Không đề
Cải xanh
đã phải về trời
Cải ngồng ở lại
trên đời bấy nay
Nghẹn ngào
răm chút vị cay
Mặc mưa xối xả
kiếp này nữa thôi
Đắng lòng một chút
người ơi
Oằn trong nắng gió
một đời
đớn đau
Về trời
cải biếc
tìm đâu
Chút vàng
nhen lửa
mai sau có còn
Để xin thắp sáng triền non?
Chu Thị Thơm
Lời bình
Trong kho tàng ca dao Việt Nam vô cùng phong phú, giàu giá trị nhân văn, tổng kết đúc rút muôn mặt cuộc sống tự ngàn đời, được truyền tụng trong dân gian nhằm hướng con người tới chân thiện mỹ.
Bài thơ: Không đề của nhà thơ Chu Thị Thơm đã xử dụng câu ca dao:
Gió đưa hoa cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay, thấm đẫm chiết lý nhân sinh như một luận đề để làm sâu sắc thấm thía thêm cho một luận đề khác.
Ai cũng hiểu răm và cải chỉ là cái cớ, là hình tượng văn học để luận về những vấn đề thiết cốt của con người, vì con người
Rau răm ở lại chịu mọi đắng cay của cõi trần thế, cải về trời, lên thiên đàng - chốn “bồng lai” để hưởng lạc vinh hoa phú quý là thuận đề. Nhà thơ đã dùng “pháp thuật” biến ảo “cao tay” để thử định đoạt, phân chia lại như một phép phản đề:
Cải xanh đã phải về trời
Cải ngồng ở lại trên đời bấy nay.
Cái tứ thâm sâu của bài thơ bắt đầu hé lộ. Sự sắp đặt cho một “trật tự” mới, đã làm răm xúc động đến nghẹn ngào. Bởi, cải đã không vì vinh thân mà ích kỷ, vô cảm, bỏ mặc răm, đã ở lại để cùng răm sẻ chia vợi bớt nỗi đắng cay tủi cực. Cải tự nguyện chấp nhận vâng ý nhà thơ, làm răm xúc động đến rưng rưng, chắc nghĩ cải đã thấu được lòng mình, và rồi hy vọng một cơ hội thay đổi kiếp phận mình cũng sẽ đến.
Nghẹn ngào, răm chút vị cay
Mặc mưa xối xả, kiếp này nữa thôi
Khi thơ được ngoặt sang hướng này, ta càng thấy sâu sắc, thấm thía hơn cái ý thức gắn bó của cộng đồng, không chỉ đơn phía răm chịu đựng hy sinh cho bạn, mà nặng tình thương cảm sẻ chia, vì nhau, vì một lẽ thơm thảo, công bằng.
Chắc có bạn đọc sẽ hỏi, sao nhà thơ chủ trương đề cao sự tỉnh thức ăn năn, chấp nhận hy sinh của cải, mà chỉ để cải ngồng ở lại? Vâng, theo tôi, đó lại là quyết định khôn ngoan, đầy bất ngờ được nữ sỹ đẩy thơ tới tầng nấc khác, nhắm tới lý giải một đạo lý nhân bản khác.
Cải xanh đã phải về trời, bị bắt về trời, chứ thực lòng nó đâu có muốn “miếng xương phần mẹ…”( ca dao) để rồi phải xa tổ tông họ hàng nhà cải, đâu có bạc bẽo với thế hệ cha anh, để (cải ngồng) phải ở lại gánh chịu mọi khổ đau? Cái nghĩa vun đắp nâng nui dành cho thế hệ sau đầy nhân bản: “Bà ru mẹ…mẹ
ru con...” trong bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy, lại được Chu Thị Thơm tái hiện điệu nghệ bằng một cách nói khác trong thi cảnh thật xúc động thuyết phục này. Điều quan trọng hơn, về trời cải xanh mới làm nhân chứng, vật chứng giúp được nhà thơ thực hiện phép đối sánh, phản biện, làm bổ đề bổ trợ sáng tỏ cho luận đề - chủ đích hướng tới của bài thơ:
Về trời cải biếc tìm đâu
Chút vàng nhen lửa mai sau có còn
Để xin thắp sáng triền non ?
Về trời - chốn tiên cảnh, cải biếc được gì thì chưa rõ, nhưng rễ không còn bám vào đất, để được đất nuôi dưỡng bằng thứ khí chất mà tạo hoá chỉ dành riêng, biệt đãi cho mỗi loài cây. Như thế làm sao còn có được chút vàng mà nhen lửa thắp sáng, cái màu vàng đặc trưng riêng có của hoa cải. Vậy là sự chấp nhận ở lại, chấp nhận hy sinh của “cải ngồng” lại làm nên điều kỳ diệu, chứ đâu có bất hạnh đau buồn, bởi tạo hoá công bằng phù trì cho cái đẹp chứ không nỡ phụ lòng.
Ở mỗi độ xuân về, ai đã có dịp đến với cao nguyên đá Đồng Văn, hay các triền non vùng cao khác, hẳn sẽ bị thu hút quyến rũ bởi một màu vàng, vâng đó chính là màu hoa cải làm nên bức tranh xuân tuyệt mỹ. Thử hỏi, nếu sườn non vùng cao thiếu đi cái màu huyền diệu sinh động thi vị ấy, thì mùa xuân sẽ tẻ nhạt, heo hút thiếu sức hấp dẫn biết nhường nào? Hoá ra chân giá trị của muôn loài cũng như con người đều nằm ở chỗ: Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với nuí sông (Nguyễn Công Trứ). Hạnh phúc hay khổ đau là phụ thuộc ở việc sống và làm gì để mang lại giá trị lợi ích cho sông núi, con người và cộng đồng, chứ đâu phải ở trần thế hay lên thiên đường.
Bài thơ Không đề với cái tứ khá lạ, bất ngờ và thi pháp “phản biện”, giản dị, sáng tạo, ca dao phổ ca dao, nên sẽ thu hút, kích thích sự khám phá tìm tòi của nhiều đối tương bạn đọc.
Nhà thơ Chu Thị Thơm đã thuyết phục được bạn đọc bởi sự thấm nhuần triết lý sống muôn đời “mình vì mọi người”.
Cám ơn nhà thơ đã gợi mở lối tiếp cận, khai thác độc đáo để khẳng định sức lan toả và sự trường tồn của kho tàng ca dao Việt Nam vì khát vọng sống cao cả của con người.
Ninh Bình, ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11- 2012