Khoảng giữa năm 1964, tôi và Nguyễn Tôn Nhan đến tòa soạn Tình Thương, tờ báo của sinh viên Y Khoa, trên đường Trần Quý Cáp, bây giờ là đường là Võ Văn Tần. Lần đấy là lần đầu tiên chúng tôi quen biết anh Trương Thìn. Chúng tôi trẻ hơn anh đến bảy tuổi, anh sinh năm 1940, cùng tuổi với thầy dạy lớp nhất của tôi, Nguyễn Văn Lợi, tức nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Anh Trương Thìn tiếp hai nhà thơ trẻ thân tình đầm ấm, không chút miễn cưỡng.
Anh Trương Thìn và tôi biết nhau, bên nhau cầm bút thiếu hai năm là tròn nửa thế kỷ. Tôi và anh không gặp gỡ thường xuyên nhưng luôn thương quý nhau và chia sẻ những điều cùng quan tâm. Năm 1969, khi tôi được trả tự do từ Chuồng Cọp Côn Đảo, vì vắng mặt ở Sài Gòn, anh đã nhờ các bác sĩ quen biết tận tình chạy chữa bệnh bại liệt của tôi. Thuở ấy tôi đã nghe phong thanh chuyện bác sĩ Trương Thìn châm cứu làm sống dậy một người đã ngưng thở ở chiến trường cao nguyên.
Sau 1975, mỗi lần anh xuất bản sách, ngay cả sách về Đông Y, anh cũng tặng tôi và ngược lại, có lẽ trên kệ sách của anh không thiếu một tác phẩm nào của Triệu Từ Truyền. Năm 1983, tôi bị hen suyễn nặng sau nhiều năm bị viêm đa xoang, anh đã trị bằng cách châm cứu cho tôi trong nhiều tháng ròng.
Những năm tháng ở Viện Y Học Dân Tộc Thành Phố, cứ mỗi lần gặp nhau anh đều cho tôi xem tranh sơn dầu do anh vẽ, hoặc đàn hát những bài thơ anh phổ nhạc cho tôi nghe, có lần anh hỏi:
- Truyền biết người đàn ông đáng làm người tình nhất của Thúy Kiều là ai không?
Tôi chưa chọn một trong hai nhân vật để trả lời, thì anh đã cho câu giải đáp thật bất ngờ và thú vị:
- Đó là người khách ở viễn phương.
Rồi anh cầm đàn và hát liên tục mười bài Kiều Ca của anh cho tôi thưởng thức.
Mấy năm trước đây của thế kỷ thứ 21, một lần trong lúc chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời, nhân nói đến một nhà tu Phật, nổi tiếng thế giới là thiền sư, anh đột nhiên hỏi tôi:
- Truyền thấy ông ấy thế nào?
Đối với anh Trương Thìn, tôi chưa bao giờ cẩn trọng trong phát ngôn mà luôn nghĩ sao nói vậy:
- Theo tôi, ông ấy biết cách dựng huyền thoại về mình lớn hơn thực chất gấp nhiều lần.
Anh gật gù khẽ nói: “Moa cũng nghĩ như toa ”. Trong thâm tâm tôi chưa bao giờ dám nghĩ anh Trương Thìn trân trọng mình đến mức như anh đã nói với mấy người bạn Pháp bằng tiếng Pháp, mà tôi nghe được lúc nằm trên giường châm cứu:
- Người ở giường bệnh đây mà quý ông quý bà nhìn thấy là một bạn thân của tôi trong nhiều chục năm qua, anh ấy là một thi sĩ nổi tiếng, từng bị giam ở Chuồng Cọp Côn Đảo…
Những năm 63, 64, 65 và 66 của thế kỷ thứ 20, người dân đô thị miền Nam đã vùng lên phản kháng chế độ độc tài áp bức, đòi tự do dân chủ, rồi phản chiến, yêu cầu hòa bình, độc lập thống nhất tổ quốc.
Cùng với phong trào sinh viên học sinh sôi động, anh Trương Thìn, lúc đó đang học Đại Học Y Khoa Sài Gòn, cũng đã không làm ngơ trước thế sự, đứng về phía đồng bào và chính nghĩa.
Anh là người góp phần kêu gọi sinh viên Dậy mà đi, hùng hồn và thuyết phục trong hội thảo ở giảng đường;
Anh là một trong những đầu tàu của phong trào văn nghệ sinh viên học sinh, của Tiếng hát những người đi tới, Hát cho đồng bào tôi nghe… Anh mãi được ghi nhớ là một trưởng đoàn văn nghệ sinh viên học sinh đa năng, hiệu quả và hấp dẫn;
Nhìn lại cuộc đời bác sĩ Trương Thìn, tôi bỗng nhớ câu nói của Lệnh Hồ Xung: “Không có chánh phái cũng như tà phái, chỉ có hành vi chánh hay tà mà thôi, ai làm thiện là chánh phái, ai làm ác là tà phái”.
Có lẽ ấn tượng lớn nhất của tôi về bác sĩ Trương Thìn là tư duy tổng hợp, anh không thích phân tích, không quá thiên về duy lý nên anh đam mê Đông Y, đam mê cả thơ, nhạc, họa, điêu khắc cùng một lúc. Anh có tâm thức minh triết Phương Đông và tâm hồn Việt Nam thuần khiết.
Tạm biệt Trương Thìn, người anh, người bạn lớn của thế hệ chúng tôi!
Phú Nhuận, đêm 22/12/2012