Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.071
123.198.170
 
“99 Khúc tặng Liên” – Tập thơ của Nguyễn Nguyên Bảy đòi hỏi người đọc phải có rất nhiều kiến văn
Phùng Thành Chủng

 

 

 

Tình cờ qua mạng, hưởng ứng bộ sách “Thơ bạn thơ” và “Văn bạn văn” do Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên đề xướng, tôi được nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy tặng tập thơ “99 khúc tặng Liên” của anh (tập thơ được nhà thơ Lý Phương Liên biên tập tuyển chọn – NXB Văn học ấn hành tháng 9/2012).

 

Đọc chậm vài bài và đọc nhanh vài lần cả tập, cảm tưởng của tôi là muốn giải mã được “99 khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy đòi hỏi người đọc phải có rất nhiều kiến văn. Bởi “99 khúc tặng Liên” cũng là 99 bức thông điệp không phải chỉ dành cho riêng Liên:

“Tuy thế tôi không chỉ lan man về vợ…”

 

(089. Lời chim câu)

 

Đó là những tri thức về lịch sử, địa lý, về văn hoá xã hội (tín ngưỡng phồn thực, tâm linh...) và văn học dân gian. Và nữa, phải có sự hiểu biết về triết học phương Đông nói chung và Đạo học nói riêng. Cho nên “99 khúc tặng Liên” cũng là những trắc nghiệm với những ai có hứng thú rà soát và kiểm tra 99 cánh cửa kiến văn của mình. Đấy là chưa kể khi “đọc” Nguyễn Nguyên Bảy là lúc đòi hỏi người “đọc” tâm phải tĩnh và thần phải định. Vậy xin được “nhái” lời tiên sinh Thánh Thán: "Chẳng cũng sướng sao” để minh chứng cho nhận định trên (chứ không dám nhận là đã giải mã được) khi viết về “99 khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy.

Không phải vậy sao khi chạm tới "...nỗi buồn vô vi”? Nhưng sao lại "...nỗi buồn vô vi”? Bởi vô vi là đã tìm về với nhất nguyên, là đã đạt đến Đạo - Đạo Một, mà buồn (nhị nguyên) thì chưa vô vi! Liệu có gì mâu thuẫn chăng(?). Không, đó chỉ là cách nói của Nguyễn Nguyên Bảy. Bởi thiền cũng có thiền tĩnh, thiền động, thì vô vi cũng có vô vi mà chưa vô vi, không vô vi mà vô vi

                           (Khúc 099. Chân hương)

Không phải vậy sao khi người đọc bắt buộc cứ phải liên tưởng đến những: "Mẹ tròn con vuông”, "Trời tròn đất vuông” và:

"Đời cha cho chí đời con

đẽo vuông rồi lại đẽo tròn mới nên” trong kho tàng dân ca, ca dao, tục ngữ...

(Khúc 098. Tôi vuông)

Không phải vậy sao với "Những mắt gai sầu riêng làm cháu tôi đau”, "Lúc chính Tý trời sơ sinh đỏ hỏn” (Bản chính thức in là hòn), ”Cảm ơn trời bữa kia chính Ngọ”; rồi nhờ chiếc laptop anh có thể lập trình và làm xong 50 việc cần làm trước khi về với cát bụi nhưng đã phải "Cắn cười tôi cầu xin tôi” nếu không muốn là người lỗi hứa, vì có những việc máy móc (dù có hiện đại tới đâu) cũng không thể thay thế được con người. Đó là lời hứa với cháu con, với những trang viết riêng tặng bạn bè và với người bạn đời "...cùng em bơi qua bể con về đến vườn người”

(Khúc 097. Tôi cầu xin tôi).

Không phải vậy sao khi đó là ”Tam tài”, là Thiên, Địa, Nhân; là tình mẹ, là cõi nhân sinh, là "Dịch”, là lẽ biến thông: Thiên địa bĩ và Địa thiên thái – 2 trong số 64 quẻ của Dịch.

Khúc 096. Tụng Trời, Đất và Người).

Không phải vậy sao: Ban mai đã không tự tử hay nhờ "thoi đưa thời gian’ và "tạ ơn trời kịp thức thiện lương” mà đó là một ban mai khác đựơc gói ghém trong một chữ "thời”.

(Khúc 095. Thoi đưa).

Không phải vậy sao bởi có những câu cứ ngỡ như ú ớ, ngỡ như đựơc viết trong cơn mê sảng nhưng lại là bức thông điệp gửi người bạn đời (mà không chỉ riêng cho người bạn đời) và với: "Nhện buồn sao chửa giăng vui/ Chấu chưa cắn hết những lời tro than” người đọc không thể không liên tưởng đến câu: "Buồn như chấu cắn” (Tục ngữ). Rồi, nếu nói "thi trung hữu hoạ” (trong thơ có hoạ) thì đây:

“Em rạng ngời gương nguyệt”

Một câu thơ hay, đẹp và sang trọng mà không phải ai cũng viết được khi muốn ca ngợi gương mặt của người bạn đời của mình

(Khúc 094. Viết trên giường bệnh).

Không phải vậy sao khi tín ngưỡng phồn thực cũng không ngoài thuyết âm dương với những câu thơ khó... viết về những điều khó viết:

“Sướng đỉnh phóng lúc trăng buông”

Nhưng trên hết vẫn là sự thuỷ chung với những câu thơ tưởng như ngô nghê, tưởng như dễ dãi nhưng chẳng ngô nghê, dễ dãi chút nào:

“Thi nhân cười gạo sôi vung

Đũa cả em ghế một vùng tám sen

Này giò này chả này nem (Bản chính thức in là men!)

(Khúc 093. Tiệc tình)

Không phải vậy sao với một căn nhà được thiết kế:

“Chu tước thoải bờ sông

Vườn rừng xanh Huyền vũ” (Bản chính thức là huyền vũ: chữ huyền không viết hoa)

(090. Tự hoạ sau cùng)

Không phải vậy sao khi trong “Tiếng gù bồ câu trống – 1”, “Tiếng gù bồ câu mái – 2”, “Bất ngờ Picasso – 3” là âm dương, ngũ hành; là tương sinh, tương khắc; là đạo Càn Khôn, là Dịch:

“Chim vợ gù giọng thuỷ

Chim chồng gù giọng thổ

… Thuỷ thổ âm dương tương khắc

… Khắc này là khắc tương sinh

… Chim trống gù đàn ba dây.

Chim mái gù đàn sáu khúc

Đàn ba dây là Càn tam liên

Đàn sáu khúc là Khôn lục đoạn

... Khắc này là khắc tương sinh

... Cầu cho tình tu thân đắc trung đắc chính

Đắc câu văn người vợ mình”

(089. Lời Chim câu)

Không phải vậy sao khi tác giả đã “dụng” đến quẻ “Khổn” để luận về những nhân vật văn học và nhân vật lịch sử:

“Khổn chị Dậu, khổn Thuý Kiều

Đâu phải khổn  nào cũng khóc

Đầm kiệt làm gì có nước

Khổn Thị Nở, khổn Chí Phèo

Rạch mặt chửi cả làng Vũ Đại

Cháo hành lò gạch trăng mơ

 

Khổn Cao Bá Quát thánh thơ

Gươm đàn kháng khổn

Tru di tam đại về trời

 

Vận khổn chẳng dám lộng lời

Cười qua khổn vói gọi trời mưa bay

Trạch kiệt rồi trạch lại đầy”

(078. Tụng Khổn)

Không phải vậy sao, nếu không có sự hiểu biết về Phật pháp và thiền:

"Hoa đã tàn và hoa sắp nở

Trong bờ giác hoa đốm hư không

... Gió ở quanh ta nhưng gió vô hình

Không nhìn thấy mà thịt da cảm được

Phước cho đời.

Phật ở trong tâm nên Phật vô lượng Phật”

(077. Ngưỡng Phật)

Và nữa:

“Yếm thắm không bỏ bùa sư

Mà sư cứ đòi xoa yếm thắm

Mẹ bảo này trọc đầu

Trong ngực tôi có Phật

Trọc đầu có sợ ố cà sa?

... Tôi ấp môi son vú mẹ

Lè phè nằm nghe Phật hát

... Ngày tôi phải rời xa yếm thắm

Mẹ bảo từ nay trong ngực con có Phật

Con thưa trong ngực con có mẹ”

    (070. Ba khúc dâng mẹ: 1. Phật hát)

“Con biết ở cõi trời

Mẹ muốn khóc cũng không thể khóc

Vì thế ở cõi người

Ngày ngày con đem tiếng khóc mẹ ra phơi

Lạy trời đừng phạt mẹ tôi

Tội đón nước mắt con bay ngược về mắt mẹ

Để mẹ lại được khóc

Âm dương cũng đạo làm người”

        (070. Ba khúc dâng mẹ: 2. Mẹ khóc)

“Lạy Càn Khôn, tôi nguyện sống tu thân theo mẹ

Sau trăm tuổi xin cho tôi về làm mùa tứ quý (Bản chính thức in là phú quý!)

Để tôi hầu hạ mẹ tôi...”

        (070. Ba khúc dâng mẹ: 3. Mùa tứ quý)

Rồi ngay cả trong những trang nhật ký được viết thời gian ở Mỹ:

“Phật thủ ngâu hoa nhắc nhở lời tịch diệt

... bền gan ngộ huệ không sân si

... Từ bể khổ được lên thuyền Bát Nhã

... Ăn mày Phật, ăn mày Bồ Tát, ăn mày chúng tăng tam đại đồng đường trong ngôi chùa Việt nhỏ mà nội lực sinh tồn vạn đại, toàn năng cứu độ chúng sinh.

... Đấng toàn năng đang hỉ xả tươi cười

… Tháng bảy quê nhà đang mùa báo hiếu…”

            (064. Nhật ký Seattle, 3: Chùa Việt ở Seattle)

Và:

“Tàn nhang em lại thắp nhang. Thắp cùng Nam Mô. Xin Nam Mô cho được thành đàn bà. Thành đàn bà chết mới được siêu…

… Giải cứu chúng ta khỏi sân si danh vọng khỏi tham nhũng kiếp khỏi truỵ lạc phận.

… Trước lối vào khoang trăng mật bầy hai vạc than. Vạc tay phải đốt mã chiến tranh. Vạc tay trái hoá vàng sân si kiếp gửi.

... Trăng cười phơi phơi. Gió cười phơi phới. Âm dương phơi phơi tít mắt

       (063. Nhật ký Seattle, 4: Tuần trăng mật kỳ lạ)

Không phải vậy sao, nếu không có sự hiểu biết về tín ngưỡng dân gian cùng các lễ tiết trong năm và những nghi thức trong đạo thờ cúng tổ tiên ông bà:

“Năm nay dương gian cầu xin nhiều quá

Cá vàng thả đỏ sông quê,

Lửa hoá vàng cháy sôi bến nước

… Hạ thuỷ thêm thuyền Bát Nhã độ chúng sinh

…. Độ chúng sinh là việc Trời việc Phật.

Cát hung cứu giải hà sa

... Phật mở ngực bắc những cầu dải yếm

Vẩy nước phúc tiễn hồn cập bến

... Bể đời mang mang thả ngư cầu long

… Tràng hạt lần tay mò mẫm

Thăng hồn gõ mõ tụng chuông....

  (067. Nam mô Tết)

Rồi với "Sông Cái mỉm cười”:

"Anh thả tro bụi cha vào sông

Xin mát mẻ hồn

... áp thấp gió mây cờ xí

Quân hồn ngợp trời nước lửa

Chiến thuyền phủ kín sông trăng

Cha thiêm thiếp nằm nghe bão nổi

... Củ khoai thờ ngoài đình làng

Cha thắp nhang tạ củ khoai thần

Trước một lễ hội rước dâu

áo đỏ áo xanh trăm sắc ngàn mầu

.... Sông hồn hắt đầu sôi

Khí hồn bắt đầu thăng

… Cửa mả mở

Với anh ba ngày như mới hôm qua

Một đời như mới hôm qua

Cha anh còn sống hôm qua

Mà hôm nay đã âm dương hai cõi...,

... Đón gạo thơm và muối trắng

Con trai anh rắc xuống như hoa”

  (041. Sông Cái mỉm cười)

Và với “Mười Rằm Mồng Một”:

Cha không biết mình thuộc chi trứng nào ngày xưa xuống biển

Nhưng đều đặn suốt đời mồng một lịch trăng

Cha thắp ba nén nhang lạy về hướng biển

Mẹ không biết mình thuộc chi trứng nào ngày xưa lên rừng

Nhưng đều đặn suốt đời mười rằm lịch trăng

Mẹ thắp ba nén nhang khấn về hướng núi

…Môn tiền trông về hướng biển

Sáng mồng một cha thắp hương

Môn hậu trông về hướng núi

Đêm rằm mẹ vọng nhang

... Và tôi sợ đêm rằm nhất

Sợ lời giải cầu của mẹ linh thiêng

... Mẹ ơi lạy mẹ đừng khóc

Đừng bán khoán con cho đền phủ làm gì

... Những tích đời mười rằm thắp hương

… Những tích đời mồng một vọng nhang”

       (013. Mười Rằm Mồng Một)

Không phải vậy sao khi thơ còn bị (được) quy chụp là mất lập trường là mơ hồ giai cấp, mơ hồ trong quan hệ địch ta, là diễn biến hoà bình, là chủ nghĩa nhân đạo chung chung, thì những câu thơ đáng lẽ phải nhận đựơc sự đồng thuận (từ lâu rồi) nhưng liệu đã có được sự đồng thuận:

"Hai chục năm sau chiến tranh. Con trai tôi đến Mỹ. Học người thua trận. An ủi người thua trận.

... Nhân loại là cả nhà. Việt Nam là cả nhà. Mỹ là cả nhà. Nhà ta là cả nhà. Nhà người là cả nhà. Hello! CẢ NHÀ TA CÙNG THƯƠNG YÊU NHAU, XA LÀ NHỚ, GẶP NHAU LÀ CƯỜI...”

    (066. Nhật ký Seattle 1: Hello!)

Không phải vậy sao nếu không có tâm chánh niệm để ngộ được lẽ huyền không mà thuận với tự nhiên và đạt đến cảnh giới thiền:

"Hai mình mà xưng một mình. Bởi nghĩ, tình tới bến Bồ Đề nở một giọt hoa.

...Một mình. Mặt trời không cho mình quyền đi nhanh hay bước chậm, mặt trời tôn trọng quy luật, không nản lòng, không nhàm chán lập đi lập lại quy trình trường sinh bất lão.

...Cúi lạy đức tin. Đức tin tên là Giác, tên là Phật, tên là Jêsu Cơrít, tên là Thánh A la. Người Seattle tu tại gia mà đắc Đức tin. Còn chúng ta, hình như chúng ta hỗn tạp đức tin, thờ mọi loại thánh thần mà lòng chẳng biết thiêng ai.

… Một mình. Hai mình mà sống với nhau cả đời chưa thành một thì cộng đồng nhiều mình, xã hội triệu mình, nhân loại tỷ mình, âm dương làm sao đồng nhất mình, ganh ghét, oán thù, chiến tranh tự nhiên như giông bão.

… Bỗng nhiên. Lòng bảo nín không lạm chuyện sân si. Gật đầu nín. Mặt trời đã là là mép nước. Nước sóng sánh như bạc trắng. Như mặt người cười xán lạn. Chỉ mình tôi, có lẽ thế, ngồi ngắm mặt trời lặn, ngược sáng, tối thui.

... Mặt trời đang lặn. Tôi tin mặt trời không buồn vì biết mình sắp lặn. Tôi tin tôi.

... Cỏ lau nơi này thật tội nghiệp cỏ lau, vô ảnh vô ngôn không sắc không hương.

... Thưa mặt trời có phải Người đã đắc bồ đề tâm chói lói?...

… Tôi tu thân chân đã tới cổng bồ đề, tham ganh chưa hẳn đã tuần triệt hết, nhưng mắt đã sáng vào trong bồ đề…

… Hơn bốn chục năm hoan phối âm dương....

.... Trời đất cách xa nhau là thế mà nào có than thở xa xăm, cớ chi ngồi bên nhau em hát khúc Đôi Bờ...

... Mặt trời xuống hết, như một nhát lửa phóng thẳng, cấn vào huyệt thuỷ mà sinh ra Thiếu Dương. Ngày mai từ đó bắt đầu lớn dậy Thái Dương. Tôi ngộ trọn lẽ điều lặn mọc, dù ở Seattle hay ở quê tôi.

Một mình: Tôi tin mặt trời không buồn vì biết mình sắp lặn. Tôi tin tôi.”

  (060. Nhật ký Seattle 7: Một mình)

Không phải vậy sao khi phận số mỗi người đã đựơc lập trình và được các ngôi sao trong khoa Tử Vi định vị:

“… Gặp Lục Sát nói lời giông bão

Chơi đao sao thoát hoạ hình đao

Gặp Lục Bại nói lời ngọt ngào

Vỗ về nỗi đau phận số

Gặp Đào Hồng mắt cười mắc cỡ

Đưa đò khăn gối yếm thêu.

Gặp lưỡng Lộc (nguyên bản là lưỡng lộc – chữ lộc không viết hoa) kể đời Kiều.

Khuyên tiền bạc làm điều nhân đức”

 (057. Tự thuật bốn đoạn: 4. Đoạn pháp)

Rồi với “Tinh tú ngộ duyên”:

Các chòm sao Tử Vi sáng tối lập loè

Mười hai cung giấy bản

... Mệnh người an tại Hợi

Chính tinh Thái Dương, Thiếu Âm

Cách Nhật trầm thuỷ đế

… Quan Lộc ngủ chìm trong nước

... Khôn sinh con sao Càn lại an bài

... Trí huệ phi tinh tối sáng

… Ngửa mặt hỏi Càn trong đục

... Võng Khôn tay mẹ xoa đầu

... Bằng lòng nhận mặt trời đêm

Thuỷ nặng lắng bùn nhập thế

... Khoả nước đón ảnh trời

Nước nổi Kình Dương trống mõ

... Tử Phủ đồng cung nhấp giọng...”

  (012. Tinh tú ngộ duyên)

Không phải vậy sao với những bài thuốc dân gian được truyền khẩu có tác dụng như một thứ bùa ngải để giữ gìn tình yêu:

“Anh tin những giọt sữa sừng tê

Em mài trong đĩa nước mắt

Anh tin thứ mộc nhĩ

Xắt chỉ bằng lưỡi dao tình

Táo tầu tháng xuân gừng già tháng hạ

Sắc liu diu trong lửa trăng xanh

Anh tin thứ nghệ vàng

Trộn với đương quy trắng,

Với tam thất bột pha mật ong rừng

Nêm chín giọt sữa trinh uống sống...”

 (055. Bến đợi)

Không phải vậy sao khi trở lại với tín ngưỡng dân gian, với âm dương ngũ hành, với bát quái, với Dịch:

“Mẹ gieo quẻ tiền chinh

Hai chinh úp sấp

Công sinh thành con chưa báo đáp

… Lôi phùng Phong quấn quýt

Quẻ Hằng

… Mẹ khấn thầm gieo quẻ tiền chinh

Hai chinh ngửa cười

Mã quẻ chinh thần thánh không lời

… Mẹ gieo quẻ tiền chinh

Một chinh cười

Một chinh khóc

Mẹ tạ âm dương…”

    (010. Thuyền tình)

Và với “Kinh thành cổ tích”:

“Nơi ấy

Tôi là đứa trẻ đẻ rơi

Mẹ trẩy hội trên cầu dải yếm

Các bà tiên chuyền tay nhau bú mớm

Chuyền tay nhau hát hò

Chày Yên Thái tôi nghe

Trái bàng rơi tôi nhặt

Gạo làng Gióng tôi ăn

Sông Cái lắm thuỷ thần

Rằm Mồng Một dâng hoa chùa Bộc

Nơi ấy

Các bà tiên dạy tôi biết khóc

Các bà tiên dạy tôi biết cười

Các bà tiên cho tôi giấy bút

Dạy tôi vẽ lên trời hình Rồng thăng

Dạy tôi chép chữ thành vần

Dạy tôi làm chồng, làm vợ

Năm ấy sấm Trạng Trình ran nổ

Trời thật nhiều đạn bom

Nơi ấy lẽ Càn Khôn

Các bà tiên lần lượt về mây trắng

Con đưa mẹ đến đầu cầu dải yếm

Mẹ trắng vào mây

Mẹ thăng vào gió

Mẹ đi trẩy hội Tiên Rồng ...”

   (001 Kinh thành cổ tích)

Không phải vậy sao với những khúc nghe như đồng dao nhưng không phải cho trẻ con mà cho người lớn (“Đồng dao cho người lớn” – chữ dùng của Nguyễn Trọng Tạo) mà đâu có phải ai cũng “ngộ” được

               “... Đùa nước thả đàn vịt cỏ

               Vịt giấy tom tom qua thác

               Gió cho vịt cánh

Chát chát qua ghềnh

Quần mưa áo nắng

Bắt con cá chao đào con cua trốn

Cứ thế thuyền trôi

Sông đời ơi có về xuôi?

Ơi!  Ơi!   Ơi!

Thuyền đời người xuôi được

Sông đời làm sao xuôi?

Về xuôi bỏ nguồn cho ai

Bỏ thác bỏ ghềnh cho ai

Không giông không gió

Không thác không ghềnh

Làm gì còn sông đời

Cho người yêu sông xuôi xuôi xuôi

Thế nhé chào thuyền xuôi …

Ừ xuôi ừ xuôi ừ xuôi ...”

  (014 Thác ghềnh sóng gió ơi!)

            Đến đây xin được khép lại bài viết này với liên tưởng “ 99 khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy như một tấm kính chiếu yêu. Cũng: Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Cảnh, Tử, Kinh, Khai 8 cửa mà kẻ liều này cứ xông bừa vào! Chỉ mong không lầm nơi cửa Đỗ, cửa Tử, cửa Thương, cửa Kinh, cửa Hưu và kịp còn khi ngoảnh lại:

            “Soi mình vui cả mặt gương” (026. Ngã bảy) thì …..

            Ôi! Nếu mà được như vậy thì... thì kẻ liều này xin lại được nối điêu Thánh Thán: “Chẳng cũng sướng sao!”

(Xin xem thêm bài: Đặc sản Nguyễn Nguyễn Bảy – Những câu thơ hay, đẹp và sang trọng trong “99 khúc tặng Liên” coi như phụ lục cho bài viết này.)

 

 

Phùng Thành Chủng
Số lần đọc: 2230
Ngày đăng: 11.05.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có một người thi sĩ ôm bóng thời gian: Hải Phương - Trần Nhựt Tân
Liệu "Em ơi! Thành phố lại mưa" đã phải là một tuyệt tác thi ca? - Nguyễn Thị Hoàng
Đi giữa miền hoang tưởng - Đăng Thạch
Đặng Chương Ngạn và Kẻ chăn dắt – Cuộc chiến chống lại cái ác - Trần Minh Lương
Lời bàn về một tuyệt phẩm thơ :'Váy thiếu nữ bay' của Phạm Ngọc Thái - Nguyễn Đình Chúc
Siêu tuyệt thiền sư thi sĩ - Tâm Nhiên
Nghiên bút thức khuya - Đình Quân
Cảm nhân một bài thơ tình hay của Phạm Ngọc Thái - Hoàng Thị Thảo
Không hẹn mà xanh - Lâm Xuân Vi
Cảm nhận về bài thơ”chiếc áo” của Băng Sơn - Nguyễn Phương
Cùng một tác giả
Nhà thiện xạ! (truyện ngắn)
Bán Khoán. (truyện ngắn)
Bà Tôi (truyện ngắn)
Lan Man Chuyện (tạp văn)
Đi Tìm Vua Lê (truyện ngắn)
Người Khôn Ngoan (truyện ngắn)