Thế giới trong Chăn Dắt là thế giới ở dưới đáy – nơi ấy người ta còn gọi là mê cung
Những đứa trẻ bị ném vào cái đáy khủng khiếp đó mà bắt đầu cuộc sống vô vọng. Mọi thứ bắt đầu từ Không
Không cha không mẹ. Bị bỏ rơi. Bị bắt cóc. Thành một thứ hàng cho thuê hay mua bán. Bị đánh đập. Bỏ đói. Bị để mặc cho chết khi thương tích, ốm đau… Rồi xác thân sẽ được vùi sâu ở một nơi hoang vắng mênh mông.
Cũng có khi nạn nhân là người lớn – Những người lớn ăn mày lớn lên từ những đứa trẻ ăn xin
Những đứa trẻ không có ngày mai. Mặt trời vẫn mọc nhưng không mọc cho các em. Và các em trở thành những nô lệ mới cho bọn chăn dắt.
Bọn chăn dắt. Những con thú biết nói. Nhưng có khi chúng cũng là nạn nhân của những kẻ “chăn dắt” khác, trong vòng xoáy nghiệt ngã không có gì phi nhân tính hơn
*
* *
Đặng Chương Ngạn trình bày cái thế giới u ám đó. Cuộc sống dưới đáy phơi mở trước mắt ta. Rùng mình.
Có cuộc sống như thế sao?
Có những đứa trẻ bị đọa đày thế ấy?
Có những người lớn bất nhân đến thế?
Ta biết rằng cái thế giới ghê sợ ấy có đó. Cái đáy ấy có đó. Cái mê cung ấy vẫn ngang nhiên tồn tại. Dù muốn hay không. Dù ta (bạn) nhìn hay không nhìn. Mà chắc chắn còn dã man hơn những gì tác giả trình bày. Cái dã man không thể dùng lời mà nói hết.
Ngòi bút của Đặng Chương Ngạn đã mở ra thế giới dưới đáy ấy như mở ra mê cung của cái khổ và cái ác. Sinh động. Dữ dội.
*
* *
Cũng có kẻ nằm cầu gối đất
Dõi tháng ngày, hành khất ngược xuôi
Thương thay cũng một kiếp người
Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan
(Văn chiêu hồn)
Bốn câu thơ ấy của Nguyễn Du như thể đang chiếu xuống số phận của những: Tý, Châu, Thanh, Sửu què, Khèo, … và hai cha con bé Hy.
Tên bé là Hy. Nghe như hi vọng. Nhà bé ở thôn Giáng Trên, bé nghe nói thế. Nhưng quay về đó có thể chỉ là linh hồn rách nát của bé… linh hồn khốn khổ và tuyệt vọng.