Một ngày không nông sản là một ngày không có trao đổi chất trong cơ thể con người. Cơ thể con người như một cái cây, khi không hoạt động sinh học liên tục là cạn “pin”, ở trạng thái đứng lại(có thể chưa chết!). Gọi một cách bay bổng thì đó là “ một ngày không nắng cháy và một ngày không mưa rào” trong thân thể…
Cho dù có mười năm không gặp đồng quê, ba mươi năm chưa dạo bước trên rẫy nương, năm mươi năm chưa đặt chân đến một làng chài, bảy mươi năm chưa diện kiến cây khoai tây, chín mươi năm chưa nhìn thấy “chân dung” của cây lúa, Ngài cũng khó một ngày không tiếp xúc với nông - thủy sản. Vây quanh bốn mùa ở Chị là không gian tiền tệ nơi ngân hàng thì cũng một giờ trở về với tô canh, đĩa thịt. Anh kiêu hãnh hơn người với khả năng làm “mưa gió” trong hãng chế tạo máy bay, hay tên lửa liên lục địa thì niềm kiêu hãnh ấy cũng bị đánh gục bởi cọng rau, con cá. Em chôn chặt mình “hàn lâm” trong phòng thí nghiệm thì chính em cũng không bỏ rơi cái dạ dày khi nó tha thiết gọi em buổi trưa đã về. Đô thành của em từng dáo giác, lao đao vì rau xanh Đà Lạt mất mùa, em nhớ chưa, trong năm rồi_và nhiều năm trước nữa. Thành phố của Cậu có danh giá nhất thế giới, di sản ngàn năm tuổi và kiến trúc diễm lệ đỉnh cao của loài người thì nó cũng “chết” nếu một ngày nông sản không chảy vào đó…
“Người” ạ, “em” bé bỏng trong trời đất lắm, đừng ảo tưởng. An ninh lương thực, an ninh nông phẩm, luôn quan trọng hơn an ninh khí đốt, hay an ninh vàng bạc, an ninh sắt thép, an ninh địa ốc, an ninh quốc phòng…. Ngành sản xuất vũ khí trên thế giới biến mất đi; ngành sản xuất xe hơi, thậm chí dầu khí, có thể dừng lại một ngày, thì nhân loại vẫn sống nhăn răng, vẫn có cách xoay sở để tồn tại, chứ không thể vắng một ngày không trồng trọt.Trên thế giới, các Chính trị gia, dù độc tài, toàn trị, hay dân chủ, tự do, vẫn sợ nhất là khi dân chúng đói. Và mọi cuộc thay quyền hay cách mạng đều chẳng từng lấy mục tiêu căn cốt nhất là “dân cày có ruộng”, và trước hết phá kho lương chia cho người…
Nên tôi biết, không cần “vận động” Anh Chị cũng yêu nông dân. Không cần khuyên răn thì trong sâu thẳm của em vẫn ngọt ngào với dân cày…
QUYỀN LỰC CỦA CỌNG RAU XANH
Tôi bảo nông sản có “quyền lực” của nó mà em không tin.
Nhưng em ạ, “quyền lực” ấy chưa bao giờ chảy đầy đủ, thật sự, và tự nhiên trên tay người nông dân. Đừng qui cho con buôn. Nó cũng chẳng nằm trọn trong tay của vị “giám đốc” chợ đầu mối, thương lái, hay doanh nghiệp. Sự tồn tại của thị trường nông sản chưa chắc như hệ thống Ngân hàng để mà có thể thao túng dễ dàng. Nó là sự lắc lư, sinh động, hư vô, không thuộc về nơi nào cả. Sự lắc lư của nó tạo ra bởi đến giờ vẫnkhông ai có thể định vị được sự khởi đầu của một mầm rau muống trên vũng sình và điểm kết thúc nó ở nồi canh.Chính người nông dân cũng cũng không biết đám cà rốt họ trồng sau ba tháng rưỡi có nguyên vẹn hình hài không thì làm sao biết giá rau ở chợ Cầu Giấy(Hà Nội) vào mùa Xuân này bao nhiêu. Chính ngư dân ở phường Sáu, Tuy Hòa(Phú Yên) càng không biết chuyến ra khơi tối nay có gặp tàu “lạ” Trung Quốc xua đuổi không thì làm sao biết giá của cá Ngừ đại dương cho một ký lô gam sau hai tuần vào bờ. Giáng xuống dân cày, thợ thuyền, là tất tần tật mọi thứ trong trời đất và trong xã hội con người. Em không thể hình dung ra cơn mưa đá có thể rơi xuống đám bắp cải ở Thái Phiên(Đà Lạt), thì dân cày rất khó để biết trong rẫy cà phê ở Buôn Hồ đang mùa cần chăm bón nhất là mùa khô này phân NPK ở các đại lý trong xã trong huyện đâu là phân “thật”. Bênh vực nông dân, dù thở không khí Sài Gòn, nhưng em lấy cái gì ra để tạo thành vách niềm tin rằng không bao giờ còn thuốc trừ sâu dỏm mà Bác Ba, Cô Năm xử lý trên vườn cà chua ở Đơn Dương trước bệnh mốc sương nhũn cây kia. Yêu nông dân, nhưng em lấy gì tin rằng những vườn nhãn ở Bắc Giang kỳ này không xảy ra tình trạng Thương lái “lạ” ào ào đổ xuống rồi đùng đùng đi, làm loạn cả gốc nhãn. Anh Chín, Chị Mười không thể lý giải được tại sao nông sản cứ ở vòng luẩn quẩn được mùa rớt giá và được giá thất mùa, dù các “Dân biểu” luôn phát biểu sẻ chia dân cày trên diễn đàn Quốc hội. Thương nông dân quốc nội, nhưng làm sao em lý giải được tại sao khoai Tây phương Bắc có thể tràn sang Việt Nam rồi lăn lên Đà Lạt để cho thiên hạ lấy đất đỏ cao nguyên Langbian bôi trét vào biến nó thành “ Khoai tây Đà Lạt” hầu bán giá cao hơn. Bênh vực nông dân là “tự vệ” sức khỏe cho mình, nhưng Cậu chỉ sao để không bao giờ mấy trại heo ở Gia Kiệm và Định Quán Đồng Nai thoát khỏi dịch lở mồm long móng theo qui luật mùa từ trong trời đất.Thực lòng và nghĩ tốt cho vai trò nông sản, thực phẩm, nhưng trộn bắp vào cà phê để pha cho Chú uống ở các quán cà phê trên đường Hàn Thuyên của Tp.HCM thì lỗi không phải của dân cày. Cũng như hoa layzơn Định An(Lâm Đồng) mà kiều nữ ở 36 phố phường Hà Nội ghiền chưng vào mỗi mùa Tết( những năm gần đây)tẩm đầy chất bảo quản để dự trữ cả tháng trước đó đâu phải do nông dân nghĩ ra, hay cô hàng hoa Hà Nội làm “đạo diễn”.
Ngài có tin chính nông dân trồng rau ở Lạc Dương còn không biết được độ an toàn của những con cá nục đưa từ Cà Ná(Ninh Thuận) lên kia mà. Cũng không thể ngờ đất nước làm nông, dân tình chăm chỉ nhưng rau củ, cỏ cây nước ngoài cứ tràn ngập khắp chợ đô thành đến thôn quê. Nỗi oan lây vì nông sản nhiều dư lượng thuốc trừ sâu cao bị Thị dân Hà Nội, Sài Gòn ta thán thường là của nhập nội. Đường đi của nông sản chênh vênh, may rủi, thuận lợi-bất trắc, tươi tốt-sâu bệnh, được giá-mất giá, an toàn-phi an toàn, tốt - xấu, lồng vào nhau. Luật chơi diễn ra tự nhiên, sinh động một cách nghiệt ngã, cứ hiện ra trong đời sống.
Sống ở thị thành, lại là xứ “Thiên đường du lịch”_Đà Lạt. Nhưng tôi lạc trong thế giới nông dân hơn Thị dân. Tôi quá rõ có những nông dân ở Đa Thiện ba mươi năm rồi chưa từng bước vào Vườn hoa Thành phố. Đơn giản vì giá một tấm vé vào cổng tương đương 20kg sú, hay 30 đóa hoa hồng. Cũng giống như những người quanh năm “cày” trên mặt biển nhưng từng lít xăng dầu tàu chạy kia đều được đánh đồng tính phí bảo trì đường bộ, dù em có mù chữ cũng biết nếu mòn là mòn biển chứ không thể mòn đường. Tôi cũng biết những nông dân trong lòng “Thành phố rẫy” Buôn Ma Thuột không bao giờ muốn uống một ly cà phê Trung Nguyên nào ở Ngã Sáu. Cà phê họ làm ra không dở, thậm chí chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột còn bị người ở nền Văn minh hàng đầu Châu Á là Trung Hoa tóm mang đi đăng ký bảo hộ thì làm sao họ không biết cà phê họ trồng ra có chất lượng và nhãn hiệu cà phê tinh chế Trung Nguyên là thứ tử tế. Bởi mỗi ly cà phê trong hàng quán ở Ngã Sáu có chiếc xe tăng làm “tượng đài” ấy có giá hơn một ký cà phê nhân mà họ trồng ra để bán.
TINH HOA NÔNG SẢN KHÔNG DÀNH CHO KẺ TRỒNG
Cà Phê Trung Nguyên không phải cho dân cày trồng cà phê. Dân cày biết “luật đời” này. Cũng như ngư dân ở Vạn Ninh(Khánh Hòa) bảo tôi không bao giờ những con tôm hùm mà họ nuôi ở rạn Trào ngoài biển khơi kia dành cho họ. Nuôi mòn mỏi hai năm, đếm được khối tích nó từng ngày, sờ từng chiếc râu dài ngắn, canh nhứt mắt vì sợ kẻ gian bắt trộm giữa lồng lộng biễn dã, khi thu hoạch nâng niu như “Người mẫu”. Tôm chết mới được ăn, mà lòng thì không bao giờ mong tôm chết(mà chưa chắc Vợ cho ăn! Vì có thể hạ giá hơn nữa để bán). Nhưng cuộc sống tồn sinh từ những nghịch lý, món tôm hùm không thuộc về kẻ nuôi nó, không phải khẩu phần của ngư dân. Người ngư dân sẽ ở trạng thái cân nhắc ngắm nhìn con tôm hùm trị giá nửa triệu/kg kia với đứa con đang học Đại học ở Tp.HCM. Cũng giống như món cá ngừ đại dương, con cua Huỳnh đế, hay những con mực ống tươi tắn, bắt mắt, thơm ngon nhất, có bao giờ em thấy nhà ngư phủ nào bày tự tin trong bữa ăn. Tất cả dành để xuất khẩu, tất cả chảy về Thị thành, tất cả cho Nhà hàng, quán nhậu, cho những cuộc ta bà của Thị dân và cho những yến tiệc của giới thượng lưu cùng trưởng giả. Không sao cả, cảm ơn các “nhậu sĩ” Nha Trang, Đà Nẵng, Vinh, Hạ Long, Hà Nội, Sài Gòn… Vì nhờ các vị mà ta có “đầu ra”. Cái qui luật bao kiếp rồi là dành những quả cà chua đẹp nhất, buồng chuối ngon lành nhất, những trái bắp cải to nhất, những chùm nho lung linh nhất, những củ cà rốt thẳng thớm nhất để bán. Còn cho chính mình, làlấy những củ cà rốt cong queo, những trái bầu bí khuyết vì sâu bọ, trầy nứt vì vận chuyển, những nhánh chuối gầy gò, những con cá tra dập mình, những con tôm mất đầu…, bỏ lại, để làm thực phẩm. Là chưng những cành hoa mà thương lái gạt ra, những chậu hoa mà giờ cuối đêm giao thừa không con ai đến mua nữa. Cái điều này nông dân khác Thị dân, dân nông nghiệp khác dân công nghiệp, vì chẳng nhà sản xuất xe hơi nào lấy chiếc xe bị lỗi, chiếc tivi méo mó, chiếc bàn là tốn điện, cái bóng đèn bên sáng bên không, hay chiếc máy quạt cà giựt để mà cưỡi, xài.
Hy sinh, Tần tảo và Thực chất là đặc tính giản đơn, chân thành và thậm thương của dân cày, đúng nghĩa “Thợ rèn ăn dao luộc”.
BAO DUNG KHÔNG BỜ BẾN
Sống với nhau, dây cày đi biển, ra đồng về, dõi tay đưa nhau bó mau, mớ cá. Nhưng dân làm ra xe hơi, máy móc, đồ điện tử thì kể cũng khó. Giá trị vật chất này lớn quá, mà nhịp sống buộc duy lý thay vì duy tình lại thành chướng ngại ngàn cân mỗi khi vượt. Văn minh nông nghiệp ngàn đời vẫn thuần hậu, tự nhiên. Một người chết cả làng biết, lan sang bao làng khác. Một con người “tiêu” cả đồng bỏ ruộng là đây. Nhà nào có con trở thành doanh nhân, kỹ sư điện tử, chuyên gia tài chính, nghệ sĩ, hay ký giả… là niềm tự hào của cả… cả ngư trường, hoặc cả cánh đồng. Cái từ “tối lửa tắt đèn” là ở đây, chính không gian nông nghiệp, không gian dân cày này.
Dân thị thành(có thể) tốt bụng.Thị dân hay đi làm tự thiện, thường tìm về nông thôn. Nhưng dân cày coi nhường cơm sẻ áo là tương tác tự nhiên, hơi thở, tất yếu, bình thường. Coi đó là sống, là tương tác, ứng xử chứ không phải “hành động”, công việc, sứ mệnh, hay “Chương trình”, không cần quay phim, lên báo. Như hành động chìa nhau nhánh chuối, góp tiền chữa bệnh, lộ phí cho một cô cậu làng lên đường đi học. Giống như chống nhà đỡ lũ, đóng sắt làm cầu, góp công làm mương, góp tiền làm đình. Nhưng dân cày bao dung. Bao dung như khi điện cúp là thắp lên đèn dầu chứ không tìm cách chửi Nhà đèn, ông EVN, mà dù “chửi” một tiếng cũng là sự đòi hỏi sòng phẳng bình thường của dịch vụ. Cúp nước vào mỗi mùa du lịch Tết ở Đà Lạt chỉ thấy hệ thống khách sạn la toáng lên(đến mức Nhà cấp nước rút dây điện thoại luôn), chứ không thấy dân mầm laghim ở Đa Thiện, Phước Thành, Sầm Sơn, Nam Hồ, Trại Mát…, dù thiếu nước thì vườn rau hoa chết trước và nông dân chiếm 70% dân ở thành phố phụ thuộc nông nghiệp. Cũng như khi dân cày Quảng Bình, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên khi lũ lụt đổ về ngập trong tức tửi bởi hệ lụy từ rừng đầu nguồn bị cạo trọc thì cũng cùng nhau chạy, cũng nhau bơi, cùng nhau chịu đựng chứ không mổ xẻ truy ra địa chỉ cuối cùng để qui trách nhiệm. Có thể cũng có người có nhu cầu phản ứng cho bớt đau, nhưng biết đổ vào đâu, mà số đông thường dễ bỏ qua, mau quên. Qui luật ở dân cày là trách ông Trời, theo kiểu: “Trời ơi !”.
“Trời ơi!”, là cái gì đó rất hư vô, rất chung chung. Giống như chuyện nông sản họ bán không được vẫn chỉ trách “Trời”. Muối làm ra bán không được, vì người ta nhập khẩu muối, dù đất nước dài hơn 3200km bờ biển và diêm nghiệp tiền nhân tạo dựng từ cổ xưa, thì vẫn cứ “Trời” một tiếng rồi thôi. Đường bán không được vì có chỗ nhập đường vẫn than “Trời!”. Một đất nước Nông nghiệp, với hàng ngàn chủng loại nông sản, thủy sản, nhưng đến bây giờ chỉ duy nhất ở Dak Lak lập được cái sàn đấu sảo cho hạt cà phê, còn lại trôi nổi, tự phát, tự điều chỉnh. Đất nước nông nghiệp nhưng đến bây giờ hầu hết các loại giống nông nghiệp mũi nhọn, tiên tiến, cao cấp đều phải nhập khẩu, từ lúa, giống trứng tằm, bắp, cho đến cà chua, bắp cải, sầu riêng hạt lép, hoa, cây rau màu, mặc dầu nhập từ những nước Công nghiệp. Quá xá nông sản được biến thành “Lễ hội”, thành “Festival”, nhưng không nông dân trồng cây gì, ở đâu, có cuộc sống bền vững và thị trường ổn định. Biết hết, nhưng cái bao dung thật lớn, quá đẹp, đẹp đến thiếu trách nhiệm lẫn thiếu quyết liệt để phải có công bằng và kích thích xã hội đổi thay tự nhiên cần thiết. Ví như đường sá vì đâu đó về thi công, nhưng làm kém chất lượng khiến nhanh có ổ gà, ổ voi. Xe chạy roi ổ Voi, đường lở, có “chết” người cũng chỉ than: Tại Trời !Đây đó quê xứ đất đai bờ xôi ruộng mật bỗng đùng một cái thành Resort, sân Golf, khu công nghiệp…, giờ cũng quen. Thủy điện có tràn lan, đoạn khúc, chận hết dòng sông vốn là mạch máu của canh nông, khiến mùa khô ngóng mãi nước cũng không về tới để tưới rẫy ruộng, cũng chỉ một tiếng “ Trời ơi, lại hạn!”. Anh dân cày nào sâu sắc và hiểu biết hơn, tối đa cũng chỉ: “Mấy ông Thủy điện không xả nước cho mình(!?)”, vì nào thấy nông dân ngược nguồn kiện Thủy điện bao giờ.Khi chỗ nào làm quá đau, quá ức, thì mới hờn giận, trách móc, giãy nảy lên tí chút vì cái “ không gian sống”, đất. Ai làm gì sai, gây ra chua cay cho dân cày, “đọc” được tấm lòng thênh thang của người nông, họ “ Xin lỗi!” một tiếng là có thể qua, và xong. Trái tim của dân cày mênh mông. Sức chịu đựng ngoạn mục và kỳ diệu. Nhiều trăm năm làm nông, nền quốc nông vẫn chưa cường tráng, qui hoạch nông nghiệp chưa rõ, đường hướng cây trồng chưa thấu, chính sách đất đai chưa xong, quốc địa chưa đi tới con đường tự nhiên thông thường phổ quát của nhân loại. Đồng ruộng và dân nông trở thành môi trường để thí nghiệm.
Vì vậy dân cày, nông thôn luôn là chỗ dựa cho đất nước, là cực hút âm so với cực dương của xứ sở là đô thị. Là chỗ để người ta ra đivà quay về./.
Tết Quị tỵ, 2013
......................................
· Bức Ảnh: ÁNH MẮT NÔNG PHU (photo Nguyễn Hàng Tình)