Bão tan. Bảy giờ sáng tôi lên tàu về phía Nam. Tàu đi qua những miền đất xác xơ, cây cối đỏ hoang tàn. Càng xa thành phố, cuộc sống càng như lao xao bởi trận bão vừa qua cuốn theo nó sự yên bình.
Hai ngày sau, đất Sài Gòn hiện ra, nóng bỏng nắng. Một thành phố gần như không bao giờ có bão. Tôi xuống các miệt vườn, với những đường phố nhỏ nhắn, những vườn dừa xanh um toả bóng. Tôi là thằng đi thu gom hạt điều và xuất khẩu chúng.
Bốn tháng sau, trở lại Sài Gòn, tôi nhận được thư của mẹ, lá thư duy nhất cho tôi trong những ngày xa nhà. Tôi chăm chắm nhìn vào dòng chữ: "... Vì cái tội tin bạn, bị bạn nó lừa...". Một người như cậu mà cũng bị lừa ư? Chuyện đó chỉ có thể xảy ra cách đây ba mươi năm. Một người bạn của cậu bảo tôi: "Mày có một ông cậu tuyệt vời, ông ấy bao giờ cũng đi trước lịch sử. Ngày ấy, tớ ti teo về cùng phòng của cậu mày, tớ kém ông ấy gần chục tuổi. Cậu mày mê văn chương lắm, khởi đầu là viết một truyện ngắn cực hay bởi cậu mày rút ruột ra viết, những suy nghĩ của một thanh niên trước cuộc đời. Ai ngờ, khi in ra, truyện bị coi là chống chế độ và hoài nghi về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội...". "Cậu cháu viết chửi bới à?", "Không, viết về tâm trạng của người lính trước cuộc sống, trước những hiện tượng tiêu cực của xã hội. Lúc ấy, đang chiến tranh, con người phải dốc lòng ra chiến đấu, người lính không được đứng ngoài cuộc nhìn mọi thứ bằng ánh mắt không xây dựng. Bị phê bình, thậm chí có bài viết còn phân tích rõ ràng, rành mạch những tư tưởng vấn đề của cậu mày. Lúc tao hỏi là ông có viết thế không, cậu mày cười phá lên, bảo tớ không ngờ ngòi bút của các nhà phê bình và lối suy diễn của họ giỏi thế, tớ chẳng còn biết họ bình chuyện của tớ hay của thằng nào? Rồi cậu mày chuyển sang làm kinh tế, nói một là một, hai là hai chứ không hai với hai bằng năm như bên văn chương. Cậu mày thành tỷ phú. Tôi cãi là gì có chuyện tỷ phú, cậu ấy chỉ giàu thôi, chú cứ làm như kiếm tiền bây giờ dễ lắm ấy?". Càng kiếm tiền càng khó, lao vào hàng nghìn người, trụ lại khoảng năm người cực mạnh, vài thằng lau nhau còn đâu toi hết. Trong số những người cực mạnh có cậu mày. Vốn của họ lớn hơn vốn của cơ quan, nhân viên của họ tử tế hơn nhân viên nhà nước bởi họ ăn lương cao hơn, làm tốt thì nhiều tiền, hỏng thì đuổi, buộc con người sống phải có trách nhiệm. Càng lớn càng hiểu thêm, chú nhóc ạ. Rồi sẽ đến lúc mày thấy một người như cậu mày là hiếm lắm. Cậu mày là hình tượng và mơ ước của tao".Thế mà giờ đây, mẹ viết thư bảo tôi là cậu bị lừa? Đứa nào to gan và khốn kiếp đã lừa cậu?
Tôi thôi thúc một ý muốn ra Hà Nội. Được cơ quan cử làm chân chạy đi chạy về trong việc xuất khẩu nông thổ sản, bởi lẽ tôi chưa vướng vợ con. Ba ngày sau, cầm một khoản tiền thưởng, thu xếp ổn công việc, tôi lên tàu về Hà Nôi. Thành phố đang mùa hè mà thời tiết như chớm đông. Đường phố mát rượi, yên bình một màu xanh.
Tôi ở nhà với mẹ một buổi chiều rồi lên nhà cậu. Mọi vật dường như thay đổi. Cậu cho thay những thanh gỗ ốp quanh nhà, tất cả các phòng đều lắp điều hoà nhiệt độ. Bàn ghế, đồ đạc trong nhà mới biết. Nếu trước đây là những nộ bàn ghế bọc mút, hay phoóc-mi-ca của Sài Gòn thì nay tất cả đều là đồ cổ hoặc giả cổ đắt tiền. Các phòng đều có tivi, hai phòng có một tủ lạnh và dàn cát-xét. Con bé út của cậu đang bật máy phát một bộ phim tâm lý xã hội Hồng Kông.
Tôi hỏi: Nhà có vài phòng, tại sao phải dùng máy phát?
- Để cho hàng xóm láng giềng cùng xem, nhà nào gần chỉ cần cái vô tuyến đen trắng là bắt được. Bố em thích thế.
- Bố đâu?- Tôi hồi hộp muốn gặp cậu như gặp người yêu.
- Bố mẹ em đèo nhau đi phố, về bây giờ đây. Bố em mới thay cho em con Dream này đấy, con 82-89 kia bán rồi. Đi xe này đầm lắm, anh lên đây em chở một vòng!
Con bé hăm hở bật khóa điện và ấn nút đề. Nghe tiếng nổ pình pình, mặt nó mãn nguyện lắm.Tôi lại gần và sờ lên chiếc xe bóng loáng. Một bên gương gãy gục, cốp xe xước sơn và cái yên rách.
Thấy tôi nhìn, con bé cười lấp liếm:
- Sáng cho mấy thằng bạn mượn, nó din ba cầu, sợ công an đuổi chúng phóng nhanh nên đâm nhau què rồi. Chốc em xin tiền mẹ đi thay mấy thứ, mông má lại. Em hỏi rồi, mất hơn triệu thôi.
- Hơn một triệu? - Tôi như không tin nổi ở tai mình.
- Riêng đèn hậu của em cũng vài trăm, còn bao nhiêu thứ, cái xe này hai mươi tư vé đấy.
- Vé là cái gì? - Tôi hỏi
- Mỗi vé là một trăm đô la. Một trăm đôla bằng một triệu mốt tiền Việt, anh nhân lên.
Tôi im lặng nhìn nó. Một đứa con gái mười bảy tuổi, chưa tự tay kiếm ra một xu mà nói tiền triệu trơn đầu lưỡi. Nó mặc một cái váy bó chặt lấy người, chiếc áo thun ba lỗ và người đầy những dây chuyền và nhẫn vàng. Trông nó không kém những cô gái Sài Gòn tôi vừa gặp, chỉ có điều mặt nó thật non nới. Một triệu, đó là cả số tiền tôi đi xuôi ngược làm bốn tháng rồi được thưởng, tặc lưỡi một cái nó nghiến xong.
Con bé chạy ra mở cửa. Cậu tôi đang cúi người đẩy chiếc xe to đùng, xanh ngắt như màu con cánh cam vàng. Cậu trông hồng hào hơn trước. Mợ đi sau, tay ôm một bịch hoa quả khác nhau.
Cậu trông thấy tôi, reo khẽ một tiếng ánh mắt đầy trìu mến.Tôi và cậu đi lên cầu thang, qua phòng cậu và ra ban công bão tố ngày nào. Cậu đưa tôi một bao ba số dẹt.
- Hút đi cháu, khoẻ không?
- Bình thường cậu ạ. Cậu thế nào?
- Cậu vẫn thế. Sao hôm đi không lên cậu, vào trong đó tiền đâu mà tiêu.
- Cháu tìm cậu mấy lần mà không gặp. Hôm nay về nhà, nhìn thấy cái ti vi màu cậu cho, bật xem tỉnh cả người. Sao cậu cho mẹ con cháu nhiều thế?
- Vớ vẩn, có gì mà nhiều? - Cậu lảng tránh câu hỏi của tôi.
- Thấy cậu vui là cháu mừng rồi. Có lúc cháu tưởng cậu sẽ bỏ mợ.
- Bỏ gì nữa. Tao già thế này rồi, mợ mày cũng thế, còn thời gian nữa đâu mà làm lại? Vợ chồng là số phận, chống cũng chẳng được. Cứ sống thế này thôi.
- Tại sao cậu chiều Dung thế? Cháu thấy nó tiêu tiền như rác.Cậu im lặng không trả lời tôi.
Tôi tiếp tục:
- Dung cũng ngoan thôi nhưng tại cậu mợ chiều, nó chưa kiếm ra tiền nên không thấy quý. Trên đời này sướng nhất là tiêu tiền của người khác. Cậu không cẩn thận, một đứa con gái như nó dễ hỏng lắm. Lúc nãy bật ti vi, thấy vở kịch nói về Ngày thương binh liệt sĩ, nó tắt ngay, bảo xem cho phí điện, lảm nhảm toàn chuyện nhố nhăng. Cháu hơi bực. Một đứa phá phách như nó mà lo chuyện tốn điện? Có phải thế hệ nó quên hết rồi sao?
Cậu thở dài rút ra một điếu thuốc rồi châm lửa hút.
- Không ai chọn được bố mẹ và con cái, thậm chí cả vợ.
- Nhưng phải có biện pháp chứ? À, nghe nói vừa rồi cậu bị lừa?
- Cậu ký hợp đồng làm một con đường làng. Cậu thương tay Hoạt đang đói, nhường cho hắn làm. Ai ngờ hắn làm sai kỹ thuật, đường gì mà vừa mưa đã nổ bùm bụp. Họ túm cậu. Cậu lo xong rồi, đang tiến hành làm lại.
- Còn cô ấy? - Tôi dè dặt.Cậu im lặng rít thuốc. Một đốm sáng loé lên. Gió khe khẽ lùa qua kẽ tóc tôi, mát và êm dịu.
- Cô ấy lấy chồng rồi.
- Tại sao hả cậu? - Tôi giật mình.
- Cậu khuyên cô ấy và cô ấy nghe. Suy cho cùng, đợi cậu thì cô ấy được cái gì. Cô ấy yêu cậu không phải vì cậu giàu. Toàn bộ cuộc sống riêng cô ấy dành cho cậu. Mà tình cảm cậu chỉ dành cho cô ấy trong giờ hành chính thôi. Chiều tối là ở nhà lo việc gia đình. Vậy kéo dài thêm chỉ khổ cô ấy, cậu bỏ vợ lấy cô ấy chắc gì đã hay, mà cô ấy cũng không muốn cậu chia tay với mợ mày.
- Cậu có tiếc không?
Tôi nhìn cậu. Một cơn gió tạt qua, điếu thuốc lá nơi môi câu loé sáng.
- Cậu chỉ yêu một mình cô ấy.
- Hình như cậu già mất rồi.
- Ừ, cậu già quá rồi. Này cậu dặn, mai kia cậu chết đi, khi cho cậu vào áo quan, mày nhớ đục hai lỗ to ở hai bên ra nhé.
- Để làm gì hả cậu? Sao cậu cứ nói linh tinh cái gì đấy?
- Đục hai cái lỗ để tao chìa tay ra ngoài! - Cậu chợt cười phá lên.- Cậu làm thế để xem có ai đi qua còn túm chứ!
- Chết rồi, còn túm được ai?
Cậu lại im lìm.
- Cậu thò hai tay để mọi người thấy rằng cậu đi vào cõi chết bằng hai bàn tay trắng. Cậu không mang theo người lấy một xu bởi lúc ấy tất cả thành vô nghĩa.
Tôi thôi cười và im lặng nghe cậu nói. Cậu là người của sự tiến bộ, thích khám phá và đi lên, tại sao cậu luôn buồn?
Tôi hỏi:
- Một người như cậu đáng lẽ rất sung sướng, sao cậu lại khổ?
- Tại cậu nhiều ham muốn. Muốn nhiều tiền, muốn làm văn chương, muốn có một người yêu thực sự....
- Cậu đã có tất cả, thậm chí còn dư thừa đấy thôi.
- Bây giờ cậu sắp mất tất...
- Tại sao ạ? - Tôi hỏi vội
- Bởi cậu cô độc. Con cái không ai theo nghề và hiểu cậu, chúng không có nổi mười lăm phút tâm sự với cậu ngoài câu chuyện tiền bạc. Cậu mang vật chất cho chúng dư thừa, chúng chẳng cần làm ăn vất vả cũng đủ sống. Người yêu cậu thì đi lấy chồng vì đợi cậu có ích gì? Tiền của, ăn mặc, tất cả mọi nhu cầu vật chất đến một lúc nào cũng sẽ chán ngấy. Ai nhìn cậu cũng thấy cậu sung sướng. Còn bản thân cậu, cậu thấy cô độc. Theo cháu, thế có đáng buồn không?
- Cậu còn mong gì nữa khi mình là mơ ước của bao nhiêu người, và lý tưởng sống của cháu?
- Cậu muốn có tuổi trẻ để sống lại.
- Cháu chỉ thèm lúc về già sẽ được như cậu.
- Nhầm lẫn đấy. Đừng có nhắc lại những ngu xuẩn của người khác.
Tôi nhìn cậu. Ông như một người khác. Tôi giật mình tự hỏi: Đấy có phải là cậu - Trước đây bốn tháng? '
Một tay giữ dây chuyền, một tay giữ bánh lái, ông lẩm bẩm:
- Gió to đấy.
Tôi đáp:
- Vâng, gió to. Sắp bão rồi.
Ông hơi cười, nheo mắt nhìn ra xa. Cuối trời, mây xám vần vũ. Mặt hồ sóng sủi sùng sục. Tôi hơi sợ, dò xét nhìn ông. Ông bình lặng, thoáng trầm ngâm như đang mặc niệm ai đó mới lìa đời. Gió đuổi sóng trên hồ, tất cả tạo thành một không gian dại như ngựa phi trên đồng cỏ.
Tôi nhẹ nhàng:
- Có lẽ phải về thôi, sắp bão rồi.
- Chưa đâu. Bây giờ mới là lúc sướng. Tớ cho thuyền ra xa đón gió. Nằm xuống đi không dây nó quạt cho vào đầu đấy. Tôi lẳng lặng nằm xuống. Trời mênh mông và bao la. Mây cuồn cuộn trên đầu như đmá lốc xám xịt. Con thuyền dập dờn. Ông đang kéo dây, xoay chiều thuyền để xuôi theo luồng gió mới. Khuôn mặt từng trải và trầm tĩnh nổi bật trong không gian.
- Cậu biết hôm nay có bão à?
- Biết chứ.
- Biết mà cậu vẫn thuê thuyền?
Tôi hơi lo.
- Vớ vẩn, bão gì mà bão, có buồn ngủ thì ngủ đi, cậu cho sang bờ bên kia chơi.
- Thôi cậu, nhỡ ra không về kịp...
- Cậu chịu trách nhiệm. Tôi và ông im lặng. Tiếng gió đập phần phật vào cánh buồm đỏ thắm. Tôi nhăm mắt, bồng bềnh, lắc lư chao đảo và mê ly. Không có một chăn đệm nào êm ái và dịu dàng bằng sóng nước.
Tôi ngồi dậy, chúng tôi im lìm nhìn mỗi người một phía. Một góc Tây Hồ khói cuộn mù mịt trong lùm cây.
Ông hơi cười:
- Hôm nay ngày rằm, cháu có muốn vào phủ Tây Hồ thắp hương không?
- Cháu vô thần mà cậu. Cháu chỉ cần tiền thôi, nó sẽ mở tất cả các cánh cửa cho cháu. Và ao ước có một mái nhà như cậu. Thế là đủ.
- Chả đủ được. Nhà cậu thì đã ra cái gì. Vào thắp hương đi. Cậu giữ thuyền ở ngoài này!
Ông nói và lấy chân đã cái túi da đen dưới chân.
- Tiền đấy, cầm đi vào mua hương và công đức.
- Cháu không vào. Cháu chỉ thờ bố cháu ở nhà thôi, cháu cũng có biết khấn vái gì đâu. Thôi, đi cậu, có hạt mưa rồi.
- Thì đi! - Ông lại trầm ngâm, khom người đẩy thuyền ra xa bờ. Tôi cảm thấy loang trong không khí có mùi hương.
- Cháu yêu cái con bé hôm nay đến nhà đấy à?
Cậu hỏi ngoảnh mặt ra hướng khác. Tôi cười, cử chỉ đó tôi đã quen từ lâu. Mỗi khi cậu cho ai cái gì, giúp đỡ ai việc gì, mặt cậu đầy vẻ bẽn lẽn. Cậu mang cho người khác tiền y như cậu đi xin người ta vậy. Không bao giờ kể lể ban ơn.
- Yêu đương gì đâu cậu, bạn bè thôi. Trông nó được không cậu.
- Tao không thích con gái son phấn và đi mỹ viện. Hình như nó làm lại mũi, người thì thấp mà mặt mũi nom như tây, chỉ thiếu cái tóc vàng. Chơi với nó thì được chứ lấy loại đó làm vợ, ngủ cùng giường với nó thì kinh lắm, son phấn nhoè nhoẹt trông như ma. Tôi phá lên cười. Mặt hồ nổi sóng. Đất trời bao la hùng vĩ. Vắng ngắt, đơn độc một cánh buồm đỏ của cậu cháu tôi.
- Hôm nay cậu có chuyện gì bực ở cơ quan phải không? - Tôi hỏi.
- Chuyện vặt.
- Cậu kể đi.
- Cậu góp bảy tám trăm triệu vốn cùng lão Kháng, tổng cộng trên một tỉ, định xây khách sạn mini và lập trụ sở cho công ty liên doanh hàng điện tử. Đâu vào đấy rồi,, thằng bên A dở quẻ. Nó có thợ. Nó bảo phải thợ của nó nếu không nó ngắt hợp đồng. Chó má, nó lôi thợ nó đến, thợ của cậu chết đói à?
- "Bên B là chùm khế ngọt, bên A trèo hái suốt ngày". - Tôi hát
- Rồi cậu xử thế nào?
- Phải chấp nhận thôi, mình phụ thuộc vào nó. Hồi chiều cậu vừa biếu một bộ giàn và đĩa lade cho lão bên A. Coi như xong. Đi ăn xúp lươn, hay ra Tống Duy Tân ăn gà tần?
- Thôi cậu ạ, mợ còn chờ cơm.
- Kệ xác mợ mày và nồi cơm quanh năm ngon hơn đặc sản. Ăn gì?
- Cháu thích nghe cậu nói chuyện. Hôm nọ đứng trú mưa vô tình cháu gặp một ông quen cậu, ông ấy bảo có thời cậu phải ra tòa, đúng không ạ? - Tôi hỏi.
- Đúng. Khi ấy cậu ít tuổi hơn cháu bây giờ.
- Tại sao?
- Cậu là lính đánh thuê, chúng sai cậu can một bản thiết kế cái nhà, cậu làm theo nó, lúc xây lên, nhà nghiêng, bọn nó bùng hết còn lại cậu, dù cậu là thằng làm thuê.
- Bọn nó thoát làm sao được?
- Kiểu gì chả thoát, chỉ có những thằng ngu như cậu ngày ấy mới lôi thôi. Nó ăn ốc, mình đổ vỏ. Ở đời chuyện đó thường lắm. Ai mà chả có lần bị. Đêm Nôen, cậu nằm trong trại giam. Nghe tiếng gió lạnh của mùa đông, thoang thoảng tiếng nói cười của bọn trẻ đi chơi chúa Giáng Sinh, cậu tự thề rằng trong đời cậu chỉ đổ vỏ một lần thôi. Cậu không bao giờ quên cái cảm giác mất tự do của ngày ấy! - Mặt cậu già xọm, hằn những vết nhăn đau đớn.
- Tuần sau cháu vào Sài Gòn công tác, nhập rồi, xuất hạt điều, bây giờ loại đó đang ăn - Tôi lảng sang chuyện khác.
- Thế còn mẹ mày? - Cậu hỏi
- Mẹ cháu giờ ốm luôn, tai lại hơi nghễnh ngãng, hay cậu bàn với mợ cho mẹ cháu lên ở với cậu mợ những tháng cháu đi vắng, bao giờ về cháu đón.
- Không nên sống cảnh chị chồng em dâu. Ở riêng sướng hơn.
- Giá cháu được theo nghề như cậu.
- Cháu cũng như mọi người chỉ nhìn thấy những lúc cậu mang tiền về chứ không nhìn thấy cảnh cậu làm thế nào để ra tiền. Cậu đánh đổi cả cuộc đời lấy nó đấy.
Mưa lắc rắc, chéo xiên hắt vào chúng tôi. Phía chân trời ráng đỏ chạy vòng quanh như bao bọc lấy khoảng trời xám xịt trên cao. Con thuyền lướt vù vù, máu đỏ của cánh buồm bật lên trên sóng nước.
Tôi giục:- Về đi cậu, cháu sợ thuyền lật. Nhà thuyền họ réo loa từ lúc nãy.
- Sẽ không ai gọi nữa vì họ cũng mải chạy bão hết rồi, hồi mới tập cậu cũng uống nước như điên.
Cậu cho thuyền vào bờ sau khi lượn một vòng ra xa để tìm hướng. "Đi thuyền buồm là thế" - Cậu nói - Muốn xa bờ thì trước hết phải ra thật xa, sau đó vòng lại". - Lấy trong túi cậu vài chục, gửi cho bà giữ thuyền! - Ông nói và dắt chiếc xe mới cong.
Tôi lên xe, ông đèo tôi chầm chậm ra đường. Hai hàng phượng rồi đến những cây ban rũ rượi trong gió. Những người đi làm về lầm lũi đạp xe trốn chạy cơn bão. Ông và tôi im lặng. Ông như một người khác, trầm ngâm và già nua, mặc dù so với tuổi năm nhăm của mình, ông quá trẻ.
Tôi và cậu về đến nhà. Trong nhà đầy ắp tiếng cười, cả những tiếng chửi thề. Có một đám đông xúm quanh chiếu bạc ở góc phòng. Không ai ngẩng lên nhìn chúng tôi. Tôi thấy mặt cậu sầm xuống.
- Sao con Dung không đi học, con gái cũng cờ bạc à? Cút ngay. Tao thì phá tan cái ổ của chúng mình bây giờ! - Cậu quát.
- Con được nghỉ vì sợ bão to không chạy kịp!
- Dung đang học trường Đại học ngoại ngữ khoa tiếng Anh, hệ không chính quy.
- Nhà cửa tối om, chửi nhau nghe như hát thi, giải tán! - Cậu chống hai tay vào mạng sườn, mắt vằn lên.
- Bố cho con gỡ một tý, chiều nay thằng Quảng nó xơi của con "hai băng" rồi. - Một tiếng nì nèo và những tiếng quật quân bài đen đét.
Cậu quay người, đi lên gác. Qua chỗ để chiếc tivi và đầu video, cậu tiện tay bật chúng lên. Một khuôn mặt chảy dài với cái mũi sần sùi, nhoe nhoét máu hiện ra.
Những cái răng dài nhe nhởn hai bàn tay hủi đầy máu của con ma chuyên ăn thịt người đang tiến lại một cô gái đẹp nhất trần truồng. Bộ phim ma ăn thịt các cô gái đồng trinh. Phải nói trước Mỹ sản xuất phim ma rất thành công, đến nỗi một thằng thanh niên ba mươi tuổi như tôi cũng thấy hoảng. Cậu nhăn nhó, ấn nút tắt phụt. Miệng lẩm bẩm: Nhảm nhí.
Mợ tôi hiện ra ở cầu thang lên tầng hai. Mợ mặc một cái váy có hai dây, thắt ở eo và xoè ở mông. Khuôn mặt mợ xương xẩu, hai mắt to tròn do tác dụng của mỹ viện. Mũi mợ thẳng gồ lên, khuôn mặt căng bóng vì mợ mới đi căng da mặt. Tổng công trình đại tu của mợ đáng giá bốn triệu bạc, bằng một cây vàng. Mợ như một người sản xuất nước hoa. Ở đó là sự tổng hợp của nhiều loại nước hoa đắt tiền. Mợ giải thích với mẹ tôi: "Em dùng nhiều loại, có loại hơi hắc, có loại mùi ngọt như kẹo, có loại sang trọng. Mỗi loại một tí ngửi mùi dễ chịu lắm".
Mợ nhìn thấy hai cậu cháu, chì chiết:
- Gớm hôm nay bão to có khác, về sớm thế. Thế cậu thả mày ở đâu rồi lại đón về chứ gì? Chắc quẳng cho cháu một ít tiền, kiếm cho cháu một ả gái tơ rồi để cháu ngồi đó, cậu tếch với gái già của cậu.
- Bà lảm nhảm cái gì đấy? - Cậu nghiến răng.
- Là tôi vạch cái bộ mặt thật của ông để cho cháu ông thấy.
- Thôi, bà lui ra đi! - Ông nói và lấy tay gạt mợ sang một bên, chạy nhanh lên cầu thang gác như trốn khỏi một tai hoạ sắp giáng xuống.
Tôi im lặng nhìn ông biến vào căn phòng rè rè tiếng điều hoà. Một lúc sau, căn phòng tắt phụt đèn. Có tiếng nhạc phát ra, lúc đầu to, sau to dần. Tiếng trống phách đập rầm rầm như rung chuyển ngôi nhà bốn tầng.
Tiếng mợ tôi the thé:
- Điên rồ, đú đởn mãi rồi về rửng mỡ, nhạc nghe như chó kêu, điếc hết cả tai.
Tôi nói nhỏ:
- Cậu đang buồn, mợ đừng làm gì căng thẳng thêm.
Tôi đi lên gác, đẩy nhẹ cánh cửa vào phòng cậu. Cậu ngả người vào chiếc ghế xích đu quay mặt ra cửa sổ. Ngoài trời đang mưa, lúc to lúc nhỏ. Mưa trong cơn bão thất thường. Cây bàng già trước cửa oằn mình trong gió. Tôi lại gần, mặt cậu chìm lấp trong bóng tối, trong tiếng gào thét tàn phá của âm nhạc và gió bão. Có ánh nước ở mắt cậu.
Tôi ngồi xuống, hỏi nhỏ:
- Cậu muốn cháu đi đâu cùng cậu không?
- Muộn rồi.
Tôi nhìn ánh nước mắt lăn tăn trên mặt cậu.
- Cháu nghĩ là mình đi đâu đó, cậu sẽ đỡ buồn.
- Chả có chỗ nào đỡ buồn hơn chỗ nào. Thế cả.
- Cháu không hiểu một người như cậu mà không có đâu để đến?
- Nhiều chỗ lắm, nhưng đến để làm gì?
Cậu thở dài im lặng chìm lấp vào trong bóng đêm. Trong đôi loa thùng, giọng người đàn ông trầm ấm hát một bài về sự thất tình. Buồn bã não nề
Người ấy đi rồi?- Giọng cậu bỗng khản đặc.
- Ai đi cơ cậu? - Tôi hỏi nhưng cũng thầm đoán ra người đàn bà cậu yêu.
Người đàn bà mà mợ đánh ghen mấy lần. Cô ấy đi hẳn. Vào Sài Gòn sống và mang theo tất cả những gì cậu cần ở cô ấy.
- Cậu theo vào Sài Gòn tìm cô ấy.
- Tìm, tìm thế nào được? Cậu hiểu tính cô ấy. Cô ấy đã không muốn thì đừng có tìm cách mà gặp. Có những ngày đầy ắp niềm vui và sự may mắn, có ngày thì toàn chuyện khốn nạn. Hôm nay chẳng hạn.
Tôi im lặng vì không muốn đẩy thêm câu chuyện buồn bã này.
Tôi lặng lẽ đứng dậy chào cậu:
- Thôi cháu về đây!
- Đi làm sao được lúc mưa bão này?
- Không sao đâu cậu ạ, sức thanh niên, cháu về không mẹ cháu lo.
Tôi đi xuống nhà. Quây quanh chiếu bạc đến hơn chục người. Tiếng hét, tiếng cười nói như gắt như đang ở giữa chợ. Một cái bàn đầy thức ăn.
Mợ cầm tay tôi:
- Chiều nay cậu đi đâu đấy?
- Cháu và câu đi xem cát.
- Xì, cát với chả đất, đừng lấy vải thưa che mắt thánh. Giấu ai chứ giấu thế chó nào được con già. Tao thì đẻ ra những trò đó.
- Mợ bĩu môi, nheo một bên mắt
- À, ở đây chén thịt chó mày. Hồi chiều, mấy thằng em mày vật ra thịt con Lu đấy. Ai lại nuôi chó ta chung với chó Nhật. Con chó Nhật của tao gần chục triệu, con kia nó nhẩy lên để chết à?
- Con Lu ở đâu ra hở mợ? - Tôi hỏi nhìn chiếc bàn dài, những đĩa Tàu hình bầu dục đựng một thứ thịt đen tai tái. Mùi thịt chó nồng nặc, tanh tanh.
- Hôm kia tự nhiên cậu mày đùng đùng đèo nó về. Nó đen và hôi trong cái rọ. Gớm, trông như chó dại. Cậu mày bảo mua nó về trông nhà. Nó chỉ là con chó mới lớn, trông thế quái nào được. Đến bec-giê Đức tao còn thèm vào nuôi nữa là chó ta. Suốt hai hôm nó tru lên nghe phát tởm. Mày này, tao để ý nó quen cậu mày lắm, cứ trông thấy cậu mày là nó ngoe nguẩy, nằm phủ phục. Cậu mày cứ đi một cái là nó tru như có người chết, tao mất cả ngủ. Tao nghĩ con chó này là của con đĩ nào đây, thế là thịt luôn. Hôm nay ngày rằm ăn được rồi, sáng nay tao đi xin rơm, bọn nó thui nhanh lắm. Con này non, đã kịp lớn hẳn đâu ăn ngon và mềm ra phết.
- Cậu có biết không hả mợ? - Tôi thẫn người.
- Trưa nay đi đâu về, phăm phăm lấy đĩa thịt quay của tao mang cho Lu. Từ ngày có Lu, ông ấy chăm về trưa cho nó ăn hơn. Ông ấy ra đến sân, thấy bọn trẻ con đang đốt rơm thui chó, ngoảnh lại thấy cái rọ không lăn lóc dưới đất, ông nghiến răng ném cả đĩa thịt quay vào tao. Tao tránh được. Tao chửi ngay cho một bài. May mà cái đĩa không trúng tao chứ không vô phúc cho ông ấy, nó mà trúng mặt tao, tao cầm dao chém ngay chứ chẳng tha. Ông ấy đi luôn rồi cùng về với mày đấy. Làm gì tao? Tao là chủ nhà này. Tự nhiên tha con chó điên của con đĩ nào về bắt tao nuôi, tao thịt ăn là tốt đấy. Tao nghi cậu mày lắm, chứ chó mới nuôi tại sao thân thế?
Tôi quay người, đi nhanh lên cầu thang, bỏ lại sau lưng tiếng xoe xoé của bà mợ. Nhạc ở phòng cậu vẫn ầm ĩ phát ra. Cậu mà tiếp tục ngồi trong không khí này một lúc nữa, chắc chắn sẽ điên. Tôi đẩy cửa vào, cái ghế trống không. Trong ánh sáng nhấp nháy của bộ đèn phát ra từ cái giàn cattssete, tôi nhìn thấy giường cậu trống trơn. Không có cậu. Tôi ra sân. Gió gào thét, rít rú trên đám dây điện. Gió quật lên tấm nhựa xanh. Phố xá mờ mịt mưa không một bóng người. Những ngôi nhà đóng im ỉm thu mình trong giá rét.
Cậu đứng tựa lưng vào tường, hai tay khoanh trước ngực. Trông cậu như hoá đá. Mặt cậu đầy nước. Tôi mong đó là nước mưa bắn vào chứ đừng phải là nước mắt.
- Vào đi cậu, mưa ướt hết bây giờ.
Im lặng. Gió phần phật như muốn bứt tất cả những gì nó gặp trên đường. Bỗng điện tắt phụt. ở góc phố tiếng loa truyền thanh ọ ẹ cất lên một giọng đàn ông rè rè: "Mọi người chú ý: Cơn bão số hai đã về đến Quảng Ninh và vùng trung du Bắc Bộ. Sở điện lực ra thông báo tất cả các đường dây cao áp phải chú ý thực hiện tốt mọi biện pháp phòng chống bão lụt, đề phòng tai nạn xảy ra trong mùa mưa bão này"...
- Y như hồi chiến tranh, loa báo mọi người chạy xuống hầm trú ẩn. Thật khủng khiếp.
Tôi đứng bên cậu, trong bóng đêm. Tiếng nhạc ồn ã trong phòng cậu đã tắt để lại cảm giác hụt hẫng. Bây giờ mới thấy gió mạnh. Dưới nhà, tiếng chân chạy rậm rịch, tiếng í ới gọi nhau, tiếng cười. Họ bắt đầu ăn thịt chó, trong ánh sáng của những ngọn nến.
- Mợ thịt của cậu con Lu rồi. Mọi chuyện đã qua, cậu cũng đừng trách mợ - Tôi trầm ngâm.
- Ừ, thịt rồi! - Cậu thở dài.
- Cậu lôi ở đâu ra nó đấy? - Tôi hơi vui hơn, bởi lẽ cậu đã bắt đầu nói chuyện.
- Của cô ấy.
- Sao? - Tôi hỏi.- Hôm kia cô ấy đưa nó cho cậu nuôi vì nó quấn cậu lắm. Nó xinh và khôn, theo cậu lóc cóc mỗi khi cậu đến! - Tiếng cậu bỗng khản đặc như tiếng một thanh niên vỡ giọng.
Tôi không còn biết nói gì nữa. Hôm nay đúng là ngày tận cùng của sự khốn nạn đến với cậu. Ướt sũng.
Tôi nắm tay cậu:
- Cậu vào nhà và ăn một cái gì đó đi, rồi uống một viên thuốc ngủ. Ngày mai cậu sẽ đỡ mệt. Thời gian sẽ làm cậu đỡ buồn.
Tôi bỗng thấy mình già dặn, chững chạc, lại dám dạy khôn một người như cậu.
- Cháu cũng thế, lần bố cháu mất, cháu và mẹ tưởng như không sống nổi. Nhưng rồi cậu thấy đây, mọi thứ đâu vào đấy cả.
- Mất một người chết khác, còn đây người cậu mất lại không chết. Nhìn thấy nhau nhưng không đến được với nhau.
Mưa ào ạt hắt vào chúng tôi. Mẹ tôi giờ này chắc đang ngóng tôi và lo lắng, may mà tai mẹ nghễng ngãng nên không nghe thấy tiếng rú của bão. Mẹ đỡ sợ.
Để cậu đứng một mình, tôi lầm lũi đi xuống nhà. Phòng ăn ồn ã. Họ khen thịt chó mềm, vì đó là chó con. Họ tự thấy khả năng làm thịt chó như thợ, và rủ nhau lúc nào hết tiền sẽ bán thịt chó, bóp chết bọn ở chợ Âm Phủ.
Tôi đi ra đường, đúng lúc gió giật mạnh nhất. Phải về với mẹ, dù căn nhà của tôi tồi tàn và không tiện nghi, nhưng nó ấm cúng. Mưa gió. Đường vắng ngơ ngắt. Chiếc xe đạp khô dầu rít lên vì nước mưa. Cả thành phố quằn quại trong cơn bão. Ba hôm sau, tôi lên tàu đi về phía Nam. Đất Sài Gòn đầy nắng.
Buổi chiều. Tôi đạp xe lên Hồ Tây. Mặt hồ xôn xao gió và gió, dịu dịu sóng lăn tăn, loang loáng màu ráng mỡ gà không quật quã như hôm nay. Tôi vào nhà thuyền. Từng tốp thanh niên cười túm vịn vào nhau xuống những chiếc thuyền con, rồi nhẹ nhàng lướt ra xa. Tôi đứng lặng nhìn. Cuộc sống thanh bình quá. Làng Nghi Tàm xanh um xa xa.
Bà giữ thuyền bảo:
- Cậu thuê thuyền gì?
- Cháu chỉ đến xem thôi chứ cháu có biết bơi đâu. Hôm nay không ai thuê thuyền buồm hả bà?
- Mấy ai biết bơi cái loại thuyền này đâu hả cậu. Đến nhân viên nhà thuyền tập chán chả xong. Hồi trước có một ông già thỉnh thoảng đến đây. Cái hôm bão to ông ấy cứ dứt khoát thuê. Tôi bảo chết thì sao? Cái ông ấy cười bảo tôi cao số lắm, chết làm sao được. Lâu nay không thấy đâu.Tôi im lặng nhìn ra xa. Dìu dặt lan ra tiếng nhạc ở nhà du thuyền. Thôi, chiều muộn rồi, phải về thôi. Vả lại bọn thanh niên cứ nhìn tôi như nhìn thằng dở người. Tôi lên xe, chậm chạp về tự hỏi: Không biết đến bao giờ nữa sẽ có một cánh buồm đỏ trên mặt hồ đầy sóng kia? Cánh buồm của cậu tôi.