Xu hướng “Phản tiếp nhận” mới xuất hiện trong các diễn ngôn lý luận văn chương nước ta khoảng trên hai chục năm nay. Cũng có thể nói là đồng hành cùng với quá trình Đổi mới. Trước đây, nó hầu như chưa được định danh mà chỉ mang theo một ý nghĩa để chỉ sự ngộ nhận, ở đây là “ngộ nhận” ý đồ của nhà văn. Nghĩa văn chương trong trường hợp như thế không được thừa nhận là đứng đắn và đúng đắn. Tiến bộ nhất thì cũng chỉ có thể coi nó là một thứ “ảnh hưởng âm” như P. Valéry từng nói. Nghĩa là có tồn tại đấy nhưng theo một cách khác. “Âm bản” để đối lập với “Dương bản”. Thực ra cũng là một cách xem thường trên phương diện xác định nghĩa. Không nên, hơn thế, không thể tin cậy được là vì thế!
Tình hình trở khác hẳn khi lý thuyết tiếp nhận hiện đại nhanh chóng vươn lên thống trị diễn đàn. Hình thái phản tiếp nhận trong đời sống văn chương càng ngày càng được xem trọng để rồi chính thức có tên gọi khi được coi là một dạng thức tiếp nhận thấm đẫm tinh thần hiện đại. Đó hiển nhiên là biểu hiện tính năng động sáng tạo của chủ thể tiếp nhận trong việc tạo ra những cách hiểu mới, hình thành nên những tư tưởng mới, làm giàu có thêm di sản văn chương tưởng đã ngưng kết của quá khứ. Tập thơ tựa đề Tuyết của Vũ Phán có thể coi là một trong những điểm sáng nhất về mặt này.
Nhà thơ đã lên tiếng đối thoại với những cái, những điều tưởng như muôn thuở. Như truyền thuyết. Bài Về Cổ Loa như sau:
- Thưa cha
Sao Triệu Đà lấy hôn nhân làm kế trộm nỏ thần?
- Không có chi con người không thể.
- Ngọc bể Đông đắp bù tình yêu bị giết?
- Để nỗi đau tan vào sóng biếc
Đừng hóa ngọc ngà trang sức thêm đau.
Hay truyện ngụ ngôn Quạ công:
- Thưa cha
Sao quạ đen công rực rỡ?
- Tạo hóa sinh khác nhau.
Thật ra, tác giả muốn triển khai, nhấn mạnh ở ý sau: “Đừng nhuộm màu cho quạ/ Quạ không mặc áo buồn/ Trái đất sẽ buồn hơn”.
Rồi truyện cổ tích Tấm Cám quen thuộc:
- Thưa cha Tấm Cám chị em sao nỡ giết nhau?
- THIỆN ÁC đối đầu muôn đời khổ lụy.
- Con sợ - cha ơi - con sợ
ÁC thua rồi THIỆN hóa ác hơn”.
Ngay câu truyện cổ nằm lòng Trí khôn cũng được nhìn dưới một giác độ mới:
Thưa cha
Con hổ đắc tội chi anh nông dân thiêu sống?
- Xa mà ngó
Gần kẻ ngu ai cũng có thể mất đầu.
Đặc biệt thú vị có lẽ là ý nghĩ toát lên từ chuyện Cá hóa rồng muôn thuở:
- Thưa cha
Sao cá chép lại muốn hóa rồng?
- Ngao sò ốc hến… đều muốn vậy.
- Bỏ THẬT lấy KHÔNG CÓ THẬT?
- Biển bạc đầu nghĩ chửa ra.
Tác giả chủ ý để ngỏ câu trả lời theo tinh thần tiếp nhận phải nói là rất hiện đại.
Mọi chuyện diễn ra bao giờ cũng có nguyên nhân, xa hoặc gần. “Phản tiếp nhận” chỉ có một chỗ đứng danh dự một khi tính tích cực chủ động của con người được nhất trí đề cao. Điều này chỉ đến một khi tính hiện đại về mặt nhân văn tỏ rõ sự ưu thắng trên thực tế. Nhà lý luận T. Todorov quan niệm, thời nay, “cái Tôi rất cần cái Anh gần gũi với nó, cần cả cái Ta trong đó có nó và cũng cần cái Họ mà nó sáng tạo, khắc tạc trong lời nói và trong ý thức của mình” (1, tr.62). Nhờ khái niệm Họ được tôn trọng mà nảy sinh ra nhiều cách đọc, cách hiểu khác nhau về cùng một tác phẩm. T. Fitch đã tìm ra tới 7 cách đọc khác nhau về tiểu thuyết Người xa lạ của A. Camus. Nên xem mỗi cách đọc, cách hiểu ấy có lẽ tồn tại riêng, không hoàn toàn phủ định lẫn nhau. Nhà lý luận Mỹ H. Bloom trong Bản đồ đọc nhầm (1975) cho rằng, mọi sự đọc đều là xuyên tạc văn bản, theo nghĩa là cấu tạo lại văn bản của người khác một cách có ý thức hay vô thức. Không phải vô cớ mà trong ngôn ngữ Đức hiện đại có hẳn một từ hoàn toàn mới là communicat để chỉ sự tổ chức lại một tác phẩm trong quá trình tiếp nhận của người đọc. Do vậy, cần bình tâm trước mọi sự thay đổi và cần khoan dung trước mọi sự khác biệt. Ý kiến của nhà văn A. Gide đáng để chúng ta suy nghĩ: “Về sự xem sách xưa, thiết tưởng nên để mỗi người tự do muốn hiểu thế nào thì hiểu. Nên nhân đó, có người tìm ra được ý gì khác với ý kiến thông thường - tôi đã toan nói khác với ý kiến của chính phủ - người ấy vị tất đã lầm và có lầm nữa thì lầm như thế vẫn có ích hơn là nhắm mắt tin theo thành kiến chung. Mục đích văn hóa là giải phóng tinh thần người ta, không phải muốn người ta nô lệ - PQT nhấn mạnh” (2, tr.894). Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ đương đại nổi tiếng Trung Quốc Bắc Đảo lại viết: “Ở đời có rất nhiều nguyên tắc, và trong số này nhiều nguyên tắc mâu thuẫn nhau. Chấp nhận sự tồn tại những nguyên tắc của người khác là nền tảng cho sự tồn tại của chính chúng ta”. Từ đó, ông đề nghị nên hiểu tính dân tộc - một phạm trù mỹ học nhiều người tôn sùng, theo một cách mới, một cách khác: “Đặc tính dân tộc không phải một dấu ấn đơn giản, mà nó phải phản ánh được tinh thần dân tộc phức tạp của chúng ta - PQT lưu ý” (tienve.org). Không “đơn giản” còn hàm nghĩa là không một chiều. Cho nên cần xem phản tiếp nhận là sản phẩm của tư tưởng văn hóa tiên phong thời hiện đại trong những xứ sở thật sự văn minh luôn tôn trọng và đề cao cá nhân con người.
Từ đó, ít nhất có hai hệ quả được nảy sinh.
Một là, người ta buộc phải xác định lại khái niệm then chốt: chủ thể tiếp nhận. Có phải bất kỳ người đọc nào cũng đều là chủ thể tiếp nhận? Tuyệt nhiên không phải vậy. Cái quyết định là tính chất của sự đọc kia. Ở đây, ý kiến của nhà tâm lý học Nga Đ. Leonchev trong Văn hóa đọc - đó là lao động và nghỉ ngơi rất đáng để các nhà văn học quen suy nghĩ vấn đề một cách giản đơn phải suy nghĩ lại. Ông viết: “Từ thời cổ đại người ta đã nói về Homer rằng, mỗi một người, một đứa bé trai, đến một người đàn ông, cho đến một ông lão, đã đem lại cái mà mỗi người thu nhận. Và ở đây xuất hiện thêm một vấn đề nữa tập trung ở từ thu nhận. Có những độc giả thu nhận ở văn học cái mà họ cần, nhưng có những độc giả không thu nhận một cách tích cực, mà ngốn ngấu tất cả những gì người ta đưa ra”. Đ. Leonchev viết tiếp: “Chúng ta đã quen định tính độc giả như chủ thể của hoạt động đọc, nhưng độc giả không phải lúc nào cũng là chủ thể của việc đọc. Nếu nói đến một sự đọc nghiêm túc, khi cuộc đối thoại nội tâm với tác phẩm được thực hiện, khi đó con người mới thực sự là chủ thể của việc đọc. Trong tình huống tiêu dùng văn học đại chúng, độc giả đúng hơn là đối tượng”. Rồi ông khái quát thành ba nhân tố tác động đến chất lượng tiếp nhận: đặc điểm cá nhân bền vững; bản thân giá trị của tác phẩm; và diễn biến đa dạng của quá trình cảm thụ. Ý kiến của L. Vưgotxki trong Tâm lý học giáo dục được tác giả trân trọng nhắc lại: việc cảm thụ nghệ thuật, đặc biệt là việc đọc là một loại công việc thực thụ (3). Đã vậy thì có phải khi nào và với ai “việc đọc” cũng là một “loại công việc thực thụ”, nghĩa là nặng nhọc và nghiêm túc đâu! Cố nhiên, ta chưa bàn tới tình đặc thù “đầy hứng thú” của dạng thức lao động riêng này.
Thứ hai, quan niệm coi tác phẩm chỉ là “cái thùng chứa nghĩa” của nhà văn đã trở nên hoàn toàn lỗi thời. Giờ đây, tác phẩm còn là nơi sản sinh nghĩa, thường xuyên và liên tục nữa. Trong tài liệu vừa dẫn, Đ. Leonchev còn chủ động nêu lại ý kiến tưởng là vô cùng thú vị của V. Asmus trong việc bàn luận về những hiệu quả khác nhau trước một đối tượng như nhau đối với mỗi người tiếp nhận như sau: “Ý nghĩ cho rằng, trong các tình huống khác nhau, tác động tương hỗ với văn học được mọi người tiếp nhận rất khác nhau được V. Asmus so sánh độc giả với người thủy thủ ném qua xông đo độ sâu xuống biển. Mỗi người sẽ đạt tới độ sâu mà quả xông của riêng anh ta đã được dự tính trước” (3). Tôi chủ ý nhấn mạnh cụm từ “tưởng là” trong câu văn trên, vì thực ra, sự so sánh của V. Asmus được Đ. Leonchev đề cao đến nay đã không còn hoàn toàn đúng nữa. “Quả xông” tượng trưng cho kinh nghiệm và trình độ thẩm mỹ nói chung của người cảm thụ văn chương, và “độ sâu của biển” tượng trưng cho “nghĩa” ẩn chứa trong hình tượng văn chương. Nếu thế thì chưa hẳn đã thuyết phục một khi tác phẩm văn chương đã được quan niệm một cách mới, theo lối nhìn hiện đại. Nó phải được xem là một hệ thống ký hiệu ngôn từ sinh nghĩa kia!
Thì ra, mọi chuyện giờ đây đã đổi khác… Và cần xem đó là sự đổi thay theo hướng đáng mừng. Trong khi khoa học hiện đại, ở đây là văn học hiện đại, biến đổi hàng ngày, hàng giờ như vũ bão về phía trước, dừng lại đồng nghĩa thoái bộ là như thế chăng?
Đà Lạt, 13/5/2013
………………………………………………………………………………………..
TÀI LIỆU CHÚ THÍCH
(1) Nghiên cứu văn học, số 7/2006.
(2) Nhiều tác giả - Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, Tập II, Nxb Lao Động, 2001.
(3) Văn nghệ, số 1 - 2/2004.