1.
Trời vào thu, sương giăng đầy đặc khó mà nhìn rõ cảnh vật giữa lúc nầy, nhờ ngọn gió ở đâu thổi tới, làm loãng màn sương thì mới nhận ra người đàn ông già, bận áo ấm tay cầm gậy, lom khom bước chậm trên con đường đất hẹp. Lúc ấy chưa tới giờ dần. Dường như ông thường đi bộ vào buổi mờ sáng. Dân cư ở đây không lạ gì về ông, biết ông đơn chiếc hơn mấy năm qua. Họ gọi ông là lão Hạc. Một con người trầm lặng, ít giao du thân thiện với ai. Ông nghỉ hưu hơn mười năm, nay tuổi gần tới bát thập. Ông cô độc với căn từ đường ba gian hai chái, mái nâu phai qua mấy thế hệ. Nhờ có Rọm kẻ ăn người ở mấy chục năm qua; Rọm sanh hoạt hằng ngày trong khuôn vườn nhỏ với sắn khoai, rau trái cho nên hai thầy trò có miếng ăn độ nhật. Cả hai âm thầm sống, ít trao đổi mật thiết, Rọm đâu có học hành gì mà văn với chương, trao với đổi. Căn nhà cổ hóa ra cái miếu thờ. Vật và người có khác chi kẻ tu trên chùa. Lão Hạc ngoài giờ rảo bước ban mai, tìm vui bên đống sách cũ, ngày ngày gục đầu trên bàn viết tợ như mọt gặm nhấm. Cảnh nhà lên men và u trầm, ánh sáng ít khi lọt qua cửa. Cứ thế mà chịu đựng cho qua ngày đoạn tháng. Hay lão ngồi ở trạm chờ xe đưa ra nghĩa trang...
Thế nhưng lúc nào cũng thấy lão bận; trên bàn viết đầy ấp những giấy, mực, bề bộn khổ tâm tìm cho ra một thứ ngăn nắp, dưới đất vài ba mảng giấy nằm lạnh bấy lâu nay. Có khi ông cặm cụi viết nhưng Rọm không biết lão viết gì. Riết rồi Rọm chẳng phải để ý. Việc của Rọm là đi gởi thư cho lão. Ngoài sân con vàng gầy đi rất yếu. Rọm ném cho cục xương bò còn dính máu. Lão Hạc đưa mắt nhìn vô tư. Cảnh đời và người trôi không biết đến bao giờ. Lão ngáp dài nghe kêu. Loáy hoáy mà đã xế chiều. Trời muốn mưa.
2.
Trương Tố Như miệng lẩm nhẩm rồi lại nhìn lên phong thư tên người gởi. Lạ hoắc; chưa bao giờ nghe qua.-làm sao biết điạ chỉ của mình? Tố Như tự hỏi lòng. Về đến nhà đưa phong thư hỏi mẹ, nhưng người mẹ cũng chưa một lần nghe qua. Mẹ nàng nghi hoặc cho đó là thư nặc danh dọa dẫm hay tống tiền mẹ con bà. Mẹ Tố Như nghi là phải vì con bà tươi đẹp, nẩy nở, vóc người buông lơi thì làm sao tránh mắt thế gian, Tố Như đem chuyện nầy thăm dò bè bạn kể cả người bạn trai. Nhưng không ai hay biết tên người gởi. Nàng bỏ công tìm kiếm theo điạ chỉ, thì nơi đây không có cái tên này. Tố Như muốn biết, muốn gặp người gởi, bởi lời thư chân tình, ngay thật của một văn nhân; không tán tỉnh, không đoái hoài mà bằng một giọng văn lãng mạn của một con người sống nhiều về nội tâm. Từ cảm xúc đó Tố Như muốn khám phá. Theo lời của viên chức bưu điện, họ thường nhận thư gởi theo điạ chỉ nầy. Họ tin chắc người gởi hiện ở thôn Bưng nơi ít cư dân. Thế là Tố Như yên tâm, nàng chưa biết nhân sự đó là hạng nào trong xã hội, già hay trẻ, nàng không sợ vì nàng tin lời văn trong thư không như nàng nghĩ. Tố Như vui một phần nhỏ nhưng bên cạnh đó nàng gặp phải những đấu tranh khác trong gia đình cũng như học đường; mẹ nàng làm phụ bếp trong một tiệm ăn phải đối đầu với thực khách và chủ nhân đôi khi gây thêm buồn chán, bực bội. Phượng mẹ Tố Như đau khổ cảnh mẹ quá con côi, bà thường khi cảm thấy lẻ loi, thiếu vắng một cái gì trong người, tuổi Phượng 45 chưa phải là úa, bà còn đầy sinh lực của một người phụ nữ can đảm trước cuộc sống. Thúy bạn gái gần gũi với Tố Như , bao nhiêu tâm tình họ thường kể cho nhau nghe. Đức bạn trai đồng song, lưu luyến với Tố Như, dìu dắt Tố Như vào con đường văn nghệ, hò hát nghiệp dư, cũng từ đó tiếng hát của nàng vượt ra khỏi cổng trường, để lại tiếng vang. Không bao lâu Thúy cướp Đức và rồi tất cả đổ vỡ từ đó. Nàng chạm trán với thực tế, đẩy nàng vào con đường tuyệt vọng, hoài nghi, sợ hãi, giả dối, mất niềm tin, thầy giáo môn toán đưa tình với nàng. Nàng khiếp! chạy trốn cái lừa bịp, cái không thực. Nhưng không vì thế mà buông xuôi, nàng cần có người an ủi vỗ về ngoài mẹ nàng. Tố Như cần có một tấm lòng chân để đối đáp với đời; giờ đây Tố Như cảm thấy ngổn ngang từ trong ra ngoài. Nàng rải buồn xuống giường, xuống gối chiếu và thiếp dần vào bóng đêm.
Tố Như gõ nhẹ vào cửa lá sách, đứng đợi rồi lại gõ tiếp, gõ dồn dập. Cửa chết đứng; chẳng nghe động tĩnh, nàng thối chí quay lưng bỏ đi. Đi một khoảng, nghe tiếng cửa mở. Ngoảnh cổ nhìn lui, thấy người đàn ông già đứng trước cửa. Tố Như tiến lại gần.
- Tôi muốn gặp ông Hoàng Mai. Có phải ông ta ở đây? Tố Như nói.
- Mời vào. Ông già nói.
Căn nhà tối om, bài trí đơn sơ, họ ngồi xuống bộ trường kỷ lên nước màu đen, bụi bám trên mặt bàn chỉ có một khoảnh trước mặt ông là tạm sạch. Bên ngoài trời trong, chỉ nghe tiếng xào xạc của cây lá, bốn bề yên ả, ngoài sân cái bể cạn khô nước, cây cảnh cũng khô nước, không thấy một ai thấp thoáng hay ho hen gì cả. Chả phải đợi chờ.
- Ông là Hoàng Mai, thưa ông? Tố Như nói.
- Sao cháu biết tôi ở đây? Ông già nói.
Trao đổi chưa hết câu chuyện. Già Hoàng Mai nét mặt tươi hẳn ra ; Tố Như vững tin.
- Cháu tên Tố Như, tuổi 20 học ở trường Tỉnh. Nhận được thư nầy cháu muốn tìm gặp để được diện kiến và trao đổi một vài chi tiết tại sao có chuyện nầy. Tố Như nói.
Tần ngần giây lát ; ông đưa tờ nhựt trình cho Tố Như xem. Thì ra trang quảng cáo đêm văn nghệ gây qủy cứu trợ ở trường cách đây mấy tháng qua. Đó là duyên cớ thư gởi đến Tố Như. Nàng cảm động khi biết có một người già ái mộ tiếng hát của mình. Nàng liếc nhìn ông với đôi mắt thiện cảm, như được ngồi cạnh bên ông nội của mình. Già Mai ngồi lặng câm không nói, bởi ông không ngờ đây là đứa con trẻ chớ không phải người đứng tuổi như ông nghĩ và ông cũng không tin những thơ văn của ông viết và gởi cho tứ phương đọc lại có người nghĩ tới ; đó chỉ là thú vui cuối đời ông, rút ra từ một tâm can chất chứa, mấy khi mà có người hồi âm, thăm hỏi, nay có người đến chất vấn, hâm mộ ông. Già Mai cảm thấy sung sướng trong lòng. Ông đứng dậy chế trà mời đứa cháu gái như mời người bạn tâm giao. Già Mai chưa bao giờ hạnh phúc như hôm nay. Họ cảm thấy thân quen và gần gũi tự thuở nào, dù cả hai đều là khách lạ.
- Ông nghĩ cháu là ai mà ông gởi thư cho cháu ? Tố Như nói.
- Tôi không biết. Và tôi gởi nhiều người tôi không biết. Hơn thế nữa tên Tố Như đập mạnh vào tôi, có một chút gì âu yếm, thân thương. Tôi là Hoàng Mai Hạc. Lão già nói.
3.
Mặt trời chưa qua khỏi đọt tre mà Tố Như đã đứng trước nhà lão Hạc. Nàng nhìn cảnh vật xung quanh mang một màu sắc u buồn, những bụi cây, những khóm lá âu sầu thảm não, đứng đơ thèm nước, trên ngọn khô vài con quạ đen đập cánh chờ mồi. Cảnh hoang vắng gây ra từ sinh khí. Không nghe tiếng cửa mở như mọi khi nàng tới thăm. -Lão Hạc và Rọm e chừng vắng nhà. Nàng nghĩ. Con vàng nằm giữa sân buồn nhìn Tố Như. Nàng lơ láo, mông lung thì thấy lão Hạc chống gậy đi lần vào. Cả hai đón nhau bằng nụ cười.Trên tay lão Hạc với con cá tràu lóc đen nháy, treo ngược với ít mắm muối.
- Cháu chờ lâu chưa ? Tôi biết hôm nay cháu đến thăm, xuống chợ đổi một ít đồ ăn để hai ông cháu mình dùng một bửa gọi là giao tình thơ văn. Lão Hạc nói.
- Cháu muốn ông dạy cho cháu làm thơ và viết thư tình. Tố Như nói.
Trong bửa ăn cả hai nói nhiều hơn ăn, lão Hạc nhai chậm, nói chậm, đưa tay vuốt ngược mái tóc tiên trắng phếu ra sau, đôi mắt lão còn tinh anh. Lão đến bàn thờ đoạn quay lại với một chút rượu cặn còn sót trong ve chai. Ông hất sạch vào cổ, nhìn Tố Như cười âu yếm. Có lẽ ông cảm thấy hạnh phúc hơn lúc nào mà mấy năm qua khó có được niềm vui như thế, có vui cười xã giao lấy lệ chớ đâu có vui thú gì mà cười. Từ ngày vợ qua đời, lão Hạc trở nên lãnh cảm, người ta nhận ra được sự thay đổi nơi ông. Ông sống với ký ức nhiều hơn thực tế, trong con người khi về chiều thường hay đánh thức quá khứ , lão Hạc nuôi hoài niệm để được sống còn. Hôm nay Hoàng Mai Hạc sống thực với đời với người. Ông đứng dậy vững vàng và nói năng khoẻ hơn những khi bình thường.
- Ông cháu mình đi rảo một khoảnh để dễ nói chuyện hơn ngồi trong nhà. Lão nói.
Trời chiều bảng lảng, phủ đầy mây mù, cây cối bắt đầu nhả hơi sau một ngày chịu nắng, chịu gió, khí trời dịu êm trong cảnh quê ; họ đi bên nhau ân cần, âu yếm, đầu lão gục nhìn xuống đất, Tố Như dìu ông đi chậm và nghe những lời khuyên dặn dò, trong ánh mắt nàng tỏa ra một xúc động âm thầm, Tố Như chưa bao giờ biết đến ông nội, ông ngoại thương yêu là thế nào, nàng bất hạnh không thấy mặt ông cha ; may thay nàng có mẹ Phượng và lão Hạc là những người trút hết tình yêu cho Tố Như. Họ dừng chân dưới gốc cây già, nhìn nhau bằng một cảm thông sâu sắc, Tố Như không còn ngại ngùng hay dị nghị về lão Hạc, nàng tiếp thu những kinh nghiệm mà ông đã trải qua.
- Làm thơ, làm văn như thế nào hởi ông ? Ông dạy cho cháu. Tố Như nói.
- Không kiến thức không thành thơ. Không học không thành văn. Hai thứ nầy là đại diện của linh hồn. Nhưng không phải nhất thiết là thế, những thứ đó nó xuất phát tận đáy tâm hồn, một trí tuệ trong sáng,một cảm nhận kỳ diệu văn thơ đều thế cả, chớ không dễ, nó có đất riêng của nó. Cháu cũng như ông, nhưng cháu giàu trí tưởng, giàu chữ nghĩa, hơn nữa cháu vốn đã là thông minh. Không cần phải dạy làm thơ, làm văn cho cháu. Lão Hạc nói.
- Nhưng cháu muốn hát hay, làm thơ hay, viết văn hay cho mọi người ngưỡng mộ cháu, người yêu cháu phục cháu và vĩnh viễn là của cháu. Tố Như nói.
- Cháu không nên nghĩ như thế. Tuổi trẻ nhiều đam mê là điều tốt nhưng những thứ đó không làm nên cuộc đời. Ngoại trừ cháu là thiên tài xuất chúng. Cháu ráng giữ một tinh thần thật tốt thì mọi thứ đều tốt, dẫu cháu có ở trong bụi người ta vẫn biết cái tài của cháu không cần phải muốn mà có. Ông làm thơ, viết văn cả mấy chục năm mà đã làm được gì cho thế gian đâu. Tất cả là sáo ngữ ! Rồi ông cũng về với hư vô, cát bụi. Ở đời chữ tâm mới là cần thiết. Cháu nên quên mình, đừng vì mình ; tất cả là không có. Lão Hạc nói.
Nghe những lời tỏ bày của lão Hạc, Tố Như quay người ôm vào lòng như tạ ơn lời dạy chân tình và cho nàng một ý thức sống mãnh liệt hơn.Lão Hạc ngại nàng chưa hiểu hết ý.
Sau một tháng học thi ra trường, xong khóa học Tố Như về thăm lão Hạc. Đứng trước sân nhà cổ của lão Hạc nàng có linh cảm như có gì không may đến với Tố Như, cảnh vật không còn gần gũi mà tợ như cảnh lạ. Nàng đứng đợi nụ cười đôn hậu của Lão Hạc mở cửa đón nàng và được dịp Tố Như khoe những thành quả của mình. Tố Như đợi hồi lâu, quay đầu thì thấy Rọm ướt trong đôi mắt, không nói. Trao cho Tố Như cái trắp nhỏ đựng đầy bản thảo những bài thơ và mảnh giấy ghi mấy chữ : ‘ Cháu Tố Như thân yêu của ông. Cháu sẽ là tài nhân. Ký tên. Hoàng Mai Hạc.’ Tố Như òa ra khóc. Trời sập tối nhanh, cảnh vật chìm vào bóng đêm, hình như không còn một ai ở đó giữa lúc này…
Ngày hôm sau người ta thấy một thiếu nữ tay cầm bó hoa cúc vàng đại đóa và nén hương đứng bên mộ của một thi sĩ vô danh sống và chết âm thầm giữa cõi đời này.
(ca.ab. lậpđông. 1/2013)
TRANH VẼ : ‘Chân dung Họa sĩ Jean-Michel Basquiat / Basquiat’s Portrait’ Khổ 12’X16’ trên giấy bià. Acrylics+Mixed. của Vcl 2013.
Jean-Michel Basquiat (1960-1988). Sanh và chết ở New-York. USA. Da đen gốc Haiti. 17 tuổi đã nổi danh. Chuyên vẽ nguệch ngoạc (craffiti). Đã để lại 1000 tranh vẽ bằng oil+acrylics và 1000 loại vẽ bằng bút chì, mực. Tranh có mặt ở các viện bảo tàng nghệ thuật thế giới. Được viện hàn lâm khoa học nghệ thuật Mỹ và thế giới thừa nhận là một trong những danh họa thế kỷ XX. Tranh của Basquiat được bán đấu giá cao ở Mỹ và khắp nơi.
Vcl# 1212013.
Chân Dung Họa Sĩ Jean-Michel Basquiat.