Tổng hợp giới thiệu
Đối với nghiệp cầm bút của ba tôi, chỉ là vô tình, sao đời thơ ông lại tựa như ý tình trong “Bến My Lăng”. Ông cặm cụi chèo trên bến sông thơ, thuyền ông đã chở nặng những dòng thơ cuộc đời, nhưng khách thơ tìm đến chỉ ngắm nghía qua loa rồi bỏ đi, bỡi đó chỉ là những bài nghiên cứu nhỏ mang tính chất cảm xúc là chính.
Nhà thơ Thanh Hải:
“Những vần “thơ lưu” của Yến Lan là cuộc sống được chắt lọc qua tim, qua tâm hồn thi sĩ, là nghệ thuật điêu luyện về ngôn từ, hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu…là thế giới tình cảm bao la, là tiếng thơ của những cảm xúc chân thành”
Nhà thơ Chế Lan Viên: “Lan đâu có gặp nhiều ngẫu nhiên may mắn như tôi, Lan đã phải đương đầu với nhiều khó khăn ở trong cuộc sống. Năm 1937 tôi mới có Điêu tàn. Nhưng năm 1935, khi nền thơ mới còn chập chững Lan đã có nhiều tìm tòi táo bạo. Tả một cánh buồm cô đơn, tìm về nghĩ ngơi trên sóng đảo dịu dàng, Lan viết:
Sầu tam giác buồm cô về lặng nghỉ / Nhịp hoãn hòa đến vỗ đảo xa khơi.
Tả nắng chiều trải ra như cánh chim trên các trang viên ở Sầm sơn có hòn trống mái Lan viết:
Trống xa mái ngẩn ngơ thơ đá chạm / Chiều bồ câu cánh ủ khắp viên trang
Cánh ủ viên trang, chiều bồ câu, thơ đá chạm biết bao nhóm chữ phối hợp cấu trúc trong cái tương quan kỳ lạ, ngỡ như mới được viết hôm qua, giữa năm 86 này…Hiện đại mà Việt Nam, mà dân tộc
Một nhà thơ có tài là có thể sử dụng thập bát ban võ nghệ, là như cây xương rồng có hai cực đối lập, gai rất gai mà hoa rất dịu dàng. Lan không phải chỉ có loại thơ điêu khắc kỵ khu vào đá ấy, mà lại có nước chảy đưa ru như nhạc. Gần nửa thế kỷ rồi, tôi vẫn thuộc các câu này mà có lúc Lan quên:
Năm nay cũng có tiếng xe đi/ Đường cũ cong cong ngõ ý gì/ Chỉ thấy bàn tay người khớp ngựa / Ngừng roi chậm séo cánh hoa si / Và liễu bên đường sống phút mơ / Xếp hàng nhau như vạn trang thơ/ Chờ bàn tay lạ, bàn tay gió/ Lật rải tung ra tờ lại tờ
****
Hôm ấy, đang đọc cuốn “Hội chợ phù hoa” thì nghe ba gọi; tôi quay lại, thấy ông quắc quắc mấy ngón tay ra hiệu tôi đến bên: “Thủy, lại đây ba bảo cái này”. Vẻ bí mật đó khiến tôi hơi lo; bởi, chưa bao giờ ông tỏ ra như vậy. Rồi, tâm tình: “Việc này ba chỉ nói mình con biết. Đây là toàn bộ sáng tác của ba, chưa đăng ở đâu, ba để ở góc này, con nhớ nhé.” Ông chỉ phía góc trái tủ gỗ, giả cổ (má mua lại của gia đình đã di cư vào Nam; hiện Tú Thủy chưng ly tách) và nói tiếp: “Nếu nhỡ lúc nào đó ba đi xa, con mang tập bản thảo này đưa cho các chú ở Nhà Xuất bản Văn Học”. Nói đến đây gương mặt ba chùn xuống, đầy tâm sự: “Con có bao giờ để ý thấy quả đu đủ ứa nhựa tự hàn vết thương khi bị trầy, xước… Đời ba cũng như thế!”.
Câu nói của ba khiến tôi mủi lòng. Sau đó.., chưa có gì xảy ra, tôi tạm gác lời tâm sự ấy vào tâm khảm; thầm hẹn sẽ tìm hiểu sau.
Rồi, Hội Nhà văn xuất bản cho ba vài tập thơ. Tập nào tôi cũng lật từ trang đầu đến trang cuối, tìm chữ “đu đủ” Rất nhiều bài lướt qua mới thấy trong Tuyển tập Tứ tuyệt Yến Lan hai chữ “đu đủ”, ở bài :
Quả đu đủ góc ao
Ứa nhựa hàn vết đau
Tĩnh yên cành gió quật
Quả đu đủ góc ao
Lặng dâng đời quả ngọt.
Tôi muốn hiểu điều ba nói “Đời ba giống như quả đu đủ, tự ứa nhựa hàn vết đau” một cách trọn vẹn từ trong suy luận của người thi sĩ.
Trước hết; tôi liên tưởng đến mấy cây đu đủ từng nhìn thấy. Tôi nhớ lại, hồi chưa đi tập kết, trước sân có cây đu đủ, tự mọc. Nó nằm sát mép rào nhà cô Ba Đen; quanh nó chỉ gạch đá lởm chởm không thấy đất, đã vậy, cành trứng cá choáng hết ánh nắng; thân đu đủ khẳng khiu, oằn ra hứng chút ánh sáng để tồn tại; thế mà nó cho quả từ gốc đến ngọn, thịt nó thật thơm, ngọt lịm đến tận chân răng. Cả nhà tôi, ai cũng được ăn. Có lẽ ba liên hệ đời mình từ cây đu đủ này:
Mới năm sáu tuổi mồ côi mẹ, ba phải tự lập, vừa lớn thì cách mạng xảy ra; ông không chút so đo tính toán như người “Ta nằm chính giữa cân trời đất” mà bằng sự nhiệt tình của mình, tự nguyện dâng tuổi xanh cho cách mạng:
- Một là trực tiếp kêu gọi bà con thị trấn đứng lên giành chính quyền từ tay bọn phản động, quan lại,
- Ý thức được việc sáng tác của mình để động viên, cổ vũ nhân dân hăng hái làm cách mạng. Mà theo nhà thơ Anh Chi:
“Yến Lan là nhà thơ tả thực rất tinh, sâu và có hiệu quả thơ, khiến độc giả rung động bởi được hiểu đời thật và thắm thía thương đời. Có thể nói viết câu thơ tả thực mà làm cho người đọc rung động như Yến Lan là rất khó và rất hiếm : Nghe trên đàng quạnh hiu / Cổ xe bò nặng nhọc /Người trên xe trằn trọc / Giữa những tiếng rơm kêu
Trong thơ ông nặng tâm hồn yêu quê hương, giàu lý tưởng và ý chí cách mạng, khát vọng sống tự do hòa bình. Điển hình là bài Bình Định 1947.
…Ôi Bình Định từ những ngày tháng Tám
Bao đứa con xiêu lạc trở về làng.
Cuộc gian khổ đã bắt đầu nặng gánh
Sông lại mong thuyền, tàu lại nhớ ga….
Và Bình Định nằm thương em nhớ chị
Ôm phố phường quấn quýt sắc trời xanh.
Một viên sỏi cũng cộm thành ý nghĩ,
Sáng trên đường chờ chận bước hôi tanh.
Tin hỏa tốc bạc thếp đèn cửa quán
Lửa mài gươm sáng rực xóm Lò-rèn
Mẹ binh sĩ lòng khâu theo túi đạn
Phòng tuyến binh người áo vải chân chen.
Mõ lốc cốc, chó không còn tiếng sủa
Quân lên đường chân đất bước như ru
Quạnh hơi thở trong những nhà đóng cửa
Cha mẹ phá đường, bà cháu tản cư
Trai Bình Định ôm bom vào Tú Thủy,
Ngự đèo Nhong hay canh bãi Vân Sơn.
Gái quạt trấu cũng hóa thành Dũng sĩ,
Cầu Bà Di đẩy dựng những toa goòng….
Lòng Bình Định như go chèn chỉ rối,
Dệt lòng tin qua từng gút âu lo…..
Nhà thơ Chế Lan Viên, người bạn văn, rằng: ”Có những câu thơ như nói chuyện bình thường, lại nổi tiếng: Đau đớn thay phận đàn bà/ Anh đi đường anh, tôi đường tôi. Nhưng có những câu nhỏ máu ra mà ít người hay. Có nhiều lý do… Nguyễn Nhược Pháp chỉ với chùa Hương và Sơn Tinh Thủy tinh đã không uổng công đi vào bể ấy.
Lan à mình bảo Lan rủi! Không, Lan thế mà lại may lắm. Mình thèm viết được một bài “Lại Về Tỉnh Nhỏ”, một bài Mùa xuân lên cao, một bài “Uống rượu với bạn đồng hương như Lan. Rất đổi thèm.
Những nhà thơ khác như Trần Ninh Hồ, Nguyễn Bao, Thúy Toàn đều có chung ý nghĩ: “Thơ Yến Lan về hình ảnh hết sức gợi cảm, gây liên tưởng sâu xa, nội dung thơ tuy mới, vẫn giữ được phong cách xưa, tứ thơ không phá vỡ đơn vị dòng; nên thơ ông vừa mang tính truyền thống mà lại rất hiện đại.”
Lâu nay, tôi viết về chân dung cha mình. Nay, xin giới thiệu tới bạn đọc một số bài thơ của ông, để bạn chiêm nghiệm những điều đồng nghiệp đã ghi nhận về ông :
Hai cung cùng một nhịp cầu
Thân mến tặng La Nhiên “ Tel pere tel fils” kính trao hương hồn cụ Paul Hổ (Việt Kiều Pháp) tác giả bộ phim. Chuyện tình nàng Nha, mang bối cảnh 9 năm VN kháng Pháp ở Phú Đa-An Nhơn-Bình Định.
Cung La buồn - nỗi nhớ
Văng vẳng vọng bên mồ
Mi ướt – dễ nao khô
Người xưa đâu trở dậy
Trăm cánh thư ngày ấy
Sao chẳng đến người thương
Chừ-lệ vẫn vấn vương
Tìm quên…Hoa về Đất
Cung Mi trầm – nỗi nhớ
“Sen”rũ giữa mùa hương
Biển xanh dội sóng dồn
“Giọt Măng cầm” nhịp lỡ
Hai cung đàn nỗi nhớ *
Sương rơi… rồi sương rơi
Lệ chát mặn vị đời
Kiếp sau - chờ - xa xôi
Hai cung đàn nỗi nhớ
Sen = Liên (La Nhiên), tên của một nhân vật chính của bộ phim
“Chuyện Tình Nàng Nha”nổi tiếng tại Alge’rie những năm 1960-70
Hai cung đàn nỗi nhớ = Tựa đề bài thơ tặng La Nhiên của Yến Lan sau khi nghe tin “Nàng Nha-Lệ Nha”đột ngột qua đời 1952.
Độc ẩm
Người ta trối già, tớ chối già
Vẫn nguyên hồn bướm chực mơ hoa
Mơ hoa nên mãi chờ xuân đến
Xuân đến mừng xuân một ấm trà
Không ướp ngâu, nhài –chẳng mạn sen
Thiên thanh mầu nước bốc hương riêng
Cúc, mai kề gối vờn tay rót
Đỡ trống đêm nay bóng bạn hiền
Nhấp ngụm đầu tiên bỗng dạt dào
Thấy mình trở lại núi Tô Châu (*)
Hồ Đông tưởng cạn từ đêm ấy
Theo cuộc trà chuyên lượn sóng chao
Uống hớp tiếp nhớ về Sa Vĩ
Một mái nhà tranh bờ Mẫu lệ
Ấm sành Mống Cái ẩn giao lân
Ngan ngát hương quê tình khách địa
Lung linh đất nước hiện hai đầu
Ký ức đưa mình tới những đâu
Lòng bỗng chập chờn theo tuổi trẻ
Hơi trà bốc dậy cả chiêm bao
Uống nhớ sông dài với núi cao
Mưa dầm eo gió, lũ ngầm sâu
Bến phà bom nổ, rừng lim cháy
Cốc nước nâu hoen đất chiến hào
Chú thích
Tô Châu: tên một cụm núi ở Hà Tiên
Sa Vĩ: bãi bể nơi tận cùng thuộc huyện Mống Cái
Bờ Mẫu lệ: bờ đê nhớ xây bằng san hô vớt ở bể
Sống bù
Tám chục năm qua nhiễm thói đời
Buông tuồng ngày tháng cuộc dong chơi
Duyên tình gán ghép, vinh hoa mượn
Cánh cửa chiêm bao hé mở hoài
Sách vùi cổ viên, tiếng trùng ngâm
Rượu nhạt, trăng hiu, lạnh phiếm cầm
Người đẹp khuất dần không kịp ngắm
Lửng lơ hoài niệm, khát tri âm
Còn được bao năm nửa sống thừa
Lấy gì ấp lạnh với che mưa
Nợ đời còn phải lo trang trải
Đến lúc xuôi tay hết lọc lừa
Ước có nơi nào hiểu nghĩa “già”
Tình làng nghĩa xóm khéo lân la
Đượm, nồng chén chuốt cơn thù tạc
Êm ả hồn quê giác sớm trưa
Trăng khuya huyền hoặc chái hương đình
Gió lộng, tùng ngâm, trúc lã mình
Ngắm lại sông Ngân cầu dứt nhịp
Thương đời còn đọng bước chông chênh
Cổng bụt song thưa lọt nắng đào
Lắng chừng tin bạn cánh thư trao
Cuốc kêu vườn thị gây mùi Đạo
Đèn nhớ nhung chong đến cạn dầu
Chiêu hồn Lý, Đỗ hận ly hương
Nhẫm chuyện thiên luân khóc Sở cuồng
Mắt mỏi, chữ mờ thèm nhớ sách
Thềm hoa gọi cháu giảng đôi chương
Kể chuyện xưa sau luận thánh hiền
Vô chùa đàm đạo thuyết nhân duyên
Nón nan, túi vải băng đồi thuốc
Nghiền ngẫm đơn thang, thuật cổ truyền
Lễ hội xuân thu nổi trống tuồng
Vịnh đào lát liễu tối liên hoan
Trái hườm trí tuệ theo mùa chín
Vẫy tới mùa sau gié mộng vàng
Tạ từ ẩn tích chốn đơn cô
Tám chục năm, thôi sống vật vờ
Lái trở nồm lên, buồm chuyển bến
Góc mai già đợi báo tin thơ
20.12.1994
Nghe sao
Có lẽ sao trời ta nhìn thấy đêm đêm
Là tiếng nói hào hùng nhịp đập con tim
Của nhân loại qua nghìn đời để lại.
Ta sẽ nghe từ chùm sao bánh lái
Tiếng người hô vượt biển thắng phong ba
Nghe sao Hôm, sao Mai nói đợi, nói chờ
Vằng vặc hai đầu không gian chung thủy.
Nghe Tua-rua gọi gieo trồng, gặt hái
Xong mùa màng lại bàn dệt chiếu chăn
Nghe Thần-nông dạy con cháu kiệm cần
Hạt vãi hạt vương lấy phần nuôi vịt
Nghe Bắc Đẩu, Nam-Tào lục tìm sổ sách
Xe chặt nhân duyên bằng sợi nghĩa, sợi tình…
Cả một Ngân Hà tỏ rạng lung linh.
Sao đang nói bao điều cho cuộc sống…
Biết đâu nữa ngày mai trên trời rộng
Sẽ mọc thêm biêng biếc một chòm xanh
Từ những lời em nói với anh.
Khi hoa đào nở
Sáng nay trời khép chân mây trắng
Thuyền bến sông ba đậu khít bờ
Chim về xóm lạ mong sương mới
Tháng chạp hoa đào nở lẳng lơ
Gió đẩy bờ lau chạy với lau
Núi chàm thu hẹp núp trong sâu
Bên cầu trúc đỏ, phơi đầu bạc
Ông lão quên về, đứng thả câu
Và có hơi may thấm lạnh lùng
Có từng loạt lá trút trên sông
Có người thiếu phụ gầy như trúc
Đi khắp vườn cau tước gió đông
Nàng mơ sống lại thu hôm trước
Đã rung bao nhiêu ánh mặt trời
Mùa đông buồn quá, chim lâu quá
Chim cả trong lòng nét thắm tươi
Tiểu thuyết thứ năm, 10/10/1937
Trăng chín
Đò trôi lấy bẩy nước xuôi dòng
Trăng bỏ đầu cành rụng xuống sông
Đôi tiếng ếch kêu từ gốc bẹ
Đáp vào rung lạnh mái chèo cong
Chơi xuân
Gửi bạn vào xuân, hương cúc thoảng
Thung sâu bặt tiếng búa sơn tràng
Quyên đôi rỉa cánh chòm mai nhún
Câu đối trưng lên ánh nhũ vàng.
Ông lục thơ xưa trong sách cũ
Cháu tìm khoe áo với đàn anh
Ngoài sân lơ lửng nêu xe tóc
Lạc ngựa luồn trong ngõ trúc quành
Chùa bên vẳng lại tiếng chuông ngân
Ẩn hiện bờ lau cát trắng ngần
Đò chở sang sông hai quả bánh
Của người thôn nữ viếng tình nhân
Giải khăn cô gái bay trong gió
Khúc khích cười sau vạt áo bà
Lúc nãy lên chùa dâng lễ phật
Vô tình để ố vết chu sa.
Người cũ năm nay đâu hút bóng
Ngõ thôn vòm trúc vẫn che ngang
Ta đi nhặt cánh tầm xuân rớt
Của khách chơi hoa rải dọc đàng.
1938
Khô
Giếng làng hôm ấy không còn mạch
Chàng kéo gầu lên thấy nhẹ không
Từng đoạn đường xa bàng rụng lá
Một bờ sông nhớ một bờ sông
Đường chảy, người đi, mỗi sớm mai
Lá bàng lấp lại, dấu chân ai
Kéo dài trong cát khô như cát
Thuyền đậu bên bờ nối một hai
Thu khóc tình thu, ta khóc ta
Mà chàng mơ ước giếng làng xa …
Qua sông còn một con thuyền nát
Mà kẻ chèo kia đã ở nhà
Nhưng bổng ta nghe lời trúc đổ
Tự rừng muôn cánh, gió bao phương :
Bỏ ta, chàng bước sang phường khác,
Gánh nước làng trên giếng dọc đường.
Hầu ta thôi khát, giếng càng khô,
Mắt đã ngừng trông nẻo hẹn hò.
Tim đã thôi reo lời tuyệt vọng,
Mực còn lưu đọng chảy ra thơ.
Tiểu thuyết thứ năm, số 30, 01/5/1939