ của những con chó chạy đuổi theo tiếng lạch cạch của chiếc xe ngựa trên đường. Một vài người khách bộ hành chỉ kịp vội nhảy xuống hào để tránh. Đến cổng nhà anh anh tóm lấy cái cột và bị hất ra khỏi đầu xe trước tiên. Con ngựa chậm rãi đi vào cửa. Nghe tiếng khóc dữ dội của Susan những người giúp việc trong nhà chạy vội ra. Chị tưởng anh đã chết, nhưng anh chỉ nằm ngủ nơi anh ngã xuống, và anh chửi những người giúp việc vì đã quấy rầy giấc ngủ mê mụ của anh..

Mùa thu đến. Bầu trời mùa thu hạ thấp xuống trên những đường bao của núi đồi, và những chiếc lá chết nhảy múa trong những cơn gió xoáy tít dưới những thân cây trơ trụi, cho đến khi gió, thở dài sâu, đặt chúng xuống trong những cái hõm của những thung lũng trọc. Và từ sáng đến tối người ta có thể nhìn thấy trên toàn bộ đất đen những cành cây tróc vỏ, những cành cây xương xẩu và vặn vẹo, như thể bị xoắn vặn vì đau đớn, buồn bã đu đưa giữa những đám mây ẩm ướt và mặt đất đầm đìa. Những dòng suối trong trẻo và êm ả của những ngày hè đã đổi màu chảy dồn dập và giận dữ đập vào những tảng đá chặn đường ra biển, với cơn cuồng nộ của chứng điên rồ lao vào tự sát. Từ chân trời này đến chân trời kia con đường lớn chạy tới các bãi cát nằm giữa những quả đồi trong một ánh sáng mờ đục của những khúc quanh co trống rỗng, giống như một dòng sông bùn đặc quánh không cho tàu bè qua lại.

Jean-Pierre đi từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, bóng anh cao lớn và nhoè trong mưa phùn, hoặc sải bước trên những đỉnh dốc, cô độc và cao trên nền xám của những đám mây phiêu bạt, như thể anh dạo bước ngay trên mép của vũ trụ. Anh nhìn mầu đất đen, nhìn mặt đất câm lặng và hứa hẹn, nhìn lòng đất bí ẩn đang thực hiện cái công việc sinh sôi của nó trong cái tĩnh lặng như chết dưới tấm mạng buồn che phủ bầu trời. Và đối với anh dường như còn tệ hơn đối với một người đàn ông không con cái, chẳng có hứa hẹn gì trong cái mầu mỡ của đất; đất đã trốn thoát khỏi anh, nó từ chối anh, nó cau mày giận dữ với anh như những đám mây kia, âm u và hối hả trên đầu anh. Một mình đối diện với mảnh đất của mình, anh cảm thấy rõ sự thấp kém của con người thể xác thì còn mà linh hồn thì đã mất. Anh phải từ bỏ hy vọng có bên mình một đứa con nó nhìn mảnh đất mầu mỡ được cày lật lên bằng con mắt ông chủ sao? Một người đàn ông có thể nghĩ như anh nghĩ, và cảm như anh cảm, một người đàn ông là một phần của chính anh, nhưng vẫn còn dậm chân oai vệ trên mặt đất này sau khi anh qua đời? Anh nghĩ đế một số bà con xa, và cảm thấy căm tức đến mức muốn chửi to họ lên. Họ! Không bao giờ! Anh quay về hướng nhà anh, nhìn thẳng lên nóc ngôi nhà mà anh cư ngụ, có thể trông thấy rõ nó giữa những bộ xương cây cối xoắn xuýt. Khi anh đung đưa đôi chân bước lên những bậc thang, một đàn quạ chậm rãi đậu xuống cánh đồng; chúng hạ xuống sau lưng anh, không một tiếng động và không xao xuyến, giống hệt như một mảng bồ hóng.

 

Ngày hôm đó Madame Levaille buổi chiều đã đi sớm đến một ngôi nhà của bà ở Kervanion. Bà phải trả tiền cho một số người làm việc cho mỏ đá granite của bà ở đó, và bà đến đúng lúc bởi vì trong ngôi nhà nhỏ của bà có một cửa tiệm mà những người lao động có thể tiêu pha tiền lương của họ ở đó đỡ mất công vào thành phố. Ngôi nhà đứng trơ trọi một mình giữa những mỏm đá. Một con đường nhỏ lầy bùn và đá chạy đến trước cửa. Gió biển thổi vào bờ trên mỏm Stonecutter, mát rượi từ những con sóng cuồng loạn, rít lên mãnh liệt trên những đống đá đen mòn bất động, từ đó vươn lên những chiếc thánh giá cao mà thanh ngang ngắn, đối chọi với cuộc tấn công khủng khiếp của cái vô hình. Giữa những trận cuồng phong ấy ngôi nhà đứng trong một thế yên lặng âm vang và bất an, như cái yên lặng trong mắt bão. Trong những đêm bão tố, khi thuỷ triều rút đi, vịnh Fougere bên dưới ngôi nhà mười lăm mét, giống như một cái hố đen khổng lồ, từ đó vọng lên những tiếng thì thầm và thở dài như thể cát ở đó đang sống và đang than thở. Khi thuỷ triều lên cao, con nước rút về tấn công những gờ đá bằng những đợt ngắn, kết thúc nó bùng ra thành thứ ánh sáng tím tái và những cột nước bắn tung toé, tràn vào sâu trong đất, diệt chết hết những đồng cỏ.

Bóng tối từ những quả đồi đổ xuống, tràn lên bờ biển, dập tắt những tia mặt trời đỏ lựng, để lại một mặt biển điên cuồng và một bầu trời bị huỷ hoại, và tiếp tục tràn xuống biển đuổi theo cơn thủy triều đã ngơi nghỉ. Những tầng trời bên trên ngôi nhà dường như bị che đi bởi những mảnh giẻ rách màu đen, ló ra ở chỗ này chỗ kia qua những cây kim lửa. Madame Lavaille, trong những đêm như thế này là đầy tớ của những người làm thuê của bà, cố giục họ ra về. “Một bà già như tôi đáng ra giờ này phải đi nằm rồi,” bà nhắc đi nhắc lại với giọng hài hước. Những người thợ mỏ vẫn uống, và đòi thêm nữa. Họ hét lên với nhau qua mặt bàn mà như đang nói chuyện qua một cánh đồng. Ở một đầu nhà bốn người đang chơi bài, đấm ầm ầm xuống mặt bàn và cứ mỗi quân bài đánh xuống lại vung một tiếng chửi thề. Một người ngồi với cái nhìn xa vắng, miệng rầm rì mấy khúc hát mà anh ta lặp đi lặp lại đến vô tận. Hai người khác ở một góc, đang tranh cãi dữ dội và thầm lén về một người đàn bà nào đó, nhìn sát vào mắt nhau như thể muốn xé xác nhau ra, nhưng nói bằng những tiếng thầm thì báo trước bạo lực và giết người sẽ xảy ra trong thầm lặng, qua những lời khẽ khàng với những âm xuýt độc địa. Không khí ở đó đậm đặc như có thể xắt ra thành miếng. Ba ngọn nến hắt ra thứ ánh sáng đỏ tù mù trong căn phòng dài như thể những tàn lửa trong một mớ tro tàn.

Tiếng cạch nhẹ của chiếc then cửa bằng sắt vào cái giờ khuya khoắt đó cũng bất ngờ và làm giật mình như tiếng sấm nổ. Madame Levaille đặt cái chai bà đang giơ trên miệng một cốc rượu xuống, những người chơi bài quay đầu lại; tiếng cãi có thầm thì ngưng bặt; chỉ có gã đang hát, sau khi liếc nhanh ra cửa, vẫn tiếp tục ưm ừm với bộ mặt phớt lạnh. Susan xuất hiện trên lối vào, đẩy bật cánh cửa và tựa lưng lên đó, nói, giọng hơi lớn

“Mẹ!”

Madame Levaille lại cầm cái chai lên, nói bình thản “Mày đấy à, con gái. Có chuyện gì xảy ra với con thế!” Chiếc cổ chai run run trên miệng ly, vì bà già vừa giật mình, và cái ý nghĩ trang trại bị cháy vừa vụt qua óc bà. Bà không nghĩ được lý do gì khác có thể khiến con gái bà đến đây lúc này.

Susan, người ướt đẫm và vấy bùn, nhìn trừng trừng suốt chiều dài căn phòng cho đến tận những người đàn ông ở đầu kia. Mẹ chị hỏi,

“Có chuyện gì? Chúa phù hộ chúng ta tai qua nạn khỏi!”

Susan mấp máy môi. Không thốt ra được tiếng nào. Madame Levaille bước lại gần con gái, ôm lấy chị, nhìn vào tận mặt.

“Lạy Chúa,” bà nói, giọng run rẩy “Có chuyện gì thế? Con vừa lăn trong bùn…Tại sao con đến?...Jean đâu?”

Những người đàn ông đã đứng dậy và chậm rãi đến gần, nhìn chằm chằm với vẻ ngạc nhiên chậm hiểu. Madame Levaille kéo giật con gái ra khỏi cánh cửa, đẩy chị ngồi lên một chiếc ghế gần tường. Rồi bà trở nên dữ dằn với những người đàn ông kia…

“Thôi đủ rồi! Ra hết đi…các anh, những người lạ!”

Một người quan sát, nhìn Susan đổ sụp trên ghế: “Cô ấy… trông như…sắp chết.”

Madame Levaille mở tung cửa ra.

“Đi ra. Bước!” bà kêu lên một cách bấn loạn.

Họ tuôn ra ngoài bóng đêm, cười một cách ngu xuẩn. bên ngoài, hai anh em nhà Lothario hét toáng lên. Những người khác cố xoa dịu chúng, tất cả cùng nói một lúc. Tiếng ồn bay theo con đường có những người đàn ông kết thành đám bước loạng choạng, cãi cọ nhau một cách ngu ngốc.

“Nói đi Susan. Chuyện gì? Nói!” Madame Levaille nài nỉ, ngay khi cửa vừa đóng lại.

Susan thốt ra được vài lời đầu ngô mình sở, nhìn chằm chằm cái bàn. Bà già vỗ bộp đôi bàn tay bên trên đầu chị, rồi buông rơi xuống, rồi đứng nhìn cô con gái bằng đôi mắt chán nản thất vọng. Chồng bà đã bị “loạn trí” mấy năm trước khi ông ấy chết, và nay bà bắt đầu ngờ rằng con gái bà cũng phát điên. Bà hỏi, giọng khẩn thiết…

“Thằng Jean nó có biết con đi đâu không? Thằng Jean đâu?”

“Anh ấy biết… anh ấy chết rồi.”

“Cái gì!” Bà già kêu lên. Bà đến gần, nhìn chằm chằm con gái, nhắc lại ba lần “Con nói cái gì? Con nói cái gì? Con nói cái gì?”

Susan ngồi, đôi mắt ráo hoảnh và chai đá trước Madame Levaille, bà đang lặng ngắm chị, cảm thấy một cảm giác kỳ lạ về sự khủng khiếp không thể nào giải thích nổi trườn vào cái im lặng của ngôi nhà. Bà không sao chấp nhận được cái tin này, càng khó hiểu được rằng bà đang trong một khoảnh khắc ngắn ngủi mặt đối mặt với một cái gì đó không mong đợi và cuối cùng. Thậm chí bà không nghĩ đến đòi một lời giải thích nào cả. Bà nghĩ: tai hoạ –  tai hoạ khủng khiếp – máu ngập đầu – rơi xuống một cánh cửa sập trên gác xép. Bà vẫn đừng nguyên đó, quẫn trí và câm lặng, chớp chớp đôi mắt già nua của bà.

Bỗng nhiên Susan nói

“Con đã giết anh ấy.”

Trong một khoảnh khắc người mẹ đứng bất động, hầu như ngừng thở, nhưng nét mặt vẫn điềm tĩnh. Một giây sau bà bật hét lên..

“Mày con điên khốn khổ…rồi họ sẽ cắt họng mày…”

Bà hình dung ra những người sen đầm xông vào nhà, nói với bà. “Chúng tôi cần tìm con gái bà; đưa nó ra đây.” Những người sen đầm với bộ mặt nghiêm trọng, khắc nghiệt của người đang làm công vụ. Bà quen ông thiếu tướng, một người bạn cũ, thân thiết và đáng kính, nói chân tình, “Chúc sức khoẻ bà, Madame!” trước khi nâng ly cô nhắc nhỏ lên môi, thứ cô nhắc đặc biệt bà cất riêng dành tiếp bạn bè. Và bây giờ!...Bà quẫn trí mất rồi. Bà cắm đầu đi chỗ nọ chỗ kia, như thể tìm một thứ gì vô cùng cần cấp. rồi lại thôi, đứng im như phỗng ở giữa phòng, và gào lên với con gái.

“Tại sao? Nói! Nói! Tại sao hử?”

Chị ta thình lình thoát khỏi trạng thái thờ ơ kỳ lạ:

“Bộ mẹ tưởng con là đá hay sao?” Chị quát lại, bước nhanh lại phía ngưòi mẹ.

“Không! Không thể nào…” Madame Levaille nói bằng giọng quả quyết.

“Mẹ đến mà xem, mẹ..” Susan quặc lại, nhìn vào đôi mắt cháy rực của bà.

“Không có tiền trên thiên đường không có công bằng. Không. Con không biết…mẹ nghĩ con không có trái tim sao? mẹ nghĩ không bao giờ con nghe thấy người ta chế giễu con, thương hại con, kinh ngạc về con sao? Mẹ có biết có những kẻ gọi con là cái gì không? Mẹ của những thằng đần, biệt hiệu của con thế đấy! Và những đứa con của con không bao giờ biết con. Chúng nó không biết ai cả, không biết người, không biết trời. Con đã chẳng cầu nguyện sao? Nhưng ngay cả Đức Mẹ của Chúa cũng không nghe con. Một người mẹ!...Ai đáng tội, con, hay cái người đàn ông đã chết? Hả? Mẹ nói đi! Con biết phận con. Mẹ nghĩ con thách thức cơn thịnh nộ của Chúa và để cho nhà con đầy chật những giống ấy - những đồ ngu hơn cả súc vật là loài còn biết ai nuôi chúng à? Ai đã báng bổ trong đêm ngay trước cổng nhà thờ? Con à? …

Con chỉ biết khóc và cầu xin thương hại, và con cảm thấy tai ương trong từng phút của ngày hôm ấy, con thấy nó xung quanh con từ sáng đến đêm. ..Con đã phải giữ cho chúng nó sống, để giữ lấy nỗi bất hạnh và nhục nhã của con. Và hắn đến. Con cầu xin hắn và Trời thương hại…Không! …Rồi chúng ta sẽ thấy…tối hôm đó hắn đến. Và con thầm nghĩ A! lại đến nữa!... Con có một chiếc kéo dài. Con nghe tiếng hắn quát… Con thấy hắn đến gần…Con phải – con phải? … rồi thế là xong! …Rồi con đâm vào cổ họng hắn, phía trên xương ức….Con thậm chí không nghe thấy hắn thở dài…Con để hắn đứng đó…Mới cách đây một phút thôi. Con đến đây bằng cách nào?”

Madame Levaille rùng mình. Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, chạy xuống những cánh tay mập mạp của bà, bên dưới những ống tay áo chật Những cơn run chạy trên các gò má, qua đôi môi mỏng, chạy đến những nếp nhăn ở khoé đôi mắt già nua những kiên định của bà. Bà lắp bắp:

“Mày con đàn bà độc ác, mày làm nhục tao. Nhưng đấy! mày luôn luôn giống thằng bố mày. Mày nghĩ mày sẽ thành cái gì… ở thế giới bên kia? Ở đây…ôi khốn khổ!” Lúc này bà vô cùng nóng nực. Bà thấy thiêu đốt bên trong. Bà vặn hai bàn tay đẫm mồ hôi – và bỗng nhiên, hết sức hối hả, bà bắt đầu đi tìm khăn choàng và ô, luýnh quýnh, không nhìn con gái lấy một lần, chị ta đang đứng giữa phòng theo dõi bà với cái nhìn trừng trừng lạnh lẽo và điên dại.

“Không có cái gì tồi tệ  hơn ở đây,” Susan nói.

Bà mẹ, ô trong tay và kéo lê cái khăn choàng trên sàn, rên lên thống thiết.

“Tao phải đến cha xứ,” bà bật ra một cách mãnh liệt. “Tao thậm chí không biết mày có nói thật hay không! Mày là con đàn bà kinh khủng! Họ sẽ lùng mày khắp nơi. Mày có thể ở lại đây – hay đi, tuỳ mày. Không có chỗ cho mày trong thế giới này.”

Lúc này đã sẵn sàng để ra đi, bà đi vơ vẩn trong phòng, đặt lại cái chai lên giá, cố lắp lại các nắp hộp cac tông bằng bàn tay run rẩy.

Bất cứ lúc nào cái cảm giác thật về những gì bà vừa nghe hiện ra trong màn sương mù những ý nghĩ của bà, bà hình dung có cái gì nổ tung trong đầu bà, mà bất hạnh thay, lại không làm đầu bà vỡ vụn ra nhiều mảnh, như thế lại là giải thoát. Bà thổi tắt nến hết cây này đến cây khác mà không biết mình đang làm gì, và rùng mình kinh sợ vì bóng tối. Bà ngồi phịch xuống một chiếc ghế dài và bắt đầu nức nở. Một lúc sau bà ngừng khóc và lắng nghe hơi thở của đứa con gái, mà bà trông không rõ, vẫn đứng thẳng bất động, không thấy có dấu hiệu gì của sự sống. Cuối cùng bà trở nên già nua một cách nhanh chóng trong mấy phút ấy. Bà nói bằng giọng run run, bị tiếng lập cập của hàm răng làm ngắt quãng, giống như đang bị một cơn sốt rét chết người.

“Tao ước gì mày chết ngay lúc bé. Tao sẽ không bao giờ dám ló cái đầu già nua của tao ra dưới ánh mặt trời nữa. Có những bất hạnh còn khốn khổ hơn những đứa con ngu đần. Tao ước gì tao đẻ ra mày cũng ngu đần đúng như những đứa con của mày…”

Bà thấy bóng con gái đi qua trước cửa sổ mờ nhạt và xám xịt. Rồi nó hiện ra ở lối đi trong vài giây, và cánh cửa đu đưa với một tiếng kêu vang. Madame Levaille do tiếng động, dường như sự tỉnh khỏi một cơn ác mộng, lao ra ngoài.

“Susan!” bà gào lên từ bậc cửa.

Bà nghe tiếng một tảng đá lăn lúc lâu xuống con dốc của bãi biển đá phía trên bờ cát. Bà thận trọng bước lên phía trước, một tay bám vào tường nhà, và nhìn chăm chú xuống bóng tối êm lặng của vịnh biển trống không. Một lần bà kêu.

“Susan! Con xuống đấy khéo chết đấy.”

Hòn đã nhảy cú cuối cùng của nó trong bóng tối, và bây giờ bà không nghe thấy gì nữa. Một ý nghĩ bất ngờ dường như bóp nghẹt cổ họng bà, và bà không gọi nữa. Bà quay lưng lại cái hố im lặng đen ngòm ấy và đi lên con đường nhỏ đến Ploumar, vấp ngã dúi dụi với quyết định tối tăm, như thể bà đã lên đường đi một chuyến đi tuyệt vọng có lẽ kéo dài đến hết đời. Tiếng sóng buồn bã và đôi lúc gầm lên cuộn trào trên những đá ngầm đuổi theo bà vào sâu trong đất liền giữa những hàng rào cao bao quanh những cánh đồng cô đơn ảm đạm.

Susan đã chạy ra ngoài, đi chệch ngoặt sang bên trái cửa, và trên mép con dốc chị cúi xuống núp sau một tảng đá mòn. Một tảng đá bị bật ra tiếp tục lăn xuống, kêu lạch cạch trên đường nhảy của nó. Khi Madame Levaille gọi, Susan có thể chỉ cần giơ tay ra với là tóm được váy của bà mẹ, nếu chị có đủ can đảm để cử động một cánh tay. Chỉ nhìn bà bước đi, và chị vẫn không nhúc nhích, nhắm mắt và ép bên người vào bề mặt cứng và xù xì của tảng đá. Một lúc sau một gương mặt quen thuộc với đôi mắt bất động và cái miệng mở rộng trở nên rõ nét trong bóng tối đậm đặc giữa những tảng đá trơ mòn. Chị bật lên một tiếng kêu khẽ và đứng dậy. Khuôn mặt biến mất, để lại chị một mình hổn hển và run rẩy giữa đống đá hoang vu. Nhưng ngay khi chị cúi xuống lần nữa để nghỉ, đầu tựa lên tảng đá, khuôn mặt kia trở lại, đến rất gần, có vẻ như hăm hở hoàn thành câu chuyện bị cắt ngang bởi cái chết, chỉ mới cách đây ít phút. Chị trườn nhanh và nói: “Cút đi, không tôi làm lại lần nữa.” Vật kia rung rinh, ngả nghiêng sang phải, sang trái. Chị tiến lên, rồi lùi lại, tưởng tượng chị thét lên với nó, và kinh hoảng bởi cái tịch mịch không suy xuyển của đêm đen. Chị lảo đảo bên miệng vực, cảm thấy độ dốc dưới chân chị, vội vã rờ rẫm ngồi thụp xuống để tránh ngã đâm đầu xuống. Bãi đá cuội dường như thức dậy, những viên cuội bắt đầu lăn trước mặt chị, đuổi theo chị từ bên trên, lao xuống cạnh chị ở cả hai bên, lăn qua với tiếng lóc cóc càng lúc càng lớn. Trong cái yên ả của đêm tiếng động này vang to, sâu thêm thành tiếng đinh tai nhức óc, liên tục và mãnh liệt, như thể cả cái bãi đá hình bán nguyệt này bất thình lình đổ sụp xuống vịnh biển. Chân Susan khó khăn lắm mới chạm mặt con dốc dường như cũng đang lao xuống cùng với chị. Đến chân dốc chị trượt chân, lao bắn lên phía trước, hai tay vung ra, và nặng nề ngã xuống. Chị nhẩy bật lên lập tức, và quay ngoắt nhìn lại phía sau, hai bàn tay nắm chặt đầy cát mà chị nắm lấy khi ngã. Cái mặt ở kia, giữ một khoảng cách, hiện lên thành một vệt mờ trong bóng đêm. Chị quát lên, “Cút đi!” chị quát nó với nỗi đau, với sự khiếp sợ, và tất cả cơn giận dữ của nhát đâm vô ích đã không thể làm hắn câm đi, giữ hắn khuất mắt chị. Hắn muốn gì bây giờ? Hắn đã chết. Những người chết không có con. Chẳng lẽ hắn không bao giờ để chị yên? Chị rit lên với nó - vung những bàn tay duỗi dài. Chị dường như cảm thấy hơi thở của đôi môi hé mở, và, với tiếng kêu dài chán nản, bay qua đáy phẳng của vịnh.

Chị chạy nhẹ, không cảm thấy trong thân thể còn chút sức lực nào. Những mỏm đá cao nhọn mà khi vịnh đầy, hiện ra bên trên mặt nước xanh phẳng lấp lánh giống như những tháp nhọn của những nhà thờ bị ngập, trượt qua bên chị,  lao vào đất liền với bước đi thần tốc. Bên trái cách xa một khoảng chị thấy một cái gì loé sáng: một chiếc đĩa rộng những chiếc bóng hẹp xoay quanh tâm giống như những nan hoa bánh xe. Chị nghe một giọng gọi, “Này! Đây!” và trả lời với một tiếng thét hoang dại. Vậy là hắn vẫn có thể gọi được! Hắn gọi khi chị vừa dừng lại. Không bao giờ! …Chị lao qua bóng đêm, qua một nhóm những người đi vớt tảo biển đang đứng quanh cây đèn của họ giật mình và đờ người ra vì sợ hãi tiếng thét quái đản vang lên từ cái bóng đang bay ấy. Những người đàn ông tựa vào những cái chĩa của họ nhìn chằm chằm một cách khiếp đảm. Một phụ nữ khuỵu quì xuống, làm dấu thánh giá, và bắt đầu cầu nguyện lớn tiếng. Một bé gái với chiếc váy rách rưới bám đầy tảo biển dính bùn bắt đầu khóc nức nở một cách tuyệt vọng, kéo lê gánh tảo ướt đẫm của nó đến gần người đàn ông cầm đèn. Có ai đó nói: “vật kia chạy ra phía biển.” Một giọng khác kêu lên: “Và biến đang trở lại! Nhìn những vũng nước kìa. Có nghe thấy không - bà kia - đứng dậy!” Nhiều giọng cùng gào lên: “Phải đấy, chạy đi thôi! Để cho cái vật đáng nguyền rủa kia đi xuống biển.” Họ bỏ đi, đi xung quanh cố thật gần cái đèn. Bỗng nhiên một người đàn ông lớn tiếng chửi thề. Ông ta đã đến và thấy rõ chuyện gì xảy ra. Đó là một giọng đàn bà. Ông ta bỏ đi. Có những tiếng phản đối the thé từ đám phụ nữ, nhưng cái dáng cao cao của ông ta tách khỏi đoàn người và bỏ chạy. Họ hoảng sợ đồng thanh gọi với theo ông ta. Một tiếng chửi và chế nhạo bay lại, ném vào họ qua bóng đêm. Một phụ nữ rên rỉ. Một ông già nói gọng trầm trọng “Những cái loại ấy cứ để mặc nó.” Họ tiếp tục đi chậm hơn, lê chân trên cát mịn và thầm thì với nhau rằng gã Millot chẳng biết sợ gì, không tôn giáo, nhưng rồi sẽ có ngày kết cục chẳng ra gì.

Susan gặp một đợt thuỷ triều lên gần hòn đảo Quạ và dừng lại, thở hổn hển, chân chị ngâm trong nước. Chị nghe thấy tiếng rì rầm và cảm thấy sự vuốt ve của biển, và, lúc này đã bình tĩnh lại, chị thấy cái khối đen ngòm và lộn xộn của bầy quạ ở một bên và bên kia dải cát trắng dài Molene nhô lên cao bên trên cái đáy khô của Vịnh Fougere mỗi lần triều rút xuống. Chị quay quanh và thấy xa xa dọc theo cái nền đầy sao của bầu trời, đường viền rách rưới của bờ biển. Bên trên nó, gần đối diện với chị, hiện lên tháp nhà thờ Ploumar; cái chóp cao và mảnh phá vỡ bóng đêm và chỉ thẳng lên những chùm sao lấp lánh. Chị cảm thấy bình yên kỳ lạ. Chị biết chị đang ở đâu, và bắt đầu nhớ ra chị đã đến đây như thế nào – và tại sao. Chị chăm chú nhìn bóng tối đen mịn gần chị. Chị cô độc có một mình. Không có gì ở đây cả, không có gì gần chị, còn sống hay đã chết.

Thuỷ triều từ từ lặng lẽ bò lên, vươn dài những cánh tay bồn chồn những con lạch xa lạ vào trong đất liền giữa những đồi cát. Trong đêm những cái vũng lớn lên nhanh chóng một cách bí ẩn, trong khi biển cả, tuy ở xa, sấm rền từng đợt theo một nhịp điệu đều đặn dọc theo đường chân trời mờ mờ. Susan đạp nước bắn tung toé quay trở lại mấy thước, mà không thể hiểu rõ nước xung quanh đang dịu dàng thì thầm những gì, rồi bỗng nhiên với tiếng óc ách hằn học, nó gần như làm chị hẫng chân. Tim chị đập thình thịch vì sợ. Chết chỗ này thì rộng quá và trống trải quá. Ngày mai họ muốn làm gì thì tuỳ họ. Nhưng trước khi chết chị phải nói cho họ biết – nói với những người đàn ông mặc áo chùng thâm rằng có những sự việc không phụ nữ nào có thể chịu nổi. Chị phải giải thích cho họ biết sự việc đó đã xảy ra như thế nào….Chị lội nước qua một vũng, bị ướt đến thắt lưng nhưng mải suy nghĩ chị chẳng để ý gì. Chị phải giải thích: “Hắn đến theo cách như mọi lần và chỉ nói thế này: ‘Bộ cô nghĩ tôi sẽ để ruộng đất lại cho bọn người từ Morbihan mà tôi không biết hay sao? Chúng ta sẽ xem! Nào, cô, đứa con của bất hạnh!’ Và anh ta đưa tay ra. Lúc đó, thưa các ngài, tôi nói “Thề trước Chúa – không bao giờ! Và anh ta nói, bước dài lại phía tôi với hai lòng bàn tay mở: “Không có Chúa để giữ tôi! Cô có hiểu không, cô, cái xác vô dụng. Tôi sẽ làm nhưng gì tôi muốn! và anh ta nắm lấy vai tôi. Lúc đó tôi, thưa các ngài, cầu Chúa cứu giúp, và một phút sau, trong khi anh ta đang lay vai tôi, tôi cảm thấy cái kéo đang trong tay tôi. Chiếc sơ mi của anh ta bật tung cúc, và, dưới ánh nến, tôi trông thấy cái hõm trong cổ anh ta. Tôi kêu lên ‘buông ra!’ Anh ta bóp mạnh vai tôi. Chồng tôi, anh ấy khoẻ lắm. Lúc đó tôi nghĩ: Không…Tôi có buộc phải làm không?... thế thì làm! – và tôi đâm vào chỗ hõm của anh ta. Tôi không thấy anh ta ngã xuống. .Ông bố già không quay đầu lại. Ông ấy điếc và tính tình như trẻ con, thưa các ngài…Không ai thấy anh ấy ngã. Tôi chạy ra ngoài. …Không ai nhìn thấy…”

Chị bò trườn giữa những tảng đá mòn của đảo Quạ và bây giờ thấy mình nghẹt thở, đứng giữa những bóng đen nặng nề của hòn đảo đá nhỏ này. Đảo Quạ nối với đất liền bằng một con đập tự nhiên bằng những hòn đá to trơn nhẵn. Chị định về nhà bằng con đường đó. Hắn còn đứng đó không? Ở nhà. Nhà? Bốn đứa ngu đần và một thây ma. Chị phải quay về và giải thích. Bất kỳ ai cũng có thể hiểu…Bên dưới chị tưởng chừng biển đêm tuyên bố rành mạch rằng:

“Aha! Cuối cùng ta đã tìm thấy mi!”

Chị bước đi, trượt, ngã; và, không cố đứng dậy, chị nghe, hoảng sợ. Chị nghe hơi thở nặng nề, tiếng lóc cóc của những chiếc guốc gỗ. Nó dừng lại.

“Đồ quỉ mi đi đâu thế này” giọng nói khàn khàn của người mà cô không nhìn thấy.

Chị nín thở. Chị nhận ra giọng nói này. Chị chưa thấy hắn đổ xuống. Có phải hắn đuổi theo chị sau khi chết, hay là, có lẽ… còn sống?

Chị quẫn trí. Chị kêu lên từ kẽ đá nơi chị nằm co quắp, “Không, không bao giờ!” “A! Cô vẫn còn đây. Cô đã dắt tôi đi một vũ điệu tuyệt vời đấy. Khoan đã, người đẹp, tôi phải thấy cô thế nào sau tất cả chuyện này. Cô hãy đợi…”

Millot vấp ngã, cười, chửi thề huyên thiên chỉ vì thoả mãn, khoái trá với bản thân hắn vì đã đuổi đến cùng đường cái bóng bay-trong-đêm này. “Cứ tưởng là có cái gì như những bóng ma! Chà! Cần có một anh lính già châu Phi để cho những con người khờ khạo ấy thấy….nhưng quả thật cũng lạ kỳ. Quỉ nào biết cô ấy là ai vậy?”

Susan  nghe, nép xuống. Hắn đang đến chỗ chị, người chết ấy. Hết đường thoát rồi. Cái giọng của hắn giữa những tảng đá nghe mới ghê chứ… Chị thấy cái đầu hắn hiện lên, rồi đến đôi vai. Hắn cao - người đàn ông của chị! Những cánh tay dài ngoẵng của hắn vung vẩy, và cái giọng của hắn nghe sao là lạ ... chắc bởi chiếc kéo. Chị trườn nhanh ra ngoài, leo đến mép của con đường đắp cao, và quay lại. Người đàn ông đứng lặng trên một mỏm đá cao, cái bóng đen chết chóc của hắn nổi bật trên nền trời sao lấp lánh.

“Cô định đi đâu?” hắn gọi, giọng thô bạo.

“Về nhà,” Chị trả lời, và nhìn hắn chăm chú. Hắn bước một bước dài, vụng về nhảy lên một tảng đá trơn khác, và dừng lại, lấy lại thăng bằng, rồi nói:

“Ha! ha! Được, tôi đi với cô. Ít nhất tôi cũng làm được chuyện đó. Ha! ha! ha!”

Chị trừng trừng nhìn hắn đến khi mắt chị biến thành hai hòn than hồng cháy rực sâu vào trong óc chị, nhưng chị vẫn đang sợ chết khiếp nhận ra những nét đặc biệt mà chị biết rõ. Bên dưới chị biển đập nhẹ vào đá liên tục làm nước bắn lên nhẹ nhàng.

Người đàn ông nói, tiến thêm một bước:

“Tôi đến đây vì cô. Cô nghĩ sao?”

Chị run. Đến vì chị! Không còn lối thoát nào nữa, không còn bình yên, không hy vọng. Chị nhìn quanh tuyệt vọng. Bỗng nhiên toàn bộ vùng bờ biển âm u, những hòn đảo nhỏ mờ tối, và cả bầu trời, lắc lư hai lần, rồi lặng yên trở lại. Chị nhắm mắt và thét lên:

“Anh không thể chờ đến lúc tôi chết!”

Một nỗi căm giận điên cuồng làm chị run lên vì cái bóng kia đã đuổi theo chị trong thế giới này, đến chết vẫn không nguôi cơn khao khát một đứa con thừa tự có thể bình thường như những đứa trẻ khác.

“Hả! cái gì?” Millot nói, thận trọng giữ khoảng cách. Hắn tự nhủ: “Cẩn thận! Một người điên. Không có tai nạn ngay bây giờ”

Chị tiếp tục hét lên cuồng dại:

“Tôi muốn sống. Sống một mình - một tuần - một ngày. Tôi phải giải thích cho họ hiểu. .. Tôi muốn xé xác anh, tôi muốn giết anh hai mươi lần còn hơn để anh chạm đến tôi khi tôi còn sống. Bao nhiêu lần tôi phải giết anh - kẻ báng bổ! Quỷ sứ sai anh đến đây. Tôi cũng đáng bị nguyền rủa!”

“Nào,” Millot nói, cảnh giác và hoà giải. “Tôi còn sống hoàn toàn đây mà!...Ôi, trời ơi!”

Chị quát lên, “Sống!” và bỗng nhiên biến mất ngay trước mắt hắn, như thể chính hòn đảo chệch sang một bên từ dưới chân chị. Millot lao lên, và ngã sõng soài cằm dập xuống mép đá. Xa tít dưới kia hắn thấy nước trắng xoá do chị ta vùng vẫy, và nghe thấy một tiếng kêu thét cầu cứu dường như phóng vọt lên theo bề mặt thẳng đứng của vách đá, và bay qua, thẳng tới bầu trời cao vời và vô cảm.

 

Madame Levaille ngồi, mắt ráo hoảnh, trên cỏ ngắn trên sườn đồi, đôi chân mập mạp duỗi ra, đôi bàn chân già nua của bà chĩa thẳng lên trời trong đôi giày vải đen. Đôi guốc của bà để bên cạnh, xa hơn, chiếc ô của bà nằm trên cỏ úa giống như thứ vũ khí tuột khỏi tay một chiến  binh bại trận. Hầu tước Chavanes, ngồi trên lưng ngựa, một bàn tay đeo găng đặt trên đùi, nhìn xuống bà trong khi bà nặng nhọc vừa đứng lên vừa rên rỉ. Trên con đường nhỏ hẹp của những chiếc xe bò chở tảo biển, bốn người đàn ông đang khiêng thi thể của Susan trên chiếc cáng tay, trong khi nhiều người khác đi bơ phờ, lộn xộn phía sau. Madame Levaille nhìn theo đám rước ấy. “Vâng, thưa ngài hầu tước,” bà thản nhiên nói, bằng cái giọng điềm tĩnh thường thấy ở một bà già có lý trí. “Trên mặt đất này có những con người bất hạnh. Tôi chỉ có một đứa con. Chỉ có một! Và họ sẽ không chôn nó trong mảnh đất được ban phúc!”

Đôi mắt bà đột nhiên ngập nước, và một đợt ngắn những giọt nước mắt lăn tràn lên đôi má rộng của bà. Bà kéo chiếc khăn choàng đến gần mình. Ông hầu tước ngồi trên yên, hơi ngả mình ra trước và nói:

“Chuyện này thật đáng buồn. Tôi hết sức thông cảm với bà. Tôi sẽ nói với ngài Giám mục. Cô ấy rõ ràng là bị điên, và cái ngã ấy là một tai nạn. Millot đã nói rất rõ ràng như thế. Chào bà, Madame!”

Và ông ta phóng nước kiệu đi mất, tự nhủ: “Mình phải chỉ định bà già này làm giám hộ cho mấy đứa trẻ điên khùng đó, và quản lý trang trại. Như thế tốt hơn gấp mấy lần việc có ở đây một trong những gã Bacadou ấy, có thể là một thằng cộng hoà đỏ, làm bẩn cả xã mình.”

 

August 17, 2012

 

 



[1] Xem giới thiệu tác giả ở truyện “Phá”. 

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2689
Ngày đăng: 09.12.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm mưa - Hướng Dương
Vâng! - Phan Ngọc Danh
ĐỐI THOẠI - Huỳnh Văn Úc
Chuyện Của Hắn - Nguyễn Hữu Duyên
Vì sao bạn thành ra như vậy? - Lê Vĩnh Tài
Bóng Sắc Tuổi Thơ - Trần Yên Hòa
Bây giờ chúng ta đi đâu? - Hoàng Mai
Cái Nạng - Nguyễn Trung Dũng
Con Chuột Cống - Chu Trầm Nguyên Minh
Có ghế không bàn - Thái Quang Hy
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)