Dường như tôi đã có một lần, một đôi lần và chợt nhớ rất nhiều lần
đứng ngổn ngang ở cái bến bờ sầu đau biên giới. Vì sao, không hề biết.
Vì đâu, không hề hay. Ở nơi hun hút cô đơn, êm đềm nắng gió, chót vót
đỉnh đèo tâm hồn trống trải, vô lối; ở cái điểm trong suốt trong veo
ấy, cái không gian mênh mông miên man ấy, cái cảnh đìu hiu mông quạnh
kỳ ảo ấy, chợt ngẩn ngơ biết ra rằng, tôi vẫn còn một quê nhà mộng
tưởng yêu dấu, một quê xứ ngoảnh lại nghìn trùng, một quê hương rụng
rơi đôi ba nốt nhạc. “ Ngừng đây soi bóng bên giòng nước lũ/ cầu cao
nghiêng dốc bên giòng sông sâu/ sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời/
một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa” ( Phạm Duy). Rồi tôi chợt
nhớ những câu thơ đậm chất đường thi ; “ sóng gợn Tràng Giang buồn
điệp điệp/ con thuyền xuôi mái nước song song/ thuyền về nước lại sầu
trăm ngả/ củi một cành khô lạc mấy dòng” ( Huy Cận) . Hoặc nhớ :
“người đi chưa hết hương sầu lữ thứ/ hồn theo cánh gió quên tình xa
xưa/ tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa/ Mộng về đêm đêm khát vừng
trán ngây thơ”. Ngẫm đi nghĩ lại, những kẻ lang bạt kỳ hồ, không một
nơi chốn để trú tấm thân ma dại trong những đêm đông lạnh lẽo, những
ngày hạ chói chang vẫn thường có một trái tim mặn mà, nồng nhiệt với
đời sống. Bởi trong sâu thẳm của những giấc mơ não nùng vẫn ươm mầm,
cựa quậy một hình bóng để tưởng nhớ mông lung, một cố xứ qui hồi. Hoặc
là hình bóng mẹ già lui cui bếp lửa tàn canh. Hoặc là em thơ ngơ ngẩn
cánh diều đồng rạ tháng năm. Hoặc là hình ảnh giai nhân tương tư huyền
hoặc trong vườn hoa thơm hương ánh trăng lếnh loáng. Và “ em đến bên
tôi một chiều khi nắng phai rồi/ nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới/xa
xa thoáng đàn trầm vô tư/ đâu đây dáng huyền đền duyên mơ/bên cầu biên
giới/ tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi/ sông nước xa xôi/ mây núi
khắp nơi không tỏ một đôi lời”. Cái khoảnh khắc chốc lát hoàng hôn nhớ
mong yêu kiều vô tư rộn ràng ấy cũng nhanh chóng qua đi, để người
nghệ sĩ hướng về thực tại sầu thương bi lụy, như là “ ôi giấc mơ
qua/mộng đời phiêu lãng giang hồ/ sống trong lòng người đẹp Tô Châu/
hay là chết bên giòng sông Da-nube/ những đêm sáng sao”. Và những câu
hỏi thăm thẳm muôn đời lại quay về trí não. Tôi từ đâu sinh ra ? Cớ
sao lại sinh ra tôi ? Tôi sẽ đi về đâu ? Cớ sao tôi lại ở nơi đây ?
Vào lúc này ? Cớ sao tôi lại ở cửa ngõ ưu phiền sum họp và chia ly ?
Tại sao tôi không nắm giữ được cái đẹp tưoi mãi mãi ? Tại sao tôi lại
cô đơn ? Cớ sao lòng tôi bao nhiêu vướng bận ? Chiếc cầu nào sẽ nối
quá khứ và tương lai của cuộc đời tôi? Chiếc cầu nào sẽ nối cái chết
và cuộc sống của tôi đây ? Và “ lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu/ đâu tiếng
làng xa vãn chợ chiều/nắng xuống trời lên sâu chót vót/ sông dài trời
rộng bến cô liêu/ bèo dạt về đâu hàng nối hàng/ mênh mông không một
chuyến đò ngang/ không cầu gợi chút niềm thân mật/ lặng lẽ bờ xanh
tiếp bãi vàng” ( Huy Cận). “ nhưng đường quá xa vời/hương trời vẫn mê
mải/ lòng tôi sao vẫn còn biên giới/lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây/ôi
dòng tóc êm đềm/ôi bể mắt đắm chìm đời phong sương cũ/chỉ là thương
nhớ/mộng bền năm xưa/chỉ là mơ qua” ( Phạm Duy).
Cuộc đời chỉ là một giấc mơ
Tình yêu và kỷ niệm chỉ là một giấc mơ
Âm nhạc và thơ ca chỉ là một giấc mơ say đắm
Giấc mơ của nỗi buồn nhớ quê nhà mộng ảo mà thôi.
KHOẢNH KHẮC
Có thể giống hoặc
Có thể khác
Một ngày đẹp trời
Người tôi yêu
Trên con đường dài
“ Người đi với anh 30 năm trước
Tên gì nhỉ ?”
-“ Định”
“ Anh ta làm gì, ở đâu ?”
-“ Đã chết”
“ Vì sao thế anh ?”
-“ Bệnh”
Nàng cười
Ngoảnh mặt
Đi
Con đường dài hun hút