Gửi V. và những bạn thơ
Trong không khí đông miên của văn học người Việt tại Tây Âu dạo này, tập thơ Đóa tinh tuyền dâng mẹ* của Lê Miên Khương vừa ra mắt đầu Xuân Quý Tỵ – là một sự kiện đáng chú ý, có tính khơi gợi và đặc biệt làm ấm lòng khách tha hương. Thêm vào đó, CD Thơ tình Lê Miên Khương** đi kèm theo lại còn là một văn nghệ phẩm giá trị, đem lại nhiều mỹ cảm cho người nghe, cùng với cái thú phát hiện được giọng ngâm trẻ đặc sắc bên cạnh nghệ sĩ thành danh Hồng Vân. Một cách làm chuyên nghiệp. Một nội dung phong phú.
Dù có quen thân với Lê Miên Khương đã lâu, ta vẫn phải đi hết Vườn thơ anh – ngắm đủ 52 đóa tình tự khúc – rồi mới thấy hết được cái trầm mặc, dịu dàng, cái phóng khoáng, hồn nhiên chân chất, trải rộng cùng những bao la sâu lắng của hồn thơ.
Thơ Lê Miên Khương là nỗ lực vượt thoát ra ngoài nỗi nhớ, để chiêm nghiệm những giá trị muôn thuở, ngay từ khởi điểm của đời người. Vũ trụ thơ Lê Miên Khương nằm trong chiều sâu của hoài niệm dù là – hay đúng hơn, nhất là – khi phải đối diện với thực tại : anh mãi miết đi tìm « hoa lá diêu bông » của riêng mình trên quỹ đạo trân quý những ngày qua...
Anh bắt đầu câu chuyện bằng một lời tâm sự, một thú nhận chân thành và hiển nhiên như một sự thật ray rứt trong mỗi chúng ta :
Tôi đã từng ngợi ca tình yêu bao cô gái
Thương hạ khóc thu yêu hoa nhớ trái
Tranh luận hàng giờ với lũ bạn
về siêu hình, nghệ thuật, vẻ đẹp thế gian
Nhưng chưa bao giờ viết về cội nguồn
của mọi vẻ đẹp trên đời
Đó là mẹ, mẹ ơi !
(Đóa tinh tuyền dâng Mẹ)
Lê Miên Khương - Bùi Chưởng là vậy : những phát biểu nhẹ nhàng, tự nhiên và đúng bất ngờ.
Dành cho mẹ mình bài mở đầu của tập thơ lấy cùng tên, anh còn trân trọng dành trang cho một người mẹ vô danh gặp giữa tình cờ phố hội :
Trên đường phố Sài Gòn tấp nập
Bao tao nhân mặc khách
Bao ngựa xe sang trọng
Có một người mẹ đứng im lìm trong góc
Với một rổ nhỏ đeo lụng thụng trên người
Vài cây viết bic
Vài túi chewing-gum
Vài điếu thuốc lẻ
Mẹ im lìm mẹ không tiếng mời rao...
(Người mẹ trên đường phố Sài Gòn)
CD anh ra mang tên Thơ tình, nhưng tình yêu Lê Miên Khương trong thơ không chỉ đóng khung nơi đôi lứa. Yêu nhiều khi đồng nghĩa với nhớ, và tình thì nhập thân vào kỷ niệm, những kỷ niệm đầy ắp tuổi thơ, đâu đó chợt ùa về :
Một hai ba, oảnh tù tì
Trò chơi ngây thơ tuổi nhỏ
Sao mình chơi hoài không chán
Anh thu tròn nắm tay làm búa
Đập nát đinh – ngón tay em...
Ngày xưa thì giản đơn một niềm vui như thế, còn bây giờ :
Chiếc búa thời gian đã nện bao hồi lanh lảnh
Đã gần hết đời người
Tóc hai màu sương khói
Vẫn chưa tìm lại được chiếc đinh đã chọc thủng tim anh.
( Một hai ba…)
Nhưng tim anh không chỉ ôm kỷ niệm về người em gái nhỏ. Nó hòa nhịp với cả núi, cả sông, cả chim, rừng, cây, lá. Bất cứ những gì đi qua đều để lại trong anh dấu ấn của một thời, của mạch đời, của vô tận yêu thương; từ một lá quỳnh (mà anh viết hoa) trong chậu cây :
Lá thân Quỳnh đầy khúc đoạn
Như cuộc đời
Khúc nghiệt ngã khúc bi thương
Như Quỳnh em phải dãi nắng dầm sương
Đem nhựa sống vào trong từng thớ quản
(Quỳnh em)
đến núi rừng:
Tôi đã đến nơi này. Ừ một thuở
Giữa rừng hoa hương phấn gọi cồn khơi
Đùa với lá. Cỏ cây ngàn nhớ biển
Hạt lung linh sương mọng thấm khung đời
(Cánh rừng huyễn diệu)
qua sông nước :
Sông tải trầm luân ra biển khơi
Phù sa từng hạt vun đắp đời
Nương dâu óng ả thơm là lụa
Rực rỡ tà bay ửng góc trời
(Trò chuyện với dòng sông) .
Đối với anh, không khung trời, mảnh đất nào – nhất là của quê hương – lại không ẩn chứa một tâm tình, một bóng hình ngưỡng vọng:
Những lúc xa em, anh nằm mơ
Mơ nghe sóng vỗ nhẹ vào bờ
Rì rào gió nói em là sóng
Con sông quê hương. Em là sông.
(Trò chuyện với dòng sông)
Cho nên, tình yêu chẳng những bàng bạc trong không gian mà còn xuyên suốt cả chiều dài năm tháng, qua tiếng lòng nghẹn nấc khôn nguôi:
Có đôi khi
Định nắm một bàn tay
Chợt nhận ra
Vết thương lòng chưa khép kín
Bàn tay mình còn hơi ấm của người xưa
Có đôi khi
Muốn đặt một nụ hôn lên má
Chợt nhận ra
Vết xước da non chưa lành sẹo
Môi mình còn vị mặn nước mắt người xưa…
Còn ai chân thật hơn, với con tim và ký ức? Một sự chân thật hiếm có, đáng phục – tuy không chỉ tùy thuộc riêng anh – , bởi làm sao thơ không dễ xung đột với đời ! Có vậy, anh mới khép được bài thơ theo cường độ crescendo cháy bỏng, nồng nàn:
Không thể đổi ngày ra đêm, trắng ra đen
Vứt bỏ hoa cúc vàng lấy bông hồng đỏ rói
Vì tim mình còn nhức nhối bóng dáng người xưa.
(Bóng dáng người xưa)
Dấu chấm ở đây để lại đầy dư âm. Nhưng dường như nhức nhối không làm anh ái ngại. Anh muốn thách đố thời gian, ngang nhiên chấp nhận những thăng trầm vui, khổ để nâng niu giữ trọn cuộc tình:
Gởi em một mảnh đời tôi
Có cay đắng có bồi hồi yêu thương
Sợi tình tơ tóc còn vương
Cây si tôi bón cây thương tôi chằm
(…)
Một mai tình có tơi đau
Cũng xin em giữ khối màu nguyên trinh
(Khối màu)
Bài thơ là một thành tựu xuất sắc, giàu hứng khởi. Từ cái tựa Khối màu – khiến người ta liên tưởng về một hình tượng nghệ thuật tạo hình lộng lẫy – , đến từ chằm quá đỗi dễ thương – mộc mạc độc đáo – , rất thông dụng ở xứ Quảng quê anh (nghĩa là đan). Cũng thế, tơi đau là một sáng tạo, đứng hẳn riêng ngoài những sàn chữ đã chai mòn. Ngay cả tiếng tơi ở đây cũng không phải chỉ tầm thường được tách từ tả tơi , mà cụ thể có nghĩa là cái áo lá che mưa dân dã (và biết đâu lại chẳng ẩn dụ cho tất cả những chở che được âu yếm chằm nên?). Tứ thơ, mạch thơ, lời thơ, tất cả đều hội tụ trong cảm giác trực nhận một khối tình mê si, tuyệt đối, óng ánh sắc màu…
Thơ Lê Miên Khương mặn mà như thế. Ai khó tính có thể không hài lòng vì thỉnh thoảng sót đâu đó một vài câu chữ vần điệu có vẻ như thiếu trơn tru so với lệ thường. Nhưng mạch thơ anh mới là chính : nó chảy nhanh – không do dự, không gò bó – , vượt lên trên những ưu tư cú pháp, khiến chính anh chừng như cũng không màng chuyện sửa dũa vuông tròn. Vì vậy ( cứ theo sác xuất giả định như thế !), những bài thơ đạt toàn diện nhất của Lê Miên Khương thường không phải là những bài dài. Chẳng hạn Em có biết là một trong những bài thơ bay bổng, trong sáng, với một kỹ thuật có thể xem như toàn hảo :
Em ơi, em có biết
Ngày xuân đang gần kề
Hơi men đà bén phiến
Cho đất trời đê mê
(…)
Em ơi em có hay
Có người chờ em về
Bên dòng sông thổ cẩm
Và góc trời yên quê.
Yên quê, bén phiến, dòng sông thổ cẩm… , Lê Miên Khương không chỉ xuất thần với con chữ như thế, mà cả với những hình tượng rất lạ – từ những gì rất quen – , có khi thật ngộ nghĩnh :
Xin em một nụ cười duyên
Bỏ vào trong túi lâu lâu anh nhìn
Lỡ khi trở gió tối trời
Nụ cười em đó là nguồn sáng trăng
(Xin em)
Nhưng nụ cười anh thì không phải lúc nào cũng nở trọn. Như mọi người Việt nam, Lê Miên Khương không thoát khỏi những trăn trở, ngay cả trong tập Thơ Tình :
Thương cây sầu riêng mà canh cánh mối sầu chung
Đất nước vẫn còn nhọc nhằn gian khổ truân lung
(…)
Gà cùng một mẹ chưa thật sự thương nhau
Gãy cành lá rụng thân cây chưa cảm nhận nỗi đau
Tiếng buồn trong thơ còn dội đến bao giờ ?
(Mảnh vườn quê hương)
Anh còn đi xa hơn, trong suy tưởng về mình, về người . Lấy khoảng cách để nhìn lại đối tượng, tra vấn chính cả tình yêu mà anh hằng tha thiết vinh danh:
Em tự hỏi
Có phải em như chiếc kim đồng hồ
Cứ miệt mài chạy vòng cùng năm tháng
Kiếm tìm hoài một tình yêu đích thực
Để cuối cùng trở về chỗ cũ
Nơi có số không.
(Chiếc đồng hồ và em)
Những suy tư không nhất thiết dẫn anh đến khám phá nào hơn là những buồn vui lẫn lộn kiếp người trong vòng luân hóa :
Ngày anh ra đi
(…)
Em chui nhốt mình trong trái kén
(…)
Ngày anh trở về
(...)
Đập vỡ càn khôn tiếp vòng ước hẹn
(…)
Anh đừng hỏi
Đời luân hóa ngàn năm sau vẫn thế
Mai sáng vẫn hồng chiều vẫn tím không gian
Lá vẫn xanh nước lững thững trường giang
Có niềm vui và nỗi buồn muôn thuở
…Rồi đến phiên em ra đi
Anh sẽ vào chờ
Trong vũ trụ thơ…trái kén !
(Đời luân hóa)
Trái kén đó có là số phần hay chọn lựa, nó cũng đã cho anh an toàn hạnh phúc với bao cơ duyên gặp gỡ :
Đâu ngờ được gặp em
Hạnh ngộ : điểm địa cầu
Phải trời xui đất khiến
Như đã hẹn từ lâu
(…)
Xin gọi em : tri âm
Dẫu ta chưa trao lời
Em, anh đợi một đời
Biết khi nào bên nhau
(Hạnh ngộ)
Tuyệt ! Chẳng những về thi pháp mà đặc biệt là về ý tưởng : cái Đẹp khiến tri kỷ có gặp mà vẫn là chưa gặp, để con tim còn đi tiếp những đam mê, rung động một đời.
Cái Đẹp tra hỏi chính anh:
Em hỏi tôi bây giờ là tháng mấy
Mà lá vàng rót điệu nhạc trên cây
Con nước lặng, ao sen đà héo úa
Cánh hạc lẻ bầy tiếc một mùa ngây
(Em hỏi tôi)
Cái Đẹp khiến anh tra hỏi Thượng Đế:
Tôi mãi tìm Ngài như tìm người yêu
Trên non dưới biển ban mai buổi chiều
Sự sống diệu huyền, ai người sáng tạo
Ngợi ca Ngài, tôi hòa điệu cùng chim
(Ngài ở nơi nào)
Cái Đẹp vô vụ lợi, không tuổi tác, không biên giới – Đà Nẵng, Cao Nguyên hay Limoges – , không cố định – trên vạt áo, bàn tay hay mái tóc dưới trời Âu, Á – , không cần gắn thêm bất cứ ý niệm nào ngoài chính nó:
Có uy nghi gì đâu
Sấm chớp lay động bầu trời
Mây đen kéo về đùn trước ngõ
Đất hối hả uống từng con nước xoáy
Ai đó nói oi bức quá phải mưa giông
Có loè loẹt gì đâu
Những hoa ngũ sắc còn ngái ngủ
Em vẫn thấy sắc màu những cầu vồng
Xao xác tiếng gà nơi xóm vắng
Ai nói vọng rằng trời đã rạng đông
Có hoành tráng gì đâu
Những con sóng hăm hở vỗ bờ
Dập dìu mãi cùng gió vờn trên bãi vắng
Lăn cuộn tìm về hôn cát mềm như bờ môi
Ai đó nói khơi xa nhớ bờ da diết, quá đơn côi
Có to tát gì đâu
Giọt sương lung linh trên nụ hồng chớm nở
Cành lá đung đưa vẫy gọi chim về
Anh ngẩng đầu nhìn sắc trời đổi mới
Em thì thầm nói vạn vật đã vào xuân.
(Có... gì đâu) [toàn bài]
Vâng, phải đọc hết một hơi : bài thơ là một đoản khúc phim (court métrage) tuyệt mỹ. Một khải ngộ về huyền nhiệm cuộc đời. Một hợp tấu làm trỗi dậy nốt tình ca đích thực cho những tâm hồn biết rộng mở trước ngày lên.
Trong CD, hẳn không vô tình mà Hồng Vân – đầy phong độ dù đã có tuổi – nhường cho Hoàng Đức Tâm ngâm bài này : một tuyệt tác ! Ta có thể mường tượng âm hao giao hưởng Schubert lửng lơ đâu đó. Nhưng điều chắc chắn là Đức Tâm – trong cơ hội này –, ngoài chất giọng thiên phú, đã nắm bắt thông minh cái thần trong bức tranh thơ và «trả lại» bằng những nét luyến láy tinh tế, quyến rũ, đặc biệt Việt Nam: anh là một trong những người hiếm hoi đã kết hợp thành công điệu Huế trong hơi Bắc.
Thơ Lê Miên Khương không tìm sự trau chuốt, nhưng đằng sau con chữ là cả một tâm tư, suy tư và có khi mở về suy tưởng. Đó đây, sau một giây phút chạnh lòng là sự thanh thản, khoan dung, là cảm nhận về một cõi tiên thiên hóa giải mọi đám mây thao thức ân tình.
Bức tranh Lê Miên Khương ấn tượng : đầy lối vào, ngõ ra, qua những khe sâu khuất của tâm hồn; lưu luyến với thanh xuân và triền miên với cái Đẹp, dẫu biết vô thường, dẫu phải hầu xinThượng đế.
Nhưng đã ở trần gian, ai lại ngoảnh mặt với những xao xuyến của con tim, mà Lê Miên Khương đã chắt chiu cấy lại giữa vườn mơ ! Khu vườn yên ả, đủ để lắng nghe từng bước chân nguyên thủy một thời và – tại sao không ? – cho phép ta cùng anh tái hiện dấu nhân sinh dắt ta về chốn nên thơ mườn mượt cõi tình…
Paris, ngày Saint Valentin 2013
Bùi Đức Hào
Chú thích :
* Đóa tinh tuyền dâng mẹ , Lê Miên Khương, nhà xuất bản Hội Nhà Văn , Hà Nội , 2013.
** CD Thơ tình Lê Miên Khương với các giọng ngâm Hồng Vân, Kim Lệ, Bích Ngọc và Hoàng Đức Tâm
Có bày ở quán Foyer Mon Vietnam, 24 rue Montagne Sainte Geneviève, 75005 Paris ( thu giúp quỹ từ thiện, theo yêu cầu tác giả ).
Ngoài ra, nhạc sĩ Trần Minh có phổ 2 bài thơ Lê Miên Khương, xin mời vào đường dẫn dưới đây :
– Đi tìm một nửa thân mình (Thụy Long – Diệu Hiền) :
– Hãy đưa em đi (Mai Thảo)
Nguồn : Diễn Đàn Forum ( bản cập nhật tác giả gửi)