Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.140.010
 
Thầm thì mây – gió 2.
Nguyễn Hồng Nhung

 

 

 

        

 

 

 

 

Bạn thân mến!

Đêm qua, tôi nhìn thấy nỗi lo lắng của tôi với các bạn: một bóng mây đen che phủ bầu trời trong sáng đang vui tươi, điệu cười khả ố nhăn nhở của thần chết...tất cả rất trực tiếp, vì tôi đã từng nếm trải bằng chính da thịt mình.

Dù biết chẳng có gì khuất phục được các bạn, tính chất anh hùng ca của đời sống người nằm trong sự bình thản đón nhận tất cả, nhưng đấy cũng là nỗi đau, càng ý thức càng đau. Trong cảm xúc trìu mến tặng nhau nụ cười cởi mở và ánh mắt tha thiết, không bao giờ đọc ra nỗi chia ly nhưng đấy cùng lúc là sự phân chia tất yếu giữa khả năng của sống và chết. 

Gửi đây cho bạn xem mấy nhận xét của một người quen về mấy bài dịch của tôi hôm trước:

’’Bản của em rất rõ ràng về "Lí-thuyết" và "Nguyên-lí". Tuy nhiên nếu chỉ nhìn vào tự-zạng thì có vấn-đề. Tại sao? Nếu "Teoria" là "Theory" thì "Teoria" là "Lí-thuyết". Nhưng theo cách ziễn-tả của Béla thì "Teoria" có ngĩa "Teleology" tức là Nguyên-lí tất-iếu của Tạo-hóa. Trong Triết-học Tây-fương cả hai Teleology và Theory đều có vị trí khác nhau. Triết-học chỉ coi lí-thuyết là fần NHẬN-ĐĨNH chứ không fải là cứu-cánh. Người ta gán chữ "học-thuyết" cho Marx và Freud. Chứ cả hai người này không coi tư-tưởng của họ là "Học-thuyết" mặc zầu cả hai đều có lỗi-lầm. Ví-zụ: hầu hết cách fân-tích jấc-mộng của Freud zựa vào văn-hoá và xã-hội Áo. Cho nên không thể áp zụng vào con người ở xã-hội khác. Đây là điểm Russell fê-bình Freud. Jung đã cực lực tẩy chay fương-fáp đoán-mộng của Freud.

3) Theo anh, chữ HOMEROS trong câu em viết "Anh-hùng Ca Homeros" là một "tính-từ". Nếu đúng vậy, thì câu này nên viết là "Anh-hùng ca trong tác-fẩm của Homer".

4) Hầu như người Việt zịch các từ trừu-tượng của Tây-fương zựa vào lối Tầu.Có 2 vấn-đề. (a) Zịch thường zễ đi xa bản gốc. (b) Muốn biết ngĩa tiếng Tầu fải nhìn vào tự-zạng viết theo kiểu chữ NHO. Bởi vì cùng một "ÂM" đọc có nhiều ngĩa khác nhau trong cách viết. Cho nên theo Tầu càng làm rối đầu người Việt.

 

Bạn thân mến!

  hay quá.

Nhưng theo tôi, ngay trong từ nguyên, thì chính theory cũng xuất phát từ "theoria" mà ra, từ này gần với teoria hơn so với theory, tôi nghĩ vậy. Từ theoria mới đi đến theosis và theology. Theo đó, thì theoria, như cách hiểu của trường phái Alexandria, thì rất gần với nguyên-lý. Thậm chí, như cách diễn giải của Hamvas Bela, còn gần với "Chân Như" (Chân lý tuyệt đối, tự tính của vũ trụ,...), và như thế "nguyên lý" là một từ dịch xuất sắc. Teoria, trong tổng thể từ vựng của H. Bela, tôi thấy, nó sát với theoria. 

Còn điểm nhỏ là, như tôi biết, thì Homeros là cách viết Hy Lạp của  Homer, Hómēros, chứ không phải tính từ. Tôi đọc lại nhận xét 3 lần nữa, lại muốn nói thêm, "Anh hùng ca Homeros", với tôi, là cách dịch xuất sắc, dù tôi cũng không biết bản gốc thế nào. Homeros thực sự là người trao truyền tri thức về Thần, là "ngôn sứ", vì thế để hai từ này, "anh hùng ca" và "Homeros" đi liền nhau chính là thể hiện truyền thống cổ của Thần: Lời và Thần không có khoảng cách.

 

 Tôi chỉ nghĩ thêm, đối với một người dịch bình thường thì không nói, nhưng tôi tin rằng bạn dịch bằng tinh thần H. Bela và mặc khải từ H. Bela, trong hơi thở và sự mách bảo của H. Bela. Đây không chỉ là tài năng, bạn là”người được chọn”. Đang rất chờ mong những bản dịch tiếp của bạn. Đừng lo lắng cho những người bạn của bạn, hãy dành tình cảm và thương yêu cho H. Bela và Lời của chàng. Đối với tôi, vạn sự là hảo sự, bạn hiểu điều đó mà. Không có bi kịch, vì bi kịch chân chính, với tôi, là sự phân ly với Thần Thánh. Bạn hiểu điều đó hơn ai hết mà.

Bạn thân mến!

Có lẽ bạn nói đúng: bác Hamvas Béla chọn tôi dịch vì tôi thường hiểu lập tức và dịch bác rất nhanh. Tối nay tôi đọc một bài phân tích tác phẩm H. Béla của một nhà lý luận nổi tiếng (tôi đã dịch một bài rất hay của ông này trước kia).  Ông gọi tác phẩm của H. Béla là sách của những kẻ nhập định, hay nói một cách khác, sách dành cho những ai có „nhậy cảm đặc thù”. Bởi vậy không phải ai cũng hiểu. Nhưng tôi muốn nói thêm: ai có nhu cầu nhập định, đọc H. Béla, quá trình nhập định sẽ diễn ra với người ấy. Tôi và bạn gặp nhau từ tác phẩm của H. Béla- hai kẻ nhập định- thật quá mừng rỡ vì điều này.

 

Đêm qua tuyết rơi, sáng dậy nhìn ra cửa sổ thấy đất trời trắng xóa, im lặng trắng xóa...Nhớ lại ý tưởng đêm qua đọc bạn: "không có bi kịch, bi kịch chính là sự chia lìa  với Thần" chợt hiểu từ đâu mình vẫn còn tư duy "thị dân". Nếu mới nhận thức"mình là con đường"-tức là vẫn đề cao cái Tôi, vẫn đi tìm mục đích, vẫn duy vật. Nói như bạn, là đã hiểu đúng câu của Hamvas Béla:"Cuộc sống không có mục đích, chỉ có ý nghĩa". Ý nghĩa đời sống của một cá nhân( cũng như một dân tộc) là sống một đời sống thiêng liêng, nghĩa là nhập làm một  với thần, với lửa, với dương, với tinh thần của vũ trụ. Tuyệt!

Bạn thân mến!

 Đọc bài dịch mới „Lời giảng trên núi” của H. Bela, đánh thức vài vấn đề "huyền thoại Đạo gia" mà tôi từng cố gắng tìm hiểu, liên quan đến trường sinh thuật (bất tử), cải lão hoàn đồng và các tri thức cổ về cùng một vị trí, Đạo gia gọi là Mệnh môn (giữa Thận).

Bí mật của sự bất tử là tủy sống, là tái tạo hồng cầu và huyết,  Đạo gia gọi là tái tạo khí huyết, liên quan đến thận, đến vùng trung gian thận là mệnh môn tương đương với đốt sống thắt lưng 2 và 3.

Tình cờ, như trong bài H.Bela đề cập, Kabbala có nhắc đến giữa xương sống có đốt xương bất tử, mầm của cơ thể bất tử. Đốt xương ấy thực ra không phải xương, mà là một đĩa "thái cực" trung gian giữa âm chất (xương) và dương chất (tủy), còn gọi là nhân tủy, hay còn gọi là đĩa đệm.

Nơi tập trung của đĩa đệm nằm ở thắt lưng, là vùng các xương đốt thắt lưng từ L1-> L5, nơi chịu lực chính của cơ thể. Không hề ngẫu nhiên, thoát vị đĩa đệm hay thoát vị nhân tủy đa phần xảy ra ở khu vực này, gần như tương đương với một khoảng không gian phóng chiếu của khu vực Đan Điền, vốn được coi là nơi tập trung năng lượng tối ưu của nhân thể.

Cain, Abel, Set theo tôi là tên gọi các đốt sống lưng (các miêu tả đặc định tuyệt đối đúng: Cain còn có nghĩa gốc là Cái Giáo, thợ rèn, Abel là người chăn nuôi gia súc, cũng có nghĩa là chứng nhân, là cái gì đó nổi lên, đây là cách miêu tả các chức năng khác nhau của xương sống, đốt sống lưng).

 

Kinh Thánh các nguồn đều nhấn mạnh Cain và Abel là con trai thứ nhất và thứ 2 của Eve, Sự sống, tương đương với khoang bụng, bụng dưới (liên quan đến thai nhi, sự tạo sinh). Quan hệ giữa ba người con này là bí mật của Sự Sống, tôi đọc xong lập tức nhận ra điều này. Cũng có nghĩa, thân thể con người là bản ghi chép của Thượng Đế về lịch sử thoái hóa của Thần, của Pháp lý, sự thoái hóa của vũ trụ.

Trong bài nhắc đến Cain và Abel, bên cạnh nhân vật nữa là Set. Tuyệt vời, tôi đã tra lại các tên này, theo các ý nghĩa nguyên ủy của nó, Cain tương đương với đốt sống thứ nhất, Abel tương đương với đốt sống thứ 2 và Set là đốt sống thứ 3.

 

 Như Kinh Thánh kể lại, khi Thượng Đế hỏi Cain về Ablel, Cain đáp: „sao ta phải trông coi em ta?”. Đó chính là đốt xương sống thứ nhất không quản đốt xương thứ 2 ở vùng thắt lưng, theo nghĩa này: lực của thân thể được truyền dẫn trung gian qua Cain, chứ Cain không gây áp lực lên Abel.

 Đứa con thứ 3, Set, như H. Bela nói về con người thế gian, điều này tuyệt vời khủng khiếp, phải có một mối quan hệ với Abel. Quan hệ này được chuyển hóa qua sự nhập định, sự hướng nội, sự hướng vào bản thân, như thế là tiến sâu thêm vào giữa đốt sống lưng, Abel và Set sẽ là vùng tập trung sản xuất các tuyến dịch, tinh, huyết. Đối với Đạo gia, luyện tinh (nam) và huyết (nữ) là căn bản của việc tu luyện. Sự tu luyện này thuộc về tu Mệnh (tu về sự sống, còn được gọi là Dưỡng Sinh - Nuôi sự Sống).

 

Điều này đúng với huyền thoại "huyền quan thiết vị" của Đạo gia: nơi đến cuối cùng của cỗ máy khí tinh hoa là vùng Mệnh môn, là Abel và Set. Và còn có thể nói đến một sự phân bố nữa tương đương với Cain, Abel và Set.

Theo tướng học, Mệnh môn (cái tên này nghĩa là Cửa của sự sống), còn nằm ở Ấn Đường, huyệt giữa hai mắt. Huyệt này có sự nối thông về khí huyết với đốt xương sống lưng thứ 2, đốt Abel, gần với thiên nhãn, là nơi tiếp xúc với Trời. Nơi ở thứ hai của Mệnh môn trong Đạo gia là hai mắt, nơi trú ngụ của việc nhìn nhận thế gian và con người phàm tục, gắn với gan (tuyến lệ) và như thế liên quan đến đốt xương sống thứ 3, đốt Set. Còn lại, phần thận bên phải, sản xuất dịch và điều xuất chất lỏng, nối gần với rốn, là các tuyến dễ tổn thương nhất đối với con người chính là phần có quan hệ khí huyết với đốt xương sống thứ nhất là Cain.

 

Sự hướng nội bây giờ, đối với người tu luyện thông thường, sẽ mang hai ý nghĩa: đột phá các vỏ ngoài của xương sống để tiến vào vùng đệm thái cực tại đốt xương Abel và Set, đây là đốt xương chứa bí mật bất tử, mà, điều hóa nó sẽ làm tái sản sinh các cơ chế của Tủy. Cái này cùng nguyên tắc với Hỏa Linh Công. Thật tuyệt vời.

 Ý nghĩa thứ hai là, hướng thẳng vào vùng bụng, đan điền, dưới rốn 3cm-5cm, nơi kết ấn, để tập trung khí lực. Vậy là phân chia làm hai khu vực: khu vực tụ tập khí tinh hoa là đan điền, và khu vực cải hóa bản thể là giữa Abel và Set. Như thế, phần bụng sẽ loại bỏ ảnh hưởng của Cain, nghĩa là Abel và Set phải tách khỏi Cain để trở thành một khu vực độc lập (theo nghĩa có cơ chế độc lập). Đây vẫn là một phần nguyên lý của Hỏa Linh Công.

Ghi chép của tôi rất vội. Tôi vừa viết vừa nghĩ. Tôi lập tức phải tra lần lại các đường vận chuyển công, các vấn đề được Bela gợi ý để thấu suốt điều này. Tôi đang nóng lòng đọc các huyền thuyết liên quan được H. Bela nhắc đến, nên viết hơi lộn xộn, đừng cười nhé.  

 

Bạn thân mến!

 đọc thư của bạn cứ như...đọc sách ấy.

 A! tôi đã tìm ra bài CÁI GƯƠNG nằm ở đâu? 

Hôm nọ đến nhà ông D. Antal, tôi hỏi, ông ấy cho biết: trong một cuốn tập hợp một số tiểu luận của H. Béla, in đúng một lần và do trường ĐH Tổng hợp in, bây giờ không tìm đâu ra... Ông Antal cho biết: còn rất nhiều tiểu luận của H. Béla chưa in, thậm chí nằm ở đâu đó, ở nhà ai đó, vì vợ H. Béla là "nạn nhân" của các loại "mượn" nhưng không trả lại của những người quen, ngay từ khi chưa bao giờ những bài ấy được in, chỉ ở dạng viết tay hoặc đánh máy. Ông Antal hứa sẽ gửi cho tôi một số bài. Bạn thấy không, H. Béla viết liên tục, bất cứ lúc nào.

Bạn thân mến!

Bạn đang bình yên hơn, tôi cảm nhận qua từng hơi thở của những điều bạn viết, tiếng ngân nga của nó, từng giai điệu trong đó. Tôi đã từng nói, không khéo dịch xong bạn biến thành H. Bela mà. Haha. Dễ lắm bạn ơi. Nhưng dù vì gì đi nữa, bạn đang đi trên con đường thiêng liêng, tôi cá chắc không gì sánh nổi với con đường thiêng liêng này. Bạn biết điều đó mà, phải không bạn?

Dù thế nào, bạn nhận ra chứ, lời dịch của bạn đang ngấm H. Bela hơn, đang nhập định vào H. Bela hơn. Bạn đang "lên tầng" trong tinh thần. H. Bela viết mọi chỗ, thì chúng ta phải đọc và dịch mọi lúc mọi nơi. Cố lên bạn ơi. 

 

Bạn thân mến!

Bên này có một sự im lặng tuyệt đối, mùa đông, nó hòa vào tuyết trắng và cái lạnh buốt trong suốt. Bên này nếu không có sự ấm áp tinh thần, con người dễ biến thành tượng đá trong cảnh vật chết mùa đông lắm, bạn ạ.

Tôi đọc bài của bạn: tiếng Việt của bạn rất sắc cạnh, như một ngọn dao, hoặc đâm thẳng hoặc gọt cứa. Chắc không nhiều kẻ chịu được sự mãnh liệt này. Nhưng họ buộc phải để ý tới. Lúc khác, ngôn từ của bạn lại rất tỷ mỉ, nhẫn nại giảng giải với một bình yên thấu đáo.

Tôi muốn thiên hạ phải biết đến sự song song hiếm hoi này- nhưng con người nói chung nôn nóng, vội vã- có rất nhiều thứ xung quanh có thể ăn từ từ, nghiền ngẫm sự thơm ngon của nó, nhưng họ cứ nhồm nhoàm nuốt như một kẻ cần chết, và chết ngạt vì sự vội vã của chính mình.

 Làm thế nào để đừng dàn trải lê thê trong nông cạn cũng như đừng hấp tấp trong dục vọng cào cấu?- có lẽ trước tiên phải "chết ngất" đi đã, rồi sẽ tỉnh dậy và biết...đúng không?

                              „ HỎA LINH, SỰ THẬT VÀ THẦN THÁNH

 1.Quẻ Ly hai đầu là dương, ở giữa là âm, cũng có ngụ ý rằng dù cháy bỏng đến đâu vẫn có phần thoi thóp. Nên quẻ Ly trùng với ức, là nơi cư ngụ của Tiferet, của vẻ đẹp hoàn mỹ.Sở dĩ Tiferet là vẻ đẹp hoàn mỹ, vì nó ở giữa nê hoàn cung trong đầu và đan điền dưới rốn, nghĩa là ở giữa trí óc và suy tính, lại ở gần chân tâm của con người, ngay dưới tim là sự sống và ngay trên nội quan là tồn tại.

 

Một tư duy cổ xưa đã lưu giữ điều này: Lửa, sức sống, nằm ở trung tâm của toàn bộ đời sống, và bản thân nó là vẻ đẹp, là toàn bích, không cần  biết đến việc nó thể hiện ra sao, nó hoàn mỹ ngay trong chính bản thân nó, nó vừa rạng rỡ vừa yếu đuối, vừa nóng nảy vừa mong manh. Phật giáo gọi ngọn lửa toàn mỹ này là Chân Hỏa, nghĩa là lửa-thật, Đạo gia gọi là Hỏa Linh, nghĩa là lửa-thiêng.

 

Cái Thiêng đúng nhất là cái tự nó, cái tự nó chính là cái Thật, vì cái Thật này đồng hóa mình trong những mạch nguồn bất tận của sự sống. Che phủ Chân hỏa hay Hỏa Linh là cái tôi của con người, là xương thịt nhục thể bên ngoài, là sự biểu hiện cả sự sống thành cơ thể, tính cách, hay mọi mặt của đời sống.Cái tôi của con người đời thường, cũng như nhân thể của họ, vì thế, là một sự hiểu lầm về sự sống, hiểu lầm về lửa-đích thực trong họ, hay về cái Thật là Thần trong họ - đời sống, vì thế, căn bản là hiểu lầm, là Bến Mê.

 

 2. Có một sự liên hệ giữa con người và lửa: sự kích động khao khát khi đăm đắm vào ngọn lửa, tương đương với sự mềm yếu suy tư khi nhìn vào nước. Con người hoang dã nhảy múa quanh lửa, vì một linh ứng dị thường rằng sự toàn mỹ của họ nằm trong lửa, đúng hơn là lửa nằm trong họ. Ngọn lửa ở ngoài kích động ngọn lửa bên trong, nhưng chỉ có ngọn lửa bên trong là đích thực - vì thế một nghi lễ cổ phổ biến mọi nơi trong các nền văn hóa: đi qua lửa.

 

 Đức tin và lý tưởng, sự sùng bái Thần Thánh vừa ước nguyện dâng hiến bản thân mình cho Thần Thánh của con người thể hiện qua những bước chân không-sợ đời thực: họ chứng tỏ được rằng ngọn lửa bên ngoài không thể so sánh với ngọn lửa bên trong, và rằng ngọn lửa bên ngoài có thể thiêu hủy đời sống nhưng không thể thiêu hủy kẻ Thật sự sống, cũng là kẻ đã trao mình cho cái Thần Thiêng, vì thế mà thức tỉnh cái Thần Thiêng trong mình, thức tỉnh ngọn lửa sự sống trong mình. Vì thế, nhờ vào đức tin, những người đồng tu và bậc thầy dẫn đường, con người Thật đi qua lửa của đời-thật, và chỉ có một cái là Thật, đó là phần Thần trong con người, phần duy nhất Thật.

 

 3. Một trong những phương thức cổ xưa để tiễn những người không còn sống về nơi họ thuộc về là Hỏa Táng. Người chết được đặt trên dàn gỗ và lửa sẽ thiêu rụi thân xác của họ. Đúng thế, lửa của đời sống thật này sẽ thiêu rụi phần thuộc về đời sống, do đó, để lại cái Thần Thiêng, giải thoát linh hồn bất tử của con người. Lửa của đời sống này chỉ có thể thiêu rụi đời sống này, không thể thiêu rụi phần siêu thoát của đời sống. Cũng một ý nghĩa tương tự, sự hiến tế bằng lửa, hay cả những nghi thức thiêu hủy phù thủy, đều chung một ngụ ý rằng lửa sẽ đốt cháy phần ác, xấu, phần trần tục, như thế sẽ giải thoát phần Thần thiêng và trả phần Thần Thiêng cho Thần Thánh, cho những thế lực siêu nhiên, cho Thượng Đế và Chúa.

 

 4.Vì thế, quẻ Ly chủ về sáng rỡ, Tiferet là hoàn hảo, vì nó kết thúc sự phàm tục bằng tro tàn và mở đầu phần Thần Thiêng bằng hào quang và ánh sáng. Thần Thánh, do đó, xuất hiện trong hào quang, trong ánh sáng. Sự thiêu hủy đời sống phàm tục, cũng vì thế, trong tư duy cổ, gắn liền với lửa, với sự thiêu rụi, một viễn cảnh được nhắc đến trong các sách về Tận thế. Và nó còn làm xuất hiện một ý nghĩa nữa: rằng đời sống này che giấu cái Thần Thiêng, nhưng không thể che giấu mãi mãi.

 

Thời đại của Thần sẽ trở lại, sau cuộc Phán xét, sau sự thiêu hủy đời sống phàm tục, làm xuất lộ trở lại Sự Thật duy nhất, là Thần Thánh. Thần Thánh chính là sự Thật, nằm trong con người, và chỉ khi nào con người từ bỏ phần phàm tục, thì con người mới thức tỉnh Thần Thánh, thức tỉnh sự thật. Mọi sự thật khác của đời sống chỉ là những dấu hiệu khác nhau của mê muội và phàm tục. Vì thế, đức lý thật sự, sự công chính thật sự được ghi lại trong Torah về Avraham, là sự sùng kính Thiên Chúa, sùng kính Thần thánh, đặt mình vào Thần Thánh, nhờ đó từ bỏ phàm tục.

 

5. Đó là Thông điệp vĩ đại cuối cùng của thời cổ, mà về sau ý nghĩa của nó cũng bị phàm tục hóa bằng sự ra đời của tôn giáo và tín ngưỡng, nhân danh những đức tin bạc nhược và yếu đuối.Vì thế, hỡi con người, chưa muộn để thức tỉnh sự sống Thật sự trong mình, chưa muộn để thức tỉnh Thần Thánh trong mình, bằng cách từ bỏ những sự mê muội, từ bỏ sự bám víu của đời sống phàm tục.

Chính là vào thời đại Kalki, con người hãy giương lưỡi kiếm trí huệ, trên con ngựa của đức tin, tuyên dương một đời sống mới của Thần Thánh. Đây là cơ hội cuối cùng, và cũng là duy nhất của nhân loại, để trở lại Thần Thánh trong mình, dưới sự dẫn lối của Vạn Vương Chi Vương, Vạn Thần Chi Thần. „

 Bạn thân mến!

Vào mỗi ngày qua đi ở Hà Nội, những người ác độc chỉ càng thêm ác độc. Ở đây, tôi từng nói với bạn, con người không biết yêu thương và thiện lành với cuộc sống của nó. Rút vào trong cái tôi đô thị này, trong khi trở nên ích kỉ và vị lợi vị tư hơn, con người hủy hoại luôn chính mình. Những ngày lại qua với bụi bẩn và tranh đoạt, đi cùng những người không biết gì hết ngoài cơn điên giận dữ, tôi thường chỉ biết nhìn lên trời, nhưng tôi biết rằng không thể trông đợi gì sau mây bụi xám ngoét. Dù cũng có ngày trời xanh.

Bạn có hiểu điều tôi muốn nói không? Bạn là một bầu trời trong lành đặc biệt. Tôi không ảo tưởng vào con người, đặc biệt không ảo tưởng vào những biểu hiện của con người. Vì thế, tôi không thất vọng, điều tôi nhìn, tôi biết, đang là một sự thật tự nó như vậy. Sự thanh lành ở bạn đang lang thang trong phàm trần. Điều này có khiến bạn giống "Tiên" không? Tôi đoán chắc là có. Haha.

 Thần Thánh không phải là một thực tại song song trong tâm trí theo nghĩa một ý tưởng. Đó là hiện thực. Đó là thực-tại. Con đường trở thành Thần là có thực. Hãy tin vào điều đó, tin vào điều mà chính H. Bela còn có lúc hoài nghi vì hiện thực quá nghiệt ngã.

Sự cô đơn của con người hiện đại đáng sợ, sự ích kỉ và những người không biết gì ngoài chính mình và sự phàm tục nhân gian càng đáng loại bỏ bội phần. Hãy "nhập định" vào Thần Thánh, bạn thân mến. Nếu lời này còn có sức lay động bạn, đừng để mình chìm xuống. Hãy tin tôi. Như tin H. Bela. Đó là cách để bạn tin chính mình.

Này giáo chủ!

Đôi khi tình cảm của kẻ cầm đầu thánh đường đối với các tín đồ là một quả bom chưa biết lúc nào được quăng ra, bởi vậy, các ngươi hỡi! cứ thin thít chăm ngoan, lành hơn bao giờ hết để (tốt nhất) hưởng ân sủng hơn là sự giận giữ.

Này giáo chủ, phải chăng những lời lo lắng tận đáy lòng, những cử chỉ chăm sóc tận chân tơ kẽ tóc chỉ hiển hiện thành công trong dáng hình của một dây thòng lọng? Hahahahahahah

Thế,

        nhưng:

ở đây tuyết vẫn cứ nhất định rơi, dù đã quá đủ cái màu trắng hôn mê này cùng lũ quạ đen gào rú trên bầu trời, vỗ cánh phành phạch vì cả ngày không kiếm ra một miếng mồi nào hết...

Ở đó, chắc mưa Xuân đang bay lất phất, nhất định không chịu biến thành dòng xối xả để cuốn trôi ra biển tất cả: từ lá bàng đỏ rời cành vun đống dưới gốc, từ thăm thắm hoa khế li ti trổ cành trên gác 2 quán cafe một góc Sài gòn nhìn rất rõ, đến cả tiếng cười một lần cất lên là không quên được của giáo chủ cùng các tín đồ....

Ôi! ôi! ôi!

Tại sao bên cạnh cái thánh đường âm u toàn mổ xẻ xác chết và máu tươi ta lại thấy lâng lâng yêu đời hơn bao giờ hết, nghe khúc khích giọng cười vô hình của trái tim, cứ như đang mong chờ mùa xuân đến để trong nháy mắt, lá vụt hiện xanh biếc trên cành và khắp nơi hoa nở, chim hót?

Tại sao bên cạnh tiếng thở dài khẽ nén của một tình yêu mến mênh mông ta chỉ thấy thần chết nhăn nhở cười xuất hiện, kiên nhẫn gác cái lưới hái lên vai đợi ta gật đầu đồng ý đi theo?

 phi lý quá đi mất thôi, giáo chủ ơi!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!

(dịch tiếp vậy. Hừ!)

 

http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=mMNUF2lxwKg

       Hồi còn lang thang ngoài những bờ mê mệt, anh thường ước mơ một ngày nắng, đi giữa một cánh đồng toàn nắng. Nắng mọc lên từ đất, đất rực rỡ như mặt trời. Và anh thấy bầu trời xanh xao lạ kì, tua tủa những ánh tươi tắn.

 Hồi đó, anh nhớ chắc chắn rằng, anh biết chán ngán với đô thị, nơi con người hãm hại nhau bằng mắt, miệng, tai, tay, chân... tất cả những gì con người sở hữu. Tất cả những gì thuộc về con người đều dùng để hãm hại lẫn nhau. Anh đã chạy ra bên rìa thành phố, ước mình có thể nhảy xuống dòng sông vàng vọt.

 

Anh tưởng tượng mình ở dưới đó. Ngạt thở, tắt lịm. Dưới nước, anh sẽ thấy gì? Không có phép lạ nào, nhưng sẽ chấm dứt những lời nguyền. Đời sống này chính là nguyền rủa. Em hiểu phải không?

 

Rồi anh lớn hơn, bằng khổ đau và tri thức. Anh biết rằng thân thể này còn có dụng ý. Sau này anh biết rằng thân thể còn rất nhiều chỗ dụng ý. Anh đã trở về từ dòng sông đen đúa trong đầu mình. Nơi đây anh cùng bạn bè anh hóa giải sự đày đọa, anh sẽ không dừng lại được, cho đến ngày tất cả bề bộn và bẩn thỉu nơi đây chuyển hóa thành nắng.

 

Và cả mặt trời nữa. Mặt trời cũng sẽ hóa thành nắng. Em biết điều này, phải không? Đây là thệ nguyện mà anh đã sinh hóa vì nó. Vậy anh sẽ vì nó, đến khi nào ngay hơi thở của anh cũng ngừng thở.

Em hiểu, phải không?

Có một lần anh nhắm mắt lại, thấy trong tim có một viên pha lê màu xanh biếc. Khi màu xanh tan đi thành những mảnh vụn sáng, viên pha lê vẫn ngẩn ngơ đợi màu, nhưng giờ thì chỉ còn ánh lên những màu đỏ hằn học.

Anh biết rằng chúng mình đều mong muốn được thuần khiết, và đều biết rằng với con người, sự thuần khiết phải trả giá bằng đau đớn. Nhiều khi, trả xong, chỉ còn lại đau đớn. Không còn thuần khiết. Cũng như không còn gì cả. Mà còn có thể còn gì, em nói xem?

 

Có người từng hỏi anh, "Để làm gì?". Phải, thuần khiết để làm gì, đó là câu hỏi của con người, con người trọn vẹn của đời này. Đó là câu hỏi của nhơ bẩn, vọng lên như tiếng thở than của kẻ đã chết rồi còn tưởng mình hừng hực sống.

Anh ở đây để bảo vệ khao khát thuần khiết. Vì thế, hãy trao cho anh tất cả khát vọng em còn, dù chỉ là một hạt le lói còn nguyên màu đau nhói. Nhanh lên, đưa anh.

Đưa anh, đừng để cả khát vọng thuần khiết cũng đục ngầu và nhuốm bẩn. Nhanh lên

Nhanh lên.

 

Bạn thân mến!

Đọc đoạn này trong tiểu thuyết Karnevál của Hamvas Béla nhé:

 

Một người nào đó ngồi.

Đến gần hơn: hai người, quay lưng vào nhau.

Một đàn ông và một đàn bà. Hai cái lưng của họ buộc vào nhau.

Họ muốn đứng lên, nhưng không thể.

Họ quay cái đầu của mình, để nhìn rõ nhau, nhưng đầu của họ cũng bị buộc lẫn.

Hai khuôn mặt không bao giờ nhìn thấy nhau. Không bao giờ họ có thể nhìn vào mắt nhau.

Khuôn mặt bị hành hạ. Người đàn bà rên rỉ. Nằm đấy, ngọ nguậy cái đầu, để nhìn được kẻ khác.

Họ đau khổ, không nhìn thấy nhau. Họ yêu nhau?

Họ không yêu nhau. Không phải tình yêu.

 

Kẻ mà mi dính mắc vào đó, không phải là kẻ mi yêu

Mi là ký sinh trùng và là kẻ cướp của nó.

Mi chỉ yêu kẻ mà mi buông ra.

Nếu mi yêu, mi đã để nó tự do. Chỉ yêu nhau, những kẻ liên hợp với nhau một cách tự do.

Những kẻ này suy sụp.

Nếu mi dính vào nó, lúc đó mi là tù nhân của nó và mi hút máu nó.

Mi cần buông nó ra, để mi có thể yêu nó.

Chúng chỉ quằn quại bên cạnh đường. Lớn lên cùng nhau.

Vậy mà từ chúng vẫn có một tia sáng xa cách bé xíu.

 

Chúng tưởng nếu dính vào nhau, chúng sẽ liên hợp.

Kẻ này không hề có trái tim để giải phóng kẻ kia. Nó không yêu.

Nó không có trái tim để giải phóng bản thân nó. Nó cũng không yêu bản thân nó.

Chỉ tham lam, và đối xử với bản thân, như với một cậu nhóc được chiều chuộng.

Chúng lớn lên cùng nhau hàng bao thế kỷ nay.

 

Mỗi buổi sáng, khi mặt trời hiện ra ở chân mây, chúng tách đôi,

và cả hai đều tự do.

Nhưng chưa đầy một phút, chúng một lần nữa dính vào nhau, luôn luôn theo cách, để không nhìn thấy nhau. Từ hàng thế kỷ nay tất cả mỗi ngày chúng đều tự do, và tất cả mỗi ngày chúng đều có thể tặng lẫn nhau món quà bằng sự tự do của chúng, để có thể yêu được lẫn nhau.

Nhưng nỗi suy sụp trong chúng lớn hơn. Sự điên dại. Sự nô lệ.

Tình yêu chỉ có thể có từ kết hợp tự nguyện.

 

Đây là sự ngất ngây dối trá, sự dối trá từ hàng thế kỷ nay.

Có thể giúp được chúng chăng?

Sáng mai, bình minh lên, chúng sẽ lại tách nhau ra lần nữa. Nếu chúng yêu nhau đủ để không dính vào nhau, để lại nhìn thấy nhau lần nữa như thế.

Mi nghe thấy không?

Mi hãy yêu!

Sáng ngày mai, khi mặt trời thức dậy.

 

Không thể yêu Thượng đế một cách suy sụp.

Không thể chịu đựng cả ký sinh trùng lẫn tù nhân.

Bởi thế Ngài cho tất cả mọi người một tự do sắp xếp tự thân.

 Làm được gì với một kẻ điên, kẻ kiếm tìm trong nó sự say khướt?

 

Ôi! Một ngày nào đó bạn phải dịch toàn bộ tiểu thuyết này. Lúc đó hẳn bạn đã đi đến tận cùng những cảm giác, đau đủ và thấm đẫm. Hoặc, biết đâu bạn ơi, với một lòng cay nghiệt và lạnh lùng. Vì với những lời này, tôi cảm giác, có chút gì đó, H. Bela mang theo một tình yêu có chút cay đắng với Thượng Đế. Một chút, rất nhỏ, và rất buồn, với cuộc đời nhan nhản. Ôi, nhưng làm sao có thể nói thế về H. Bela?

Có điều, thật kì lạ, đọc H. Bela tôi giống như đang hồi tưởng, và cũng giống như được nhắc nhở, hoặc, đôi khi, như được đánh thức. H. Bela là một giọng nói ngay khi vừa đọc, chấm dứt ngay khi rời đi, chỉ để lại một thứ vô hình không thể gọi tên trong tôi, không phải cảm giác, không phải ấn tượng, mà là một điều gì đó ẩn sâu hơn và tinh tế hơn.

Nói cho cùng, tôi đoán, điều H. Bela đã thực sự làm là đánh thức cái Thiện, bằng cả ngôn từ và tinh thần, bằng cả tri thức và trải nghiệm. Nhưng mọi cái  hiện hình từ H. Bela đều không nêu đủ chân thật về ông, vì ông thậm chí đã vượt lên trên những lời ấy, cả khổ đau và giải thoát.

Nhưng cũng có lúc, dường như H. Bela đột ngột xuất hiện giữa các từ, và hét lên một tiếng không choáng váng, nhưng làm kinh động những dây thần kinh trong tôi. Đó là lúc cái gì đó trong tôi được thổi bùng, một ánh sáng màu lửa hoặc màu mặt trời chạy trong huyết mạch và lấp lánh….

 

Bạn thân mến!

nếu bạn biết những lời của bạn đến hàng ngày với tôi ra sao nhỉ?

Không phải vì cô đơn- những kẻ tự lựa chọn sự xa lánh đám đông không cô đơn, nó chỉ một mình thôi. Cũng đừng lo niềm tin của tôi - ai đã hiểu câu của Hamvas Béla:"Cũng đủ nếu chỉ một người trả lời con nhân mã"-kẻ đó không chỉ chọn xong niềm tin mà còn cả hành động nữa.  Và nếu nó tin chắc vào hành động mỗi ngày của nó sẽ in dấu tích cực như thế nào vào nhân gian, thì có gì ngăn cản nó"Sống như mơ, và mơ như sống?"

Mỗi cuốn sách dịch của tôi là một trạng thái sống và hành động của một NHN lúc nào cũng một mình- may quá, người đọc không cần biết điều này, người đọc còn mải xem bác Hamvas Béla trình bày cái gì.

Nhưng NHN không quên cái gì cả- vì một trong những điều làm nó đau đớn nhất là cái hiện tại của nước VN yêu quý của nó-giống như bạn thôi, bạn không thể dửng dưng vì bạn yêu quý nơi bạn sống. Trong thực tại phũ phàng ấy, lựa chọn mình biến thành cái gì cũng được (rất tiếc) đều mang một ý nghĩa như nhau- tại sao tao không thể trở thành quỷ nếu tao chỉ có thể trở thành quỷ?

Sự bất lực –bạn ơi - cũng bằng sự đau khổ thôi.

 

Bạn thân mến!

Một ngày nào đó, bạn sẽ hiểu thêm rằng, nỗi cô độc thực sự, nơi tận cùng của sự cô đơn, ở ngay sát hạnh phúc chân chính, dù nó không phải là một, và không thể cùng lúc ở hai nơi này. Sự an bình, an bình chân chính, phải đi đến, không phải là "tìm ra".

 Con người phải đi đến những bến đỗ, không phải là phát hiện ra những bến đỗ đâu đó trong mình. Bởi vì bất kì điều gì tốt lành cũng đòi hỏi người ta phải biết hi sinh, phó xuất, đánh đổi, từ bỏ... để đạt tới. Không thể trông chờ ở số phận, hay bất kì điều gì tương tự.

Tặng bạn bài viết này:

                                                 DẰN VẶT

Sáng sớm nay em thấy như có ai vứt sỏi vào ruột em, đau đớn và rách nát. Em không ăn được gì, cảm giác như máu từ khoang bụng đổ ra thành từng đường viền gượng gạo. Em thấy ánh sáng từ sau cánh cửa đóng chiếu lên trần, mà dưới chân em là một đêm đen trốn tránh. Em đứng dậy và thấy mình dường như đang tan vỡ từ những mảnh nhỏ bé nhất, vì thế đau đớn nhất. Hình như có điều gì đã đổi thay từ trong huyết mạch, em không dám chắc. Em lấy con dao cạo sạch da trên bàn tay, nhưng chẳng thấy gì ngoài đau đớn. Thế mà em cũng nhẹ đi nhiều, có thể vì đã quen. Và tim em đập lại từng nhịp, chỉ thế thôi, sao cứ vướng mắc lạ lùng.

Đêm hôm kia khi anh tìm cách nói với em rằng tình yêu có thể giả vờ tái sinh trên một thửa đất bạc bẽo, anh thấy em đã chớm tin rằng tình yêu là một phép màu nghiêng ngả. Lúc đó anh đã không tin vào mình, anh đã chỉ tin vào em, vì thế anh chẳng còn biết làm gì hơn là cười cợt. Tay em có mùi của giết chóc, nhưng tay anh đã có tiếng vọng của nghiệt ngã. Hình như chúng mình chung tay đay nghiến một điều gì, dường như thẳm sâu và anh không thể hiểu hết. Anh chỉ vội đuổi theo những chiếc lá rụng sai mùa, và hoảng hốt ôm chặt những gì còn đọng lại trong không gian quay quắt. Và anh khóc vì nghĩ em đang đau.

Hay giả dối từ trong anh đã chiều chuộng điều anh muốn?

Hay dằn vặt trong em đã phá hủy những luống hoa anh trồng trên ban công?

Nên em cười điên dại trên tàn tro của những lời bóng nhẫy

Tất cả chỉ còn là thế thôi

Chỉ thế thôi phải không

Đừng

Em dùng lửa cuộn lại thành những hình tròn rạng rỡ, em muốn tặng anh thiêu đốt vì biết anh yêu màu sáng đặc. Em đã vẽ những bức hình trong ký ức, lúc nào cũng bê bết gắn lên thành não. Em nghe thấy tiếng từng đợt rung động của hộp sọ, em nguyền rủa ngày em tìm thấy trong não mình một điều gì như hi vọng và trông chờ. Lẽ ra em chỉ nên thấy trên giấy báo và nước bọt, hơn là thấy trong mình một tình yêu cứ như ve vuốt em bằng man mác và mênh mang. Em sai rồi, nên em đã tin rằng em nên tin, nên tin rằng tình yêu có thể cứu rỗi cả thế giới đã tăm tối ngập ngụa. Có lẽ em quên rằng em chính là thế giới ấy, còn hi vọng chỉ là thứ ánh sáng giả tạo em chiếu lên đời mình để cảm thấy có chút gì ý nghĩa? Em tự dằn vặt mình bằng cách dằn vặt anh. Em thấy nuối tiếc và căm hận cùng lúc nở hoa trên trái tim dị dạng vì  cào nát. Em phải dằn vặt ai nữa? Đừng!

Dằn vặt?

Em

Bằng Anh?

 

Bạn thân mến!

Gửi bạn đọc một khúc Niệm Cuối của tôi:

 

                                                     NHẸ

       (http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/nhu-chua-tung-dau-mai-khoi.ztAhCiapxd.html)

Trong góc vườn, khóm  hoa tuyết trắng muốt e ấp  ngả những mái đầu xinh đẹp sang một bên, khi em  cúi xuống, thì thầm  trò chuyện  với chúng.  Em tưởng em đã quên những xuân sang năm trước, lúc nhận ra hoa tuyết trắng dịu dàng bất thần từ đất trồi lên, cũng là lúc nhìn thấy anh đột ngột…

Viết những dòng cho em hôm nay, đâu phải để cùng nói về hoa tuyết?- em nhìn thấy chúng, không phải anh.  Anh chỉ có một thế gian này, một cuộc đời này, không còn cuộc đời khác, sao em nỡ len vào….

để ngày lại ngày, tháng lại tháng, năm lại năm, nhắc đi nhắc lại với anh rằng:  anh còn nhiều cuộc đời khác nữa, nhận ra đi anh … vì điều này em đến…

Em phải nhìn hoa tuyết, mới nhận biết xuân sang.  Mùa đông chịu đựng trầm mặc trong tê buốt há chẳng phải nụ hôn an ủi lâu nhất lúc thiếu nắng mênh mang?

Vâng, dường như hôm nay em mới hiểu…bến mê này, cuộc đời vật chất này là giới hạn hiện hữu duy nhất cho phép mình gặp nhau…

Anh  đã nhầm khi từng tự trách, tại sao có lúc mềm yếu, cho phép em hiện diện vào  đời sống của anh. Anh đã nhầm tưởng sẽ làm em đau, nếu anh  từ chối…

Đá và cây trên thượng giới còn chọn một kiếp người để đi trọn một vòng YÊU có nhau – vì nhau-ly biệt…

nhưng em không nhặt từng cánh hồng rơi đem chôn xuống đất…em đã rủ anh cùng rời bỏ bến mê bằng đi hết con đường đơn độc héo tàn, trước khi bay lên  trời như  gió…

vì mình đã Thánh hóa tình cảm dành cho nhau…

vì sau cùng anh đã làm em hiểu: chỉ ở bến mê mình mới dùng đến chất Thần trong con người phàm tục, chỉ trong một cuộc đời vật chất duy nhất, mình mới rũ bỏ được số phận ngụp lặn luân hồi…

vâng, bằng khổ đau, từ bỏ, bằng sùng kính, yêu thương của tình yêu người dành lẫn nhau…để sẽ NHẸ như một tia nắng sớm, hòa quyện vào trong suốt một GIẢI THOÁT không gian…

Em- đã- hiểu –Anh.

 

Bạn thân mến!

Có thể chúng ta cứ nói, và như bạn biết mà, vì mỗi người sở hữu Lời của mình, rốt cuộc cứ nói vòng quanh, hóa ra là độc thoại trong cảm giác chia sẻ.

 Chuyện này cũ rích, chỉ mới là: với kẻ nhập định, sự giao tiếp là từ Tâm. Lời chỉ là diễn hóa. Tựa như Lời chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Thế mà Tâm lại đồng nhất.

Bạn nghe bài hát này:

http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=OQM5-Ks64is

(Bản dịch đương nhiên chỉ quan tâm đến bài hát, không quan tâm đến lời hát....)

Nhắm lại đi đôi mắt, lướt qua từng rung động đang đắm chìm

Đừng mở mắt, đếm tới 3

Đóng mắt lại lần nữa, ta biết em đang suy tư điều gì

Cứ thế, và nghĩ về anh

Rộng lớn hơn đời vi diệu

to tát hơn em, hơn cả anh

Anh đã có buổi sáng thứ 2 xanh xao uể oải

Lạy Chúa, hãy đi vào căn nhà vì em anh xây đắp

Hãy thức dậy trong đó mỗi sáng sớm, em hãy...

Có những điều ngay đây anh không còn lựa chọn nổi

Này là thành thật, ngọt ngào, Champage, uổng phí, trò chuyện, chỉ thế thôi

Thứ thật đáng nguyền rủa đang trì kéo nằn nì

Cả những màu sắc giả tạo kinh tởm đang quay quắt

Quá nhiều thứ đang dày vò đầu óc anh

Sao ta không biết gì về những cảnh cuối cùng hạnh phúc?

Sao điều đó không xảy ra ở đây

Lần nào cũng là những lời rằng mình sẽ ổn và bảo trọng

Bao nhiêu lần thế rồi em có nhớ nổi không?

Packed it like a punch out to lunch

I got a little hunch that stood out from the bunch

as if that's not a enough I need another reason why

that god damn bitch of life she made me cry

so I'd like to poke her squarely in the eye

and it hurt so much I feel like I could die

yeah

 

Bạn thân mến!

Tôi đang suy nghĩ về những cái Tôi đã được đóng khung trong các loại chủ nghĩa ( ví dụ: chủ nghĩa duy vật )-càng ngày tôi càng khẳng định- đây là dấu ấn thế hệ rồi, giống như một cái nghiệp. Thôi, để kiếp tới sẽ thay đổi chứ bây giờ bất lực.

Điều nguy hiểm nhất của cái Tôi đã được đóng khung là cứ tưởng đấy là ĐỈNH CAO nhất, không cần tìm kiếm, hoặc nghĩ khác đi, hoặc chấp nhận một hướng nghĩ khác. Trong khi đó ĐỈNH CAO phải là thoát ra ngoài toàn bộ các điều kiện tạo ra cái Tôi ấy. 

Tôi nhìn thấy "cơn mê" của mình lúc BẤU VÍU vào „cõi Tình”, lúc đó tôi cũng tưởng cái khung ấy là đỉnh cao? Không, mà là tưởng dâng"tình cảm" là mình thoát khỏi giá lạnh của đời này. Giá lạnh cũng là bến mê, một trạng thái của sợ hãi hoặc buồn bã đến tê liệt.

Tôi đang dịch tiếp H. Béla vào chiều nay, phần này rất tuyệt, hoàn toàn siêu hình, nhưng giờ đây đối với tôi là ngôn ngữ trực tiếp nhất.

Chợt nhận ra: bến mê chỉ vì con người cứ đi tìm cái bên ngoài mình, kể cả cái tốt đẹp nhất, cứ có khát vọng nhìn thấy nó từ kẻ khác, mà không tìm thấy nó từ chính mình.

Hôm qua đọc thư của bạn, tư lự một chút, tưởng như nghe thấy những tiếng chuông ngân đâu đây: tiếng ngân của những quả bạc trên cây Noel khác, tiếng chuông nhà thờ khác- nhưng đều là những âm thanh long lanh chạm vào nhau, vỡ ra của lời cầu nguyện...

Cái mình có thể đạt đến cùng nhau, hỡi những linh hồn trú ẩn trong thân xác người: chỉ là những lời cầu nguyện...

Tại sao lại lời cầu nguyện? Vì chỉ bằng một không khí gì đó vô hình đầy màu sắc tôn giáo, mới chạm được vào linh hồn, để hiểu được cái THỰC không khoảng cách, như H. Béla gọi:  Hiện Thực đích thực.

Lời cầu nguyện mong tìm lại chất thiêng liêng của thân xác, từ thân xác, từ vật chất.

Những cấp độ, bạn ạ, không phải hiện tượng nữa rồi, chúng ta đã mặc nhiên thành hiện tượng, nhưng đang còn hoang mang trong cấp độ. Bài tôi đang dịch của Hamvas Béla nói đến việc con người hãy thực hiện lũy thừa bảy trong nâng cấp linh hồn-hãy đi qua bảy bậc thang địa ngục của đời sống-hãy lên cao thêm bảy tầng.

Tôi đang trải lòng hay đúng hơn: mơ mộng cùng các vì sao một chút...

 êm đềm lắm, có lẽ vì cái không gian đợi xuân lãng đãng tê tê ở đây, mọi bí ẩn đang phục sinh trong lòng đất, đợi nắng rọi bất thần một khoảnh khắc nào đó là nổ tung, nứt lên và tràn ngập nhân gian...

Bạn thân mến!

Đọc những điều bạn viết cảm giác nhẹ lòng quá. Bạn đừng nản lòng dù cuộc sống có biến thiên bất cứ thế nào. Tình cảm con người là chỗ sâu không thấy đáy, mênh mang vô tận. Tình cảnh làm người thì phức tạp vô cùng, không bao giờ đoán biết hết. Đời sống là Khổ. Từ đó mới Ngộ được. Bạn nhỉ. Cái Thiện ở đời này quá hiếm hoi, bạn cố gắng đừng để mất nó. Dĩ nhiên muốn Thiện lại cần Nhẫn, lại cần Chân.

 

Bạn thân mến!

Buổi sáng tỉnh dậy đọc thư, nghe nhạc từ blog"địa ngục"-Sao không là"thiên đường"?- nhìn ra trời tuyết trắng xóa, và không thể không mỉm cười. Lên khỏi cái mặt đất quanh quẩn đầy khổ đau này, chỉ một chút xíu thôi, đã thấy nhẹ nhõm rồi.

Cái tinh thần của Thiện đưa về phía người khác, giống như hơi ấm rất mảnh từ đâu trong vô hình vương tới. Nhớ tới một ý của Hamvas Béla:

„Sự quay vào trong, nói đúng hơn: hướng quay về phía thế giới siêu nhiên không song song với con đường lịch sử mà vuông góc. Đây là nỗ lực mang tính vũ trụ, có nghĩa là sự nâng cao theo chiều dọc. Những con người của giống loài logos là các thực thể siêu lịch sử, những kẻ từ thời gian đột phá theo chiều dọc và sống trong sự thống nhất của thế gian siêu nhiên. „

Điều này lý giải tại sao khi con người tự thanh lọc là lập tức ở ngay tầng cao hơn, và cho thấy tính chất tất yếu của tu tập đối với nhân loại trong thời điểm này: chỉ có thể phát triển theo hướng dọc, hướng đi lên.

Càng hiểu tại sao tôi chán ghét từ lâu văn chương của người đời, những nhảm nhí song song cùng dối trá của thời lịch sử.

 

Bạn thân mến!

Sách. Tự nhiên tôi nghĩ đến anh em Gnostic, những người bảo vệ tri thức cuối cùng. Không khéo, đã có kiếp nào, tôi và bạn từng cùng ngồi đọc sách trong thư viện Alexandria. Ngày đó, chắc chắn bạn và tôi đã hẹn có ngày gặp lại. Như bây giờ. Đọc, dịch và viết. Ít nhất, đó là hạnh phúc phải không bạn. Đủ để bạn giao tiếp với Thần thánh bằng Đức tin và Tri thức. Cả hai điều đó, nhiều thế kỷ, người ta đã lẫn lộn và đánh mất. Nghĩa là, chúng ta đều đang rất hạnh phúc. Đây là hạnh phúc chân chính của con người.

 

Bạn thân mến!

Từ thành phố trở về nhà có một tâm trạng trầm uất kiểu man mác, không nặng không nhẹ. Khi ngắm những hàng rào cây xén ngang, từ xa chỉ một màu xam xám, nhưng đến gần thấy chi chít lộc non đang nhú. Trên những cây cao chỉ toàn cành trơ trụi giơ tứ phía như những bộ xương, những tổ chim mắc vào như tóc rối, vậy mà đi ngang một cành chợt sà xuống thấp, thấy cũng chi chít lộc non.

Mùa xuân nhất định đòi về bằng được, những trận gió đổi hướng liên tục cuốn bay tả tơi những gì còn sót lại trên mặt đất: lá vàng, rác, giấy, và cả những bước chân người hụt hẫng thấp cao.

cái tâm trạng trầm uất gì vậy?

Nhìn thấy kỷ niệm của ngày hôm qua: một tâm trạng mừng rỡ khao khát đợi mùa xuân, bằng cách kể lể cho người thương một ấn tượng gì đấy, một miêu tả đất trời cây cỏ gì đấy, một miên man ảo vọng gặp gỡ...

Tất cả chỉ còn là kỷ niệm của ngày hôm qua-khi: Tình - còn ẩn nấp dưới bao nhiêu màng nhện giăng cảm xúc.

Có gì xấu đâu?

nhưng không thể giả vờ, giả vờ sống được. Có lẽ một trong những nét đáng yêu nhất của con người nhỏ nhoi là nó rất khó giả vờ, hay nói đúng hơn, nó luôn luôn TƯỞNG đang là thế!. Thêm chút DƯƠNG hoặc bớt chút ÂM, đủ để con người TƯỞNG về tất cả, với tất cả....

Hôm nay dạo chơi trong hiu hiu nắng ấm và ngùi ngùi nhận ra kỷ niệm, chợt không hiểu mình đang là ai nữa? Có còn là người không? hay đã hóa một cái gì vô hình ngoài xác thân hiện hữu rồi? hay chỉ là MỨC ĐỘ biến hóa của tự nhiên mà thôi?

ôi người thương- hãy nói.

 

Bạn thân mến!

Hoàn toàn có thể để thân thể này làm chủ tâm ý, phải không bạn? Từng lạp tử tế bào này đều có quyền năng đấy: thống đoạt toàn bộ tinh thần trong những cảm giác nó lưu trữ, ngự trị sự tỉnh táo bằng những tiếng gọi vô thanh điên loạn.

 Chỉ là, khi biểu hiện ra đến bề mặt lý trí và cảm xúc, người ta tưởng như chỉ là một vụ nổ nhỏ trong trái tim, hoặc chỉ là những điều băn khoăn thôi thúc. Không phải vậy, đó là khi thân thể điều khiển con người, đó là khi con người không thể lắng nghe gì khác ngoài những gì xảy ra liên miên cuốn trôi họ trong dòng chảy của cảm xúc, khát vọng, đủ chủng loại suy tư hỗn loạn.

Vì con người không ý thức rõ ràng được hiện thực ấy, nó không biết rằng nó bị thân thể này cầm tù và hãm hại, nó cứ thế trôi giạt và nức nở. Tiếng khóc của tinh thần vang lên trong thể xác, đau đớn và chìm nghỉm.

 Chỉ khi nào con người nhận ra rằng nó đang tự đày đọa và nguyền rủa đời sống của mình bằng sự mê muội và thỏa mãn bản ngã của mình, con người mới lắng nghe được tiếng khóc của tinh thần. Trong duy nhất khoảnh khắc đó con người thức tỉnh. Có thể, để rồi sẽ lại mê đắm.

Nhưng bạn đã thức tỉnh. Và đã biết, không phải để lại mê đắm. Hãy lắng nghe Hamvas Bela. Chàng vẫn ở bên bạn. Và tiếng của chàng xua tan được tiếng khóc của tinh thần. Mạnh mẽ lên bạn. Chí ít, vì không thể yếu đuối hơn đời này.

Bạn hãy đọc bài này:

                                      VĨNH VIỄN LÀ NGƯỜI/ người

Anh cứ chứng kiến thôi, đôi lúc chứng kiến cũng mệt mỏi.

Dù sao con người cũng vẫn là con người, không thể thất vọng vì họ. Con người chỉ quẩn quanh trong vài điều, biết yêu thương vì biết tàn nhẫn, biết tin tưởng vì biết phản trắc, biết kiên định vì biết từ bỏ. Trong thế gian, một điều Thiện làm xuất sinh một điều Ác, cái Ác thì không ngừng nhân mình lên. Con người rất biện chứng, vì thế con người căn bản là Ác, cũng vì thế, con người căn bản là Bẩn.

Con người không đáng để anh viết những dòng này. Nhưng vì mong con người có thể đổi thay, anh đã sống, cười, nói, cùng ca hát, cùng khổ đau, thậm chí, cùng ác-bẩn với họ. Một số không chịu nổi, điên tiết, cầm dao dí vào cổ anh và bật khóc. Số khác ngẩn ngơ chạy về phía cuộc đời, dù tin rằng mình còn có thể khác.

Con người vĩnh viễn là con người, chỉ khi nào con người muốn thức tỉnh khỏi thân phận của mình, sự vĩnh viễn này mới chấm dứt. Sự chấm dứt này có thể đột ngột biến mất, vì trong khi thức tỉnh con người có thể đắm chìm hơn trước. Vì, khi đang tưởng tượng rằng mình đổi thay, con người bỗng ứng xử với đúng pháp lý nhân gian vốn có của mình, và giờ đây cho rằng pháp lý nhân gian còn có chỗ rất đúng đắn, vì nó gá lắp những điều cao thượng và chân chính làm lớp vỏ của mình.

Bến mê đã cho con người vũ khí này: sự ngộ nhận. Cuộc đời của con người là sương bọc lấy sương. Con người không biết rằng mê cung là những lối rẽ, nên con người bị đánh lừa bởi những lối rẽ. Trong khi họ tiếp tục rẽ, họ tiếp tục lạc đường. Nhưng nếu đứng lại, họ cũng bị giết chết.

Vì sự siêu-thoát đòi hỏi người ta phải biết đứng trong Pháp lý cao tầng, phải từ đó nhận thức, cảm ngộ và hành xử, phải chứng-ngộ và chứng-nghiệm, phải cải tạo mình trong Pháp lý từ những điều đau đớn nhất. Vấn đề của sự đổi thay không phải là nhận thức và hành động - nhận thức và hành động, cũng như nhân quả, cũng như mục đích và phương tiện..., đều là chuyện của con người, đều là những lối rẽ. Những lối rẽ nguyền rủa hi vọng của con người.

Vì thế, em hãy nhìn lũ người đang tuyên xưng một đức tin nào đó kia, giả vờ đứng dưới bóng của Thần Phật, những con người/Người vốn nhân gian hơn hết thảy, hãy nhìn họ đi. Họ vĩnh viễn là Người/người. Dù là Người hay là người, họ cũng chỉ đang đem thân xác mình vun đắp cho Mê cung nhân loại. Khi chết, con người thường được chôn cất trong nghĩa trang. Nhưng nghĩa trang thật sự không phải là nơi chôn xác con người, mà chính là nơi con người sống, đúng hơn, chính là đời sống của con người.

Anh chỉ nói thế thôi, vì anh chỉ chứng kiến. Sống tiếp đi em. Đời sống của em. Đời sống của con người.

Vĩnh viễn là Người. / Vĩnh viễn là người.”

 

Bạn thân mến!

Vậy là rõ rồi: người ta hoặc không biết hoặc nhầm lẫn, khi tưởng trong người mình có rất nhiều con người. Chỉ có một thôi: cái Tôi, nhưng ở nhiều dạng thức và mức độ.

Chí ít có rành mạch ba mức độ của cái Tôi này: cái Tôi (hồn nhiên) ban đầu, thực ra là cái Tôi mê muội, bị chìm vào tăm tối đời sống vật chất. Sau đó đến một giai đoạn nhất định trong đời, buộc phải thức tỉnh, nhưng nếu không đủ tính táo và ý chí, sẽ rơi từ cái Tôi mê muội sang cái Tôi vô thức, nói theo Hamvas Béla"cái Tôi vật vờ"-đây cũng là một dạng mê muội mới, trong cái Tôi này có cái khác của cái Tôi lúc trước, là có thể nghe thấy "tiếng khóc tinh thần" của nó, như bạn viết.

Chỉ khi nào bước ra hẳn ngục tù của cái Tôi cá nhân này, không đi "dàn hàng ngang" với những cái Tôi vật vờ hoặc hồn nhiên khác trong vòng tròn đời vật chất, mà bay lên theo hướng thẳng,"vuông góc với mặt đất"- như Hamvas Béla viết- chỉ khi đó biến chuyển thành cái Tôi siêu việt, quay lại tính chất Thần trong mỗi cá nhân.

Chỉ có điều: cầm tù trong ngục tù thể xác, cái Tôi (duy nhất có thể tu luyện trong chính ngục tù ấy) lại không phát triển, biến chuyển một cách dễ dàng theo đường thẳng hoặc ít nhất trong sáng sủa, thanh thiên bạch nhật, mà nó cứ chìm nghỉm, trồi lên ngụp xuống trong vô tận biển tối.

 Nó liên tục lầm lẫn, chỉ duy nhất cảm giác đau khổ nhắc nó: hình như vẫn chưa phải điều mày muốn tìm... Chỉ khi nhận ra cái Tôi cao hơn cái Tôi trong đời vật chất hiện ra trong thể xác, mang lại cảm xúc tỉnh nhẹ nhàng như gió thoảng và khô bong như trời sáng trắng, chỉ khi ấy nó hết"khóc" trong tim. Ôi!

Vấn đề còn lại là làm thế nào để cái Tôi"Thần" này ở lại, duy nhất, vĩnh viễn, hàng giây phút, hàng giờ, hàng ngày, trở thành thời gian và không gian của nó? bởi nó vẫn tiếp tục sống chung, sống cùng với những cái Tôi"xếp hàng ngang" trong đời vật chất này.

Tỉnh táo nhận ra chưa đủ. Mỗi giây phút sống là một sự ngụp lặn trồi lên tụt xuống giữa biển tối, biển cảm xúc muôn màu do thiên nhiên vật chất mang lại, không-thể-khác.

Làm thế nào để bay lên, chỉ liên tục bay lên như tia sáng trắng từ mặt đất tối tăm, hòa vào muôn vàn tia nắng của mặt trời?

 

Bạn thân mến!

Tôi viết tặng bạn nhân lễ Phục Sinh. PHỤC-SINH.

                     CẦU VỒNG VĨNH CỬU

(Iris, Goddess of the Rainbow by Atkinson Grimshaw. Dầu trên vải)

 

Theo truyền thuyết, Nữ Thần Cầu Vồng là sứ giả của Thần, người mang thông điệp đến loài người từ một bầu trời xa xôi. Trước hết, nàng xuất hiện ở biển, cũng đúng thôi, ở biển người ta có thể có một ngày nắng mênh mông,những bóng nước buồn bã, bão tố và im lặng.

 Thần xuất hiện theo cùng cung cách, cũng im lặng và dữ dội, cũng vời vợi và khó hiểu. Truyền thống Shaman ý thức được điều ấy, đã cố gắng dùng sự siêu thoát trong điệu nhảy để hòa hợp với những chuyển động của Thần, mang về một tín tức nào đó từ nơi thiêng liêng hơn, ngự trị tại những miền thanh sạch lạ lùng, mà Phật giáo gọi là xứ Tịnh Độ.

 Dù thành công hay thất bại, truyền thống Shaman cũng để lại được một ý tưởng: Thần không suy nghĩ như con người, và hành trạng của Thần không phải là con người đang cười nói ở kia: không thể đạt đến Thần bằng bản ngã của con người.

 

Mọi Ngôn sứ cổ đều tài hoa và lặn lội nơi những miền khổ đau cần được thanh tẩy. Chỉ riêng Thần nữ Cầu Vồng không làm thế. Nàng đến từ một miền xa xôi, cha nàng là Thaumas, một Titan, nàng thuộc dòng dõi Oceanus và chị em đều là những Harpies hung ác.

Nàng phải thánh thiện để chuộc lỗi cho dòng họ đày đọa của mình: vì thế nàng không có chốn xứ riêng, chỉ là người hầu cận của Thần, cũng không có chút thần tích nào riêng cho mình cả. Sinh ra giữa bầu trời và mặt nước, nàng không dám mang lấy cá tính cho mình.

 Trái tim yếu đuối đã quen bị dày vò chỉ có thể thông báo những lời mặc khải, đôi cánh bạc bẽo chỉ để giúp nàng chuyển đi những Lời không thuộc về nàng. Nàng là một Ngôn sứ xinh đẹp, nhưng khổ đau, giữa Khổ Đau và Tươi Đẹp, qua nàng, không có quan hệ nào cả. Nàng xinh đẹp vì đương nhiên là vậy. Và Khổ Đau vì chắc chắn là thế.

Con người rất bạc bẽo: họ quên mất Nàng là nữ thần, họ chỉ còn nhắc đến nàng như là Lời của Thần. Cũng vậy, người ta quên mất Cầu Vồng là bóng nước trong nắng chiếu, chỉ còn nhớ đến những sắc màu gờn gợn còn vương trên bầu trời và tâm trí.

 Vì thế, nàng là sứ giả của Thần, nhưng cũng báo hiệu thời đại con người chỉ còn biết đến phép lạ, đến sự thỏa mãn những ước vọng của mình hơn là ý chí của Thần. Chỉ riêng nàng, khác với mọi vị Thần khác dần đánh mất mình trong quan hệ với loài người, Nàng cứ Khổ Đau và Tươi Đẹp,  là Cầu Vồng Vĩnh Cửu của đức tin, một đức tin không thắc mắc, đức tin vào Thần, và vì thế, là sự chuyển hóa của Thần vào nhân gian.

Điều cuối cùng, nàng là Lời của Thần: nàng là cách Thần biểu hiện của Nhân gian, nàng không trực tiếp là Thần tại nhân gian. Vì thế, Nàng đã luôn là những gì Thần đã vì con người mà biểu hiện. Nhưng không phải với con người mê muội, không phải với con người đang thiêu đốt mình trong lửa đỏ đen tối của dục vọng.

Nàng là thông điệp của Thần vào mỗi ngày con người muốn thức tỉnh, khi những cơn mưa đưa xuống từ trời một dấu hiệu, và mặt trời mách bảo một thế giới hãy còn đợi chờ. Nàng là một khao khát đã quên mất mình là Thần, chỉ có thể từ con người mà hoàn thành mình và trở lại Thiên giới.

 

Này em, đừng chết trong giông tố, hãy ngắm nhìn Cầu Vồng Vĩnh cửu như anh đang trông chờ nhớ nghĩ. Có một Thiên giới đang đợi chờ, một nhân gian khác còn cần ta xây đắp. Hãy nắm chặt tay anh và tái thiết lại thế gian này, khi còn kịp.

 Anh muốn nơi đâu cũng sẽ ánh lên cầu vồng, vì nhân loại này đang sống trong Thông Điệp Cuối Cùng của Thượng Đế. Đừng chần chừ nữa, hãy để cầu vồng tỏa sáng trong tim em và thanh lọc trí tuệ em, hãy đón nhận Thượng Đế trong sự tồn tại từng giây phút của mình.

Đi thôi, đi thôi em, trong đôi cánh của Cầu Vồng…

 

                                                          

         ( Lễ Phục Sinh-Bp. 2013.04.01)

 

 

 

 

 

                                         

 

 

 

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2892
Ngày đăng: 07.05.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tùy Bút Hồi 3 Giờ Chiều 23 April 2013 - Trần Trung Tá
Tro Hoa - Đặng Hà My
Mắt gió - Đặng Hà My
Giữa - Nguyễn Hồng Nhung
Người đàn ông ngoại tình - Đặng Hà My
Để ý dưới gót - Huỳnh Minh Tâm
Thầm thì mây - gió - Nguyễn Hồng Nhung
Sơn Môn không có lịch* - Huỳnh Minh Tâm
Trịnh Công Sơn và Café Hồng ngày ấy - Nguyễn Nguyên Phượng
Sớm mai trên bãi biển Đối dương La Gi! - Phan Chính
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)