Tháng ba, khi lớp sương mù dày đặc trên đỉnh núi tan ra, cái rét sắc ngọt lùi dần nhường chỗ cho những làn nắng mới ấm áp, mấy cây gạo ven đường bung những cánh hoa đỏ chót lấm tấm trên nền trời xanh ngắt. Nương rẫy được phát dọn và phơi khô xong cũng là lúc người C’tu ở Tây Giang bắt đầu mùa đốt rẫy.
Lách tách, lốp bốp... những âm thanh đầu tiên của một mùa rẫy mới vang lên phía dãy đồi nhấp nhô. Từng lọn khói toả ra cùng với âm thanh tí tách của những thân nứa bén lửa và mùi lá khô ngai ngái. Bất ngờ gặp cái tứ thơ "yên hoa tam nguyệt" trong “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” của Lý Bạch:
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
Lòng lại rộn lên một cảm giác thật khó tả. Kỷ niệm từ một thuở học trò xa lăng lắc ùa về ngợp hồn, từ một mùa rẫy nào đó đã qua mà mùi khói còn phảng phất dường như mới chỉ hôm qua, chợt nghe lòng xao xuyến lạ. Ngày đó thầy giáo dạy môn Văn đã cố gắng giảng giải cho chúng tôi nghĩa của câu "Yên hoa tam nguyệt..." Thầy nói nôm na rằng tháng ba, hai bên bờ sông người ta đốt rẫy, khói bay lên trên nền trời xanh nhạt và tác giả đã thi vị hoá nó thành những cụm hoa - hoa khói... Mỗi đứa chúng tôi đã cố gắng chắp nối nhưng vẫn không hình dung ra nó đẹp như thế nào? Giờ tận mắt chứng kiến tôi mới hiểu hết cái hay, cái đẹp của một tứ thơ. Đâu chỉ có Dương Châu với Trường Giang mới làm con người ta ngất ngây với mùa hoa khói tháng ba, núi rừng Tây Giang và sông Avương trong cái màu khói huyễn hoặc ấy thì ai dám chắc nơi nào sẽ đẹp hơn?
Năm nay Tây Giang nắng muộn, sau những ngày dài lê thê, ủ dột trong cái màu xám xịt của đất trời, của mưa phùn giăng khắp lối lại gặp một ngày nắng đẹp như thế này thật khiến người ta cảm thấy nôn nao. Thoát ra khỏi những tấm áo lạnh dầy cộm với cái cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái và lặng lẽ ngắm nhìn đất trời đang đổi thay thì còn gì thú vị bằng. Màu trời như xanh hơn, trong hơn và cao lồng lộng, cây rừng như tươi hơn dưới màu nắng mới. Các mẹ các chị nối bước nhau trên lối mòn lên rẫy, bóng đỗ nghiêng nghiêng trên cái nền xanh ngăn ngắt của đại ngàn. Một nhịp điệu lao động hối hả, rộn ràng cho một mùa vụ mới. Một câu hát vút cao lưng đồi nghe vang vọng cả rừng chiều. Tàn tro bay lả tả vương trên tóc, trên áo...
Lại nhớ về một tháng ba nào đó xa lắm, cái thời mà tôi hãy còn là một cô bé con theo bà ra sông giặt áo. Sông Vu Gia tháng ba xanh trong thấy cả lũ cá luợn từng đàn trước mắt. Bên kia nà người ta đốt cỏ khô, cũng cái màu trời ấy, màu nắng và cả màu khói ấy nó in sâu vào trong tâm trí tôi, tô vẽ cho bức tranh tuổi thơ của tôi thêm một sắc màu mới. Để khi đã đi xa mỗi lần ngồi nhớ lại bỗng thấy cay cay. Và rồi cái tháng ba đầu tiên sau khi tôi đặt chân đến Tây Giang thì bức tranh ấy còn có thêm những âm thanh lách tách vui tai mà tôi có thể nghe được ngay cả trong giấc ngủ. Đã có biết bao nhiêu mùa rẫy qua đi, bao nhiêu lần hoa khói nở rộn lòng tôi nhưng cứ mỗi lần gặp lại đều thấy có gì đó rất mới rất lạ.
Bây giờ gặp lại những âm thanh quen thuộc ấy lòng lâng lâng vui như lâu ngày gặp lại cố tri. Âm thanh ấy, hình ảnh ấy, mùi vị ấy như một phần không thể thiếu trong đời sống của người C'Tu và của những ai đã có một thời sinh sống trên đất Tây Giang. Để mỗi lần thảng hoặc nhớ đến lại nghe nao nao lòng.
Tây Giang, tháng 3/2008.