Thân tặng các anh Sương, Qui, Thư và Chi Đoàn Đội TNXP tỉnh Tiền Giang
1. Trí nhớ đôi khi phản bội lại chính mình? Không muốn tin nhưng đó lại là sự thật! Lán trại mà Đội Khai thác lâm sản Tiền Giang đóng quân nơi cánh rừng xưa biến mất. Ba mươi năm rồi còn gì! Đường dầu dẫn về chốn cũ trơn bóng thay cho nhịp dằn xóc mù bụi đỏ năm xưa. Tần ngần ngó tìm. Quán lá… Giờ bạt ngàn rừng cao su đang vào mùa xanh lá. Ngoài căn nhà khang trang của văn phòng CT Cao Su Lâm Sao - nơi đã từng tiếp nhận đoàn thầy giáo, học sinh về cánh rừng này làm một chuyến “du rừng” mùa hè năm 1982(1), dọc dài là vườn rẩy tiêu, điều rậm rạp nhánh cành của các hộ dân…Thật mừng cho những đổi thay! Trong cõi bụi bặm nhọc nhằn này, đổi thay - một qui luật tất yếu để cuộc sống đi lên và cũng nhiều mất mát đọng lại. Riêng tôi vẫn tin có chút gì lắng lại với thời gian.
…Đoàn chúng tôi không đông lắm, chỉ hơn 40 người, hầu hết là nam. Gọi là “lãnh đạo” cũng đúng, ba thầy giáo cùng hai học sinh ủy viên chấp hành Đoàn đưa “quân” lên tham gia lao động dài ngày đâu khoảng ba tuần với tập thể đội viên TNXP của Tỉnh (Tiền Giang) đang làm công việc khai thác rừng: gỗ (tất nhiên đã duyệt theo kế hoạch), lồ ô…Vượt hơn hai trăm cây số, từ Thành phố Mỹ Tho, chiếc xe đò 50 ghế ngồi đưa đoàn đến Chơn Thành, rẽ phải chạy vào con đường đất vài chục cây số nữa rồi dừng ở một góc rừng Đồng Xoài , (huyện Chơn Thành , Sông Bé) - điểm đóng quân của đội. Những cậu trai đang học lớp 11, 12 hồ hởi lên xe râm ran cười nói, vỗ tay hát tập thể ầm vang vì lần đầu được một chuyến đi xa. Lại là lên rừng nữa chứ! Bao nhiêu điều lạ lẫm tưởng tượng ra làm ngắn dần cuộc “trường chinh” từ ruộng đồng lên đồi thẳm, dốc cao xa xôi. Đội đón tiếp hết mực thân tình, sắp xếp chỗ ăn ở theo cách sống “ba cùng”. Đồng hương Tiền Giang cả mà! Một dãy lán trại dành riêng cho chúng tôi và chỉ có một ngày nghỉ để học cách chẻ lồ ô do các đội viên hướng dẫn. Tại bãi khai thác kề văn phòng đội, trồng một số trụ vừa tầm người. Đầu trụ đóng, nêm chặt dao chẻ sắc. Dùng thế và lực đẩy mạnh vào dao, chẻ đôi chẻ tư từng thân lồ ồ. Đoàn được chia làm bốn tổ hào hứng thao tác làm ra sản phẩm, cột bó lại đủ số lượng. Sau đó chất lên các chuyến xe chở về điểm nhận hàng của TNXP tỉnh nhà. Chỉ là lao động giản đơn, còn cực nhọc gian nan vào rừng đốn hạ, khiêng vác bở hơi tai mới đưa lồ ồ về bãi khai thác đều do đội viên nông trường đảm trách. Vậy mà các tổ thầy giáo – học sinh sôi nổi thi đua để đạt, vượt chỉ tiêu. Bởi không có niềm vui nào lớn hơn khi biết rõ rằng, bằng lao động hết sức mình mang lại sản phẩm cho đời. Những mái nhà che nắng mưa của bà con quê hương Tiền Giang sẽ được dựng lên từ những thanh lồ ồ, cây gỗ xa tít ở một cánh rừng miền Đông! Bữa cơm chính của anh em trong đội, trong đoàn chỉ có cơm độn, dưa mắm và cá khô, canh rau. Thèm nhất là chất ngọt. Tôi chẳng nhớ “sáng kiến” treo thưởng cho các Tổ do anh, bạn nào đề ra. Nhớ lại vẫn thấy rưng rưng. Tổ nào, tính đến cuối ngày vượt chỉ tiêu giao, quà thưởng một miếng mít chín vàng và hai người tích cực nhất sẽ theo đội khai thác đi rừng. Chỉ thế thôi mà bốn Tổ tranh đua nhau để nhận thưởng không phải vì múi mít thơm ngọt mà để được đi rừng!
2. Phia sau lán trại của đội khai thác là cánh rừng thưa có cái tên rất đẹp, Nha Bích. (tiếc là lúc đó tôi quá vô tâm không dò hỏi căn nguyên địa danh này). Rừng thưa nên thú dữ không còn nhưng các loài bò sát, rắn rít, sâu bọ độc hại ẩn dưới lá mục, dây leo, tàn xanh cổ thụ vẫn nhiều. Bù lại thỉnh thoảng bắt gặp một vài chú thỏ rừng xám chạy băng, sóc đuôi dài nhảy, chuyền cành cao. Những con chim lạ đập cánh bay vù vù…Nhóm học sinh cùng đi rừng được dặn rất kỹ. Các loại lá, trái, nấm không được đụng đến.Tắm những đoạn suối quen…Chỉ các đội viên mới tham gia đốnn hạ lồ ồ, một số cây rừng và phải đúng nơi được phép và đúng kĩ thuật nếu không dễ xảy ra tai nạn. Tuyệt đối không tách đi riêng sẽ lạc sang cánh rừng âm u nguy hiểm khác…Nên công việc đội giao cho nhóm chỉ là phụ chuyển lồ ồ ra đường mòn. Cuối ngày có xe kéo chở đi. Thời gian còn lại trong ngày là đi rừng được tận hưởng cuộc dạo chơi dù trong phạm vi hẹp vẫn đầy lí thú...
Mà thôi, cứ men theo triền hồi ức sẽ trôi tuột cảm xúc mất. Tấm hình từ album sờn cũ vẫn còn khá rõ, mấy sợi mây treo lủng lẳng nhành phong lan thả theo dốc đường mòn trên vai tôi sau một ngày đi rừng. Thời gian đoàn chúng tôi lao động nơi vạt rừng thưa này không nhiều vậy mà đến giờ vẫn tươi xanh kỉ niệm. Tôi kết bạn với Qui, Sương, Thư…những đội viên TNXP tuổi ba mươi đã đậm dáng phong trần. Các anh, mỗi người cảnh ngộ khác nhau vừa qua tuổi hai mưoi gắn bó với màu áo xanh từ buổi đầu thành lập đội. Những con người giàu tâm hồn, yêu lao động và đặc biệt yêu cuộc sống nơi này và cũng rất thích thơ văn, âm nhạc. Gần gũi nhau là thế. Riêng anh Thư, người thấp nhỏ, chơi đàn hay mà còn sáng tác nhạc. Một buổi vào rừng với đội, theo dốc cao, tre mượt ngã ngọn vào nhau làm thành cổng chào tự nhiên. Các anh chăm chút không cho ai chặt phá, đặt tên Cổng Thị Xã. Cách xa đó mà niềm yêu quê vẫn đườm đặm nơi các anh. Từng nhát cưa, rìu, rựa chặt, nghiến sâu dần vào thân cây rừng để làm ra nhiều, thật nhiều Ster gỗ (cách tính khối lượng gỗ bên kĩ thuật), lồ ồ cho quê và người sông Tiền. Từng chuyến xe chở sản phẩm về khi đến Ngã ba Trung Lương để vào Thành phố Mỹ tho làm sao không qua cổng ngõ yêu thương Cổng Thị Xã Mỹ Tho. Và kia, ngọn đồi nhỏ nghiêm trang mấy hàng bông đỏ tốt tươi cũng do các anh mang về từ rừng trồng, chăm sóc mang tên người đội viên gặp nạn đã chết khi đi rừng, đồi Nguyễn văn Chức…Dòng suối chảy ngang cánh rừng đem lại nhiều thỏa thuê khoái trá. Tắm mát và làm ấm người bằng ly rượu đế bất ngờ. Những nhành phong lan trữ tình hái cho bằng được dù mấy độ cao để làm đẹp lán ở, làm quà hiếm khi về phép. Những đêm trăng. Lửa nổi lên. Sương rừng đêm chỉ làm xích gần nhau thêm. Màu trăng như bừng sáng theo ánh lửa bập bùng. Nhịp vỗ tay nhịp nhàng cho bài ca thương nhớ…Thấm vào tôi, vào tâm tư chẳng biết lúc nào khó mà phôi phai.
3. Đi rồi mới viết. Sống rồi hãy viết. Các bậc lão thành cầm bút, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao chỉ đường , Tô Hoài căn dặn, Sống kỹ. Tôi thì mái trường, bục giảng níu chân vẫn cố tập tành, tìm cơ hội Đi. Như lần này cùng đoàn học sinh lên rừng thẳm. Sống là yếu tính của bản thân người viết. Đi và Sống từng phút giây, từng phút giây một. Nhận thức là như thế. Cần giục gọi, kêu mời xúc cảm mới là chính. Không ai khác- niềm đam mê sáng tạo nơi chính mình dẫu đôi lúc bị chi phối của một chặng lịch sử nhiều khó khăn… Tôi vẫn viết, những hình ảnh thực, chi tiết đời mang màu lãng mạn bằng tâm thành của mình. Và bài thơ “Bài ca người thợ rừng” ra đời.
Tôi hay các anh, những người đội viên, ngắm chiều xuống mênh mang nông trường cho nỗi nhớ trào lên. Tre mượt mềm/ mái tóc người yêu? Khúc dạo đầu đã có. Thật đã sao! Đậm đà như sương/ Chiều dần xuống trên Nông Trường Nha Bích…Tre mượt mà tóc em xanh buông…Nhưng phải thực với các anh, những người mang áo xanh xung phong, tình nguyện lên rừng, đến với gian nan, thếu thốn tiện nghi đời thường. Thước đo phẩm giá con người chính là lao động, là những giọt mồ hôi và cả máu thấm vào đất, vào rừng vào gỗ, vào những thanh lồ ô tóe tươm…cho mái nhà, mái trường cho sự sống, bình yên của con người. Hiện thực ấy nấp sau hồn thơ, ẩn trong xúc cảm. Hãy khơi mạch. Tôi viết:
Những chàng trai áo xanh/ Lấn sâu mở đất, mở đường/ Tay rìu, tay rựa vung lên…Bài ca người thợ rừng/ Cứ thế mà nối tiếp…Đồi Nguyễn văn Chức/ Máu anh thắm đỏ/ Những ster gỗ, lồ-ô…/ Thắm đất, vào đá, vào rừng/ Chồi non bật mình vươn dậy…
Năm năm các anh trãi bước nhiều vùng, lắm nơi. Với nông trường này thì chưa tròn năm. Thành phố, hàng me, con đường, người yêu thương…Mỹ Tho yêu dấu, sóng sông Tiền thân thương cứ âm vang không thôi trong các anh. Nói thay các anh hay cho chính tôi? Từ Gò Công rồi Vĩnh Bình, Chợ Gạo chuyển về Nguyễn Đình Chiểu mới vài năm, nơi sân trường có dãy ghế đá ngóng chờ, hàng điệp vàng bay lả bông vàng…
Lại có tên/ Cổng Thị Xã/ Em nghe qua chớ cười –sao mà lạ/ Làm gì có sông Tiền nơi đây.../ Không sông Tiền vẫn có nơi đây/ Trong lòng các anh đêm ngày…
Em vừa cụ thể vừa mơ hồ. Biểu tượng chói bừng đầy hấp lực. Còn gì mãnh liệt, đắm say hơn nữa. Tôi không muốn là kẻ ngụ cư nơi cánh rừng Nha Bích này, chỉ muốn hòa lẫn vào niềm yêu đắm đuối Em như yêu cuộc sồng bình dị của các anh- người mang màu áo xanh rừng đang tận tâm lực hiến nguyện cho Đời…
Trái tim người thợ rừng vẫn thở/ Hồng hào một tình yêu/ Nắng sớm,/ Mưa chiều/ Đo lòng anh từng thước gỗ./ Em ơi, em hãy nhớ/ Anh yêu rừng như thể yêu em!
Một bài viết cũ, tôi gọi đó là “thu hoạch” từ thực tiễn cuộc sống. Đi, Sống và lòng luôn xôn xao.
Năm 1984 tôi gởi bài thơ gởi đăng trên tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang số 16 với bút danh thời còn là anh SV Văn Khoa Sài Gòn, Văn Nhược Ba. Nhà thơ Chế Lan Viên trong dịp đến giúp Hội VHNT Tiền Giang ở mảng sáng tác đọc bài thơ có nhận xét: “Bài thơ đứng được là nhờ nhiều chi tiết thực…”. Tôi hiểu, người cầm bút hàm ơn chốn đời tạm, sống thở theo nhịp đời nhưng không thể tạm mà hãy để cuộc sống thực sự chiếm lĩnh cõi tâm hồn. Cảm hứng cũng từ đó với nhiều đòi hỏi cần phải vượt qua. Tài năng. Văn hóa đắp nền tri trức…Bản lĩnh và thách thức. Hãy biết mình. Tôi từng nhủ với tôi như vậy. Người bạn đội viên mê nhạc, tên đầy đủ Hoàng Anh Thư đã đưa bài thơ mà tôi viết về các anh và cánh rừng Nha Bích vang xa hơn. Anh chọn những khổ thơ giàu nhạc điệu phổ thành một ca khúc vào cuối Đông 1982 (2). Hội trường Tỉnh ấm cúng buổi họp kỉ niệm ngày thành Đội TNXP, tôi vẫn tiếc mãi không về dự được vì khi chuyển công tác về Đồng Nai mất “kết nối” với các anh khá lâu dù đôi lần có về qua Mỹ Tho, ngang qua nơi “xuất quân”, đường Hùng Vương trường Nguyễn Đình Chiểu, những thầy giáo trẻ cùng đoàn học sinh rộn ràng, xăng xái lên đường. Chỉ nghe nói lại, ca khúc được hòa âm, phối khí ngân lên giai điệu mượt mà. Bài hát được khen nhiều. Chừng ấy thôi sao mà ấm lòng, ấm tình đồng đội, đồng điệu về những ngày…
”Chiều xuống trên công trường đậm đà hơi sương mênh mang cánh rừng. Chập chờn giấc ngủ đêm đông. Sau ngày lên rừng. Đêm trăng bập bùng Rộn ràng hát bản tình ca…” (3)
3. Không buổi chia tay nào lạ như vậy. Một đêm thức với các anh vẫn như chưa trọn hết tâm tình. Đoàn đã lên xe lỉnh kỉnh với những giò phong lan. Quà của Nha Bích, tình của các anh. Hẹn gặp lại ở Mỹ Tho. Ơi Mỹ Tho, sông Tiền…Xe nổ máy, lăn bánh mấy lần cũng mấy lần trì níu. Tay buông giã từ mà chẳng chịu rời. Cứ như là Thúc Sinh chia biệt Thúy Kiều. Anh Sương còn tập kiều nữa chứ. Người lên xe, kẻ lại rừng/ Đường mù bụi đỏ xin đừng quên nhau. Siết chặt nhau lần cuối. Xe dần lăn bánh và xa dần, hút dần… Vâng, người đi mà lòng ở lại cho tôi cảm hứng viết bài thơ “Quê nhà rừng xanh” còn mang chất phong trào nhưng chân tình.
QUÊ NHÀ RỪNG XANH
Chúng tôi về lại nơi đây
Khu rừng Nha Bích. Mưa bay một chiều
Lá ngàn muôn lá như reo
Chim muôn rộn rã, dốc đèo ca vang…
*
* *
Về đây chẳng phải chơi rừng
Chúng tôi về hiến sức mình đang xuân
Quần xanh áo trắng thư hương
Đổ mồ hôi để quê hương đẹp giàu
Đẹp màu gỗ mới nhà cao
Cao su vươn dậy mùa sau lại rừng
Bữa cơm dưa muối ta cùng
Vẫn dào dạt suối thắm tình anh em
Trăng vàng dầu sáng hơn đèn
Sao bằng ngọn lửa trong tim cháy tràn
Phong lan tươi nở dịu dàng
Đời vui như thể mùa xuân đến rồi!
Lời còn ngọt thắm bờ môi
Buổi chia tay đẹp nụ cười chúng ta
Sông Tiền- Nha Bích nào xa
Bởi tình kết nghĩa một nhà từ đây
Công trường tuổi trẻ hăng say
Mái trường, trang sách hẹn ngày nở hoa
Tay nào chào vẩy chia xa
Lòng xin ở lại quê nhà –rừng xanh.
Nha Bích, 1982
VĂN NHƯỢC BA
Bài thơ sau này được đưa vào Tuyển thơ “Nhan Sắc một dòng sông” Hội VHNT Tiền Giang (4) với sự góp mặt của nhiều nhà thơ lớp trước hoặc đang học tập, công tác tại Tiền Giang: Xuân Diệu, Bảo Định Giang, Lê Hà, Nguyễn Gia Nùng, Hưởng Triều, Phan Cung Việt, Lê Ái Siêm, Võ Tấn Cường, Võ Phúc Châu…
Chắc một điều tôi sẽ gặp lại các anh. Những Sương, Qui, Thư…các bạn đội viên TNXP, đoàn viên thầy giáo, học trò Hữu Dũng, Thanh Sơn, Minh Trí, Quốc Việt…để cùng ôn lại thời tuổi trẻ yêu rừng, yêu cuộc sống như thể người yêu thắm thiết của mình. Với tôi, những ngày ngắn ngủi ở vạt rừng miền Đông mãi lấp lánh trong miền kí ức khi miên man hồi tưởng. Bởi từ cuộc sống, từ cánh rừng Nha Bích tôi có những xúc cảm thật với mình nhất.
Gia Ray đêm, 18/ 3/ 2013
(1) Năm 1982, Đoàn trường THPT Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho kết nghĩa với Chi Đoàn Đội Khai thác lâm sản TNXP tỉnh Tiền Giang. Mùa Hè năm ấy đoàn gồm 40 thầy giáo, đoàn viên HS lên tham gia lao động ở Nông trường Nha Bích, Đồng Xoài, huyện Chơn Thành- Sông Bé.
(2), (3) Ca khúc “Bài tình ca người thợ rừng” – Nhạc Hoàng Anh Thư, phỏng thơ Văn Nhược Ba, tháng 12/1982.
(4) Tuyển thơ Tiền Giang tập II, Hội VHNT Tiền Giang, 1985.