Lưu thủy bất tranh tiên nghĩa là những dòng suối không tranh nhau chảy. Nhưng ở đời mà không tranh nhau, tỉ thí ‘ hơn, thua”, được, mất, vinh, nhục thì cuộc sống dường như nhàn nhạt thế nào, ủ ê thế nọ, dường như mất hết nhuệ khí, tinh lực, dường như dòng máu bị đông cứng ở đây đó. “ Những dòng suối không nói bạn chảy trước hay tôi chảy sau. Chúng chảy tự nhiên, rất như nhiên” *. Còn chúng ta kẻ trước người sau chạy nhảy tung tăng, ồn ào náo động. “ Khúc ca ngày sang đêm rộn rịp. Ngắt một chồi thơm lộc trỗi. Em xôn xao áo mỏng xuống giao thừa” ( Bản tặng cho giấc mơ- Nguyễn Giúp). Tôi vừa mở một chùm cây bé dại. Một chùm cây bé dại mở ra tôi. Một lỗ sáng vòng quang bóng tối xanh và biếc. Cô bé chun vào qua một lỗ tối xanh vào một ban trưa. Của mùa hè đẹp tựa mùa xuân. Hoặc mùa xuân tựa mùa hè rực rỡ ( Trái ổi, vườn rào và cô bé- Huỳnh Minh Tâm). Có khi nào náo động hồn nhiên mà bất lai bất khứ ? “ Dòng suối chảy phăng phăng, không mang trăng đi mất” *. Nước là nước, trăng là trăng, hoa là hoa, gió là gió, song song hòa điệu. Tạo hóa là một bài thơ lớn, không lời. Tạo hóa là nỗi lặng im bát ngát mà xuyên suốt muôn việc của thế gian. Lưu thủy bất tranh tiên. Nhưng tạo hóa cũng lưu thủy tranh tiên, cũng đa đoan nhiêu lộn, cũng đa kế nhiêu lầm, cũng đa thầy nhiêu lạc. Ngẫm ra mới nhớ anh Đinh Công Tôn cũng xao xác nỗi niềm, cũng xào xạc cỏ cây ; “ Ở nhiều nơi đâu đó, người ta đang treo đầu dê để bán thịt chó; người ta nói mười voi nhưng không được bát nước xáo; người ta khua chiêng, gióng trống phô phang đủ điều nhưng sự thật chẳng có được bao nhiêu; người ta tô son, thếp vàng để đánh lừa đôi mắt, còn bên trong đã bán phần hồn cho quỷ dữ từ lâu rồi. Ôi! Bao nhiêu lừa lọc cứ gặm nhấm, ăn mòn thì niềm tin dù có hóa thành kim cương cũng không tránh được tố lốc vùi dập, phũ phàng” ( Quán chờ- nơi dừng chân đầy mộng thực, Đinh Công Tôn). Lưu thủy bất tranh tiên nghĩa là bất tranh tiên lưu hốt, nghĩa là mở ra cái bất nhị bất tam, nghĩa là mở ra cái tam bành vui sướng, nghĩa là mở ra cái dờ dật ngẩn ngơ : “ Trước sau nào thấy bóng người. Hoa đào năm cũ còn cười gió đông” ( Truyện kiều- Nguyễn Du), nghĩa là mở ra chân trời phụng hiến, chân đất giang hồ, chân mây ngẫu cảm mà hô hấp khí lực của thiên nhiên : “ cây và cối bầu trời và mặt đất. Đã nhìn tôi dưới sương sớm trăng khuya. Mở buồng phổi đón gió bay bát ngát. Dừng bên sông bến cát buổi chia lìa. Hoàng hôn xuống bình minh lên nhịp nhịp. Ngàn sao xanh lùi bước trước vừng hồng. Ngày rực rỡ đêm êm đềm kế tiếp. Đón chào tôi chung cười khóc bao lần” ( Phụng Hiến- bùi Giáng).
Đứng trước mùa xuân, ngẫm đi ngẫm lại ngẫm ra ngẫm vào ngẫm đầu ngẫm cuối mà “ thẹn” với người xưa, mà cũ xưa quá trớn, mà buồn bã quá lời bao chuyện thị phi, mà hạnh phúc quá chén bao nong nia đành dẹp lại, nhìn hoa nở ngắm mây bay nước chảy mà rạo rực với tình xuân hây hẩy ; “ Nghĩ cũng đến chết cười cho anh đấy. Một vòng tay cuống quýt sân si. Một lòng tham chẳng còn chừng mực. Một đời trai bạc tóc yêu vì. Trong nhiều sự quên có cái quên tài hoa lẫn cái quên tai họa. Trái tim quên mình hữu hạn cố ngân rung. Anh cũng vậy cả một đời hay bị quên thái quá. Nên yêu đương chẳng có...hạn dùng” ( Hạn dùng- nguyễn Đức Dũng). Ai đã nói nhỉ ? Cuộc đời không phải là bi kịch, mà là một hài kịch; sống phải có óc khôi hài. Khi bạn biết khôi hài, pha trò, “ sàm sỡ”, “ nhố nhăng” là bạn đã cảm nhận một mảng lớn bí mật của cuộc sống. Viết bài chưa xong, ngước mắt nhìn lên lưu thủy bất tranh tiên, lưu thủy bất tranh biện, lưu thủy bất tranh nhân, lưu thủy bên trái, lưu thủy bên phải, lưu thủy bên ngoài, lưu thủy bên trong, một đời lưu thủy mà không lưu thủy, một kiếp cờ tranh tiên mà không tranh tiên, thổn thức bồi hồi.