Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.114
123.141.636
 
Bùi Xuân Phái, đã 25 năm
Nam Dao

Bùi Xuân Phái, đã 25 năm

 

 

 

 

Tiểu Sử  

Họa sĩ Bùi Xuân Phái sinh ngày 1 tháng 9 năm 1920 tại Hà nội, mất ngày 24 tháng 6 năm 1988 tại Hà nội . Nguyên quán Hà đông, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông dương, Hà nội khóa 1941-1946, tham gia kháng chiến, tham dự triển lăm nhiều nơi . Năm 1952 về Hà nội, sống tại nhà số 87 Phố Thuốc Bắc cho đến khi mất. Năm 1956-1957 giảng dạy tại trường Mỹ Thuật Hà nội . Tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm, phải đi học tập lao động trong một xưởng mộc tại Nam Định và ban giám hiệu nhà trường đã đề nghị ông phải viết đơn xin thôi không giảng dậy tại trường Mỹ Thuật.


Bùi Xuân Phái là họa sĩ,chuyên về chất liệu sơn dầu, tập trung nhiều nhất vào đề tài phố cổ Hànội, ông được quần chúng mến mộ gọi chung là Phố Phái. Tranh phố cổ của ông (Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Tre, Mã Mây v.v..) đều xuất sắc. Bắt nguồn từ hiện thực, Phố cổ Hànội được ông vẽ từ những thập niên 50, 60, 70 nên còn mang đậm nét cổ kính.

Ngoài phố cổ Hà Nội, xin giới thiệu minh hoạ thơ Hồ Xuân Hương của họa sĩ tại : http://www.tintuchangngay.org/2013/04/o-tai-mat-xem-tranh-bui-xuan-phai-minh.html

 

 

Nhớ Phái

 

Nằm bệnh, không sức làm gì khác hơn là lục lọi cái viết lách của mình, và tình cờ tìm được Nhớ Phái đã đăng trên báo Đất Việt, Canada, năm 1988. Nay nhuận chỉnh lại, xin viếng người họa sĩ tài hoa này sau khi ông rời cõi tạm đã ¼ thế kỷ, nhắc những người còn sống chớ quên văn hóa nghệ thuật ở đâu cũng có cội nguồn...                            

Nam Dao

 

            Bạn đến. Vợ chồng con cái tíu tít. Con bé út, vừa được ba tuổi, ngày càng nói nhiều. Nó ngọng nghịu, hát :

 Au clair de la lune, mon ami Pierrot,

prêtes-moi ta plume pour écrire un mot...

Nó vung tay múa, vụng về, nghiêng bên phải, ngả bên trái. Nó mắc cở, im  tiếng. Cháu cứ hát đi, ngọng một chút nhưng thế lại hay. Anh bạn cười. Chị bạn cũng cười. Cười hỉ hả. Bỗng anh hỏi:

            ‘’ Bùi Xuân Phái ở phố nào nhỉ?’’

Định bụng đáp phố Phái, chữ Nguyễn Tuân bịa, nhưng tôi lại nói:

            ‘’ Phố Thuốc Bắc  thì phải...’’

Anh bạn lơ đễnh:

            ‘’ Phái mới mất, hôm hai mươi bốn tháng sáu!’’

Nghe bạn báo tin, tôi nhói trong lòng. Thảng thốt, tôi hỏi lại, thừa thãi: ‘’ Thật à ?’’.  Thật đấy. Mụ già định mệnh gọi, ai tránh được. Vả lại, trừ những kẻ đi tìm thuốc trường sinh như Tần Thủy Hoàng, mấy ai thật lòng cứ cố tránh mãi.

Thế là... người đời kêu, một ngôi sao đã lìa cái trần thế tai ương này. Thiên hạ ơi, những người yêu Phái và cả những người ghét Phái, dẫu muộn nhưng ta cùng nhau viết một câu phúng đi. Cần ca ngợi, chớ dè dặt toan tính, chớ tung hô mà sượng sùng gượng gạo. Hãy đếm cho thực kỹ số tranh Phái vẽ, chép miệng thì thào với nhau  thế mà cũng chẳng phong Nghệ sĩ Nhân dân. Nhân tiện, hãy nói  những điều  nhân  nghĩa. Thậm chí hãy tạo những huyền thoại quanh Phái, thứ huyền thoại thực là cần cho những người đang  sống mà chẳng biết về đâu.. Phải, bây giờ ai cũng làm như vậy  được. Nên làm, cứ làm, thảnh thơi mà làm, làm cho lương tâm yên ổn. Vì nay, Bùi Xuân Phái đã nằm xuống. Ông không nghe  nữa, không nhìn nữa, không nói nữa. Và không vẽ nữa.  Và này, hỡi những người đang sống, bao giờ cũng dễ độ lượng hơn với những người chết hơn là với những người đang sống. Khốn khổ thay!

Phố Hàng Bạc

Phá cái trống tênh tịch mịch, anh bạn bảo ‘’  Cả Phạm Huy Thông nữa, mới đây cũng mất rồi. Báo chí đăng tin tùm lum, Nhân Dân  cho một cột lớn. Còn với Phái thì không, chỉ dăm tờ báo nhỏ  mới nhắc, như Hà Nội Mới, Văn Nghệ…’’. Tôi thầm nhủ, thế là may cho Phái.  Cắt ngang ý nghĩ tôi, anh bạn tiếp ‘’ Ông có biết Phạm Huy Thông không?’’. Có, gặp nhau bên Úc, cách đây có lẽ đến 5,6  năm rồi. ‘’ Thân thế ông ấy thế nào?’’ Ông ta là một trong  những người làm thơ mới những năm 30. Sang Pháp du học, ông góp phần xây dựng phong trào Việt Kiều  thuở đó. Rồi sau Cách Mạng tháng 8, ông về nước. Ông sau này là Viện Trưởng Viện Khoa Học Xã Hội…  ‘’  Này, nước ta  làm gì mà có loại khoa học ấy?’’. Có chứ, cái gì mà ta lại chẳng có! Nhưng cuối cùng ông Thông chỉ làm việc Khảo Cổ. Cái việc  đồ đồng đồ đá ít tính giai cấp, làm cho vui, và biết đâu lại chẳng có chút ích lợi. ‘’ Thời buổi này thí nó vô bổ! Ông ta có công trình gì không? ‘’ Có chứ!  Đấy, là tiên phong trong phong trào thơ mới. Còn công trình gì  à?  Tiếng sáo hay tiếng địch sông…Chẳng nhớ là sông nào, sông Dịch hay sông Ô, tôi chịu!

*

 Nếu chỉ miệt mài đi tìm cái Đẹp và tránh cho thật xa  cái vòng quan trường thì chỉ có những tờ báo ‘’ nhỏ’’ nhắc  khi anh nằm xuống. Lúc chưa xuôi tay, nghĩa là khi còn cầm được cọ, pha được màu, và còn dùng cả những hộp diêm bé tí tẹo làm khung vẽ,  chỉ có bạn bè nhắc đến anh. Như Nguyển Tuân chẳng hạn.

 

Nguyễn Tuân đã viết ‘’ Phố Phái’’. Những phố Phái xiêu vẹo. Xám. Đen. Nhưng trong vùng xám đen xiêu vẹo vẫn có những bóng con người. Khi tất tả, khi nhọc nhằn.  Nhưng lúc nào màu vẽ con người  cũng vẫn bật lên sự tiềm ẩn của hy vọng, nét bung ra sức sống, thường mạnh mẽ, quả cảm. Màu vẽ quần áo lắm lúc đỏ, cam. Nhỏ, chấm phá, nhưng vẫn là những con người có tương lai, còn hy vọng trong cái xám sẫm đường phố Hà Nội vốn siêu vẹo lại càng thêm siêu vẹo.

 

 Phố của Phái là thế đấy! Nhớ đến Hà Nội là nhớ đến những con người, là nhớ đến phố Phái, và …nhất là nhớ Phái. Cơn bực bội chợt ùa về làm lũ trong lòng.  Này, thiên hạ, Phái đã nằm xuống rồi, hãy can đảm cất lên tiếng nói chứ. Ít nhất, nếu không khẳng định gì thì cũng nêu vài câu cần hỏi. Tỉ như, sinh thời Phái được đãi ngộ thế nào? Sau vụ án Nhân Văn, Phái phải sống ra sao? Nghệ thuật của anh bị vây bủa o ép thế nào? Phái có những phương tiện gì để tiếp tục sáng tạo?

 

Và hỡi những người không còn chịu nổi thứ văn hóa sần sùi của những cái lưỡi gỗ, thứ văn hóa tung hô, nô bộc, thực chất là  phản văn hóa, đã đến lúc chúng ta phải mở miệng. Không thể cứ mãi đánh đĩ với lương tâm. Không thể ném rác rưởi cặn dư vào bôi bẩn tâm hồn. Không thể cứ mãi câm nín. Chúng ta nay buộc phải mở miệng thuốc men giải phóng cho chính mình. Cho bớt tàn tật. Cho bớt những điều vô cùng phi lý. Bây giờ, phải ngoảnh mặt nhìn lui để biết ta thành tựu gì. Và phải biết những điều chưa làm được để tiếp tục vun trồng một nền văn hoá có bóng con người. Những con người thật. Có anh hùng, liệt sĩ với những chiến công giữ nước. Có những hèn yếu, thất bại, nông cạn thời thôi chiến tranh. Nhưng phải tôn trọng sự thật.  Sự thật nào cũng gần gũi với những con  người bình thường, biết yêu, biết ghét, phải ăn, phải mặc. Nhất là phải có hy vọng.

 

Với phố của ông, Phái cố giữ những hy vọng đó cho  những con  người sống trong ba mươi sáu cái phố phường Hà Nội.

*

(…) Lần đầu gặp anh, tôi đi với Dương Tường. Anh vừa ngao du ở Đông Đức về, hồn nhiên khoe ‘’  lần đầu mình xuất ngoại trong đời đấy!’’.  Anh lục lọi cho chúng tôi xem những bức tranh nhỏ xíu vẽ trên những mảnh bìa. A, không phải chỉ có phố. Có những nàng kiều nữ mặc áo tứ thân hớ hênh khoe bộ ngực no tròn. Có minh họa thơ bà cô tổ Hồ Xuân Hương, nào là Đánh Đu, nào là Sư chùa…Ơ kìa, Con ngựa và chiếc xe thồ. Tôi dán mắt nhìn, sao cô đơn lạ.  Anh thủng thỉnh ‘’ vẽ từ hồi kháng chiến chống Pháp, trên Cao Bằng’’ .  Tôi nhắm mắt lại. Bây giờ chẳng chỉ có cô đơn. Tôi nhìn ra  sự nhẫn nại. Và nhất là  một tâm hồn dịu dàng.

Trước khi về, anh tặng tôi một bức tranh.  Anh viết sau lưng bức tranh, nhắc  đi nhắc lại ‘’  Giữ kỷ nhé…Có biết  thế nào là tranh  đẹp không? Cho những kẻ chẳng biết gì thì…tiếc lắm!’’. Vâng, tiếc thật. Nhưng tiếc hơn cả là có những người không biết  cái Đẹp mà lại có quyền định ra khuôn thước của nó, từ đó đi phê phán, o ép và rồi trói buộc không cho  phép ai tự do  sáng tạo. Ai lại vẽ phố như Phái, buồn chết, chẳng hồ hởi chút nào, thiếu cái tính hiện thực xã hội chủ nghĩa, nghĩa là chỉ nhìn hiện thực bằng một con mắt tô màu đỏ. Kết quả, Phái vẽ, rất cô đơn,  trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Tranh anh là tranh của sự túng quẫn. Vẽ trên tất cả những gì có thể vẽ được. Từ bao diêm đến mảnh bìa cắt từ những thùng hàng ở ngoại quốc gửi về cứu trợ thân quyến trong nước.

 

Còn Phái. Mảnh khảnh, xơ xác, đưa tay cho tôi bắt. Mắt anh rất sáng. Anh sống trong sự quên cái hiện thực vây bủa như chấn song bằng sắt của tủ hãm chẳng thật cần thiết. Anh lại nhắc ‘’  Giử tranh cho kỷ nhé, không thì tiếc lắm!’’.  Rất hồn nhiên. Anh cười. Vâng, chính sự hồn nhiên đó  mới cho phép  sống và vẽ như Bùi Xuân Phái được.

*

            ‘’ Kỳ vừa rồi ông về  ông có gặp ông Phái không?’,  anh bạn hỏi rồi quay sang bảo con bé  ít làm ồn cho người lớn nói chuyện. ‘’ Có chứ, lúc ấy ông Phái bị viêm họng, ho sù sụ, không nói được thành tiếng’’. Đó là lần tôi về Hà Nội sau 6 năm bị cấm cửa từ 1982 vì lý do gì thì tôi chỉ có thể đoán mà không biết chính xác (có lẽ là vì bản Góp ý về Ổn định và phát triển kinh tế VN - nói kiểu ngày nay - rất  ‘’ diễn biến hòa bình’’ mà tôi đã viết theo yêu cầu của ông Phạm Văn  Đồng để gửi đến Hội Đồng Bộ Trưởng thời đó). Tôi nhìn Phái, tưởng tượng chắc rồi cũng chỉ đau ốm qua loa. Chị Phái  bảo so với tuần trước thì anh ấy khá hơn, không sốt nữa. Tôi với tay xem mấy lọ thuốc. Thuốc là thuốc trụ sinh loại nhẹ, do một anh bạn tôi từ Toronto mang về.

 

 Phái lắc tay như gạt chuyện thuốc men qua một bên. Anh cầm chai rượu trắng rót vào một ly, ly loại cổ cao dùng để uống liquor. Anh nhìn, không uống.  Dương Tường chép miệng ‘’ Chắc sắp khỏi rồi. thế chuyến đi Pháp tháng 7  này với Bửu Chỉ  đã chắc chắn chưa?’’Anh gật. Chị Phái đỡ ‘’  Ông ấy nói không được chứ thường mà gặp bạn là huyên thuyên nhiều chuyện lắm!’’.  Anh nhìn, tay chỉ vào miệng, cố gắng thốt ‘’  nói bằng mắt’’. Vâng thưa anh, đó cũng là một  cách nói.  Nói thế, chắc ít điều thừa thãi. Quan trọng hơn, khó nói dối. Xưa nay khi anh nói những  điều trong tâm can của người đời, anh đã chẳng vẽ để bắt họ nghe và  hiểu bằng mắt  đó sao!

 

Ra khỏi nhà Phái, chúng tôi sang bên kia đường để tránh dăm ba người ăn xin chắc từ Thanh Hoá ra Hà Nội mỗi năm. Và tôi thầm ước, ‘’  ước gì khôngcó những người chết đói trên phố Phái’’. Chiều về, tôi nhờ Tường cầm đến cho Phái một lọ trụ sinh loại mạnh hơn. Tối đến. trời mưa như trút nước. Bâng khuâng, tôi tự hỏi chẳng biết những người từ Thanh Hoá ra đây sẽ trú ẩn ở đâu. Và tôi lại thầm ước, ‘’  ước sao trời không mưa  thế này trên phố Phái’’.

 

Tuần sau, tôi cùng Tường đi Sài Gòn. Chúng tôi đến atelier của Đinh Cường ở Phú Nhuận. Nhắc đến Phái, Tường vẫn lạc quan ‘’ Ông ấy còn khoẻ chán…Chắc  ốm sơ sơ, Văn Cao nằm nhà thương  mới đáng lo’’. Tôi nhìn lên tường, thơ Tô Thùy Yên chép chữ khổ lớn nhảy muá khúc Ta Về,  rưng rưng thấm vào lòng lời ‘’ cám ơn hoa đã vì ta nở/ trái đất vui từ mỗi lẻ loi’’. Trưa Sài Gòn nóng kinh người. Trịnh Công Sơn cởi trần ra, lúi húi rót ararat, thứ cognac Đông Âu, vào ly. Sơn bây giờ gầy guộc, có khác chi đâu một cánh vạc. Sơn cũng vẽ. Anh vẽ Nguyển Tuân để nhớ Nguyễn Tuân. Như một ngọn nến cô đơn, phía trái có một giọt máu nhỏ xuống, từ tim. Cường bảo đã nộp đơn xin cùng cả gia đình đi Mỹ. Chúng tôi tránh nhìn nhau những phút đó. Liệu có phải đi là chết trong lòng một ít  không? Đi thế, khác cách Phái sau đó vài tháng ra đi.  Anh đi luôn, và phải đào đất lên chôn xuống. Đi không ngoảnh mặt, không vẫy tay, không à ơi hẹn ngày trở lại. Nhưng những người nghệ sĩ buộc phải tha hương tìm đường sống hẳn chết trong lòng. Nhưng người còn cầm cọ quét màu lên canvas ở lại mong chết trong lòng một tí mà chẳng được. Họ chỉ còn biết đốt hương phúng viếng chính mình. Và cắm một cành hoa mỏng mảnh cho ngành Nghệ Thuật Việt Nam cứ dần dà phai nhạt. Nghe đâu Nguyễn Trọng Khôi cũng vừa đi Boston  để đoàn tụ với gia đình khoảng tháng nay rồi.

*

            Chị bạn thắp một nén hương cắm vào chậu cây nhài đang ra hoa. Nén hương viếng Phái đã nằm xuống hôm 24 tháng 6 năm 1988. Hôm ấy, có lẽ Dương Tường còn ở Sài Gòn, chắc không ra Hà Nội kịp. Trần Dần và Phùng Quán còn rong ruổi ở Huế. Và Bửu Chỉ, chắc lại ôm mặt khóc như từng khóc Nguyễn Tuân, khóc  mà không làm gì được.

 

Mùi hương thoang thoảng một buổi bóng đêm chập chùng ập xuống. Anh bạn chép miệng: ‘’ các ông ấy đi hết thì nay về Hà Nội chẳng  có hứng thú gì! ‘’ Thở dài, tôi cũng biết thế. Hững mình vào một khoảng tối tịch mịch, tôi  nghe  đâu đó một  tiếng kêu, các bạn ơi….Bạn viết, cứ viết. Vẽ, cứ vẽ. Làm thơ, cứ làm, như những  con  người  tự do. Làm nghệ thuật, xin làm như làm tình, trên mọi ngả phố Phái. Xin các bạn tiếp tục những  con đường  của những người như  Nam Cao, Nguyên Hồng, Đặng Thế Phong, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân…Và Bùi Xuân Phái. Để tôi còn về và xin làm quen các bạn!

 

            Có lẽ chưa bao giờ  chúng ta lại thiếu chữ nghĩa, thiếu âm thanh, thiếu màu sắc như bây giờ.

Bao giờ thời kỳ Phục Hưng bắt đầu?

            Các bạn ơi…Đóng góp vào nền văn hoá phục hồi trong tương lai  đó là các bạn mang trả lại hy vọng cho những  người  bình thường trên những  ngả phố Phái. Người bình thường chỉ mong ước một  cuộc sống bình thường với chút hy vọng vào tương lai. Tương lai ấy  hẳn ít đi những  anh  hùng, liệt sĩ của thời chiến nhộn nhạo mới qua. Tương lai ấy cũng chẳng  cần đến những  dối lừa gian manh, những  khẩu hiệu mị dân, những  mưu đồ cơ hội của thứ quyền lực ma ám  trong một  thời bình  mới vừa chập chững.

            Con cháu bé  lại  nghêu ngao:

                        ‘’ ma chandèle est morte

                                    il n’y a plus de feu

                        Ouvres-moi ta porte,

pour l’amour de Dieu  ‘’

            Thấm thía từng câu hát, tôi ứa nước mắt. Giọng cháu ngọng nghịu nên chân thật, và tôi mạn phép bạn xin dịch lại để ta  chia sẻ với nhau:

                        ‘’  Dưới ánh trăng, bạn tôi ơi

                                    hảy cho tôi mượn cây  bút

                                    Để tôi viết lại  một lời

 

                        Đâu còn lửa nữa,  ngọn nến ấy tàn rồi

                                    Hãy mở cửa

                        Hãy mở cửa  cho ( chúng ) tôi,  lạy  Trời!  ‘’

 

ngày 4 tháng 7 năm 1988

nhuận chỉnh ngày 19 tháng 5 năm 2013

 

 

 

 

 

 

 

Nam Dao
Số lần đọc: 3077
Ngày đăng: 27.05.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngy Do Thái, hạt bụi trăm năm ôm đất quạnh - Ngô Nguyên Nghiễm
Vũ Hoàng Chương thấu thị lẽ vô thường - Tâm Nhiên
Hoài Ziang Duy, Biểu tượng một văn phong hiện thực đầy sáng hóa - Ngô Nguyên Nghiễm
Lâm Chương, bản tường trình của một chứng nhân - Ngô Nguyên Nghiễm
Victor Hugo Danh tài của thời đại - Võ Công Liêm
Nguyễn Vy Khanh viết về Võ Hồng - Nguyễn Vy Khanh
Phạm Công Thiện một thi sĩ kỳ tuyệt thiên tài - Tâm Nhiên
Nhà văn Nguyễn Thành Long trong ký ức tôi - Lâm Bích Thủy
Huy Phương – Nhà Thơ, và Thơ Huy Phương - Trần Trung Thuần
Chóe, nhà hí họa bút sắt số một Việt Nam - Ngô Nguyên Nghiễm