“ il n’est de bonheur que dans les voies communes”*
Đêm sông Hương êm đềm và vắng lặng, nước vẫn trôi và sóng vẫn nhấp nhô như tiếng đập của tim, hàng cây dọc bờ sông ngã mình, đong đưa ru sông ngủ.
Hai bên bờ là công viên cây xanh được cắt xén gọn, điểm tô những bông hoa với sắc màu sặc sở, nằm ngoan dưới chân tượng đá, thỉnh thoảng bức lên cơn gió lộng thổi tới từ lòng sông, gây tiếng xào xạc của cỏ cây.
Giờ này công viên vắng khách, lác đác một vài người qua lại, trả công viên về với đêm, những ngọn đèn vàng tỏa ra một thứ ánh sáng yếu ớt trông thật quạnh hiu.
Người ta nhận ra một người đàn ông ôm đầu gục xuống ghế, khó nhận diện người đó thuộc dạng nào; mà tại sao ngồi một mình giữa cảnh tịch liêu nầy, hay lỡ hẹn với người tình ? Gió lại thổi mạnh làm cho người và vật chao động. Trụ đèn cạnh ghế đá, gục đầu xuống để nhìn mặt người tuyệt vọng đang ngồi dưới bóng tối mập mờ.
Phố phường đã lên giường. Hắn rời khỏi ghế đá, dáng mệt mỏi, chậm rãi bước ra khỏi công viên, tiếng chân gõ nhẹ lên kè đá, hàng cây dương liễu theo gió reo lên tiếng vi vu, hắn lặng lẽ đi, những bước đi âm thầm mãi cho tới khi về đến nhà. Trời lúc ấy quá nữa đêm, sao đầy trời lung linh cùng bóng nguyệt như đang chuyển ngôi về sáng.
- Ba mẹ đã hứa gả con cho con trai ông bà Phán Tuân từ khi con mới lên 5. Con biết không? Ông Ký nói.
Tuổi dậy thì của Phượng đã làm cho người ta chú ý. Nhưng ngờ đâu nói chơi thành thiệt. Cái điều mà nàng thường nghe nhiều lần từ khi còn nhỏ cho tới nay.
- Con còn phải học, đâu đã nghĩ chuyện lập gia đình; thưa ba. Phượng nói.
- Ồ! thì khi nào ra trường rồi hãy hay. Họ chỉ xin làm cái lễ dạm thôi mà! Đâu đã cưới hỏi mà con băn khoăn. Giáo Ký nói.
Phượng không nói, cúi đầu đi thẳng vào buồng. Theo thời gian; Phượng trổ mã, vóc dáng gọn ghẽ dể trông, do đó đã lôi cuốn nhiều chàng trai đưa tình. Điều ấy đã làm cho ông bà Ký lo lắng và để mắt theo dõi nàng. Nhân một buổi ngồi hóng mát trước sân nhà, mẹ Phượng gợi chuyện:
- Con biết Thạch không nhỉ? Con trai đầu của ông bà Phán Tuân, Thạch còn năm nữa ra trường y khoa; đáo để thiệt! con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Dòng dõi họ là sự thể. Ba mẹ sung sướng nếu được kết thông gia giữa hai họ. Mẹ nghĩ là con biết đến họ rồi chứ? Mẹ Phượng nói.
Từ đó Phượng trở nên ‘chim-hót-trong-lồng’. Nàng tỏ ra lãnh cảm trước những đề nghị của song thân. Ngày tháng trôi không ai thấy, Phượng cũng không thấy, tưởng như chuyện nghe qua rồi bỏ. Lệnh giới nghiêm được ban bố, sau giờ học thì Phượng lui về với cửa-đóng-then-cài. Thế nhưng ông bà Ký cũng không tài nào kiểm soát được con tim.
Phượng và Tấn bén tình từ khi hai đứa vào lớp 12 cùng trường, tuổi tác của hai người yêu nhau không cách biệt bao xa nhưng Tấn trông già dặn và có nét sương gió, ngược lại Phượng thì thục nữ, ngoan hiền. Ngoài giờ sanh hoạt học đường họ thường lẻn ra xa để trao đổi yêu thương. Cả hai xem tình yêu là chân lý đời mình không thể mất mát được. Bởi tình yêu thiếu những yếu tố đó là tình yêu chết. Yêu nhau đã lâu, chỉ hẹn hò giữa thiên-thanh-bạch-nhật cho nên trong lòng Tấn luôn luôn háo hức được tỏ tình, cũng vì cái luật gia đình quá khắc khe, quá khuôn phép, phẩm trật giai cấp; vì thế mà ray rứt trong lòng Tấn và khó cho chàng nghĩ suy về một cuộc hẹn để được gần kề bên Phượng, chàng muốn mượn bóng đêm để nói lên lời mật thiết, nhưng bóng đêm không phải là nhu cầu để Phượng làm thỏa mãn người yêu.
- Cuối tuần nay có phim mới trình chiếu.Anh muốn mời Phượng đi xem. Tấn nói.
- Không được đâu anh. Ba mẹ em nghiêm lắm! Phượng nói.
Điều ấy Tấn đã rõ.Vậy dàn dựng thế nào cho hợp lý để tránh hệ lụy cho Phượng.Tấn tha thiết được ngồi cạnh người yêu, dẫu ngồi trong bóng tối với con tim, vẫn cho chàng một cảm giác hạnh phúc; bởi Tấn muốn chiêm ngưỡng dung nhan người yêu mình, được nhìn ngắm đôi mắt nhung mềm lá răm, thường hay cười mỗi khi nói, tóc huyền đổ xuống bờ vai bình sứ, đôi môi mọng đỏ với làn da trắng sửa mịn màng. Cái chất tình yêu đó pha trộn những sắc màu khó kiếm thì làm sao phai nhạt được?
- Thôi; tụi mình đi vào ngày thứ hai sau giờ học. Được không Phượng? Tấn nói.
- Em sợ trể giờ qui định ba mẹ em rầy dữ lắm! Phượng nói.
- Thế thì em nói dối với ba mẹ là ở lại họp lớp.Tấn nói.
- Em ngại quá!
Quả thật; bóng đêm đã đồng lõa. Khuôn trang Phượng hiện rõ dưới bóng tối của rạp hát, gương mặt Tấn rạn rỡ, chàng nhẹ nhàng nắm tay Phượng, nàng rụt rè rút tay ra khỏi tay Tấn, tim nàng đập mạnh, nhưng sức mạnh của tình yêu là động lực thúc đẩy, tay Phượng nằm êm ấm trong tay chàng, nàng khẽ rùng mình, điện chạy xuống đôi chân của hai người, nghe ấm. Tấn kê vào tai nói những lời thì thầm, mắt Phượng lim dim như người mê ngủ.Thỉnh thoảng cả hai cùng cười, người ngồi cạnh tưởng họ đang thích thú xem phim nhưng có ai hay họ đang “đóng phim” tình trong bóng tối.
- Xong đại học là anh xin cưới em. Tấn nói.
- Em không biết được ngày mai, rồi anh và em sẽ ra sao.Chuyện đó còn lâu dài. Chúng mình hãy tính sau. Phượng nói.
- Dù ngăn cách gì đi nữa anh vẫn lấy em làm vợ. Anh không cưới được em chắc anh bỏ xứ ra đi. Tấn nói.
- Anh đừng nói thế! Phượng nói.
Phượng ngã đầu lên vai Tấn và đi về hướng mặt trời.Họ bên nhau trong suy tư riêng.
Cầm mảnh giấy trên tay,Tấn đọc đi đọc lại nhiều lần: “Anh Tấn. Em muốn gặp anh gấp; 7 giờ tối nay tại công viên Lệ-Đá-Xanh. Em; Mỹ Phượng” Chưa tới giờ mà Tấn đã ở điểm hẹn, vài phút sau thì Phượng đến, mắt nàng lệ ướt, môi nàng rung rung nói chẳng ra lời, nhìn Tấn mà không cầm được nước mắt. Tấn thấy nàng đẹp khi khóc, cái đẹp toàn thể trong lối trang phục cẩu thả, chiếc khăn quàng màu tím hoa cà vấn qua cổ như muốn tỏ cái điều gì buồn lắm. Nhưng không hiểu sao chiều nay Phượng đẹp hơn những lần Tấn gặp. Song vẫn không tránh khỏi lo lắng của Tấn.
- Bình tâm; nói cho anh hay, việc gì mà khẩn trương thế, mà cớ gì em khóc? Ngồi xuống đây nào. Tấn nói.
Bầu trời lúc ấy biến sắc màu, đèn ở công viên bực sáng. Phượng khoanh tay ôm ngực, không nói, quầng mắt đỏ, nhìn vào khoảng không với nỗi tuyệt vọng của người thất chí.
- Chắc chúng mình không có duyên để tiến xa hơn nữa anh ạ. Phượng nói.
- Cái gì? Anh không hiểu em muốn nói cái gì? Nghĩa là sao? Tấn gào lên.
- Ba mẹ em đã nhận lời cầu hôn em cho người ta rồi! Em không còn cách nào để chống lại quyết định đó nữa.Vậy xin anh tha thứ cho em và anh cứ răn đe em, coi em như một kẻ bội ước, bội tình. Anh cứ mạt sát em đi. Tất cả tội lỗi em xin chịu và hình ảnh anh mãi mãi trong tim em. Em xin anh! Phượng khóc.
Nàng vội vã rời khỏi công viên và khuất dần giữa xe và người, bỏ lại người yêu trong bóng đêm…
Cuối mùa xuân 197...mẹ Tấn qua đời. Trước đây mẹ chàng mang thân phận mẹ-quá-con-côi buôn bán tảo tần, cố gắng nuôi Tấn ăn học cho nên người đó là hoài bão của người mẹ chân quê, Tấn chưa trả ân tình đó thì bà Chúc đã ra đi. Nay Tấn trở nên đứa con lạc loài, cô độc kể cả tình yêu. Tất cả đã rơi vào vực thẳm khó mà gắng gượng lên nổi giữa đời này. Mất người yêu, mẹ chết, bỏ học là ba điều bi đát nhất cho đời chàng.
Sau một năm chạy đôn chạy đáo để kiếm sống cũng như lo thu xếp việc nhà; lần nầy Tấn quyết định ra đi. Đi về một chốn xa để quên cái nơi bạc đãi đời mình.
Chuyến tàu xuyên Việt đã đưa chàng xuôi Nam, bỏ lại sau lưng những ngày tháng cũ.Từ chỗ xa lạ của đất khách quê người, chàng dừng lại một vùng cao hẻo lánh mà nơi đây dành cho người đi tìm đất sống, lập lại cuộc đời, xa phố thị bon chen, xa mọi tranh chấp cá nhân. Bản làng ở đây không đông dân cư, những mái tranh, mái tôn bao quanh dưới chân đồi. Khi đến nơi Tấn cảm thấy vùng đất nầy hài hòa dể chịu, một nếp sống bình đẳng đem lại một cái gì thanh thản cho tâm hồn. Một nơi thích hợp với tinh thần của chàng. Tấn nghĩ chặn đường bắt đầu là chặn đường phiêu lưu của một con người đang đứng trước thảm trạng của xã hội và gia đình. Chuyến xe đò đi cao nguyên đến bến đậu, lúc ấy đã quá nửa trưa; Tấn ngơ ngáo nhìn cảnh chợ như cấp cứu. Nhận ra kẻ phương xa, người đàn ông phu xe lôi bắt đúng mạch, rà tới bên Tấn với lời thăm hỏi. Qua trao đổi không lâu, phu xe lôi đưa Tấn đến nhà người bạn tâm giao.
- Anh Hai. Cậu nầy cần việc làm anh giúp dùm tôi. Phu xe lôi nói.
Hai Nghệ chuyên hành nghề gieo giá sống, cả gia đình ông Hai sống nhờ vào mầm giá. Gia đình ông có ba người con, một trai, hai gái. So với dân cư trong làng, gia cảnh Hai Nghệ tương đối đủ ăn. Mới gặp lần đầu mà họ có tình cảm ngay với Tấn. Nhờ lời ăn tiếng nói chân tình mà họ đoán Tấn là người ngay thật, gương mặt Tấn tỏa ra người có chữ nghĩa khác với đám trai trẻ trong thôn Xuân Đường nầy. Họ tỏ ra vui thích.
- Cậu chắc về công tác ở đây? Hai Nghệ hỏi.
- Dạ không tôi muốn về đây để sống và làm ăn ở đây luôn. Tấn nói.
- Thế thì chắc mở thương doanh ở thôn nầy? Nghệ nói.
- Không phải; tôi kiếm việc gì làm để nuôi thân thế thôi. Tấn nói.
Hai người trao đổi chưa được bao lâu thì cơm chiều đã dọn lên bàn.
- Cậu dùng cơm với chúng tôi nhá! Vợ Hai Nghệ nói.
Sáng hôm sau Tấn dậy sớm, màng trời còn mù sương, chỉ nghe tiếng gà, tiếng lợn rục rịch ở vườn sau, cảnh nhà vắng lạnh, hình như tất cả đã đi vào việc, nghe bên trong tiếng ho khe khẽ của người con trai nhỏ đang còn trên giường. Dọc theo con đường xuống suối, lúc ấy mặt trời đã nhú lên nữa đọt cây, ánh sáng chặt những tia nắng qua sương, để lại từng vệt sáng trong suốt như thủy tinh, chim hót líu lo, gió thổi nhẹ nhàng làm tâm thần Tấn tĩnh táo ra, chàng vừa đi vừa hít thở không khí của núi đồi, đi một khoảng không xa, Tấn bắt gặp một thiếu nữ, tuổi chừng ngoài hai mươi, dường như thoáng gặp ngày hôm qua ở nhà Hai Nghệ thì phải; đúng rồi! nàng đang rữa giá dưới lòng suối, khi đến gần thì nàng quảy lưng đi nhanh. Đi hết con đường mòn thì Tấn nhận ra phiên chợ họp ở đây.
- Sao; hôm qua ngủ được không? Phu xe lôi nói.
- Dạ; ngủ được anh ạ. Tấn nói.
- Nè! nếu anh thích hòa nhập đời sống ở thôn nầy; nghe đâu người ta đang cần thầy giáo, dạy đám trẻ con và một số thanh niên, thanh nữ ở đây, đó cũng là mục đích mà Nhà nước đang quan tâm. Tôi nghĩ anh nên liên hệ việc này với cơ quan chính quyền. Thì thế nào họ cũng bố trí công tác cho anh. Phu xe lôi nói.
Vợ chồng Hai Nghệ tỏ ra vui mừng khi biết Tấn là thầy giáo làng, mà lại sống chung với họ thì sung sướng biết chừng nào. Đám con ông Hai đang cần sự chăm sóc ấy.
- Hơn hai năm nay thằng Út con trai tôi đâu có đi tới trường. Hai con kia thì chả mong làm chi, may mà có cậu Tấn ở đây thì thằng Út tôi không dốt chữ mà cả làng cả thôn nầy cũng thế. Kẻo cắm đầu làm ăn chữ nghĩa mất hết cả. Mừng quá! trời-xui-đất-khiến. Hai Nghệ nói.
Tấn mỉm cười, nhưng trong lòng vẫn lo lắng cho tương lai, không biết rồi số phận đi về đâu và liệu có sống yên ở một nơi xa xuôi như thế nầy? Tấn nghĩ sự dừng chân của mình ở đây là để trả giá với lương tâm con người và để trả giá sự nhiệt tình của mình mà đời đã lãng quên. Cho nên chàng suy xét; cái gì đến nó sẽ đến mà đến như một sự an bài, an bài cho từng số phận…Vì thế Tấn vững tin và yêu đời, được sống ở vùng đất mới nầy với tình người chan hoà mà chàng tìm thấy ở bước ban đầu.
Nhân buổi uống trà với Hai Nghệ. Tấn cảm thấy thoải mái sau một tháng về ở chung với gia đình ông Hai, mọi sanh hoạt hằng ngày ở đây với bà con trong thôn chàng thấy thú vị và tìm thấy cho chính mình một tình người cao cả, khác với trước đây Tấn đã sống.
- Ăn bánh ngọt, uống trà, bánh nầy mẹ con chúng làm để mời cậu đấy. Hai Nghệ nói.
Họ vừa uống trà vừa tâm tình cuộc đời riêng tư cho nhau nghe.
- Cậu có vợ con gì chưa? Ông bà cụ còn sống ở ngoài chứ? Ông Hai hỏi.
- Tôi chưa có vợ. Cha mẹ tôi qua đời, chỉ mình tôi con một.Tấn nói.
- Cậu thích ở đây không? Quen biết với Đại hồi nào thế? Hai Nghệ nói.
- Tôi thích sống ở đây. Đại nào tôi không biết ai là Đại. Tấn nói.
- Đại phu xe lôi đưa cậu đến đây hôm qua. Anh là lính chế độ cũ. Hai Nghệ nói.
Tuy sống trong nhà đã lâu mà ít khi giao lưu với hai người con gái của Hai Nghệ, bởi ít khi gặp họ trực tiếp hoặc chỉ mỉm cười chào nhau rồi thoáng đi qua, chả lưu lại một dấu hiệu gì đáng nhớ. Tấn và Hai Nghệ ngủ nhà trên, sanh hoạt bình thường như tình cha con.
- Út thì tôi thường hay trò chuyện và dạy dỗ, riêng hai cô tôi chưa biết tên và làm gì. Tấn nói.
- Thế cậu chưa biết hai con gái tôi tên gì. Tôi ngỡ cậu biết rồi! Đứa tên Nụ là chị, đứa tên Nở là em.Thằng Út tôi thì được 9 tuổi. Hai năm nay ở nhà phụ làm việc vặt chả học hành gì, từ ngày đưa gia đình lên ngụ nơi đây. Ông Hai nói.
Hai Nghệ nói tiếp: Có cậu Tấn đến đây thôn xóm vui vẻ, mấy đứa trẻ chăm vào chuyện học tập. Thằng Út con tôi nói thầy Tấn dạy ai cũng thích học. Tấn cảm thấy an tâm, nhận xét đó cũng đúng phần nào; từ ngày nhận công tác Tấn đón nhận tình cảm của dân lẫn chính quyền, họ coi trọng thiên chức nhà giáo làm cho Tấn phấn khởi vô cùng.
- Cậu Tấn; tôi có ý kiến nầy cậu nghe được không nhá! số là tôi có hai đứa con gái, sanh con Nụ ra chúng tôi lâm hoàn cảnh khó khăn, làm ăn cật lực mà vẫn không đắp đổi qua ngày, cho nên khi con Nụ được 5 tuổi nó phụ tay giúp mẹ nó rồi quen dần cho tới nay, đâu có học hành gì, nhờ sự hy sinh đó mà chúng tôi vượt qua được sự khó, con Nở mới có điều kiện đến trường, nhưng mà nay cũng nghỉ học luôn. Có cậu ở đây cậu dạy cho chúng luôn, được sự đồng ý của cậu chúng tôi biết ơn cậu. Riêng con Nụ thì hơi khó dạy vì thất học đã lâu. Hai Nghệ nói.
Tấn lắng nghe những lời lẽ chân tình của ông ta mà đem lòng cảm kích.
- Được thôi; bác yên tâm, để tôi nói chuyện với cô Nụ, xem ý cô ra sao cái đã, rồi mới dạy cho cô học. Tấn nói.
Hai Nghệ ngồi lặng câm, đưa chén trà lên môi uống, đoạn nhìn mông lung vào khoảng không với tiếng thở dài vô vọng.
- Cám ơn cậu Tấn.Tôi sẽ nói cho mẹ chúng mừng và tôi nghĩ con Nụ ham học lắm. Hai Nghệ nói.
Xây chừng một lúc với nhau bên chén trà mà ngoài sân trời đã sáng tỏ, họ chuẩn bị đi vào việc làm, mái nhà lợp tranh của Hai Nghệ trở nên vắng lạnh và êm đềm, bên ngoài nghe như có tiếng chân người gánh hàng xuống chợ. Tấn khoát áo lên vai và đi thẳng đến lớp học trong một tâm tư phấn chấn của một ngày đầu thu năm ấy.
Tấn cầm tay Nụ chỉ xuống tấm bảng đen, dùng phấn trắng viết mấy chữ cái A,B, C. Cứ thế mà đồ đi đồ lại nhiều lần, thấy ngón tay trỏ của Nụ chỉ vào mặt chữ rõ ràng và thành thạo rồi kẽ chữ bằng bút lên giấy trông thẳng nếp. Tấn mỉm cười đắc chí, Nụ cười ré lên chấn động cả không gian tĩnh lặng với ánh mắt thỏa mãn, Tấn cười lây với người học trò của mình trong gian bếp nhà Hai Nghệ.
Nụ đứng dậy, bước tới đun nước, lát sau nàng đem đến cho thầy giáo chén trà và ít cái bánh ngọt gói kỷ. Dưới ngọn đèn dầu leo lét,Tấn nhìn Nụ và nhận ra nơi Nụ có một nét đẹp đặc biệt mà chàng cảm thấy như gần gũi và thân mật lạ kỳ. Nàng ngồi nhìn chàng ăn, đưa mắt mỉm cười liên tục. Ánh mắt và nụ cười hiền hậu, vô tư.
Tấn nhìn qua cửa sổ ở bếp, cảnh vật bên ngoài hình như đi ngủ, bầu trời xám đen. Trong nhà không còn nghe xôn xao, chắc đã lên giường. Ngoại cảnh của thôn dã làm cho chàng nhớ về quê cũ, nơi đã lớn lên với tuổi đời và lớn lên với tuổi yêu đương, những kỷ niệm vui, buồn, hờn, giận chạy đến trong đầu Tấn lúc nầy; hình ảnh chập chờn trong trí nhớ, khi hiện thực, khi mơ hồ trong trạng thái mông lung.Tấn ôm chầm lấy Phượng, nàng vùng vẫy và chạy vào bóng đêm như người mất trí.Tấn hoảng hồn và định thần: -“chắc chúng mình không có duyên để tiến xa hơn nữa anh…” Tấn nhắc đi nhở lại nhiều lần trong trí từ ngày xa quê cho tới nay,lời tha thiết đó còn vang vọng như cầu khẩn, như van xin; đó là cái mốc để Tấn quyết định đi xa. Đó là một ý chí mãnh liệt của một người đang đứng trước tuyệt vọng, người ta ‘ăn-cắp’ tình yêu của Tấn và Phượng, cái điều phủ phàng đó chính là sự thử thách; vì yêu là phải hy sinh cho nhau trong muôn ngàn nghĩa cử khác nhau... Phuợng yêu! Ấy là nghĩa vụ của người tình chân thật!
Tấn nghĩ rằng khi đến một vùng xa xôi nầy là như tự mình lưu đày để được quên mà giờ đây chỉ còn là hoài niệm, cảnh nhà của Hai Nghệ chế ngự được niềm đau của Tấn, làm việc bên cạnh những con người chịu thiệt thòi, chịu hy sinh của đám dân lành ở đây, Tấn cùng-cam-cùng-khổ với họ như một sự hoà nhịp thủy chung giữa tình người, mà giờ đây không còn biên giới của tình yêu. Tấn nhận thức được điều nầy và nhờ sự tuyệt vọng đó mà hoán chuyển cuộc đời cho Tấn. Nụ trở thành người mà chàng cần chú ý và dạy dỗ, đó là nguyện vọng dứt điểm với qúa khứ. Nụ cúi đầu gạch từng chữ viết lên giấy, dừng tay nhìn Tấn và thầm nghĩ; không biết chàng suy nghĩ sự gì, mà gương mặt chàng đượm nét buồn, nàng đâm lo cho Tấn…Mặc cho đêm về khuya hai người ngồi lặng yên không nói.Trong khuôn bếp, lửa củi đã tàn lạnh chỉ còn nghe tiếng ểnh ương kêu bên ngoài.Tất cả đã chìm trong giấc ngủ.
Sáng hôm sau Tấn lấy áo quần để mặt, quần và áo giặt sạch, xếp vuốt thẳng nếp, lật áo ra mặc Tấn thấy mảnh giấy trắng viết mấy chữ A,B,C chàng mỉm cười thích thú. Nụ cầm tay Tấn dẫn chàng xuống bếp ăn sáng trước khi đến lớp học. Nụ đứng cạnh bên như kẻ hầu. Tấn ngước nhìn Nụ. Nàng trao cho chàng nụ cười thầm kín.Tấn gục đầu chào Nụ và bước ra khỏi nhà. Nụ cười với đôi mắt mến yêu, nàng nhìn theo dấu chân người cho tới khi không còn nhận ra Tấn ở giữa lùm cây che kín.
*
Phượng ẳm con trên tay, đứng tựa cửa nhìn về cuối chân trời, màu tím da trời luồng vào đám mây xám tạo nên một thứ ánh sáng đục, gió tạt về nghe lạnh trên da, nàng lấy khăn đắp lên mình con. -Mới ngày nào mà nay đã 3 năm. Nàng tự vấn.Từ khi lấy chồng Phượng cắt ngang việc học để làm tròn vai trò người vợ hiền, người dâu thảo và người mẹ chăm con như người giữ trẻ. Phượng đâu còn mơ mộng, đâu còn giao du trò chuyện với bạn bè, những bạn học cũ của Phượng nay cũng có địa vị trong xã hội và cũng chồng con như nàng nhưng được cái họ thoáng hơn Phượng nhiều. Giờ Phượng mới thấy mình là “chim hót trong lồng” với ”kín cổng cao tường” là thế đấy. Cái tầng lớp bảo thủ đó đã đưa đời Phượng vào con đường hủ hóa, lạc hậu. Không biết họ có nhận ra được điều đó không? Trào lưu giữa xã hội và con người phát triễn không ngừng, xã hội ngày nay không chịu đứng lại, người ta muốn khám phá.Tình yêu là khám phá mới cho những người chưa bao giờ được yêu và họ muốn đi tìm tình yêu để thấy cái lạ của nó. Thạch chồng Phượng, hình như từ khi có con với phượng, Thạch cảm thấy đời vô vị, sáng đi chiều về, ăn, ngủ, iả đái, dậy đi làm, dạ với thưa; biến Thạch như con rô-bô không hồn. Thạch nhìn mình trong gương soi, thấy mình xuống độ và già. - Chắc phải cách mạng đời mình không thì hóa ra thằng người chết-chưa-chôn thì uổng công tạo hóa đã sinh thành ra cho con người.Thạch lý luận một mình. Mỹ Phượng ý thức được giá hạnh phúc đó; dầu có cung cấm, dầu có cổ điển nàng vẫn biết ý chồng, chiều chồng đó là tâm lý đàn ông sau khi có vợ, Phượng thay đổi món ăn cho chồng, để Thạch có cảm giác mới, nhưng ác thay dù chế biến món ăn, thêm hoa lá cành, thêm mùi vị đúng qui cách, bài bản nhưng vẫn không lôi cuốn bằng ăn ở nhà hàng, cái đoái hoài đó cứ đến trong lòng Thạch. Nhiều lúc Phượng ngẫm sự đời mà lệ chảy hai hàng. Phượng nhớ mẹ lắm! muốn về thăm cha mẹ để được thương yêu nhưng cứ ngại bà mẹ chồng cho rằng mình mất tính quán xuyến. Nhiều lúc Phượng chỉ còn tâm sự với trái tim. Bỗng dưng Phượng nhớ về Tấn. Mối tình đầu của nàng. Phượng rùng mình, quay lưng vạch áo cho con bú. Thạch dạo nầy thường hay về muộn khác hơn mọi khi. Bên ngoài trời heo lạnh. Phượng nằm im một mình trên giường, nghe ngóng chồng về. Gió mạnh như chuyển mưa, nàng không biết bây giờ là mấy giờ…
Thời gian như con thoi; thằng Út con Hai Nghệ nay lên 10, gồ ghề, vững chắc và có phần linh hoạt đôi chút, vợ chồng Hai Nghệ nhận ra điều ấy, tỏ ý mừng thầm, chẳng qua cũng nhờ sự có mặt của Tấn. Út nhìn Tấn như người anh ruột của mình. Hơn một năm lưu lại đây, sự hiện diện của Tấn đã đổi thay hoàn cảnh trong nhà cũng như ngoài ngõ. Bà con trong thôn nhìn Tấn như người lãnh đạo, họ tin tưởng và lắng nghe lời phát biểu của Tấn. Từ đó vợ chồng Hai Nghệ không đặc một điều kiện hay yêu sách gì đối với Tấn, bên cạnh đó người ta cũng thấy được hai chị em Nụ mỗi ngày mỗi tươi như hoa đào đón gió xuân.
- Anh dạy chị Nụ học và viết có thấy khó cho anh không? Em thấy lúc nầy chị viết cho em đọc, thấy lạ ghê! Nở nói.
- Anh không cho đây là việc khó. Nụ là người thông minh, ham học cho nên Nụ hiểu nhanh và nhờ đó anh biết được ý chị.Tấn nói.
Thoáng thấy hai người nói chuyện ngoài sân, Nụ đến gần mỉm cười duyên dáng, cầm tay em, bấm vào lòng bàn tay Nở.
- À; anh vào ăn cơm, cha mẹ em đợi anh. Nở nói.
Cả ba người cùng đi bên nhau và cùng chung mâm dưới mái tranh nghèo nhà Hai Nghệ. Cảnh vật bên ngoài lắng đọng và êm đềm. Họ chia xẻ niềm vui trong bửa ăn.
Ngày lại ngày; sanh hoạt gia đình Hai Nghệ chạy đều như bánh xe lăn, việc ai người nấy làm, chả có ai than phiền hay khiếu nại. Mà thật; dân trong làng nầy đều thế cả, họ sống hồn nhiên như cây cỏ chẳng phải tranh chấp hay tham vọng điều gì.Họ gieo vào nhau tình người cao qúi, biết thương yêu và che chở cho nhau. Tấn vui trong cuộc sống ở đây và cũng là hoài mong của Tấn đối với đời.
Trên đường từ lớp học về, thoáng thấy Nụ ở vườn chuối, Tấn ghé chân xem chừng, Nụ đưa tay chào, miệng cười duyên dáng dưới chiếc áo bà ba màu mở gà, làm cho nàng tăng thêm vẻ quyến rũ, hóa ra nhan sắc thay đổi tùy thuộc một phần vào cái lớp hoa màu bên ngoài, đó là điểm tạo nên duyên tình cho cả hai người. Nụ có nét đẹp của người đàn bà mê ngủ, hôm nay dưới tàu lá chuối biến nàng trở thành bức thủy mạc. Tấn đã thầm nghĩ nhiều lần như thế. Tấn đưa mấy đầu ngón tay chỉ lên buồng chuối rồi lại chỉ lên miệng. Nụ cười thành tiếng, trông hạnh phúc hơn bao giờ. Hai người đi bên nhau trên con đường mòn dẫn lối về nhà. Trời trong xanh của một chiều mùa hạ, nghe xa xa tiếng vạt kêu.
Trong bửa cơm chiều, Tấn đưa mắt nhìn Nụ. Khe áo Nụ để hở, không biết là sự cố hay chủ đích, để lộ đôi long nương trông gợi tình cho Tấn. Hình như trong đáy mắt thầm kín đó họ muốn nói lên cái gì. Tấn tay cầm chén cơm mà mơ màng điều gì.
- Cậu Tấn ăn cơm đi, sao lơ lửng thế, đồ ăn còn nhiều, con Nụ nấu đấy! Ngó vậy mà nó nấu ăn được lắm. Bà Hai nói.
Tấn dạ dạ, thưa thưa lấy lệ nhưng tâm hồn cảm thấy rạo rực vô cùng. Cơm nước xong Tấn ra sân nhìn mây bay, gió cuốn, không gian và thời gian nơi đây nuôi nấng tâm hồn chàng, đưa chàng vào một giấc mộng đẹp. Những điều gì xa xưa đã xẩy ra gần như phai nhạt dần, Tấn cố gắng xua đuổi để thay vào đó cái gì chân chính hơn, dù không trọn vẹn nhưng đó là thực chất. Những lúc như thế Tấn thường nghĩ về người mẹ, một đời và một thời tận tụy hy sinh. Nhớ mẹ; mắt Tấn thấm ướt. Chiều xuống nhanh, trong nhà Hai Nghệ đã lên đèn. Sau liếp phên tre, Nụ dõi mắt nhìn cảnh bên ngoài. Tấn bước vào nhà. Gian bếp trông gầy nhưng ấm cúng cho 6 nhân khẩu, tự dưng thấy thân thương như những nếp nhà tranh khác. Nụ còn đứng bếp, tàn tro xông lên mùi hương lúa. Tấn ngồi ở bàn đọc tờ báo cũ dưới ngọn đèn dầu hỏa Huê-Kỳ đã một thời còn lại. Nụ đem nước đặt lên bàn và chậm bước ra đằng sau, Tấn nhìn sau lưng Nụ trong chiếc áo bạc mầu. Tấn đâm ra yêu nàng. Yêu thật! yêu chân tình. Một lát sau Tấn mò mẫm ra vườn sau để nhắc Nụ vào học, không thấy nàng, quay lưng vào thì nghe tiếng nước rơi mạnh trên nền đất. Nụ tắm giếng với đêm đen, mảnh trăng non lấp lánh trên trời. Tấn dừng chân bên bụi rậm, không khoét được màn đêm, đoạn quay bước vào trong, ngồi xuống bàn nhắp cụm trà nóng và chờ Nụ lên lớp.
Một chớp thôi mà bây giờ đã quá 10 giờ tối, nông thôn thường đi ngủ sớm ngoại trừ có phương việc thì thức muộn hơn. Đèn gian nhà trên tắt ngúm, tối đen. Còn lại ngọn đèn ở bếp chờ Nụ vào chơi chữ. Tấn nóng lòng chờ đợi. Như qủi-nhập-tràng, Nụ đứng sau lưng Tấn tự hồi nào, chàng ngoảnh đầu nhìn lui, nàng cười rống thật man dại. Tấn vội vàng bóp miệng Nụ để chận tiếng vang, mất thăng bằng cả hai quị xuống đất,Tấn đở người Nụ đứng dậy và chỉ vào miệng vào tai cho Nụ hiểu rằng đêm khuya để cho người ta ngủ. Nụ hiểu ý, nhưng với một nghĩa khác, Nụ ôm lấy Tấn và úp mặt vào ngực chàng một cách âu yếm. Hơi ấm dẫn đến nhanh, hai đầu vú của Nụ cọ vào người Tấn, mắt chàng mờ dần như kẻ quá chén, không nhận ra Nụ lúc ấy và cũng chẳng nghe Nụ ấm-ớ-hội-tề, khi cơn mê thấm thuốc rồi thì cả hai bắt đầu chuyển động. Tấn luồng tay vào áo, xoa nắn bờ lưng của Nụ, vừa xoa vừa bóp, Nụ nẫy người ôm cứng lấy chàng như đỉa đói bám mình trâu, Tấn cúi đầu hôn lên đầu, lên tóc Nụ, hương xà-phòng hiệu Cô Ba xông lên mùi hoa huệ, ngạt ngào tưởng chừng như Tấn nhiễm độc dược.Thật tình; không phải vậy, chàng say thuốc tình ái, Tấn hôn vào má Nụ, lúc nầy thì Nụ rục rịch cơ thể, có lúc ấm ớ quá lớn tiếng, giựt mình; Tấn bóp miệng Nụ lại. Ngọn đèn trên bàn cạn dầu, tự động tắt cho nên bóng đêm ùa tới dụ dỗ người yêu vào vũng tối.Tấn chới với trước ngọn sóng thần, cuốn Tấn vào biển sâu, chàng hụp lặn và cuối cùng chụp được phao. Tấn cúi thấp đầu để hít hương thơm trên người Nụ, Tấn chìm dần vào cõi đêm. Nụ cảm thấy khó chịu và sung sướng tột độ muốn bung người, nàng cào cấu với tiếng rên, Tấn có cảm giác lạ cho những người như Nụ, bị ức chế nhiều năm trong trí tưởng cho nên nhu cầu đề kháng khác với người bình thường, bởi tâm lý được yêu và mất yêu chính là cơ năng động tác đưa tới tâm-sinh-lý ảnh hưởng đến tri thức. Trạng thái đó đến với Nụ như một yêu cầu cần thiết, vừa hung hãn vừa đòi hỏi, do đó đưa Tấn nhập cuộc, đẩy chàng vào những hành động táo bạo hơn nữa. Bên ngoài, vầng trăng non xuống nữa lưng trời, khung cảnh trở nên tĩnh vật. Cả nhà Hai Nghệ êm trong giấc ngủ, chẳng một ai hay biết gì sự vụ xẩy ra trong đêm nay. Bếp tối om nhưng vẫn còn sinh khí, họ đã trao thân; lúc ấy qúa nữa đêm; gần đến đầu canh gà gáy, chỉ còn nghe hơi thở của gió lùa bên ngoài.
Khách trong thôn, trong xã, bà con nội ngoại đã tề tựu đông đủ, ngoài ngõ đám con nít vây quanh, người đến xem đông vui, họ chỉ trỏ vào nhà cô dâu.Vợ chồng Hai Nghệ mấy khi mà lượt là như hôm nay, Nở và Út được mặt áo mới như ngày Tết. Gian nhà giữa người ta thấy đèn dầu, đèn sáp, hương khói được thắp sáng. Đúng giờ Ngọ; ông chủ tịch thôn mới cho nạp lễ.Tấn ăn vận gọn, sơ-mi, quần. Nụ áo dài, quần xa-tanh, chiếc khăn hồng vắt ngang cổ, trông nàng ra dân thành thị nhiều hơn. Cả hai trình diện gia chủ và ban hội đồng Thôn Xuân Đường. Ông bà Hai ngồi lên hai ghế gỗ kê cạnh bàn thờ, chờ gắng nén hương xong là hai trẻ cất đầu lạy tạ song thân. Nhưng được vợ chồng Hai Nghệ khoát tay, đứng dậy mời khách qúi dùng trầu rượu.
- Qúi vị nghe cho; đây là giấy chứng nhận giá thú của hai đứa: Đỗ Tấn.Tuổi 25 là chồng. Lê thị Nụ.Tuổi 22 là vợ. Làm lễ thành hôn: Ngày 15 tháng 9 năm 197…được chứng nhận bởi cơ quan Nhà Nước, thuộc thôn…xã…huyện…Vậy xin hai bên đồng ký. Xin công bố. Thôn trưởng nói.
Trong bửa tiệc cưới người ta đến chúc tụng cô dâu chú rễ, Tấn vui vẽ cười nói không ngớt. Nụ gục đầu chào thân hữu và mỉm cười thay lời nói. Trong số khách đến dự tiệc, có cả Đại phu xe lôi, y cầm tay Tấn và nói nhỏ vào tai :
- Tôi khâm phục anh! Đại nói.
Tấn cười không nói nâng ly mời Đại uống rượu mừng. Đại vừa là người anh vừa là người bạn của Tấn. Bên ngoài người ta nghe lời đàm tiếu về chuyện tình thầy giáo làng cưới người vợ câm, con gái của ông bà Hai Nghệ làm giá sống bán ở chợ thôn Trầu.
*
10 năm sau Tấn đưa vợ con về thăm quê; họ có với nhau, một trai 9 tuổi và một gái 5 tuổi. Bà con ở quê nhà chào đón Tấn như một người con ra đi nay trở về, trên đường ngang qua nhà Phượng, căn nhà cũ ngày xưa mà Tấn thường đi lại lắm lần, giờ đây đã qua tay người khác và nghe đâu Phượng là chánh thất của Thạch mà hiện nay ở chung với người con gái bên nhà ngoại. Nụ cầm tay con đứng bên cạnh chồng trước nấm mồ mẹ Tấn. Một ngày đẹp trời ở quê nhà sau nhiều năm xa vắng ./.
VÕ CÔNG LIÊM ( vào hạ 5/2010)
* ”Chỉ trên những con đường tầm thường mới tìm được hạnh phúc” vcl.
TRANH VẼ : ‘Chân dung danh họa: Kahlo Frida Một Đời Sinh Động/ Kahlo Frida A Life of Passion’
Khổ 12’X16’ trên giấy bià. Acrylics+Mixed Media. Vcl 2012.
* Kahlo Frida (1907-1954) Tên thật: Magdalena Carmen Frieda Kahlo Calderón. Sanh và Chết: Mexico City (Mexico). 1925: tai nạn xe hơi thương tích tọa cốt. 1928: gia nhập đảng Cộng sản Mễ. 1932: sống ở Mỹ. 1938: triển lãm cá nhân ở New-York. Thân quen Breton và Leon Trotsky. 1939: đến Paris gặp gở một số văn nhân (siêu thực và hiện sinh). 1943: thành lập nhóm Los Fridos. 1946: nhận giải thưởng Quốc gia về tranh. 1953: triển lãm cá nhân (solo-exhibition) ở Mexico City. Năm sau Frida chết sau khi cưa chân. Frida sống hóa thân một kiếp đời siêu thực,hiện sinh.Một thể xác đau đớn và một linh hồn quằng quại, một chứng tỏ kiên nhẫn đẹp.Chồng bà là họa sĩ Rivera Diego (1886-1957).
***
Tranh vcl#25122012
Tranh vẽ: ‘Chân dung danh họa Kahlo Frida’ vcl 2012.