Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.148.562
 
Huy Phương – Nhà Thơ, và Thơ Huy Phương
Trần Trung Thuần

 

 

 

 

Huy Phương, tôi giới thiệu với bạn, Huy Phương là Nhà Thơ.  Nhà Thơ Huy Phương.  Bạn có thể gọi anh ấy là Thi Sĩ, Thi Nhân, Thi Gia…gì, thì cũng được.  Huy Phương là một người-làm-thơ và có hơn một tập thơ được xuất bản rồi…

 

Tôi thích hai chữ Nhà Thơ vì tôi liên tưởng đến Nhà Nông – người làm ra lúa gạo.  Lúa gạo người này làm ra “ngon” hơn lúa gạo người khác, nhưng đều là lúa gạo để làm no con người.  Huy Phương, nhà thơ, vì anh làm Thơ.  Theo tôi, Thơ Huy Phương Hay!  Thơ Huy Phương làm tôi bâng khuâng, thao thức, trăn trở…và thấy mình khỏi cần phải tâm tình thêm với ai bằng những lời mình phải uốn lưỡi, qua Thơ của Huy Phương…tôi thấy trái tim mình đang đập và tối cảm thấy ấm áp.

 

Người ta biết Huy Phuơng nhiều ở tư cách Nhà Văn của anh ấy.  Năm 1960, tại Sài Gòn, Huy Phương là nhà thơ với tác phẩm Mắt Đêm Dài.  Có thể trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, chế độ Cộng Hòa chưa vững vàng, thơ văn chỉ là tiếng vọng trong sa mạc.  Tập thơ Mắt Đêm Dài, tác phẩm thơ đầu tiên (chắc không phải đầu tay) không được “đắt hàng”, Huy Phương chưa là một tên tuổi.  Cũng có thể hồi năm đó, tác giả còn quá trẻ và có một “đời sống” thầm lặng?  Tôi nghĩ thế và biết có nhiều tác giả như anh – chưa được mặn mòi của dư luận.  Hồi đó, người làm văn học nghệ thuật tuy có nhiều nhưng bè phái cũng nhiều.  Ai không có  “băng, nhóm” thì không có tiếng vỗ tay…Hồi đó xuất hiện trên văn đàn, rải rác, là Hiện Tượng.  Và những Hiện Tượng thì nổi ở Sài Gòn chớ không nổi ở các Tỉnh Lẻ.  Nếu như nhà văn Nguyễn Thị Hoàng không “bị” Bộ Quốc Gia Giáo Dục thuyên chuyển từ Đà Lạt về Sài Gòn dạy học và không được Tạp Chí Bách Khoa đăng tải nhiều kỳ tiểu thuyết Vòng Tay Học Trò…thì không ai biết có một Nhà Văn Nữ…rất là Nữ!  Năm 1960, tôi đã “lớn”, đã vào đời, đã mua nhiều sách báo đọc bằng tiền mình làm ra, Huy Phương tôi không thấy, hay có thấy thì không quan tâm đặc biệt.  Hồi đó rộn ràng, ồn ào các trường hợp Phạm Công Thiện, Nguyễn Văn Trung, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Hoài Khanh, Viên Linh, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Kim Tuấn, Phan Bá Thụy Dương…Huy Phương có sách xuất bản mà sao lại im lìm?  Tôi, bây giờ, thấy mình có lỗi phần nào.  Ờ nhỉ, tôi chỉ là người đọc sách báo thôi, tôi đâu phải nhà phê bình! Quá nhiều năm đã trôi qua…Khi đến Mỹ, kể từ sau năm 1989 nhiều năm, tôi mới đọc Huy Phương…mà không phải đọc Thơ, chỉ đọc Văn của anh!  Trong lòng tôi, quá khứ kể từ cái mốc 30 – 4 – 1975 về trước, tôi không biết gì về Huy Phương!  Cái lỗi của tôi là không biết Huy Phương trong một quãng thời gian dài.  Chắc chuyện này không riêng mình tôi, ông Võ Phiến, Nguyễn Đình Tuyến, Trần Tuấn Kiệt, Phạm Thế Ngũ…những nhà bình phẩm văn chương, có sách “biên khảo”, cũng đâu có “đá động” gì tới tác giả Huy Phương!  

 

Nhưng…

 

Tôi đang nói về Huy Phương đây!  Trước mặt tôi là tập thơ mới toanh của ông: Thơ Huy Phương Chúc Thư Của Một Người Lính Già do nhà Nam Việt ở Irvine California xuất bản năm 2013.

 

Tôi nâng niu cuốn sách.  Cuốn sách không năng tay lắm sao năng quá cả lòng tôi!  Cả tập thơ chỉ dày 120 trang, 98 bài thơ, đa số thì dài, nội dung có đầu có đuôi, không “cô đọng”, chẳng “triết lý”, bình thường như hơi thở ra rồi hít vào, rồi lại thở, đôi lúc cũng nghẹn ngào.  Thơ Huy Phương là thơ Huế, cho người Huế ngậm ngùi, cho người Huế rưng rưng…Tôi không thấy anh “nổ” hay “trầm lặng” làm duyên làm dáng chút nào…

 

Thơ…thường là Thơ Tình.  Tình, không tình nào thắm thiết và “nhiều chuyện” cho bằng Tình Trai Gái.  Huy Phương có thể là nhà thơ không đươc quan tâm hay đước nhớ đến vì anh làm Thơ Tình…không giống ai!  Xin dẫn ra đây một bài, không đọc thì cũng chẳng sao mà ngó mắt tới, đố ai không…tư lự.  Một mối tình rất hiếm để gọi là “điển hình”, để nhân nó lên hằng hà sa số.  Cũng có thể vì đây là Tình Sửng Sốt trong một cảnh ngộ hơn là một cảnh tình.  Tôi muốn nói về Tình Thầy Trò.  Huy Phương một thời dạy học trong thời chiến, học trò của Huy Phương đương nhiên là nhỏ tuổi hơn Thầy.   Một hôm nào đó, Thầy “bị động viên”, Thầy xa trường, xa lớp, xa học trò…Học trò rồi khôn lớn lần theo từng niên học, tới tuổi Lính chưa có việc làm để hoãn dịch thì phải nhập ngũ theo yêu cầu của quốc gia. Cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến dai dẳng nhất thế giới.  Cuộc chiến phân tranh ngày xưa giữa Trịnh Nguyễn kéo dài những sáu trăm năm… Cuộc chiến chống Pháp kéo dài gần hơn nửa Thế Kỷ.  Cuộc chiến phân tranh Quốc Cộng gần nhất, 1954 – 1975 cũng kéo dài hai mươi năm!  Quy định tại ngũ, chế độ quân dịch ban đầu thì mười hai tháng, lên mười tám tháng, lên ba mươi sáu tháng, lên hoài thôi, sau 30 tháng Tư bảy lăm cũng không cho giải ngũ.  Nay ai tự nhận mình là Cựu Quân Nhân, nghĩ lại đi, kỳ cục vô cùng!  Người Lính, căn bản / cơ bản là người Trẻ Tuổi.  Chiến đấu và chết trận ở tuổi trẻ.  Phải sống thì quá nhiệm kỳ là phải được Chính Phủ cho lệnh giải ngũ.  Thế mà nào ai giải ngũ đâu!  Tàn cuộc binh đao phải cam phận tù binh rồi ra khỏi trại tù…phải sống tiếp tục với cái danh là Lính Chế Độ Cũ, lúc nào cũng bị “dòm chừng”..  Và tuổi già, tất  yếu là…Đương Nhiên, khỏi cãi cọ, thành Người Lính Già, tủi ơi là tủi!  Không quốc gia nào sử dụng Lính Già!  Chỉ có cái nước mình, gọi Cái-Nước-Mình muốn khóc, nó bắt mình làm Lính Già.

 

Thầy trò ở Lính gặp nhau, đã lạ.  Rồi vào tù cũng gặp nhau.  Rồi tha hương tránh mấy cũng chạm mặt!  Tất cả đều tàn tạ, suýt soát nhau chẳng bao nhiêu.  Ngay như tôi với Huy Phương, đi lính cách nhau tám khóa, năm năm mưa nắng hai mùa, vậy mà bây giờ…không ngờ ngó nhau buồn hiu!  Cả hai đều còn Lính!  Cả hai chưa có một ngày xếp áo quần thấy mình là người thong dong…

 

Bài thơ dưới đây, Huy Phương làm cho học trò của anh thưởng thức, tôi cũng có phần chia sẻ nỗi niềm, nghĩ chẳng sướng sao!  Mời bạn đọc nhen:

 

Dạ Thưa Thầy Thầy Còn Nhớ Em Không?

 

Quê Hương xưa từ những ngày chinh chiến

Thầy trò ta vội từ giã ngôi trường

Thầy từ đây đã rời xa bục giảng

Trò làm thân chiến sĩ của mười phương!

 

Rồi Thầy Trò cùng chung màu áo trận

Đời chiến binh ai ngỡ buổi tương phùng!

Từ thế nghiêm trò dơ tay chào kính:

“Da thưa Thầy, Thầy còn nhớ em không?”.

 

Gặp vận nước buổi rã rời tan nát

Thân tù đày nơi nước đục rừng thiêng

Bó nứa nặng trên đường qua suối cạn

“Dạ thưa Thầy, Thầy còn nhớ em không?”

 

Giờ lận đận ở quê người phiêu bạt

Tóc bạc phơ ngày tháng nặng lưng còng

Buổi hội ngộ nghe muốn trào nước mắt

“Dạ thưa Thầy còn nhớ em không?”

 

*

 

Dẫn ra được bài thơ Thầy-Với-Trò trên đây của Huy Phương, tôi thật tình cám cảnh mình không ít.  Tôi dạy học trò, năm cuối cùng 1974-1975 ở trường con gái, mười hai niên khóa trước có gái có trai.  Ngày tôi vào Cải Tạo thì có nhiều em cũng ở chung với tôi, Thầy Trò một cấp bậc, một lán trại, một thèm thuồng trời xanh bao la…Học trò gái không bị tù nhưng gặp ở cổng trại thăm nuôi, các em đi thăm người thân, tôi cũng được tình cờ nghe tiếng “Ô Thầy!” .  Tôi ngoái nhìn, bàn tay dễ thương ai vẫy kia kìa.  Cây rừng um tùm, gai góc lung tung, tóc học trò tôi bay vướng lá này cành nọ.  Thương quá mấy em ơi!  Phật nói rất đúng:  Thế Giới Chúng Sinh là Cõi Ta Bà!

 

“Tóc bạc phơ, ngày tháng nặng lưng còng…”, nghe sao mà xót xa!  Học trò và Thầy ba mươi tám năm rồi, đầu ai cũng bạc…”Dạ thưa Thầy…”, như một giấc mơ, vậy mà Trời ơi lại rất hiện thực!

 

*

 

 phần trên tôi có nói Huy Phương là người Huế.  Anh sinh trưởng ở Huế.  Đầu đời Huy Phương dạy học ở Quảng Trị, tỉnh địa đầu giới tuyến, giáp ranh phía Bắc của Huế, đường đi lại cũng gần…Anh xa Huế khi anh vào lính rồi làm những công việc của người phóng viên tại Sài Gòn, nhưng lòng anh là lòng Huế, xa Huế là anh nhớ, xa Huế là anh thương.  Những năm anh ở quê người, Huế như từng khúc ruột quặn trong lòng anh.  Tôi không rõ gia cảnh anh ra sao, nhưng đọc thơ anh thấy anh nặng tình với Huế lắm, chắc chị cũng là người Huế…nên anh lãng mạn nhân đôi?

 

Đây một bài thơ “đặc trưng” Huế của Huy Phương, ai đọc mà không cảm, ai đọc mà không nao nao lòng…thì “tui chết liền” à nha!:

 

Nhớ Huế

 

Mùa này nước Hương Giang có mặn

Muối đại dương có thấm vào sông?

Từ ngày anh đoạn tình bỏ Huế

Nguồn xa đã lạc mấy trăm dòng!

 

Mùa này Huế còn mưa tầm tã

Thương quê xưa vẫn nỗi đói nghèo

Anh ở nơi này vùng nắng ấm

Vẫn nhớ hoài đời Mẹ gieo neo.

 

Mùa này quê có còn bão lụt

Chén cơm em còn độn sắn khoai?

Trên tiệc rượu người con xa xứ

Men nồng nào lẫn nước mắt cay.

 

Mùa này Huế có còn phượng đỏ

Tiếng ve nào gọi nỗi buồn xa

Nơi này cả một trời hoa tím

Nhớ em xưa tiếng guốc học trò.

 

Mùa này Huế có còn áo trắng

Em hiện thân làm bướm tan trường

Thương ngày tháng một thời niên thiếu

Huế bây giờ - Huế đã mù sương!

 

Huế của tôi giờ đâu còn nữa

Cảnh vô hồn khuất nẻo người xưa

Hồn cổ tích Hoàng Thành hoang phế

Tiếng chim khuya gọi bóng trăng mờ…

 

*

Hai câu cuối của bài thơ trên…tôi cứ chép sai hoài.  Mắt tôi mờ.  Mờ thiệt rồi sao?  Một nước non cẩm tú thì dẫu tang thương vẫn cứ còn cẩm tú, nhìn theo kiểu mình,  nhìn theo kiểu người, khó có cái nhìn chung…Mỗi người nhìn riêng với một tấm lòng riêng, biết sao bây giờ!  Có thể khi thành một Trung Tâm Du Lịch, nhiều năm nay, Huế thay đổi bộ mặt âu sầu, nhưng trong gan ruột của Huế vẫn còn cái mầm bệnh ung thư lịch sử!  Bề ngoài là son phấn.  Bề ngoài là phồn vinh!  Cái giả tạo chửi cha cái thật tình.  Cái thật lòng thì câm nín thiên thu!  Phương Xích Lô là một thi sĩ ở Huế, chuyên đạp xich lô kiếm sống, đã từng đạp xe ra Đồng Hà, phía Bắc Huế không xa, cảm ứng chứng minh cho chúng ta một thời đại rất ngộ nghĩnh:  Cơ quan chức năng nào cũng treo câu biểu ngữ của “Bác Hồ” Khyo6ng-Có-Gì-Quý-Hơn-Độc-Lập-Tự-Do mà đều mang cái bản mặt hướng ngoại.  Độc Lập Tự Do chỉ là nụ cười méo mó.  Một cái-gì-đó dị hợm, true ngươi, xứng đáng cho sự xấu hỗ!.  Tất cả sự sống nằm trên sự lệ thuộc nước ngoài.  Ngọn gió cũng từ Ai Lao thổi qua…

 

Thị trấn của tôi dùng toàn đồ ngoại

Đến gió kia cũng…vay của nước Lào!

 

Huy Phương mãi mãi nghĩ về Huế, hướng về Huế với tấm lòng chung thủy.  Tôi lau mắt lần nữa chép lại hai câu cuối của bài thơ Nhớ Huế của anh:  “Hồn cổ tích Hoàng Thành hoang phế, Tiếng chim khuya gọi bóng trăng mờ!”.  Ôi, câu đó sao giống câu thơ mở đầu bài Tần Hoài Dạ Bạc quá chừng ri:  “Yên Lung Hàn Thủy Nguyệt Lung Sa”, khói bay nước lạnh bóng trăng mờ…

 

*

Tôi suy nghĩ lung lắm:  Mình viết một bài “luận” về tập thơ của Huy Phương CHÚC THƯ CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH GIÀ mà sao bài này, bài Chúc Thư in ở các trang 6,7 và 8, tôi không dẫn vào đây, coi như một điểm tựa cho những lời tồi bàn, tôi bình về thơ Huy Phương?  Tôi suy nghĩ thế để thành câu hỏi cho việc tôi làm là tự thấy mình chỉ làm cái việc cỡi ngựa xem hoa không hơn không kém, phải không?  Chắc chắn là tôi hết còn sức để nói về thơ Huy Phương.  Chỉ cần hai bài, tôi quặn thắt lòng mình, thêm nữa thì chắc lòng tôi đau đớn vô cùng.  Thơ Huy Phương Hay kỳ lạ!  Thơ Huy Phương vùa vuốt ve người đọc nó vừa nghiến răng cào xé người đọc.  Vậy mới “đã đời” chớ nhỉ!  Tôi cất dành đọc thơ Huy Phương từng ngày, từng ngày. 

 

Và tôi xin dừng bút ở đây.  Mong bạn đọc nào thương thơ, nghĩ tới người làm thơ, tìm mua tập thơ ấy mà đọc…

 

 

 

Trần Trung Thuần
Số lần đọc: 1991
Ngày đăng: 25.03.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chóe, nhà hí họa bút sắt số một Việt Nam - Ngô Nguyên Nghiễm
Nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm: một thời khai phá và những người đồng hành - Lương Thư Trung
Bửu Chỉ , tiếng vọng một đời người - Đinh Cường
Wilbert Rideau : KẺ TỬ TỘI THẤT HỌC TRỞ THÀNH MỘT CÂY BÚT LỪNG DANH - Phan Bá Thụy Dương
Tự Truyện Osho 12 – hết - Đỗ Tư Nghĩa
Tự Truyện Osho 11 - Đỗ Tư Nghĩa
Tự Truyện Osho 10 - Đỗ Tư Nghĩa
Thái Tuấn Nghệ Sĩ (1918-2007) - Nguyễn Xuân Sơn
Tự Truyện Osho 9 - Đỗ Tư Nghĩa
Tự Truyện Osho 8 - Đỗ Tư Nghĩa
Cùng một tác giả