Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
1.034
123.367.746
 
Món quà cuối năm
Đỗ Văn An

 

I.

Cô bé cảm động khi nhận từ tay người bạn mình một món quà nhỏ. Cảm động, nhưng cũng chẳng biết nói gì, cô chỉ nhìn gã, vừa nhìn vừa nở một nụ cười thật tươi an ủi sau bao lần khước từ những nụ cười tươi gấp vạn lần của gã. Dường như gã không mấy xúc động trước cái cử chỉ hiếm hoi của cô ta. Gã để nguyên cái bộ mặt trơ như khí nitơ ấy, quay đi, đánh động vài tiếng cho xua tan không khí ngượng ngùng:

- Thôi, ta về đây!

- Cám ơn ông nhiều lắm! Ừ…! Thế ông về nhé!

- Ừ, ông về! Chúc ngươi ngủ ngon!

- Cái gì?

- Thì bây giờ về không ngủ thì còn biết làm gì nữa. Còn bữa trưa ai nấu cho ngươi ăn? Hừ. Ta nghĩ cùng lắm ngươi chỉ nấu được đến cái món nước luộc là cùng.

- Là sao? - Cô bé trợn tròn mắt, hốt hoảng chạy đến ghé mắt nhìn qua hàng song dày, bàn tay loạng choạng tìm xem chốt cài đứng trong hay đứng ngoài cái khóa kim loại to vật treo lủng liểng đằng sau cổng. Cô lục tung ba lô, lục tung hết túi áo túi quần trong ngoài tìm vật hộ thân có thể mở cánh cổng lớn giải thoát cho sinh mạng. Cái chìa khóa nhà. Ôi không! Nó nằm ở góc khuất cuộc đời rồi. Cả con ngõ vắng tanh, cô biết làm bướng với ai, biết hờn ai, trách ai. Cô bình tĩnh lại, thả hồn mình ngắm ngõ, ngắm làn gió thổi qua ngõ. Gió thổi, nhưng đến một chiếc lá rụng bất ngờ bay qua cũng chẳng có, chẳng biết gió bay về đâu. Cả gã cũng biến mất từ đời nào, gã ra đi, để lại cánh cửa gỗ sứt sẹo bên căn nhà đối diện.

 

 Cái căn nhà nhỏ bé, lại vừa cũ kỹ, chắc từ lúc người ta xây nó lên đến giờ, nó mới chỉ được xây lên đúng một lần. Khốn nỗi căn nhà ấy lại đứng ngay đối diện với cửa nhà nó, nên cái dáng vẻ kỳ quái của ngôi nhà ám ảnh nó suốt mười mấy năm trời. Mỗi buổi sáng thức dậy bước ra cửa là đập ngay vào mắt cái tường nhà tróc vôi tróc vữa, cánh cửa sứt sát trẻ con vẽ bậy loằng ngoằng, nhưng chưa bao giờ cánh cửa ấy mở ra thông thống để mà nhìn thấu vào bên trong. Ngày bé nó muốn được sang bên đó chơi, lớn lên căn nhà trở thành thứ nó tò mò muốn khám phá. Nhưng bấy nhiêu năm, căn nhà vẫn cứ trơ ra như thế. Lâu dần rồi nó cũng quên đi. Cho đến một ngày phải một mình đối diện.

 

Từng vầng mây xám ngoét làm bầu trời vốn âm u nay dần thâm đen lại. Con ngõ đường bê tông trắng cũng thành ra thâm xịt, rồi một, hai, bốn, tám…đốm đen ướt át lạnh buốt xuất hiện trên mặt đường. Những cơn mưa oái oăm giữa trời đông, những cơn mưa chẳng mấy được mong đợi, làm cho giá rét tăng thêm muôn phần. Trong phút chốc, căn nhà đối diện, bị cái sắc âm u của trời mây, bị những giọt mưa rơi đang dần nặng hạt làm mờ nhòa đi. Tưởng chừng những giọt mưa có thể rơi xuống cái mái ngói tan tác ấy, căn nhà sụp dần, gục đổ dần, rồi rùng mình mở to cánh cửa, cho bóng tối bên trong ùa ra, ngập trong cái sắc xám ngắt xung quanh, ào tới, ôm gọn và nuốt chửng cô bé.

 

Nếu không nhầm thì nó còn một món nữa may ra có thể làm vật hộ thân. Đây rồi, thật là tội lỗi, đem lót xuống đất ngồi từ nãy đến giờ. Món quà thân thương cậu bạn tặng cho từ hồi nãy, bẹp dúm dó sau lớp áo nilon. Nó lóng ngóng xé bỏ cái lớp áo ấy ra, trong đầu vẫn còn thắc mắc giờ là dịp gì mà gã lại bỗng nổi hứng tặng quà, và tại sao cái lúc ấy lại không hỏi luôn, vì cảm động hay vì cái tính tò mò nó đã lấp đầy suy nghĩ. Bên trong vẫn tiếp tục là nilon. Toan xé tiếp, nó mới tần ngần ngỡ ra đây là cái áo mưa giấy. Thật đáng khâm phục! Không ngờ sau cái bản mặt nitơ của gã lại là một bộ óc thâm xịt đến thế, gã biết lo cho bạn mình đến cả tình huống xấu nhất thế này. Có lẽ gã đã tính cả, hoặc gã cố tình hàm ý mong cho cô bạn sớm rơi vào tình cảnh ra nông nỗi này đây. Dù sao, có tấm áo mưa che tạm cũng giúp con người ta đỡ lạc lõng.

 

II.

Em đứng dưới mái hiên mặc cái áo trắng muốt thoáng làm nó rùng mình. Em xuất hiện đột ngột quá, làm nó hoảng hồn quẫy cựa suýt rách chiếc áo mưa mỏng manh. Mồm ngớp ngáp nói chẳng nên lời, em bèn lên tiếng trước:

- Chị ơi! Mưa rồi mà chị chưa vào nhà à?

- À! Ừ chị… Thế em là ai đấy? Mà em đến lúc nào vậy?

- Em vừa mới về. Chị có lạnh không đứng sang đây với em cho đỡ ướt, rồi vào nhà em chơi.

- Nhưng mà…

Tiếng em vọng lạc đi trong mưa, cái áo trắng của em thấp thoáng sau những giọt mưa, sau những giọt nặng hạt đang chảy chậm xuống từ giọt gianh căn nhà đối diện. Màu áo em ẩn hiện, trông em như một sinh linh bé nhỏ vừa lạc đường về, cô đơn giữa mưa gió lạnh căm. Gặp được chị, sinh linh bé nhỏ muốn bắt chuyện làm quen. Bé nhỏ, nhưng em chắc cũng phải lên mười rồi, nó nhìn thoáng qua và đoán như vậy. Bao ngần ngại qua đi, nó che tạm manh áo mưa trên đầu, lao qua con đường ướt sũng sang với đứa em. Có lẽ giọng nói trong trẻo, chiếc áo trắng sáng màu của em đã làm nó động lòng, nó tin em và không muốn làm cho em thất vọng, mặc dù, nó vẫn có cảm giác muốn tránh xa cái sự u tối bí hiểm của căn nhà nơi em đang đứng.

- Hì hì! Hôm nay chị bị nhốt ở ngoài. Thế em đi về đây một mình mà không sợ à?

- Sợ gì chứ, nhà em ở ngay đây, mà mẹ em chốc lát cũng về ngay bây giờ. Chị chờ em một chút!

Cô bé nhanh nhẹn lôi ra từ trong ba lô một chùm chìa khóa, em lựa nhanh một chiếc, rồi cắm vào cái ổ khóa đen sì, nặng kệch trên cánh cửa sứt sẹo của căn nhà kề ngay sau lưng, chính là căn nhà ấy, cái căn nhà có mái ngói dột nát, bức tường tróc lở và bao năm chưa được xây dựng lại.

- Là nhà em đây sao?

- Vâng! Chắc tại em mới dọn về nên chị chưa biết. Mà đúng là em cũng chưa bao giờ nhìn thấy chị thật. Giờ mời chị vào nhà chơi với em!

Thôi được, đành đánh liều đi vào, còn hơn đứng bơ vơ ngớ ngẩn ở ngoài này. Cánh cửa mở hé ra, nó rụt rè ghé mắt qua khe cửa, cảm nhận ngay một luồng khí từ trong bóng tối phả vào mặt, tưởng chừng nhụt chí. Em sẽ dẫn mình đi đâu? Cứ bước vào cái đã. Bàn chân chạm xuống cái nền đất lạnh giá khiến nó suýt kêu giãy giời lên. Gió lạnh hun hút từ ngoài cửa, nó chỉ đứng vậy mà xuýt xoa chứ chẳng dám đi đâu giữa chốn lạ lẫm này, giữa cơ man là bóng tối, được bù đắp chỉ vẻn vẹn bằng mấy luồng sáng nhợt nhạt từ trên các ô thông gió rọi vào, còn trên đó những chầng màng nhện phủ đầy, phất phơ khi từng ngọn gió hút qua. Bất chợt, cánh cửa lớn đóng sầm lại. Nó trợn trừng mắt nhìn xoáy sâu vào bóng tối. Em đâu rồi?

 

Chiếc đèn tuýp được bật lên, màu sáng trắng của nó đã thu hẹp biết bao nhiêu cái khoảng không gian tối tăm vô tận, trở về cái không gian vốn bé nhỏ, đầm ấm của ngôi nhà. Chẳng biết sao, nhìn quanh bốn vách tường vẫn cứ thấy trống trải. Xung quanh chỉ có chiếc giường to, chiếc giường bé, bộ bàn ghế, tủ tạng sơ sài, phía trên cao, góc khuất kia là bàn thờ. Thực sự không có gì mới lạ, không có điểm gì đáng sợ hãi hay làm người ta phải trầm trồ. Nhưng nó vẫn thấy phảng phất trong thâm tâm, một cảm giác kỳ lạ lần đầu tiên xuất hiện trong đời, cái cảm giác khi mà người ta vừa khám phá ra được một phần bí ẩn còn lại của thế gian.

 

Em bước ra từ góc nhà, lịch sự tiến đến bên kéo ghế mời khách. Trên tay em còn bưng một cốc nước nóng hổi, khói trắng bay lên nghi ngút, đem ra đặt trên cái mặt bàn lúc nào cũng thấy ướt một góc. Vừa đặt mình xuống cái ghế gỗ thấy hãy còn lạnh, nó cứ ngồi đó so ro chẳng biết nói gì, trên tay còn mải mân mê cốc nước, làn khói bay ướt mờ đôi hàng mi.

- Chị uống nước đi kẻo nguội!

- Ừ! Chị cầm cho nó bớt nóng đã. Trưa muộn rồi, em có đi ngủ không?

- Em có! Nhưng còn chờ mẹ em với thằng em em về đã. Chờ mẹ về em mới dám ngủ. Chứ nằm đây một mình em cũng thấy, hơi sợ sợ.

- Ừ! Cho chị sang đây ở chị cũng không dám chứ nói gì đến em. Cứ dần dần rồi sẽ quen thôi em ạ! Vậy trước kia nhà em ở đâu?

- Nhà em ở xa lắm!

Nó nhận ra nét bối rối thoáng hiện trên gương mặt cô bé. Chẳng ngờ câu hỏi có điều gì mà em phải tủi lòng, làm người hỏi cũng phải thấy áy náy. Không ai dám nói với ai câu gì, gian nhà trở lại với bầu không khí buồn tênh. Nó ngồi co chân, run run đưa đầu lưỡi nhấp từng ngụm nước ấm. Hay là thế này, trong đầu nó chợt lóe lên một ý tưởng:

- Chiều nay em có ở nhà không? Chị được nghỉ. Em sang bên chị chơi, rồi mình đi đâu đó cho vui. Ở nhà một mình mãi chị cũng thấy chán!

- Cũng được chị ạ! Nhưng thôi, để hôm khác. Giờ em chẳng muốn đi đâu hết. Có chị sang chơi với em là vui rồi.

- Sao vậy?

- Em đã được đi khắp mọi nơi, kể cả trong hay ngoài thành phố, thậm chí ra cả nước ngoài. Chị có tin không? Nhưng bây giờ chẳng có trò gì làm em thấy thú vị nữa. Cái em cần có, chắc chẳng bao giờ còn đến được với em. Em buồn lắm! Em muốn được bố về, mẹ về cho em đi chơi cơ!

Nói đến đây, nước mắt cô bé đã ngấn tròn quanh, rơi ra thành giọt lăn dài trên gò má bầu bĩnh, rồi đọng xuống hai bên khóe môi. Nó hỏi xem có phải mình càng ngày càng tệ, khi mà cứ để em thêm buồn như vậy. Nhưng cái tính tò mò chết tiệt làm nó không thể nén nổi lòng:

- Mẹ em sắp về rồi đấy thây! Thế còn bố em đâu?

- Mẹ em về, nhưng mẹ em chẳng còn sức mà cho em đi chơi nữa, mẹ bảo em lớn rồi. Mà bây giờ, cả mấy cuốn vở của em… Chị biết không? Em luôn giữ gìn, luôn viết nắn nót từng chữ một. Đây, chị nhìn này! Mỗi lần em được điểm cao, về nhà mẹ khen em, rồi cuối tuần mẹ cho em đi chơi đâu đó, hay nấu cho em ăn những món em vẫn ưa thích. Em… Em không cần gì nhiều cả, chỉ cần mẹ về, rồi em đưa vở cho mẹ xem, thấy mẹ cười là em vui rồi. Thằng em em nữa, năm nay nó lên lớp hai. Mỗi khi cả nhà vui bên nhau, bảo nó đứng dậy hát, là nó hát liền. Nó hát nghe hay lắm đó chị!

 

“Em còn nhớ cái ngày người ta đến nhà em, họ đến rất đông. Nhưng khi em đi học về đến nơi thì cũng là lúc chiếc xe cuối cùng rời khỏi. Xung quanh, chỉ còn có mấy cô mấy bác hàng xóm đứng nhìn sang. Em thấy cửa nhà mình đóng, khóa kín, trước cổng nhà lại còn có hai mảnh giấy trắng dán chéo lên nhau. Thoạt nhìn em trông kinh quá, em muốn xông vào lột phăng chúng ra, rồi vào xem trong nhà mình có chuyện gì. Nhưng mẹ từ đằng sau cứ níu chặt em lại, không cho em đến gần. Em khóc, thằng em em cũng khóc. Em nhìn mẹ, mắt mẹ đỏ hoe. Nói thật, cái lúc ấy hai chân em tê khuỵu xuống, tưởng chừng không lê đi được nữa. Cuối cùng, mẹ con em phải dắt díu nhau xuống bà ngoại ở vài hôm rồi về đây. Cái nhà này là của bác họ em, bao nhiêu năm nay để cho người ta thuê và giờ đến lượt mẹ con em ở nhờ.

Cũng từ bữa đó, em không còn được gặp bố nữa. Ba bốn ngày em mới nhớ đến bố, vì bố hay đi công tác xa. Em hỏi mẹ bố đâu mẹ toàn lắc đầu. Những lúc ấy mẹ thường chớp chớp mắt rồi cúi xuống. Một vài hôm nữa bố sẽ về. Mẹ hứa! Em chẳng cần mẹ hứa làm gì, ngẫm ra em cũng biết người ta đến bắt bố đi rồi. Mẹ không khóc, nhưng cũng không cười, thằng em em không hát. Thế là hết! Cả nhà em về đây. Rồi em gặp chị…”.

 

Trong phút chốc, em phải về một nơi xa lạ, bước vào căn nhà như đặt chân vào một miền đất hoang sơ, cằn nát. Cánh cửa gỗ kia tưởng đã khép lại cuộc đời em, nhưng cánh cửa mục nát, rụng rời, lộ ra những khe hở, hút những cơn gió buốt khía sâu vào tâm hồn, vào trái tim non nớt. Cuộc sống của em, vốn là một dòng sông hiền hòa và phẳng lặng, vận mệnh đã cứa lên đó những nhát cứa tàn bạo, bất ngờ và đau đớn. Nó còn cắt lìa đi sự hồn nhiên, sự vô tư thiên thần của một đứa trẻ. Trái tim em không còn rỉ máu, nhưng dần dần nó sẽ khô kiệt, nó sẽ cằn cỗi đi. Đó mới là điều đáng sợ!

 

- Vậy tại sao người ta lại bắt bố em đi? Em có biết không?

- Em cũng chỉ nghe loáng thoáng một vài người bên ngoài kháo nhau là bố em phạm tội lừa đảo, hay làm ăn gian lận gì đó. Nhưng em tin chắc bố không bao giờ làm như vậy. Em thường hỏi mẹ có đúng thật bố đã làm thế, mẹ vẫn không trả lời, mẹ chỉ xua tay em đừng hỏi. Nhưng em biết, mẹ cũng có ý nghĩ giống em!

Tự dưng nó có cảm giác trong người sôi sùng sục, chân tay bủn rủn. Sự tin tưởng và câu chuyện của em đã giúp nó thôi khỏi đánh vật với cái bụng réo cồn cào và cái đầu mệt nhoài váng như búa bổ. Nhưng bây giờ thì không phải, hình như bên ngoài có tiếng gì đó, tiếng người, tiếng xe chẳng hạn, làm nó nhớ ra lúc này đã là quá nửa buổi trưa. Không thể ở đây lâu hơn được nữa, nó đứng quay lại, nhìn em nhoẻn miệng cười:

- Thôi! Chị phải về đây. Nếu chiều nay rỗi, sang bên gặp chị, rồi hai chị em mình đi chơi cho đỡ buồn. Hôm nay là ngày đầu tiên mình gặp nhau, em thích chứ?

- Nhưng đến tối mịt mẹ con em mới về. Buổi chiều mẹ em đi làm, em với thằng bé ở trên nhà bà ngoại. Tối chị sang chơi được không?

- Ừ! Tối nay chị sẽ sang.

Hóa ra hôm nào cũng phải tám, chín giờ tối, mẹ con họ mới về đến nhà. Vào tầm ấy, dưới ánh đèn bàn sáng trưng, nó đang ngồi cặm cụi bên đống sách vở bày trước mặt, hoặc đôi tay có thể thò xuống dưới ngăn bàn dấm dúi cái điện thoại nhắn tin. Mọi động tĩnh bên dưới đều bị che khuất bởi tấm kính cửa sổ và một bên rèm, mỗi khi rời khỏi bàn học ngó nhìn xuống, cảnh vật vẫn chẳng hề đổi thay. Vả lại, sự xuất hiện của mẹ con họ quá chóng vánh, đến nỗi không mấy ai nhận ra họ hiện diện trong con ngõ nhỏ này đã từ hơn một tháng. Nếu không có buổi trưa rét mướt hôm ấy, nó sẽ chẳng bao giờ biết đến bên trong căn nhà bí ẩn đó như thế nào, nó sẽ không biết đến em, và cuộc đời em cũng sẽ mãi chìm sâu trong bóng tối bí ẩn của ngôi nhà, khó được bàn tay nào tìm đến sẻ chia.

Vậy nên tối hôm đó nó đã quyết tâm chờ bằng được để gặp em. Nó còn chuẩn bị sẵn từ lúc chiều hơn chục chiếc bánh ngọt làm quà biếu, may sao  có thể bù đắp được tình cảm cho đứa em thiệt thòi. Ai ngờ đi mua bánh đúng ở cái tiệm gã đang vào làm thêm. Gã biết chuyện, liền khuyến mãi thêm cho bốn chiếc, trong đó ba chiếc là do gã bỏ tiền ra mua hộ.

Chờ mãi, chờ đến khi mở mắt, nó vẫn thấy mình nằm trên... giường. Trời sáng, chim không ca hót, gió không đưa, căn phòng im lìm, và hộp bánh vẫn còn nguyên vẹn trên mặt bàn không lẫn đi đâu. Nó dụi mắt đứng trước cửa sổ nhìn sang bên kia, mặt nhăn lại, người rớt cái phịch một phát xuống giường thất vọng. Có đúng hôm qua mình ngủ quên, nó cố nhớ lại, nhưng rõ ràng lúc ấy nó còn nằm thao thức vì mấy tiếng hò reo bóng đá trên ti vi bên phòng bố mẹ. Sờ tay lên chiếc đồng hồ đầu giường còn thấy hai cây kim sắp cụng đầu nhau ở con số 12 chót vót. Nó đã chờ đợi kiên trì suốt từ tối hôm ấy đến sáng nay, nhưng vô ích. Những chiếc bánh để lâu cũng sẽ hỏng. Đem đưa nhờ bố mẹ giải quyết hộ, nhưng mỗi người chỉ ăn nổi một chiếc. Nhớ đến gã. Đúng rồi, nụ cười của gã rất tươi, và gã rất tốt bụng. Mười hai chiếc bánh trong một khoảng thời gian eo hẹp, nếu gã không muốn thẫn thờ ném ánh mắt của mình xuống dòng nước xoáy bồn cầu. Và gã đã phải vừa ngồi quẹt mép vừa nhắn tin lại rằng: “Đồ dã man! Mấy cái bánh của ngươi chồng đống lên tận cổ, làm ta bỏ mất mấy bữa cơm rồi! Cứ đà này, không khéo bị mấy tỉnh Trung Bộ mất mùa đói kém người ta lên án mất thôi!”.

 

III.

 

Nắng trở lại, chan hòa sau bao ngày đất trời ủ dột trong những làn mưa dầm dề, những cơn gió lạnh tái tê, sau bao ngày linh hồn con người bị giam cầm trong thứ màu tro ám khói nặng nề của trời đất. Nắng đã trở lại, rắc những hạt phấn vàng lừng lẫy xuống muôn nơi cho vạn vật được hồi sinh. Nó ngồi duỗi dài, lưng tựa vào thành giường, mái tóc để xõa dài hai bên, nắng ánh lên sắc tóc nhuốm màu nâu hồng. Những tia nắng ấm mơn man nhẹ nhàng trên làn da, nó dang rộng cánh tay, để thân mình lơ lửng trong sắc nắng vàng óng. Ánh nắng mùa đông, chỉ đủ phe phẩy gợn nhẹ trên da, gãi những đường nhột nhạt dần dần trở thành khó chịu. Khi ấy, nửa bóng mặt trời đã khuất vào sau bức tường dày căn nhà phía xa, trong lồng ngực bỗng dềnh lên một cảm giác tưng tức, ngai ngái. Màu nắng nhạt nhòa trong những giờ phút cuối càng làm cho người ta cảm thấy cô đơn.

Nó đếm đi đếm lại không biết bao nhiêu lần những con số ghi ngày tháng trên cuốn lịch. Vậy là đã đúng mười ngày kể từ cái hôm em đột ngột xuất hiện rồi mất hút. Và cũng đúng mười ngày nữa là đến Tết âm lịch rồi. Ôi! Tết ư? Chữ Tết nghe thật thích, mà cũng thật lạ. Sao nó không biết nhỉ. Ngày xưa, mỗi dịp gần về cuối năm, dù còn những hơn ba tháng nữa mới đến Tết, nhưng nó đã thấy bắt đầu háo hức, chờ đếm ngược từng ngày để đón một mùa xuân sang. Biết thế nào là xuân, Tết đến được vui chơi thỏa thích, được nhận tiền mừng tuổi, thế là sung sướng rồi. Ngày Tết để lại trong tâm hồn đứa trẻ bao cảm xúc hạnh phúc, bao ký ức đẹp đẽ đọng lại luôn cho chúng điều gì đó để ước mơ. Đã mấy năm nay, mỗi khi nghe đến Tết về, trong lòng nó có chút bồi hồi, nhưng cảm giác háo hức không còn được như xưa. Dường như Tết đối với nó chỉ là một thứ gì chắc sẽ đến, rồi tự khắc sẽ qua đi. Chờ Tết đến thì vui biết bao nhiêu, Tết đi rồi thì chán gấp bội. Nó không mong chờ, nó còn bao điều phải bận tâm, ngập chìm trong mớ hỗn độn của thời gian. Còn Tết, cứ mãi đến, rồi lại ra đi, vĩnh cửu. À không! Tết nào đâu có vĩnh cửu cơ chứ!

 

Cánh cửa căn nhà bên kia khóa im lìm, bóng tối bên trong ngấm dần ra ngoài, cùng với những mảng rêu chằng chịt, làm căn nhà toát lên thứ mùi lạnh ngắt. Hơn một tuần, mẹ con họ không bước chân về đây. Phải chăng họ đã bỏ xa nơi này để tìm một chốn thanh bình hơn? Một nơi thanh bình, theo họ nghĩ, là không có ánh mắt nào nhòm ngó, không có những lời đứng từ xa xôn xao về gia cảnh của một gia đình thất thế. Phải chăng chỉ vì một vài phút tâm tình với người lạ, mà mẹ con họ sợ lộ danh thân phải vội chuyển đi nơi khác? Nếu đúng như vậy thật, sợ rằng nó sẽ không bao giờ còn được gặp lại em nữa. Nhìn lại cuốn lịch, đúng mười ngày nữa là Tết rồi.

Trên mái nhà kia, nắng vẫn bám dai dẳng, cố dùng chút hơi ấm mong manh của mình sưởi ấm cho căn nhà. Dù sao, nó vẫn tin một ngày nắng mới như hôm nay là một điềm lành, cho những gì sắp xảy đến sẽ luôn là những điều may mắn.

 

Tiếng chuông cửa động liên hồi làm nó hốt hoảng bừng tỉnh. Vội chạy xuống, cánh cổng đóng im lìm, nhìn ra chẳng thấy có ai cả. Chỉ có độc một tờ giấy ném vào trong cổng, bên trong ghi vẻn vẹn dòng chữ: “Mau ra mở cổng nhận quà!”. Chắc lại là gã sắp dở trò gì đây! Cánh cổng nhè nhẹ mở ra. Ôi đúng là quà thật! Món quà cũng thật tinh vi, phía bên trên còn ghi dòng chữ: “Quà dễ vỡ. Nhẹ tay!”. Nó ngập tràn trong niềm hạnh phúc. Món quà trông to và khá nặng, bọc bên ngoài bằng lớp giấy gói màu đỏ thắm. Nó cũng quên không tự hỏi mình xem nhân dịp gì mà gã lại tặng quà, chỉ tiện tay xé phăng phăng lớp giấy gói bọc bên ngoài mà lòng chẳng hồ nghi. Đến lúc mới chợt sững lại khi thấy bên trong đó còn được bọc một lớp giấy màu xanh bóng đẹp hơn nhiều.

 

Khi còn đang phân vân có nên xé tiếp hay không, thì bên ngoài nghe dội lại tiếng xe máy. Tiếng xe đến mỗi lúc một gần, mà hình như người ta đỗ lại trước cổng nhà mình thì phải. Ồ không! Họ dừng lại trước cửa nhà bên kia, hai đứa trẻ đứng yên ở ngoài cho người phụ nữ dắt xe vào trong nhà. Đúng là mẹ con họ rồi. Phải sang đó ngay trước khi cánh cửa gỗ bên kia khép chặt mất, mà đã khép vào là khó bao giờ mở ra. Thế còn món quà thì sao? Để sau đi cũng được. Nhưng trong lòng vẫn cứ thấy hồi hộp. Vừa hồi hộp, vừa phân vân, nó vơ vội đóng giấy gói nhàu nát vừa mới xé vụn dừ, mắt đảo qua cánh cửa khép hờ, rồi quay về nhìn cái sắc xanh óng trên hộp quà của mình. Bất chợt, trong giây lát, giữa hai lớp giấy gói lộ ra một mảnh giấy cài hớ hênh làm trí tò mò trong nó khơi dậy. Nó tự trấn an mình, lôi ra tờ giấy gấp làm tư, bên trong là những nét chữ xô bồ, nhưng chạy dài thong thả, giống hệt như cái điệu cười yêu ma của gã:

 

Bạn à! Có phải bạn tôi đấy không nhỉ?(Đỡ rách việc!). Nhận được quà bạn có thấy vui không? Chắc hẳn màu đỏ rạng rỡ sẽ làm bạn cảm thấy nôn nóng và hồi hộp. Nhưng với màu xanh, mình nghĩ bạn sẽ thấy dịu nhẹ và yên bình hơn. Vậy chẳng có lý gì để xé bỏ lớp màu xanh hiền hòa ấy đi cả. Hãy ôm trọn niềm vui với màu xanh bạn nhé! Dù gì, trong những ngày cuối năm này, mình vẫn muốn chúc bạn đón một cái Tết đầm ấm, hạnh phúc bên gia đình! Chẳng qua vì không có cơ hội, nên mình muốn nhờ bạn chuyển giúp món quà này đến ba mẹ con họ, những người mà sống trong ngôi nhà ngay đối diện nhà mình ấy, coi như đây là món quà chung của bọn mình gởi tặng họ nhân dịp năm mới này. Vậy có được không?”  

Nó giữ đăm đăm tờ giấy trước mặt, hai hàng môi cắn chặt vào nhau phẫn uất. Cả thế giới xung quanh như đột ngột dừng lại, bỏ mặc mình nó quay cuồng với giọng cười ma quái của gã vang lên đâu đây. 

 

IV.

 

Nó rón rén gõ nhẹ lên cánh cửa im lìm. Tiếng thì thầm của người mẹ, cùng đôi mắt xanh biếc của em bước ra. Răng, môi và lưỡi nó quấn chặt lấy nhau, mà cổ họng thì cứ ngắc ngứ, giọng nói hồ hển:

- Em về rồi đấy à! Đi đâu mà chẳng nói cho chị biết gì cả, làm chị chờ muốn đứt hơi.

- À! Mấy hôm mẹ em có việc phải đi xa ấy mà. Bọn em về ở trên bà ngoại. Chị vào nhà đi! Mà trên tay chị có cái gì thế kia?

- Đây! Sắp đến Tết rồi, chị tặng em món quà. Em cứ nhận lấy. Chúc mẹ con em ăn Tết vui vẻ.

- Tết ư?

- Thôi nào! Cứ giữ lấy. Xong rồi mở ra xem bên trong có gì. Nhanh lên! Cho chị xem với!

- Sao cơ ạ?

- À không! Ý chị là em cứ cầm lấy rồi mở ra xem có thích không nào?

Đôi tay bé nhỏ của em thoăn thoắt tháo hai đầu dây nơ, lớp giấy bóng trút xuống, hộp quà xuất hiện như màn diễn của các minh tinh khiến khán giả hồi hộp. Cả thằng cu em nữa chạy đến, cùng khui nắp chiếc hộp các-tông chứa đựng điều bí ẩn. - Nhẹ tay thôi các em! Không thì vỡ đấy! - Nhưng nó lại là đứa đầu tiên lôi khỏi hộp món quà. Một chiếc lộc bình màu ngọc xanh biếc. Cả ba đứa đều há hốc mồm ngỡ ngàng, riêng nó hơi đỏ mặt vì thấy hơi khó hiều, lúng túng.

 

Thằng cu em bất ngờ ôm chiếc bình chạy ra cánh cửa đằng sau. Nó hoảng hồn. Nhưng chiếc bình vẫn còn nguyên, được thằng bé đặt ngay ngắn trên chiếc bàn nhỏ cạnh lối đi, nơi được chiếu sáng bởi một khum nhỏ đầy nắng. Thằng bé hơ hơ chiếc bình, ánh nắng phản chiếu làm chiếc bình sáng rực rỡ cả góc nhà. Ba đứa, và cả người mẹ đang lúi húi ở đằng sau cùng chạy đến, quây lại. Màu xanh ngọc của lộc bình, hòa trộn với chút màu nhạt của nắng ánh biếc lên áo quần bọn họ. Họ đê mê, say trong thứ màu tươi mát diệu kỳ. Ánh sáng man mác tỏa bay trong không gian, đưa họ lần hồi trở về với những gì đánh mất của một thời đã qua.

 

Những cánh hoa đủ màu, rực rỡ, “Mẹ cho em đi chợ, em chọn đấy!” buông xòa xuống che kín miệng bình. Những cành lớn vươn cái đài hoa vĩ đại của mình ra sẵn sàng trụ cột, lũ hoa bé nheo nhóc, ẻo lả, đứa thì một mình lim dim, đứa tựa đầu lên vai nhau âu yếm. Chúng lúc nào cũng khép nép, điệu đà, mà giống như đang bừng dậy, hương sắc bên nhau tỏa ngan ngát trong không gian. Thế rồi trong nhà đã bắt đầu có cành mai, cành đào. Mùi hương hoa, lẫn với mùi hương trầm của những ngày cuối năm, bay đi, bay theo làn gió hun hút, bay qua cửa chính ngập tràn khúc ngõ. Nắng hiện lên một ngày rồi lại tắt, trả lại cho đất trời cái vị lành lạnh, se se ấm áp trong khoảnh khắc chờ mùa xuân mới sang. Em tiếc ngẩn tiếc ngơ, nhưng ánh đèn trong nhà đã luôn bật sáng, bù lại ánh mặt trời xa xăm, để màu xanh rực rỡ của lộc bình ánh lên những cành hoa, còn màu xanh hiền hòa làm đôi mắt em dịu lại. Đôi mắt em không còn mở to tròn như trước, vô hồn lắm, đôi mắt em đã biết đùa vui, đã biết cười. Một buổi sáng sớm, nó đứng bên nhà mình nhìn sang, em đứng khép nép bên cánh cửa, thấy chị, em nhoẻn cười tinh nghịch rồi nấp đi. Trên cánh cửa gỗ sứt sát, vẫn còn những dòng chữ trẻ con vẽ bậy loằng ngoằng. Nó nhìn lên và chợt nhớ tới gã. Sao mà gã biết được nhỉ? Phải chăng, những lần gã về qua đón mình, để dừng xe bên đó, gã thường đứng lặng im và cố giải mã những dòng chữ loằng ngoằng kia?

Đỗ Văn An
Số lần đọc: 1872
Ngày đăng: 19.12.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện Tháng Mười Hai - Nguyễn Lê Hồng Hưng
BẮN MỘT CON VOI - Hiếu Tân
ĐỨC PHẬT VÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ BỤNG TO - Hiếu Tân
Bụt nghe cổ tích - Hiếu Tân
Những đứa con đần độn - Hiếu Tân
Đêm mưa - Hướng Dương
Vâng! - Phan Ngọc Danh
ĐỐI THOẠI - Huỳnh Văn Úc
Chuyện Của Hắn - Nguyễn Hữu Duyên
Vì sao bạn thành ra như vậy? - Lê Vĩnh Tài
Cùng một tác giả
Sau Cơn Mưa Rào (truyện ngắn)
Món quà cuối năm (truyện ngắn)