HỮU CÁN
Ta hoang tưởng giữa bến bờ ảo vọng
Bến tương tư chạm vào đáy cốc
Nghe đất trời cũng chếnh choáng men say
Em ngự trong ta với giấc mơ đầy
Đêm rạo rực hương hồn cây cỏ
Em lõa thể chiêm bao ta vàng võ
Nửa vầng trăng trinh nữ rỡ ràng
Dấu môi hôn ngập tràn niềm viên mãn
Đắm đuối hồn trôi dạt biển thi ca
Em vẫn hát suốt những chiều mệt lả
Nụ thiên thần xin kết trái đơm hoa
Ta hoang tưởng giữa bến bờ ảo vọng
Trái đam mê chín mọng vô thường.
H.C
Đi giữa miền hoang tưởng
Đời là giấc mơ thoáng qua. Mà giấc mơ thì không có thật nên đời cũng không có thật?
Chỉ là giấc mơ thôi - trong bài Đôi bờ Quang Dũng đã tạc hai câu thơ rất hay: Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mơ, thì nhà thơ cũng là giống “nòi tình”, luôn đắm chìm trong những phút hoang tưởng, những ảo vọng cuồng điên kể từ khi trái đất có sự hiện diện của muôn loài vạn vật. Có lẽ con người là hữu thể đại diện sâu sắc nhất, dính mắc nhất trong cái tình ghê gớm nhất. Vì thế con người mới mong đi tìm, đi hoài, đi mãi, kiếm tìm mãi; chẳng biết đi đâu, tới đâu, về đâu sau rốt cũng chẳng tìm ra cái gì cả... Đó chẳng qua vì tình vướng chặt quá: Nợ tình biết trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan? (Truyện Kiều - Nguyễn Du) nên nàng Mỵ Nương vào một đêm trăng sáng kia mới vọng tưởng đến bóng thuyền của chàng Trương Chi dìu dặt qua tiếng sáo hiện về trong đáy cốc. Hay một cách khác, vì chúng ta đi trong vô minh nên bến bờ ảo vọng kia mới có cơ hội nảy nhánh đâm cành, nổi lên trong thức của mình. Rồi, để một ngày kia ở góc trời nào đấy Nguyễn Hữu Cán chợt khẽ chạm vào nỗi nhớ mong manh mà khởi khúc duy tình. Người và thơ như cảm thấy chưa đủ đầy nên mới kéo cả trời đất xuống để cùng hát nghêu ngao, rong chơi dìu qua cơn mê: Bến tương tư chạm vào đáy cốc/ Nghe đất trời cũng chếnh choáng men say. Kinh Lăng Nghiêm có câu: “Thuần tưởng thì đi lên; thuần tình thì đọa xuống”. Và con người luôn chìm đắm trong ngàn năm tơ tưởng. Không có thuần tưởng; khi niệm trong sạch thì không còn tưởng. Thuần tưởng là suy nghĩ, là vọng tưởng như buồn, vui, yêu, ghét, tham, sân, si, sát, đạo, dâm v.v. Nhưng làm sao để đi qua? Duy chỉ khi thức bùng vỡ thì mới trực nhận: à, hóa ra còn có thi ca sẽ giải cứu cho mình! Ta hoang tưởng giữa bến bờ ảo vọng (*) trong thoáng chốc mơ màng chàng Hữu Cán đã nhận ra tất cả: Dấu môi hôn ngập tràn niềm viên mãn/ Đắm đuối hồn trôi dạt biển thi ca. Nhưng rồi nếu săm soi cho thật lâu, thật kỹ mới thấy sao gấp gáp quá, ngắn quá, nhỏ bé quá, li ti quá, lờ mờ quá, mong manh quá...., chỉ dấu môi thôi thì đọng được gì. Nhưng không sao, như thế cũng là đủ - thi ca cứu vớt hồn thi nhân - như phút mê cuồng có một lần... đó sao? (Thiên thai - Văn Cao). Nhà thơ cũng vừa miên man giữa miền hoang tưởng đi qua ba nhịp thời gian (quá khứ, hiện tại và tương lai) giao động trong sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (Tâm Kinh): Em lõa thể chiêm bao ta vàng võ/ Nửa vầng trăng trinh nữ rỡ ràng. Tất cả đều như không, như có; như mộng, huyễn, bào, ảnh (Kinh Kim Cương) trong cơn miên trường.
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn cảm nghĩ về thơ Nguyễn Hữu Cán: “...là nhờ... những trải nghiệm khổ đau vô thường có thật và những tâm trạng thật, cảm xúc thật...”; còn tôi thì tin trong khắc “thần giao cách cảm” hay quãng nhuần nhị “trái đam mê” có lẽ chàng Hữu Cán khẽ chạm được đóa vô thường!
-------------------
(*) Tên bài thơ trích trong tập Khắc tên lên đá của Nguyễn Hữu Cán. NXB Văn Học - 2008.