Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.236
123.154.066
 
Người tình của mẹ và con
Nguyễn Trung Dũng

 

 

 

Ở góc phố có cái bảng đường. Đọc chữ viết trên bảng thấy đề “Seven Trees Blvd”. Đại lộ Bẩy Cây Sồi nhưng trên thực tế, đi suốt con đường của cái đại lộ mang tên Bẩy Cây Sồi đó, đếm sồi trồng dọc vỉa hè, số gốc sồi phải tính trên vài chục gốc là ít. Nhưng bảng đường đọc đi đọc lại vẫn chỉ là Bẩy Cây Sồi.

 

Đến cái phố Bẩy Cây Sồi thì Thảo đến thường xuyên lắm. Bởi thường xuyên nên nhà cửa hai bên đường xe chạy riết rồi quen mắt. Nhập óc như hình ảnh in lên giấy, mỗi lần nghĩ đến khu phố Bẩy Cây Sồi, óc  Thảo giống y như một cái máy phóng ảnh, dọi cái ảnh đó lên màn kính chiếu mà ở những rạp người ta chiếu phim nhựa.

 

Sồi, những cây sồi trồng lâu đời dọc vỉa hè phố đều tuổi tác cao niên, nom già cỗi. Ngọn nhánh cao và to lắm với lá rậm rạp nhưng những cây sồi đó trời không ban phát hoa nên từ tổ tiên đến đời con cháu sau này, hoa không có được một cái. Không có hoa, cây cao bóng cả, không có hoa nên chẳng tô điểm cảnh đẹp cho khu phố Bẩy Cây Sồi.

 

Thảo mỗi lần ghé tới con đường Seven Trees Blvd chẳng phải ghé để ngắm những cây sồi gốc sần sùi da trăn hay nhìn đỉnh ngọn cao của nó mà ghé để đến thăm người bạn thân quen từ thuở còn học lớp Toán ở Sàigòn. Bảng đường ghi đúng ra dịch sát nghĩa chỉ là Đại lộ Bẩy Cây, nhưng những lần đến chơi nhà Thiện, Thiện không gọi nó là Bẩy Cây mà thêm vào một chữ Sồi. Thêm chữ Sồi thì cái bảng phải là “Seven Oak Trees” nó mới đúng chữ nghĩa. Nhưng nói đâm quen miệng, tên bảng đường thì vẫn là “Seven Trees”, nói vẫn nói với nhau là “Seven Oak Trees” riết thành tên thật.

 

Thiện sang Mỹ hồi bẩy nhăm. Làm việc ở Hãng Điện Tử, có tiền để, có nhà mua, đời sống ổn định và khá giả. Lúc vợ Thiện chết, Thiện sống đơn độc không có con, về hưu ăn đồng tiền hưu của những năm sớm đến sở, tối mịt mới mò về tới nhà.

 

Ngoài những ngày đến hãng, cuối tuần Thiện có nhận kèm nhạc sinh đến nhà dậy dương cầm. Thiện đã tốt nghiệp và đỗ ưu hạng về môn đàn này khi còn học ở Quốc Gia Âm Nhạc Viện hồi ở Sàigòn. Nhạc lý và chơi đàn rất xuất sắc. Sang đây, cuộc sống buộc Thiện phải đi làm kiếm sống, nhưng với nhạc, Thiện vẫn không sao bỏ được. Và đấy là lý do Thiện đã mua đàn dương cầm và đánh những lúc thích thả hồn lẩn vào mỗi nốt nhạc.

 

Thảo tới Thiện một phần vẫn ấp ủ tình yêu giữa hai người nhưng không bước tới hôn nhân, một phần mê say ngồi nghe Thiện bấm những ngón tay lướt trên hàng chuỗi nút, để từ đó dưới thùng đàn hộp kín, âm thanh thả xuống mặt sàn nhà, theo đường trượt lướt mà bay vút ra khung cửa mở. Âm thanh xuống khu vườn hồng và những bông hồng cảm được tiếng đàn cũng xôn xao chụm cánh. Đến cả những con chim bồ câu đậu trên mái nhà người hàng xóm, đầu nghiêng nghiêng nghe ngóng, mắt liêng liếc ngó trời, vẻ trầm tư như đón nhận cái luồng âm sóng từ khung cửa sổ mở thoát ra như làn khói mỏng, như tiếng gió của mùa thu hiu hiu thổi về.

Tâm hồn lãng mạn, Thảo rất dễ bị cuốn hút và mê hoặc bởi tiếng dương cầm mỗi khi nàng đứng bên khung cửa sổ, nghe Thiện đàn và nhìn khuôn mặt Thiện đổi thay theo mỗi khúc đoạn của bản nhạc.

 

Bữa Thiện dạo bản “Come Back To Sorrento”, bỗng đang nghe Thảo ứa nước mắt. Thiện chợt bắt gặp thì khựng lại không đánh nữa. Bấy giờ, từ những giọt nước mắt ứa ra, như trước khi cơn mưa lớn đổ xuống ào ào xối xả, khởi đầu chỉ là dăm ba hạt, Thảo khởi đầu bằng cơn xúc động với dăm ba hạt lệ vừa đủ ươn ướt mắt, nhưng chợt nghe Thiện hỏi thì Thảo đã khóc thật. Khóc và nước mắt tuôn ra dễ dàng như một con suối đón nhận lưu lượng nước nhập từ đầu ngọn của nguồn.

 

Cái đoạn nhạc đánh: “It's the village of Sorrento. On the coast of Italy. It's the village of Sorrento. That I'm coming back to see...”, Thảo nghe rồi bỗng thấy tim mình thổn thức. Đập rối loạn. Đập không đều. Những cái đập của cơ tim bất bình thường tạo ra cơn xúc động giống như mặt nước đang phẳng lặng, trồi lên một cuộn sóng lớn, sóng xô đẩy, sóng dồn ép, và sóng đuổi nhau ồ ạt tranh nhau tiến thẳng vào bờ.

 

Bước lảo đảo, Thảo cố lần đến cái ghế “sofa” và thả nhanh người xuống ngồi để trấn tĩnh tim, để điều hòa hơi thở, để bớt xây xẩm mặt mày vì cú nhúng động gây trong cơ thể.

“Nguy thật. Em bị bệnh yếu tim hay thiếu máu. Phải tới bác sĩ xem họ chuẩn bệnh ra sao, chứ mỗi bận em xúc động dữ dội như thế, dễ đi lắm”.

Thảo nghe thì gật đầu nhưng không nói. Thiện rót một ly nước lạnh đem ra đưa cho nàng:

“Em uống xem có trấn tĩnh cơn rối loạn tim không. Nước lạnh sẽ tác dụng ổn định cái xáo trộn tâm trí  em ạ”.

Thảo nhận sự chăm sóc ân cần của Thiện bằng cách chịu đón lấy ly nước từ tay chàng. Vẻ lo lắng, Thiện lại hỏi:

“Tim hay em đứng gần cửa sổ, gió máy làm em xây xẩm chăng”.

“Em không biết. Cũng có thể là gió, cũng có thể do xúc động bởi bản nhạc mang nỗi buồn mà em cảm được”.

“Để anh coi. Gió thì trên da máu sẽ bầm. Máu bầm là có gió nhập vô người. Đưa cái lưng đây. Nhìn cái lưng có gió hay không có gió tức khắc biết”.

 

Thảo nghe Thiện nói thế thì hơi lưỡng lự không chịu đưa cái lưng mình cho Thiện coi. Nàng thấy trong căn phòng vắng vẻ, chỉ có Thiện và nàng, một đàn ông một đàn bà, Thảo đo lường trước được những cái bất ngờ, cái không tránh được nếu để bàn tay người khác phái đụng chạm trên da thịt thân thể của mình. Dù là một người tình, dù đã gặp gỡ quen thân đã lâu, khoảng cách giữa hai người vẫn giữ khoảng cách của tình bạn. Khi Thiện lấy vợ, khi Thảo có chồng, khoảng cách đó lại được phân ranh rõ ràng minh bạch như một bức tường rào giữa hai ngôi nhà giáp cận. Đến khi vợ Thiện chết và chồng Thảo cũng qua đời, lằn ranh đó vẫn được hai người tuyệt đối tôn trọng. Có lẽ tình cảm của Thiện và Thảo vẫn dành trọn vẹn cho những người quá cố chẳng phải vì một lời thề nguyền, chẳng phải vì sự thủy trung tình nghĩa, nhưng cả hai vẫn giữ được cái giới hạn. Đề nghị của Thiện lúc này cho dù Thiện có thành thật lo lắng và săn sóc cho Thảo, Thảo vẫn thấy một chút ngờ vực, một chút phân vân và cùng lúc đẩy nàng vào thế khó sử. Nhưng, đúng lúc cái ý nghĩ chợt đến trong đầu nàng chưa đâu ra đâu cả, thì bàn tay Thiện đã đặt nhẹ lên bờ vai nàng rồi. Và, tự nhiên như một sự tự nhiên phản ứng của thể xác, Thảo bắt rùng mình. Rùng mình thực ra không vì nhục dục mà rùng mình nhưng ở đàn bà, cái cảm tính rất nhạy bén, chạm tay vào một vật mềm mềm như lông con chuột, nàng cũng chỉ là những người đàn bà khác nhạy cảm tức khắc nổi da gà và rùng mình.

“Em mở cái nút áo cổ để anh xem xem có gió không nào”.

Thiện nói như khuyến khích thêm sự bạo dạn của Thảo.

“Đừng có nghĩ bậy về anh nghe không. Săn sóc em đơn giản anh chỉ là người bạn. Bạn, tình nhân, và lẽ ra là người chồng nếu chúng mình lấy nhau hồi đó”.

 

Lời nói của Thiện như chất mật. Mật ngọt dễ quyến rũ những con ong đánh cánh đảo về bấu chân hút chất mật ngọt đó từ một cái hoa vừa mới nở. Từ tỉnh táo và khôn ngoan, từ ít đụng chạm da thịt đàn ông khác giới khi chồng chết ba năm lâu rồi, Thảo bỗng như một cái cây thiếu nước được tưới nước hồi sinh để những cái lá đang úa héo bỗng tươi tắn cứng cáp trở lại. Câu nói khuyến khích của Thiện chính là liều lượng nước tưới và từ thúc đẩy không phải của Thiện nữa mà lại là của Thảo cái lúc Thảo tự mở cái khuy nút không chỉ là một lại tới hai ba cái. Bây giờ thì cái áo lưng sau đã trễ xuống và phần da để hở đã hiện ra dưới mắt Thiện. Làn da trắng và mịn mát quá. Thiện không có ý nghĩ lợi dụng khi bảo Thảo cho mình xem có gió hay không có gió bầm máu trên phần lưng, nhưng lúc thấy phần lưng hở của Thảo, cái ý nghĩ trong sạch và ngay thẳng của Thiện đặt trên mặt ván bằng bỗng chốc ván nghiêng và lật.

Giọng Thảo hơi run run khi lên tiếng hỏi Thiện:

“Sao. Anh thấy có máu bầm không”.

“Không bầm. Da vẫn trắng. Trắng và mát mịn”.

“Thế thì không phải gió máy. Thôi để em kéo cái áo lên không lạnh cổ quá”.

 

Thảo vừa nói vừa kéo cái vải áo để cài ba cái khuy lại. Nhưng ở lưng nàng, nàng nhận ra đôi môi trơn ướt của Thiện vừa rà lên đó. Thiện rà môi cùng lúc hai bàn tay đặt nhẹ lên bờ vai Thảo và kéo người Thảo về sát ngực Thiện. Thảo vẫn còn chút ít tỉnh táo nên phản ứng dội ngược, nhưng cái chút ít đó không đủ sức bền để nàng dội ngược chống chỏi mãi được thì như một người không biết bơi té xuống nước, vùng vẫy cố sức cuối cùng cũng xuôi tay để nước nhận chìm.

 

Nàng chìm trong nước như chìm trong cái ghế “sofa” đệm lún dưới sức nặng của hai người. Và, trong một lúc bất ngờ sợ hãi, chặn cái Thiện muốn vượt rào cản tiến đến mục tiêu cuối cùng, Thảo đã không để Thiện thực hiện vượt rào như ý Thiện muốn.

Đẩy Thiện ra để đứng dậy, Thảo nhìn Thiện nói như trách nhẹ:

“Mình đi hơi xa. Đi hơi xa sẽ lạc mất lối và kỳ đấy”.

“Nếu, Thiện cười. Nếu có sao mình lấy nhau cũng vẫn được. Dù nay có chậm nhưng không phải là muộn. Mình đã thực tình yêu nhau và là người tình vĩnh viễn của nhau. Anh thì dễ, còn em...”.

“Em. Em chưa thể dứt khoát được. Cứ thế này đã. Thế này nó đẹp hơn khi mình lấy nhau. Vợ chồng anh cũng như em đều đã đi qua, đều đã thấy, đều đã biết, nó không còn gì đẹp đẽ hơn là chuyện chiếu chăn xác thịt. Em ghét cái tình yêu nó co hẹp lại dài ngắn vuông vức trên một cái giường”.

“Sao em lại có thể cho đó là một cái giường”.

“Thì thực tế nó vậy nên em nói vậy. Lấy nhau rồi, tình yêu thuần khiết theo thời gian nó bạc như vôi vữa, nó loãng như khói loãng, nó phai mầu như mầu phai, chán lắm. Lúc giận nhau, lời qua lời lại nặng nhẹ, tiếng bấc tiếng chì, thì chẳng còn tìm ra đâu cái tiếng anh anh em em ngọt sớt, cái săn đón vuốt ve chiều chuộng, cái câu nịnh nghe êm tai ngọt lưỡi mà chỉ là cái giường, cái giường lúc tối đêm hì hục”.

 

Đứng nghe những lời nói chua chắt lẫn đắng cay ở miệng Thảo, Thiện bỗng hẫng rồi tụt sâu vào nỗi buồn. Có thể những lời của Thảo vừa nói thế, nó là chất vôi vữa vẩn đục đã kết thành một khối đá sần sùi để lại sau những năm tháng Thảo ăn ở với chồng. Và, kết quả không đem hạnh phúc đúng với ao ước mong đợi của nàng muốn khi nhận làm vợ của người chồng Thảo.

 

Chặn đứng cái hăm hở đúng lúc Thiện muốn hăm hở đấy chính là dụng tâm của Thảo dùng tới cái rào cản. Và cái rào cản đã bắt Thiện dậm chân bên kia lằn ranh như điều Thảo buộc phải làm.

 

2.

 

Buổi tối ngồi ăn ở bàn, Thảo nói với con:

“Mẹ vô tâm không nghĩ ra. Không nghĩ ra ông nhạc sư dương cầm là bạn thân của mẹ. Đúng ra con học đàn thì phải học từ thầy dậy. Không thầy đố mầy làm nên mà con”.

“Con biết. Nhưng trước đây nếu muốn đến trường, con chưa biết lái xe, trường xa con cũng chẳng thể đến được. Nếu có bạn mẹ là nhạc sư “piano”, mẹ nói ổng cho con học thì quá tốt đấy”.

“Con thực lòng muốn thì để mẹ hỏi. Ai chứ ông bạn này của mẹ, chỉ cần mẹ nói một câu là ổng đồng ý liền. Bây giờ khuya rồi, gọi điện thoại quấy rầy người ta không tiện, để mai sáng mẹ gọi cho con”.

 

Mai sáng, thực hiện lời hứa với con, Thảo bốc điện thoại. Thiện nghe thủng chuyện, OK nhận lời. Buổi học đầu, Mai, con gái của Thảo ra xe đến học đàn. Thảo ghi trên mảnh giấy tên đường, số nhà, lại cả số “phone” để phòng hờ Mai nếu đi lạc còn có cách gọi cho Thiện hướng dẫn. Dặn dò, ghi chép kỹ lưỡng, Thảo ngồi nhà vẫn không yên tâm còn bốc số quay hỏi Thiện về con ra sao. Đúng lúc cú “phone” đổ chuông Thiện bắt, Mai đã ngồi trước mặt chiếc đàn dương cầm rồi.

 

Lần đầu gặp con gái của Thảo, Thiện thấy cô gái phổng phao đẹp mã không kém gì mẹ. Mặt trái soan, mũi dọc dừa, môi trái tim, tóc xõa vai, và nhất là tuổi dậy thì mới lớn, thân hình Mai nẩy nở đầy đặn lắm.

Bài học đầu Thiện để Mai tự ý đánh bất cứ bản nào Mai coi là “tủ”. Thiện ngồi bên cạnh chăm chú nghe để nhận xét. Khi nốt cuối của bài “Serenate” vừa tắt âm đuôi, Thiện chỉ những cái khuyết điểm cho Mai biết để sửa. Sửa bằng cách bắt Mai dượt lại. Cái ngày đầu học không nhiều. Học đánh chừng một bài để thầy biết khả năng trình độ của trò là đủ. Và rồi, Mai về.

 

Những lần Mai đến học kế tiếp, Thiện đưa ra những bản loại “classic” của những nhạc sĩ tài danh bất hủ như Mozar, như Chopin, như Schubert, như Bethoveen để Mai dượt. Tất nhiên những bản nhạc cổ đó được soạn ra với những nốt móc méo, láy âm, những cung bậc tiết tấu hòa hợp không dễ gì đánh mà mong dễ đánh được. Nhưng Thiện vẫn cứ muốn Mai phải dượt vì chàng bắt cô nhạc sinh đi từ đỉnh dốc núi đá tai mèo mới được vào vùng thảo nguyên đầy cây cỏ xanh mướt.

 

Cố gắng, cái khó rồi cũng vượt qua. Khớp, khựng, buổi dượt đầu vấp váp, buổi đánh những ngày gần đây Mai đã giữ được cái tự nhiên bình tĩnh khi ngồi vào đàn. Ngoảnh đi quay lại, Mai đến ông nhạc sư cũng đã sáu tháng tròn. Vào một buổi sáng, Mai đến học và ngồi vào đàn, nàng bỗng thấy buồn buồn. Không phải nhìn qua cửa sổ ngó ra khu vườn cây, ở đó hiện ra khoảng trời rộng, ở đó phất phơ những chùm hoa bông giấy tím, ở đó có những giọt mưa như sợi chỉ vẽ loằng ngoằn sau khung kính, ở đó mây xam xám mầu của chì, mà Mai buồn. Cái nỗi buồn nó ủ khói dưới lớp chấu ẩm trong lòng Mai suốt buổi tối hồi hôm. Nàng muốn xua đuổi những ý nghĩ về một ý nghĩ vu vơ không đâu, nhưng cái ý nghĩ đó càng xua nó càng sáp lại như sương mù cố áp đến cuốn cổ những đỉnh núi nhọn. Nàng chợt thấy tình yêu nở như cánh hoa ngọc lan và cánh hoa đó nàng sẽ đưa tặng một người. Nàng sợ không dám nghĩ đến tên người đó, nhưng rõ ràng cái tên người đã hiện thành chữ nổi trong trái ttim nàng rồi. Thiện. Thiện. Em đã yêu anh.

“Nào, bắt đầu đi cô bé”.

Tiếng của Thiện vụt đến đằng sau lưng làm Mai bối rối.

“Hôm nay Mai tính đánh bài gì. Chopin hay Mozar”.

“Không Chopin. Không Mozar. Bữa nay thày cho em tự chọn”.

“Bản nào đấy”.

“Romeo et Juliette. Nhạc chủ đề trong phim quay tác phẩm của Shakespear”.

“Shakespear. Romeo et Juliette. Được. Vậy đánh đi”.

Mai ngồi lại ngay ngắn và thả dài mười ngón tay bầy lên chuỗi phím ngà.

“A time for us. Some day there 'll be when chains are torn by courage born of a love that's free a time when dreams so long denied flourish as we unveil the love...”.

Chợt như xúc động, Mai hát khẽ theo nốt đàn qua lời tiếng Việt: “Giây phút êm đềm. Ngày ta gặp nhau. Mắt yêu thầm trao. Những câu tâm tình. Biết bao là âu yếm. Nhưng mối duyên đầu. Thường gây khổ đau. Lòng khóc thầm. Vì phút chia ly chợt đến như mưa trời ngâu”.

 

Không rõ có phải vì cái nấc đưa lên làm nghẽn giọng Mai không, đến đoạn đó bỗng Mai khựng. Phải đợi một sau vòng đánh trở lại rơi đúng cái câu đứt, Mai mới lại nhập vào được: “Nhìn lá, vàng rơi, xao xuyến, hồn tôi, nào đâu, người yêu và những ngày xưa. Thôi đã hết rồi. Tình yêu đầu tiên. Giống như hạt mưa. Mát cho tâm hồn. Phút giây rồi chợt hết. Theo áng mây sầu. Nghìn năm buồn trôi. Vì nhớ người. Người hỡi, đang say hạnh phúc thấu cho tình tôi”. Câu cuối mấy chữ “thấu cho lòng tôi” giọng Mai buồn lắm và đúng lúc ngước lên nhìn thẳng vào đôi mắt Thiện.

“Rất hay. Hôm nay thầy khám phá ra giọng hát của cô bé, còn ngón đàn ra sao thì thầy cũng đã biết rồi. Nhưng ơ hớ, sao lại chọn đúng cái bản đàn buồn thế”.

“Thầy vô tình nên đâu có biết. Chọn nó vì nó phản ảnh đúng tâm trạng của em. Có điều nếu em là Romeo, em sẽ không để Juliette chết mà trốn đi rồi lấy nhau. Chết như thế uổng quá. Nhưng thầy có công nhận mối tình đó quá đẹp không”.

“Cô bé giống mẹ như hệt. Lãng mạn thật”.

 

Mai làm bộ nũng nịu. Nàng vẫn ngồi lặng im trên ghế và biết Thiện đang bên cạnh ngó mắt xuống mình. Đứng ở thế đứng cao, Thiện dán con mắt ở điểm nào thì chẳng cần liếc lên, Mai cũng biết điểm chấm của hai con mắt đó đặt đúng nơi nào rồi. Cái ngực áo xẻ cổ của nàng ngay chóc. Sáng nay lúc đến học đàn, Mai đã chủ đích mặc bộ đồ đầm với cái cổ cắt thấp. Đồ đầm gấu váy ngắn thả chùng đúng khỉu gối, vải váy dầy, vì thế cũng đủ kín đáo che thân. Lúc đã mặc cái quần lót bận trong, nghĩ sao nàng lại tụt nó ra và liệng vô hộc ngăn tủ. Thấy con ăn mặc khang khác mọi ngày, Thảo gờm gờm mắt nhưng không tiện nói. Nàng sống với con và hiểu tính con không thích ai khen chê, bình phẩm cách ăn mặc theo sở thích mình thích. Bởi lẽ tôn trọng, Thảo không vừa lòng nhưng không có ý kiến nói ra.

 

Bây giờ, mục đích nhắm vào cái áo hở cổ của mình dụ Thiện, Mai thấy đã đạt. Con chim đã luồn cái cổ vào sợi thòng lọng, muốn tóm con chim chỉ có việc giản dị là giật cái giây cho vòng thòng lọng thắt.

 

Ở Thiện, Thiện như một miếng sắt trước sức hút quá dữ dội của cục nam châm nhưng cố khựng để thoát khỏi sức hút đó. Chàng vẫn đủ sáng suốt tỉnh táo để phân biệt tuổi tác, vai vế, con gái của bạn mình mà hãm cần thắng cho chiếc xe không tuột dốc lao đi. Nhưng, trên đường đang đổ dốc, thắng gắt quá, cái tay thắng đã gẫy lìa và không còn cách nào cản bốn cái bánh quay tin tít lao thẳng xuống vực. Đấy chính là lúc Mai bỗng đứng bật dậy, xoay hẳn người lại phía Thiện, ôm chồm siết cứng lấy người chàng. Cô bé đã bất chấp những gì đúng hay không đúng vào lúc đó cũng hệt ngọn sóng thần ào lên bờ biển, trong cái hung dữ phá phách còn kể gì sự lựa chọn mà tránh với né. Cục sắt đã dính khối nam châm trong chốc lát và cả hai vật thể áp lại thành một.

 

Sau lần Mai quyện với ông thầy nhạc, còn vài lần sau đấy nàng cũng đến học nhưng không để học mà để cuốn Thiện như loài trăn phủ nhau. Cuộc tình thầm kín khéo che đậy đến độ Thảo không nghi ngờ, không hay biết một tí mảy may nào. Cho đến một hôm, buổi sáng đó đúng ra đã đến giờ Mai dậy nhưng Mai vẫn chưa thèm dậy.Nằm ì trong phòng, Thảo hốt hoảng gõ cửa để biết con ngã bệnh hay ra sao. Mai chỉ nằm khóc. Khóc tấm tức không nói một lời.

“Cái gì mà con cứ ư ử khóc với lóc kỳ cục thế”.

Vẫn lặng thinh nín bặt trước lời mẹ hỏi. Thảo bực quá phát gắt:

“Phải nói ra mẹ mới biết sự thể để giải quyết chứ. Không nói con cứ nằm khóc vùi, mẹ đã không rõ còn rối cả trí lên”.

“Mẹ ơi, Mai nức nở, mẹ tha tội cho con”.

“Con có tội gì mà mẹ tha”.

“Không. Con có tội. Con đã mang thai”.

“Trời đất ơi, con mang thai. Sao con lại dại dột thế. Mà mang thai với ai?”.

“Với thầy Thiện. Thầy Thiện dậy đàn”.

“Thế này thì chết được. Cái ông ấy đã làm hại đời con tôi. Trời”.

Thảo ngã bịch xuống giường uất hận ứ lên tận cổ. Rồi nước mắt ứa ra, ứa ra và nàng ôm lấy mặt khóc vùi. Lúc trẫn tĩnh được cái đau như xé, Thảo lết về cái máy điện thoại, quay số để gọi cho Thiện. Ngay câu mở đầu, Thảo hỏi như sẵng:

“Tôi không ngờ ông lại như vậy”.

“Thảo bình tĩnh để anh phân trần”.

“Chẳng còn gì để mà phân trần. Hại đời con gái tôi, ông làm được cái việc như thế chăng”.

“Chuyện đó bây giờ đã lỡ cả rồi. Nếu em có mắng anh cứ mắng. Nhưng cũng phải để cho anh nói đã”.

“Còn nói gì nữa. Nó bây giờ đã có thai, trời ơi, bây giờ tôi chỉ còn nước tự tử”.

“Tự tử. Không phải em là người tự tử mà chính anh phải tự tử. Nhưng anh nghĩ rồi, hành động tự tử là phủi tay, là trốn chạy, là hèn nhát đê tiện. Anh không thể hèn nhát đê tiện phủi đít khi gây ra tội lỗi rồi để người khác phải gánh chịu cho mình. Anh sẽ phải sống để vực Mai sống và để nuôi đứa con trong bụng Mai ra đời. Thảo à, nếu em muốn cầm dao băm anh ra từng mảnh thì thù hận của em vẫn chưa thể nguôi được. Bây giờ, anh muốn em nhìn thẳng vào sự thực, chấp nhận sự thực và giải quyết cái bế tắc của vấn đề. Anh không chối lỗi. Anh không chạy tội. Nhưng trong tất cả ngõ ngách em bít lại, xin em để chừa cho anh một kẽ hở để anh ra. Đó là sự tha thứ và khoan dung. Lời khẩn cầu của anh chỉ có chừng đó cũng là cú ân huệ trước khi em kề súng bắn vào đầu anh”

 

Thảo hơi nguôi nguôi. Nhưng cổ nàng vẫn nghẹn vì tim gan nàng tựa như thắt lại. Và nàng nói trong tiếng nức nở:

“Có lẽ nào một người như anh, tuổi tác ngang bằng tuổi tác bố nó, bạn của em, tình nhân của em, anh lại nỡ lòng đi yêu một đứa con gái chớm hai mươi tuổi, ngây thơ và trong trắng, anh thử nghĩ lại xem như thế có trái khoáy, có nghịch lý không. Bây giờ, bây giờ đã lỡ cả rồi, em khổ quá và còn biết sao được”.

“Thưa mẹ, vừa lúc Mai bước ra khỏi phòng và nói, con có lỗi. Và con sẽ chết để chuộc lại lỗi lầm con đã chót dại”.

“Không. Không được nghĩ điều như vậy. Mẹ sẽ tha thứ hết cho con. Dù ông Thiện có lấy con hay không, mẹ vẫn coi giọt máu trong bụng con là đứa cháu của mẹ. Và mẹ sẽ nuôi nó như mẹ đã nuôi con. Con đừng nghĩ đến chuyện chết chóc dại dột. Con phải sống và can đảm sống và coi đây chỉ là một chuyện đã rồi. Mẹ đau khổ lắm chứ, nhưng mẹ phải chịu thôi. Con nhé, đừng để đầu óc con u ám nghĩ đến chuyện hủy hoại thân thể. Rồi điều gì thời gian cũng rửa sạch. Rồi con cũng sẽ quên tất cả để sống”.

 

Thảo cố nói để trấn tĩnh con, nhưng đêm đó nằm trong phòng vắng, có lúc nàng mở mắt nhìn lên vầng trăng, thấy vầng trăng đầy hình bóng quỷ.

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 2041
Ngày đăng: 01.05.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rủi-May ! - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Lila, lila… - Hoàng Mai
Đêm hỏa châu - Thu Phong
Làm ly cao hổ cốt cái đã - Từ Sâm
Đời ba như quả đu đủ - Lâm Bích Thủy
Tháng chín, mùa cua lên bãi - Nam Dao
Mùa hoa khói - Hải Điểu
Tiểu thuyết và cuộc đời - Nguyễn Trung Dũng
Chung thủy ! - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Dòng sông không trở lại - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)