Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.266
123.160.169
 
Cảm nhận về bài thơ”chiếc áo” của Băng Sơn
Nguyễn Phương

 

Băng Sơn (tên thật Nguyễn Thanh Sơn) là người bạn của tôi đang định cư ở Luân Đôn (Anh quốc). Chúng tôi cùng sinh hoạt trên một trang web và thường trao đổi thơ văn với nhau. Tôi nhận thấy thơ anh có một giọng điệu rất riêng và luôn để lại trong lòng bạn bè những suy ngẫm sâu xa. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin được trình bày cảm nhận về một bài thơ tiêu biểu của Băng Sơn.

CHIẾC ÁO

Có một bà già.. vô ra lầm lũi...
Tám ba tuổi rồi, chân cẳng khó đi...
A!! Nắng lên rồi ...lấy áo ỔNG ra phơi.
....
Có một bà già ...ngồi canh chiếc áo.
À!! Sắp mưa rồi, tao lấy áo đem vô...
Có một bà già...vô ra lầm lũi..
....
Má ơi má! Sao phơi hoài không giặt?!
Cười!!!
Giặt chi mầy, mất hơi hướm ỔNG đi!
....
Có một bà già...đăm chiêu nhìn chiếc áo...
Mai tao chết rồi, chôn áo ỔNG theo tao!
....
Có một bà già...vô ra lầm lũi...
Chắc lẫn rồi...nên làm chuyện không đâu...
....
Má tui đó!
 

 

Bài thơ CHIẾC ÁO của Băng Sơn có cái tứ cả trong ý và trong hình tượng thơ.

Trước hết là cái tứ trong ý thơ. Băng Sơn đã lấy cái ý từ câu ca dao: 

“Chim quyên ăn trái nhãn lồng

 Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi.”

mà làm rường cột, làm chủ đạo cho cả bài thơ. Thật vậy, cái mà tác giả gọi là « hơi hướm » ấy luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta, nó theo ta suốt cả cuộc đời. Nhà văn Nguyên Hồng đã kể trong hồi ký “Những ngày thơ ấu” của ông rằng bao nhiêu năm trời ông vẫn không quên  được cái mùi từ khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra của người mẹ thơm tho đến lạ thường. Băng Sơn đã bắt được cái tứ này mà cho ra bài “Chiếc Áo” thật là tuyệt vời. « Hữu xạ tự nhiên hương ». Mỗi người có cái « hơi hướm » riêng , không người nào giống người nào, do vậy mà không ai có thể thay thế cho nhau được. Cái áo của ông cụ đã cũ, bà cụ đem phơi đi, phơi lại cho khỏi mốc chứ nhất định không chịu giặt bởi vì sợ « mất hơi hướm ỔNG đi! ». Chỉ có những ai đã từng ôm chiếc áo người thân của mình mới ngủ được thì mới thấy được tình cảm của bà cụ đối với ông cụ sâu sắc biết nhường nào !

« Mai tao chết rồi, chôn áo ỔNG theo tao! ».

Bài thơ đã thể hiện được tấm lòng gắn bó thủy chung đến hết cuộc đời của người vợ đối với chồng. Đây cũng là một trong những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam.

 

Thứ hai là cái tứ trong hình tượng thơ. Hình tượng xuyên suốt trong bài thơ này là một bà cụ cứ « vô ra lầm lũi ». Công việc của bà chỉ chăm chút cho chiếc áo của ông nhà. Bà reo lên « A !! » khi có nắng để « lấy áo ỔNG ra phơi” ; bà giật mình« À !! » khi trời sắp mưa để « lấy áo đem vô » ; bà « Cười !! » thẹn khi nghe con hỏi « Sao phơi hoài không giặt? » ; bà « đăm chiêu » khi quyết định « Mai tao chết rồi, chôn áo ỔNG theo tao! ». Hình tượng bà cụ hiện lên thật sống động, khi vui, khi  buồn, khi đăm chiêu, khi lo lắng.
Gần cuối bài, Băng Sơn viết hai câu thơ rất đắt. Cái « thần » của bài thơ chính là ở hai câu này:

« Có một bà già...vô ra lầm lũi...
Chắc lẫn rồi...nên làm chuyện không đâu... »

Cái « chuyện không đâu » của bà cụ lại là một chuyện mà người đời cần phải kính cẩn nghiêng mình ngưỡng mộ.  Cái “chuyện không đâu » bà cụ làm lúc « Chắc lẫn rồi » ấy mà bao nhiêu người còn tỉnh táo, sáng suốt đây chưa chắc đã làm được! Ý thơ quả thật đã vượt ra ngoài lời.

Cuối cùng, Băng Sơn hạ một câu gọn lỏn « Má tui đó! ». Anh đã không đi theo lối mòn của các nhà văn, nhà thơ là từ hình tượng một nhân vật cụ thể mà khái quát lên thành hình tượng chung. Anh đi ngược lại. Bắt đầu từ hình tượng một người mẹ rất chung « Có một bà già” mang phẩm cách tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam - yêu thương chồng con rất mực, rồi sau đó anh mới giới thiệu đó là một con người rất cụ thể: « Má tui đó! ». Đây quả là một sáng tạo thật đáng trân trọng của Băng Sơn.

 

Nói đến đây mà không đề cập đến thành công về mặt nghệ thuật của bài thơ này thì quả là một sự thiếu sót lớn. Trừ dòng cuối cùng Băng Sơn giới thiệu « Má tui đó ! » thì bài thơ có năm khổ, số dòng ở mỗi khổ không đều nhau, từ ba dòng (khổ một và hai) đến hai dòng rưỡi ( ?) (khổ ba), rồi hai dòng (khổ bốn và năm), mỗi khổ đều cách nhau bằng một dấu chấm lửng diễn tả thời gian cứ trôi qua, trôi qua và bà cụ cứ cái công việc chăm chút chiếc áo mà làm. Vì bà cụ ngày càng già yếu nên việc đi ra, đi vào càng ít đi, do vậy mà số chữ, số dòng cũng ít đi. Ý và lời thật khớp với nhau. Điệp ngữ « Có một bà già » được lặp lại tới năm lần trong một bài thơ nhỏ nhắn nhằm khắc sâu ấn tượng một bà cụ về cuối đời vẫn cần mẫn, chăm chút, nâng niu, chắt chiu chút sức tàn còn lại để mà trút hết tình cảm của mình cho người thương yêu nhất. Những từ ngữ «vô ra», «chân cẳng » ; cách gọi « ỔNG », « Má ơi má! » « Má tui đó! » ; ngôn ngữ thoại « Giặt chi mầy, mất hơi hướm ỔNG đi! ». . . làm nổi bật hình ảnh một bà cụ bình dân Nam bộ thẳng thắn, chân chất chứa chan bao tình cảm mến thương.

Lại nói thêm về nhân vật người con trong bài thơ. Mặc dù xuất hiện rất ít nhưng nhân vật này lại mang một dấu ấn rất lớn về sự quan tâm chăm sóc cho mẹ già « Má ơi má! Sao phơi hoài không giặt?!”. Và khi hiểu ra được lý do người mẹ già không chịu giặt áo thì đứa con lại tự hào giới thiệu với bạn bè “Má tui đó!”. Đứa con thương mẹ mà qua đó thấu hiểu và thông cảm với mẹ.

 

Tựu chung, bài thơ đã thể hiện được một tình cảm gia đình đằm thắm, thiêng liêng, cái vốn quý mà mỗi người chúng ta cần phải chắt chiu, giữ gìn để mãi mãi có được một gia đình hạnh phúc.

 

 

Nguyễn Phương
Số lần đọc: 3038
Ngày đăng: 06.02.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hồn Việt qua các gương mặt Quảng trong trường ca chân đất của Thanh Thảo - Mai Bá Ấn
TRIỆU TỪ TRUYỀN, HÀNH TRÌNH THƠ - HÀNH TRÌNH KHÁT VỌNG NHÂN VĂN - Nguyễn Nguyên Phượng
BÙI GIÁNG - THÂN PHIÊU BỒNG, HỒN CỐ QUẬN - Mai Bá Ấn
TẬP THƠ "ĐÔI HỒN" VÀ MỘT THIÊN DIỄM TÌNH - Phạm Ngọc Thái
Thắp sáng triền non (Bình bài thơ Không đề của nhà thơ Chu Thị Thơm) - Lâm Xuân Vi
NGUYỄN DU TIẾNG LÒNG THIÊN THU - Tâm Nhiên
THẾ GIỚI THI CA TƯ TƯỞNG BÙI GIÁNG - Tâm Nhiên
Phạm Ngọc Thái có chân dung một nhà thơ tình lớn của dân tộc - Nguyễn Đình Chúc
HOÀI KHANH SẦU XANH VƯỜN CÔ LIÊU - Tâm Nhiên
Mùa thu trong thơ Bích Khê - Lê Huỳnh Lâm