Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
873
123.196.915
 
Từ phương ngữ Nam bộ đến sáng tạo văn bản thành văn
Hồ Tĩnh Tâm

(Tài sản vô giá của đời sống ngôn ngữ nam bộ)

 

I. VÀI NÉT VỀ ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ NAM BỘ

 

Năm 1974, lúc tiểu đoàn tôi dừng lại bên bờ kinh Cổ Cò, thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang, một buổi trưa, anh Ruộng, trợ lý quân gới gọi tôi:

 

- Này, ra mà xem chị Hai láng sình này!

 

Lúc đó tôi thấy một cô gái đang chèo đò, đã cách chỗ cúng tôi khá xa. Và tôi cứ nghĩ mãi: tại sao lại là chị Hai láng sinh! Mãi sau này, khi có dịp về Rạch Gòi sưu tầm ca dao, tôi mới hệ thống được một số từ trong dân gian: láng sình, làng o, láng bóng, láng lẩy, láng lức, láng coóng, láng mướt, láng te… Nhờ vậy tôi hình dung ra được tính tượng hình của ngôn ngữ. Nói chị Hai láng sình là nói chị Hai vận quần sa teeng, vải nhóng nhánh như sình non dưới nắng. Khi chị Hai vận quần soa xăng ly, bó tròn hai mông thì kêu láng o mới trúng. Láng coóng là chị Hai chặt quần gin, bó chặt tới tưởng gõ vào là kêu coong coong lên được. Tóc chị Hai xức dầu dừa mướt rượt, ắt phải là chị Hai láng nhẩy… Còn láng te thì ràng ràng là không có gì cả. Tuy nhiên, điều đó còn tùy vào ngữ cảnh của ngôn ngữ. Như:

 

Ruộng đồng mặt nước láng te

Một đàn cò trắng bay về kiếm ăn

 

Tính giàu hình tượng cụ thể, có thể là một đặc trưng của ngôn ngữ Nam Bộ. Chẳng hạn: Bánh phồng là bánh nướng phồng lên. Bánh kẹp là bánh dùng kẹp mà nướng. Bánh lá dừa là bánh gói bằng lá dừa. Bánh tét là bánh phải dùng dây mà tét. Bánh xèo là bánh khi đổ nghe xèo xèo. Bánh ít có thể là nói trại từ bánh ếch, vì giống hình con ếch. Ngoài bắc từ tiếng Svont của người Pháp mà gọi là xà phòng, còn trong Nam thì gọi là xà bông, vì khi chà xát thấy nổi bông trắng lốp. Ngoài Bắc gọi mì chính, trong Nam gọi bột ngọt, bởi nó là bột mà ngọt. Miền Bắc gọi dầu hỏa, trong Nam gọi dầu hôi, vì nó hôi. Cứ như vậy mà liệt kê, ta thấy ngôn ngữ Nam Bộ có vẻ như khác hẳn với ngôn ngữ vùng văn hóa phía Bắc. Có người nói, có thể do có sự đối kháng từ thời Nam Bắc triều, đàng ngoài đàng trong. Ví dụ: heo với lợn. Huỳnh với Hoàng. Cá chuối, cá lóc. Ô tô, xe đò. Thuyền, ghe… Nhưng tôi nghĩ điều này không đứng vững được. Có thể từ cách sống phóng khoáng của cư dân miệt đồng ngút ngát, mà hình thành thói quen sử dụng từ tùy thích, miễn là phản ánh đúng tính cách mạnh mẽ của người dân mở đất. Chẳng hạn nói, bản mặt chằn vằn, đồ chằng tinh hổ lửa, đồ mặt rô, đồ quần què… là một cách nói rất mạnh. Phải chăng đó cũng là tính hài của ngôn ngữ bình dân vốn rất giàu chất hài trong cuộc sống.

 

Lấy một vài cụm từ chỉ hình ảnh, ta sẽ thấy tính giàu hình ảnh và giàu chất hài của ngôn ngữ Nam Bộ: ngồi chò hỏ, ngồi chành bành, ngồi chèm bẹp, ngồi chù ụ. Không ai nói con gái ngồi chò hỏ, cũng không ai nói con trai ngồi chành bành bao giờ.(Trời đất, thằng Năm làm gì mới hừng đông đã ngồi chò hỏ đó mầy! Con gái con lứa gì đâu ngồi chành bành mắc ghét!).

 

Một đặc trưng nữa của ngôn ngữ Nam bộ là tính rút ngắn. người dân đi chợ không hỏi chỗ cá này bao nhiêu tiền, mà thường chỉ vào nó rồi hỏi: nhiêu hoặc bi nhiêu? Từ đó hình thành cách nói: bi dai, bi lớn, bi to, ế cum vầy nè, bự trảng thấy sợ, bành ky luôn, đẹp hết biết, hay hết xẫy, trúng ngay phóc, đụng ngay boong, nói ngay tróc, ngon hết ý… Nghĩa là chỉ cần nói chừng đó, chứ không cần mất công diễn tả, diễn giải dài dòng. Tìm cách để nói gộp tất cả lại cho nhanh là cách nói rất phổ biến. Chẳng hạn: người ta vầy mà nhỏ!

 

Nắm đươc đặc trưng ngôn ngữ Nam Bộ thì mới sáng tạo văn bản thành văn mang màu sắc văn hóa Nam bộ.

 

Chẳng hạn bài ca dao sau thì không lẫn vào đâu được:

 

Cóc chết nàng nhái mồ côi

Chàng hiu đi hỏi lắc đầu hổng ưng

Con ếch ngồi ở gốc đưng

Nó kêu cái ẹo biểu ưng cho rồi.

 

II. THỬ TÌM HIỂU SỰ PHONG PHÚ CỦA CÁCH DÙNG TỪ TRONG NGÔN NGỮ NAM BỘ, QUA TIẾNG “KỲ” TRONG ĐỜI SỐNG DÂN GIAN.

 

Trong kho tàng phương ngữ Nam Bộ, tiếng “kỳ” được dùng rất phổ biến. Trong ngôn ngữ giao tiếp, do màu sắc của ngữ điệu khi nói, nghĩa của tiếng “kỳ” trở nên rất phong phú.

 

Chẳng hạn, một cô gái đọc xong bài thơ của ai đó viết tặng, nói với bạn:

 

- Kỳ cục qúa hà!

 

Muốn biết nghĩa của câu nói là khen hay chê, ta hoàn toàn phải căn cứ vào ngữ điệu lời nói, chứ không thể chỉ căn cứ vào nghĩa của từ.

 

Kỳ: Ngày xưa, đất vuông ngàn dặm gọi là kỳ. Ở Nam Bộ, có nơi người ta nói kỳ đất, cuộc đất. Tiếng Hán, kỳ là cờ. Nước ta thời Pháp thuộc bị chia làm ba kỳ. Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Theo đó mà suy thì người Pháp đến đô hộ đã chia nước ta thành ba vùng đất, với ba chế độ chính trị khác nhau để dễ bề cai trị. Người thọ 60 tuổi cũng gọi là kỳ. Bậc kỳ lão, kỳ cựu. Kỳ là người già, cựu là cũ; kỳ cựu là chỉ người lớp trước. Người già cả có thế lực thì gọi là kỳ hào. Trong làng cờ tướng, người cao tay, gọi là kỳ phùng địch thủ.

 

Chữ kỳ trong văn chương còn gắn với nhiều điển tích. Ngựa kỳ, ngựa ký là hai giống ngựa khỏe, có thể chạy mỗi ngày được nghìn dặm. “Chiến quốc sách” có câu: “Kỳ, ký thịnh tráng chi thời, nhất nhật nhi trì thiên lý”(Ngựa kỳ, ngựa ký lúc thịnh khỏe, mỗi ngày chạy nhanh nghìn dặm). Kỳ Phong là là núi Kỳ, ấp Phong, nơi Chu Văn Vương dựng nước; cũng là nơi Hán Cao Tổ được sinh thành. Kỳ được coi là đất mở đầu nhà Chu, Phong là đất mở đầu nhà Hán. Kỳ Phong trở thành chữ chỉ đất khởi nghiệp của vua chúa.

 

“Bản triều mở đất Kỳ Phong

thánh thần truyền dõi một dòng tôn Lê.

(Lê Ngô Cát, Phạm đình Toái)

 

Kỳ viên là vườn kỳ. Theo kinh phật, kẻ phú hộ Cấp cô độc định làm một nhà tịnh xá cúng Phật để làm nơi thuyết pháp, muốn mua cái vườn của thái tử Kỳ đà. Thái tử nói đùa là có lát vàng kín cả khu vườn mới bán. Cấp cô độc làm theo đúng như lời. Những cây không lát vàng vẫn thuộc về thái tử Kỳ đà. Cho nên vườn này có tên là “Kỳ thị Cấp cô độc viên” văn học cổ dùng từ này để gọi cảnh Phật, cảnh chùa.

 

“Kỳ viên nỡ hẹp hòi sao

Mở đường phương tiện chút nào cho chăng?”.

                             (Bích Câu kỳ ngộ)

 

Trong đời sống ngôn ngữ Nam Bộ, dân gian sử dụng tiếng “kỳ” một cách rất linh hoạt.

Để chỉ loài vật, trong hát đồng dao, trẻ con vẫn thường nghêu ngao với nhau:

 

“kỳ đà là cha cắc ké

Cắc ké là mẹ kỳ nhông

Kỳ nhông là ông kỳ đà

Kỳ đà là cha cắc ké”

 

Khác với kỳ lân(con vật huyền thoại), kỳ đà là con vật có thật, có rất nhiều ở Nam Bộ. Bởi vậy, thành ngữ kỳ “đà cản mũi” rất phổ biến ở vùng đất này.

 

Trong hệ thống phương ngữ của mình, người Nam Bộ thích ghép thêm tiếng vào tiếng kỳ để nói: kỳ cọ, kỳ cạch, kỳ kèo, kỳ ôn, kỳ khôi, kỳ ghê, kỳ cục, kỳ đời, kỳ hình, kỳ dạng, kỳ thị, kỳ vọng, kỳ đài… Thường sử dụng như sau:

 

- Làm vậy coi kỳ cục nghen mầy!

 

- Ngó kỳ qúa xá bây ơi!

 

- Bộ tạng coi kỳ hén mấy cha!

 

- Mần ăn kiểu gì kỳ đời thấy mụ nội!

 

- Nói nghe kỳ thấy mồ!

 

- Kỳ khôi vừa vừa thôi cha!

 

- Ăn nói coi kỳ ôn hông cà!

 

Để hiểu hơn sắc thái của tiếng kỳ biến hóa thế nào, ta thử nghe một đoạn đối thoại dân dã sau đây:

 

- Làm gì kỳ cà kỳ cạch hoài vậy, anh Ba?

 

- Kẹt qúa cô Tám. Ráng mần cấp kỳ đặng người ta kịp lấy.

 

- Nói nghe kỳ hôn! Mình bận, người ta phải hiểu cho mình chớ. Ai đâu hối thúc kỳ đời!

 

- Đã đành là vậy, nhưng coi kỳ lắm. Mình làm ăn, cốt giữ chữ tín lâu dài.

 

- Ưà hén. Trễ nãi qúa coi cũng kỳ với người ta.

 

Chỉ bi nhiêu đó, ta đủ thấy, tiếng kỳ trong phương ngữ Nam Bộ được sử dụng phong phú tới cỡ nào. Nó vừa vui vui, vừa dễ dãi, vừa có duyên, vừa nghe ngồ ngộ.

 

“Ngộ kỳ thời

con kiến nó leo cây

nam mô A di bố phù”…

(Lý con kiến- Dân ca Nam Bộ)

 

III. MỘT NÉT TÍNH CÁCH ĐƯỢC THỂ HIỆN QUA CA DAO NAM BỘ.

 

Nói về tính cách người Nam Bộ, ca dao có câu:

Ra đi gặp vịt cũng lùa

Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu.

 

Câu ca hay qúa! Nói ngay phóc bản tánh người Nam Bộ. Bao giờ cũng vậy, hễ bụng chịu rồi, ưng rồi, thì cứ làm tới tới, hổng việc gì phải sợ. Cả trong yêu đương cũng vậy. Nói đại, nói uỵch tẹc, thẳng rang như kẻ chỉ.

 

Bên dưới có sông, bên trên có chợ

Hai đứa mình kết vợ chồng nghen!

 

Tánh cách vận vào văn chương ấy, sao mà khác đời. Đó là nét đặc trưng của một vùng đất, rất bản lĩnh, rất phương Nam.

Ta hãy nghe một chàng trai tỏ tình:

 

Trời mưa nhỏ giọt đọt gừng

Đôi ta từ nhỏ đã từng thương nhau.

 

Từ nhỏ nghĩa là từ thời còn vận quần xà lỏn thọt me dốt, thọt ô môi ngoài bến sông. Yêu tới bấy nhiêu năm, có giọt mưa trên đọt gừng chứng kiến. Mà có phải chỉ chừng đó thôi đâu. Tình yêu đến từ khi đôi ta còn hon hỏn đỏ.

 

Tua Rua chín cái nằm chồng

Thương em từ thuở mẹ bồng trên tay.

 

Mượn hết đọt gừng tới mượn luôn sao trên trời để giải bày, lối tỏ tình độc đáo thấy sợ. Ấy vậy mà chàng trai còn nhân lên nữa để khẳng định lòng mình.

 

Tua Rua chín cái nằm ngang

Thương em từ thuở mẹ mang trong lòng.

 

Thiệt là ngặt trời ông địa. Đời thuở nhà ai lại yêu được cả người còn trong bụng mẹ? Nhưng vận phép nói qúa cũng chỉ là cách bày tỏ nỗi lòng mà thôi. Nói qúa chẳng qua cũng là một biện pháp tu từ; tu từ trong ngôn ngữ yêu đương dễ thương lắm chứ! Đối với chàng trai, lúc này, mục đích là phải tìm cách khẳng định lòng mình. Bởi vậy, chàng không chỉ dừng lại ở đó, chàng đẩy lời tỏ tình lên cao hơn nữa.

 

Tua Rua chín cái nằm kề

Thương em từ thuở mẹ về với cha.

 

Thật là tuyệt! Nếu không có ngọn lửa ái tình đang cháy ngùn ngụt, dễ gì nói được những lời “ba hoa” hay làm vậy, đẹp làm vậy.

 

Tình yêu là tình yêu, nhưng tính cách vẫn là tính cách. Người ta yêu nhau vì yêu nhau. Đơn giản hết mực mà cũng thiêng liêng hết mực. Cách tỏ tình như vậy là cách tỏ tình của một tính cách ăn thẳng nói thật, không ưa viện ra những lời sáo rỗng.

 

Tôi trọng tính cách ấy, tôi thích những câu ca dao tỏ tình bộc trực.

Muốn ăn bông súng mắm kho

Lén cha lén mẹ xuống đò theo anh.

 

Những câu ca dao nói như là giỡn chơi mà không hề giỡn chơi chút nào.

 

Con cò trắng tợ như vôi

Tình tôi với bậu xứng đôi qúa chừng.

 

Và… rất tự nhiên, tôi cũng thích cách bày tỏ tình cảm của các cô Nam Bộ thiệt tình. Kiểu như người dân Nam Bộ thường nói: “nói vậy mà không phải vậy, mà nói vậy”.

Trông lên chữ ứ

Ngó xuống chữ ư

Anh có thương em thì thủng thẳng em ừ

Chứ đừng thương vội phụ mẫu từ nghĩa em.

 

Gia cương đạo giáo lắm, nhưng vẫn là xiêu lòng rồi. Ta thử đặt mấy chữ cuối của ba câu đầu ra sẽ thấy: Ứ! Ư! Ừ! Âm thanh vang lên như là sự chống đỡ, nhưng sự chống đỡ càng lúc càng yếu, để rồi cuối cùng buông một tiếng ừ ngọt lịm. Nếu chàng trai không nghĩ tới câu cuối cùng thì… chắc đà… “có chuyện” rồi.

 

Âu đó cũng là một nét dễ thương của tính cách người Nam Bộ.

 

IV. TỪ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG ĐẾN VĂN HÓA TÌNH CẢM TRONG CA DAO.

                                                                                     

Nước Nam mình thuộc về xứ nhiệt đới, tính theo trục địa cầu  thì là xứ phương Nam. Nam âm, Bắc dương, nói theo thuyết âm dương của ông bà mình ngày xưa. Có âm thời có dương, âm dương phải hòa hợp mới vượng khí. Bởi vậy, trong cả bữa ăn thường nhật, ông bà ta cũng rất coi trọng triết lý âm dương. Chẳng hạn, thịt vịt thuộc âm thì phải chấm nước mắm gừng thuộc dương. Có bánh chưng(vuông) là dương thì cũng phải có bánh dày(tròn) là âm. Việc ăn uống được tổ tiên rất coi trọng, theo thời gian, nó được nâng lên thành văn hóa ăn uống. Chỉ riêng về món nước mắm thôi, cũng đủ để khẳng định một khía cạnh “văn hóa nước mắm” thật là tuyệt ý.

 

Tôi nhớ một lần đi thăm anh bạn ở Trà Vinh, anh đọc cho tôi nghe một câu ca dao như sau:

 

Con cá làm nên con mắm

Vợ chồng già thương lắm mình ơi!

 

Tôi cứ tấm tắc khen mãi về câu đó. Qủa thật, có cá mới có mắm. Có mắm mới nấu ra được nước mắm. Dân gian từ xa xưa vẫn truyền tụng câu: “Ăn cơm mắm thắm về lâu”. Xứ mình có không biết bao nhiêu là thứ mắm. Mắm cá lóc, mắm cá chèn, mắm cá sặc, mắm cá linh, mắm cá sặc, mắm cá cơm, mắm cáy, mắm cua, mắm ba khía, mắm tôm, mắm ruốc… Mỗi thứ ngon một kiểu, điệu đời một kiểu trong khi ăn, không thứ nào giống thứ nào. Mắm nói chung, được coi là gốc của nước mắm. Bởi vậy, nước mắm cũng có nhiều thứ, không thể kể hết ra được. Từ nước mắm gốc, nước mắm nguyên thủy, người nội trợ còn căn cứ vào các món đồ ăn, chế ra không biết bao nhiêu là bao nhiêu kiểu nước mắm cực kỳ công phu.

 

Nước mắm trong bữa ăn, được coi là thước đo tài nữ công gia chánh của người nội trợ. Ở nước Việt mình, từ bữa tiệc thịnh soạn đến bữa cơm thường, bao giờ cũng có mặt chén nước mắm. Nước mắm trở thành món trung tâm của bữa ăn. Không có nước mắm, bữa ăn dù bày biện ê hề các thức ngon vật lạ, cũng kém hẳn phần đậm đạp, phần ý vị của xứ sở.

 

Nghe nói hồi còn chiến tranh, Nhà trắng còn cho biên soạn cả một cuốn sách dày nói về nước mắm, dạy cho lính Mỹ biết rằng, lỡ bị Việt cộng bắt làm tù binh, đừng có dại mà chê nước mắm; nước mắm là thứ bổ dưỡng, ăn vào chỉ có lợi cho sức khỏe mà thôi. Theo sách đó, nước mắm nào đạt từ 20% độ đạm trở lên, được kể là nước mắm ngon. Nổi tiếng ở Việt Nam là nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, nước mắm Cát Bà, Cát Hải… Nước mắm được chế ra từ con cá cơm là ngon nhất. Tôi đọc thấy cũng lý thú. Lý thú bởi người Mỹ họ thiết thực qúa chừng qúa đỗi. Họ biết chắc cú rằng, đánh nhau thể nào cũng có thua, có bị bắt sống làm tù binh, nên mới lật đật soạn sách dạy cho con em họ cách ăn nước mắm. Thêm một điều lý thú nữa, là qua cuốn sách đó, chứng tỏ ngươi Mỹ cũng có được cái nhìn khá tinh tế, khoa học về nước mắm của xứ mình. Ngưới Mỹ là dân không biết ăn nước mắm, nhưng mấy ông tác giả cuốn sách ấy, kể ra gia công nghiên cứu về nước mắm cũng khá sát ván cạn đò. Giá có điều kiện, mời mấy ổng qua nếm thử nước mắm cà cuống, nước mắm rươi, chắc mấy ổng sẽ có được cái nhìn hay hơn nữa.

 

Nói về nước mắm, có không biết bao nhiêu là điều để tâm đắc. Thử về chín nhánh miệt sông rồng dự một bữa tiệc đám giỗ mà xem. Món nào chấm nước mắm ấy, lớ vớ chấm tầm bậy, coi chừng bị mấy cô chê là “dốt ăn”. Dân mình vốn có câu: “học ăn, học nói, học gói, học mở”, được truyền lại từ xưa tới giờ. Trong biết bao nhiêu điều phải học trong suốt cả đời người, ông bà mình khuyên phải học ăn trước hết. Triết lý ăn của người Việt mình rộng lớn lắm, khác hẳn triết lý của người phương Tây là ăn để sống. Ăn với người Việt mình là văn hóa. Qua cách ăn, người ta đánh giá con người, biết con người đó là cao thượng hay tầm thường. Chỉ riêng về văn hóa nước mắm đã có cả một kho tàng ca dao đầy lý thú.

 

Đây là lời một chàng trai bày tỏ tình yêu của mình:

 

Nước mắm chanh dành ăn bánh hỏi

Qua thương nàng theo dõi mấy năm.

 

Nước mắm chanh thì hẳn nhiên trong thành phần của chén nước mắm phải có chanh, tức là thứ nước mắm đã được chế biến; chế biến để dành riêng cho bánh hỏi; cũng như em vậy, em là người được sinh ra để dành riêng cho anh; anh theo dõi đã mấy năm trời, nay mới nói lên điều đó. Qủa là một cách tỏ tình ngồ ngộ.

 

Chàng mượn chén nước mắm để tỏ tình, nàng cũng mượn ngay chén nước mắm để bày tỏ nỗi lòng.

 

Nước mắm ngon Thượng Thủ

Thả miếng đu đủ nó nổi lờ đờ

Phận em còn dại còn khờ

Làm dâu chưa đặng, cậy nhờ mối anh.

 

Nước mắm Thượng Thủ là nước mắm của một vùng quê cụ thể, cũng như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Kiên Giang, nước mắm An Bình- Vĩnh Long vậy. Vừa bày tỏ tấc lòng, vừa bày tỏ niềm tự hào về quê hương. Cách trả lời vừa mặn mà duyên dáng, vừa dễ thương biết mấy.

 

Chàng trai được lời như cởi tấc lòng, nương ngay vào đó mà tiếp lời một cách đầy tình tứ. 

 

Nước mắm ngon dòm sâu đáy hủ

Thả miếng đu đủ xuống tận đáy bình

Mù u nhuộm thấm bông huỳnh

Bao nhiêu gái đẹp không nhìn

Dạ anh chỉ để thương mình em thôi!

 

Muốn biết nước mắm có thực ngon hay không thì phải thử, mà là thử thật sâu đàng hoàng. Người ta vẫn nói, để thử nước mắm, cứ thả xuống vài hột cơm. Cơm nổi lềnh bềnh là nước mắm có độ đạm cao. Nước mắm càng trong, mà cơm càng nổi thì càng cầm chắc đó là nước mắm ngon. Đu đủ nặng hơn cơm, thử bằng đu đủ là cách thử riêng của chàng trai với nàng. Chao ơi là mùi mẫm, cứ như rót mật vào tai!

 

Cô gái nghe xong, xốn xang lòng dạ, cất tiếng than đứt ruột:

 

Nước mắm láng lai chùi hoài hổng hết

Trời hỡi trời sao chẳng bớt nhớ thương

Sợi tơ hồng em lỡ vấn vương

Gặp anh một buổi nhớ thương trăm vạn ngàn ngày.

 

Mượn nước mắm để bày tỏ tình yêu đôi lứa, qủa là chuyện lạ xưa nay. Mà vận tình yêu vào nước mắm đạt đến mức mùi mẫm như vậy, ông bà ta xưa qủa là tài thật, qủa là độc đáo có một không hai.

 

Ta hãy nghe sau đây lời rủ rê của một chàng trai.

 

Nước mắm ngon dầm con cá bẹ

Anh biểu em rình lén mẹ qua đây!

 

Nói như đùa chơi kiểu đó, người Nam Bộ gọi là nói giỡn. Chàng nói kiểu giỡn chơi thì nàng cũng đáp kiểu giỡn chơi.

 

Nước mắm ngon dầm con cá đối

Em biểu anh chờ để tối em qua.

 

Đối đáp nghe sao mà mặn mòi đậm đạp, tình ý cứ quyện vào nhau, gắn vào nhau mà thơm lừng lên múi nước mắm. Làm thơ tình nước mắm hay đến thế thì… thời nay cũng khó có nhà thơ tình nào qua được.

 

Nam Bộ có bài “Lý con qụa”, lời ca có câu như vầy: “Bàn ngày thì mắc cỡ, tối ở quên vìa”. Chuyện lứa đôi hò hẹn, phải chờ tới tối là phải lắm. Vậy mà vẫn còn phải dặn: “Chuột kêu rúc rích trong rương, anh đi cho khéo đụng giường bả hay”. Thiệt là ngộ kỳ đời việc tỏ tình bằng nước mắm!

 

V. CUỘC SỐNG HAY LÀ TÍNH CÁCH SỐNG ĐẺ RA SỰ PHONG PHÚ CỦA  NGÔN NGỮ.

 

Dân làng nhậu thường hay nhắc đầu lưỡi câu: “Canh chua thua nước mắm”. Đó là chuyện hai anh xa nhà lâu ngày, tranh thủ về thăm vợ được một đêm. Anh nhà nghèo, ăn cơm tối với đọt lang chấm muối, xót ruột, hùng hục cả đêm. Anh nhà khá hơn, vợ nấu canh chua cá lóc, khoái qúa, dộng thêm một hơi ba xị đế, say quắt cần câu, lăn ra ngủ như chết.

Uống rượu một mình rõ là tai hại, bởi vậy dân gian mới có câu: trà tam rượu tứ. Uống rượu có bạn mới thú, mới sinh chuyện, sinh tình, sinh ra từ điển làng nhậu.

 

Ngay như từ “nhậu”, bản thân nó đã đắt địa vô cùng. Nhậu là cả uống, cả ăn, cả ăn lẫn uống, bên nào cũng trọng như nhau, nhưng cán cân có vẻ nghiêng nhiều hơn về bên uống. Nói nhậu, trước tiên phải có rượu. Nhưng chỉ có rượu mà không mồi, vẫn chưa thành chữ nhậu, mới chỉ dám mời nhau uống rượu mà thôi. Nói nhậu là phải có mồi. Trái cóc, trái ổi, trái chuối chát, hay dĩa chùm ruột cũng được. Nhưng mồi non như vậy, chữ nhậu buông ra không mạnh miệng. Vớ được con rùa, con rắn, con cua đinh, con chuột cống nhum… chữ nhậu bung ra mới đắt. Nhậu khác với nhậu nhẹt lăng lắc một trời một vực. Người ác tâm ác ý mới nói dân nhậu là dân nhậu nhẹt. Thật rõ ra trâu buộc thì ghét trâu ăn. Nhậu không? Nhậu! Thiệt là hết ý. Xung quanh từ nhậu, còn có cơ man là từ bổ sung làm giàu cho nó. Hú nhau đi nhậu thì gọi là sương sương, lai rai, nhâm nhi, lớt lớt… nghĩa là chỉ cốt nhậu lấy vui, cốt mượn rượu giải khuây cùng bè bạn. Làm sương sương cho vui là làm chút đỉnh gọi là. Sương sương vài ba ly, sương sương vài ba xị, sương sương vài ba lít… mức độ tới hạn không biết dừng ở đâu. Nhậu lai rai là nhậu dài dài, có khi từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, từ chiều tới tối, từ tối tới khuya… cứ lai rai mà uống, không vội vàng, không ào ào như ngưu ẩm. Nhâm nhi cũng tờ tợ như lai rai. Nhưng lai rai là để thư giãn , còn nhâm nhi là để cùng nhau trầm lặng nghiền ngẫm sự đời. Lớt lớt tưởng chừng là ít, nhưng lớt lớt vài ba chai thì có khi cũng không biết đường về. Chính vì vậy, đi kèm theo mấy từ đó, còn có từ “tới tới” tuyệt cú mèo tới “không chịu nổi”. Cứ lai rai tới tới đi mầy! Cứ nhâm nhi tới tới đi mầy! Nói tới tới là nói vô cùng. Vô cùng về thời gian, vô cùng về rượu, vô cùng luôn cả về mồi, về tiền bạc, tình cảm, tình cảnh… nghĩa là, cứ tới tới đi, tới đâu hay tới đó, khỏi bận tâm, chừng nào say thì biết.

 

Say còn gọi là xỉn. Nam Bộ xài từ xỉn, nghe sướng lỗ tai. Xỉn, xỉn xỉn. Hai từ chỉ hai mức độ khác nhau. Xỉn chưa? Mới xỉn xỉn hà! Thế có nghĩa là, còn tới tới, chưa nhằm nhò gì. Xỉn qúa cheèng, xỉn đừ, xỉn hết biết…mới thật là xỉn; đẩy thêm nửa ly coi chừng phóng pháo. Ấy là nhậu đà tới chấu, tới đã. Đã là đã đời nhờ nhậu, nhờ nghĩa, nhờ tình. Nhậu đã đời chớ hiểu là qúa chén. Đã đời tới say quắt, say quắt cần câu, say mềm môi, say mọp gáo, say chìm xuồng, say chìm xuồng biết tuốt, say tới bến, say tới chỉ, say hết biết, say nhổng phao câu, say đớ lưỡi… say tá lả nhờ vui xả giàn cùng bè bạn.

Xả. Lại thêm từ mới, ngon cơm tới không chịu nổi. Xả giàn, xả láng, xả cảng… Tha hồ mà nhậu, mà vui, không câu nệ, không khách khí, không việc gì phải gò bó lẫn nhau. Trận nhậu của tình bằng hữu, tình huynh đệ… cứ mặc sức mà vui, mặc sức mà chơi. Chơi xả láng, chơi xả cảng, chơi xả giàn, chơi tuốt luốt, chơi liền xì, chơi cái rụp, chơi bứt gân, chơi tới số, chơi khùng luôn, chơi mát trời ông địa, chơi tàn canh, chơi đã tỉ… chơi đẹp cô tiên, chơi điệu đàn, chơi tới bến, chơi hết ý , chơi hết ý thơ, chơi mức con mắt, chơi tàn thu, chơi tới chấu, chơi rụng rốn mới thôi… Nghĩa là, chơi cho đẹp điệu anh hùng.

Nhìn lại bọn ta đâu hết cả

Đeo bầu chỉ có lão này tiên.

 

Từ điển làng nhậu nhiều vô phương kể xiết. Nội cụm từ “chơi thấu trời thấu đất” đã nói được bao nhiêu là bao nhiêu.

 

VI. NGÔN NGỮ NAM BỘ LÀ TÀI SẢN VĂN HÓA DÂN GIAN VÔ GIÁ.

 

Ngôn ngữ có đời sống của nó, nó không ngừng được hình thành và phát triển từ chính cuộc sống cộng đồng của nhân dân. Nam Bộ với những đặc trưng riêng của một vùng đất, đã tạo ra một truyền thống ngôn ngữ rất năng động, rất phong phú và rất trẻ. Đó chính là nhờ sự giao lưu của nhiều luồng văn hóa khác nhau của các vùng trong nước và của nhiều luồng văn hóa phương Đông, phương Tây.

 

Ở Việt Nam, những nhà văn, nhà thơ như Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Anh Đức, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân… có thể được coi là những người đã kế thừa tốt những giá trị đặc trưng của ngôn ngữ Nam Bộ, và trong chừng mực nào đó, họ đã góp phần làm giàu, làm đẹp thêm cho sức sống mãnh liệt của kho tàng ngôn ngữ Nam Bộ.

 

Trong các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, cũng như các trường phổ thông, tôi nghĩ, cần có một tỷ lệ phần mềm nhất định, dành cho việc dạy thực hành ngôn ngữ, ứng dụng ngôn ngữ Nam Bộ, trong sáng tạo văn bản thành văn. Đã có lúc, trong một một cuốn “Trích giảng văn học” lớp 10 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần viết về ca dao Việt Nam, không hề có lấy một bài ca dao Nam Bộ. điều đó là rấtđáng tiếc.

 

Xin lấy một bài ca dao Nam Bộ, để khẳng định cho bài viết này:

 

Bên dưới có sông, bên trên có chợ

Hai đứa mình kết vợ chồng nghen!

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 5996
Ngày đăng: 24.03.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vài ý tản mạn nhân đọc thơ Vương Huy - Nguyễn Văn Hoa
Giết thơ rất dễ (!) - Trần Mạnh Hảo
Sự mặc khải của thi ca - Trần Mạnh Hảo
Sức sống văn hóa của một vùng ngôn ngữ đầy năng động - Hồ Tĩnh Tâm
Tản mạn đôi điều về văn hóa - Hồ Tĩnh Tâm
Chữ tửu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du - Hồ Tĩnh Tâm
H.CÁC MÁC - TÌNH YÊU VÀ BÃO TÁP - Hồ Tĩnh Tâm
Huy Cận – Lửa vẫn còn thiêng - Trần Mạnh Hảo
Phong tục ba ngày Tết của dân tộc ta - Phạm Thủy
"Ông Đồ " một di sản văn hoá Việt Nam - Quán Anh
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)