Câu chuyện đến mãi khuya, giữa mẹ và con, cái mấu chốt cuối cùng vẫn không hội tụ vào một điểm. Hai đường thẳng song song thì hai con đường đó vĩnh viễn phải là hai con đường song song, trừ phi một trong hai con đường bị cong quẹo mới có thể nhập lại. Mẹ cứng rắn và cương quyết bảo thủ ý kiến của mình, nói không có đám cưới thì không có kết hôn. Để củng cố và bảo vệ cái lập luận của mình, bà mẹ không quên dẫn chứng đến cái “receip” khi mua hàng ở cửa tiệm, cái giấy sở hữu chủ cái xe, cái nhà, cái giấy khai sinh cho một đứa bé mới chào đời, thậm chí lúc chết, người ta còn có một cái giấy khai tử. Cưới xin không có cái giấy hôn thú chứng nhận thì chồng vợ chưa thực sự chính thức ăn ở với nhau. Quan niệm của người đi trước và của bà là người đi sau dứt khoát là theo truyền thống tập tục, bà kiên trì và cương quyết bảo vệ đến tận cùng.
Mẹ già là cây có rễ bám đất. Cô con thì không. Thời của cô khác với thời của mẹ, vì thế, ngồi nghe mẹ khuyên bảo, cô chẳng những đã không nghe mà còn đem lòng thù hằn ghét mẹ. Cô bảo mẹ làm khó dễ chuyện tình duyên của cô, cản trở việc hôn nhân khiến ngần này tuổi, cô vẫn không có chồng.
Đồng hồ quả lắc treo trên tường vừa đúng lúc gõ 12 tiếng. Nó như muốn nhắc cho hai mẹ con biết đã đến nửa đêm. Nghe tiếng bính boong, bà mẹ bảo:
“Khuya rồi. Chuyện đâu còn đó. Con đi ngủ đi”.
“Mẹ buồn ngủ thì mẹ đi ngủ. Làm sao con ngủ được trong tình trạng đầu óc căng thẳng như thế này”.
“Có gì phải căng thẳng. Mẹ đã nói, chuyện đâu còn đó. Hôm nay chưa giải quyết được thì mai giải quyết”.
“Mai. Lúc nào mẹ cũng nói mai. Mai giải quyết mà mẹ cứ quyết liệt theo ý của mẹ, mẹ không muốn con lấy chồng hay sao”.
“Con nói gì lạ vậy. Chẳng có người mẹ nào lại không muốn con gái không lấy chồng. Nhưng mẹ chỉ thuận khi nó chịu lấy con, nó phải làm lễ cưới đàng hoàng chứ không đi ngang về tắt như thế được. Mẹ không ưa cái cảnh “tiền dâm hậu thú” như vậy bao giờ. Nếu con và nó làm theo lời mẹ dậy, hai đứa đã yêu nhau, muốn kết thân vợ chồng, thì mẹ là mẹ của con, mẹ rất ưng ý và hài lòng”.
“Nhiều lần con đã thưa với mẹ, gia đình anh ấy không có ai ở bên này, đi làm chỉ đủ tiền nuôi thân, dư đâu để làm đám cưới. Tụi con tính sau này, khi có điều kiện sẽ thực hiện đám cưới cũng có sao đâu hả mẹ”.
“Con còn trẻ người non dạ, sống chưa có kinh nghiệm để biết hết chuyện đời, cho nên con cứ tưởng những gì con nghĩ là đúng. Mẹ đã trải qua giai đoạn ở tuổi con, mẹ biết thế nào là tình yêu trai gái, khi người ta đã si mê cuồng nhiệt, thì khôn ba năm cũng có lúc dại một giờ. Nó xui con cho nó về ở chung nơi chung chỗ, nhưng nó lại không hề nói đến chuyện cưới xin, thì sau này tốt không nói làm gì, xấu chỉ có mình con chịu thiệt. Mẹ từng trải nên mẹ biết. Mẹ nhìn xa trông rộng nên mẹ hiểu. Nếu mẹ phải nói ra như thế, mẹ cũng chỉ vì con mà nói ra thôi”.
“Con không muốn nghe mẹ nhắc đi nhắc lại mãi một chuyện như vậy. Con cũng không muốn vì mẹ ngăn cản mà con bỏ ý định lấy anh ta. Giữa mẹ và con đã nói quá nhiều về câu chuyện này, nếu phải bất hiếu, thì sau này lỗi đó mẹ cũng không nên qui trách cho con”.
Vẫn mỗi một chuyện như thế, hai mẹ con nói qua nói lại, đến đúng lúc đồng hồ chuông gõ một tiếng, bà mẹ ngáp.
“Mẹ buồn ngủ rồi. Mẹ đi ngủ đây. Đã quá khuya, con cũng không nên thức làm gì “.
Vừa nói, bà mẹ vừa ngả lưng xuống giường. Nằm nhưng không nhắm mắt được, cô gái cứ nhìn lên trần nhà. Cái trần nhà cũng nhìn xuống cô, nhưng không một lời an ủi khuyên can, vì nó không biết nói. Không lâu sau đó, bồn vệ sinh trong nhà tắm có tiếng nước chảy. Bà mẹ đi tiểu. Dù nằm, giấc ngủ vẫn không đến với bà.
Nắng nóng về ban ngày. Không khí hầm hập về ban đêm. Hàn thử biểu ba bữa nay ngấn thủy ngân lên ngang vạch ghi con số 90. Chín mươi độ F thì nhiệt độ không thể mát được trong một căn phòng vừa hẹp vừa thấp ở khu chung cư nơi họ cư ngụ. Mở số lớn, quạt để đầu giường nằm vẫn chẳng đủ khả năng làm lạnh cái không gian nhỏ bé của căn phòng. Vì thế, trong khi đầu óc căng cứng với câu chuyện chưa giải quyết được, cộng thêm cái nóng muốn làm da thịt nứt ra, cô gái lúc thức, lúc ngủ trong trạng thái chập chờn.
Mùa hè ngày dài đêm ngắn. Đường đã nghe tiếng xe qua lại. Phố đã có người đi. Mặt trời đã thấy từ từ ngoi lên ở khung cửa sổ. Bếp, bà mẹ đã thức với siêu nước đang sôi réo. Cô gái chẳng ngạc nhiên về những gì xẩy ra như thế vào mỗi buổi sáng mà bà mẹ theo thói quen, rời khỏi giường, sinh hoạt theo thường lệ.
Nằm, cô con bà cụ nghĩ như thế. Dậy, chỉ khi nghe ở bên ngoài có tiếng bà mẹ gọi:
“Thu. Con thức hay còn ngủ vậy”.
Cô ta giận mẹ nên nhất định không lên tiếng trả lời. Đến lần thứ hai, bà cụ gặng hỏi, cô mới ậm à ậm ừ, đáp:
“Mẹ kêu con có chuyện gì vậy”.
“Ra mẹ bảo”.
Ngồi ở bàn, tay tì má, cô gái tên Thu mắt nhìn đi đâu đâu. Bà mẹ cô ta lặng lẽ nói:
“Mẹ nằm suy đi nghĩ lại, nẫu chín cả đầu óc, thấy ý con đã muốn, mẹ có cấm cản cũng vô ích mà thôi. Con buồn, mẹ không vui. Vậy thì, con nay đã lớn, con tính sao thì tính, mẹ để toàn quyền con quyết định”.
Mặt cô Thu sáng rực như ngọn lửa được mồi xăng.
“Mẹ đã cho phép con, con rất cám ơn mẹ. Con biết vì chuyện hôn nhân của con, bấy lâu nay con đã làm mẹ phải buồn lòng. Con có lỗi với mẹ”.
“Mẹ không cần bắt lỗi con. Nhưng có điều, nếu nó về đây ở chung, nhà chật, phòng ốc không có, mẹ sẽ vào ngủ chung với con, còn cái phòng khách dành riêng cho mẹ bấy lâu nay, mẹ để cho nó, vậy như thế theo con có được không”.
Đáp như không đáp, cô Thu trả lời:
“Tùy mẹ”.
Đến trưa rồi chiều. Tối, cô bốc điện thoại để báo tin cho người cô yêu.
“Em đã thưa chuyện với mẹ. Mẹ ưng cho anh về ở chung nhà. Vậy là giải quyết xong”.
“Nghe em nói, anh rất vui. Từ đây trở đi, em và anh được gần nhau, không xa mặt, lòng khỏi nhớ”.
“Anh tính chừng nào có thể dọn về đây được”.
“Anh ở share, muốn ra lúc nào thì ra, chỉ cần nói một tiếng với ông bà chủ nhà và không đóng tiền thuê cho tháng tới là được. Cho anh hết tuần này anh sẽ tới ở với em”.
Từ buổi tối cô Thu gọi điện thoại cho người yêu tên Xuân biết, cô hết còn cau có với bà mẹ. Cơm bưng, nước rót, cô hầu hạ mẹ cô hết lòng không như trước đây, suốt ngày mặt cô nhăn khi mẹ cô hỏi cô về điều gì, chưa đến tối cô đã vào phòng nằm để mặc bà cụ ngồi một mình coi phim bộ.
Thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, qua ngày thứ sáu, mai là thứ bẩy, thì cô Thu có cảm tưởng như ngày mai là ngày cưới của mình. Mỗi lần nghĩ đến sự có mặt của người cô yêu trong ngôi nhà là một lần cô thấy trái tim cô như có tiếng chuông reo vui, tiếng hót của một bầy chim xôn xao trong khu vườn cây sau nhà.
Buổi sáng với mặt trời mọc và nắng như những tia lửa vàng lóe lên ở mé đằng Đông, thì trước đó, cô Thu đã thức sớm hơn cả bà mẹ. Vào bếp, cô chuẩn bị bữa ăn sáng cho mẹ của cô, cô nấu một nồi mì Quảng để dùng cho buổi trưa khi người yêu của cô dọn đến. Thì giờ còn lại, cô Thu lau chùi bụi bậm, xếp sắp đồ đạc cho gọn gàng, thay những tấm màn cửa cũ bằng những tấm màn cửa mới mà cô mua hôm qua ở Wal Mart. Công việc lặt vặt làm cô quên thời gian và ít sốt ruột trong lúc đợi Xuân đến.
Trưa. Đúng cái giờ được Xuân báo trước dọn tới, người yêu của cô đã đứng trước bực cửa thềm nhà. Đồ đạc chẳng có gì ngoài cái va li da xách tay. Thấy Thu cho biết nhà chật, cái giường cá nhân của Xuân đã được bỏ lại, không chở đến cũng vì lý do đó.
“Thưa mẹ. Đây là anh Xuân”.
Bà mẹ Thu đang ngồi ở cái ghế mắt coi TV, ngước nhìn lên, đầu gật gật thay cho lời nói.
“Con chào bác. Xuân vừa cười vừa nói. Bác khỏe ạ”.
“Cám ơn. Tôi khỏe cậu”.
Vài câu chào hỏi qua lại chỉ có thế, sau đó cả ba rơi vào im lặng. Không khí ở trong căn phòng vào buổi trưa đã thấy nóng, cộng vào đó cái không khí trong gia đình khi đón tiếp người lạ chẳng mấy được vui. Phải một hai ngày sau, bà mẹ thấy Xuân hiền lành, khéo nói chuyện, bà có cảm tình hơn trước. Đấy là niềm vui và niềm tin tưởng về đứa con rể chưa chính thức của mình.
Tối tối, bà mẹ vào phòng con gái ngủ, để cái giường ở phòng khách cho Xuân nằm. Rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy, khi nó trở thành một thói quen thì cả ba dường như đã không ai còn thấy phải bận tâm hay khó chịu gì nữa.
Cũng như mọi khi, bà mẹ thường ngồi coi phim bộ ở phòng khách, Xuân và Thu cũng ngồi ở phòng khách coi phim với mẹ cho vui không khí gia đình. Trời mỗi lúc mỗi khuya. Bà mẹ ngồi ghế thấy mỏi thì rời ghế để ngả lưng lên giường. Nằm một lúc, bà cụ chợp mắt rồi ngủ luôn. Ngủ lại còn ngáy nữa. Thường mọi khi, tối chủ nhật vào giờ này, Xuân có thói quen đi nằm sớm để sáng thức dậy tới hãng xưởng. Bữa nay quá giấc, Xuân thấy hai mắt đã nhíu lại, miệng ngáp ngắn ngáp dài.
“Anh buồn ngủ hả. Để em gọi mẹ dậy cho anh lấy giường nằm”.
“Mẹ đang ngủ say. Xuân tế nhị nói. Cứ để mẹ ngủ em đừng đánh thức mẹ dậy”.
“Không đánh thức mẹ dậy, chỗ đâu để anh nằm”.
“Chẳng sao. Anh ngồi ghế anh ngủ cũng được”.
Thu ngập ngừng một lúc rồi ấp úng nói:
“Hay là ... hay là ...”
“Hay là ...”
“Hay là anh vào ngủ trong phòng em đỡ vậy”.
“Ngủ thế e mẹ biết mẹ buồn”.
Thấy mặt Thu xụ xuống, Xuân cười cười bảo:
“Thôi cũng được”.
Tắt đèn và TV ở phòng ngoài, hai người vào phòng trong.
“Nếu có, em lấy cho anh mượn một tấm “drap”.
“Anh cần tấm “drap” để làm gì”.
“Để trải xuống chỗ trống này anh nằm”.
“Tại sao có giường anh không nằm lại phải bầy vẽ nhiều chuyện vậy”.
Thu bật cái đèn ngủ để ở đầu giường thay cho cái đèn trên trần đã được tắt. Nàng mở tủ quần áo lấy ra một bộ đồ cầm ở tay vừa nói:
“Nóng dễ sợ. Em có thói quen trước khi vào giường nằm, em phải tắm. Nếu anh buồn ngủ, anh cứ ngủ tự nhiên nhé”.
Nói rồi, Thu bước sang cái “bath room”. Sau đó, ở cái “bath room” có tiếng nước từ vòi nước chảy xuống. Tắm xong, Thu trở lại phòng ngủ, thấy Xuân vẫn ngồi ở cái ghế có lưng tựa, tay cầm tờ báo nhưng mắt đã nhắm nghiền.
“Buồn ngủ sao không lên giường ngủ, ai bắt tội anh ngồi ngủ gục như thế”.
Xuân không nói chỉ cười. Khi cả hai đã đặt lưng lên đệm nằm, ngọn đèn ngủ ở đầu giường đã tắt, căn phòng tối hẳn. Họ vẫn giữ được khoảng cách cho cả hai. Nhưng đến gần sáng, Thu chợt thức giấc, thấy trên ngực mình có bàn tay của Xuân đặt lên. Cái bàn tay đó lần bóc từng cái khuy áo của cái áo Thu mặc. Giống như một quả quít khi vỏ đã được lột trần, thì đấy là lúc những múi quít được Xuân bắt đầu ăn.
Đêm lần đầu ngủ chung giường với một người khác phái, Thu đã biết đàn ông họ làm như thế với đàn bà. Từ đó trở đi, lợi dụng những lúc mẹ coi TV rồi ngủ say ở phòng khách, những lúc mẹ theo mấy bà bạn rủ đi lễ chùa, thì nhà chỉ còn hai người, Thu Xuân lại như hai con rắn cuốn lấy nhau.
Tình trạng trai gái chưa chính thức lấy nhau lại ở chung nhà, bà của mẹ của Thu không nghĩ thì thôi, nghĩ thì héo hon lòng ruột. Vì thế, bữa cơm tối của một ngày cuối tuần, sau một lúc đắn đo suy nghĩ, vấn đề được bà buộc phải đưa ra:
“Hai đứa rồi ra cũng phải tính đến chuyện làm đám cưới chứ cứ thế này mãi được à. Họ hàng, bà con lối xóm, họ nhìn vào họ coi khi coi rẻ mẹ, mẹ chịu sao được”.
Xuân ngồi im, mắt đánh sang Thu. Biết phải nói cho mẹ rõ chuyện đã được hai người dự tính cả rồi, Thu bảo:
“Không phải tụi con không nghĩ tới, nhưng nghĩ tới trước mắt phải có tiền. Tổ chức một đám cưới, mẹ biết chi phí tốn kém bao nhiêu không?”
“Đám cưới lớn, khách đông, bàn đặt vài chục cái, cả mấy trăm người đến dự, thì cái hóa đơn chi trả tất phải nhiều. Đám cưới của tụi bay, mẹ ngồi tính sơ sơ, đếm mặt họ hàng thân thuộc, quá lắm cũng chỉ hơn ba chục người. Tổ chức ở tiệm ăn thay vì ở nhà hàng lớn, mẹ nghĩ không tốn là bao nhiêu. Tiền của tụi bay có, thiếu bao nhiêu, mẹ cho để bù vào liệu như thế có đủ không”.
“Đủ mẹ ạ”.
“Mẹ quên chưa tính người bên nhà trai. Thế bên nhà trai là bao nhiêu cả thẩy”.
Nghe mẹ Thu quay sang hỏi mình, Xuân nhanh nhẩu đáp:
“Thưa mẹ. Bên con, nhiều lắm cũng chỉ ba bốn người là cùng. Bố mẹ con ở Việt Nam. Đứng chủ hôn trong đám cưới, con có ông chú bà thím đại diện thôi mẹ ạ”.
“Hai đứa đã đồng ý chuyện cưới hỏi, để mẹ coi lịch xem ngày tốt ngày xấu rồi xúc tiến việc tổ chức tiệc tùng”.
Buổi tối đó, mọi việc bàn bạc được coi là xuôi xẻ, bà mẹ của Thu mát lòng mát ruột. Có lẽ vì mát lòng mát ruột, bà cụ lại quên cái chỗ nằm ở trong phòng nên ngả lưng ngủ say như chết ở cái giường của bà cụ, cho nên Xuân và Thu được một đêm ngủ ở phòng trong. Vừa ngả lưng xuống đệm, chuỗi khuy trên ngực của cái áo Thu mặc đã được bàn tay Xuân sờ tới, lần bóc từng nút một cho đến khi không còn cái khuy nào để bóc nữa, thì bàn tay đó biết việc gì phải làm.
Mới đấy mà ngày được coi là ngày cưới đã đến. Ở tiệm ăn, cô dâu, chú rể, bà mẹ cứ tíu tít bận rộn đi hết ba cái bàn có khách ngồi để chào hỏi, để giới thiệu và để nhận phong bì cùng những lời chúc trăm năm hạnh phúc cho đôi trai gái mới lấy nhau.
Cuộc vui nào cuối cùng rồi cũng có lúc tàn. Mười giờ đêm thì thực khách bắt đầu đứng dậy để kiếu về. Ở khu chung cư, trừ những ngọn đèn ngoài hành lang thắp sáng, ngoại trừ một hai căn phòng đèn còn để khi người trong nhà vẫn thức, còn hết thẩy các căn khác đã thấy tối đen. Bữa nay, bà mẹ biết cái giường ở phòng ngoài là giường của bà nằm, nên sau khi tắm rửa xong, bà ngả lưng xuống, và vì mệt, giấc ngủ đến với bà khá nhanh. Vẫn một tiếng ngáy theo nhịp thở ra và vào, tiếng ngáy cùng tiếng tích tách của quả lắc cái đồng hồ treo tường, cái trước cái sau, chúng đuổi bắt nhau cho kịp.
Đêm là đêm tân hôn. Đêm động phòng của cô dâu và chú rể. Thế nhưng, họ nằm trên giường, thì một đã xuôi tay xuôi cẳng nằm ngáy, một mặt xoay vào tường, cả hai chẳng ai buồn đụng chạm.
Vào đêm rằm, từ khung cửa sổ nhìn lên trời cao, lúc đó có một vầng trăng tròn và sáng, nom như một cái đĩa bạc, sáng cực sáng.