Tháng chạp chưa qua. Tháng giêng đã đến. Ở sơn môn không có lịch, nhưng ở quê nhà, ở vườn mẹ ta đìu hiu sương gió lịch treo đầy đủ. Hoa lịch trong chậu, trong đất nở rộ đầy ngõ. Gió lịch lạnh bấc giêng hai đông bắc âm u. Mưa lịch phất phơ mái tranh vách lá. Trăng lịch một vành treo cửa sổ. Sao lịch nhìn giọt ngấn mắt chờ ai. Lá lịch sầu đông rơi lã chã. Sông lịch sau hè uốn lượn nước thơm dưa cà đậu ớt. Hồ lịch quanh bờ ếnh ương, ếch nhái râm ran. Lịch treo trên vách nhớ người bạn cũ chuốc rượu thơm năm trước năm sau ly biệt, mà ca thán : “ Năm mới đến, năm cũ qua/ mọi người vui vẻ sao ta riêng buồn/ thương mình gân cốt hao mòn/ nào hay ngày tháng cứ vùn vụt đi/ lịch đâu Giáp tý mà ghi/ kẻ thù còn đó đọc gì xuân thu ?/ lòng đà dứt mọi mối lo/ Âu là chống gậy ngao du cho rồi” ( Cảm nghĩ đầu xuân- Nguyễn Khuyến).Lịch treo trên cán bút nhớ cánh thơ tao phùng : “ Cùng nhau giao bái một nhà/ lễ đà đủ lễ, đôi đà đủ đôi/ động phòng dìu dặt chén mồi/ bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa/ những từ sen ngó đào tơ/ mười lăm năm, mới bây giờ là đây” ( Truyện Kiều- Nguyễn Du). Lịch treo trên cánh chuồn chuồn mơ mộng lai rai sớm tối mà bất chợt bất lai: “ Nghe trời đổ lộn nguyên khê/ tiếng vàng rụng rớt gieo về động xanh/ gót chân khơi rộng bóng cành/ nhịp vang đầu núi vọng thành lũy xiêu/ thời gian chắn bước bên chiều/ khóc sông bến lạ mưa nhiều sớm xuân/ cỏ hoa từ bỏ ruộng đồng/ hồn du ,ục cũ xa gần hử em” ( Cỏ hoa hồn du mục- Bùi Giáng). “ Sơn môn không có lịch, chỉ còn trời và trăng mọc rồi lặn. Xuân đến thì hoa nở, đông sang thì tuyết rơi”*. Nhà mẹ ta có lịch. Lịch là trời là trăng là hoa là tuyết. Gỡ một tờ lịch mà suy ngẫm thơ xưa: “ Xuân khứ bách hoa lạc/ xuân đáo bách hoa khai/ sư trục nhãn tiền quá/ lão tùng đầu thượng lai/ mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Mãn Giác Thiền sư) (Xuân đi trăm hoa rụng/ xuân đến trăm hoa cười/ trước mắt việc đi mãi/ trên đầu già đến rồi/ chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ đêm qua sân trước một cành mai). Sơn môn không có tháng giêng, tháng hai, tháng ba, không xếp đặt, không hẹn trước. Mẹ có tháng ngày nắng bay trên tóc, mưa rụng gót chân, mẹ sinh ngày con sinh, mẹ tử ngày con tử. Mẹ xếp ngày trồng hoa, tưới hoa, trồng cà hái quả. Mẹ vô ưu mà bận rộn. Đồng mẹ gặt hái thênh thênh mẹ đi về, vai mẹ thênh thênh gồng gánh mùa màng, mẹ bận rộn mà hồn nhiên sen búp. Được yêu là ruộng là vườn/ bao nhiêu ca hát là con sông đầy/ gió là khát vọng rong chơi/ bao nhiêu thống khổ trên đời-mẹ tôi. Thống khổ mà yêu thương. “ Sơn môn không có lịch. Khách đến thăm cứ đến-không dự trù, không bãi bỏ, đến và đi cùng thiên nhiên”*. Quê hương và vườn mẹ ta treo đầy lịch, để ta soi vào ngày tháng mà thảng thốt hư hao: “Chẳng làm gì được cho quê/ chỉ xin làm cỏ chân đê giữ làng” ( Chỉ xin làm cỏ- Nguyễn Hàn Chung).
( TB: * lấy từ ý của EIDO TAI SHIMANO, Nhật Bản)