Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.240
123.154.363
 
Đọc 'Ngậm thẻ qua sông' của Phù Hư
Nguyễn Ước

 

 

 

 

 

 

1

'Ngậm thẻ qua sông'  do Hội Nhà văn xuất bản vào đầu năm 2013, ngoài phần thơ còn xen kẽ các phụ bản, gồm 4 ký họa của Trần Đạt, Nguyễn Tuấn, Bùi Ngọc Tư, tranh bìa cùng hai bức nữa của Nguyên Lý (Quỳnh Bích Châu), và hai bản phổ nhạc, một của Vũ Ngọc Giao, một của Châu Đăng Khoa.

 

Tập thơ mỏng, trang nhã. Mười chín bài, viết theo thể trường đoản cú (hai bài), lục bát (chín bài), bảy chữ cổ phong cách tân (bốn bài), tám chữ phá cách liên vận hay cách vận (bốn bài). Bài sớm nhất có ghi thời điểm sáng tác năm 1972; bài trễ nhất có thể là đoản thi in đầu tập 'Nghĩ về thơ', hẳn mới được viết gần đây. Như thế, tuy là tập thơ đầu tay, 'Ngậm thẻ qua sông' thật ra có hơn bốn chục tuổi đời.

 

2

Cảm tưởng đầu tiên, thơ Phù Hư mang phong vị cổ, 'mây ngâm úng nước chiều trời /chuông xô tháp nhọc nặng lời chia tay/ ở lâu nhà phố ngủ lầy/ nhạc phao tin ngựa rong đầy phố câm' (Ngưa ô vong). Hoặc 'ngàn năm biên ải giữ oan hồn/ lá rừng xô gió núi sông xương/chết phơi khí tiết vô danh sĩ/chết đắng cay ma núi ngậm hờn' (Quân bộ khúc, 1973). Thế nhưng trong hơi hướng cổ của những câu thơ vừa trích, cùng với những câu thơ khác suốt tập, chan chứa hình ảnh lạ và đắt, phong cách diễn đạt cá biệt, mang tính sáng tạo với nỗ lực tìm tòi cái mới và con đường riêng của một thi sĩ, dù lúc viết chúng ra, tuổi anh chỉ vừa qua ngưỡng hai mươi, 'mặt thâm hiểm quá răng trắng nhởn/biên giới xế chiều như cõi âm/cây che mù mịt vùng lãnh khí/có tiếng ai cười nghe xa xăm' (Quân bộ khúc), hoặc 'rượu vang đỏ máu chim mù/ai đem gan ruột trùng tu tiếng người/tiếng cô hồn khóc trời ơi/nến đêm nguyệt tận thắp đồi cỏ thiêng' (Cung tơ chiều).

 

3

Phù Hư lớn lên trong cuộc chiến vừa qua, và hẳn cũng từng khoác áo lính. Bốn bài thơ viết về đời lính 'Một chân giày', 'Quân bộ khúc', đặc biệt, 'Đồn sơn yễm'‘Ngậm thẻ qua sông', theo tôi, tạo cho Phù Hư giọng thơ rất riêng và chỗ đứng cũng rất riêng của một thi sĩ cầm súng. Trong thế kỷ vừa qua, bỏ sang một bên vô số 'thơ cổ động’ được lưu hành mỗi bên chiến tuyến hay mỗi miền đất nước, có lẽ đếm chưa đầy các ngón tay những thi phẩm đúng nghĩa, ghi sắc nét và đầy xúc cảm về thân phận cùng nỗi niềm của người lính Việt. Ngoài hình ảnh người lính thấp thoáng trong thơ Hữu Loan, Yên Thao, Nguyễn Duy, v.v. và khá đông thi sĩ Miền Nam, ta cách riêng có Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nguyễn Bắc Sơn. Và nay có thêm Phù Hư với mấy bài thơ vừa được chính thức lưu hành. Khác với vẻ hào hùng lãng mạn trong thơ Quang Dũng, tưng bừng quyết chiến trong thơ Hoàng Cầm, đắng cay khinh bạc trong thơ Nguyễn Bắc Sơn, người lính trong thơ Phù Hư cúi mặt cam đành; thân xác bị đẩy vào lửa đạn mà tâm tư xa lạ với trận mạc, hờ hững với nguyên cớ chiến đấu, không than oán cũng chẳng tự hào, cứ thế lầm lũi di hành, sẵn sàng cho phút giây định mệnh, nhưng với tâm thức sáng suốt và phẩm cách của một con người, ‘âm thầm đêm tối gào giữ giặc/nhanh đạn chuyền quanh chống tuyến đầu/gió núi rên oằn băng tiếng pháo/mây tan đường trái phá qua sâu/… rượu hết từ khuya vắng tiếng người/đêm lính trú buồn ham bếp lửa/nhìn nhau kể chuyện vẫn cười chơi/tay hơ than khói khô da thịt/thuốc đốt từng khoanh dấu mặt người'. (Đồn sơn yễm, 1972). Hoặc ‘buổi mới đến cau cao vừa nhú bẹ/em thẹn thùa tôi tưởng thuở bình yên/tôi đâu hay em có nỗi hờn riêng/trông chinh chiến gọi hồn chồng theo gió/một tháng tròn ngỡ như ngày thuở nhỏ/em là em mẹ là mẹ xưa’ (Ngậm thẻ qua sông, 1972)

 

4

Ở đây, tôi không dám bàn về độ cao nghệ thuật của thơ Phù Hư trong 'Ngậm thẻ qua sông' vì tôi nghĩ, giá trị của tác phẩm vốn nằm trong tự thân nó, và đường bay của tác phẩm biến thiên theo độ rung của mỗi người khi đọc đi đọc lại cùng không khí của mỗi thời đại. Điều tôi tiếc là hầu như Phù Hư đã ngưng tiếng thơ của anh sau khi viết ra những bài chính trong tập này, có thể vì kể từ năm 1975, đã xảy ra quá nhiều điều nghiệt ngã cho thơ và thi sĩ. Thế rồi, khi thơ gặp vận mở để có mặt rộng rãi trên các tạp chí thì một chút mặt bằng trên kệ trong nhà sách lại được trân quí hơn thơ, nên độc giả ít có cơ hội chạm tay vào một tập thơ. Ước gì với thành quả của 'Ngậm thẻ qua sông', Phù Hư có đủ hứng khởi cầm bút trở lại, đi tiếp con đường anh đã cho thấy rằng thơ là đầu nguồn của sáng tạo và đổi mới ngôn từ, là hình ảnh của cảm xúc, nhịp điệu của những giấc mộng trong tâm hồn và các thực tại giữa cuộc đời.

 

5

Ghi chú: Phù Hư, tên thật Nguyễn Đắc Ngân, sinh năm 1951 tại Hải Dương. Lúc nhỏ sống ở Huế. Từ năm 1972 định cư tại Sàigòn cho đến nay. Thơ đã đăng ở các báo Khởi hành, Văn, Thời tập, Đúng dậy, Mỹ thuật thời nay. (Ghi theo bìa tập thơ).

 

6

Mời đọc:

NGẬM THẺ QUA SÔNG

Phù Hư

 

thơm lửa hương khoai tiếng hát rừng

ven thôn vừa ghé buổi di quân

khói mẹ sau lều cơm chín tới

nước em chè lá đậm phèn sông

 

tôi đời trận mạc xa quê quán

buổi ghé nương em núp bóng nhà

em nhớ thương chồng đóng đồn ải xa

lâu tin vắng trông mòn đường xóm

tôi ở quá bên hông nhà gió sớm

đợi dùm em tin chinh chiến gời về

 

đêm nay mưa em mắt ngủ khuya

tôi lạnh gió tin địch về vẫn thức

làng em ở gió Lào qua rất độc

ngày mưa mùa khuất núi mù sông

mẹ già mong một mụn cháu đầu lòng

em nhắn gởi bao lần tin vẫn biệt

ruộng vườn em trăng sương ngày tháng Chạp

tôi gác đêm như bóng người rình

tối nay đạn nổ nhẹ mạn sông

sương mỏng quá nhìn hoa ngàn con mắt

tôi giữa đêm nghe mình như thất lạc

thương xóm nhà biết nổ đạn vào đâu

đồng đội tôi ngủ mệt thôn sâu

ngại làm động mẹ ho vừa chợp mắt

tôi nương bóng nhà trăng che khuất

ngồi co mình cho bóng bớt riêng tôi

nhìn xa trăng định trốn sau đồi

sông tiếng bạc dặm buồn như tiếng cú

thức có khuya mới nghe hồn bớt ngủ

mới hay trăng tháng chạp úa quanh đời

nghe em thở não mãi không nguôi

em thở đó hay gió kêu mùa giá

nhà em ở miệt đông xóm hạ

bên triền sông không bến phải vắng thuyền

đầu trăng con nước rất vô duyên

lên mấp mé vườn em vai phơi áo

em rất nhỏ ngày trông vào gánh gạo

mẹ thì già vồn cải với nương rau

bước sau hiên vun mẹ dây trầu

mùa tốt lá xanh hồn tôi mới ghé

buổi mới đến cau cao vừa nhú bẹ

em thẹn thùa tôi tưởng thuở bình yên

tôi đâu hay em có nỗi hờn riêng

trông chinh chiến gọi hồn chồng theo gió

một tháng tròn ngỡ như ngày thuở nhỏ

em là em mẹ là mẹ xưa

tôi lêu nghêu lúc đi sớm về trưa

cơm nửa buổi giữa khuya kêu bụng đói

nhà thưa quạnh tôi gượng vui chẳng nổi

mẹ thẫn thờ em heo bóng trong sân

tôi trận mạc nhầu không kể đến thân

sương nhiều lắm trời không che nằm đất

em vẫn bảo tôi mái tranh không chật

tôi cười xòa xó xỉnh mãi đâm quen

 

tròn tháng rồi đây nhớ không em

hôm từ biệt quanh thôn nhà cửa khép

lúc quân đi chắc em không hề biết

đội tôi ngùi ngùi ngậm thẻ qua sông

còn tôi co ro lạnh mãi gió đông

một lần cuối nhìn nhà em đóng kín

tin chồng em chắc chưa về đến bến

như tin tôi mấy thuở gởi thăm nhà

cũng mấy năm rồi biền biệt phương xa

em còn nhớ một lần tôi ghé ở

thơm lửa hương khoai vùi bếp cũ

hồn em xa lắm cũng quanh đây.

 

1972

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3069
Ngày đăng: 03.04.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tổ ấm tình người trong "thằng hủi" của Vũ Mỹ Dung - Phạm Ngọc Hiền
Thi phẩm & CD Thơ tình Lê Miên Khương: một đóa tinh tuyền - Bùi Đức Hào
Phát triển công chúng thị trường báo chí như thế nào? - Lê Hải*
“Những tâm hồn đồng điệu” – những lát cắt của cuộc sống - Nguyễn Đức Phú Thọ
Người hát rong thời đại - Trần Trung Sáng
MÊ CUNG DƯỚI ĐÁY - Nhật Chiêu
NGƯỜI ĐI GIỮA NHỮNG VÒNG TRÒN SỐ PHẬN - Bảo Trung
CÁCH DÙNG HỌ VÀ TÊN CỦA CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM - Nguyễn Khôi
TRỊNH BỬU HOÀI – TÌM THƠ TRONG NHẬT KÝ - Vũ Trọng Quang
Mấy Vấn-Đề Điểm-Sách - Nguyễn Quỳnh USA
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)